Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bản Thảo Bằng Đá

Chương 16

Tác giả: Luis Garcia Jambrina

Dù có nghi vấn, đối với Rojas vẫn khó có thể tin rằng một người rất chính trực và được đào tạo bài bản như Fernando de Roa lại có thể liên đới đến các vụ giết người đó. Tuy nhiên, Fernando de Roa có động cơ giết người và nhiệm vụ của Rojas là phải điều tra cho rõ. Trong trường, anh có nghe người ta bình luận rằng sau khi kết thúc tranh cử, giáo sư đi giảng lớp Triết học Luân lý như không có việc gì xảy ra. Do đó, anh đã lại gần để nghe ông giảng bài.

Trái với lệ thường, lớp học hầu như vắng học sinh. Chắc chắn, những sinh viên vắng mặt đã rời bỏ lớp học bởi không muốn gánh chịu nguy cơ cho rằng sự có mặt của họ có thể được coi là một hình thức ủng hộ. Tuy nhiên, đối với ông Roa, điều ấy hình như không có tác động gì, dường như ông đã đoán ra và có chuẩn bị trước. Khi kết thúc bài giảng, ông từ biệt học sinh và đợi họ đi ra. Rojas đứng chờ ông ở gần cái cột trong trường. Đấy là nơi các giảng viên theo thói quen thường tiếp sinh viên đến tham vấn và trả lời những thắc mắc của họ vì trong giờ học không thể ngừng lại giữa chừng.

– Hãy nói điều ta có thể giúp cậu? – Ông Roa hỏi Rojas không mấy hào hứng.

– Tôi tên là Fernando de Rojas, sinh viên luật, mặc dù cũng qua lớp y, chiêm tinh và một chút ít Thần học. Xin thưa với giáo sư rằng tôi rất lấy làm tiếc về điều đã xảy ra sáng nay.

– Ta cảm ơn cậu về lời chia buồn, nhưng vấn đề ấy không còn quan trọng nữa. Ta đã già rồi và bắt đầu phải làm quen với những việc này. Có phải cậu chính là anh chàng Rojas bị trục xuất ra khỏi trường San Bartolomé không?

– Tôi đã thấy tin tức lan rất nhanh.

– Kinh nghiệm cho ta thấy rằng những tin xấu luôn lan truyền nhanh hơn những tin tốt vì những tin tốt liên quan đến ít người, còn tin xấu thì dường như mọi người đều quan tâm. Ngoài ra, ta lấy làm mừng vì việc trục xuất không ảnh hưởng nhiều đến cậu.

– Cũng là một việc đã dự liệu đối với tôi. Đó là vấn đề thời gian như mọi người thường nói.

– Có việc gì ta có thể làm cho cậu không?

– Chỉ là tôi muốn hỏi giáo sư một vài điều thôi, không có gì đáng quan trọng. Nếu giáo sư thấy được, – Rojas gọi ý, – tôi có thể theo về nhà ông.

– Đối với ta, chưa phải là giờ để đi về nhà. Ta thường ăn tối ở một quán trọ gần đây, giữa nhà thờ Thánh Millan và cửa sông. Nếu cậu muốn, ta mời cậu đi ăn. Ta phải nói trước đó là một nơi không thoải mái lắm và không được vệ sinh sạch sẽ, nhưng thức ăn thì tuyệt và không thiếu người đồng hành tốt. Vào giờ này, quán ăn đã chật những thợ thủ công, nhà buôn và khách đi đường, một số ở vùng rất xa và ta rất thích nói chuyện với họ trong lúc ăn. Họ biết nhiều hơn về thế giới và cuộc sống so với chúng ta, những giảng viên của Học viện.

– Tôi sẽ hân hạnh nhận lời nếu như giáo sư cho phép tôi mời giáo sư.

– Ồ, không đâu, anh bạn ạ. Đối với chủ quán, ta như người nhà và không bao giờ cho phép làm như thế. Cậu sẽ có cơ hội mời ta ở một địa điểm khác.

Quán trọ nằm trên đường đến vùng San Juan del Alcazar, ở khu Do Thái cũ, và đã có lúc thuộc về một linh mục tên là Ruy Perez, ông này hiện nay vẫn được mọi người biết đến. Quán ăn nằm ở tầng một, phía bên kia vườn, bên trong bày vài bàn chữ nhật cùng một số ghế ngồi, vào giờ này không khí đã rất náo nhiệt. Khi trông thấy ông Roa xuất hiện phía ngoài cửa, họ đã dành sẵn chỗ cho ông tại một bàn ăn. Rojas quan sát thấy họ đối xử với ông bằng thái độ kính trọng và một chút nào đó ngưỡng mộ, nhưng không nhiều nghi lễ, thực sự như là đối với người trong gia đình. Ông giáo dạy Triết học Luân lý giới thiệu anh là sinh viên luật và nguyên là học sinh cũ của trường San Bartolomé, khiến tất cả mọi người rất đỗi tò mò.

– Như vậy, anh từng là học sinh của trường San Bartolomé, – một trong số những người ngồi cùng bàn nói với Rojas – Anh hẳn biết điều mà người ta đồn đại về các anh như là: Việc mà một giám mục không thể, nhưng một học sinh Bartolomé lại làm được; điều mà ngay cả vua cũng không biết, nhưng một học sinh Bartolomé lại biết.

– Tôi thừa nhận là chưa từng nghe điều ấy bao giờ, – Rojas bình luận – và tôi không phủ nhận rằng bản thân cảm thấy rất vui được các anh đánh giá cao về chúng tôi. Về tất cả các mặt, công lao không chỉ là của học sinh, mà cũng là của Học viện.

– Anh đừng cố giảm tầm quan trọng, – một người khác nói chen vào với giọng vùng Aragon. – Anh chắc biết câu ngạn ngữ: Nếu bạn không tài cán thì Salamanca chẳng giúp gì được(1).

Đúng lúc đó, chủ quán xuất hiện để chào mọi người và thông báo có những món ăn gì. Ông ta có cái bụng rất lớn, rất khó đi lại giữa các bàn mà không làm phiền ai. Tuy nhiên, giọng nói của ông lại rất lanh lợi.

– Rất tốt, ông bạn Roa đã có mặt ở đây! – Chủ quán nói thay cho lời chào. – Tôi thấy ông còn mang đến một người bạn mới ngồi cùng bàn. Tôi hy vọng anh ta thích các món nương của chúng tôi. Trong bếp, – ông thông báo – đang chuẩn bị món xúp pho mát và chim ngói rán.

Trước khi đi, chủ quán tiến lại gần rồi nói nhỏ với ông Roa, đủ để tránh cho Rojas không nghe thấy.

– Sáng nay có một người lạ đến tìm ông. Tôi nói với anh ta rằng ông sẽ sớm đến đây. Sau đó, anh ta đề nghị cho thuê một phòng vì cần nghỉ ngơi. Anh ta khẩn khoản bảo tôi nói với ông rằng sau khi ông ăn xong, hãy lên gặp anh ta.

– Được rồi, – ông Roa nói với chủ quán tỏ ra hiểu ý – Bây giờ, hãy mang nhanh cho chúng tôi cái gì đó để uống. Tối rất khát sau khi nói nhiều với mấy bức tường, vì đó chính là việc mà các nhà giáo chúng tôi thường làm trong lớp.

– Có gì mới trong phe đối lập sáng nay không? – Một nhà buôn vải, người vùng Bejar, hỏi ông Roa. – Ông ta được mệnh danh Mặt đỏ tía tai, không biết vì màu thuốc nhuộm ông ta dùng trong kinh doanh hay vì ông uống quá chén.

– Điều đã hình dung ra từ trước, – ông Roa bắt đầu nói – Tôi bị la ó, xúc phạm; còn kẻ thuộc dòng Thánh Domingo thì giành được hầu hết số phiếu.

– Nếu được vào đó, chúng tôi sẽ cho bọn khốn nạn ấy một trận xứng đáng.

– Những kẻ bất lương ấy muốn tất cả đều thuộc về chúng – một người khác thêm vào với một tràng cười – Chúng không chỉ bằng lòng với tâm hồn, mà muốn có cả của cải của chúng ta.

– Như cậu thấy đấy, – ông giáo Roa hướng về Rojas, – không có thứ gia vị nào tốt hơn cho một bữa ăn ngon bằng một cuộc chuyện trò thoải mái với bạn bè.

– Từ khi chúng lấy trộm chức Giáo sư Thần học của Ngài Pedro de Osma tội nghiệp thi chúng không muốn nhả ra nữa, do đó, chúng đã giết người. – Nhà buôn vải nhấn mạnh.

– Thực ra, sáng nay chúng cũng công khai đổ cho tôi đã giết cha Tomas de Santo Domingo.

– Dường như việc tố cáo trầm trọng ấy không xúc phạm tới giáo sư. – Rojas đưa ra lời bình như thể một người không muốn sự việc xảy ra.

– Sao ta lại cảm thấy bị xúc phạm chỉ vì lời nói của những kẻ đần độn do chúng chỉ muốn bào chữa một cách vụng về cho quyết định của chúng trao chức Giáo sư Thần học cho một kẻ không xứng đáng? Ở đây ta không phủ nhận rằng cái tin về thằng cha ngớ ngẩn ấy chết đã làm ta vui, nhưng tiếc thay, ta chỉ là người nói suông mà không là người hành động.

– Thế còn những học trò khác của Pedro de Osma thì sao? – Rojas hỏi.

– E rằng chỉ còn mỗi một mình ta mà lại không hoàn toàn trung thành.

– Điều ấy có nghĩa rằng, – Rojas kết luận – giáo sư là nghi can chủ chốt.

– Cậu biết điều mà nhân vật Medea trong bi kịch của Seneca đã nói: Cui prodest scelus, is fecit. Để dịch cho các bạn của chúng ta hiểu, điều đó có nghĩa là: Người có lợi từ tội ác chính là người gây tội. Bản án mà cậu còn nhớ rất rõ, đã khơi nguồn cho một câu hỏi nổi tiếng mà các vị thẩm phán La Mã luôn luôn đặt ra: Ai có được lợi? Và trước mắt mọi người, – ông giáo nói thêm bằng giọng nhượng bộ – đối với ta chẳng có lợi ích gì cả.

Trong khi mọi người khác đều cười và bình luận về điều vừa xảy ra thì Rojas và Roa nhìn thẳng vào mắt nhau. Cả nhà giáo lẫn anh học trò đều biết rằng hai người vờ như không hiểu điều mà sự thật họ biết về nhau. Và họ vẫn tiếp tục với hành động dối trá ấy, có thể với hy vọng rằng đối thủ sớm rơi vào cạm bẫy hay mắc một thiếu sót nào đó.

– Thế giáo sư nói gì về cái chết của Thái tử Juan? – Rojas bỗng nhiên hỏi lại.

– Cậu sẽ không đổ lỗi cho ta là đã giết ông ta chứ? – Ông Roa đáp lại với điệu bộ vờ như ngạc nhiên.

– Tôi thấy không có lý, – Rojas đưa ra khẳng định, – vì Thái tử chết do bệnh tật.

– Thế à, – ông Roa bào chữa, – đấy là điều mà người ta đồn đại.

– Họ còn nói rằng do những người cải đạo.

– Những điều ấy không có gì là mới cả. Người cải đạo bị đổ cho tất cả các tội, ông giáo nói với giọng chế giễu, bắt đầu là cái chết của Chúa Jesus.

– Theo giáo sư, vậy ai có lợi từ cái chết của Thái tử?

– Được thôi. Rõ ràng là rất nhiều người có thể mong muốn Thái tử Juan chết, nhưng với một kẻ, hơn ai hết, thì cái chết này rất đúng lúc.

– Một cái chết đúng lúc, giáo sư muốn nói gì vậy? – Rojas ngạc nhiên hỏi lại.

– Rất thích hợp như thế đấy, ông giáo giải thích. Đối với các vị Vua của chúng ta, đó là cái chết của hoàng tử Alfonso, con trai duy nhất của Vua Bồ Đào Nha Juan II, kết duyên với Công chúa Isabel, người vừa mới lấy chồng là Vua mới của Bồ Đào Nha, em họ của chồng trước. Người ta được biết, kẻ xấu số bị chết sau khi cưới vài tháng do bị trời giáng ngã ngựa trên đường đua. Cuộc sống của ông ta, dĩ nhiên, thật ngắn ngủi.

– Nhưng giáo sư định ám chỉ điều gì?

– Ta kiểm chứng thấy cậu không thông thạo về chính trị trong giới quyền quý. Điều có thể nhìn thấy là đám cưới của Công chúa vùng Castilla và Aragon(2) với người kế thừa ngai vàng Bồ Đào Nha đã được định trước vì lợi ích chính trị từ lúc họ còn nhỏ, nhưng sự thực thì các vị Vua của chúng ta không ưng, vì người thừa kế của họ là Thái tử Juan lúc ấy còn rất bé và sức khỏe tương đối kém. Từ đấy, họ dùng tất cả các mưu mẹo ngoại giao và lập luận pháp lý để ra sức trì hoãn đám cưới. Tuy nhiên, cuối cùng đám cưới vừa được tổ chức vào năm 1490 thì năm sau, con ngựa của Ngài Alfonso không may vấp phải hòn đá trên đường, làm cho quý bà Isabel goá bụa và vương quốc Bồ Đào Nha không có người nối dõi.

– Với sự tôn trọng vốn có, tôi cần phải nói rằng điều giáo sư ám chỉ là vô lý, – Rojas lên tiếng phản bác, – vì chính giáo sư vẫn còn nhớ là sau sáu năm goá bụa, cách đây mấy tuần, Công chúa vừa kết hôn lại với Vua đương triều của Bồ Đào Nha.

– Anh bạn Rojas ạ, lý giải cho điều này là lúc ấy đã không còn trở ngại nào đối với các vị Vua của chúng ta vì sức khỏe của Thái tử Juan đã có nhiều tiến triển sau khi vượt qua một số bệnh tật và Ngài vừa cưới Công chúa Margarita của nước Áo, và do vậy việc truyền ngôi dường như được bảo đảm chắc chắn. Tiếc thay, chỉ trong vài ngày, sự việc đã diễn tiến theo hướng hoàn toàn khác, vô phương cứu chữa.

– Giáo sư có thể nói rõ hơn được không?

– Cậu không cảm thấy nghi ngờ khi Thái tử chết chỉ ít ngày sau đám cưới của chị cả của Thái tử với Vua Bồ Đào Nha à? Kết quả cho thấy vợ của Vua Bồ Đào Nha hiện tại là Công chúa vùng Asturias và do vậy sẽ là người kế thừa duy nhất của Castilla và Aragon. Với điều này, chỉ trong một số năm nữa, nếu Chúa không ngăn được, thì chúng ta sẽ có một vị vua người Bồ Đào Nha. Như vậy, không khó gì để biết ai là người có lợi từ cái chết của Thái tử Juan. Ngay cả ở Bồ Đào Nha, người ta đã bắt đầu châm biếm gọi ông ta là Manuel I, con người may mắn.

Giả thiết của ông giáo Roa hấp dẫn, nhưng không thuyết phục được Rojas. Có thể chỉ là một mưu kế do ông giáo nghĩ ra để xì hơi những đồn đại, nghi ngờ về ông. Dù sao chăng nữa, anh cũng nên để tâm tới nó, mặc dù chỉ là một điểm của việc điều tra.

– Nhưng giáo sư không đối lập với Thái tử mà? – Rojas hỏi ông Roa.

– Tất cả những người biết ta, họ đều thừa biết ta không có chút cảm tình nào với Thái tử vì đó là một người yếu kém về thể lực và tính cách. Và do vậy, theo quan niệm của Aristotle, ông ta sẽ không thể trở thành một vị vua tốt. Tuy nhiên, trong tình huống hiện nay, khi chúng ta chưa thể bỏ phiếu để chọn người ké vị ngai vàng, cần phải xem Thái tử, mặc dù xấu nhưng vẫn còn có thể chấp nhận được, một người mà khi thời cơ đến, có thể dễ dàng bị lật đổ và thay thế bằng một người khác.

– Sao giáo sư lại có quan niệm thấp kém về người mà tất cả chúng ta phải chào như bậc thánh sống, người trị vì tương lai của Castilla?

– Trái với điều nhiều người vẫn đồn đại, ta không tin rằng Thái tử là một người có tư duy sáng suốt, cũng không phải là người có trách nhiệm, mà chỉ là đứa trẻ hư, thiếu dạy dỗ và được cưng chiều. Và hậu quả là đã trở thành người ích kỷ, kiêu căng và tuỳ tiện, ngoài ra còn rất khó tính và thiếu ý chí về quá trình học tập của Thái tử, ta sẽ kể cho cậu nghe một chuyện rất lý thú. Cách đây hai năm có một người đi từ Nuremberg đến quán trọ này, đó là một bác sĩ với tên gọi Jeronimo Munzer. Người này kể với chúng ta rằng mấy ngày trước đó được vòi vào cung nên được biết đến Thái tử Juan. Người ta nói với anh ta rằng người thừa kế ngai vàng rất giỏi về thuật hùng biện và ngữ pháp, khiến mọi người cảm thấy tuyệt vời mỗi khi tiếp xúc với Ngài. Và do không nói được ngôn ngữ của chúng ta nên anh ta đã lại gần Thái tử và hỏi một số câu bằng tiếng La tinh, còn Thái tử vờ như chú ý lắng nghe. Nhưng đến lúc trả lời, Ngài lại cho người hầu đến nói chuyện thay Ngài và người hầu đã vâng lời thực hiện một cách lịch sự và trân trọng. Lý do mà họ giải thích với vị khách của chúng ta nhằm biện minh cho cách xử thế của Thái tử là Ngài bị đau lưỡi và đau môi dưới nên khó phát âm rõ và đúng; và vị khách không hề nghi ngờ. Nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng căn bệnh đã ảnh hưởng đến đầu và trái tim của Thái tử rồi.

– Thế nhưng, cách đây vài năm, tôi đã có dịp vào cung gặp Thái tử và mọi người đều chứng kiến sự thông minh của Ngài, thậm chí nhà giáo Pedro Martir de Angleria nhận xét Ngài nói tiếng La tinh rất tốt. Thực ra, chính vì sự thông minh, chín chắn và sáng suốt trong tư duy nên vào lúc ấy người ta gọi Ngài là uyên bác(3).

– Cậu định đề cập đến một ông cụ non ở tuổi mười bốn và một ông già lọm khọm ở tuổi mười chín à. Cuộc sống quá chóng vánh đối với Ngài và dường như Ngài bị bạc mệnh phải chết trẻ. Mặt khác, ta cũng không nghĩ rằng Ngài là kẻ xấu.

– Tuy nhiên, Thái tử tỏ ra, – Rojas cố giải thích rõ, – căm thù người Do Thái và người cải đạo.

– Thế cậu chờ đợi gì ở một hoàng tử của… các vị Vua Thiên Chúa giáo, một người được bú mớm lòng căm thù từ lúc còn nhỏ; còn chưa kể được đào tạo bải cha cố dòng Thánh Domingo và không thể tự bảo vệ được mình do quá yếu kém.

– Tôi công nhận điều giáo sư vừa nói có chút cơ sở, Rojas thừa nhận, nhưng chúng ta hãy đi sâu vào vấn đề, về câu hỏi ai được lợi từ vụ giết người.

– Về điều ấy, ta vừa đưa ra lời giải thích cho cậu rồi. Ta cũng phải thừa nhận mình bị cuốn hút bởi vấn đề đó.

– Điều bây giờ tôi muốn biết là, – Rojas khẳng định – sẽ ra sao nếu giả thiết rằng một số người, vì những lý do khác nhau, được lợi trong vụ này?

– Trường hợp như vậy sẽ có thêm người bị nghi vấn, sự việc sẽ phức tạp hơn một chút, nhưng ít nhất số tội phạm sẽ giảm xuống. Cái tệ hại trong cuộc sống, anh bạn Rojas thân mến, là nó luôn phức tạp hơn điều đã được dạy trong sách vở và đề cập trong luật lệ.

– Thế còn sự trả thù, chúng ta có thể coi như một lợi ích? – Rojas hỏi lại.

– Tất nhiên, điều này sẽ làm hài lòng kẻ thực hiện.

– Thế sẽ ra sao nếu ai đó trả tiền hay ép buộc người khác phạm tội?

– Câu hỏi ai được lợi trong vụ giết người sẽ giúp chúng ta tìm ra kẻ kích động. Việc này luôn là điều khó nhất, hơn cả việc phát hiện ra kẻ thực hiện vì có thể người đó chẳng liên quan gì đến nạn nhân; nhưng nếu tìm ra được một đối tượng thì sẽ dễ phát hiện ra kẻ tiếp theo. Còn bây giờ, nếu cậu đồng ý thì hãy kết thúc món xúp đi, kẻo làm chủ quán giận đấy. Giờ chúng ta hãy nghe các vị này, – ông giáo nói thêm, – tay chỉ về phía những người ngồi cùng bàn, họ luôn có chuyện hay cần kể mà.

Có quá nhiều câu hỏi mà Rojas muốn đề cập với ông giáo, nhưng anh không muốn người khác thấy mình nóng ruột và bất nhã. Thế là anh bắt đầu ăn món xúp pho mát. Cô con gái chủ quán đã mang đến món xúp trong một nồi đất nung, hơi còn bay nghi ngút, để họ tự múc. Do là khách mới đến nên anh học trò trường Bartolomé được ưu tiên phục vụ đầu tiên. Món xúp đặc quánh đến mức họ có thể cắm cái thìa vào nồi xúp mà không đổ. Nhưng sau khi nếm thử, Rojas phải thừa nhận đó là món xúp ngon nhất trần đời mà anh được ăn. Rojas không thuộc loại người sống vì ăn, nhưng anh cũng biết thưởng thức các món ngon khi ăn, mặc dù đầu óc anh đang để ở nơi khác vào thời điểm ấy. Trong khi cảm nhận được hơi ấm đang ngấm dần vào cơ bắp, anh nghe những người ngồi cùng bàn bình luận về một số sự kiện xảy ra trong thành phố: nước sông dâng cao, có nguy cơ bị vỡ đê; thuế má gia tăng để chỉ cho những chiến dịch mới của các vị Vua, những chỉ phí tốn kém do Thái tử đến thăm và cái chết của Ngài gây ra; một số phụ nữ bị bắt giữ do vài thành viên đại gia đình Ban Thánh lễ cáo buộc là phù thuỷ… Tới lúc món chim ngói rán với hương liệu đặc biệt, bất ngờ được mang ra, mọi người phấn chấn hẳn lên.

– Không có thứ gia vị nào tốt hơn để nói chuyện vui vẻ với bạn bè bằng một bữa ăn ngon, cậu thấy đúng không? – Ông giáo Roa nói với anh bằng cái nháy mắt đồng loã.

Đến lúc hoa quả và bánh ngọt được mang ra thì tất cả chỉ còn là những trận cười, đùa cợt và những bài hát nghêu ngao. Những bình rượu cứ voi đi, nhanh đến mức cô gái không có thời gian để lấy bình rượu mới. Đột nhiên, người có tuổi nhất trong những người cùng ăn, được mệnh danh Mặt đỏ tía tai, nâng ly lên nói:

– Ít có thứ gì quý như rượu vì vào buổi tối mùa đông, không có gì làm nóng giường đệm bằng uống hai bình rượu này và khi đi nằm, không còn cảm thấy lạnh lẽo trong cả đêm. uống bình rượu này, tôi may tất cả quần áo của mình để đón lễ Noel. Rượu hâm nóng bầu nhiệt huyết trong tôi và duy trì sự sống của tôi. Rượu luôn làm tôi vui và giữ cho tôi trẻ khỏe. Khi tôi có thừa rượu trong nhà thì không bao giờ e ngại một năm xấu, và chỉ một lát bánh mì cũng đủ nuôi sống tôi trong ba ngày. Rượu làm dịu nỗi buồn của con tim hơn cả vàng và hổ phách. Rượu làm gia tăng nỗ lực cho chàng trai trẻ và sức lực cho người già, tạo thêm sắc màu cho làn da tái ngắt, ban lòng dũng cảm cho kẻ hèn nhát, tăng sự khẩn trương cho người yếu đuối, tiếp thêm sức lực cho trí óc, làm tiêu tan sự lạnh lẽo của dạ dày, khử đi mùi hôi của hơi thở, làm cái rét đậm hơn, tạo cho người gặt hái mệt nhọc có được thú vui tiếp tục công việc đồng áng, buộc nước bẩn phải chảy mồ hôi, chữa khỏi sổ mũi và đau răng… và có thể thêm nhiều công dụng nữa. Nó chỉ có mỗi một tỳ vét: rượu tốt thì đắt tiền mà rượu xấu thì hại sức khỏe. Như vậy, cái tốt cho gan thì hại tới túi tiền.

Cả một loạt những lời ngợi ca công dụng của rượu khiến những người có mặt cười vui thoải mái. Nhờ thế, mọi lo lắng của Rojas cứ lùi xa dần vào một thế giới không có chút liên quan gì đến thế giới hiện tại và mở đầu bằng một cuộc mạn đàm căng thẳng về các đề tài nghiêm trọng, nhưng lại kết thúc bằng cuộc liên hoan vui vẻ. Cuối cùng, chủ quán, với gương mặt rầu rĩ, buộc lòng tuyên bố rượu đựng trong thùng gỗ đã cạn hết và tới chiều mới có người đem lại. Dường như đấy cũng là tín hiệu thích hợp để tất cả mọi người đứng dậy đi nghỉ trưa, chỉ trừ ông giáo Roa ở lại sau vì còn phải đi gặp người lạ mặt bí ẩn.

Rojas cũng không muốn rời đi quá xa. Thế nên anh nấp sau cánh cửa nhà thờ Thánh Millan. Từ chỗ ấy, anh có thể nhìn thấy rõ lối vào quán trọ. Anh rất tò mò muốn biết người lạ mặt là ai và theo dõi sát bước chân của Roa khi ông ra. Trong khi chờ đợi, anh bắt đầu suy nghĩ về giả thiết cái chết của Thái tử do ông giáo đưa ra trong bữa ăn. Lúc đầu, rượu không để anh suy nghĩ mạch lạc, nhưng bây giờ khi đã bắt đầu tỉnh táo trở lại, anh bắt đầu nghi rằng có thể Hilario nói đúng và điều duy nhất mà ông giáo muốn là làm anh phân tâm và chệch hướng điều tra. Lập luận của ông Roa cũng không phải là không có lý.

Vấn đề là cái chết của cha Tomas được đặt như thế nào trong cả khung cảnh ấy. Về cái chết này, ông giáo hạn chế khi cố gắng tuyên bố mình vô tội mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích hay một giả thiết nào. Và sự thật là cái chết của cha Tomas không đem đến cho ông Roa lợi lộc gì. Vậy ai là người được lợi trong cái chết đầu tiên ấy? Lẽ dĩ nhiên, không phải Vua Bồ Đào Nha.

Ngay lúc ấy, Rojas nhìn thấy Fernando de Roa ra khỏi quán trọ, đi cùng một người lạ mặt. Từ nơi nấp, anh không thể nhìn thấy mặt của người ấy. Đó là một người cao như ông Roa và nếu quan sát quần áo ông ta đang mặc thì giống một người nước ngoài. Khi nhìn theo hướng họ đi, Rojas rời ngay chỗ nấp và men theo mái hiên của nhà thờ để tiếp tục theo dõi.

– Rojas, anh bạn thân mến! – Ai đó gọi sau lưng anh lúc ấy nhằm thu hút sự chú ý của Rojas.

Ngạc nhiên, anh quay lại thì thấy đó là cha Antonio. Với ngón tay để ngang trên môi, anh cầu xin cha hãy im lặng, đồng thời đẩy cha quay vào tường để tránh bị hai người kia phát hiện ra vì họ cũng quay đầu lại khi nghe thấy tiếng kêu.

– Ta rất mừng được gặp con. – cha Antonio thì thầm.

– Xin cha hãy im lặng, – Rojas bắt đầu nói, – nhưng cũng chẳng để làm gì nữa, cha đã làm con mồi của con chạy rồi.

– Con đang theo dõi ai? Có muốn cha đi cùng không?

– Bây giờ họ đã được báo động, con nghĩ là không còn tác dụng nữa.

– Hãy tin là cha rất lấy làm tiếc, – cha Antonio xin lỗi.

– Xin cha đừng băn khoăn, con cũng không còn truy đuổi nữa.

– Cha cũng đã biết về sự việc sáng nay và chuyện xảy ra với con, ý cha là vụ việc ở trường Cao đẳng. Thực ra, cha cũng đang trải qua thời kỳ không tốt lắm. Cha bề trên đã ra lệnh phá trụi tất cả các cây trồng của cha, không chỉ riêng cây thuốc lá mà còn gồm các cây có thể ăn được, với các cây quả củ ấy, cha hy vọng sẽ là phương tiện cứu đói cho thành phố này và có thể cho cả vương quốc nữa. Và điều tồi tệ hơn cả là họ đã đốt sạch các hạt giống và những lá thuốc yêu quý của ta đã phơi khô. Họ không để cho ta lấy một lời an ủi. Con không thể đoán được điều Cha bề trên đã nói với ta đâu. “Ngươi rất may mắn vì ta không tố cáo với Toà Công giáo rằng ngươi có quan hệ với Quỷ sứ”. Con hiểu không?

– Cuối cùng, điều chúng ta lo ngại nhất đã xảy ra, – Rojas lên tiếng – Những người anh em của cha bị ám ảnh đến mức họ phải đốt tất cả những gì mà họ không thích vì khi nhìn thấy khói thuốc bay ra, họ luôn nghĩ đến Quỷ sứ. Về các hạt giống, cha đừng lo, chúng ta sẽ viết thư cho Columbus để ông ta gửi thêm cho cha.

– Con nói đến Columbus à? Ông ta cũng có nhiều rắc rối riêng. Ta được nghe giờ đây các vị Vua muốn cướp của ông ta một số quyền đã được thoả thuận trong Hiệp ước Santa Fe. Đối với Columbus, ông ấy đã cống hiến cả cuộc đời, tài năng và của cải vào dự án ấy đấy. Chúng ta đang sống trong thời điểm nghiệt ngã, Rojas thân mến, thời điểm không có sự khoan dung và luôn bị cướp giật.

– Thôi mà cha, nếu không họ sẽ tống chúng ta vào nhà tù mọt kiếp.

– Còn hơn là ở trong một tu viện mà người ta truy đuổi tất cả những gì mới mẻ. Nhưng con có lý, chúng ta không nên cho họ tuỳ ý muốn làm gì chúng ta thì làm một cách quá dễ dàng. Ở ngoài kia họ đang đồn rằng quyết toán cho chỉ phí ở Salamanca về việc đón tiếp, phục vụ, chữa bệnh, chôn cất tạm thời, ma chay, tang lễ và di chuyển linh cữu của Thái tử tới Avila, là rất lớn dài đến hàng trăm trang giấy. Theo như lời họ khẳng định với ta, chỉ riêng bằng tiền mua rìu và sáp nến, Hội đồng thành phố có thể nuôi sống hàng chục gia đình trong cả năm. Và người ta kể rằng để sản xuất nến, phải tập trung lượng sáp không những của thành phố mà còn của cả Medina del Campo, Arevalo, Avila, Segovia và Thánh Maria la Real de Nieva, tổng cộng khoảng sáu mươi arroba(4). Nếu đúng như vậy, vào lúc này, họ đã phải vét sạch tất cả các tổ ong trong vương quốc để lấy sáp. Và điều tệ hại nhất là ở Salamanca hầu như không còn nến để thắp sáng. Như vậy, có thể nói rằng cái chết của Thái tử đã để lại cho chúng ta bóng tối và không còn một đồng bạc kẽm. Nhưng, con đang nghe ta chứ?

– Con đang nghe, vâng, con đang nghe. – Rojas sốt ruột trả lời.

– Sao con chẳng nói gì cả…

– Thế cha muốn con nói gì nếu như cha đã nói tất cả rồi? Dù sao, xin cha thứ lỗi vì con có chút công chuyện. Chúa phù hộ cho cha.

– Con hãy đi cùng Chúa vì con cần tới Người hơn ta.

Chú thích

(1) Dịch từ tiếng La tinh: Quod natura non dat Salmantica non praestat.

(2) Từ năm 1479, Castilla và Aragon thống nhất thành Tây Ban Nha ngày nay.

(3) Dịch từ tiếng La tinh: puer senex.

(4) Đơn vị đo trọng lượng, tương đương 11,5 kg.

Bình luận