Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bản Thảo Bằng Đá

Chương 17

Tác giả: Luis Garcia Jambrina

Ngày hôm sau, vào lúc sáng sớm tinh mơ, Rojas bị người phụ trách khu trọ đánh thức với tiếng gõ cửa rất mạnh và tiếng gọi “Dậy đi, đồ lười, trường học đã mở cửa rồi”. Sau khi rửa mặt bằng một xô nước lạnh đặt ở cạnh giếng và ngồi trên một chiếc ghế đá trong vườn để ăn mẩu bánh mỳ khô cùng quả táo, anh quyết định đi một vòng quanh trường Đại học. Một trong những việc anh muốn biết là tìm hiểu trạng thái tinh thần các sinh viên ra sao sau cuộc bầu giáo viên. Lúc ra tới đường, anh gặp Hilario, người đẫm mồ hôi và thở hổn hển, với những tin mới.

– May quá gặp được anh, – Hilario bắt đầu nói – Hình như có một số sinh viên đã dậy từ rất sớm, tôi không rõ họ đi đến lớp hay từ quán rượu về và họ đã gặp một bất ngờ không mấy thú vị ở giếng phun nước gần cửa sông. Theo họ kể với tôi, một trong số họ lại gần để uống và lúc cúi đầu xuống dưới ống nước thì phát hiện ra cái bụng trương phình của một phụ nữ nổi giữa đống rong rêu ở dưới đáy giếng. Một lúc sau, vài người gan dạ vớt được phụ nữ đó lên thì thấy đó là một cô gái trẻ, hoàn toàn trần truồng. Một trong số những người có mặt bình luận là có biết cô ta từ những lần anh ta đi thăm nhà chứa và nói thêm là đã lâu không nhìn thấy cô ta ở đấy.

– Anh tin đó có thể là cô ta à? – Rojas quan tâm hỏi.

– Có thể như thế, – Hilario đáp – Vì vậy, tôi đến tìm anh. Họ nói với tôi là những sinh viên y khoa tìm thấy và mang cô ta đến Bệnh viện Thực hành để thầy giáo Nicola khám nghiệm.

– Nếu như vậy, tôi cần phải đi gấp, – Rojas nói – Anh không cần phải đi cùng tôi. Tốt hơn là tôi đi một mình.

Ở Học viện Tổng hợp Salamanca, người ta chú trọng giải cứu linh hồn hơn là chữa chạy cho thân thể. Môn giải phẫu chỉ được học duy nhất qua sách của Galeno và Avicena, không qua thực tập gì. Tuy nhiên, có một thầy giáo, Nicola Famese, người vùng Tosca, muốn cho học sinh của mình được nhìn tận mắt thấy sự việc. Vào những lúc có thể, ông luôn mời sinh viên dự lớp thực hành mổ xẻ. Điều tệ nhất để làm việc này là cần thực hiện thận trọng và phải tìm được một tử thi thích hợp. Cũng may, thỉnh thoảng bệnh viện lại có được, một cách bí ẩn, xác của người bị hành hình, người ăn xin nào đó chết không nơi nương tựa hay một kẻ lạ mặt chết trong đống phân rác. Như vậy, cần phải tiến hành việc mổ xẻ càng sớm càng tốt.

Chính Rojas đã hơn một lần dự những ca giải phẫu như thế này. Bệnh viện nằm ở đầu ngõ cụt nối giữa trường Trẻ lớn với trường Trẻ nhỏ, ở chính nơi trước kia là khu Midras hay là Nhà nghiên cứu của một bà người Do Thái đã mất. Thông thường việc mổ xẻ được tiến hành trên một cái bệ đang xây dở do còn thiếu kinh phí. Và thế là Rojas đi đến nơi đó.

Ngoài cửa phòng, một học sinh đứng gác để theo dõi hành lang và ngăn không cho người lạ vào.

– Anh là sinh viên y khoa à? – Cậu học sinh hỏi Rojas khi nhìn thấy anh.

– Tôi đã qua hai năm học. Tôi vừa được biết giáo sư Nicola sẽ tiến hành mổ xẻ và…

– Được rồi, anh có thể vào, nhưng hãy đưa tôi một đồng bạc để chi phí – Anh ta đề cập việc trả tiền cho những người đã mang xác tới.

– Đây, cậu cầm lấy! – Rojas vừa nói vừa đưa một đồng maravedi.

Căn phòng rộng rãi và ánh sáng lọt vào phòng qua lỗ hổng lớn ở trên trần vì họ vẫn chưa lắp xong các tấm lợp. Ở giữa phòng là vị giáo sư cùng với khoảng hai mươi sinh viên ngồi xung quanh một cái bàn, trên đặt xác tử thi. Rojas tiến vào, kiếm được một chỗ trống trong đó, từ đấy có thể nhìn rõ cô gái. Lẽ dĩ nhiên, cô gái phù hợp với sự miêu tả của Rosa.

Ở phía bên kia bàn, Nicola Farnese đã sẵn sàng cầm dao giải phẫu cắt rạch lên tử thi mà đối với ông chỉ là cái xác vô danh. Với con dao sắc nhọn, ông rạch trên ngực của cô gái theo hình chữ T, từ điểm này tới điểm kia phía trên của phần vú, và từ yết hầu tới đầu phần bụng. Cuối cùng, khi kết thúc, ông phanh ra y như một cuốn sách để mọi người thấy bên trong. Sau khi dùng cưa cắt một vài xương sườn, ông moi quả tim và phổi ra.

– Một số đã dự với tôi vài cuộc giải phẫu, – ông giáo bắt đầu giảng giải – Hãy nhìn kỹ trạng thái của một số bộ phận quan trọng của cô gái này. Nhìn qua đó, ai có thể nói cho tôi là cô ta chết như thế nào?

– Tôi có thể nói rằng cô ta chết đuối, sau một phút im lặng và không hề cất cao giọng, – Rojas mạnh bạo đưa ra nhận xét.

– Được, tất cả chúng ta đều biết cô ta được vớt từ dưới đáy giếng lên, đúng không? Nhưng, cậu có thể cho tôi biết một vài nguyên nhân được không?

Lời bình của vị giáo sư đã khiến một số sinh viên cười ồ lên; tuy nhiên, Rojas không hề sợ hãi.

– Tôi nghĩ rằng phổi cô ta chứa đầy nước, anh giải thích; do đó kích thước trương phồng rất lớn.

– Đúng như vậy, – ông Farnese khẳng định vẻ hài lòng – Nếu cô ta chết trước khi bị dìm xuống nước thì phổi không bị trương phồng, có màu sáng và xốp như thế, có đúng không?

– Như vậy rất có lý! – Rojas thừa nhận.

– Cũng không có, – ông giáo Nicola nói thêm – lớp bọt mỏng này phủ lên trên. Thế cậu có nghĩ, – ông hỏi lại với sự quan tâm đặc biệt, – rằng họ dìm cô ta hay cô ta bị chết đuối một cách tình cờ?

– Thực ra, rất khó bị chết đuối một cách tình cờ dưới bệ giếng, trừ phi, ví dụ như nạn nhân bị say rượu.

– Đó là sự thật. Giờ đây, tôi là người phạm tội thật thà.

– Vậy, tôi có thể nhìn lướt qua cô ta được không? – Rojas đề nghị.

– Dĩ nhiên, vào xem đi. Đừng e ngại.

Sau khi vào gần bàn, Rojas cúi xuống vờ nhìn vào miệng của cô gái trong khi vị giáo sư lại tò mò quan sát anh. Như đã dự đoán, bên trong mồm có một đồng bạc kẽm, nhưng lần này ở dưới lưỡi, có thể để khỏi rơi mất. Rất nhanh, anh quan sát mặt cô ta, nhưng không thấy có vết đánh dấu ở má trái; cũng không có vết ấy ở vai, cổ, cánh tay…

– Tôi chắc rằng có người giết cô ta! – Rojas khẳng định.

– Cậu có thể giải thích cho chúng tôi được không? – Ông Farnese đề nghị.

– Nếu như nhìn và quan sát kỹ, – Rojas vừa nói vừa chỉ tay về phía vai và cổ của cô gái, – ở đây có những vết cho chúng ta thấy ai đó đã dìm cô ta xuống giếng và giữ cô ta sặc nước cho tới lúc chết. Những cú đánh với vết thương ở lưng, cánh tay và đùi cho chúng ta thấy là cô ta cố tự bảo vệ và giẫy giụa cho tới khi chết.

– Giỏi, cậu bạn sáng giá, – mặc dù nói tiếng Tây Ban Nha rất chuẩn, nhưng đôi khi ông Farnese dùng một vài từ vùng Tosca để không quên gốc gác – ta thấy ngoài khả năng quan sát, cậu còn có trực quan rất tốt.

– Không phải thành tích của tôi, mà là của giáo sư. – Rojas đáp lại – Dù ít hay nhiều, những điều mà tôi biết về khoa giải phẫu đều học từ bài giảng của giáo sư. Đây không phải lần đầu tôi dự một lớp mổ xẻ.

– Ta rất vui được nghe điều ấy, và nhất là được chứng kiến thái độ khiêm tốn cho dù vốn hiểu biết của cậu rất khá, điều mà ta rất lấy làm tự hào vì đó là một sự ưu ái lớn đối với ta có được một học trò như cậu. Chỉ thêm một câu hỏi nữa thôi, cậu có thấy lạ không khi kẻ sát nhân để xác nạn nhân dưới đáy giếng mà không cô che đậy hay làm biến dạng cái xác nhằm khi có người phát hiện ra thì cũng không biết đấy là ai?

– Rất có thể đấy là điều chúng muốn, rằng người ta phát hiện và nhận ra cái xác ấy. Nhưng để biết có thật không, chúng ta phải hỏi kẻ đã giết cô ta. Bây giờ, nếu giáo sư cho phép, tôi phải vắng mặt.

– Cậu không ở lại dự nốt phần mổ xẻ à? Ta tranh thủ để giảng về cấu thành và hoạt động của một số bộ phận cơ thể.

– Rất tiếc, tôi còn một số việc phải làm.

– Vậy, tạm biệt. Ta hy vọng gặp lại cậu dự lớp của mình. Ta nghĩ cậu có thể giúp ta nhiều trong việc mổ xẻ.

Trong khi tìm lối ra, Rojas nghĩ rằng điều hợp lý nhất là phải ở lại tới lúc cuối cùng, mặc dù chỉ để tránh gây nghi ngờ, thế nhưng anh không thể chịu nổi cái xác của cô gái ấy bị phanh ra lâu hơn được nữa. Giờ đây, không có gì có thể giúp anh trấn an trong một ý tưởng rằng cuối cùng cô ta chính là người anh cần tìm gặp bởi tất cả các dấu hiệu cho thấy cô ta đã tham gia vào việc ám sát Thái tử. Và vì vậy, cô ta chính là đồng loã của kẻ sau đó lại giết cô ta như xử một tên phản bội sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Rõ ràng, cũng có thể xảy ra khả năng là cô ta vô tội, bị ai đó bắt buộc hay bị lừa làm việc ấy. Trong trường hợp đó, tên tội phạm đã giết cô ta do sợ bị cô ta tố cáo hay chỉ đơn giản là rũ bỏ vì cô ta không còn cần thiết và có thể trở thành nhân chứng khó chịu. Dù thế nào chăng nữa, sớm hay muộn, anh sẽ phải đương đầu với một kẻ tội phạm không một chút lương tâm.

Khi ra tới đường, Rojas cảm thấy buồn nôn. Anh rời cánh cửa và dùng hai tay vịn vào tường rồi cúi gập người lên phía trước để nôn. Nhưng không có gì cả, như thể khô không khốc. Khi đã bình tâm hơn, anh sải bước chân dài và bắt đầu rời khỏi bệnh viện. Anh cần trốn khỏi nơi ấy, nói chuyện với ai đó mang lại cho anh một chút bình tĩnh hơn. Không biết mình đang làm gì, bước chân đã xui đẩy dẫn anh tới khu nhà chứa. Anh nhận ra điều đó khi đã đứng ở trước cửa, mà vào giờ này được đóng chặt. Anh kiên trì gọi cho tới khi một phụ nữ ngó ra từ một trong những ô cửa sổ tầng trên.

– Ông có thể cho biết muốn gì? Nhà chứa đã đóng cửa rồi.

– Tôi cần nói chuyện với Sabela.

– Sabela đã đi ngủ rồi và giờ không phải lúc nói chuyện với bất cứ ai. Ở nhà chứa này, người ta làm việc quá muộn rồi.

– Cô làm ơn gọi cho cô ta. Là một việc rất khẩn cấp, hãy nói tôi là Fernando de Rojas.

– Fernando gì nhỉ? – Cô gái kêu lên.

– De Rojas, cô ta biết tôi là ai.

Một lúc sau, chính Sabela là người mở cửa đưa Rojas vào sân. Cô gái xuống dưới vẫn mặc áo ngủ, với mái tóc xoã và cái nhìn xanh xao.

– Anh mang gì đến đây thế? – Cô gái hỏi Rojas với giọng nhỏ nhẹ.

– Người ta tìm thấy Alicia đã chết, dưới đáy giếng ở gần cửa sông.

– Cầu Chúa! cô gái kêu lên trong khi tay làm dấu thánh. Chị ấy chết như thế nào vậy anh?

– Chính thức thì chưa biết, nhưng anh đã nhìn thấy cô ta ở Bệnh viện Thực hành và anh có thể dám chắc là cô ta bị dìm chết.

– Bị dìm chết? Nhưng tại sao vậy?

– Bây giờ điều đó không quan trọng. Anh đề nghị em hãy cẩn trọng và luôn mở to mắt cảnh giác. Anh không muốn báo động em, nhưng kẻ giết người có thể sẽ đến đây.

– Chúa ơi, em phải thông báo cho Rosa.

– Hãy nói với cô ta là không ra đường một mình và nếu thấy có gì lạ thì kể cho em ngay.

– Đúng vậy, – cô gái lẩm bẩm với vẻ nhút nhát, – có một việc mà em phải nói với anh.

– Việc gì thế? – Rojas hỏi lại, không giấu nổi nỗi lo lắng.

– Rosa buộc em phải hứa là không kể gì với anh, – cô gái thú nhận – Cách đây chỉ vài ngày, người nào đó đã lục soát căn phòng mà cô ở cùng với Alicia. Cô ta biết được do cái rương đựng quần áo bị mở và mọi đồ đạc trong rương bị lộn tung. Cô ta nhìn xem còn thiếu gì không và thấy trong đống đồ của Alicia có một tờ giấy. Cô ta đưa cho em xem và hỏi liệu đó có phải là thứ kẻ trộm đang tìm kiếm. Đó là một bức vẽ mà em không rành lắm. Em đề nghị đưa anh xem, nhưng cô ta từ chối. Sau đó, cô ta buộc em phải thề trước mẹ mình rằng sẽ không nói gì với anh.

– Anh linh cảm rằng việc này đã khẳng định mối lo ngại của anh. Khi cô ta dậy, – Rojas ra lệnh cho Sabela – hãy yêu cầu cô ta đưa mảnh giấy và cảnh báo rằng cô ta đang gặp nguy hiểm và anh là người duy nhất hiện nay có thể cứu giúp được. Em hiểu chứ?

Cô gái gật đầu tán thành.

– Khi nào em nghĩ xong, anh sẽ gặp lại sau.

– Anh có nghĩ là em cũng đang trong vòng nguy hiểm không? – Sabela mạnh bạo hỏi.

– Anh nghĩ rằng không, đúng hơn là anh không biết, nhưng dù sao em cũng phải cẩn thận. Với điều này, anh không muốn làm em hoảng sợ.

– Sự thật là em đang sợ hãi, – Sabela thừa nhận – Trong những lúc như lúc này, điều đáng ngại nhất là không có ai bên cạnh.

– Được rồi, bây giờ em đang có anh đây! – Rojas nói với cô gái khi thấy cô rất lo lắng.

– Thực ra em rất cám ơn anh vì đã tỏ ra đồng cảm và muốn trấn an em một chút. Anh rất quân tử, nhất là đối với người như em. Em nghĩ, – cô gái nói thêm, – chắc anh còn đang bị tác động bởi điều xảy ra đối với Alicia.

– Không đâu, không chỉ riêng điều đó, – Rojas giải thích – Anh cũng muốn nói rằng em rất quan trọng đối với anh.

– Em quan trọng đối với anh à? – Cô gái ngạc nhiên hỏi lại.

– Điều đầu tiên anh làm là chạy ngay đến đây sau khi kiểm chứng là Alicia đã chết. Đó là một việc anh không hề hay biết gì, thiết tưởng anh tới đây là vì cần gặp em và để xem em có khỏe không. Và nếu chân thành mà nói thì… – Rojas thú nhận, – anh cũng cảm thấy rất lẻ loi trong bối cảnh như thế này.

– Anh có muốn ở lại không? – Sabela nói rất tự nhiên.

Rojas không trả lời. Sabela đề nghị anh theo cùng, tránh gây ra tiếng động. Họ chậm chạp trèo lên cầu thang gỗ và đi nhón gót chân qua hành lang mới tới được phòng của cô gái. Đây là một phòng tương đối nhỏ, nhưng sáng sủa nhờ có một cửa sổ mở ra phía sông. Trong phòng có đủ đồ đạc để hành nghề: một chiếc giường lớn với hai đệm, một cái rương cỡ trung bình để đựng quần áo và một cái bàn nhỏ, trên đó đặt dăm bộ dao cạo râu, vài lọ kem dưỡng da lạ, một cốc lớn, một cái bình và một cây đèn dầu, tất cả đều thuê của ông chủ nhà chứa.

Đương nhiên, đây không phải lần đầu Rojas ngủ với một phụ nữ. Nhưng có thể nói rằng sau mối quan hệ bất thành với Jimena thì Sabela là người duy nhất có thể đánh thức trong anh nỗi niềm khao khát hơn cả quan hệ xác thịt. Điều ấy giải thích vì sao anh lại nôn nóng và bồn chồn đến như vậy, hơn cả nhiều tình huống tương tự. Khi nhìn thấy cô gái trần truồng nằm trên giường, anh cảm thấy máu trong người sôi lên, xô đẩy lên cả gáy và mặt; nhưng sau khi lại gần cô gái, anh lại có cảm giác ớn lạnh, rùng mình và choáng váng. Do vậy, anh nhắm nghiền mắt lại và để cho Sabela giữ thế chủ động.

Vài tiếng đồng hồ sau khi thức giấc, nếu ai đó hỏi anh là ai hay anh đang ở đâu, anh không biết sẽ trả lời ra sao. Một mặt, anh cảm thấy rất khác, một con người hoàn toàn mới; mặt khác, dường như tất cả xung quanh anh cũng đã thay đổi. Anh chắc chắn rằng nếu như Sabela không nằm trên giường với anh thì anh tin rằng tất cả chỉ là một giấc mơ, nhưng cô gái vẫn ở kia, nằm ngủ bên cạnh anh. Nếu anh xích gần lại một chút thì có thể nghe được cả hơi thở của cô. Dù sao chăng nữa, anh sờ vào vai cô gái để xác định một con người bằng xương, bằng thịt. Này thịt, này xương đáng yêu sao và nhất là làn da thơm quá. Nhìn vào bờ vai và cái cổ yêu kiều kia, anh thấy toát lên sự lớn lao vĩ đại của Chúa. Đó là bầu trời thực sự trên trái đất. Tất cả mọi cái giờ đây trở nên cách biệt, trừ một phòng nhỏ bên sông; tất cả băn khoăn lo lắng của anh trong những tuần qua trở thành cõi xa xăm; tất cả đều xa lạ, chỉ trừ Sabela.

– Hãy cố vượt qua, Sabela, – anh nói khi nhìn thấy cô gái vươn dậy như một con mèo. – Ngày đầy mây cho đến khi em thức giấc, – Rojas thân mật nói, – cả bầu trời cũng phải ghen tị với em.

– Chúa ơi, có thể đã rất muộn rồi! – Sabela kêu lên sau khi nhìn qua cửa sổ. Chúng ta phải dậy và nói chuyện với Rosa.

– Thế nhưng vào lúc này anh tin là chúng ta đang ở trên mây! – Anh kêu lên vờ như thất vọng.

– Vậy đã tới lúc phải xuống đất rồi! – Cô gái vừa nói vừa chuẩn bị đi.

Họ gặp Rosa đang ăn trong phòng của cô ta, cô hầu như không ra khỏi đó. Sau khi nghe kể về việc xảy ra đối với người bạn cũ, cô ta bật khóc và toàn thân run lẩy bẩy. Họ cố trấn an bằng cách nói rằng sẽ không xảy ra chuyện gì với cô ta và rằng cô Alicia tội nghiệp đã dính líu với những kẻ xấu và cuối cùng đã phải trả giá đắt. Họ cũng bảo đảm rằng Rojas sẽ luôn ở bên cạnh trong mọi trường hợp cần thiết. Cuối cùng, họ yêu cầu cô đưa cho mảnh giấy để xem có gì liên quan đến việc ra đi của người bạn cô ta.

Đó là một tờ giấy gập tám rất nhàu nát mà ai đó đã vẽ những ký hiệu và đường nét. Trên cùng, về bên phải, có một vòng tròn với chữ I ở ngay giữa và bên dưới là một chữ thập Hy Lạp hay chữ thập vuông với một đường nối giữa cơ sở chùm dọc với điểm tận cùng phía trái, trong khi phía phải kết thúc bằng đầu mũi tên. Bên dưới nữa là một cái hộp dài và phía trái có vài đường xuất phát từ một điểm, mặc dù chỉ có một đường kéo dài và tiếp tục với sự phức tạp hơn, đôi lúc dừng lại với một vòng tròn nhỏ có đánh số tương ứng, rồi lại tiếp một nhánh mới rẽ đôi hay rẽ ba, từ đó chỉ còn một nhánh tiếp tục – lúc hướng về phía phải, lúc thì về phía trái, lúc theo hướng trung tâm – để cuối cùng đi tới một vòng tròn lớn nhất với chữ C ở giữa.

– Anh thấy tiêu biểu cho cái gì? – Sabela bồn chồn hỏi lại.

– Sự thật là anh không biết.

– Em nhớ, – cô gái phấn chấn nói, – trên các miếng da người ta in các dấu hiệu ma thuật để đem lại may mắn hay trừ đuổi điềm xấu và hiểm nguy.

– Có thể như thế, nhưng thường thì người ta ghi tên hoặc mang những từ khác; vì vậy, các mụ phù thuỷ gọi đó là xướng danh. Thực ra, đôi khi người ta dùng ký hiệu và hình vẽ. Alicia có tin những thứ này không?

– Em không biết liệu chị ta có tin không, nhưng chị luôn thực hiện phép phù thuỷ với bất cứ cớ gì hoặc lên đồng như đã học được từ mẹ Celestina khi làm việc ở nhà bà ta.

– Có thể đây là một việc đại loại như thế, và vì vậy, không có liên quan gì đến cái chết của cô ta.

– Em hy vọng như vậy.

– Em biết bà già Celestina sống ở đâu không? Anh muốn đưa bà ta xem tờ giấy này để loại bỏ mối nghi ngờ.

– Gần đây nhất em biết là bà ta sống trong một ngôi nhà tách biệt, rất tồi tàn ở gần cửa hiệu thuộc da.

– Vậy anh sẽ đi để xem có gặp bà ta không.

Những xưởng thuộc da nằm ở gần sông, giữa nhà thờ Thánh Lorenzo, đối diện với cửa những Phép màu Thần diệu, và cây cầu La Mã. Thuộc da là một nghề nặng nhọc và nguy hiểm, ngoài việc cho cảm giác khó chịu, nhất là bởi các chất được sử dụng để tẩy rửa và ép da. Tuy nhiên, không có gì là lạ khi bắt gặp một số trẻ em cởi trần làm việc trong các thùng gỗ đựng thuốc nhuộm. Rojas nhẹ nhàng tới gần, càng vào gần mùi hôi thối càng gây buồn nôn và khó chịu hơn. Trên con dốc chạy từ bờ sông tới cửa Alcazar, cách không xa xưởng thuộc da có tên gọi Pelambres, anh nhìn thấy một vài ngôi nhà bằng gạch không nung, gần như xiêu vẹo sắp đổ, nơi trước đây một số người Hồi giáo đã từng sống. Trong khi tìm hỏi về Celestina, anh thấy một bà già ra khỏi túp lều không có cửa, cũng không mái che. Đó là một bà nhỏ bé, da nhăn nheo và người phủ đầy bụi nên hầu như không phân biệt được với màu đất đường đi.

– Anh tìm ai đấy? – Bà ta gào lên từ xa với giọng khàn, chát chúa.

– Bà có phải là Celestina không? – Rojas vừa đi về phía bà ta vừa hỏi.

– Ai cơ? Bà ấy đã từ lâu không còn ở đây.

– Thế bà có biết tôi có thể tìm gặp bà ta ở đâu không? – Rojas tỏ ra quan tâm.

– Vậy ai tìm bà ta? – Bà già ngờ vực hỏi lại.

Trong một lúc, Rojas không biết trả lời ra sao. Anh cảm thấy ít nhiều lố bịch trước một bà già, như một đứa trẻ bị bắt quả tang khi làm một việc gì đó mờ ám.

– Có người cần bà ta phục vụ. – Cuối cùng anh trả lời.

– Nếu anh nói để làm gì, có thể tôi sẽ giúp anh.

– Bà biết cái này có nghĩa gì không? – Cuối cùng, Rojas vừa nói vừa đưa cho bà ta xem mảnh giấy.

– Gì cơ? Tôi không biết đọc! – Bà ta lảng tránh trả lời sau khi nhìn lướt qua tờ giấy.

– Không phải chữ viết, mà là hình vẽ. – Rojas đáp.

– Cũng như nhau cả thôi, mắt tôi không nhìn thấy. Anh đã biết tuổi già ngoài việc cận kề cái chết, còn mang một đống mệt mỏi và tất cả các loại bệnh tật. Thôi, cầu Chúa phù hộ cho anh, bà ta bất ngờ từ biệt.

– Khoan đã, – Rojas vội kêu lên trong khi giả vờ ném xuống đất một đồng maravedi, – tôi nghĩ bà đánh rơi đồng tiền.

– Ừ, đúng vậy, tôi đã nhìn thấy, – bà ta kêu lên mắt nhìn xuống đất, – đó là một đồng maravedi tôi mang theo mà.

– Tôi quan sát thấy đối với tiền, mắt bà vẫn tốt! – Rojas nói giọng chế giễu.

– Một khi đó là tiền, con ơi, mắt ta sáng lên.

– Nếu là như vậy, tôi có thể làm mấy đứa trẻ con bà nhảy lên vì sung sướng.

– Để đổi lấy gì? – Bà ta hoài nghi hỏi lại.

– Trả lời chân thành dăm ba câu hỏi.

– Nếu anh muốn biết bây giờ bà mẹ đỡ Celestina ở đâu, – bà già nhanh nhẹn nói trước, – thì tôi không thể giúp được nhiều. Đã lâu tôi không gặp bà ta, nhưng ở đâu thì ở, tôi chắc là bà ta sống tốt hơn nhiều so với ở đây. Đó là một phụ nữ có tiền, rất khôn ngoan và biết đến ba mươi nghề, bánh mì và rượu thì không thiếu đối với bà ta.

– Bà có biết bà ta làm gì gần đây không?

– Bọn xấu của Toà Công giáo ấy không để cho bà ta làm gì nên bà ấy phải ra đi. Bà ta, người đã có tất cả, nhưng hình như phải sống khổ rồi.

– Thế còn tờ giấy, bà kể gì cho tôi chứ?

– Đó không phải việc mà anh có thẩm quyền. Tốt hơn hết là anh cho nó vào lửa, kẻo sau lại hối tiếc vì đã bắt gặp nó.

– Tôi thấy đấy không phải là một câu trả lời.

– Điều tôi nói với anh cũng chính là điều mà Celestina sẽ trả lời nếu bà ta ở đây bây giờ. Như vậy, anh không phải thực hiện một chuyến đi vô tích sự tới nơi hôi thối này.

– Thế tại sao bà biết là giấy ấy có thể gây cho tôi điềm xấu? Phải chăng bà là phù thuỷ hay biết ma thuật?

– Anh có tin rằng tôi là phù thuỷ hay biết ma thuật mà lại phải sống ở nơi bẩn thỉu và mặc quần áo rách rưới như thế này không?

– Việc ấy thì bà có lý, – Rojas đính chính lại – Tôi xin lỗi bà. Nhưng, bà hãy nói tờ giấy ấy có gì gây hại cho tôi? Đấy là lá bùa hay một lời nguyền?

– Đó là lời mời đi thăm địa ngục, báo anh biết vậy.

– Bà nói thăm địa ngục à? Như vậy, phải chăng đó là một hoạ đồ hướng dẫn di chuyển?

– Đừng muốn biết thêm nữa nếu như anh không muốn chết và tôi cũng vậy, sẽ chết theo luôn, bà ta nói với anh vẻ đầy thuyết phục. Còn bây giờ, anh hãy biến ngay đi.

– Dù sao chăng nữa, bà hãy cầm mấy đồng này và hãy cầu nguyện cho tôi.

– Tôi sẽ làm như vậy. Anh hãy để ý đến lời nói của một bà già, mà chỉ riêng việc với nhiều năm sống trên đời, đã biết về thế giới này hơn anh nhiều đấy.

Cuộc nói chuyện với bà già chẳng những không giải đáp được bất cứ mối nghi ngờ nào, mà còn tạo thêm cho anh sự không chắc chắn và mối băn khoăn lo lắng. Anh cũng tin rằng trong trường hợp anh có thể gặp được Celestina, bà ta cũng sẽ không giúp ích được nhiều. Giác quan mách bảo anh rằng đó là một người rất xảo trá và chuyên lảng tránh như bà già này. Và điều duy nhất mà bà ta sẽ làm là tìm cách lấy của anh mấy đồng bạc, và có thể phải trả hơn thế nữaể Mặt khác, anh không nghĩ rằng đấy là một bùa ma hay phép phù thuỷ. Phải chăng đấy là một hoạ đồ như bà già ấy đã ám chỉ, mặc dù khả năng nhiều nhất sẽ là một vật tượng trưng và do đó rất khó xác định.

Vào buổi chiều, Rojas gặp Hilario, người đã thông báo cho anh biết anh ta đã thâm nhập vào một nhóm bạn của ông Roa. Qua họ, anh ta biết được những người đi theo Roa nhóm họp vài lần trong tuần tại một địa điểm bí mật mà anh ta hy vọng sẽ được mời dự một ngày nào đó.

– Thỉnh thoảng, tôi có cảm giác, – Hilario kết thúc bình luận, – ở thành phố này người ta đang chuẩn bị một việc gì đó quan trọng. Rất có thể là Diego de Deza có lý do để lo lắng. Anh có tin tức gì về ông ta không?

– Điều cuối cùng mà tôi biết là ông ta đang ở trong triều với các vị Vua. Về vấn đề khác, anh hãy tin là đối với tôi không còn quan trọng nữa. Điều duy nhất có ý nghĩa với tôi lúc này là biết mình đang ở phía nào.

– Và để làm điều ấy, không phải tốt nhất là trước hết phải biết sự thật đang ở phía nào? – Hilario lạ lùng hỏi lại.

– Tôi e rằng điều này phụ thuộc vào vị trí mỗi người đang đứng.

– Thế tội ác cũng phụ thuộc vào vị trí một người đang đứng sao?

– Tội ác là tội ác, – Rojas kêu lên, – và do đó, kẻ nào vi phạm phải bị trừng trị, không phụ thuộc vào mục đích hay lý do của kẻ ấy.

– Nhưng, nếu như người vi phạm nhân danh một sự nghiệp cao cả thì sao?

– Với con đường ấy, chúng ta có thể bào chữa cho những hành động tra tấn và giết chóc đã thực hiện nhân danh Chúa.

– Tôi không biết là anh vô tín ngưỡng đến thế.

– Tôi sẽ không như vậy nếu anh không tra khảo tôi bằng một lô câu hỏi.

– Vậy anh có tin rằng có sự nghiệp chính đáng và cao cả không?

– Những sự nghiệp, Hilario thân mến, dù có cao cả và thánh thiện đến đâu chăng nữa, thì khi ở trong tay những kẻ thực thi đều trở thành sai lầm, bị lạm dụng và thường là nguồn gốc của tất cả các loại tệ hại.

– Tôi e rằng anh quá phóng đại.

– Anh sẽ tự thuyết phục mình thôi, – Rojas khẳng định – Và bây giờ, nếu anh cho phép, tôi phải về nhà trọ nghỉ đây.

Sáng hôm sau, Rojas lại lai vãng đến nhà chứa để gặp Sabela. Anh thấy cô gái trong phòng của Rosa, nằm trên giường với khuôn mặt đau khổ, nước mắt giàn giụa. Ngay khi nhìn thấy anh, cô gái đã có ý hỏi chuyện. Rosa nhìn anh với con mắt khinh bỉ như thể anh là người có lỗi.

– Cái gì đã xảy ra thế? – Rojas hỏi với giọng hơi lo âu.

– Thật kinh khủng, kinh quá, – Sabela nói với giọng bị ngắt quãng do tiếng khóc nức nở – Sáng nay, khi thức giấc, em phát hiện thấy một con dao găm đặt ở đầu giường. Anh hãy tới xem đi, nó vẫn còn ở đấy. Em không muốn sờ vào nó. Anh hãy làm ơn mang nó đi.

Khi vào phòng của Sabela, trong giây lát Rojas có cảm giác rằng đấy không phải là nơi mà mới ngày hôm trước anh đã cảm thấy rất hạnh phúc. Dường như sự xuất hiện của điềm xấu đã làm căn phòng thay đổi. Vũ khí nằm trên một góc của chiếc gối. Anh thận trọng lại gần, đề phòng bị tấn công bất ngờ. Đó là một con dao găm thông thường mà một số sinh viên hay dùng trong các trận ẩu đả. Anh thận trọng cầm con dao lên và quan sát thấy lưỡi dao mới được mài sắc nhọn. Không còn nghi ngờ gì, điều này được hiểu như lời cảnh báo là chủ của nó sẽ sẵn sàng hành động một khi tình huống đến. Anh đặt nó vào sát con dao găm mà Giám mục đã tặng, rồi trở về phòng bên.

– Hãy để chúng tôi nói chuyện một mình! – Anh đề nghị với Rosa và được cô ta chấp thuận ngay.

– Nhưng em đã làm gì? Tại sao họ lại muốn giết em? – Sabela nôn nóng hỏi lại.

– Anh bảo đảm rằng em không làm sao cả! – Rojas cô trấn an cô gái – Nếu muốn giết em, chúng đã hành sự rồi. Tới lúc này, chỉ là một lời cảnh báo, mặc dù không phải cho em.

– Anh muốn nói gì vậy?

– Sự đe doạ ấy nhằm vào anh.

– Nhưng, đã xảy ra cái gì? – Cô gái muốn được biết chuyện.

– Không dễ gì giải thích hết, anh sẽ kể tất cả những gì đã điều tra được. Em có quyền được biết điều này vì anh đã đưa em vào vòng nguy hiểm. Nếu như trước kia anh chưa kể cho em, – Rojas giảng giải, – là vì anh không muốn em dính líu vào, nhưng bây giờ có kể hay không thì cũng như nhau. Và anh không tin rằng kẻ đặt dao găm trên đầu giường em lại quan tâm nhiều đến việc người ta biết đến tội ác của hắn.

Phù hợp với quá trình tham gia của Sabela đối với sự việc xảy ra, anh làm cho cô gái hiểu rằng chẳng những anh chưa tìm ra thủ phạm, mà chính tội phạm là kẻ đang có lợi thế biết được hành vi của anh. Không phải ngẫu nhiên mà hắn vừa tỏ ra biết được tất cả những bước anh đi và, nhất là, những yếu điểm của anh. Cũng như vậy, dường như rõ ràng là gã sinh viên kia có một kế hoạch và, tất nhiên, có một nơi chắc chắn để trú chân hay có một bình phong tuyệt vời để ẩn nấp. Điều này giải thích vì sao hắn ta vẫn tiếp tục ở đây, hoạt động theo ý muốn của mình, thay vì phải chạy sang một vương quốc khác, bên ngoài Castilla, tới một thành phố mà không ai có thể tìm thấy hắn, nơi những tội ác hắn gây ra có thể không bị trừng phạt. Mặt khác, việc Rojas bị đe doạ thông qua Sabela cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy anh đang tiến gần tới hắn một cách nguy hiểm. Nhưng, điều này, thay vì đáng lẽ thúc đẩy anh tiếp tục cuộc điều tra thì lại đe doạ anh từ bỏ nửa chừng do anh không muốn gây nguy hại tới cuộc sống của Sabela. Trong bất cứ trường hợp nào, đã quá muộn để quay trở lại, cả Giám mục lẫn Toà án Công giáo đều không cho phép. Anh cũng không nghĩ rằng gã sinh viên kia lại khoanh tay đứng nhìn. Hơn thế, anh chắc chắn rằng hắn sẽ không nghỉ ngơi cho tới khi sự thật về cái chết của Thái tử được công bố mặc dù để tiếp tục điều đó, hắn phải trở lại giết chóc. Vì, con dao găm đã cho bức thông điệp rất rõ ràng.

– Nếu ít nhất nơi ta đến còn có mặt trời, – Rojas thở dài trong khi nhìn qua cánh cửa sổ – Đã mất bao nhiêu thời gian rồi mà ta chưa tìm thấy hắn?

Bình luận