Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bảy Năm Sau

Chương 50

Tác giả: Guillaume Musso

Constance hút hết điếu này đến điếu khác trong lúc đọc lại phần ghi chép của mình. Như một cô sinh viên đang nghiên cứu tài liệu, cô gạch chân, khoanh tròn, viết lại, vẽ các sơ đồ toàn mũi tên nhằm kích thích tư duy và làm nảy sinh sáng kiến.

Trong đầu cô đã dần định một hướng điều tra cho tới khi hướng điều tra ấy hầu như trở thành một điều hiển nhiên. Chuông điện thoại vang lên khiến cô phải ngừng tư suy. Cô nhìn màn hình điện thoại: là ủy viên Maréchal.

Cô bắt máy, rồi bật loa ngoài để Nikki và Sebastian có thể theo dõi cuộc trò chuyện. Gọng nói quyến rũ và tự tin của Maréchal vang vọng trong căn phòng:

– Hello, Constance .

– Chào, Franck.

– Ruốt cuộc em cũng quyết định nhận lời mời ăn tối của tôi rồi đấy à?

– Vâng, tôi sẽ rất vui vì cuối cùng cũng được gặp vợ và lũ trẻ nhà anh.

– À ờ, không… tóm lại thì em hiểu quá rõ điều tôi muốn nói mà…

Constance lắc đầu. Maréchal từng là sĩ quan huấn luyện cho cô hồi học ở Cannes-Écluese[1]. Ít lâu sau khóa học, giữa hai người hình thành một mối quan hệ. Một mối quan hệ đầy đam mê nhưng mang tính hủy hoại. Mỗi lần cô dọa chia tay, Franck lại thề sẽ cắt đứt với vợ. Cô đã đặt trọn niềm tin vào anh ta suốt hai năm trời, rồi chán nản vì phải chờ đợi, cô đã chia tay anh ta.

[1] Thành phố Saine-et-Marne, nơi có Trường sĩ quan cảnh sát quốc gia.

Nhưng Franck vẫn đeo bám. Cứ sáu tháng một lần anh ta lại cố thử vận may lần nữa, ngay cả khi cho đến bây giờ mọi ý đồ của anh ta đều vô vọng.

– Nghe này, Franck, tôi không có nhiều thời gian mà bông đùa về chuyện đó đâu.

– Xin em đấy, Constance, hãy cho anh một…

Cô cắt ngang bằng giọng lạnh lùng:

– Chúng ta hãy quay lại các sự việc đi, được không? Đoạn phim mà tôi gửi cho anh không phải được lấy từ các máy quay giám sát ở bến Barbès, đúng không?

Maréchal trút một hơi thở dài thất vọng rồi đáp lại bằng giọng chuyên nghiệp hơn:

– Em nói đúng. Vừa xem những hình ảnh em gửi là tôi đã đoán chúng được quay trong một bến tàu “ma”.

– Một bến tàu ma ư?

– Rất ít người biết điều đó, nhưng mạng lưới đường tàu hiện có một số bến dừng không được in trên bản đồ, Maréchal giải thích. Đó thường là những ga đã bị đóng cửa trong thời gian Thế chiến thứ hai và từ đó tới giờ vẫn chưa được mở cửa lại. Ví dụ như em có biết ngay bên dưới khu Champ-de-Mars có một bến tàu không.

– Không, Constance thừa nhận.

– Khi xem lại đoạn phim em gửi nhiều lần, rôi đã rút ra kết luận đó là “bến chết” ở cửa ô Lilas.

– Thế nào là một bến chết?

– Trên đường tàu 11, tại trạm dừng Porte-des-Lilas, có một bến tàu đã ngưng hoạt động từ năm 1939. Đôi khi bến này vẫn được sử dụng vào việc huấn luyện các nhân viên lái tàu hoặc để thử nghiệm các đầu tàu mới, nhưng chủ yếu là cho thuê quay những đoạn phim hoặc quảng cáo có cảnh diễn ra trong hệ thống tàu điện Paris.

– Anh nói nghiêm túc đấy chứ?

– Tuyệt đối nghiêm túc. Theo thời gian, nơi này thậm chí đã trở thành trường quay thật sự. Chỉ cần những người làm bối cảnh thay đổi phục trang và đổi biển tên sân ga là có thể phục dựng bất kỳ ga tàu nào trong bất kỳ thời đại nào. Đó chính là nơi Jeunet quay một số cảnh trong Amélie Poulain và cũng là nơi anh em nhà Coen thực hiện bộ phim ngắn của họ về Paris đấy…

Constance cảm thấy niềm phấn khích dâng trào.

– Anh chắc chắn đoạn phim tôi gửi đã được quay ở đó chứ?

– Càng chắc chắn hơn khi anh đã gửi đoạn phim đó cho người phụ trách điện ảnh RATP và ông ấy đã xác nhận điều đó với anh.

Nhanh nhạy, thông minh, hiệu quả: có thể Franck là một gã tồi nhưng lại là một cảnh sát tuyệt đỉnh…

– Vả lại, ông ta nhớ rất rõ cảnh quay đó vì nó mới được quay vào cuối tuần trước, Maréchal nói thêm. Bến tàu đã được trưng dụng hai ngày cho các học sinh của một trường điện ảnh: Học viện điện ảnh Pháp.

– Cả họ nữa, anh đã gọi cho Học viện đó rồi chứ? Constance hỏi.

– Đương nhiên. Thậm chí, anh còn xác định được danh tính tác giả đoạn phim đó, nhưng nếu muốn biết tên cậu chàng, trước tiên em phải đồng ý ăn tối với anh đã.

– Đó là yêu sách đấy à! Cô nổi giận.

– Là gì cũng được, anh ta đáp lại. Khi chúng ta thật sự muốn thứ gì đó thì dùng cách nào chẳng tốt, không đúng sao?

– Nếu thế thì anh cứ việc quên chuyện đó đi nhé. Tôi sẽ tự tìm lấy thông tin.

– Tùy em thôi, cưng ạ…

Cô đang định ngắt máy thì Sebastian lay mạnh vai cô mà thì thầm: “Nhận lời đi!” Nikki nhấn mạnh yêu cầu của chồng cũ, gõ gõ lên mặt chiếc đồng hồ đeo tay ngay trước mặt Constance.

– OK, Franck, cô thở dài, tôi nhận lời ăn tối với anh.

– Em hứa nhé?

– Hứa, thề, bảo đảm, cô nói thêm.

Lòng thỏa thê, Maréchal cung cấp luôn kết quả cuộc điều tra của anh ta:

– Giám đốc Học viện cho anh biết là trường ông ấy hiện đang tiếp nhận một số sinh viên người Mỹ trong diện trao đổi giữa các nhà trường. Một số học sinh từ một trường ở New York mà Học viện kết nghĩa.

– Và một trong số các học sinh người Mỹ đó đã thực hiện đoạn phim này?

– Đúng. Một bộ phim ngắn trong khuôn khổ tác phẩm tưởng nhớ Alfred Hitchcock có tên là 39 giây. Một cách ám chỉ bộ phim 39 bước…

– Xin cảm ơn ngài giáo sư, tôi có biết các bộ phim kinh điển… Anh có tên của học sinh đó không?

– Cậu nhóc đó tên là Simon. Simon Turner. Cậu nhóc đó tạm trú tại Ký túc xá sinh viên quốc tế, nhưng nếu em định thẩm vấn cậu ta thì anh khuyên em nên khẩn trương: đầu giờ tối nay cậu ta sẽ trở về Mỹ.

Vừa nghe thấy tên cậu nhóc, Nikki vội cắn chặt môi để không bật ra tiếng kêu.

Constance ngắt máy rồi quay về phía cô.

– Chị biết cậu nhóc đó sao?

– Đương nhiên rồi! Simon Turner là bạn thân nhất của Jeremy!

Chống khuỷu tay lên bàn, cằm tì vào bàn tay phải, Constance giữ nguyên ở tư thế suy ngẫm một lúc rồi khẳng định:

– Tôi nghĩ anh chị cần phải nhận ra điều hiển nhiên này. Con trai hai người đã làm giả vụ bắt cóc.

Bình luận