Chúng ta sống trong thế giới của những khái niệm đối lập nhau như lên và xuống, sáng và tối, nóng và lạnh,
trong và ngoài, nhanh và chậm, phải và trái… Đây chỉ là một vài trong số hàng ngàn ví dụ về các thái cực đối lập. Muốn cực này tồn tại thì bắt buộc cực kia phải tồn tại. Có thể nào chỉ có mặt phải mà không có mặt trái? Đó là điều không thể.
Tương tự, nếu đã có những quy luật bên ngoài của đồng tiền thì ắt sẽ có những quy luật bên trong của nó. Những quy luật bên ngoài này bao gồm kiến thức kinh doanh, kỹ năng quản lý tài chính, các chiến lược đầu tư… Những yếu tố này rất cần thiết. Song những quy luật bên trong cũng giữ vai trò quan trọng không kém. Cũng như người thợ mộc và đồ nghề làm mộc của mình. Có trong tay những dụng cụ tốt nhất là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn, anh ta phải là một người thợ mộc xuất sắc để có thể sử dụng những dụng cụ đó một cách thành thạo.
Tôi vẫn cho rằng: “Cho dù bạn đã vào đúng vị trí thuận lợi và đúng thời điểm, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Bạn còn phải là người hội tụ những yếu tố cần thiết, ở đúng vị trí thuận lợi và đúng thời điểm”.
Vậy bạn là ai? Bạn suy nghĩ như thế nào? Niềm tin của bạn là gì? Thói quen và cá tính của bạn ra sao? Bạn thật sự cảm nhận như thế nào về bản thân? Bạn tự tin đến mức nào? Bạn có hòa hợp với những người xung quanh hay không? Bạn tin tưởng vào người khác ở mức độ nào? Bạn có thực sự cảm thấy mình xứng đáng giàu có? Bạn có khả năng hành động bất chấp nỗi sợ hãi, lo lắng, bất tiện không? Bạn có thể hành động ngay cả khi tâm trạng không được thoải mái lắm?
Sự thật là tính cách, cách tư duy và những niềm tin của bạn là một trong những yếu tố cơ bản quyết định mức độ thành công của bạn.
Một tác giả yêu thích của tôi, Stuart Wilde, đã nêu điều đó thế này: “Chìa khóa của sự thành công là phải biết huy động tất cả những nỗ lực của bạn; khi bạn thể hiện năng lực của mình thì tự nhiên mọi người sẽ bị bạn thu hút. Và khi họ xuất hiện, hãy kiếm tiền từ họ!”.
Quy Tắc Thịnh Vượng số 1:
Thu nhập của bạn chỉ có thể tăng lên theo mức độ mà bạn mong đợi!
Bạn đã bao giờ nghe chuyện về những người phát tài nhanh chóng chưa? Bạn có để ý một số người từng sở hữu rất nhiều tiền của nhưng rồi lại trở nên trắng tay, hay có người dường như đã có những cơ hội tuyệt vời nhưng chính họ đã để cho các cơ hội đó tuột khỏi kẽ tay? Nếu chỉ quan sát từ bên ngoài thì những thất bại ấy có vẻ như chỉ là điều không may vì sự thoái trào của kinh tế hay do một đối tác không nghiêm chỉnh, đại loại thế. Tuy nhiên, khi phân tích vấn đề từ bên trong, bạn sẽ nhận ra một điều hoàn toàn khác. Nguyên nhân sâu xa ở đây là nếu bạn chợt có trong tay một khoản tiền lớn khi trong thâm tâm bạn chưa sẵn sàng đón nhận nó, thì tài sản của bạn có nguy cơ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi.
Phần lớn chúng ta không có đủ “năng lực bên trong” để tạo ra và giữ gìn những khoản tài sản khổng lồ trước những thách thức luôn song hành với sự thành công và giàu có. Đó chính là nguyên nhân chính làm cho nhiều người không có được sự giàu có vững bền.
Minh chứng rõ ràng nhất có lẽ là những người trúng xổ số. Nhiều nghiên cứu cho thấy hầu hết những người trúng số cuối cùng lại trở về tình trạng tài chính ban đầu, với số tiền mà họ có thể quản lý một cách thoải mái. Trong khi đó, ở những nhà triệu phú tự tay lập nghiệp thì ngược lại. Khi các triệu phú này bị sa sút về tiền bạc, họ thường nhanh
chóng kiếm lại số tiền ấy. Donald Trump là một ví dụ điển hình: Trump từng có hàng tỉ đô-la trong tay, rồi ông bị phá sản và mất trắng. Vậy mà chỉ trong vài năm, ông đã kiếm lại được số tiền ấy và thậm chí còn nhiều hơn thế.
Tại sao lại có sự khác biệt ấy? Đó là vì các nhà triệu phú tự lập này có thể chấp nhận mất tiền, chứ họ không bao giờ để mất đi yếu tố quan trọng nhất của thành công: Tư Duy Triệu Phú. Tất nhiên trong trường hợp Donald Trump thì ta phải gọi đó là cách “Tư Duy Tỉ Phú”. Donald Trump không bao giờ chấp nhận mình chỉ là một triệu phú. Nếu Trump có tài sản trị giá 1 triệu đô-la, bạn thử hình dung xem ông sẽ cảm thấy thế nào? Hầu hết mọi người tin rằng ông sẽ cảm thấy túng quẫn và xem đây là một thất bại tài chính!
Đó là do “nhiệt kế” tài chính của Donald Trump được cài đặt con số hàng tỉ chứ không phải hàng triệu. Trong khi đó, nhiệt kế tài chính của mọi người thường được cài đặt con số hàng ngàn, chứ không phải hàng triệu; thậm chí nhiệt kế tài chính của một số người chỉ được cài đặt con số hàng trăm, chứ không phải hàng nghìn; và vẫn có những nhiệt kế tài chính của một số người được đưa về dưới mức con số không. Họ cứ thế chịu đựng sự băng giá mà không hiểu căn nguyên thực sự gây nên tình trạng khốn khó của mình.
Có một thực tế là hầu hết mọi người không khai thác hết tiềm năng của mình, nên dễ hiểu rằng vì sao đa số trong
chúng ta đã không thành công. Nhiều nghiên cứu cho thấy
80 phần trăm những người trưởng thành không có được sự tự do tài chính như họ mong muốn, và 80 phần trăm ấy sẽ không bao giờ cảm thấy mình thật sự hạnh phúc.
Lý do rất đơn giản: vì đa số đều không ý thức được một cách rõ ràng về hành động của mình. Họ như người mơ ngủ sau tay lái và không biết chắc mình đang đi về đâu. Họ chỉ dựa vào những gì họ có thể nhìn thấy được để làm việc và tư duy. Họ sống hoàn toàn trong thế giới hữu hình.
Gốc rễ tạo nên hoa trái
Hãy tưởng tượng một cái cây tượng trưng cho cuộc sống của chúng ta. Trên cây có hoa trái. Hoa trái đó chính là thành quả mà chúng ta đạt được trong cuộc sống. Chúng ta nhìn vào giỏ trái cây mình thu hoạch được và cảm thấy không hài lòng: số quả ấy còn quá ít, chúng quá nhỏ bé hoặc hương vị không thơm ngon.
Vậy xu hướng của chúng ta là sẽ làm gì? Phần lớn sẽ tập trung chú ý vào hoa trái, vào kết quả của chúng ta. Nhưng cái gì thực sự tạo nên số hoa trái đó? Đó chính là hạt giống và gốc rễ.
Như vậy là cái nằm dưới mặt đất tạo nên những cái trên mặt đất. Là cái vô hình tạo nên cái hữu hình. Nghĩa là nếu bạn muốn thay đổi hoa trái, bạn phải thay đổi gốc rễ trước đã. Nếu bạn muốn thay đổi cái hữu hình, trước hết bạn phải thay đổi cái vô hình.
Quy Tắc Thịnh Vượng số 2:
Nếu bạn muốn thay đổi hoa trái, bạn phải thay đổi gốc rễ trước đã. Nếu bạn muốn thay đổi cái hữu hình, trước hết bạn phải thay đổi cái vô hình.
Một số người sẽ bảo ngay rằng chỉ những gì có thể nhìn thấy thì họ mới tin. Vậy tôi sẽ hỏi những người đó câu hỏi đơn giản là: “Tại sao bạn phải trả hóa đơn tiền điện?”. Mặc dù không thể nhìn thấy dòng điện, bạn vẫn nhận ra và sử dụng điện năng trong cuộc sống hàng ngày. Nếu còn nghi ngờ sự tồn tại của nó, bạn hãy gí ngón tay vào ổ cắm điện, tôi đảm bảo sự hoài nghi của bạn sẽ lập tức biến mất.
Theo kinh nghiệm của tôi, những gì bạn không thể trông thấy lại có khả năng tác động mạnh mẽ hơn rất nhiều so với bất kỳ thứ gì mà bạn nhìn thấy được. Bạn có thể đồng ý hay không đồng ý với nhận định trên, nhưng nếu bạn bỏ qua và không áp dụng nguyên lý này vào cuộc sống của mình thì ở một mức độ nào đó bạn sẽ phải nhận lãnh hậu quả xấu. Vì sao vậy? Bởi vì bạn đang đi ngược lại quy luật tự nhiên, mà theo quy luật ấy, những “yếu tố ẩn” sẽ tạo nên những thứ đang hiện hữu quanh ta, và cái vô hình sẽ tạo nên cái hữu hình.
Con người là một phần của tự nhiên, chứ không phải là người điều khiển nó. Vì vậy, khi chúng ta tuân theo quy luật của tự nhiên và tập trung vào gốc rễ – thế giới tinh
thần bên trong chúng ta – cuộc sống của chúng ta sẽ trôi chảy, thuận hòa. Còn khi chúng ta không tuân theo quy luật tự nhiên, cuộc sống ắt sẽ có lắm thác ghềnh.
Trong mỗi cánh rừng, mỗi trang trại, mỗi khu vườn, cái nằm bên dưới mặt đất luôn là cái tạo ra những thứ bên trên. Đó là lý do tại sao nếu bạn tập trung sự chú ý vào hoa trái thì đó chỉ là việc làm vô ích. Bạn không thể thay đổi hoa trái đã đơm kết trên cây. Tuy nhiên, bạn có thể cải thiện hoa trái của mùa sau. Nhưng để làm được điều đó, bạn sẽ phải đào xới bên dưới lòng đất giúp cho rễ cây phát triển tốt hơn.
Thế giới thứ tư
Tinh thần
Tâm linh
Cảm xúc
Vật chất
Một trong những điều quan trọng nhất bạn cần biết là chúng ta không chỉ sống trong thế giới thực tại này. Chúng ta hiện đang sống trong ít nhất bốn thế giới khác nhau cùng một lúc, đó là: thế giới Vật chất, thế giới Tinh thần, thế giới Cảm xúc và thế giới Tâm linh. Tuy nhiên, có rất ít người nhận ra rằng thế giới vật chất chỉ là hệ quả của 3 thế giới còn lại.
Ví dụ bạn vừa “viết” một lá thư trên máy tính của
mình. Bạn nhấn vào phím in và lá thư sẽ chạy ra khỏi máy in của bạn. Bạn nhìn vào bản in và phát hiện một lỗi đánh máy. Thế là bạn vớ lấy cục tẩy và xóa nó trên tờ giấy. Sau đó bạn nhấn phím in một lần nữa và lại xuất hiện lỗi đánh máy cũ.
Lạ quá, sao lại có thể như thế này được chứ? Bạn vừa tẩy nó đi rồi mà! Lần này bạn lấy một cục tẩy lớn hơn rồi chà xát mạnh hơn và lâu hơn. Bạn lại nhấn phím in và lỗi ấy lại xuất hiện một lần nữa! Bạn thốt lên vì sững sờ pha lẫn kinh ngạc “có chuyện gì thế này? Hay là mình bị hoa mắt?”.
“Chuyện” ở đây là bạn không thể thật sự thay đổi vấn đề nếu chỉ sửa chữa “sản phẩm in ra”, tức là thế giới vật chất; mà bạn chỉ có thể thay đổi “chương trình in”, tức là thế giới tâm linh, cảm xúc và tinh thần.
Tiền bạc là kết quả, của cải là kết quả, sức khỏe là kết quả, bệnh tật là kết quả, đến cân nặng cũng là kết quả của chế độ dinh dưỡng và lối sống của bạn. Đó là bởi vì chúng ta sống trong một thế giới nhân quả.
Quy Tắc Thịnh Vượng số 3:
Tiền bạc, của cải, sức khỏe, bệnh tật đến cân nặng cũng là kết quả của chế độ dinh dưỡng và lối sống của bạn. Chúng ta sống trong một thế giới nhân quả.
Bạn đã từng nghe ai đó khẳng định rằng thiếu tiền chỉ là chuyện nhỏ chưa? Vậy thì bây giờ hãy nghe tiếp một câu khẳng định nữa thế này: thiếu tiền không phải, và không bao giờ là một vấn đề cả, bởi vì thiếu tiền chỉ là một dấu hiệu của những gì đang diễn ra bên trong. Biểu hiện bên ngoài đó (thiếu tiền) chỉ là một hệ quả, và nó luôn có những nguyên nhân sâu xa mà chúng ta đôi khi ít để mắt đến. Vậy thì cách duy nhất để thay đổi thế giới “bên ngoài” là trước tiên hãy thay đổi thế giới “bên trong”.
Dù những thành quả mà bạn gặt hái được có thế nào đi chăng nữa, dù nhiều hay ít, tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực, thì bạn hãy luôn nhớ rằng thế giới bên ngoài chỉ là một hình ảnh phản chiếu của thế giới bên trong: Nếu cuộc sống bên ngoài của bạn không suôn sẻ thì đó chính là do cuộc sống nội tâm của bạn chưa được suôn sẻ. Chỉ đơn giản vậy thôi.
Những lời tuyên bố: bí quyết đầy sức mạnh cho sự thay đổi
Trong các khóa học, chúng tôi sử dụng các kỹ thuật phối hợp giúp bạn học nhanh hơn và nhớ nhiều hơn những điều được học. Chìa khóa là “sự tập trung cao độ”. Phương pháp của chúng tôi xuất phát từ một câu ngạn ngữ cổ: “Bạn sẽ quên những gì bạn nghe; bạn sẽ nhớ những gì bạn nhìn thấy; bạn sẽ hiểu những gì bạn làm”.
Vì vậy tôi yêu cầu mỗi lần bạn đọc hết một quy tắc trong cuốn sách này, bạn hãy đặt tay lên ngực trái và nói một “lời tuyên bố”, rồi chỉ tay lên đầu và nói một “lời tuyên bố” khác. Vậy “lời tuyên bố” là gì? Đó là một câu khẳng định tích cực về một việc mà bạn sẽ thực hiện, được nói một cách mạnh mẽ, rõ ràng và kiên quyết.
Tại sao những lời tuyên bố như vậy lại là công cụ hữu ích trong việc giúp bạn làm giàu? Vì mọi thứ đều được tạo nên từ một dạng vật chất là năng lượng. Tất cả năng lượng luôn chuyển động theo những tần số và dao động nhất định. Và mỗi lời tuyên bố của bạn cũng có tần số dao động của nó. Khi bạn nói to lên một lời tuyên bố nào đó thì năng lượng của nó sẽ truyền qua từng tế bào trong cơ thể, và bạn có thể cảm nhận sự cộng hưởng độc đáo này bằng cách chạm vào cơ thể mình ngay tại thời điểm đó. Những lời tuyên bố không chỉ gửi những thông điệp đặc biệt vào vũ trụ, chúng còn gửi một thông điệp mạnh mẽ vào tiềm thức của bạn.
Sự khác biệt giữa lời tuyên bố với lời khẳng định là không lớn, nhưng theo tôi là rất mạnh. Lời khẳng định là “một câu nói tích cực khẳng định rằng mục tiêu mà bạn muốn đạt được đã và đang xảy ra”. Còn lời tuyên bố là “một sự khẳng định chính thức về quyết tâm thực hiện một hay hàng loạt hành động để đạt được một tình trạng thay đổi nào đó”.
Một lời khẳng định cho thấy một mục tiêu đã và đang
diễn ra. Tôi không điên khùng đến mức cứ thường xuyên khẳng định những điều chưa có thực, bởi vì khi đó giọng nói thầm trong đầu chúng ta sẽ đáp lại bằng câu: “Điều đó không thật, điều đó là bịa”.
Trong khi đó, một lời tuyên bố không nói điều gì không có thật, nó chỉ nói rằng chúng ta có ý định làm một việc gì đó hay trở thành một người như thế nào đó. Đấy là điều mà tiếng nói thì thầm trong ta không thể phản bác, bởi vì chúng ta không tuyên bố đó là sự thật ngay bây giờ mà đó là dự định của chúng ta trong tương lai.
Theo định nghĩa thì lời tuyên bố cũng là mang tính nghi thức. Nó là một câu nói trang trọng chứa năng lượng phóng vào thế giới và hiện diện khắp cơ thể bạn.
Một từ khác cũng rất quan trọng trong định nghĩa trên là hành động. Bạn phải có những hành động cần thiết để biến dự định của mình thành hiện thực.
Tôi khuyên rằng bạn nên nói to những lời tuyên bố của mình một cách mạnh mẽ vào mỗi buổi sáng và buổi tối. Nói lời tuyên bố trong lúc soi gương sẽ làm cho việc này càng hiệu quả hơn.
Tôi phải thú thực rằng khi lần đầu nghe được những điều trên, tôi đã nói: “Không đời nào! Cái kiểu tuyên bố này thật là ngớ ngẩn”. Nhưng bởi vì khi đó tôi là kẻ tay trắng nên tôi đã quyết định: “Cũng chẳng sao, nó cũng chẳng hại gì”, và bắt tay vào thực hiện chúng. Bây giờ tôi
đã giàu có, và tôi hoàn toàn tin rằng những lời tuyên bố thật sự rất hiệu quả.
Nói cách khác, tôi thà rằng mình là kẻ rất ngớ ngẩn và rất giàu có hơn là người rất tỉnh táo mà không có gì cả. Còn bạn thì sao?
Vì thế, tôi đề nghị bạn đặt tay lên ngực và nói…
LỜI TUYÊN BỐ:
“Thế giới nội tâm của tôi tạo nên thế giới bên ngoài của tôi.”
Rồi bạn đặt tay lên trán và nói…
“Tôi có Tư Duy Triệu Phú.”