Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bí mật tư duy triệu phú

Tư Duy Triệu Phú Số 10

Tác giả: T. Harv Eker

Người giàu biết đón nhận. Người nghèo không biết đón nhận.

Nếu tôi phải nêu ra lý do hàng đầu khiến đa số mọi người không phát huy hết tiềm năng tài chính của họ, thì đó là: phần lớn trong số họ là những người không biết đón nhận. Bất kể họ có giỏi cho tặng hay không, nhưng nhất định họ là những “người đón nhận” tồi. Và vì họ không biết đón nhận, nên họ không nhận được gì.

Mọi người không mạnh dạn trong việc đón nhận vì một số lý do. Một là, nhiều người tự cảm thấy không xứng đáng. Hội chứng này rất phổ biến trong xã hội chúng ta. Tôi đoán có tới hơn 90% cá nhân trong thâm tâm nghĩ rằng mình không giỏi lắm.

Suy nghĩ tự ti đó xuất phát từ đâu? Thông thường là từ tâm thức. Đối với đa số chúng ta thì suy nghĩ đó xuất phát từ việc phải nghe hai mươi câu “Không!” cho mỗi câu “Được!”, mười câu “Bạn sai rồi!” cho mỗi câu “Bạn làm đúng!”, và năm câu “Bạn kém quá!” cho một câu “Bạn giỏi thế!”.

Cho dù cha mẹ hay người đỡ đầu luôn hết lòng giúp đỡ, nhưng nhiều người trong chúng ta vẫn thường có cảm giác không đủ khả năng đáp ứng liên tục những gửi gắm và kỳ vọng của họ. Thế nên chúng ta càng thấy mình chưa đủ giỏi.

Bên cạnh đó, rất nhiều người trưởng thành trong môi trường giáo dục nghiêm khắc, thậm chí nghiệt ngã, và cảm giác bị quở trách hay trừng phạt vốn đã ăn sâu trong tâm trí họ. Từ đây hình thành một quy luật bất thành văn là nếu bạn làm sai điều gì, bạn sẽ bị hoặc đáng bị trừng phạt. Không ít người trong chúng ta đã có lần bị cha mẹ, thầy cô… phạt, thậm chí những người thuộc một tổ chức hay tôn giáo nào đó còn bị đe dọa bởi nhiều loại hình phạt, kể cả việc không được lên thiên đàng.

Tất nhiên, khi chúng ta lớn thì những chuyện đó cũng qua. Có đúng thế không? Sai rồi! Với phần lớn chúng ta, ấn tượng về sự trừng phạt đã ăn sâu vào tâm tưởng, đến nỗi nếu không ai trừng phạt khi họ mắc sai lầm hay chỉ vì chưa đạt đến độ hoàn hảo, họ sẽ tự phạt mình một cách vô thức. Khi bạn còn nhỏ, hình thức phạt có thể chỉ đơn giản là: “Con hư quá, con sẽ không được ăn kẹo”. Giờ đây, hình phạt có thể tồn tại dưới dạng: “Bạn kém quá, bạn sẽ không có tiền”. Điều này lý giải nguyên nhân khiến một số người tự giới hạn thu nhập của họ, và tại sao một số khác tự phá hoại thành công của mình một cách vô thức.

Việc nhiều người gặp khó khăn trong động tác đón nhận cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên. Chỉ cần một sai lầm nhỏ xảy ra là họ phải chịu gánh nặng khổ sở triền miên và cả đời nghèo khó. Tôi nhắc lại, tâm trí đã

được định hình của họ là một ngăn hồ sơ chứa đầy những “chương trình” xưa cũ, với ý nghĩa đã bị cảm nhận chủ quan thay đổi ít nhiều, hòa trộn vào những câu chuyện đầy kịch tính và thảm họa.

Đây là những điều tôi thường dạy trong các khóa học, và có thể chúng sẽ làm các bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Trên thực tế, việc bạn cảm thấy xứng đáng hay không không phải là vấn đề, bạn vẫn có thể giàu lên theo một cách khác. Rất nhiều người giàu không cảm thấy xứng đáng lắm khi một trong những động lực chính thúc đẩy họ làm giàu là muốn chứng tỏ khả năng và giá trị bản thân cho chính họ và những người khác. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, việc làm giàu nhằm chứng tỏ giá trị bản thân có thể không làm bạn cảm thấy hạnh phúc, nên tốt hơn cả là bạn hãy làm giàu vì những lý do khác. Tuy nhiên, ở đây có một chi tiết quan trọng bạn cần nhận thấy là cảm giác không xứng đáng của bạn không được ngăn cản bạn hướng đến mục tiêu làm giàu; bởi vì đây có thể là một động cơ thúc đẩy rất hiệu quả.

Nói như vậy để bạn hiểu điều tôi sẽ chia sẻ với các bạn sau đây một cách rõ ràng và mạch lạc. Đây có thể là một trong những thời điểm quan trọng trong cuộc sống của bạn. Bạn sẵn sàng chứ?

Hãy để ý rằng dù bạn có xứng đáng hay không thì đó cũng chỉ là câu chuyện do bạn tạo ra, thế nên nó sẽ không mang ý nghĩa gì, ngoại trừ cái ý nghĩa mà chúng ta gán

ghép cho. Không biết bạn thì sao, chứ tôi chưa từng nghe nói về bất kỳ ai bị “đóng dấu” ngay lúc mới sinh ra. Xin lỗi, tôi không nghĩ lại có chuyện đó! Không ai đóng lên trán bạn chữ “Xứng đáng” hay “Không xứng đáng” cả! Chính bạn sẽ làm điều đó. Bạn là người duy nhất quyết định mình “xứng đáng” hay “không xứng đáng”. Tất cả tùy thuộc vào quan điểm của bạn. Nếu bạn nói bạn xứng đáng, nghĩa là bạn xứng đáng. Nếu bạn nói bạn không xứng đáng, bạn sẽ không xứng đáng. Dù chọn cách nào thì bạn cũng sẽ sống đúng theo câu chuyện cuộc đời mình. Đây là điểm mấu chốt, tôi nhắc lại: Bạn sẽ sống đúng theo câu chuyện của bạn. Đơn giản vậy thôi.

Quy Tắc Thịnh Vượng số 21:

Nếu bạn nói bạn xứng đáng, nghĩa là bạn xứng đáng. Nếu bạn nói bạn không xứng đáng, bạn sẽ không xứng đáng. Dù chọn cách nào thì bạn cũng sẽ sống đúng theo câu chuyện cuộc đời mình.

Vậy tại sao người ta lại làm điều đó? Nguyên cớ gì khiến mọi người tự dựng lên câu chuyện rằng họ không xứng đáng? Đó chỉ là bản chất tự nhiên của con người, tức là “hệ miễn dịch tinh thần” của chúng ta luôn cố tìm kiếm những điều bất ổn. Bạn có thấy lũ sóc chẳng bao giờ lo lắng về những chuyện tương tự như thế không? Bạn nghĩ một con sóc có bao giờ nói: “Năm nay tôi sẽ không thu

nhặt và để dành quả khô nhiều như mọi năm để chuẩn bị cho mùa đông nữa, vì tôi không xứng đáng làm vậy”? Chắc chắn là không! Con vật chỉ biết hành xử theo bản năng này sẽ không bao giờ làm điều đó. Chỉ những sinh vật tiến hóa nhất hành tinh là con người chúng ta mới có khả năng tự giới hạn bản thân như thế.

Tôi có một câu châm ngôn thế này: “Nếu một cây sồi cao 30 mét mang bộ óc của con người, nó sẽ chỉ phát triển đến độ cao 3 mét mà thôi!”. Thế nên tôi đề nghị: Việc thay đổi câu chuyện của bạn sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc thay đổi giá trị con người bạn, vậy thì thay vì cứ mãi loay hoay tìm cách thay đổi giá trị của bạn, hãy thay đổi câu chuyện của bạn. Cách đó chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả tích cực, nhanh chóng với chi phí rẻ hơn đáng kể. Đơn giản là bạn hãy nghĩ ra một câu chuyện khác mang tính hỗ trợ bạn và sống theo câu chuyện đó.

Quy Tắc Thịnh Vượng số 22:

“Nếu một cây sồi cao 30 mét mang bộ óc của con người, nó sẽ chỉ phát triển đến độ cao 3 mét mà thôi!” – T. Harv Eker

Bây giờ, tôi mời bạn tham gia một buổi lễ đặc biệt. Tôi sẽ yêu cầu bạn bỏ ngoài tai bất kỳ điều gì có thể khiến bạn xao lãng: thôi tóp tép nhai kẹo cao su, tắt điện thoại và dừng bất kỳ việc gì bạn đang làm. Nếu là đàn ông, bạn có

thể thay bộ lễ phục, còn các quý bà có thể diện một bộ váy trang trọng dành cho buổi tối. Nếu bạn không có bộ quần áo nào sang trọng hoặc đủ mới, thì đây chính là dịp để bạn sắm một chiếc áo mới toanh có gắn nhãn của nhà thiết kế nổi tiếng mà bạn yêu thích.

Các bạn đã sẵn sàng chưa? Chúng ta bắt đầu nhé.

Bạn hãy quỳ một chân xuống và cúi đầu một cách thành kính. Xong chưa? Nhắc lại theo tôi nào.

“BẰNG QUYỀN NĂNG CỦA MÌNH, TÔI CHÍNH THỨC TUYÊN BỐ ‘BẠN XỨNG ĐÁNG’ KỂ TỪ THỜI ĐIỂM NÀY CHO ĐẾN MÃI VỀ SAU!”

Thế là xong. Bây giờ bạn đứng lên và hãy ngẩng cao đầu, bởi cuối cùng bạn đã xứng đáng. Còn đây là một lời khuyên khôn ngoan: hãy chấm dứt cuộc bàn luận vô bổ về mấy chuyện “xứng đáng” và “không xứng đáng” đó, và hãy bắt đầu những hành động thiết thực hướng đến mục tiêu làm giàu!

Lý do thứ hai khiến phần lớn chúng ta có vấn đề với việc đón nhận là vì ta đã thuộc lòng câu châm ngôn: “Cho đi tốt hơn là nhận về”. Tôi xin nói theo cách lịch sự nhất có thể là: “Thật là sáo rỗng!”. Câu châm ngôn đó hết sức ngớ ngẩn, và (có thể bạn không để ý lắm) thường được truyền bá bởi những người và nhóm người muốn bạn là người cho, còn họ là người nhận.

Toàn bộ ý tưởng đó thật lố bịch. Điều gì sẽ tốt hơn:

nóng hay lạnh, to hay nhỏ, trong hay ngoài? Cho và nhận là hai mặt của cùng một đồng xu. Những ai đoan chắc rằng cho đi tốt hơn nhận về đều rất kém môn toán: Đối với mỗi người cho luôn phải có một người nhận, và với mỗi người nhận bao giờ cũng phải có một người cho đi.

Quy Tắc Thịnh Vượng số 23:

Đối với mỗi người cho luôn phải có một người nhận, và với mỗi người nhận bao giờ cũng phải có một người cho đi.

Hãy nghĩ mà xem, làm sao bạn có thể cho nếu không có ai nhận? Cả hai vế phải nằm trong trạng thái cân bằng tuyệt đối là 50/50. Và vì cho và nhận luôn cân bằng nên chúng phải có tầm quan trọng tương đương nhau.

Cảm giác khi cho đi sẽ như thế nào? Phần lớn chúng ta đồng ý rằng cảm giác cho đi thật diệu kỳ và mãn nguyện. Vậy cảm giác ấy sẽ ra sao nếu bạn muốn cho, nhưng người khác không sẵn sàng đón nhận? Đa số mọi người khẳng định rằng cảm giác đó thật kinh khủng. Thế nên khi bạn không sẵn lòng đón nhận, bạn đang “làm khổ” những người muốn cho bạn.

Làm như vậy là bạn thẳng thừng phủ nhận niềm vui và cảm giác dễ chịu đến từ hành động cho đi của họ. Họ sẽ có cảm giác thật tồi tệ. Bạn hỏi tại sao ư? Tôi nhắc lại

rằng tất cả đều là năng lượng, và khi bạn muốn cho đi nhưng không thể, năng lượng đó sẽ không thể thoát ra và bị mắc kẹt bên trong con người bạn. Năng lượng bị nghẽn tắc sau đó sẽ chuyển hóa thành những cảm xúc tiêu cực.

Sự thể càng xấu đi nếu bạn không sẵn sàng để đón nhận hoàn toàn, bởi bạn đang luyện để vũ trụ không đem cho bạn thứ gì cả! Chuyện này dễ hiểu thôi: Nếu bạn không sẵn sàng để nhận phần của mình, phần đó sẽ đến với những ai sẵn sàng đón nhận. Đó là một trong những lý do khiến người giàu ngày càng giàu thêm và người nghèo mỗi lúc một nghèo đi. Không phải vì người giàu xứng đáng hơn, mà bởi họ luôn sẵn sàng để đón nhận, trong khi phần lớn người nghèo thì không.

Tôi rút ra bài học này một cách thật ngẫu nhiên trong lần đi cắm trại một mình giữa rừng. Để chuẩn bị cho cuộc dạo chơi kéo dài hai ngày, tôi dựng một căn nhà tạm bằng cách buộc phần đỉnh tấm bạt vào cành cây rồi cố định các góc vào mấy chiếc cọc đóng xuống nền đất để tạo ra mái lều 45 độ. May mà tôi chuẩn bị trước căn lều nhỏ đó bởi vì trời mưa rỉ rả suốt đêm. Sáng hôm sau, khi thức dậy và chui ra khỏi túp lều, tôi ngạc nhiên thấy cả người tôi và mọi thứ khác ở dưới tấm che đều khô ráo, nhưng có một vũng nước mưa lớn đọng ở cuối lều phía tấm bạt dốc xuống. Chợt có một giọng nói bên trong bảo tôi: “Thiên nhiên rất giàu có nhưng phân bổ không đồng đều. Khi mưa rơi, nước đổ xuống sẽ phải chảy về một điểm nào đó.

Nếu một phần khô, ắt hẳn phần kia sẽ ướt gấp đôi”. Nhìn vũng nước ấy, tôi chợt nhận ra rằng đồng tiền cũng hoạt động đúng theo cách thức như vậy. Biết cơ man nào là tiền, rất nhiều tiền, hàng tỷ tỷ đô-la đang luân chuyển quanh ta, tuy khá dồi dào nhưng vẫn có giới hạn, và hành trình của nó phải kết thúc tại một điểm nào đó. Có thể suy ra là: Nếu một ai đó không sẵn sàng đón nhận phần mình, tiền sẽ phải đến với những ai đang sẵn sàng. Giọt mưa không quan tâm đến việc sẽ thấm xuống khu đất nào. Tiền cũng thế – không để ý đến việc sẽ nằm trong túi ai.

Khi giảng đến điểm này trong các khóa Tư Duy Triệu Phú, tôi thường hướng dẫn mọi người lời cầu nguyện đặc biệt do tôi tự nghĩ ra sau lần chiêm nghiệm dưới căn lều hôm đó. Nghe có vẻ hài hước, nhưng ý nghĩa rất rõ ràng. Lời cầu nguyện đó thế này: “Hỡi vũ trụ bao la, nếu bất kỳ ai có điều gì đó tuyệt vời sẽ đến mà họ không sẵn sàng đón nhận thì hãy gửi nó cho tôi! Lòng tôi rộng mở và tôi luôn sẵn sàng đón nhận tất cả mọi phúc lành của Ngài! Xin cảm ơn”. Tôi yêu cầu cả khán phòng lặp lại theo tôi câu nói đó và tôi thấy họ như phát điên lên! Họ phấn khích bởi cảm giác kinh ngạc khi họ đã sẵn sàng để đón nhận, và đó là cảm giác tuyệt vời bởi vì họ làm việc đó một cách hết sức tự nhiên. Mọi câu chuyện bạn dựng lên trái ngược với tinh thần đó sẽ chỉ là “câu chuyện hoang đường” chẳng có lợi cho ai cả. Vậy thì hãy để câu chuyện của bạn trôi đi và tiền tràn đến.

Người giàu làm việc cật lực và tin rằng họ hoàn toàn xứng đáng được tưởng thưởng vì sự nỗ lực đó, và vì những giá trị mà họ đem lại cho người khác. Người nghèo làm việc vất vả, nhưng cảm giác không xứng đáng luôn khiến họ tin rằng họ không phải là người thích hợp để nhận phần thưởng, bất kể công sức đã bỏ ra và cả giá trị mà họ đem lại. Cách nghĩ đó biến họ thành nạn nhân, và làm sao bạn có thể là một nạn nhân đúng nghĩa nếu bạn được tưởng thưởng hậu hĩnh?

Nhiều người nghèo thật sự tin rằng họ tốt hơn những người khác bởi vì họ nghèo. Không hiểu sao họ cứ nghĩ rằng mình hiếu thảo hơn, sống tình cảm hơn hay chỉ đơn giản là tốt hơn những người giàu có. Vô lý thật! Thứ duy nhất người nghèo có nhiều hơn người giàu là sự nghèo túng! Có lần, một người đàn ông tham dự khóa học đi đến gặp tôi với khuôn mặt đầy nước mắt. Ông nói: “Tôi thật không hiểu. Làm sao tôi có thể cảm thấy hài lòng khi tôi thì có nhiều tiền, còn người khác lại có quá ít”. Tôi hỏi ông ta một số câu đơn giản: “Ông có thể làm gì cho những người nghèo bằng cách trở thành một người nghèo? Ông giúp đỡ được ai nếu bản thân túng quẫn? Hay ông sẽ trở thành gánh nặng cho người khác khi họ phải nuôi thêm một miệng ăn? Chẳng lẽ việc làm giàu cho bản thân để rồi có thể thật sự giúp đỡ người khác từ vị thế của một người có tiềm lực lại không tốt hơn sao?”.

Người đàn ông ngừng khóc và thốt lên: “Tôi hiểu ra

rồi. Tôi không thể tin là mình lại có những suy nghĩ vớ vẩn đến thế. Harv, tôi tin rằng thời cơ làm giàu của tôi sẽ đến và tôi sẽ có thể giúp đỡ những người khác. Cảm ơn ông”. Ông ta trở về chỗ ngồi với tâm thế của một con người mới. Gần đây, tôi nhận được email của ông, trong đó ông cho biết ông đã có thu nhập gấp mười lần trước kia khiến ông thậm chí cảm thấy hơi ngạc nhiên. Điều tuyệt vời hơn cả là nhờ đó mà ông có thể giúp một số bạn bè và gia đình còn đang gặp khó khăn.

Việc này dẫn ta tới một kết luận quan trọng: Nếu bạn đã hội đủ điều kiện để có thật nhiều tiền, hãy đón nhận đi. Tại sao? Bởi vì chúng ta thật may mắn đã giàu có hơn so với nhiều người khác trên thế giới. Có những người thậm chí còn không có cơ hội để kiếm tiền. Nếu bạn là một trong số những người may mắn có khả năng làm giàu, thì dù có đọc những cuốn sách như thế này hay không, bạn đều phải khai thác hết tiềm lực của mình. Hãy trở nên giàu có rồi sau đó giúp đỡ những người không có cơ hội này. Điều đó ý nghĩa hơn nhiều so với việc trở nên túng quẫn và không giúp gì được cho ai.

Tất nhiên có người sẽ nói: “Tiền bạc sẽ thay đổi tôi mất. Nếu tôi giàu lên, tôi có thể sẽ biến thành một kẻ hợm hĩnh, tham lam”. Thứ nhất, chỉ những người nghèo mới nói vậy. Đó chẳng qua là lời bao biện nhằm che giấu sự thất bại và nó như một loài cỏ dại ẩn mình trong khu vườn tài chính của họ.

Thứ hai, cho phép tôi đính chính lại: Tiền sẽ chỉ khẳng định thêm những tính cách mà bạn vốn có. Nếu bạn bủn xỉn, tiền sẽ khiến bạn trở nên bủn xỉn hơn. Nếu bạn tốt bụng, tiền sẽ cho bạn cơ hội để trở nên tốt bụng hơn. Nếu bạn là một kẻ xuẩn ngốc, tiền sẽ làm cho bạn trở nên ngốc nghếch hơn. Nếu bạn hào phóng, việc có nhiều tiền hơn chỉ làm bạn trở nên hào phóng hơn mà thôi. Bất cứ người nào nói ngược lại những lập luận này đều là kẻ thất bại và túng quẫn!

Quy Tắc Thịnh Vượng số 24:

Tiền sẽ chỉ khẳng định thêm những tính cách mà bạn vốn có.

Vậy bạn cần làm gì để trở thành người biết đón nhận? Trước tiên, hãy bắt đầu từ chính bạn. Con người là những sinh vật sống theo thói quen, và vì thế bạn sẽ phải tập thói quen đón nhận những điều tốt đẹp nhất mà cuộc đời đã ban tặng.

Một trong những yếu tố then chốt trong hệ thống quản lý tiền bạc mà chúng tôi hướng dẫn trong các khóa Tư Duy Triệu Phú là cần tạo ra một tài khoản Vui chơi, tức là số tiền (có giới hạn) mà bạn tự cho phép mình tiêu xài phung phí và cho phép bạn “có cảm giác của một triệu phú”. Về bản chất, tài khoản này có vai trò như một công cụ giúp bạn xác định giá trị bản thân, đồng thời củng cố khả năng đón nhận của mình.

Thứ hai, bạn hãy luyện tập để trở nên nhiệt tình, hưng phấn và thích thú bất cứ khi nào bạn tìm thấy hay nhận được tiền bạc. Thật buồn cười, khi túi trống rỗng và bất chợt thấy một đồng xu trên mặt đất, tôi thường không chịu cúi thấp đến thế chỉ để nhặt đồng xu con con. Khi tôi đã giàu lên, tôi lại nhặt bất cứ cái gì, chỉ cần trông chúng có vẻ giống tiền. Rồi tôi gửi nó chiếc hôn may mắn và nói lên thành tiếng: “Tôi là thỏi nam châm hút tiền. Cảm ơn vũ trụ, cảm ơn, cảm ơn”.

Tôi không đứng đấy để tìm hiểu mệnh giá in trên đồng tiền. Tiền là tiền, và việc nhìn thấy tiền bạc là một phước lành mà vũ trụ ban tặng. Bây giờ tôi luôn sẵn sàng đón nhận bất cứ cái gì và đón nhận mọi thứ đến với mình!

Tâm hồn rộng mở và thái độ sẵn sàng đón nhận là những yếu tố vô cùng quan trọng một khi bạn muốn tạo ra của cải. Việc này lại càng có ý nghĩa hơn nếu bạn muốn cất giữ số của cải đó. Nếu bạn là người không biết đón nhận, bạn sẽ không hiểu vì sao một số tiền lớn như vậy lại thuộc về bạn, vậy thì khả năng số tiền đó sẽ biến mất một cách nhanh chóng là hoàn toàn có thật. Ở đây chúng ta bắt gặp quy tắc “Trước tiên là bên trong, sau đó mới đến bên ngoài”. Hãy mở rộng “chiếc hộp đón nhận” của bạn, rồi bạn sẽ thấy tiền bạc đổ về lấp đầy khoảng không đó.

Bạn nhớ là vũ trụ rất ghét sự trống trải và không gian trống sẽ được làm đầy chỉ trong chốc lát. Bạn có bao giờ để ý nhà kho hay nhà xe của bạn không? Thường thì chúng

không trống rỗng quá lâu. Bạn cũng có để ý một điều kỳ lạ là thời gian cần thiết để một động thái xảy ra luôn bằng với thời gian mà bạn dành cho nó? Một khi bạn thật sự mở lòng để đón nhận, bạn sẽ nhận được rất nhiều.

Ngoài ra, một khi bạn thật sự cởi mở để đón nhận, thì cả cuộc sống của bạn cũng sẽ rộng mở. Bạn không chỉ nhận được nhiều tiền hơn, mà còn nhận được nhiều tình yêu thương, nhiều sự an bình cùng nhiều niềm vui hơn, và bạn sẽ mãn nguyện hơn. Tại sao? Bởi vì tất cả dựa trên quy tắc mà tôi luôn tin tưởng là: “Bạn thực hiện một hành động đơn lẻ theo cách nào thì bạn cũng thực hiện tất cả mọi việc theo cách ấy”.

Quy Tắc Thịnh Vượng số 25:

Bạn thực hiện một hành động đơn lẻ theo cách nào thì bạn cũng thực hiện tất cả mọi việc theo cách ấy.

Thông thường, cách bạn hành xử trong một lĩnh vực sẽ là cách bạn hành xử trong tất cả các lĩnh vực khác. Nếu bạn “đóng kín bản thân” trước việc đón nhận tiền bạc, ắt hẳn sẽ có khả năng bạn “tự phong tỏa” trước việc đón nhận tất cả mọi điều tốt lành khác trong cuộc sống. Mặc dù trí não thường không phân rõ ranh giới cụ thể để xác định thời điểm bạn là người đón nhận kém cỏi, song nó có thói quen làm điều ngược lại là tổng quát hóa quá mức tất cả mọi thứ

rồi và nói: “Sự việc đã xảy ra như thế, và là cách mà nó phải xảy ra, bao giờ cũng vậy và ở đâu cũng vậy”.

Nếu bạn là người không biết đón nhận, bạn sẽ là người không biết đón nhận trong mọi lĩnh vực. Điều đáng mừng là một khi bạn đã trở thành người biết đón nhận, bạn sẽ luôn biết đón nhận mọi nơi, mọi lúc, đồng thời bạn biết mở lòng để đón nhận tất cả những gì vũ trụ ban tặng trong mọi lĩnh vực cuộc đời bạn.

Điều duy nhất bạn phải nhớ là hãy luôn nói: “Cảm ơn” mỗi khi bạn đón nhận những điều may mắn đến với mình.

TUYÊN BỐ: Bạn hãy đặt tay lên ngực và nói…

“Tôi là người luôn biết đón nhận. Tôi cởi mở và sẵn sàng để đón nhận thật nhiều, thật nhiều tiền đến với mình!”

Rồi bạn đặt tay lên trán và nói…

“Tôi có Tư Duy Triệu Phú!”

NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ

1. Hãy luyện tập để trở thành người biết đón nhận. Mỗi lần ai đó khen ngợi bạn, hãy nói một câu cảm ơn đơn giản. Đừng đáp lễ bằng một lời khen khác ngay lúc đó. Như vậy bạn sẽ nhận được trọn vẹn và sở hữu lời khen đó, thay vì “đẩy” nó ra như phần lớn mọi người thường làm. Cách ứng xử này cũng tạo cơ hội cho người khen tặng có niềm vui cho quà mà không bị ném trả lại.

2. Mỗi khi tìm thấy hay nhận được bất kỳ số tiền nào, bạn đều nên hân hoan chào đón. Hãy bước tới và hét lên: “Tôi là thỏi nam châm hút tiền. Cảm ơn vũ trụ, cảm ơn, cảm ơn”. Câu nói này cần được thốt lên với số tiền bạn nhặt được, bạn được cho hay tặng, bạn nhận từ chính phủ, tiền lương của bạn và số tiền bạn nhận từ các công việc kinh doanh.

Vũ trụ hình thành là để hỗ trợ bạn. Nếu bạn luôn tuyên bố rằng bạn là “thỏi nam châm hút tiền”, và đặc biệt là khi bạn chứng minh được điều đó, vũ trụ sẽ chỉ còn biết nói: “Tốt!” và gửi nhiều tiền hơn nữa cho bạn.

3. Hãy chiều chuộng bản thân một chút. Ít nhất mỗi tháng một lần, bạn hãy làm gì đó thật đặc biệt để chăm sóc cơ thể và tinh thần bạn, chẳng hạn đi làm đẹp, xông hơi thư giãn, đến các câu lạc bộ…, hãy thưởng thức một bữa tối sang trọng, thuê một chiếc thuyền hay ngôi nhà nghỉ ở vùng quê để cùng gia đình nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần… (Bạn có thể phải thương lượng với bạn bè hay thành viên gia đình khi làm việc này). Hãy làm tất cả những việc cho phép bạn cảm thấy mình là người giàu có và xứng đáng. Năng lượng của bạn tỏa ra từ những trải nghiệm đó sẽ gửi thông điệp tới vũ trụ rằng bạn đang sống một cách sung túc. Khi đó, vũ trụ chỉ nói: “Tốt !” rồi làm công việc của nó là mang đến cho bạn nhiều cơ hội hơn nữa.

Bình luận