Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bí mật tư duy triệu phú

Tư Duy Triệu Phú Số 16

Tác giả: T. Harv Eker

Người giàu hành động bất chấp nỗi sợ hãi. Người nghèo để nỗi sợ hãi ngăn cản họ.

Ở phần đầu cuốn sách này, chúng ta đã thảo luận về “Quá trình Hiển hiện” với công thức: suy nghĩ dẫn tới cảm xúc, cảm xúc chi phối hành động, hành động tạo ra kết quả.

Hàng triệu người “suy nghĩ” về việc làm giàu và hàng ngàn người khẳng định, mường tượng và chiêm nghiệm về việc làm giàu. Tôi cũng chiêm nghiệm về điều đó hầu như mỗi ngày, nhưng tôi chưa bao giờ ngồi mường tượng ra cảnh hàng đống tiền rơi xuống quanh tôi. Tôi đoán tôi chỉ là một trong số những người kém may mắn luôn phải làm một cái gì đó thì mới thành công được.

Khẳng định, chiêm nghiệm và hình dung đều là những công cụ tinh thần tuyệt vời, nhưng chúng không bao giờ mang đến cho bạn những đồng tiền thật cả. Trong thế giới thực tại của chúng ta, bạn phải hành động thật sự mới có thể thành công thật sự. Tại sao hành động lại có vai trò quan trọng đến thế?

Chúng ta trở lại một chút với “Quá trình Hiển hiện”. Hãy quan sát suy nghĩ và cảm xúc. Đó là một phần của thế giới bên trong hay bên ngoài? Rõ ràng là thế giới bên

trong. Giờ thì hãy quan sát kết quả. Chúng thuộc thế giới bên trong hay bên ngoài? Thế giới bên ngoài. Từ đó suy ra “hành động” là chiếc cầu nối giữa thế giới bên trong và bên ngoài.

Quy Tắc Thịnh Vượng số 35:

Hành động là chiếc cầu nối giữa thế giới bên trong và bên ngoài.

Nếu hành động quan trọng như thế, vậy điều gì ngăn cản chúng ta thực hiện những hành động mà chúng ta biết mình cần làm?

Nỗi sợ hãi!

Nỗi sợ hãi, sự hoài nghi và cảm giác lo lắng chính là những trở ngại lớn nhất khiến bạn không thành công và kém hạnh phúc. Do đó, điểm khác biệt lớn nhất giữa người giàu và người nghèo là người giàu sẵn sàng hành động bất chấp nỗi sợ hãi, trong khi người nghèo luôn để cho nỗi sợ hãi ngăn cản họ.

Tác giả Susan Jeffers đã viết một cuốn sách rất hay về vấn đề này với tựa đề Cảm nhận nỗi sợ hãi và hành động bằng mọi giá. Sai lầm lớn nhất mà đa số mọi người thường mắc phải là chờ đợi. Họ hy vọng cảm giác sợ hãi sẽ dần lắng xuống hay biến mất trước khi họ sẵn sàng hành động. Trên thực tế, những người như vậy sẽ phải chờ đợi mãi mãi.

Một trong các chương trình được biết đến nhiều nhất của chúng tôi là Enlightened Warrior Training Camp (Tạm dịch: Trại Huấn luyện Chiến binh Khai sáng). Trong chương trình đào tạo đó, chúng tôi dạy rằng một chiến binh thực thụ có thể “thuần hóa con rắn hổ mang chúa có tên là Nỗi sợ hãi”, tức là bạn không cần phải giết chết nó, cũng không nên bỏ chạy, mà sẽ “thuần hóa” con rắn hổ mang đó.

Quy Tắc Thịnh Vượng số 36:

Một chiến binh thực thụ có thể “thuần hóa con rắn hổ mang có tên là Nỗi sợ hãi”.

Trước hết bạn phải ý thức được rằng chúng ta không cần cố gắng thoát khỏi nỗi sợ hãi của mình. Người giàu có và thành đạt cũng có nhiều nỗi sợ hãi, sự nghi ngờ và cảm giác lo lắng, nhưng họ không cho phép những cảm xúc này khiến họ chùn bước. Ngược lại, những người không thành công thường để cho nỗi sợ hãi, sự hoài nghi và cảm giác lo lắng khiến họ dừng chân.

Quy Tắc Thịnh Vượng số 37:

Không nhất thiết phải cố thoát khỏi nỗi sợ hãi mới thành công.

Chúng ta là những sinh vật sống theo thói quen, nên chúng ta cần tập luyện để có thể hành động bất chấp nỗi sợ hãi, sự hoài nghi, cảm giác lo lắng, thiếu chắc chắn, không thoải mái, kém tiện nghi. Thậm chí, bạn hãy tập hành động ngay cả khi bạn chưa sẵn sàng.

Trong một buổi tối dạy ở Seattle, tôi đã giới thiệu cho mọi người biết về chương trình ba ngày Tư Duy Triệu Phú sẽ được tổ chức ở Vancouver. Một nông dân liền đứng dậy và nói: “Harv, cả chục người trong gia đình và bạn bè tôi đã tham dự khóa học của anh và tất cả đều đạt được kết quả phi thường. Ai cũng khẳng định rằng họ đang cảm thấy hạnh phúc hơn trước và tất cả họ đều đang vững bước trên con đường dẫn đến sự tự do tài chính. Họ nói những khóa học đã thay đổi cuộc sống của họ. Nếu anh tổ chức khóa học đó ở Seattle, tôi nhất định cũng sẽ tham gia”.

Tôi cảm ơn anh vì lời khen ngợi, rồi tôi hỏi liệu anh ấy có muốn nghe một lời khuyên không. Anh đồng ý và tôi nói: “Tôi chỉ có mấy từ cho anh”. Anh ấy vui vẻ đáp lại: “Đó là gì vậy?”. Tôi trả lời ngắn gọn: “Anh đang túng quẫn!”.

Rồi tôi hỏi về tình trạng tài chính của anh. Anh ngượng ngùng thừa nhận là không tốt lắm. Tôi quay sang nói với cả thính phòng: “Nếu bạn để cho ba giờ lái xe, ba giờ ngồi máy bay, thậm chí ba ngày đi đường vất vả, ngăn cản bạn làm những việc bạn muốn làm và phải làm, vậy thì còn những điều gì khác tiếp tục ngăn cản bạn nữa đây?

Câu trả lời đơn giản là: bất cứ điều gì! Bất cứ điều gì cũng có thể ngăn cản bạn. Vấn đề ở đây không phải bởi vì độ lớn của thử thách, mà bởi vì độ lớn của bạn!”.

“Rất đơn giản,” – tôi tiếp tục. – “Hoặc bạn sẽ bị ngăn cản, hoặc bạn sẽ không chùn bước trước bất cứ khó khăn nào! Bạn hãy tự mình lựa chọn”. Nếu bạn muốn trở nên giàu có và thành công, bạn phải là một “chiến binh”, nghĩa là bạn phải sẵn sàng hành động bất chấp mọi trở ngại. Bạn phải rèn luyện để không bị ngăn cản trước bất cứ khó khăn nào.

Việc làm giàu không phải lúc nào cũng thuận lợi, suôn sẻ hay nhanh chóng, dễ dàng. Trên thực tế, đôi khi việc làm giàu là vô cùng vất vả. Nhưng vậy thì sao chứ? Một trong những nguyên tắc sống của người chiến binh đã được khai sáng là: “Nếu bạn chỉ sẵn sàng làm những việc đơn giản, thì cuộc sống của bạn sẽ đầy rẫy khó khăn. Nhưng nếu bạn quyết tâm làm những việc khó khăn, cuộc sống của bạn sẽ đơn giản”. Người giàu không né tránh khó khăn và chọn những công việc dễ làm. Lối sống ấy là lựa chọn của người nghèo và của hầu hết những người thuộc tầng lớp trung lưu.

Quy Tắc Thịnh Vượng số 38:

Nếu bạn chỉ sẵn sàng làm những việc đơn giản, thì cuộc sống của bạn sẽ đầy rẫy khó khăn. Nhưng nếu bạn quyết tâm làm những việc khó khăn, cuộc sống của bạn sẽ đơn giản.

Người nông dân khơi mào cuộc tranh luận này cảm ơn tôi vì đã “mở mắt cho anh ấy”. Tất nhiên, anh ấy là người đầu tiên ghi danh khóa học đó, mặc dù nó vẫn được tổ chức ở Vancouver. Nhưng chi tiết thú vị nhất là tôi đã vô tình nghe được những lời anh nói qua điện thoại khi tôi rời khỏi phòng. Anh ta thuật lại chính xác “bài phát biểu” của tôi cho các bạn của anh ở đầu dây bên kia. Tôi đoán điều anh nói đã tác động đến họ vì ngay hôm sau, anh gọi lại và đăng ký thêm ba suất học.

Vậy còn cảm giác không thoải mái? Tại sao việc chúng ta phải hành động bất chấp cảm giác không thoải mái lại quan trọng như thế? Bởi vì cảm giác thoải mái là vị trí bạn đang đứng lúc này. Nếu muốn chuyển sang một vị trí mới, bạn phải bước ra khỏi “vùng an toàn” và làm những việc không thoải mái.

Người nghèo và đa số người thuộc tầng lớp trung lưu không sẵn sàng đối mặt với sự không thoải mái, bởi vì được sống thoải mái là sự ưu tiên lớn nhất của họ. Tôi tiết lộ cho bạn một bí mật chỉ người giàu và những người đặc biệt thành công biết: cảm giác thoải mái đã được đánh giá quá cao. Cuộc sống thoải mái có thể làm bạn cảm thấy ấm áp và an toàn, nhưng nó không tạo cơ hội để bạn phát triển. Muốn “trưởng thành” và làm “người lớn”, bạn phải mở rộng vùng thoải mái của mình. Thời điểm duy nhất bạn thật sự phát triển là khi bạn ra ngoài vùng thoải mái của mình.

Lần đầu tiên khi bạn thử một điều gì đó mới mẻ, bạn cảm thấy thoải mái hay không thoải mái? Thường là không thoải mái. Nhưng sau đó thì sao? Bạn càng làm lại càng thấy công việc đó không quá khó khăn hay đáng sợ như bạn tưởng, và bạn dần dần lấy lại cảm giác thoải mái, đúng không? Mọi việc đều diễn ra như thế. Lúc đầu là không thoải mái, nhưng nếu bạn kiên trì và tiếp tục những việc bạn nên làm, bạn sẽ từng bước chuyển từ vùng không thoải mái sang vùng thoải mái. Và mọi việc cứ tiếp tục. Khi đó, vùng thoải mái của bạn đã được mở rộng, nghĩa là bạn đã trở thành một người “lớn hơn”.

Tóm lại, thời điểm duy nhất mà bạn đang thật sự lớn lên là lúc bạn không cảm thấy thoải mái. Vậy thì từ giờ trở đi, hễ bạn cảm thấy không thoải mái, thì thay vì rụt đầu vào chiếc mai rùa có tên “vùng thoải mái” như trước đây bạn vẫn làm, hãy tự khích lệ bằng câu: “Tôi phải lớn lên” và tiếp tục tiến lên phía trước.

Quy Tắc Thịnh Vượng số 39:

Thời điểm duy nhất mà bạn đang thật sự lớn lên là lúc bạn không cảm thấy thoải mái.

Nếu bạn muốn giàu có và thành công, bạn cần tập luyện để cảm thấy thoải mái với công việc không thoải mái. Hãy bước vào vùng không thoải mái của mình và làm

những việc từng khiến bạn e ngại. Đây là một phương trình mà tôi cho rằng bạn nên ghi nhớ: VTM = VTV.

Phương trình đó có nghĩa “Vùng Thoải Mái” của bạn luôn cân bằng với “Vùng Thịnh Vượng” của bạn.

Việc mở rộng vùng thoải mái sẽ giúp bạn gia tăng thu nhập và mở rộng vùng giàu có, hay Vùng Thịnh vượng của bạn. Bạn càng thoải mái thì bạn càng ít gặp rủi ro hơn, như thế bạn lại càng ít cơ hội để thử thách hơn, ít người để gặp gỡ, và càng ít cơ hội để bạn thử nghiệm chiến lược mới. Bạn có hiểu lập luận của tôi chứ? Khi sự thoải mái được bạn ưu tiên, nghĩa là bạn đang lệ thuộc vào nỗi sợ hãi của mình đấy.

Ngược lại, khi bạn sẵn sàng thử thách bản thân tức là bạn đang mở rộng vùng cơ hội của mình, và điều đó cho phép bạn có nguồn thu nhập cao hơn và nhanh chóng trở nên giàu có hơn. Tuy nhiên, khi bạn có vùng thoải mái rộng lớn, vũ trụ sẽ vội vã gửi “vật liệu” đến lấp đầy không gian đó. Người giàu và những người thành công có vùng thoải mái rộng lớn, song họ vẫn không ngừng mở rộng nó để có khả năng thu hút và tích lũy của cải nhiều hơn.

Chưa có ai chết vì không thoải mái, nhưng hơn tất cả mọi thứ cộng lại, việc sống dưới bóng chiếc ô thoải mái đó đã giết chết nhiều ý tưởng, chặn đứng cơ hội, ngăn cản hành động và trì hoãn xu hướng phát triển của con người. Nếu mục đích của bạn là được sống thoải mái, tôi đảm bảo với bạn ba điều. Thứ nhất, bạn sẽ không bao giờ giàu có.

Thứ hai, bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc. Thứ ba, bạn không bao giờ biết nguyên nhân khiến bạn không hạnh phúc và giàu có. Hạnh phúc không xuất phát từ cuộc sống an phận, luôn lo sợ không biết điều gì sẽ xảy ra. Hạnh phúc là kết quả của sự phát triển, trưởng thành tự nhiên, cũng như của quá trình phấn đấu và nỗ lực không ngừng.

Hãy thử mà xem. Mỗi khi bạn cảm thấy không thoải mái, thiếu chắc chắn, hay đang lo sợ, thì thay vì rút lui về chỗ an toàn như thói quen trước đó, bạn hãy dũng cảm tiến lên phía trước. Hãy chú ý cảm giác không thoải mái và nhớ rằng dù sao đó cũng chỉ là cảm giác mà thôi, và chúng không đủ sức mạnh để ngăn cản bạn. Nếu bạn bền chí tiếp tục tiến lên bất chấp sự không thoải mái, nhất định bạn sẽ đạt được mục tiêu của mình.

Trên thực tế, cảm giác không thoải mái không phải là yếu tố quan trọng. Thời điểm khi bạn bắt đầu cảm nhận sự thoải mái cũng là lúc bạn phải nâng cao mục tiêu của mình, bởi đó chính là lúc bạn đã ngừng phát triển. Tuy nhiên, để phát huy tối đa tiềm năng của bản thân, bạn phải luôn sẵn sàng bước qua cảm giác thoải mái và ra khỏi chiếc hộp an toàn của mình.

Tôi khuyến khích bạn, như tôi đã khuyến khích tất cả học viên của mình, hãy tập hành động bất chấp nỗi sợ hãi, sự bất tiện, cảm giác không thoải mái ngay cả khi bạn chưa hề sẵn sàng để làm việc này. Như thế, bạn sẽ nhanh chóng tiến lên các cấp độ sống cao hơn. Trên con đường ấy, hãy

nhớ rằng bạn phải thường xuyên kiểm tra tài khoản ngân hàng của mình, bởi vì số tiền trong đó sẽ tăng rất nhanh. Tôi cam đoan như vậy.

Khi bàn tới điểm này, tôi thường hỏi các thính giả: “Có bao nhiêu người trong số các bạn ở đây sẵn sàng tập hành động bất chấp nỗi sợ hãi và sự không thoải mái?”. Thường thì tất cả mọi người sẽ giơ tay lên (có thể chỉ vì họ sợ tôi sẽ chú ý và chỉ trích họ chăng?). Rồi tôi nói: “Lời nói không thì chưa đủ! Để tôi thử xem liệu các bạn có nói thật không nhé”. Tôi lấy ra một mũi tên gỗ có đầu nhọn bằng thép và giải thích rằng đây là bài thực tập cho phần này. Bạn sẽ phải bẻ gãy mũi tên bằng cách tì đầu nhọn vào cổ họng mình. Sau đó, tôi trình diễn cách cắm mũi tên vào cổ họng và nhờ một người khác dùng tay ấn mạnh vào đầu kia. Như thế chỉ có hai khả năng: hoặc bạn dùng cổ bẻ gãy mũi tên, hoặc để nó xuyên qua cổ bạn.

Hầu hết mọi người đều bị sốc! Có khi tôi yêu cầu một người tình nguyện nào đó làm bài tập này, cũng đôi lúc tôi đưa mũi tên cho mọi người chuyền tay nhau để bẻ thử. Hàng nghìn người đã thử bẻ những mũi tên đó!

Kỳ tích trên có thể xảy ra không? Có đấy. Có đáng sợ không? Chắc chắn rồi. Có khó chịu không? Tất nhiên là có chứ. Nhưng đừng để nỗi sợ hãi và sự khó chịu ngăn cản bạn. Ý tưởng của bài học là bạn hãy rèn luyện trí óc để sẵn sàng làm mọi việc cần thiết và hành động bất chấp nỗi sợ hãi nhằm đạt được mục tiêu của mình.

Có phải đa số đã bẻ gãy mũi tên? Đúng vậy, đó là những người bước tới mũi tên với quyết tâm phải bẻ gãy được nó. Còn những ai do dự, ngại ngần, chầm chậm bước tới một cách miễn cưỡng đã không làm được điều đó.

Sau thí nghiệm với mũi tên, tôi hỏi mọi người: “Bao nhiêu người trong số các bạn thấy việc bẻ mũi tên thật ra dễ dàng hơn đã tưởng?”. Tất cả đều xác nhận như vậy. Tại sao lại thế? Đây chính là một trong những bài học quan trọng nhất của bạn.

Trí óc của bạn là “nhà biên kịch” vĩ đại nhất trong lịch sử chuyên về những chủ đề không tưởng dựa trên các bi kịch, thảm họa và những điều chưa từng xảy ra và chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra. Khi đề cập đến vấn đề này, Mark Twain đã nói một câu rất xác đáng: “Tôi đã lo lắng về hàng ngàn vấn đề trong đời mình, nhưng hầu hết những vấn đề ấy không bao giờ xảy ra trong thực tế”.

Con người bạn không đồng nghĩa với trí óc của bạn. Bạn lớn lao hơn và vĩ đại hơn trí óc của bạn. Trí óc của bạn chỉ là một phần của thân thể bạn, như tay chân của bạn vậy. Và bạn nên kiểm soát, quản lý và rèn luyện trí óc để nó phục vụ bạn thay vì chống lại bạn và làm cho cuộc sống của bạn rối tung lên.

Quy Tắc Thịnh Vượng số 40:

Rèn luyện và điều khiển trí óc là kỹ năng quan trọng nhất mà bạn có thể học được để có cả hạnh phúc lẫn thành công.

Rèn luyện và điều khiển trí óc là kỹ năng quan trọng nhất mà bạn có thể học được để có được cả hạnh phúc lẫn thành công, và đó chính là những gì chúng tôi đã làm với cuốn sách này và sẽ tiếp tục làm với bạn, nếu bạn tham gia một trong những chương trình đào tạo của chúng tôi.

Nhưng bạn có thể rèn luyện trí óc mình bằng cách nào? Hãy bắt đầu từ việc quan sát. Bạn nhận thấy rằng trí óc bạn liên tục sản sinh ra những suy nghĩ không ủng hộ cho thành công và hạnh phúc của bạn. Bạn hãy xác định được những suy nghĩ tiêu cực đó và thay thế chúng bằng những suy nghĩ tích cực làm tăng sức mạnh của bạn. Vậy những suy nghĩ làm tăng sức mạnh của bạn ở từ đâu ra? Từ đây, ngay trong cuốn sách này. Mỗi tuyên bố trong cuốn sách này là một cách suy nghĩ thành công và tích cực đấy.

Hãy tiếp thu và biến cách suy nghĩ, lối sống và thái độ đó thành của bạn. Đừng đợi một lời mời chính thức mới làm điều đó mà hãy quyết định ngay bây giờ rằng cuộc sống của bạn sẽ tốt hơn nếu bạn chọn suy nghĩ theo những cách chúng tôi miêu tả và trình bày trong sách này, thay vì cứ suy nghĩ theo cách tự hủy hoại như trước đây. Hãy tự nhủ rằng kể từ giờ phút này, trí óc bạn sẽ không điều khiển

bạn, mà chính bạn sẽ điều khiển trí óc mình. Từ nay, trí óc bạn không phải là thuyền trưởng, bạn mới là thuyền trưởng con tàu cuộc đời bạn, và trí óc bạn làm việc cho bạn.

Bạn có thể lựa chọn suy nghĩ của mình.

Tại bất cứ thời điểm nào bạn đều có khả năng loại bỏ mọi suy nghĩ không ủng hộ bạn, cũng như có thể “cài đặt” những suy nghĩ mới nhằm gia tăng sức mạnh cho bản thân, rồi bạn tập trung vào những suy nghĩ đó. Bạn có toàn quyền và đủ khả năng kiểm soát trí óc mình mà.

Trong các buổi học, tôi hay nhắc đến một trong những người bạn thân nhất của mình là Robert Allen. Anh là tác giả có nhiều đầu sách bán chạy và là người có những lời phát biểu rất sâu sắc. Anh từng nói: “Không có suy nghĩ nào tồn tại trong đầu bạn một cách miễn phí”.

Ẩn ý của câu nói trên là bạn sẽ phải trả giá cho những suy nghĩ tiêu cực của mình. Bạn có thể phải trả bằng tiền, bằng công sức, bằng thời gian, bằng sức khỏe, và bằng mức độ hạnh phúc của bạn. Nếu bạn muốn vươn lên mức độ mới cao hơn của cuộc sống, hãy bắt đầu phân chia suy nghĩ của bạn thành hai loại dựa trên bản chất của chúng – gia tăng sức mạnh hoặc làm suy yếu sức mạnh của bạn. Sau đó, bạn hãy lựa chọn và chỉ thực hiện những suy nghĩ giúp bạn mạnh mẽ lên, đồng thời từ chối và xóa bỏ những suy nghĩ không hỗ trợ gì cho bạn. Khi những suy nghĩ tiêu cực nổi lên, bạn hãy nhấn nút “Xóa bỏ” và nói “Cảm ơn vì đã chia sẻ”, rồi thay thế chúng bằng những suy nghĩ tích

cực. Tôi gọi đó là quá trình năng lực tư duy (bạn hãy đánh dấu những từ này), và nếu bạn thực hành đúng như vậy, cuộc sống của bạn sẽ thay đổi tích cực đến không ngờ. Tôi cam đoan với bạn điều đó!

Vậy có gì khác biệt giữa hai khái niệm “năng lực tư duy” và “tư duy tích cực”? Có một khoảng cách biệt, tuy không lớn nhưng rất sâu sắc. Tôi quan niệm rằng người ta sử dụng tư duy tích cực để khoác lên mọi thứ chiếc áo màu hồng, trong khi từ sâu thẳm tâm hồn, họ biết là không phải thế. Còn với năng lực tư duy, chúng ta hiểu rằng mọi sự việc đều trung tính, rằng không điều gì có ý nghĩa ngoại trừ cái ý nghĩa mà chúng ta áp đặt cho, và rằng chúng ta sắp tạo dựng một câu chuyện và gán cho nó một ý nghĩa nào đó.

Với tư duy tích cực, người ta cố tin rằng suy nghĩ của họ là thật. Còn năng lực tư duy nhận ra rằng suy nghĩ của chúng ta không thật, nhưng một khi chúng ta có thể dựng lên những câu chuyện khác nhau thì chúng ta hoàn toàn có khả năng dựng lên những câu chuyện có tác dụng hỗ trợ chúng ta. Những câu chuyện như thế hữu ích hơn và làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn nhiều so với những câu chuyện vô bổ trước kia.

Trước khi kết thúc phần này, tôi muốn khuyến cáo bạn không nên thử làm bài tập bẻ gẫy mũi tên ở nhà. Bài tập đó phải được chuẩn bị theo một cách đặc biệt, bằng không bạn có thể làm tổn thương bản thân cũng như người xung

quanh. Trong chương trình, chúng tôi sử dụng dụng cụ bảo vệ. Nếu bạn quan tâm đến dạng bài tập rèn luyện tinh thần tương tự, hãy xem miêu tả chi tiết của chương trình “Enlightened Warrior Training Camp” trên trang web của chúng tôi. Chương trình đó sẽ hướng dẫn bạn những việc bạn có thể làm và còn nhiều điều thú vị khác!

TUYÊN BỐ: Bạn hãy đặt tay lên ngực và nói…

“Tôi hành động bất chấp nỗi sợ hãi.” “Tôi hành động bất chấp sự hoài nghi.” “Tôi hành động bất chấp sự lo lắng.”

“Tôi hành động bất chấp sự thiếu tiện nghi.” “Tôi hành động bất chấp sự không thoải mái.” “Tôi hành động cả khi tôi chưa sẵn sàng.”

Rồi bạn đặt tay lên trán và nói…

“Tôi có Tư Duy Triệu Phú!”

NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ

1. Hãy liệt kê ba nỗi lo lắng, quan tâm hay sợ hãi lớn nhất của bạn liên quan đến tiền bạc và thành công, rồi tìm cách vượt qua cảm giác đó. Hãy viết ra những việc bạn có thể làm, nếu hoàn cảnh khiến bạn lo sợ xảy ra trên thực tế. Bạn vẫn có thể tồn tại chứ? Liệu bạn có thể làm lại tất cả không? Rất có thể câu trả lời sẽ là có. Vậy thì hãy quẳng gánh lo đi và bắt đầu làm giàu!

2. Tập thoát ra khỏi vùng thoải mái của bạn. Cố tình đưa ra những quyết định không thoải mái đối với bạn, chẳng hạn như trò chuyện với những người bình thường bạn không nói, yêu cầu tăng lương tháng của bạn hay tăng giá trong hoạt động kinh doanh của bạn, dậy sớm hơn một tiếng mỗi ngày, đi dạo trong rừng ban đêm… Hãy tham gia chương trình “Enlightened Warrior Training Camp” (Trại Huấn luyện Chiến binh Khai sáng), bởi chương trình này sẽ rèn luyện bạn trở nên vững vàng và không lùi bước trước bất cứ khó khăn nào!

3. Hãy sử dụng năng lực tư duy để quan sát bản thân và cách suy nghĩ của bạn. Chỉ thực hiện những suy nghĩ hỗ trợ cho hạnh phúc và thành công của bạn. Hãy gạt bỏ ý nghĩ “Tôi không thể!”, “Tôi không muốn làm” hay “Tôi không có tâm trạng đó!”. Đừng cho phép tiếng nói sợ hãi hay an phận đó chỉ huy bạn. Bất cứ khi nào tiếng nói tiêu cực ngăn cản bạn làm một việc gì đó hỗ trợ cho thành công của bạn, bạn cũng sẽ không thoái lui bởi bạn chính là chủ nhân cuộc sống của mình. Làm như thế, bạn không chỉ gia tăng sự tự tin, mà tiếng nói đó cũng sẽ im lặng dần vì nó nhận ra nó không có nhiều ảnh hưởng đối với bạn.

Bình luận
× sticky