Từ trước đến nay chúng ta vẫn luôn tin rằng tài năng xuất chúng của những thiên tài hay thần đồng là do gene di truyền hoặc là do huyết thống. Khi nghe những câu chuyện như thần đồng âm nhạc người Áo W. A. Mozart (1756-1791) 3 tuổi đã có thể biểu diễn piano, hay là J. S. Mill1 3 tuổi đã có thể đọc thành thạo những tác phẩm cổ điển bằng tiếng Latinh, hầu hết chúng ta đều suy nghĩ rất đơn giản rằng “Đúng là thiên tài, ngay từ khi mới sinh ra đã khác người thường rồi”.
Nhưng nếu như tìm hiểu kĩ về thời ấu thơ của những thiên tài ấy thì chúng ta mới biết rằng, cả cha mẹ của W. A. Mozart và J. S. Mill đều là những người vô cùng nhiệt huyết với việc áp dụng phương pháp giáo dục sớm. Họ đã dạy dỗ con mình rất nghiêm khắc và có định hướng rõ ràng ngay từ khi con họ còn ở thời kỳ ấu thơ. Điều đó chứng tỏ rằng cả W. A. Mozart và J. S. Mill đều không phải là thiên tài ngay từ khi mới sinh ra, mà tài năng xuất chúng của họ là kết quả của việc được nuôi dạy trong môi trường giáo dục sớm ngay từ khi còn ở tuổi ấu thơ.
Vậy thì câu hỏi ngược lại là những trẻ ngay từ khi mới sinh ra được nuôi dưỡng trong môi trường không lành mạnh thì sẽ trở nên như thế nào? Một ví dụ có thể coi là điển hình để minh chứng cho điều này là câu chuyện nổi tiếng về hai cô bé người sói bị bỏ rơi tên là Amala (?-1921) và Kamala (?-1929).
Tháng 10 năm 1920, vợ chồng một vị mục sư tên là J. A. L. Singh trên đường đi truyền đạo đã bắt gặp hai con vật trong một hang động ở một ngôi làng nhỏ cách Calcutta khoảng 110 km về phía tây nam. Thế nhưng khi họ đến gần thì hóa ra hai con vật đó lại là hai bé gái được nuôi dưỡng bởi đàn sói hoang. Hai vợ chồng vị mục sự đã đặt tên cho hai bé gái là Amala và Kamala. Họ đã rất nỗ lực để đưa hai em trở về với cuộc sống của con người nhưng tiếc rằng nỗ lực ấy của họ đã không thành.
Chúng ta coi việc con người thì sẽ sinh ra con người, còn loài sói thì sẽ sinh ra loài sói như là một sự thật hiển nhiên. Thế nhưng câu chuyện trên lại cho thấy một sự thật rằng chính môi trường và sự nuôi dạy ngay từ khi mới lọt lòng đã biến một đứa trẻ thành một con sói.
Sau khi nghe và chứng kiến câu chuyện có thật đó, tôi nhận ra rằng môi trường và sự nuôi dạy trẻ ở tháng đầu đời là vô cùng quan trọng. Xuất phát từ suy nghĩ vì thế hệ tương lai của nước Nhật, và là vì một thế giới tốt đẹp hơn thì việc “Giáo dục ấu thơ” cần phải được suy nghĩ và nghiên cứu nghiêm túc, chúng tôi đã thành lập “Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục trẻ tuổi ấu thơ” vào năm 1969. Đồng thời với việc tập hợp các nhà nghiên cứu trong và ngoài viện nghiên cứu để bắt đầu tiến hành nghiên cứu về nuôi dạy sớm ở trẻ, trung tâm cũng lập những lớp học giáo dục sớm cho trẻ để phục vụ cho việc phân tích sâu hơn, từ đó sẽ mở rộng và ứng dụng “Phương pháp Suzuki” – một phương pháp giáo được cả thế giới chú ý đến của nhà giáo dục nổi tiếng Suzuki Shinichi2.
Càng đi sâu vào nghiên cứu chúng tôi càng nhận ra rằng suy nghĩ của chúng ta đối với trẻ thơ từ trước đến nay đều sai lầm. Chúng ta cứ nghĩ rằng chúng ta đã hiểu biết tất cả về trẻ em nhưng hình ảnh thực sự của trẻ em thì chúng ta lại không hề biết. Chính bởi vậy, khi trẻ bước sang tuổi thứ 3, chúng ta mới bắt đầu lo lắng xem nên dạy gì cho trẻ. Gần đây có một nghiên cứu mang tính đột phá về sinh lí não mới được công bố với tựa đề “Sự phát triển não bộ của người đến 3 tuổi đã hoàn thiện 78- 80%”. Như vậy tế bào não của trẻ hầu như đã hoàn thiện sau khi được 3 tuổi, nên các bậc cha mẹ cần phải dạy trẻ cái gì và dạy như thế nào ở giai đoạn tuổi ấu thơ này chính là vấn đề cần được quan tâm nhất trong phương pháp giáo dục trẻ tuổi ấu thơ.
Các bậc phụ huynh không cần thiết phải suy nghĩ thái quá rằng “giáo dục trẻ tuổi ấu thơ” là một cái gì đó ghê gớm. Bởi vì “giáo dục trẻ tuổi ấu thơ” chỉ là một giai đoạn chuẩn bị trước khi bắt đầu vào giai đoạn giáo dục thực sự và nó là “thời điểm thích hợp” để nuôi dạy trẻ, mà người khám phá ra thời điểm đó chỉ có duy nhất người mẹ mà thôi. Bất cứ người mẹ nào dẫu biết rằng việc nuôi dạy con cái là một công việc vất vả cũng mong muốn làm tất cả những gì có thể, dành những gì tốt đẹp nhất cho con mình.
Vậy thì thông qua cuốn sách này, chúng tôi mong muốn sẽ là người hỗ trợ cho những người mẹ nào có mong ước như vậy. Chúng tôi mong ước quyển sách này có thể giúp nuôi dạy một hoặc rất nhiều đứa trẻ nên người.
Ibuka Masaru
Ngày 20 tháng 5 năm 1971