LỜI BÌNH CỦA NHÀ GIÁO TAGO AKIRA, GIÁO SƯ DANH DỰ TRƯỜNG ĐẠI HỌC CHIBA
Năm 1992, Ibuka là nhà kinh doanh, kiêm kĩ thuật gia đầu tiên nhận được huân chương văn hóa “Bunka- kunsho”. Những hoạt động của ông trong lĩnh vực kinh doanh đã đưa công ty Sony từ một công xưởng nhỏ vươn tầm ra thế giới, góp phần gửi gắm giấc mơ và hi vọng cho rất nhiều người Nhật sau chiến tranh. Trên lĩnh vực nghiên cứu nuôi dạy trẻ tuổi ấu thơ ông cũng đã có cống hiến to lớn cho nền văn hóa Nhật Bản.
Cơ duyên đã đưa ông Ibuka đến với giáo dục trẻ tuổi ấu thơ đã được viết ở đầu cuốn sách này, đó là xuất phát từ làn sóng phản đối đại học diễn ra ở khắp nơi trên nước Nhật vào những năm 1960. Đương thời đã có rất nhiều trí thức và học giả phê phán vấn đề giáo dục ở đại học, nhưng hầu như không có ai suy nghĩ sâu sắc và nghiêm túc về vấn đề đó như ông Ibuka. Tiếp theo, từ suy nghĩ về tầm quan trọng của giáo dục trẻ tuổi ấu thơ đối với thế hệ tương lai của nước Nhật ở thế kỉ XXI, ông đã tiến hành nghiên cứu về giáo dục trẻ thời kì bú sữa mẹ, và năm 1969 ông đã sáng lập “Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục trẻ tuổi ấu thơ”.
Khi trung tâm nghiên cứu được thành lập thì tôi cùng hợp tác trên vai trò là nhà tâm lí học. Thế nhưng vào thời ấy không có nhiều người hiểu được ý nghĩa cốt lõi về tầm quan trọng của giáo dục từ 0 tuổi mà ông Ibuka chủ trương. Đã có rất nhiều trí thức chỉ cần nghe tới từ giáo dục từ 0 tuổi là lên tiếng phản đối, ngay cả với những học giả cũng thế, đều có phong trào phản đối mạnh mẽ việc giáo dục trẻ từ thời kì bú sữa, vì cho rằng trẻ 0 tuổi chưa hiểu biết gì nên việc giáo dục này là phí công vô ích.
Thế nhưng, chủ trương của ông Ibuka cho rằng “Giáo dục trẻ từ 0 đến 3 tuổi là vô cùng quan trọng để phát huy khả năng của trẻ thơ” thì không gặp sự phản đối nào từ dư luận. Năm 1971, ông đã xuất bản cuốn sách đầu tiên về giáo dục trẻ thơ với tựa đề “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn”, và được mọi người gọi là “Lí luận Ibuka”. Và người đầu tiên thấu hiểu một cách sâu sắc và chân thực nhất “Lí luận Ibuka” lại chính là những người mẹ quan tâm đến việc nuôi dạy con mình. Rất nhiều những lá thư cảm động như “Tôi đã được mở rộng tầm mắt về nuôi dạy con cái” được gửi về trung tâm từ những bà mẹ đã áp dụng phương pháp nuôi dạy từ 0 tuổi vào thực tế.
Sau đó, trải qua gần 30 năm, tôi đã vô cùng kinh ngạc bởi khi đọc lại những chủ trương được viết trong cuốn sách này, nó vẫn không hề cũ. Đương thời lúc xuất bản cuốn sách những lí luận của ông Ibuka “Giáo dục trẻ từ 0 đến 3 tuổi sẽ tạo ra năng lực và nhân cách cho trẻ” vẫn bị coi là giả thuyết, nhưng sau đó cùng với sự phát triển của nghiên cứu về sinh lí não thì những lí luận ấy mới được chứng minh là đúng đắn. Và chúng ta cần phải kính nể ông Ibuka ở sự nhạy bén và cảm nhận thiên tài của mình khi nắm bắt chính xác chân lí của giáo dục trẻ sớm trước thời đại như thế.
Bây giờ, những nhận thức giáo dục từ 0 tuổi, hay giáo dục trẻ thơ đã được công nhận một cách rộng rãi, sự quan tâm của Bộ Giáo dục đối với giáo dục trẻ thời kì bú sữa mẹ đã được nâng cao lên rất nhiều. Người đã thay đổi suy nghĩ của tôi về giáo dục trẻ tuổi ấu thơ từ trong gốc rễ chính là ông Ibuka. Không chỉ dừng lại ở Nhật, cuốn sách này đã được dịch ở rất nhiều nước trên thế giới, và “Lí luận Ibuka” không chỉ dẫn dắt cho sự nghiệp giáo dục trẻ tuổi ấu thơ của thế giới, mà những đóng góp của nó cho đến giờ đã chứng tỏ thêm được tầm ảnh hưởng văn hóa sâu sắc không thể nào đo được.
Đối với ông Ibuka, điều ông lo lắng nhất bây giờ là giáo dục trẻ tuổi ấu thơ có được tiếp nhận một cách đúng đắn hay không. Nếu đọc cuốn sách này thì mọi người sẽ hiểu, ông Ibuka kịch liệt phản đối việc nhồi nhét kiến thức cho trẻ tuổi ấu thơ để làm bước đệm chuẩn bị cho giáo dục ở trường học. Những quan niệm giáo dục chỉ chạy theo việc nâng chỉ số thông minh IQ, vào trường mẫu giáo tốt, vào trường học hàng đầu, là những suy nghĩ xa vời nhất đối với suy nghĩ của ông về giáo dục trẻ tuổi ấu thơ. Thế nhưng trên thế giới này những người như thế vẫn không phải là ít.
Hơn nữa, ông Ibuka còn nhấn mạnh đến sự vĩ đại của “sức mạnh giáo dục” từ người mẹ, đáng tiếc là ngày nay không có nhiều phụ nữ trẻ hiểu và làm theo điều đó. Những người mẹ mà khi con còn nhỏ thì vô trách nhiệm “vứt bỏ con”, và đến giai đoạn giáo dục tiếp nhận tri thức thì thay đổi đột ngột dồn ép con học, sẽ không bao giờ nuôi dạy được những đứa trẻ có lòng hiếu kì mãnh liệt, có tính tự lập, tự chủ hay có một tâm hồn phong phú được. Những việc như vậy thì từ một phần tư thế kỉ trước ông Ibuka đã kịch liệt lên án.
Một người ghét nhìn lại phía sau như Ibuka chắc sẽ nói rằng “Thậm chí ‘Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn’ cũng đã là quá trễ rồi”. Tuy nhiên, cuốn sách này đến bây giờ vẫn còn nguyên tính thời đại.
Cuốn sách “cổ điển” không chỉ đơn thuần đây là cuốn sách cũ, mà với bất kì thời đại nào nó cũng để lại ấn tượng sâu sắc, và đưa ra phương châm sống đúng đắn cho mọi người. Cuốn sách này đã gửi gắm những lí luận về giáo dục trẻ tuổi ấu thơ, khiến nó giống như một cuốn kinh thánh về giáo dục trẻ sớm, và ý nghĩa chân thực nhất của nó cũng giống như tính “cổ điển” càng về sau càng tỏa sáng.
Trích trong cuốn “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn ” tái bản năm 1999, NXB Sunmark.