1.1. Chờ đến khi đi mẫu giáo thì đã muộn
Trước khi bắt đầu câu chuyện, tôi muốn mọi người hãy ôn lại những chuyện thời chúng ta còn là học sinh. Trong cùng một lớp nhưng có những người học rất giỏi, nhưng cũng có những người lại học dở vô cùng. Những người học rất giỏi thì thường không phải nỗ lực vất vả nhiều nhưng thành tích lúc nào cũng cao nhất, ngược lại những người học dở thì cố gắng mãi mà thành tích vẫn cứ lẹt đẹt. Ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua những chuyện như vậy đúng không các bạn? Thầy cô giáo luôn an ủi chúng ta rằng “Đầu óc thông minh hay kém thông minh không phải là do bẩm sinh mà tùy thuộc vào nỗ lực của bản thân mỗi chúng ta”.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn tin rằng từ khi sinh ra ai thông minh thì sẽ thông minh, ai dốt thì sẽ dốt như là một sự thật hiển nhiên. Vậy thì quan điểm của thầy cô giáo là “Giỏi và dốt không phải do bẩm sinh mà tùy thuộc vào nỗ lực của bản thân” và suy nghĩ trực quan của chúng ta “Giỏi hay dốt đều là do bẩm sinh” thì cái nào đúng. Đối với tôi cả hai quan điểm đó đều có cái đúng và đều có cái sai. Mọi người sẽ nói rằng đúng là câu trả lời lấp lửng, nhưng tôi sẽ chỉ ra lí do vì sao.
Câu trả lời ở đây là tính cách và năng lực của mỗi con người không phải do bẩm sinh mà được quyết định khi đến một “thời kì nhất định” nào đó trong cuộc đòi. Ông cha ta có câu “Trồng dưa được dưa trồng đậu được đậu” hoặc là “Có công mài sắt có ngày nên kim” để ám chỉ rằng con người được quyết định hoặc là bởi yếu tố huyết thống và di truyền, hoặc là bởi yếu tố nỗ lực cố gắng của bản thân. Tuy nhiên tất cả những thuyết này đều được đưa ra mà không có căn cứ khoa học thuyết phục, và kết luận rất mơ hồ.
Nhưng, những nghiên cứu mới nhất về sinh lí học của não bộ và di truyền học đã có những tiến bộ mạnh mẽ, và nó giúp làm sáng tỏ rằng tính cách và năng lực của con người thực chất được hình thành chủ yếu ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi. Có nghĩa là, con người khi mới được sinh ra thì hầu như đều giống nhau về khả năng mà không có sự khác biệt giữa thiên tài và người bình thường. Tùy thuộc vào môi trường giáo dục sau khi sinh ra mà trẻ trở thành thiên tài hay người bình thường.
Nói như vậy để chúng ta hiểu rằng không phải cứ khi nào muốn là ta có thể thành thiên tài. Năng lực và tính cách của con người được quyết định gần như toàn bộ ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi, tôi gọi đây là “thời kì thích hợp”. Chính vì lí do đó mà sau khi đi học, có những học sinh chẳng phải vất vả gì nhưng vẫn học tốt, trong khi có những học sinh cố gắng mãi mà thành tích vẫn vậy.
Như vậy điều quan trọng nhất ở đây chính là cha mẹ cần nuôi dạy trẻ như thế nào ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi, bởi vì sau 3 tuổi tức là sau khi đi mẫu giáo thì đã muộn để phát triển trí tuệ và năng lực của trẻ.
Chắc hẳn trong số các bạn sẽ có rất nhiều người thắc mắc rằng tại sao một người làm chuyên môn về kĩ thuật và làm kinh doanh như tôi lại lao vào lĩnh vực không phải chuyên môn của mình là nghiên cứu giáo dục sớm ở trẻ? Quan tâm đến một vấn đề quan trọng như giáo dục sớm ở trẻ là một điều đương nhiên, nhưng tôi đã cảm thấy không thể đứng yên được khi cái điều tưởng chừng như lẽ dĩ nhiên đó lại vô tình bị các bậc cha mẹ bỏ qua.
Ngoài ra, có rất nhiều động lực trực tiếp đưa tôi đến với nghiên cứu về giáo dục sớm ở trẻ. Động lực đó chính là bản thân tôi cũng là một phụ huynh có con nhỏ, cũng gặp phải rất nhiều khó khăn và trăn trở trong việc nuôi dạy con mình. Và một động lực nữa là xuất phát từ những hoài nghi của cá nhân tôi với phương pháp giáo dục hiện nay.
Thực tế thì tôi cũng là một người cha đã chậm trễ trong việc áp dụng giáo dục sớm cho con mình. Khi con tôi còn nhỏ, tôi đã không hề biết rằng có thể phát triển khả năng trí tuệ của trẻ rất nhiều nếu như áp dụng phương pháp nuôi dạy từ 0 tuổi. Người khai sáng giúp tôi chính là thầy giáo dạy violin nổi tiếng Suzuki Shinichi, người đã được cả thế giới chú ý đến thông qua lớp học giáo dục sớm cho trẻ bằng violin. Thầy Suzuki đã từng nói rằng: “Đối với bất kì trẻ nào cũng chỉ có một phương pháp giáo dục”. Khi nghe lời nói đó, và thực tế được chứng kiến tận mắt những thành quả thực tiễn rất tuyệt vời của thầy Suzuki, tôi cảm thấy vô cùng tiếc nuối vì bản thân là một người cha nhưng đã chẳng làm gì giúp con mình.
“Làn sóng phản đối đại học”3 xảy ra vào những năm 1960 chính là sự kiện đã làm cho tôi có cái nhìn nghiêm túc hơn để đặt câu hỏi giáo dục là gì? Giáo dục cần phải làm những việc gì? Ban đầu tôi nhìn nhận mấu chốt của vấn đề chính là chế độ giáo dục ở đại học và con đường giáo dục ở bậc đại học. Thế nhưng, khi đã tìm hiểu kĩ lưỡng tôi nhận ra rằng bản chất của vấn đề chính là cả giai đoạn giáo dục trước đại học, đó là ở trung học phổ thông, và xa hơn nữa là từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông, rồi thì từ tiểu học lên trung học cơ sở và cuối cùng chính là sự quá muộn ở giai đoạn mẫu giáo. Và thật bất ngờ khi suy nghĩ này của tôi lại có chung quan điểm với phương pháp giáo dục thử nghiệm sớm cho trẻ tuổi ấu thơ của thầy Suzuki.
Thầy Suzuki chính là người đã thực hiện phương pháp giáo dục trẻ tuổi ấu thơ vô cùng độc đáo có tên gọi là “Phương pháp Suzuki” vốn đã được áp dụng 30 năm nay, đó là dạy trẻ chơi violin ngay từ khi còn rất nhỏ. Trước đó, chúng ta vẫn chỉ biết đến phương pháp giáo dục rất thông thường đó là bắt đầu dạy trẻ chơi đàn từ khi trẻ bắt đầu lên tiểu học hoặc là trung học cơ sở. Thế nhưng việc bắt đầu dạy cho trẻ từ lứa tuổi này trở đi đã tạo ra sự chênh lệch rất lớn về khả năng giữa các trẻ, đó là có những trẻ thì rất giỏi, nhưng có những trẻ thì hầu như không thể cải thiện được nhiều. Chính vì lí do đó mà phương pháp Suzuki đã hạ thấp độ tuổi dạy đàn cho trẻ ở tuổi ấu thơ. Vậy đây, trong khi suy nghĩ của tôi về giáo dục trẻ tuổi ấu thơ bắt đầu nhen nhóm nên nhân sự kiện “Làn sóng phản đối ở đại học” những năm 1960, thì trước đó 30 năm phương pháp ấy đã được thầy Suzuki áp dụng vào trong thực tiễn rồi.
Phương pháp giáo dục của thầy Suzuki chỉ là dạy cho trẻ chơi violin. Nhưng khi tôi bắt đầu những nỗ lực nghiên cứu phương pháp giáo dục trẻ tuổi ấu thơ thì tôi nhận ra rằng phương pháp ấy không phải chỉ dành cho môn violin, mà nó có thể áp dụng cho bất cứ môn học nào.
Ở chương trước tôi đã giới thiệu rằng “Tùy thuộc vào cách giáo dục trẻ ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi mà nếu muốn con mình thành thiên tài thì cha mẹ có thể nuôi dạy con mình thành thiên tài”. Chính vì câu khẳng định đó mà tôi nhận được những chất vấn từ các bậc cha mẹ rằng: “Vậy thì, có phải giáo dục trẻ tuổi ấu thơ chính là phương pháp giáo dục để tạo ra thiên tài?”.
Câu trả lời là “Không phải”. Giáo dục trẻ tuổi ấu thơ chỉ có một mục đích duy nhất đó là “Để nuôi dạy một đứa trẻ trở nên ngoan ngoãn, vui vẻ, có trí tuệ thông minh và khỏe mạnh”.
Nếu từ khi sinh ra mà không mắc phải những căn bệnh hay khuyết tật bẩm sinh gì thì tất cả mọi trẻ em đều giống nhau. Vậy thì tại sao có trẻ rất thông minh, có trẻ trí tuệ lại tầm thường, có trẻ thì ngoan ngoãn, có trẻ lại ương bướng không nghe lời, tất cả những điều đó đều là trách nhiệm của cha mẹ. Với bất kì trẻ nào cũng thế, nếu như cha mẹ cho trẻ tiếp xúc với những gì cần thiết ở “thời kì thích hợp” thì chắc chắn cha mẹ nào cũng đều có thể nuôi dạy trẻ thành những người có tính cách và trí tuệ tuyệt vời.
Chúng ta hãy thử lấy ví dụ về những loài động vật, như loài chó chẳng hạn. Bất kì loài chó nào dù mang nòi giống ưu tú thuần chủng đến đâu đi nữa nhưng khi được phóng sinh trở về thế giới hoang dã thì chúng cũng đều trở nên hung dữ và cuối cùng đều quay về bản năng hoang dã của mình. Dù ít hay nhiều thì tùy vào cách nuôi dạy của cha mẹ mà một đứa trẻ khi mới sinh ra chỉ mang trí não gần giống như loài động vật cũng có thể dễ dàng trở thành một loài hoang dã giống như câu chuyện về hai cô bé người sói mà tôi đã giới thiệu ở phần trước.
Có một sự kiện mà có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ, đó là lời khai được công bố trong cuốn hồi kí của một kẻ sát nhân là thanh thiếu niên, kẻ đã gây ra vụ giết người hàng loạt bằng súng và không rõ động cơ. Trong hồi kí đó, hung thủ đã lên tiếng chỉ trích dữ dội những năm tháng ấu thơ của mình rằng “Bản chất và tính cách con người có vẻ như được hình thành trong 5 năm đầu đời. 5 năm ấy cũng chỉ đơn thuần là những ngày tháng, nó chẳng thấm tháp gì đối với một đời người. Nhưng những năm tháng ấy lại có thể tạo nên tính cách để chi phối và thay đổi cuộc đời của một con người thì chẳng phải những năm tháng ấy là vô cùng quan trọng hay sao. Và phải chăng các bậc cha mẹ trên đời này đã khinh suất mà bỏ qua những năm tháng quan trọng này”. (Nguyên văn trong tác phẩm “Giọt nước mắt của sự thiếu hiểu biết”). Đọc đến đây liệu có bậc cha mẹ nào cảm thấy nhói đau trong tim mình.
Triết lí cơ bản về giáo dục trẻ tuổi ấu thơ của tôi là đừng để những đứa trẻ trở thành những loài cây hoang dại, và đừng tạo ra những đứa trẻ bất hạnh như đứa trẻ trong câu chuyện trên. Chỉ có một giải pháp chính xác duy nhất cho suy nghĩ này là giáo dục trẻ từ khi trẻ mới lọt lòng.
Những ví dụ về phương pháp giáo dục trẻ tuổi ấu thơ như cho trẻ nghe nhạc, cho trẻ học violin ngay từ khi còn nhỏ không nhằm mục đích biến trẻ thành những thiên tài âm nhạc. Dạy trẻ tiếng Anh, cho trẻ học chữ Hán cũng không có mục đích tạo ra những thiên tài về ngôn ngữ học. Và giáo dục trẻ tuổi ấu thơ cũng không nhằm mục đích làm bước đệm cho trẻ bước vào những trường chuyên, lớp chọn. Học violin, học tiếng Anh, học chữ chỉ là một phương pháp giúp trẻ phát huy hết những khả năng trí tuệ vô hạn của mình mà thôi.
Phương pháp giáo dục trẻ tuổi ấu thơ của tôi bắt đầu áp dụng từ giai đoạn trẻ sơ sinh, là giai đoạn mà trẻ có những khả năng trí tuệ vô hạn. Nhưng nếu nói như vậy thì sẽ có rất nhiều người nghi ngờ rằng một đứa trẻ vừa mới được sinh ra chưa hề biết gì, sao lại có thể kì vọng trẻ có những khả năng vô hạn được. Câu trả lời cho những nghi ngờ đó là “Chính bởi vì trẻ sơ sinh chưa hề biết gì nên trẻ lại có những khả năng vô cùng lớn”. So với những loài động vật khác khi mới sinh ra thì trẻ sơ sinh trưởng thành chậm hơn. Trong một thời gian ngắn khi vừa mới sinh ra trẻ chỉ có thể khóc và bú sữa. Trong khi đó những loài động vật khác đã có thể đứng lên và đi lại được. Theo các nhà nghiên cứu động vật học thì sự khác biệt này sẽ xảy ra trong 10 hoặc 11 tháng đầu đời.
Vậy thì đâu là nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau này? Nguyên nhân đầu tiên đó là xuất phát từ tư thế đi của con người là đứng thẳng và đi lại bằng hai chân, khác với những loài động vật khác. Phải chăng đó là lí do mà thai nhi không thể bám lại lâu trong bụng mẹ.
Chính vì điều đó mà đối với những loài động vật khác thì ngay từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ, chúng đã có được những khả năng như đi lại và nhiều khả năng khác, ngược lại thì trẻ sơ sinh lại được sinh ra trong trạng thái gần như là không hề biết gì.
Nói một cách khác thì những loài động vật khi vừa mới sinh ra trí não đã được hoàn thiện nhiều, ngược lại trí não của trẻ sơ sinh khi vừa mới sinh ra không khác gì một trang giấy trắng. Tôi muốn nhấn mạnh rằng trí tuệ và năng lực của trẻ sơ sinh được quyết định toàn bộ sau khi ra đời tùy thuộc vào việc nuôi dạy của cha mẹ, tùy thuộc vào việc chúng ta vẽ cái gì trên trang giấy trắng ấy.
Để tạo ra tính cách tốt và trí tuệ thông minh cho trẻ thì cha mẹ phải kích thích thật nhiều cho trẻ ở chính giai đoạn mà não của trẻ đang có khả năng vô hạn này, còn nếu cha mẹ chẳng làm gì cứ để mặc trẻ lớn lên thì khả năng vô hạn của trẻ cũng sẽ mãi không bao giờ được phát triển.
Một bộ não thông minh tùy thuộc nào khả năng liên kết và giao tiếp giữa các tế bào não với nhau. Vậy sự liên kết giữa các tế bào não này được quyết định đến khi trẻ mấy tuổi? Nghiên cứu gần đây nhất cho thấy điều đó được quyết định trong giai đoạn trẻ từ 0 đến 3 tuổi. Bộ não của con người có khoảng 14 tỉ tế bào não, khi đứa trẻ vừa mới được sinh ra thì bộ não vẫn giống như một trang giấy trắng và các tế bào não hầu như chưa hề có sự liên kết với nhau. Lúc này, tế bào trong não chỉ là những cá thể đứng riêng rẽ và không hề có hoạt động gì.
Nếu soi não dưới kính hiển vi thì ta sẽ nhận thấy rằng từ khi trẻ sinh ra, cùng với những hiểu biết được tích lũy dần theo thời gian các tế bào não sẽ liên kết lại với nhau, và số lượng những mối liên kết giống như cầu nối giữa các tế bào náo cũng tăng lên theo. Có nghĩa là càng có nhiều tế bào tham gia vào sự liên kết, giao tiếp, đan xen với nhau thì càng chứng tỏ bộ não xử lí tốt và xử lí được nhiều thông tin từ bên ngoài vào. Nếu ta ví von sự giao tiếp giữa các tế bào não với nhau giống như sự giao tiếp giữa những tụ bán dẫn trong một chiếc máy vi tính thì nếu để từng tụ bán dẫn riêng biệt, chúng chẳng có tác dụng gì, nhưng nếu chúng tạo thành đường truyền kết nối với nhau thì chúng sẽ có chức năng xử lí như là chiếc máy tính điện tử.
Nếu ví bộ não như là chiếc máy vi tính xử lí thông tin thì thời điểm mà đường truyền kết nối giữa những tụ bán dẫn trong máy vi tính này đạt được tốc độ nhanh nhất cũng tương ứng với bộ não của trẻ ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi. Thực tế cho thấy khoảng 70-80% khả năng kết nối giữa các tế bào não được hoàn thiện khi trẻ lên 3 tuổi. Cùng với đường truyền liên kết trong não tăng dần thì trọng lượng của bộ não cũng tăng lên. Chính vì thế mà sau khi sinh được 6 tháng, trọng lượng bộ não của trẻ sẽ tăng lên gấp đôi lúc mới sinh, và khi được 3 tuổi thì trọng lượng ấy đã bằng 80% trọng lượng bộ não của người lớn.
Đương nhiên là qua 3 tuổi thì không có nghĩa là não của trẻ sẽ không phát triển nữa. Nhưng từ 4 tuổi trở đi, đường truyền kết nối trong não lại được hình thành ở bộ phận khác của não, đó là ở thùy trước của não. Còn trước 3 tuổi thì đường truyền kết nối trong não được hình thành ở não sau. Sự khác nhau giữa việc hình thành đường kết nối giữa các tế bào não ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi và sau 3 tuổi có thể được hình dung dễ dàng như sau: Ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi, sự hình thành này giống như là ổ cứng của một chiếc máy vi tính, nghĩa là nó là bộ phận cốt lõi, quan trọng nhất; còn sự hình thành ở giai đoạn sau 3 tuổi thì giống như phần mềm của chiếc máy vi tính, nghĩa là nó chỉ là bộ phận chỉ ra cách sử dụng cho chiếc máy tính mà thôi.
Những yếu tố được kích thích từ bên ngoài vào trong não sẽ được mã hóa nguyên mảng và lưu giữ trong não, bộ phận quan trọng nhất và cơ bản nhất để xử lí những thông tin này đều được hình thành khi trẻ ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi, còn việc sử dụng những chức năng được hình thành ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi như tư duy, ý chí, sáng tạo, thao tác như thế nào thì lại là từ 3 tuổi trở đi.
Chính vì thế, nếu như trước 3 tuổi mà bộ não của trẻ không được rèn luyện để giống như một ổ cứng của máy tính thì sau 3 tuổi nó sẽ chỉ như những phần mềm mà dù có rèn luyện bao nhiêu cũng không thay đổi được nhiều. Đọc đến đây chắc các bạn đã hiểu lí do vì sao chúng ta cần phải giáo dục trẻ từ sớm để phát triển khả năng trí tuệ của trẻ.
Hiện tại có không ít người trong số những nhà tâm lí học và những nhà giáo dục đều có chung quan điểm rằng việc không áp dụng bất kì phương pháp giáo dục nào cho trẻ ở tuổi ấu thơ cũng đồng nghĩa với việc chúng ta có tội với trẻ.
Bộ não của trẻ nhỏ xíu như thế nếu bị nhồi nhét biết bao nhiêu thứ thì sẽ làm đứa trẻ dễ trở thành đầu óc có vấn đề. Thời kì ấu thơ thì điều tốt nhất là cứ để trẻ lớn lên tự nhiên. Đôi khi trẻ trở nên ích kỉ nhưng vẫn có những bậc cha mẹ cho rằng đó là bản tính tự nhiên của trẻ. Trong chúng ta có không ít những ông bố, bà mẹ đã làm theo những suy nghĩ như thế, tự tán dương rằng mình đang theo “Chủ nghĩa nuôi dạy tự nhiên”, rằng mình hiểu biết, và hơn nữa còn an tâm nghĩ rằng mình là một phụ huynh có tư tưởng tiến bộ.
Thế nhưng, điều đáng báo động là khi những đứa trẻ bước vào mẫu giáo, rồi vào bậc tiểu học thì những bà mẹ trước kia tôn thờ chủ nghĩa để trẻ lớn lên tự nhiên ấy đã thay đổi một cách nhanh chóng. Từ trước đến giờ, vì nghĩ rằng con mình vẫn còn bé, nên cha mẹ cứ để mặc con lớn lên tự nhiên, vô tình biến con thành ích kỉ và không biết nghe lời. Nhưng giờ con đã vào mẫu giáo, đã vào tiểu học rồi thì cần phải giáo dục nghiêm khắc. Thế là từ một người mẹ vốn hiền dịu bỗng chốc trở thành một người mẹ thật nghiêm khắc, nhiệt tâm thái quá với việc học của con.
Qua những gì đã giới thiệu về sự phát triển của trí não ở phần trên, chúng ta hiểu rằng những suy nghĩ đó chính là sự lầm tưởng của các bà mẹ. Thà rằng ở giai đoạn ấu thơ mẹ nhiệt tâm và nghiêm khắc thì có thể kì vọng rằng sự nhiệt tâm đó sẽ đem lại kết quả tốt cho con mình.
Những người mẹ đã nhầm lẫn giữa hai giai đoạn “nuôi dạy nghiêm khắc” và “nuôi dạy tự do” đều trở thành tâm điểm bị dư luận chỉ trích hoặc chê trách mà gán cho cái tên “Những bà mẹ nhiệt tâm thái quá với giáo dục con cái”, tiếng Nhật gọi là “kyoikumama”. (Báo chí Việt Nam gọi họ là “mẹ Hổ”)
Chính ở thời kì trẻ còn nhỏ việc rèn luyện vừa dịu dàng vừa nghiêm khắc sẽ là những mầm ươm đầu tiên cho giai đoạn sau 3 tuổi, để rồi sau đó cha mẹ cần phải tôn trọng ý chí của trẻ. Do đó, sự nghiêm khắc của cha mẹ chỉ nên dành cho trẻ ở giai đoạn trước khi đi mẫu giáo. Còn sau khi trẻ đã bước vào mẫu giáo, nếu như chúng ta can thiệp thái quá thì không chừng sẽ chỉ đem lại những hiệu quả ngược lại, đó là trẻ sẽ ngỗ nghịch và không nghe lời.
“Quyển sách này đối với trẻ con thì quá khó” hay là “Trẻ con nghe nhạc cổ điển thì hiểu cái gì chứ”… thường thì người lớn chúng ta dựa trên tiêu chuẩn nào để đánh giá về trẻ con như vậy? Với trẻ con, chúng không hề có một ý niệm nào rằng cái đó là dễ hay khó, là yêu hay ghét. Vì đối với chúng, trong lần đầu tiên tiếp xúc thì tiếng Anh hay tiếng Nhật, nhạc cổ điển hay nhạc dân ca, nhạc có lời hay tiếng nhạc từ kèn harmonica đều có ý nghĩa như nhau.
Đặc biệt, những phán đoán mang tính cảm giác càng không cần đến sự hiểu biết, mà ngược lại có những trường hợp chính sự hiểu biết đó lại là rào cản để ta phán đoán. Rất nhiều người lớn chúng ta đã từng trải qua những kinh nghiệm kiểu như khi đứng trước một tác phẩm hội họa nổi tiếng, dù bản thân không hề cảm nhận được vẻ đẹp của nó nhưng vẫn tự nghĩ trong đầu rằng “Đúng là tác phẩm của danh họa nổi tiếng có khác”.
Nếu so sánh với người lớn về điểm này thì trẻ con sẽ suy nghĩ đơn thuần hơn rất nhiều. Nếu bản thân trẻ cảm thấy yêu thích hoặc là có cảm giác thích thú thì trẻ sẽ bị cuốn hút một cách say mê.
Ở Mỹ có một chương trình truyền hình nổi tiếng dành cho trẻ em rất được hâm mộ tên là “Sesame Street” (tiếng Việt dịch là “Phố Vừng”). Nhân vật chính của chương trình là những con thú nhồi bông và câu chuyện lấy bối cảnh ở thành phố New York.
Điều thú vị ở chương trình này là mỗi nhân vật xuất hiện trong chương trình đều mang một nét tính cách đặc trưng rất riêng của mình, biểu lộ cảm xúc rất chân thực ngay cả với những hàng xóm ngay cạnh nhà. Ban đầu chúng ta cứ nghĩ rằng với sự đa dạng về tính cách của các nhân vật như vậy thì một đứa trẻ 2 tuổi làm sao mà hiểu được, nhưng thực tế cho thấy chúng ta đã nhầm. Khi trẻ đã bắt đầu yêu thích nhân vật nào thì mỗi khi nhân vật đó xuất hiện, trẻ đều say mê dõi theo giống như chính bản thân mình đang là nhân vật đó vậy. Đặc biệt, sự hâm mộ của các em tập trung vào nhân vật chú chim nhỏ tên là Kanaria. Kanaria rất vụng về, cẩu thả, làm đâu hỏng đó; nhưng tính tình thì rất ngây thơ, tốt bụng và luôn luôn có tinh thần học hỏi, đó là hình ảnh mà ta vẫn thường gặp đâu đó rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày.
Dù không hề biết nói, và chưa chắc đã hiểu hết những lời thoại nhưng trẻ nhỏ cũng không khác người lớn là mấy, chúng vẫn có thể lí giải được tính cách phức tạp của từng nhân vật dưới hình dáng những con thú nhồi bông; và điều quan trọng hơn là hành động đó của trẻ còn ngầm ám chỉ rằng trẻ rất yêu nhân vật này. Một vài ví dụ như trên đủ để các bậc cha mẹ hiểu rằng sự đánh giá “dành cho trẻ con” của mình thực tế lại không đúng với trẻ.
Đây là chuyện xảy ra đã khá lâu rồi, đó là khi tôi chơi cùng với đứa cháu được 2 tuổi của mình. Cháu tôi vừa chỉ tay vào những bảng hiệu đèn neon lấp lánh ở bên ngoài cửa sổ vừa khoái chí nói cho tôi nghe “Cái này là Hitachi, cái kia là Toshiba…”. Trong thâm tâm tôi đã rất vui mừng nghĩ rằng cháu mình mới có 2 tuổi nhưng đã đọc được những chữ Hán như Hitachi, Toshiba rồi cơ đấy và tôi quay ra hỏi con dâu: “Cháu biết đọc chữ Hán4 từ khi nào vậy con?”.
Thế nhưng thực tế thì không phải cháu tôi đọc được những chữ như Hitachi hay là Toshiba, mà thực chất là cháu tôi đã nhớ nguyên mảng những hình logo và chữ Hán của các nhãn hiệu Hitachi và Toshiba, rồi khi nhìn thấy những hình đó trên đèn neon thì cháu đã phân biệt được. Tôi đã phá lên cười khi phát hiện ra điều này. Và có lẽ rất nhiều người trong các bạn cũng đã gặp những trường hợp tương tự như thế này rồi nhỉ.
Mấy hôm trước tôi đọc một bài báo trên tạp chí về phát triển giáo dục cho trẻ tuổi ấu thơ, bài báo có viết về câu chuyện của một người mẹ (28 tuổi). Người mẹ đó kể lại rằng hiện đứa con trai lớn được 2,5 tuổi, nhưng từ khi được 2 tuổi thì cháu đã bắt đầu nhớ hình dáng của các loại xe ô tô, rồi chỉ 2, 3 tháng sau cháu có thể đọc tên và phân biệt rành rọt hơn 40 chủng loại ô tô kể cả của hãng nội địa lẫn hãng nước ngoài, thậm chí cháu còn phân biệt được cả mái che ở những bãi đậu xe. Đến giờ cháu có thể nhớ được quốc kì của hơn 30 nước trên thế giới mà nhiều khi người lớn cũng còn bị nhầm như của Mông Cổ, Panama hay Cộng hòa Li-băng… Đọc đến đây chúng ta có thể nhận thấy rằng khả năng phân biệt của trẻ rõ ràng là giỏi hơn người lớn rất nhiều. Bởi vì trẻ con sẽ không cần đến lí giải để ghi nhớ như người lớn mà chúng có năng lực phi thường đó là khả năng nhớ nguyên mảng các sự vật và phân biệt được mỗi sự vật đó ở trong não. Chúng ta hãy thử nhớ lại xem trẻ sơ sinh khi được khoảng vài tháng tuổi là đã có thể nhận biết được khuôn mặt của mẹ rồi. Rất nhiều bé khi bị người lạ bế thì sẽ khóc rất to nhưng chỉ cần quay trở lại vòng tay của mẹ là nín ngay lập tức và còn tươi cười với mẹ nữa. Có thể có một lí do là trẻ có thể cảm nhận được tình thương của người mẹ, nhưng cũng có thể còn lí do khác đó là trẻ đã nhớ theo kiểu nguyên mảng khuôn mặt và cái ôm của người mẹ. Theo một thí nghiệm thực tiễn về phương pháp dạy chữ Hán độc đáo của thầy Ishii Isao (1919-2004), nhà giáo dục nổi tiếng, người đã sáng lập ra “Trung tâm nghiên cứu dạy chữ Hán theo phương pháp Ishii” rất nổi tiếng về dạy chữ Hán cho trẻ em đã chỉ ra rằng trẻ 3 tuổi có thể nhận biết được những chữ Hán rất khó và nhiều nét như chữ Hán của “chim bồ câu” (鳩), “hươu cao cổ” (麒麟)… và tỏ ra rất thích thú với việc học chữ Hán. Khuôn mặt của con người có rất ít điểm khác biệt vậy mà bằng khả năng nhớ nguyên mảng trẻ cũng có thể phân biệt được thì đối với các mặt chữ Hán khác nhau nhiều như thế thì trẻ có thể nhớ được dễ dàng cũng là điều dễ hiểu. Hoặc tôi có thể giải thích một cách đơn giản nguyên nhân của việc người lớn hay thua trẻ con trong trò chơi thi nhớ với bài Tây. Người lớn sẽ phân biệt các kí hiệu, chữ, số, vị trí của quân bài rồi mới ghi nhớ vào trong não, ngược lại trẻ sẽ nhớ nguyên mảng và ghi nhớ lại trong bộ não bằng khả năng tuyệt vời của mình, nên tốc độ và nội dung nhớ sẽ nhanh và nhiều hơn so với người lớn.
Đối với người lớn, nếu so sánh môn số học với một trong những môn học cơ bản của đại số hiện đại là môn tổ hợp thì tổ hợp lại vô cùng rối rắm và khó hiểu. Nhưng đối với trẻ con thì sự logic của tổ hợp lại vô cùng dễ hiểu. Lucienne Felix (1901-1994) – một nhà toán học nổi tiếng người Pháp sau nhiều nghiên cứu đã có một kết luận rằng càng dạy môn tổ hợp cho trẻ từ sớm thì trẻ càng dễ tiếp thu.
Định nghĩa một cách đơn giản thì tổ hợp là sự tập hợp của một số những phần tử nào đó. Bạn có để ý có một trò rất giống với hình ảnh tập hợp mà con bạn rất hay chơi, đó là vừa lấy ra từ trong thùng những miếng xếp hình, vừa phân biệt hình dáng của các miếng đó xem là hình tam giác hay là hình tứ giác. Trẻ có thể hiểu rất dễ dàng rằng mỗi miếng xếp hình trong thùng là một phần tử của tổ hợp, sau đó việc chia các miếng ra thành hai phần gồm các hình 3 cạnh và 4 cạnh thì cũng chính là một tập con của tập hợp lớn. Đây chính là một ví dụ cơ bản của tổ hợp. Đối với trẻ con thì thay vì những công thức tính toán phức tạp của môn số học, chúng có thể dễ dàng hiểu được logic cơ bản của tổ hợp.
Nói như thế không có nghĩa là trẻ hiểu được logic của môn tổ hợp thì sẽ hiểu được lí thuyết của môn đại số. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng chính vì trẻ suy nghĩ rất đơn giản nên có những điều khó hiểu với người lớn, nhưng lại rất dễ hiểu với trẻ con. Người lớn chúng ta thì thường có quan niệm cố hữu rằng môn số học dễ hiểu hơn môn đại số, nhưng nếu chúng ta có suy nghĩ và lí giải như bộ não của trẻ thì có lẽ tổ hợp sẽ không còn là một môn học khó nữa.
Ví dụ có một bài toán như sau: “Cả gà và rùa có 8 con, chúng có tất cả là 20 chân, hỏi có bao nhiêu con gà và bao nhiêu con rùa”. Trước tiên để giải bài toán này, chúng ta sử dụng đến công thức đại số như sau: Ta đặt số con gà là x, số con rùa là y, và ta có công thức x + y = 8, 2x + 4y = 20, và rất đơn giản ta có được đáp số x = 6 và y = 2. Hoặc thay x bằng kí hiệu ○, thay y bằng kí hiệu ∆ thì ta cũng có kết quả tương tự.
Nhưng trẻ con sẽ không thể lí giải được theo kiểu của người lớn là đặt x, y và cũng không biết giải hệ phương trình bậc nhất hai ẩn như ở trên. Vậy thì ta phải làm thế nào?
Nếu ta giả sử toàn bộ 8 con đều là rùa thì sẽ thành 32 chân, vậy là dư 12 chân. Vì ta giả sử toàn bộ đều là rùa, nên số chân dư là 12 này chính là số chân chênh lệch giữa rùa và gà. Có nghĩa là nếu chia tổng số chân dư này cho số chân của một con gà thì ta sẽ biết được số gà, tức là số gà sẽ bằng 1 2 : 2 = 6 con, vậy thì số rùa sẽ là 8 – 6 = 2 con. Từ ví dụ này đủ để người lớn chúng ta thấy rằng thay vì dùng cách tính và công thức phức tạp là dùng x, y thì ta có thể dùng cách lí luận rất đơn giản như trên để giải thích cho trẻ hiểu.
Ở một nhà máy sản xuất của công ty Sony có xây một nhà mẫu giáo dành cho những nhân viên có con trong độ tuổi từ 2 đến 3 tuổi. Một kết quả điều tra dành cho trẻ của các giáo viên để xem trẻ yêu thích nhạc gì đã cho kết quả thật bất ngờ. Trẻ yêu thích nhất là bản giao hưởng số 5 của Beethoven6 có tên “Định mệnh”, tiếp đến là một bài hát được tivi phát rất nhiều lần trong ngày từ sáng đến tối ở thời điểm đó; ngược lại những bài đồng dao dành cho thiếu nhi thì lại không được trẻ yêu thích. Tôi đã vô cùng hứng thú với kết quả điều tra này.
Đối với người lớn chúng ta thì nhạc cổ điển có vẻ gì đó thật xa lạ và khó hiểu, nhưng với trẻ thì những âm điệu đó lại rất thú vị. Phải chăng trẻ mới sinh ra đã có sẵn trong não khả năng cảm thụ những thể loại âm nhạc phức tạp như nhạc giao hưởng? Theo như kết quả thí nghiệm thực tiễn của thầy Suzuki thì trẻ 5 tháng tuổi đã có thể biết được những bản nhạc giao hưởng của Vivaldi7. Và thực tế thì tôi đã được nghe chuyện giống như thế này từ vợ chồng cô con gái của một người bạn của tôi. Hai vợ chồng rất thích nhạc cổ điển, nên ngay sau khi bé được sinh ra thì người mẹ cho bé nghe bản nhạc Cello số 2 của Bach mỗi ngày khoảng vài giờ. Đến khi được 3 tháng tuổi em bé đã cảm nhận được những giai điệu của bản nhạc và hưng phấn huơ tay, múa chân theo tiếng nhạc. Đến đoạn gần cuối bản nhạc là lúc tiếng nhạc cao trào nhất cũng đoạn gần cuối bản nhạc là lúc tiếng nhạc cao trào nhất cũng là lúc bé huơ tay, múa chân theo mạnh nhất, rồi đến khi bản nhạc kết thúc thì bé cũng trở về tâm trạng bình thường không còn hưng phấn như lúc nghe nhạc nữa.
Mỗi khi bé khóc hay quấy thì mẹ đều cho nghe bản nhạc này và bao giờ bé cũng vui tươi trở lại. Nhưng nếu thay bản nhạc này bằng một bản nhạc Jazz thì bé còn khóc to hơn nữa.
Nghe xong câu chuyện đó tôi nhận ra một điều, một đứa trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi đã có thể cảm nhận được nhạc của Bach thì chứng tỏ rằng khả năng cảm thụ âm nhạc của trẻ ở giai đoạn ấu thơ này là rất tuyệt vời. Tôi không dám nói tất cả các bản nhạc cổ điển và giao hưởng đều nên cho trẻ nghe, nhưng chúng ta sẽ phải ngạc nhiên mà công nhận rằng trẻ ở tuổi ấu thơ có thể hiểu và cảm nhận được những giai điệu vô cùng phức tạp như nhạc giao hưởng. Người phương Đông chúng ta cảm thấy xa lạ và khó cảm thụ nhạc cổ điển và giao hưởng của phương Tây cũng là bởi vì ngay từ khi còn ấu thơ chúng ta không hề được tiếp xúc với chúng mà chỉ nghe những bài nhạc đồng dao, nhạc dành cho thiếu nhi mà thôi.
Đối với nhiều người lớn chúng ta thì có thể là khó nhưng với trẻ sơ sinh nếu ta dạy thì tất cả đều có thể bơi được. Trẻ sơ sinh vừa mới sinh ra chưa thể đi lại được bằng hai chân thì việc nổi trên mặt nước và hành động đầu đời là quẫy đạp trên không đều không có gì khác nhau. Chính vì thế mà không chỉ trẻ có thể bơi mà ta có thể nhấn mạnh rằng chính vì trẻ còn là trẻ sơ sinh nên trẻ có thể bơi được.
Có một bài báo viết về câu chuyện một người Bỉ mở lớp học bơi cho trẻ sơ sinh bằng cách luyện cho những trẻ được 3 tháng tuổi vào bể bơi, sau đó khi trẻ được 9 tháng tuổi đã có thể nằm ngửa nổi trên mặt nước mà vẫn nhớ được cách hô hấp. Vào tháng 8 năm 1969 ở Hội nghị Thể thao quốc tế cho nữ giới lần thứ 6 được tổ chức tại Tokyo, chủ tịch hội nghị khi đó là bà Lisette Deem đã có một bài phát biểu gây được rất nhiều chú ý của dư luận rằng trẻ sơ sinh từ 0 tuổi cũng có khả năng bơi.
Theo lí luận của bà Deem thì nếu luyện tập cho trẻ 5 tháng tuổi ở bể bơi với nhiệt độ nước là 32 độ C thì chỉ sau 3 tháng, trung bình trẻ có thể tự bơi được khoảng 6 phút. Kỉ lục mới nhất rất đáng ngạc nhiên là 8 phút 46 giây. Trong buổi hội đàm, trước rất nhiều kí giả, bà Deem đã nhấn mạnh rằng năng lực của con người có khả năng phát triển từ 0 tuổi. “Trẻ sơ sinh có thể giữ trạng thái cân bằng ở trong nước tốt hơn là trong không khí. Ban đầu trẻ sẽ dùng hai tay để làm điểm tựa nâng đỡ cơ thể, nhưng khi đã trở nên quen với môi trường thì trẻ có thể tự nổi. Sau đó khi mặt chìm trong nước thì trẻ tự biết cách nhắm mắt, nín thở và chờ cho cơ thể mình nổi lên. Hành động như thế cũng là một cách để trẻ nhớ được những cử động bằng tay chân rất nhanh”.
Từ sự thật là trẻ từ 0 tuổi có thể bơi chính là một bằng chứng nữa để khẳng định rằng khả năng của trẻ từ 0 tuổi là vô hạn. Ngoài ra còn có một kết quả nghiên cứu khác cũng được công bố, đó là khi trẻ chập chững biết đi mà luyện cho trẻ trượt patin thì trẻ cũng có thể trượt rất giỏi. Chính vì chưa hề biết gì về thế giới bên ngoài, nên với trẻ từ những bước lẫm chẫm tập đi cho đến học bơi lội hay trượt ngã, tất cả đều là những bài học đầu tiên.
Tất cả những thí nghiệm mà tôi kể ở trên không phải đơn thuần có mục đích là dạy trẻ bơi, dạy trẻ học nhạc. Học bơi là một cách rất tốt để giúp trẻ ăn ngon miệng hơn, ngủ ngon giấc hơn, tăng cường sự phản xạ của hệ thần kinh, tăng cường về thể chất, vận động, và đó chính là một bước để mở ra cánh cửa tài năng của trẻ. Chắc ai trong chúng ta cũng từng nghe câu nói “Luyện thép lúc còn nóng” bởi vì thép đã nguội rồi thì có gò đến mấy chúng cũng không thay đổi. Đó chính là lí do vì sao muốn trẻ phát triển toàn diện về tài năng thì hãy dạy trẻ ngay từ khi mới lọt lòng.
Nagata Masuo là một người cha nổi tiếng với việc nuôi dạy con mình từ tuổi ấu thơ. Ông đã từ bỏ công việc làm giáo viên lâu năm để dành hết tâm huyết nuôi dạy con. Khi ông bắt đầu áp dụng phương pháp giáo dục sớm cho con mình thì cậu con trai được 2,5 tuổi, còn cô con gái mới được 3 tháng. Kết quả là hai anh em nhà Nagata đã được ví là hai anh em thần đồng vì có thể nói thành thạo 5 thứ tiếng Anh, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức. Khi đó đã có rất nhiều ý kiến lên án ông bà Nagata đã nhồi nhét, bắt ép con mình học quá nhiều. Đa số mọi người đều cho rằng đối với trẻ nhỏ việc bị nhồi nhét quá nhiều thứ vào đầu sẽ là gánh nặng tâm lí tạo ra áp lực, làm cho trẻ phát triển không bình thường như những đứa trẻ khác.
Nhưng đáp trả lại dư luận, thực tế gia đình Nagata rất bình yên, hạnh phúc, con cái khỏe mạnh, đó chính là câu trả lời đúng đắn nhất cho những lời chỉ trích và hoài nghi của dư luận. Tôi không bàn đến việc đúng sai khi người cha tham gia đảm nhiệm vào việc nuôi dạy và giáo dục con cái ở nhà, nhưng những phương pháp giáo dục của ông Nagata để phát triển khả năng trí tuệ của trẻ ở tuổi ấu thơ là những kinh nghiệm vô cùng quý giá. Chúng ta hãy nghe những lời chia sẻ về phương pháp giáo dục rất độc đáo của ông Nagata.
“Tôi đã cho các con mình học tiếng Anh, Ý, Pháp, Đức hầu như đồng thời cùng một lúc. Mỗi lần nghe chương trình dạy tiếng nước ngoài trên sóng radio, bạn có để ý thấy mỗi bản tin phát bằng tiếng Anh sẽ được phát lại bằng tiếng Pháp không. Và tôi đã luyện cho con nghe những bản tin bằng các thứ tiếng khác nhau. Ngoài ra, mỗi lần chơi những bản nhạc bằng piano tôi để những bản nhạc bằng tiếng Ý, còn lúc giải thích thì tôi viết ra cho trẻ bằng tiếng Anh, tiếng Đức, Pháp. Nếu như thuyết minh mà không hiểu thì sẽ không thể nắm bắt được cách cảm thụ bản nhạc, nên trẻ sẽ càng có thêm động lực để học tiếng nước ngoài.
Cho trẻ học 5 ngoại ngữ cùng một lúc không sợ trẻ bị loạn chữ hay sao là câu hỏi của rất nhiều người. Thực tế, các chương trình dạy tiếng nước ngoài rất nhẹ nhàng. Với mỗi phát âm chương trình sẽ luyện cho trẻ rất cẩn thận và trẻ sẽ từ từ tập phát âm theo (trích “Phát triển trí tuệ trẻ thơ”, xuất bản năm 1970, kì thứ 5).
Bởi vì khả năng tiếp thu của trẻ thơ ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi cao hơn người lớn chúng ta rất nhiều nên những lo lắng như “nhồi nhét quá nhiều” là không cần thiết. Khả năng tiếp thu những kích thích của não trẻ không khác gì một miếng bọt biển, khi nào đã hấp thu đầy đủ thì não sẽ tự nhiên dừng lại. Chính vì thế, từ câu chuyện của gia đình Nagata điều chúng ta cần suy nghĩ không phải là việc nhồi nhét quá nhiều vào đầu trẻ mà là việc cho trẻ tiếp xúc với quá ít những kích thích từ bên ngoài.
Ở những phần trước chúng ta đã hiểu được rằng trẻ 0 tuổi đều rất thông minh và có khả năng hấp thu kiến thức tuyệt vời. Ở giai đoạn này, sự hấp thu kiến thức của trẻ đơn thuần giống như một thao tác máy móc mà không có quá trình chọn lọc và lí giải những kiến thức này. Nghĩa là toàn bộ những gì được kích thích vào não bộ sẽ tự động lưu lại trong não.
Ở thời kì này, quan trọng nhất không phải là ta sẽ dạy những gì cho trẻ mà là làm cho trẻ có hứng thú và say mê với cái gì. Bởi vì trẻ con sẽ hấp thu và ghi nhớ rất tốt những gì chúng có hứng thú. Không chỉ như vậy, quá trình này còn giúp nuôi dưỡng sự đam mê, sáng tạo và ham muốn học tập, là những yếu tố đóng vai trò vô cùng quan trọng để hình thành nên tính cách và khả năng làm việc trí óc sau này của trẻ.
Hầu hết các bậc cha mẹ đều thường xuyên đọc đi đọc lại truyện cổ tích hay những câu chuyện thần tiên cho con nghe và nhiều khi chính bản thân cũng không hề biết từ khi nào trẻ đã học thuộc lòng những câu chuyện đó. Rồi khi tình cờ chúng ta đọc sai đoạn nào đó là lập tức trẻ sẽ chỉ ra chỗ sai. Chính nhờ khả năng nhớ nguyên mảng tuyệt vời mà trẻ đã học thuộc lòng được tất cả những câu chuyện ấy.
Rồi khi có hứng thú với những câu chuyện đó, trẻ bắt đầu muốn tự mình đọc. Dù không biết đọc, nhưng nhìn vào mỗi bức tranh trong câu chuyện là trẻ có thể nhớ lại, đối chiếu với những gì được lưu giữ ở kí ức nguyên mảng và có thể đọc lại lưu loát. Chính trong thời kì này trẻ sẽ liên tục hỏi cha mẹ và người xung quanh rằng đây là chữ gì? Chữ này đọc như thế nào? Đó chính là bằng chứng cho thây trẻ bắt đầu có hứng thú.
Đây là câu chuyện về một người bạn của tôi. Cô đã dạy chữ cho con, tạo cho con sở thích đọc sách ở giai đoạn còn nhỏ. Như tôi đã nói ở phần trước trẻ con thường nhớ chữ Hán giỏi hơn là chữ Hiragana. Nhưng đáng tiếc là những cuốn ehon8 bây giờ ngoài hiệu sách lại chỉ toàn viết mỗi chữ Hiragana. Vì thế cô ấy đã mua ở hiệu sách cũ những cuốn sách có phiên âm cách đọc Hiragana đi kèm với chữ Hán để vừa đọc vừa chỉ mặt chữ Hán cho con. Khi đã thuộc lòng những câu chuyện được đọc thì con trẻ bắt đầu có hứng thú với những chữ Hán. Cô ấy đã kiên nhẫn và tỉ mỉ dạy con từng chữ Hán. Sau đó, khi thấy cha đọc báo trẻ đã chỉ vào những chữ Hán và đọc cho cha nghe khiến cả nhà vô cùng kinh ngạc, dần dần trẻ cũng bắt đầu thích đọc báo. Kết quả là đến khi bắt đầu vào lớp một, trẻ đã có thể đọc báo một cách thành thạo. (Báo của Nhật có rất nhiều chữ Hán nên đối với bậc tiểu học việc đọc được báo là điều vô cùng khó).
Câu chuyện trên muốn khẳng định một điều rằng trẻ ở giai đoạn 3 tuổi không cần phải vất vả vẫn có thể nhớ và tập trung học bất cứ điều gì nếu trẻ có hứng thú với cái đó.
Do tính chất công việc nên tôi thường xuyên phải dùng tiếng Anh để giao tiếp. Những lúc ấy tôi luôn cảm thấy thiếu tự tin nhất với việc phát âm và ngữ điệu lên xuống khi nói. Tiếng Anh giọng Nhật của tôi không phải là đối tác không hiểu, nhưng có rất nhiều trường hợp họ vẫn làm mặt rất khó hiểu hoặc là tôi phải viết từ đó ra giấy để giải thích cho họ. Những kinh nghiệm như vậy đã khiến tôi có động lực bắt đầu luyện phát âm tiếng Anh vào mỗi sáng.
Thế nhưng, hàng xóm cạnh nhà tôi có một cậu bé mới 14 tháng tuổi lại có thể phát âm tiếng Anh rất chuẩn, và những âm mà người Nhật hay bị sai như “R” hay “L” thì cậu bé đó lại nói rất rành rọt. Sự khác nhau rất lớn này nằm ở chỗ tôi bắt đầu học tiếng Anh khi vào trung học cơ sở, còn cậu bé đó từ 0 tuổi đã được mẹ cho nghe băng cassette tiếng Anh mỗi ngày. Khi cậu bắt đầu biết nói thì đã được mẹ cho học và giao tiếp tiếng Anh với một cô giáo người Mỹ.
Điều ấy chứng tỏ một điều rằng vì nhận thức nguyên mảng của chúng ta đã bị lấp đầy bởi ngôn ngữ mẹ đẻ nên khi tiếp nhận ngôn ngữ khác sẽ vô cùng khó khăn.
Trẻ từ 0 đến 3 tuổi có khả năng nhận thức nguyên mảng nên ngôn ngữ nào trẻ được tiếp xúc ở thời kì này cũng sẽ được lưu lại trong não. Hơn nữa, như phần trên tôi đã giới thiệu, giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi đang là quá trình hình thành mạng liên kết giữa các tế bào trong não nên lúc này tiếng mẹ đẻ hay bất cứ một ngôn ngữ nào cũng đều được hình thành như nhau ở trong não. Chính vì lí do đó mà trẻ đến 3 tuổi có khả năng nói bất kì ngôn ngữ nào mà không gặp khó khăn gì. Ngược lại, nếu như cha mẹ bỏ qua thời kì này thì sau này muốn con cái có được khả năng tiếp thu dễ dàng như thời kì từ 0 đến 3 tuổi sẽ phải nỗ lực rất nhiều, mà nhiều khi nỗ lực ấy cũng không đem lại những kết quả như mong muốn. Có thể mãi mãi ta sẽ không thể phát âm ngôn ngữ đó như người bản địa được.
Việc không áp dụng phương pháp giáo dục trẻ sớm mà đợi đến khi đi học thì sẽ trở nên quá muộn không chỉ đúng với trường hợp về học ngoại ngữ mà còn đúng với những lĩnh vực khác. Khả năng cảm thụ âm nhạc hay là khả năng phát triển cơ quan thần kinh vận động cũng sẽ được quyết định trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi. Chính vì thế, những vận động viên thể thao càng được luyện tập ngay từ nhỏ thì sẽ càng giỏi.
Hàng năm vào dịp nghỉ hè, có rất nhiều người nước ngoài dẫn con đến tham quan lớp học violin của thầy Suzuki. Ban đầu tất cả mọi người đều không hề biết tiếng Nhật. Thầy Suzuki nhận thấy rằng trong gia đình thì người nói tiếng Nhật giỏi nhất chính là trẻ nhỏ chưa đi học, rồi đến các em học sinh tiểu học, trung học cơ sở và cuối cùng là các bậc cha mẹ. Sau khoảng 1 tháng thì các em bé đã có thể nói được tiếng Nhật khá tốt trong khi đó các bậc cha mẹ thì đi đâu cũng phải nhờ con phiên dịch và họ trở về nước mà chỉ có thể nói được câu “Xin chào”.
Ở những phần trên, tôi đã giới thiệu cho các bậc cha mẹ về tầm quan trọng của giáo dục sớm cho trẻ tuổi ấu thơ để phát triển được hết những khả năng tiềm ẩn tuyệt vời của trẻ nhỏ ở rất nhiều góc độ khác nhau. Thế nhưng trong thực tế có rất nhiều trẻ em khi vừa mới sinh ra đã gặp phải những căn bệnh bẩm sinh như liệt não, hội chứng Down hay điếc. Đối với những trẻ bị khuyết tật bẩm sinh thì điều quan trọng là phải phát hiện ra bệnh của trẻ từ khi mới sinh ra và có phương pháp giáo dục đúng đắn từ sớm dành cho các em.
Tôi xin được kể một câu chuyện vô cùng cảm động được đăng trên báo về một em bé bị điếc bẩm sinh, nhưng bằng nỗ lực của cha mẹ mà em đã có thể giao tiếp bình thường với mọi người. Chính câu chuyện ấy đã làm tôi có thêm dũng khí để thay đổi quan điểm về giáo dục sớm với trẻ khuyết tật bẩm sinh. Cậu bé Atsuto lúc đó được 6 tuổi, khi sinh ra vốn là một em bé khỏe mạnh bình thường như bao em bé khác. Khi cha mẹ nhận ra rằng Atsuto có vấn đề về thính giác là lúc cậu được hơn 1 tuổi. Ban đầu cha mẹ của Atsuto chỉ nghĩ rằng trẻ em chậm nói thì có nhiều nên chuyện con mình chậm nói cũng là bình thường thôi. Nhưng khi Atsuto được 1,5 tuổi mà vẫn không biết gì, thì cha mẹ mới dẫn cậu bé đến bệnh viện để khám, và họ nhận được kết quả chẩn đoán là cậu bị điếc bẩm sinh. Hoang mang không biết phải làm thế nào với con mình, cha mẹ Atsuto đã đi hỏi rất nhiều nơi và cuối cùng tìm được đến phòng khám áp dụng phương pháp giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh bị khiếm thính bẩm sinh của thầy Matsuzawa Takeshi. Cha mẹ của Atsuto đã rất nỗ lực rèn luyện cho con bắt đầu bằng phương pháp của thầy Matsuzawa, kết hợp cùng máy trợ thính, và dần dần cậu bé đã có thể nhớ được tên mình. Sau đó, cậu có thể nhớ được các từ vựng cùng ý nghĩa của chúng, tiếp đến cậu có thể trò chuyện cùng cha mẹ mà không gặp bất cứ rào cản nào.
Theo lời thầy Matsuzawa thì “Trẻ sơ sinh bình thường hoặc có dị tật bẩm sinh gì thì người có thể phát hiện ra sớm nhất chính là người mẹ. Sau 1 tuần trẻ sơ sinh đã có thể nghe thấy tiếng động rất to, sau 1 hay 2 tháng trẻ có thể nghe được giọng nói của mẹ, và sau 4 tháng trẻ có thể nghe nhận biết được tên của mình. Nếu gần 1 tuổi mà trẻ không phản ứng gì khi nghe tiếng gọi thì có nguy cơ trẻ bị khiếm thính. Vì giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi trẻ có thể nhớ được ngôn ngữ nên đối với trẻ bị khiếm thính thì đây chính là thời kỳ thích hợp nhất để dạy trẻ về ngôn ngữ. Cha mẹ sẽ rất sai lầm nếu nghĩ rằng vì trẻ không nghe thấy nên cha mẹ không cần phải nói chuyện thành tiếng. Dù trẻ bị khiếm thính thì cũng không có nghĩa trẻ sẽ không nghe thấy bất cứ một cái gì, nếu chúng ta nói lặp đi lặp lại cho trẻ nghe, thì có thể phát triển năng lực nghe hiểu của trẻ”. Vì thế mà những cha mẹ có con bị khiếm thính bẩm sinh đừng từ bỏ hi vọng dạy con mình khả năng nói chuyện như bình thường.
Dẫu là trẻ có bị khuyết tật bẩm sinh nhưng nếu cha mẹ nỗ lực thì vẫn có thể phát triển khả năng và trí tuệ của trẻ, đó chính là những triết lí cơ bản của giáo dục trẻ tuổi ấu thơ.