Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chờ Đến Mẫu Giáo Thì Đã Muộn

Chương 3: Giáo Dục Trẻ Tuổi Ấu Thơ – Chỉ Người Mẹ Mới Có Thể Làm Được

Tác giả: Ibuka Masaru

3.1. Người mẹ không có mục tiêu rõ ràng, không thể thành công trong việc nuôi dạy con

Qua hai chương trước tôi đã đưa ra những ví dụ cụ thể để nói về thực tế của phương pháp giáo dục trẻ tuổi ấu thơ. Sinh con ra, sát sao theo dõi con lớn lên từng ngày từng giờ, chỉ bảo cho con từ những điều nhỏ nhất, không ai khác chính là người mẹ. Giai đoạn có thể nói là quan trọng nhất trong cuộc đời con người là giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi, tất cả việc nuôi dạy được giao phó cho đôi bàn tay của người mẹ. Đứa con, bảo vật quý giá này sống chết ra sao, thành con người như thế nào phụ thuộc vào chính các bạn, người được ủy thác thiên chức người mẹ từ giây phút đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời. Ở chương này, tôi xin được ghi lại những cảm nhận chân thực nhất từ cuộc sống hàng ngày, về vai trò to lớn của người mẹ đối với giáo dục tuổi ấu thơ.

Với chế độ giáo dục của nước Nhật hiện nay, chỉ cần học hành chăm chỉ một chút, ai ai cũng có thể đậu vào một trường đại học nào đó, không có sự phân biệt giai cấp xã hội hay sự giàu nghèo. Đây ắt hẳn là một điều tuyệt vời không thể chối cãi, nhưng ngược lại nó phát sinh ra những vấn đề nổi cộm như xã hội của bằng cấp, xã hội của học vị.

Không vào được đại học bạn không có cơ hội tiến thân, vì thế buộc phải lao đầu vào học. Không tốt nghiệp một trường đại học hàng đầu thì bạn không có cơ hội làm việc ở một công ty danh tiếng, vì thế ngay từ tiểu học bạn phải gồng mình luyện thi rồi lại luyện thi. Không ít bà mẹ cho rằng suy cho cùng giáo dục sớm ở trẻ cũng không gì khác ngoài mục đích ấy.

Tuy nhiên với sự thay đổi không ngừng của xã hội hiện đại, suy nghĩ trên liệu sẽ thông dụng đến khi nào? Ngày hôm nay đang là số một, chắc gì ngày mai vẫn thế. Nói một cách khác thì chuyện trẻ lớn lên, bắt đầu đi vào thế giới của người lớn, là chuyện của tương lai 20, 30 năm sau. Khi đó giá trị quan mà người mẹ đang mang bây giờ đương nhiên là không còn đúng nữa.

Chỉ nắm bắt những lợi ích trước mắt, giáo dục trẻ bằng tầm nhìn hạn hẹp, thì chắc chắn đứa trẻ ấy không phải là một con người mà xã hội tương lai cần. Đứa trẻ hiện tại chính là tương lai của xã hội sau này. Người mẹ nuôi dạy con mà không có một mục tiêu lâu dài, thì làm thế nào đảm bảo đứa trẻ ấy sẽ thích hợp cho thời đại mới? Nếu chỉ nuôi dạy con bằng suy nghĩ thiển cận và chỉ nhìn ở hiện tại, người mẹ ấy chính là đang không hoàn thành trách nhiệm nuôi dạy con cái của mình.

Không người mẹ nào lại không cầu mong con mình nên người. Người mẹ dù phải hi sinh, dù phải chịu thiệt thòi cũng cam chịu, miễn sao có thể đem đến cho con những gì tốt đẹp nhất. Muốn vậy thì điều quan trọng nhất chính là bản thân người mẹ sẽ suy nghĩ như thế nào về những điều tuyệt vời nhất đó. Nếu bạn suy nghĩ cổ hủ, chỉ chú trọng những lợi ích trước mắt, không có mục tiêu rõ ràng cho tương lai, tôi xin khẳng định bạn chưa biết cách làm mẹ.

“Hàng ngày tối mắt, tối mũi nuôi con đã đủ mệt nhoài, thì giờ đâu quan tâm đến dạy con sớm với dạy con muộn”, hay “Những lí thuyết này thật lí tưởng nhưng đâu dễ thực hiện”. Đó là những ý kiến đánh giá về phương pháp giáo dục trẻ sớm của mình mà tôi thường xuyên nhận được.

Thế nhưng, tôi nghĩ rằng các bậc cha mẹ đã phạm phải một sai lầm lớn, đó là đã phân biệt rạch ròi giữa nuôi con, chăm sóc con với dạy con. Chính việc nuôi con, chăm sóc con hàng ngày sẽ tác động trực tiếp đến tâm hồn, nhân cách của đứa trẻ, vì thế gọi là chăm sóc con nhưng đó chính là dạy con, giáo dục con rồi.

Vì điều kiện kinh tế, nhiều gia đình cả hai vợ chồng phải đi làm nên không có nhiều thời gian cho con. Hay có không ít phụ nữ muốn được đi làm để chứng tỏ mình ngoài xã hội. Ngược lại cũng có rất nhiều phụ nữ vừa hoàn thành tốt công việc xã hội vừa nuôi dạy con rất chu đáo. Tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện gia đình mà người phụ nữ vừa sắp xếp và vun vén việc nhà lại vừa làm tròn trách nhiệm của người mẹ. Tình yêu thương đã giúp người mẹ vượt lên khó khăn để nuôi dạy con mình vẫn luôn tồn tại trong thế giới này.

Người ta nói trong cuộc đời người phụ nữ, lúc họ suy nghĩ chín chắn nhất là thời điểm đang mang thai, chuẩn bị làm mẹ. Họ sẽ nghĩ về đứa con bé bỏng sắp chào đời, chuẩn bị tâm lí làm sao trở thành một người mẹ tốt để nuôi dạy con mình. Tuy nhiên, khi vừa sinh con xong, các bà mẹ thường có xu hướng xuất hiện tâm lí nhẹ nhõm như vừa đặt xuống một gánh nặng, để rồi quên đi rằng mầm cây mới mọc cần có đủ ánh nắng mặt trời và nguồn nước mát để lớn lên. Đảm đương trách nhiệm ấy không ai khác chính là người mẹ. Thế nên sinh con ra mới chỉ là hoàn thành một công việc, công việc tiếp theo quan trọng hơn đang chờ đón người mẹ ở phía trước, đó là công việc dạy dỗ con.

Đối với phụ nữ, sự nghiệp vĩ đại nhất chính là sinh con và nuôi dạy con khỏe mạnh, trưởng thành.

Khi tiếp xúc với những người phụ nữ đang làm mẹ, thầy giáo Suzuki Shinichi đã nhìn họ và nói: “Còn nhiều việc phải làm nên tôi không có thời gian chăm sóc con chu đáo ư? Trên đời này còn có việc gì quan trọng hơn việc dạy dỗ con cái sao? Nếu thật sự là có thì các chị sinh con ra để làm gì. Bỏ ra 50, 60 năm làm xong công việc quan trọng ấy rồi hãy tính đến chuyện sinh con thì có tốt hơn không?”.

Tôi nghĩ không có câu từ nào chính xác và súc tích hơn câu nói của thầy Suzuki để diễn đạt vai trò của người mẹ trong việc nuôi dạy con cái. Vì sự nghiệp giáo dục trẻ thơ cao cả, và mong đóng góp được phần nào cho sự nghiệp ấy cũng là một trong những động cơ để tôi viết nên cuốn sách này.

Vai trò quan trọng nhất trong giáo dục trẻ thơ không thuộc về người cha, người thầy hay xã hội, mà chính là người mẹ, người đã mang nặng đẻ đau sinh ra đứa trẻ.

Ở phần trước tôi đã từng nói muốn nuôi dạy con tốt thì bắt buộc phải thay đổi cách tư duy của người mẹ. Nói một cách khác, giáo dục trẻ tuổi ấu thơ phải bắt đầu từ giáo dục người mẹ. Những phương pháp giáo dục mà cuốn sách này đề cập đến đều xuất phát từ mục đích muốn mở rộng tầm nhìn cho những bà mẹ về những gì liên quan đến giáo dục trẻ thơ, nên nó cũng có thể coi như là một phần dành cho giáo dục người mẹ.

Cách nói trên có phần hơi thất lễ với các bà mẹ, những độc giả của cuốn sách này. Tuy nhiên chúng ta phải hiểu rằng việc dạy trẻ, đặc biệt là dạy trẻ ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi không thể phó mặc cho một ai khác. Bản thân người mẹ phải tự mình mày mò tìm hiểu, học hỏi, suy nghĩ để tiến hành mà thôi. Đương nhiên, đứa trẻ chưa đủ nhận thức để hiểu vì sao cách dạy này là tốt nhất với chúng, hay chúng phải làm cái này mà không được làm cái kia. Trẻ cũng không thể tự mình chọn lọc từ những gì chúng được dạy, rồi phó thác bản thân mình cho cái đó.

“Nếu có phương pháp giáo dục nào tốt thì vui lòng hãy dạy nó cho con tôi đi”, có những người mẹ vô trách nhiệm kiểu như vậy thì không nói làm gì. Nhưng, tất cả các bậc cha mẹ trên thế giới này đều muốn tự mình xác nhận, lựa chọn phương pháp giáo dục mà bản thân mình thực sự đã thấm nhuần.

Vậy thì, việc đầu tiên người mẹ cần ghi nhớ là bản thân mình cũng phải “học”. Người lớn khác với con trẻ ở chỗ họ có suy nghĩ của bản thân. “Giáo dục người mẹ” có thể là một từ hơi cao ngạo, nhưng nó nhấn mạnh rằng bản thân người mẹ thấy cần thiết phải học cái gì, chứ không phải cần dạy cho người mẹ cái gì.

Ngay cả những người làm chuyên môn về giáo dục cũng vậy, họ không chỉ nhận sự giáo dục để sau này dạy lại người khác, mà còn phải học rất nhiều thứ cần thiết liên quan đến con người. Cũng mang ý nghĩa giống như thế nên tôi mong muốn người mẹ, cũng chính là người thầy đầu tiên và vĩ đại nhất của trẻ cũng cần phải học trên rất nhiều phương diện và thành người tự tin, thực tiễn để nuôi dạy con mình tốt nhất.

Chiếc bẫy nguy hiểm nhất trong việc giáo dục trẻ thơ chính là người mẹ quan tâm thái quá tới việc giáo dục con, và rất nhiều trường hợp rơi vào tự mãn hoặc mơ tưởng hão huyền. Đương nhiên là việc mơ tưởng cho con là một điều không sai, thế nhưng có rất nhiều bà mẹ đã không hề để ý rằng thái độ của mình đã thay đổi, khiến bản thân trở thành một người mẹ luôn áp đặt và độc đoán với con mình.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là người mẹ hầu như chỉ đóng cửa ở trong nhà một mình, cả ngày phải quay cuồng với việc nhà, với chăm con nên giống như rơi vào trạng thái bị phong tỏa. Chính cái giới hạn họ bị bó hẹp trong đó đã làm người mẹ luôn suy nghĩ rằng việc nuôi dạy con là trách nhiệm của riêng bản thân mình, nên không chia sẻ nó cho những thành viên khác trong gia đình như chồng hay bố mẹ hai bên, một điều cần thiết trong việc dạy dỗ con cái. Ngoài ra không chỉ có việc nội trợ và việc nuôi dạy con, mọi việc xảy ra bên ngoài xã hội rộng lớn cũng rất cần mỗi người chúng ta phải quan tâm và chú ý đến.

Để những suy nghĩ độc đoán và tự phụ không dẫn cha mẹ rơi vào phương pháp giáo dục ích kỉ chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, hay phương pháp giáo dục phù phiếm là chạy theo thành tích để khoe mẽ, thì việc học hỏi từ cách học tập của con trẻ là điều vô cùng quan trọng để giúp cha mẹ tránh được điều ấy.

Nhà thơ người Anh, William Wordsworth (1770- 1850), đã có một câu thơ nổi tiếng: “Trẻ con là cha mẹ của người lớn20“. Ngoài ra tôi đã từng nhiều lần giới thiệu về nhà giáo dục nổi tiếng Montessori, bà đã nói một câu nổi tiếng: “Trẻ thơ chính là người thầy của chúng ta”. Những câu nói ý nghĩa này không chỉ dành cho giáo dục trẻ thơ, nó còn khẳng định rằng đối với nhân sinh quan rộng lớn thì trẻ nhỏ đã dạy cho người lớn chúng ta rất nhiều điều.

Từ cổ xưa con người đã hiểu được tầm quan trọng của việc hiểu về bản thân, và nỗ lực hết mình để làm điều đó. Không chỉ đơn thuần là tín ngưỡng hay ý kiến chủ quan, mà còn chứng minh được bằng khoa học. Sự phát triển của sinh vật học, y học và tâm lí học đã chứng minh nó một cách cụ thể. Liên quan đến điều này, bà Montessori đã nói một điều vô cùng thú vị: “Nghiên cứu đầu tiên để biết được cơ thể xác thịt con người được thực hiện ở xác chết, nhưng nghiên cứu để biết được tinh thần của con người thì được thực hiện ở mầm sống vừa mới sinh ra, nghĩa là nghiên cứu trẻ thơ”.

Đương nhiên là tôi không muốn nói đến vấn đề nhân chủng học hay triết học. Việc người mẹ rơi vào sự độc đoán hay là tự mãn chính là đã đánh mất đi bản thân mình. Tức là bản thân người mẹ đã không thể bình tĩnh để quan sát và phán đoán một cách khách quan những suy nghĩ và thái độ của bản thân.

Để không bị như thế thì điều quan trọng nhất ở đây là hãy xem xét ngôn ngữ, tâm hồn và biểu hiện cảm xúc của trẻ với một thái độ công bằng vô tư. Nếu phát hiện ra điều gì mới mẻ từ trong đó, thì có nghĩa là cha mẹ đã tự khám phá ra chính bản thân mình, hơn thế nữa nó còn là những khám phá của trí tuệ và kinh nghiệm quan trọng ứng dụng trực tiếp vào việc nuôi dạy con trẻ.

Những người được gọi là thiên tài ở trên thế giới này có rất nhiều. Quả thực những người đó với tài năng thiên bẩm hơn người của mình đã có những cống hiến to lớn cho tiến bộ của xã hội và hạnh phúc của nhân loại. Thế nhưng, ngược lại có một sự thật rằng không ít người trong số đó đã có một cuộc sống chưa hẳn là hạnh phúc, có thể vì những lí do như có một cơ thể không khỏe mạnh, hay là có trạng thái tâm lí không ổn định.

Dẫu cho có là thừa thì tôi vẫn phải khẳng định rằng những người này không hẳn vừa sinh ra đã là thiên tài, cũng không phải vừa sinh ra đã bị lập dị hay thể chất bị suy nhược. Và khi đi tìm hiểu nguyên nhân vì sao, thì câu trả lời ở đây lại chính là sự giáo dục trong gia đình ở thời kì ấu thơ mà cha mẹ của họ, đặc biệt là những người cha là những người quan tâm thái quá đối với việc giáo dục con từ sớm. Việc một người cha nhiệt huyết với giáo dục con bằng sự uyên bác của mình không có gì là xấu cả. Chính nhờ những người cha như vậy đã nuôi dạy những đứa trẻ có tài năng tuyệt vời hơn hẳn người bình thường.

Thế nhưng, có rất nhiều trường hợp chính vì nhiệt tâm quá với việc dạy con mà người cha đã cấm con mình được giao lưu cùng những đứa trẻ khác, hay không cho con mình có thời gian vui chơi. Chính vì không được dạy những bài học cơ bản về tính cộng đồng, giao tiếp xã hội và vận động ở thời kì ấu thơ đã dẫn đến việc tài năng ấy phát triển một cách thiên lệch. Một ví dụ có thể coi là điển hình trong số đó chính là trường hợp của nhà triết học vĩ đại người Pháp, Blaise Pascal (1623-1662), tác giả của cuốn “Tư tưởng”.

Pascal nhận được sự giáo dục trong gia đình một cách triệt để từ người cha của mình, người đã nuôi hi vọng con mình sau này sẽ là một người vĩ đại. Cha của Pascal đã từ bỏ công việc của một quan chức hành chính để chuyên tâm vào việc dạy dỗ con. Ông không chỉ ép Pascal học những kiến thức như địa lí, lịch sử, triết học, ngôn ngữ học và số học, mà ông còn thường tiến hành dạy những kiến thức đó một cách thận trọng dựa trên những phương châm giáo dục nhất quán do chính bản thân mình sáng tạo ra. Liệu có phải nhờ được nuôi dạy trong môi trường như thế nên vài năm sau Pascal đã phát huy được những tài năng xuất chúng như một nhà toán học, nhà vật lí học, và nhà triết học tôn giáo? Ông đã viết một câu nói nổi tiếng mà có lẽ ai ai cũng biết trong cuốn “Tư tưởng” đó là: “Con người chẳng qua chỉ như là một cây sậy. Nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ”.

Thế nhưng thiên tài ấy đã ra đi ở tuổi 39, và có lẽ không nhiều người được biết đến lời bộc bạch của ông rằng từ khi ông 16 tuổi không ngày nào tinh thần của ông được yên ổn. Mẹ ông mất năm ông được 3 tuổi nên ông không hề biết đến tình thương của mẹ, ông cũng không được giao lưu cùng những bạn cùng lứa, mà chỉ được nuôi dạy trong sự giáo dục nghiêm khắc của người cha. Không thể phủ nhận rằng chính những điều này đã mang lại những tổn thương vô cùng lớn về mặt thể chất lẫn tình thần cho Pascal.

Thiên tài có thể được nuôi dạy dưới bàn tay của người cha. Nhưng một con người có thể lớn lên cân bằng tốt được hai mặt thể chất và tinh thần, thì chỉ có thể dưới bàn tay nuôi dạy của người mẹ mà thôi. Chính vì thế tôi muốn nhấn mạnh rằng việc nuôi dạy trẻ tuổi ấu thơ có tính thực tiễn chỉ có duy nhất người mẹ mới làm được.

Không biết vì lí do gì mà trong tiếng Nhật từ “giáo dục” lại có phát âm giống như “cưỡng chế”, “thúc ép”. Chính vì lí do đó, có không ít người đã hiểu nhầm rằng giáo dục trẻ ở giai đoạn ấu thơ là phương pháp bỏ qua những ham muốn, hứng thú của trẻ mà chỉ thúc ép trẻ mặc dù trẻ chán ghét. Quả thật, trẻ sơ sinh mới được sinh ra thì không thể biết biểu hiện ý muốn của thân rằng thích cái này hay ghét cái kia. Tuy nhiên người mẹ có thể nhận biết được sự phản kháng của trẻ khi trẻ thích thú tiếp nhận cái này, hay nhất định ghét bỏ cái kia.

Vai trò của người mẹ là quan sát tỉ mỉ những điều đó và gửi cho trẻ những kích thích mà trẻ mong muốn. Còn nếu kìm kẹp một cách vô lí, hoặc thúc ép làm mất đi sự hứng thú của trẻ thì chỉ đem đến những tác dụng ngược.

Không biết có phải do ý nghĩa của từ “giáo dục” quá mạnh mẽ không, hay những ai đứng trên lập trường của giáo dục cũng đều suy nghĩ thái quá, mà không biết rằng có những việc rất đơn giản được thực hiện hàng ngày cũng chính là giáo dục.

Khi con trẻ bắt đầu biết nói tiếng mẹ đẻ thì hầu như chẳng có bậc cha mẹ nào nghĩ rằng mình đã dạy tiếng mẹ đẻ cho con. Vậy đây chính là một ví dụ về giáo dục được thực hiện mà không hề có chủ trương giáo dục.

Tiếng nói, hành động, và sự biểu hiện tình cảm của người mẹ đã truyền cho trẻ một cách vô cùng nhạy cảm, và nó đã hình thành nên tính cách và năng lực của trẻ. Nói một cách khác thì chính sinh hoạt diễn ra hàng ngày là phương pháp giáo dục mà không hề có chủ trương giáo dục. Việc ta dạy cho trẻ cái gì chỉ đơn thuần là một phương tiện của giáo dục, chứ nó không bao hàm toàn bộ ý nghĩ của giáo dục.

Giáo sư danh dự của trường Đại học Chiba, nhà giáo dục trẻ thơ Tago Akira đã nghiên cứu rất nhiều về thời kì ấu thơ của những người nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực, và chỉ ra rằng càng không gây áp lực để tạo ra động lực cho trẻ thì sẽ càng tạo ra hiệu quả giáo dục tuyệt vời. Có nghĩa là, chính việc quan tâm và thấu hiểu sâu sắc từ những người xung quanh dành cho người mẹ, rồi tiếp đến là những đứa trẻ chính là bước đầu tiên của giáo dục trẻ tuổi ấu thơ. Nhà hóa học nổi tiếng người Đức, Friedrich Wilhelm Ostwald (1853- 1932), đã đưa ra kết trong cuốn “Luận vĩ nhân” rằng: “Thế giới được tạo thành từ ám hiệu và sách”, nhưng lật ngược lại vấn đề, đối với giáo dục mà càng cưỡng ép, nhồi nhét thì sẽ càng có hại.

Đối với Ostwald thì sách là thứ không được cha mẹ đưa cho, mà nó nên nằm ở những nơi mà chỉ cần trẻ với tay tới thì sẽ chạm đến. Những từ ngữ mà Ostwald được nghe từ cha mẹ không mang tính cưỡng ép như “Hãy trở thành người vĩ đại”, mà chính là ám hiệu “Bố mẹ tin nhất định con sẽ trở thành người vĩ đại”.

Mỗi năm có khoảng 2 triệu trẻ em được sinh ra. Nếu như trước kia theo phong trào đẻ càng nhiều càng tốt thì gia đình có 5, 6 người con là chuyện rất bình thường, thì ngày nay tỉ lệ sinh sản đã giảm rất mạnh dẫn đến bình quân mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con. Hay nói một cách khác, trẻ em bây giờ được sinh ra đã có tính kế hoạch rõ ràng, trẻ sơ sinh đã được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để trờ thành những đứa trẻ ưu tú.

Thế nhưng những đứa trẻ được coi là ưu tú này có được gửi gắm trong một môi trường nuôi dạy thích hợp nhất hay không, thì thực tế cho thấy không phải như vậy. Trước khi sinh, cha mẹ lên kế hoạch vô cùng kĩ lưỡng, nhưng sau khi sinh trẻ ra thì ngay lập tức việc nuôi dạy toàn bộ phó thác hết cho người mẹ. Đương nhiên việc cần thiết để lên kế hoạch chi tiết và kĩ lưỡng này không chỉ dành cho mỗi giai đoạn mang thai, mà quan trọng hơn là sau khi trẻ sinh ra đến khi trẻ được 3 tuổi.

Trong cuộc sống này có không ít những người cha đã chôn vùi những mầm sống từ bóng tối này sang bóng tối khác, rất nhiều phụ nữ bị tổn thương về mặt tinh thần từ việc phá thai. Nhưng những người cha vô trách nhiệm khi phó thác việc sinh con và nuôi dạy con cho người mẹ một cách rất bình thản còn đáng trách hơn.

Họa sĩ vẽ tranh minh họa nổi tiếng Manabe Hiroshi đã dùng từ “vứt bỏ con” để nói về việc những người cha vô trách nhiệm phó mặc hết từ việc sinh đẻ và nuôi dạy con cho người mẹ, và đối với tôi thì việc “vứt bỏ con” này còn mang tội nặng hơn là “phá thai”.

“Vứt bỏ con” dẫu cho có đưa ra trăm ngàn lí do thì chắc chắn là chẳng có lí do nào có thể chấp nhận được. Và kết quả của việc “vứt bỏ con” đã khiến cho gia đình bạn và nước Nhật rơi vào bất hạnh từ 20, 30 năm trước.

Như việc kêu gọi bài trừ ma túy ở Mỹ đã không thành công phải chăng cũng là bởi kết quả từ việc những ông bố bà mẹ Mỹ đã “vứt bỏ con” từ 20, 30 năm trước. Tôi đã mong nước Nhật không đi theo vết xe đổ như thế. Và để làm được điều đó thì tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của người mẹ sau khi sinh con. Do đó mà “vứt bỏ con” là điều không thể tha thứ được.

Đây là câu chuyện tôi gặp trong một chuyến công tác ở nước ngoài. Khi tôi đi vào một nhà hàng thì ở bàn phía trước mặt đã có một phụ nữ trẻ cùng đứa trẻ khoảng 2 tuổi đang ăn được nửa chừng. Thế nhưng không biết cậu bé nhìn thấy vật thể gì lạ như con sâu lẫn vào đâu đó trong thức ăn nên nhất quyết không chịu ăn. Thế là người mẹ trẻ đã nghiêm mặt mắng đứa trẻ, lấy tay phát vào mông trẻ mấy cái. Cho đến khi bữa ăn của hai mẹ con kết thúc người mẹ trẻ cũng không thèm chú ý đến đứa trẻ mặc cho cậu bé khóc và gào rất to.

Còn nếu ở Nhật, gặp trường hợp như thế thì không biết có phải là người mẹ vì ngại thái độ của mọi người xung quanh nên đã làm đủ mọi cách đáp ứng nhu cầu của trẻ như dỗ dành, đổi món ăn khác cho trẻ để trẻ thôi không khóc nữa. Còn những người xung quanh thì tỏ rõ khuôn mặt bực bội vì bị tiếng khóc của trẻ làm phiền nên sẽ nhìn người mẹ bằng con mắt khó chịu.

Chắc hẳn những người mẹ Nhật khi chứng kiến những bà mẹ nước ngoài như thế sẽ phê phán những người mẹ đó là “mẹ Hổ”. Thế nhưng làm “mẹ Hổ” cũng có những điểm tốt mà ta không ngờ đến. Đối với trẻ 2 tuổi, khi đường kết nối giữa các tế bào trong não vẫn chưa hoàn thiện thì những hành động lặp đi lặp lại mang tính động vật, hay những uốn nắn nghiêm khắc mang tính động vật đều có một ý nghĩa rất lớn. Giai đoạn này chỉ có những người như “mẹ Hổ” mới làm được điều đó.

Ngoài ra, những người xung quanh cũng sẽ luôn tỏ thái độ ủng hộ, cảm thông và hiệp lực với những bà mẹ trẻ nhiệt tâm muốn dạy con mình trong độ tuổi từ 0 đến 2 tuổi.

Nhưng, giai đoạn dạy trẻ bằng cách lặp đi lặp lại mang tính động vật, hay uốn nắn nghiêm khắc mà trẻ không cự tuyệt chỉ đến khi trẻ 2 tuổi là kết thúc, còn sau giai đoạn này, trẻ sẽ bắt đầu đưa ra chính kiến và thể hiện ý chí của bản thân. Khi trẻ qua 2 tuổi cũng là thời kì vai trò “mẹ Hổ” cần phải kết thúc. Còn nếu thời kì này cha mẹ bỏ qua suy nghĩ hay cảm xúc của trẻ mà áp đặt suy nghĩ của bản thân vào trẻ thì ngược lại sẽ chỉ làm cho trẻ nảy sinh tính phản kháng không chịu nghe lời, dẫn đến vai trò “mẹ Hổ” tuyệt vời trước kia trở nên vô ích.

Tuy nhiên ở Nhật khi trẻ đã qua giai đoạn 2 tuổi và bắt đầu có chính kiến của bản thân thì số lượng những bà “mẹ Hổ” đột nhiên lại bắt đầu tăng vọt. Những bà mẹ trước kia vốn dịu dàng chiều chuộng con thì nay đột nhiên biến thành những bà mẹ vô cùng nghiêm khắc, lúc nào cũng bắt con “Không được làm cái này, không được làm cái kia”. Phản chiếu trong mắt con trẻ là hình ảnh những bà mẹ đáng sợ như quái vật, đây cũng không phải là sự so sánh vô lí. Những bà mẹ nghiêm khắc này dù chỉ đơn thuần là nói nhiều, cằn nhằn nhiều nhưng đối với trẻ thì đó là sự tra tấn tinh thần kinh khủng.

Cho đến khi trẻ được 2 tuổi hãy làm một bà “mẹ Hổ” nghiêm khắc với con, còn với trẻ sau 2 tuổi thì hãy làm một người mẹ thật hiền dịu. Đây chính là hình ảnh người mẹ lí tưởng và tuyệt vời nhất đối với giáo dục trẻ thơ.

Đương nhiên không thể nào ngay lập tức mà từ mẹ nghiêm khắc chuyển sang mẹ hiền dịu một cách đơn thuần được, điều quan trọng nhất ở đây là việc lưu ý đến những thời điểm cần phải thay đổi như trên như là một thái độ cơ bản của cha mẹ trong việc nuôi dạy trẻ.

Có lẽ đã có những bậc cha mẹ từng trải qua việc cãi nhau với con vì nó trở nên ương bướng, kiêu căng và lúc đó đứa trẻ đã quay lại nói với cha mẹ rằng: “Con có nhờ cha mẹ sinh ra mình đâu, nên đừng có lúc nào cũng can thiệp vào việc của con”. Đúng là như vậy, trẻ con thì làm sao có thể tự sinh ra mình được. Toàn bộ trách nhiệm liên quan đến sự tồn tại của đứa trẻ đều thuộc về cha mẹ. Có nghĩa là việc nuôi dạy để đứa trẻ có thể trở nên tự lập và trưởng thành đương nhiên là nghĩa vụ của cha mẹ.

Thế nhưng trong phạm vi trách nhiệm và nghĩa vụ mà tôi nói ở trên thì việc đáng kinh ngạc ở đây là có quá nhiều bậc cha mẹ đã ngộ nhận rằng con cái sẽ phải làm theo tất cả những gì cha mẹ nói. “Tôi thì muốn con mình sau này sẽ là kĩ sư” hay là “Tôi muốn con mình sẽ là nhạc sĩ” là những nguyện vọng mà rất nhiều các bậc cha mẹ đến tìm các nhà tư vấn, giống như họ đến một tiệm may quần áo mà đưa ra yêu cầu vậy. Trong những câu chuyện của thầy Suzuki về việc này có một câu chuyện như sau.

Có bà mẹ khi dự định bắt đầu cho con theo học cái gì đó đã đến hỏi thầy Suzuki: “Thầy xem con tôi có thành cái gì được không?”. Thầy liền trả lời: “Nó không thành cái gì được đâu”. Đương nhiên là khi nghe thấy như thế người mẹ đã rất kinh ngạc và khuôn mặt thể hiện rõ sự thất vọng. Khi ấy thầy Suzuki đã tiếp lời: “Nó không thành vật có thể dùng được. Nhưng nó sẽ thành người có thể dùng được (tài giỏi)”.

Đây chỉ là câu chơi chữ bóng gió ẩn dụ cho ý thức sở hữu của cha mẹ đối với con cái mình vốn mong muốn con cái mình càng ở trong tầm mắt mình càng nhiều càng tốt. Chính những cha mẹ có suy nghĩ coi con cái là vật sở hữu của mình thì cũng sẻ bỏ qua ý chí của bản thân trẻ. Đương nhiên là ngay cả với những đứa trẻ đã mang sẵn ý chí của bản thân trước đó thì suy nghĩ này của các bậc cha mẹ cũng giống như một tội ác. Đừng đi theo hướng cha mẹ nuôi dạy trẻ cái gì, mà nên đi theo hướng để trẻ con lớn lên cùng với cái gì.

Nghĩa vụ của cha mẹ là tạo cho trẻ một môi trường phong phú với nhiều kích thích giúp trẻ có nhiều khả năng lựa chọn để phát hiện ra mình yêu thích cái gì, mình sẽ lớn lên với cái gì ngay từ khi còn nhỏ. Tương lai của trẻ không phải là vật sở hữu của ai, mà trẻ là vật sở hữu của chính bản thân trẻ.

Sau chiến tranh, sau khi chế độ giáo dục mới được triển khai, giáo dục theo chủ nghĩa dân chủ được hình thành đã giúp cho rất nhiều nhân tài mới được phát huy hết ở mọi mặt. Thế nhưng ngược lại, trong sự biến đổi xã hội vô cùng mãnh liệt đó đã nổi cộm lên rất nhiều nhược điểm. Ngay cả bây giờ có lẽ cũng vẫn có rất ít người suy nghĩ nghiêm túc và thận trọng về đại học. Các bậc cha mẹ đều nhiệt tình suy nghĩ giáo dục trẻ trong môi trường gia đình thì cần phải làm những gì.

Chỉ có điều đáng tiếc là càng nhiệt tâm với giáo dục cho trẻ thì các bậc cha mẹ càng có khuynh hướng mạnh là mất dần đi tính tự chủ của người làm cha mẹ, vì cứ muốn cho con cái mình tiếp xúc với những cái gì mới nhất và nhanh nhất. Những người mẹ nối tiếp nhau phủ định giáo dục trước chiến tranh, cho rằng giáo dục và nuôi dạy trẻ từ trước đến nay đều là sai lầm, nên đã cho trẻ được làm mọi thứ mà chúng thích, đặc biệt là không cho ông bà động đến cháu dù chỉ là một ngón tay.

Thế nhưng, chẳng mấy chốc giáo dục sau chiến tranh (1945) đã bị chỉ trích là đang đi quá đà. Đến khi phương pháp giáo dục Spartan (là phương pháp giáo dục vô cùng nghiêm khắc thời cổ đại Hy Lạp) được xướng lên, thì ngay lập tức các bà mẹ đều chạy theo và đã có rất nhiều bà mẹ yêu cầu ông bà không được nuông chiều cháu quá mà phải nghiêm khắc la mắng cháu nhiều hơn. Những người mẹ như thế này chắc chắn sẽ lại thay đổi tôn chỉ của bản thân, tiếp theo lại vứt bỏ ngay phương pháp giáo dục Spartan và cho rằng giáo dục theo chủ nghĩa tự nhiên (tức là cứ để trẻ lớn lên không la mắng, không khích lệ không định hướng) là tốt.

Hình như các bà mẹ đã ngộ nhận giáo dục cho trẻ thơ cũng giống như thời trang, luôn chạy theo những trào lưu đang thịnh hành. Có thể nói, giáo dục tuổi ấu thơ đang bùng nổ rất mạnh mẽ, nhưng nhiều người đã không hiểu được bản chất và tầm quan trọng của nó một cách thực sự nên đã bỏ không ít công sức vào giáo dục sớm chỉ bởi vì phương pháp này đang bùng nổ và được hâm mộ.

Bất kì việc nào mình nghĩ là hay và áp dụng nó vào thực tế đều không phải là một việc xấu. Chỉ có điều nếu như người thầy vĩ đại nhất và gần gũi nhất với trẻ là người mẹ mà mất đi tính chủ động thì giáo dục trẻ thơ sẽ không thể thực hiện được. Phương pháp giáo dục theo chủ nghĩa tự nhiên, để trẻ lớn lên tự do hay là phương pháp giáo dục hà khắc kiểu Spartan cũng đều cần phải tùy thuộc vào môi trường và độ tuổi của trẻ, và cũng chỉ là một phương pháp để nuôi dạy trẻ thơ. Nhưng nó không phải là tất cả.

Điều tốt nhất mà người mẹ nên làm cho trẻ chính là hãy tự tin vào bản thân mình. Còn nếu người mẹ chỉ chạy theo trào lưu nhảy từ phương pháp này rồi lại với sang phương pháp kia thì sẽ chỉ đem đến kết quả tồi tệ cho con mà thôi. Đối với từng việc dù nhỏ bé nhất cũng hãy tự tin vào bản thân, và hãy bắt đầu khi bản thân đã thấu hiểu và nắm rõ về nó chính là cách làm tốt nhất. Bởi vì sự kiên quyết đầy tự tin của cha mẹ chính là điều cần thiết nhất đối với việc nuôi dạy con mình.

Nếu thái độ của cha mẹ cứ khăng khăng luôn cho mình đúng, quan niệm cứng nhắc thì hoàn toàn không có lợi gì cho việc nuôi dạy con trẻ. Hay là những cha mẹ nào dạy con theo kiểu làm gì cũng làm lấy lệ, đại khái qua loa, không đến nơi đến chốn, thì cũng không bao giờ nuôi dưỡng trẻ thành những con người tuyệt vời được.

Giáo dục trẻ nhỏ chính là công việc cao cả nhất và quan trọng nhất của người mẹ. Sẽ không có thời gian rảnh để người mẹ có thể ngơi tay. Tôi mong các bậc cha mẹ hãy loại bỏ thái độ cứng nhắc, tâm lí chạy theo phong trào theo số đông, hay thói quen đại khái qua loa, và hãy suy nghĩ một cách chân thực nhất để giáo dục trẻ sớm chính là một phần của mình.

“Con tôi có tài năng đặc biệt khác những đứa trẻ bình thường khác nên tôi phải cho nó học piano”, hay là “Vì nhà hàng xóm cũng cho con đi học nên tôi cũng phải cho con đi học violin”.

Những bà mẹ có suy nghĩ tự phụ, hư vinh như ví dụ trên không phải là ít. Mặc dù giáo dục tuổi ấu thơ không phải là phương pháp giáo dục ưu việt tạo ra những thiên tài, nhưng sẽ không phải là nói quá để khẳng định rằng chính những suy nghĩ tự cao tự đại giống như thế này của các bà mẹ là một nguyên nhân làm cho mọi người nhìn phương pháp giáo dục tuổi ấu thơ bằng một chiếc kính màu lệch lạc. Thực tế thì không biết có phải vì những đứa trẻ được những bà mẹ tự phụ này cho học piano, violin nên trẻ cũng tự nhiên hình thành trong đầu mình những suy nghĩ ganh đua, mình là thiên tài, và đem đến cho trẻ thói kiêu căng tự phụ hay không. Thật uổng phí khi học piano hay violin. Lẽ ra nó là phương pháp giúp trẻ phát triển và thăng họa tài năng của mình, thì những suy nghĩ đó đã vô tình bóp chết suy nghĩ và tâm hồn trong sáng của trẻ.

Học piano hay chơi đàn violin tuyệt nhiên không phải là một việc gì quá đặc biệt. Nó chỉ như là một giáo cụ mà thông qua việc học trẻ sẽ nắm bắt được điều gì, phát huy được khả năng nào của bản thân mà thôi. Vì thế mà với việc học piano hay violin thì những cha mẹ nào càng suy nghĩ tự phụ thì lại càng không đạt được những hiệu quả tuyệt vời mà việc học này đem lại.

Thầy Suzuki kể rằng ở lớp học violin của thầy qua bao thế hệ đã có đến vài ngàn học trò đã chơi giỏi hơn thầy. Học violin không có chỗ cho những suy nghĩ rằng mình chỉ học để chơi được violin, chỉ bản thân mình chơi giỏi violin. Giả sử nếu việc đi học violin có xuất phát từ suy nghĩ tự phụ của cha mẹ là muốn con mình thành đặc biệt đi nữa, thì việc học violin cũng không bao giờ thỏa mãn được những ảo vọng và sự tự cao tự đại đó. Như vậy, hoặc là vứt bỏ suy nghĩ kiêu căng tự phụ, hoặc là từ bỏ việc học đàn.

Ví dụ như con trai của tôi cũng nhờ học violin mà đã trở nên tự tin hơn rất nhiều, và ở hầu hết các mặt khác cũng đều có những hiệu quả rất tuyệt vời.

“Con cái có mấy ai hiểu lòng cha mẹ” là câu nói mà các bậc cha mẹ thường hay ca thán mỗi khi con cái mình không chịu nghe theo lời nói của mình, nhưng thực sự có phải lỗi lầm thuộc về con cái hay không? Tôi thì cho rằng nguyên nhân của việc này nằm ở phía cha mẹ.

Tôi được nghe từ thầy Suzuki Shinichi một câu chuyện thế này. Có một người mẹ nọ lúc nào cũng than vãn những câu giống như muốn đối đầu với con mình, kiểu như: “Số tôi đúng là bất hạnh nên mới bị ông trời ban cho đứa con hư đốn như thế này”. Khi đó thầy Suzuki đã nói với bà mẹ rằng: “Bất hạnh chính là do cách nuôi dạy của chị đó chứ. Vì lúc nào chị cũng quở trách con, bắt nó sửa chữa, nên trẻ đã tự thu mình lại và khuôn mặt trở nên cau có khó chịu với chị lúc nào không hay. Dẫu là quan hệ cha mẹ và con cái đi nữa thì xét trên phương diện là con người với con người, cha mẹ và con cái vẫn cần phải tôn trọng và thấu hiểu nhau, bản thân cha mẹ nếu nhận thấy mình có lỗi thì hãy thành thật nhận lỗi và hãy để con cái tha thứ cho mình”. Sau đó một thời gian, người mẹ đó đã rất vui vẻ kể lại rằng cô đã chủ động xin lỗi con mỗi khi bản thân làm sai, và đứa trẻ đã nói chuyện nhẹ nhàng hơn với mẹ, hai mẹ con đã lấy lại được mối quan hệ tình cảm thân thiết như ngày xưa.

Đối với những bà mẹ nghiêm khắc hay đòi hỏi quá nhiều, kì vọng quá nhiều vô tình tạo thành áp lực cho con thì khi bắt đầu nhận biết được điều đó, trẻ sẽ dùng khuôn mặt phản kháng để nói với mẹ những ý nghĩ bất mãn của mình như: “Vì mẹ có phải học đâu nên muốn nói gì mà chẳng được”. Rõ ràng là câu nói trên đã thể hiện sự mâu thuẫn, không gắn kết với nhau giữa suy nghĩ của mẹ và suy nghĩ của trẻ.

Trẻ sẽ không bao giờ nghe lời nếu như cha mẹ suốt ngày mở miệng ra là ra lệnh, là quát mắng, thúc giục. Đầu tiên cha mẹ phải là người làm điều đó trên thực tế cho trẻ xem. Muốn trẻ có động lực đầy đủ để trưởng thành mà trẻ nỗ lực phấn đấu mười phần, trong khi đó cha mẹ lại chỉ phấn đấu một, hai phần lấy lệ để cho trẻ vui thì tuyệt nhiên, trẻ sẽ không bao giờ trưởng thành theo những gì mà cha mẹ mong muốn. Điều tất yếu ở đây là không chỉ làm cùng con một vài việc nào đó, mà cha mẹ còn phải cho con thấy được sự cố gắng và nỗ lực của bản thân mình.

Họa sĩ vẽ tranh minh họa nổi tiếng Manabe Hiroshi đã kể lại kinh nghiệm là thường xuyên vào bồn tắm nước nóng cùng con để dạy con cảm nhận hương vị của sự khổ cực thông qua những giọt mồ hôi. Thực chất hành động ấy không phải là để thử cho trẻ trải nghiệm sự chịu đựng trong hơi nóng và nhiệt độ từ bồn nước nóng. Khi cùng ngồi với trẻ trong bồn nước nóng, ông đã phải suy nghĩ rất kĩ và sâu sắc những đề tài khác nhau để nói chuyện cùng con mình, chứ không đơn thuần chỉ là những đề tài giống nhau, vì như thế sẽ làm cho trẻ cảm thấy nhàm chán. Nó là những câu chuyện giống như truyện “Ngàn lẻ một đêm” để đem đến sự hứng thú, sáng tạo, và tạo ấn tượng mạnh cho trẻ, chứ không đơn thuần chỉ là những câu dụ trẻ như “Nếu con ngoan thì bố sẽ mua quà cho con”.

Tôi nghĩ có rất ít cha mẹ luôn mạnh miệng ra lệnh cho con “Làm cái này đi, nhớ cái kia đi” trong khi bản thân mình thì lười nhác không chịu cố gắng, nhưng vẫn muốn con mình “Sau này con mà giỏi giang trở thành người thành đạt thì cha mẹ cũng được mở mày mở mặt với thiên hạ”. Nhưng các bậc cha mẹ cần phải giác ngộ rằng nếu bản thân mình là cha mẹ mà không nỗ lực ít nhất là như cách mà họa sĩ Manabe Hiroshi đã làm với con ông, thì giáo dục trẻ thơ sẽ không thể thành công được. Từ một người cha, người mẹ biếng nhác nhưng chỉ cần nỗ lực và biết cách thực hành thì chắc chắn sẽ thỏa mãn được những điều kiện tối thiểu nhất giúp cho con mình tốt hơn và phát huy được tài năng của chúng.

“Con hơn cha là nhà có phúc” hay “Trò hơn thầy, trò ngoan” là những câu tục ngữ nói về việc con cái giỏi hơn cha mẹ và học trò giỏi hơn thầy mà chúng ta thường nghe. Tôi nghĩ bản chất thực sự của giáo dục chính là như vậy.

Tôi đã nói nhiều lần ở các chương trước rằng năng lực của trẻ không phải là do bẩm sinh, giả sử cứ cho rằng năng lực của trẻ đều được di truyền toàn bộ từ cha mẹ thì ít nhất cũng phải nuôi dạy con cái ngang bằng với năng lực của cha mẹ.

Bằng sự nuôi dạy của cha mẹ nhưng nếu con cái không giỏi giang hơn cha mẹ chút nào thì đương nhiên nguyên nhân là do sự lười biếng của cha mẹ. Đối với trẻ con thì cha mẹ chính là người thầy đầu tiên và vĩ đại nhất.

Liên quan đến điều này, tôi xin được giới thiệu những câu chuyện thực tiễn ở gia đình vô cùng thú vị mà thầy Suzuki đã viết trong cuốn sách của mình với tựa đề “Phương pháp luận về giáo dục trẻ thơ của tôi”.

“Ở lớp học violin nào của mình tôi cũng đều cho trẻ nghe đi nghe lại nhiều lần băng thu âm bản nhạc, sau đó sẽ cho trẻ tập chơi violin. Và lần nào tôi cũng nói với trẻ “Thầy mong các em hãy chơi hay hơn băng thu âm này”. Vì tất cả học trò đều là trẻ nhỏ nên chúng đều rất hồn nhiên đáp lại “Dạ, vâng ạ” thật to, rồi chăm chỉ luyện tập để chơi hay hơn băng thu âm kia. Quả thật là sau một thời gian, các em đã chơi hay hơn băng thu âm bản nhạc kia thật. Băng thu âm kia chính là bài do tôi chơi, nên thấy kết quả này của các em tôi đã vô cùng vui mừng. Thông thường thì nguyên tắc ở lớp học của tôi là làm sao học sinh bắt buộc phải chơi violin giỏi hơn thầy. Tôi đã quy định rằng ai chơi giỏi hơn thầy thì người đó mới là học trò của tôi. Và những học sinh không chơi giỏi hơn tôi thì sẽ phải học tập từ những bạn bè khác.

Tại sao tôi lại nói như vậy, đó là vì nếu như một học trò không thể giỏi hơn thầy giáo của mình, nếu học trò đó sau này thành thầy giáo, và học trò của thầy giáo đó lại không giỏi hơn thầy mình thì kết cục là chúng ta sẽ chỉ giậm chân mãi ở thời kì đồ đá. Điều đó sẽ không thể kì vọng đem đến sự tiến bộ hay nâng tầm văn hóa lên được. Chính vì thế, điều hiển nhiên là bắt buộc học trò phải là người vượt qua tầm cao của thầy”.

Đoạn trích trên có thể hơi dài, nhưng những gì mà thầy Suzuki nói đã tác động mạnh mẽ vào những gì tôi nói lúc đầu.

Đương nhiên là cha mẹ, những người thầy đầu tiên và vĩ đại nhất của con lại không hề muốn nuôi dạy con để chúng giỏi hơn mình. Chính vì như thế nên đối với vấn đề học vấn càng cần thiết phải loại bỏ đi cái suy nghĩ của cha mẹ rằng mình ở trình độ này nên mong sao con cái cũng đạt được trình độ ngang như mình là được.

Chúng ta đang sống trong một thế giới biến đổi không ngừng. Sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật đã mang lại cho chúng ta những tiện nghi và vật chất phong phú khiến chúng ta kinh ngạc. Trước đây máy vi tính chỉ giống như một chiếc máy tính dùng để tính toán những phép tính và con số nhanh hơn con người, thì giờ đây nó có vai trò gần như bộ não của con người.

Những ưu điểm giống như trên nhiều không kể xiết, có điều sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật đã làm suy nghĩ của con người thay đổi rất nhiều cùng với sự tiện ích và phong phú về vật chất. Bản chất của con người là khi được thỏa mãn về vật chất thì sẽ muốn tìm sự thỏa mãn về mặt tinh thần. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc bản thân mỗi người chúng ta cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc đến vấn đề vai trò của con người trong thế giới này là gì, con người có thể thay đổi thế giới phải là người như thế nào? Thế nhưng, cùng với sự biến đổi của xã hội, một khi con người đã có suy nghĩ rồi thì thay đổi họ là rất khó. Chính vì thế chỉ có trẻ con, những người sẽ trưởng thành trong tương lai mới là người có thể ủy thác ở xã hội mới. Đó cũng là một lí do mà tôi nghĩ là vô cùng quan trọng trong giáo dục trẻ tuổi ấu thơ.

Và khi nhìn ra thế giới hiện tại, tôi nghĩ rằng điều còn thiếu sót nhất trong thế giới chúng ta đang sống đó chính là lòng tin giữa con người với con người. Nguyên nhân của những vấn đề như xã hội méo mó biến dạng, ô nhiễm, vấn đề bắt nạt nhau ở trường học hay nơi làm việc, có thể nói đều xuất phát từ việc con người đã không thể tin tưởng nhau. Dẫu cho đời sống sinh hoạt có tiện ích, đầy đủ vật chất bao nhiêu đi nữa thì con người không thể sống một cách hòa bình và hạnh phúc trong một xã hội thiếu lòng tin ở nhau.

Tất cả những ai trên bậc tiểu học thì đều có thể hiểu được những lí thuyết như “Hãy tin tưởng vào người khác” hay là “Đừng làm phiền đến những người khác”. Thế nhưng, lí thuyết thì có thể hiểu nhưng thực hành thì lại không thể, đó là con người. Nếu như chỉ được nghe lí thuyết từ người khác, rồi sau đó khi gặp trường hợp giống như lí thuyết thì thực hành theo, việc đó sẽ không sinh ra niềm tin giữa con người với con người. Niềm tin vào người khác hay là tin tưởng lẫn nhau chỉ có thể được sinh ra khi đầu tiên tự bản thân chúng ta nhận ra một cách tự nhiên những gì vốn có.

Điều đáng mừng là tính cách và trí não của trẻ nhỏ vẫn còn là một trang giấy trắng. Những gì trẻ được tiếp xúc, được nuôi dạy từ thời kì nhận thức nguyên mảng sẽ không bị quên lãng khi trẻ lớn lên, và trẻ sẽ góp phần tạo ra một xã hội tuyệt vời.

Dẫu trẻ có thông minh giỏi giang bao nhiêu đi nữa nhưng lại không thể tin tưởng vào người khác thì cũng không thể kì vọng gì ở tương lai.

Giáo dục ở trường học chạy theo chủ nghĩa thi cử, chủ nghĩa thành tích là nguyên nhân lớn đã làm gia tăng sự thiếu niềm tin vào nhau, vì thế trước khi bắt đầu vào mẫu giáo hay đi học, nghĩa là ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi trẻ cần được dạy những điều cơ bản để xây dựng lòng tin giữa con người. Chính điều đó là mục đích thực sự của giáo dục trẻ tuổi ấu thơ.

Ở cuốn sách này tôi đã từng nhấn mạnh nhiều lần rằng suy nghĩ căn bản của phương pháp giáo dục sớm không phải là giáo dục để tạo ra thiên tài, hay những chuyên gia đặc biệt về một lĩnh vực nào đó. Nó chỉ xuất phát từ mong muốn làm sao để phát huy những khả năng của trẻ, và mong muốn mỗi đứa trẻ lớn lên đừng mang những tính cách như phản kháng hay không nghe lời.

Cùng với sự phát triển rực rỡ của văn minh nhân loại hay sự phát triển cao độ về kinh tế, ở đâu đó nhiều nơi trên thế giới vẫn còn tồn tại chiến tranh và sự phân biệt chủng tộc, sự thù địch nhau giữa các dân tộc. Quả thực sự ra đời của các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, UNESCO, WHO đã góp phần gắn kết những con người trên thế giới lại với nhau, thắt chặt tri thức nhân loại vì hòa bình thế giới. Thế nhưng thế giới mà người lớn chúng ta làm chủ có thể cùng tin tưởng nhau, chia sẻ với nhau, tha thứ cho nhau, hay là cùng tạo ra một môi trường sinh sống an bình mà xuất phát từ sâu trong trái tim thì quả là một việc vô cùng khó. Càng trưởng thành, người lớn chúng ta lại càng khó gạt bỏ những suy nghĩ hay thói quen đã ăn sâu vào bản thân mỗi người như sự thù hằn, sự chia ngọt sẻ bùi khi khó khăn, ác cảm với những dân tộc khác màu da, tôn giáo.

Những người lớn chúng ta không thể để những thiên kiến đã định sẵn, những ngộ nhận như vậy lây nhiễm sang thế hệ trẻ thơ, những chủ nhân tương lai của thế giới. Tâm hồn trẻ thơ ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi như một trang giấy trắng, chưa hề biết thế nào là sự thù địch dân tộc, hay cảm giác phân biệt chủng tộc. Chính trong thời kì này nếu trẻ được nuôi dạy mà không có sự phân biệt giữa các dân tộc thì trẻ sẽ lớn lên và tiếp nhận một cách tự nhiên rằng “Việc con người chúng ta trên trái đất này có màu da khác nhau, cũng giống như khuôn mặt hay vóc dáng của chúng ta khác nhau mà thôi”. Còn nếu không như thế thì chẳng qua bởi vì trẻ đã bị thổi vào đầu những tư tưởng, suy nghĩ phân biệt, hay là chịu sự can thiệp của người lớn. Nếu chúng ta thực sự muốn đi tìm hòa bình cho nhân loại thì ngoài việc tác động tích cực trên phương diện chính trị đối với tình hình thế giới hiện tại, sẽ hiệu quả hơn nếu chúng ta chú trọng đến việc giáo dục thế hệ thiếu nhi, những người sẽ nắm bắt thế giới trong tương lai. Hòa bình thế giới thật sự đạt được không phải ở thế hệ của chúng ta, mà là ở thế hệ trẻ em tương lai.

Dù những gì tôi đang làm để đạt được mong ước đó vẫn chưa thấy kết quả thực tế, nhưng tôi không hề sợ là nó sẽ không thành. Tất cả những gì tôi nói trong cuốn sách này đều xuất phát từ những suy nghĩ rất cơ bản có kết hợp chặt chẽ với phương pháp luận, để đáp ứng lại sự mong đợi của các bậc cha mẹ. Nhưng nó không có nghĩa là những gì được viết ra đều đúng hoàn toàn hay không có chỗ để phản biện. Tuy nhiên, điều tôi mong muốn là những ý kiến thảo luận về nuôi dạy trẻ thơ, đặc biệt là nuôi dạy trẻ từ 0 tuổi ở cuốn sách này sẽ được áp dụng và tiến hành ở Nhật và trên thế giới. Ngoài ra, tôi tin rằng cuốn sách sẽ phát huy đầy đủ vai trò như người dẫn đường chỉ lối cho các bậc cha mẹ.

 

Bình luận
2880
× sticky