Chúc Yểu đang ngồi trong góc để vá áo. Ánh đèn vàng lờ mờ, xung quanh người qua kẻ lại, cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn đang điềm tĩnh ngồi. Đầu cô hơi cúi, vài lọn tóc nhẹ nhàng buông xuống, gương mặt đã trang điểm theo phong cách cổ trang đầy vẻ nghiêm túc. Bàn tay nõn nà đang cầm kim chỉ, động tác nhàn nhã mà lưu loát, thuần thục xuyên kim qua lại giữa hai mặt vải.
lẽ vì trang dung quá cổ điển nên trong khoảnh khắc quay người lại nhìn thấy Chúc Yểu, Triệu Thiến Đình có cảm giác như mình đang xuyên không. Cô nín thở, sau đó đi đến trước mặt Chúc Yểu, cúi đầu nhìn những đường kim thuần thục đến khó tin đang luồn qua luồn lại.
Triệu Thiến Đình ngơ ngác như phát ngốc, ánh mắt cứ dõi theo từng mũi kim lên xuống, sau đó từ từ hé miệng, thốt ra. “Má… ơi!”
Hậu đài ồn ào phức tạp nhưng hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến động tác của Chúc Yểu. Cô vẫn cầm kim chỉ, nhanh chóng vá áo. Đâu chỉ vá không thôi, thời gian vẫn còn nhiều nên cô khéo léo kết hợp những đường chỉ vá với những đường thêu hoa đào trên áo tạo thành hình những hoa đào đơn giản hơn.
Triệu Thiến Đình thoáng đoán được ý định của cô, mặt hiện lên vẻ không dám tin, ngạc nhiên bảo: “Chúc Yểu… Đừng bảo cậu xuyên việt từ cổ đại tới nha?” Ai mà ngờ cô còn biết thêu thùa chứ, bình thường có thể hiện chút nào đâu. Trong mắt Triệu Thiến Đình, Chúc Yểu là một cô bạn ít nói, ít gây sự, thành tích rất kém nhưng gia đình rất có tiền.
Chúc Yểu mỉm cười, giọng ngọt ngào. “Mình từng học đôi chút.”
Nữ tử Đại Ngụy phần lớn thêu thùa rất giỏi. Chúc Yểu tuy là công chúa nhưng thuở thiếu thời ngây thơ, cũng từng mơ đến một ngày kia sẽ tự tay may quần áo cho phu quân mình. Tay nghề của cô là do người thợ giỏi nhất trong hoàng cung Đại Ngụy chỉ dạy, gần như là dốc lòng truyền thụ, lúc ấy cô cũng học rất nghiêm túc. Bây giờ tuy đã lâu không tiếp xúc nhưng vừa đụng đến kim chỉ, tay cô liền làm theo thói quen.
Lúc Hứa Du Du theo Lâm Chỉ Y tới nơi thì nhìn thấy Chúc Yểu đang ngồi trên băng ghế may vá, khuôn mặt hơi cúi. Từ góc Hứa Du Du nhìn sang, lúc cô giơ tay lên thì lộ ra cổ tay trắng ngần.
Lâm Chỉ Y cũng ngây người nhìn.
Triệu Thiến Đình nhìn Chúc Yểu may vá đến thất thần, gần như quên mất Lâm Chỉ Y.
Bây giờ nhớ lại, cô ngại ngùng nói: “Có lẽ để cậu phải uổng công đi chuyến này rồi…” Cô đưa tay chỉ vào Chúc Yểu. “Chúc Yểu thật là lợi hại.”
Khuôn mặt cứng đờ của Lâm Chỉ Y nhanh chóng nở nụ cười. “Không sao, vấn đề được giải quyết là tốt rồi.”
Hứa Du Du hơi tức giận. “Đây chẳng phải hành hạ người khác sao? Lúc nãy Chỉ Y lo lắng chết được, vội vội vàng vàng chạy vào đây, suýt nữa là ngã.”
Triệu Thiến Đình lập tức trả lời. “Thật ngại quá đi mất.”
Lâm Chỉ Y lắc đầu, nhưng ánh mắt vẫn nhìn chằm chằm vào Chúc Yểu.
……
Trên sân khấu.
Các tiết mục đặc sắc lần lượt được thể hiện, giờ đã đến lớp 12.3. Người dẫn chương trình giới thiệu xong, tiết mục bắt đầu. Ngay giữa hàng ghế đầu tiên dưới sân khấu, thầy Phùng hiệu trưởng ngồi chung với ban giám hiệu, chấm điểm cho từng tiết mục. Sau khi âm nhạc trên sân khấu vang lên, màn che được kéo ra, ánh đèn pha rực rỡ sắc màu lóe lên, rộn ràng chiếu theo từng nhịp điệu sôi động. Một nam sinh mặc quần jean, áo jean đứng nghiêng người, tay cầm vành nón lưỡi trai, xuất hiện thật ấn tượng.
Các tiết mục trước đó đa số là những bài chúc xuân khá rập khuôn, giờ Chúc Hằng đứng giữa sân khấu thật thu hút, nháy mắt phải một cái, gửi một nụ hôn gió xuống phía dưới trông thật ngầu.
Đám học sinh đang cảm thấy tẻ nhạt tức thì trở nên náo nhiệt. Các cô gái còn vội che mặt xấu hổ.
Theo động tác múa côn thật ngầu của Chúc Hằng, cây côn nhị khúc linh loạt bay múa trên đôi tay cậu. Mồ hôi chảy ròng, lồng ngực phập phồng, cả người cậu toát ra hơi thở thanh xuân nhiệt huyết của học sinh cấp 3.
Hội trường sôi sục, không khí được khuấy động lên. Ngay cả đám con gái bình thường rất sợ Chúc Hằng cũng phải hò hét.
Thầy Phùng hiệu trưởng thì lườm lườm Chúc Hằng trên sân khấu, mặt đầy vẻ chán ghét, lầu bầu một tiếng: “Làm trò gì vậy chứ.”
Thầy Phùng cầm cây bút đen bên tay, chuẩn bị chấm điểm cho Chúc Hằng. Trên sân khấu, Chúc Hằng đã chuẩn bị làm động tác kết thúc, giơ cánh tay lên, gỡ chiếc mũ lưỡi trai trên đầu mình xuống, quăng đại xuống dưới sân khấu…
Trên đầu tối lại, có thứ gì đó ném trúng. Tay thầy Phùng run lên, mắt đảo một cái rồi nhìn lên trên. Một chiếc mũ lưỡi trai đúng lúc đội trên đầu của thầy một cách vừa vặn.
Bình thường thầy Phùng nghiêm túc, đứng đắn. Lúc này các vị trong ban giám hiệu nhìn thấy chiếc mũ lưỡi trai trên đầu thầy đều bịt miệng, cố nín cười.
Thầy Phùng hừ một tiếng, lấy chiếc mũ xuống, sau đó cầm bút lên, viết vào giấy số điểm thấp nhất trong lịch sử dành cho lớp 12.3.
Chúc Hằng – tự cảm thấy biểu diễn rất tốt – lúc này trở về chỗ ngồi. Nhận lấy chai nước do đàn em đưa qua, cậu uống ừng ực thật sảng khoái.
“Tiếng cao thấp lựa chen lần gẩy/Mâm ngọc đâu bỗng nẩy hạt châu[1]. Chắc hẳn mọi người đã quá quen thuộc với bài thơ Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị. Tỳ bà là nhạc cụ cổ điển của nước ta, còn piano lại được xưng tụng là vua của các loại nhạc cụ cổ điển phương Tây. Tiếp theo đây, xin mời quý khán giả thưởng thức bản Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ, hòa tấu tỳ bà và piano do Chúc Yểu và Đường Việt lớp 12.9 thể hiện.”
Đèn trên sân khấu tối dần.
Tiếng đàn piano du dương dần vang lên. Chưa thấy bóng người, đã nghe tiếng đàn. Tấm màn phía cánh trái dần được kéo ra, đèn cũng dần sáng lên. Xuất hiện trước nhất là một cây đàn piano đen bóng. Sau cây đàn là một nam sinh mặc áo đuôi tôm, cổ thắt nơ bướm, gương mặt thanh thoát, ngón tay thon dài đang nhảy múa trên những phím đàn đen trắng. Tiếng nhạc dịu êm như phát ra từ đầu ngón tay của cậu.
Bỗng cậu dừng tay, ngẩng đầu lên, dùng ánh mắt dịu dàng nhìn phía đối diện.
Tấm màn phía cánh phải dần kéo ra, có cảm tưởng cùng với nó một bức tranh sơn thủy với những nét bút đậm nhạt cũng dần được triển hiện. Một bóng dáng mảnh mai yêu kiều vượt thời gian mà đến. Mỹ nữ trong tranh tay áo tung bay, phía trước ôm tỳ bà, như hoa dưới ánh trăng. Trên cánh tay mảnh khảnh, một dải lụa nhạt màu hờ hững rũ xuống, như thể ánh trăng chiếu xiên qua. Những ngón tay ngọc thon thả dạo trên dây đàn, khuôn mặt nghiêng hơi cúi cực kỳ xinh đẹp, vài lọn tóc mềm mại cũng rũ theo. Nàng khẽ mỉm cười, dung nhan như hoa đào.
Tiếng tỳ bà trong trẻo réo rắt.
Hoàn toàn trái ngược với tiết mục sôi động trước đó, dưới sân khấu thầy và trò đều bất giác yên lặng.
Có cậu bạn nhìn đến ngây người. “Đây là Chúc Yểu lớp 12.9 sao? Mặc đồ cổ trang đẹp quá đi mất!”
Ai đó trả lời. “Lớp 12.9 sao toàn người đẹp như thần tiên không vậy trời? Chẳng phải lớp đó đã có nam thần Nguyên Trạch và hoa khôi Lâm Chỉ Y rồi ư, sao còn có hai người trên sân khấu nữa?
Cậu bạn đầu tiên phản bác. “Mình cảm thấy Chúc Yểu đẹp hơn Lâm Chỉ Y nhiều.”
Cô bạn bên cạnh cũng nhao nhao tham gia câu chuyện. “Chị Chúc Yểu mặc đồ cổ trang thế này đúng là đẹp đến choáng váng, khí chất vô đối. Lại đàn tỳ bà hay thế nữa chứ.”
Cũng có người chọc ghẹo hai anh em Chúc Yểu và Chúc Hằng. “Phong cách của Chúc Yểu quả là khác một trời một vực với anh trai cô ấy. Một người là hoàng tử hip hop, một người là tiểu công chúa cổ điển.”
Khi tiếng đàn piano vang lên, ánh đèn tập trung vào người Đường Việt. Đến lượt tiếng đàn tỳ bà vang lên, ánh đèn dìu dịu lại hướng về phía Chúc Yểu. Trong hội trường tối om yên tĩnh này, dường như chỉ còn lại hai người trên sân khấu, phối hợp vô cùng ăn ý.
Trình Gia Úy đã nhìn thấy bức ảnh Chúc Yểu mặc đồ cổ trang nhưng lần đó chưa trang điểm. Lần này cô còn búi tóc, cúi đầu đàn tỳ bà. Đối với đám học sinh nam mà nói, hình ảnh này có sức kích thích thị giác quá mạnh mẽ.
Chúc Yểu xinh xắn, ít nói. Bình thường mặc đồng phục rộng rãi, lặng lẽ học tập, hàng ngày bị đống bài tập đè ép đến độ thở không nổi. Nhưng khi quẳng đi gánh nặng học hành, ôm đàn tỳ bà vào, cô lập tức toát ra ánh hào quang bình thường bị che giấu. Tuy im lặng ngồi đó, vẫn có thể thu hút ánh mắt của tất cả mọi người.
Mày đen, môi đỏ, dào dạt khí chất cổ điển.
Tiếng đàn tỳ bà đã tuyệt, người đàn còn tuyệt hơn.
Trình Gia Úy quay đầu sang nhìn Nguyên Trạch bên cạnh thì thấy anh đang nhìn lên sân khấu, tuy vẻ mặt bình thản nhưng ánh mắt không chệch li nào. Cậu hơi nghiêng đầu qua, ép giọng thật khẽ, cố tình trêu chọc anh. “Nhìn thế này, tên oắt Đường Việt kia và bạn cùng bàn của cậu cũng xứng đôi lắm đấy. Ở cổ đại thì sẽ gọi cái gì mà…”
Trình Gia Úy sờ cằm ngẫm nghĩ rồi mắt sáng lên, à nhỏ một tiếng. “Gọi là cầm sắt hòa mình.” (Chỉ sự hòa hợp tốt đẹp của vợ chồng)
Nguyên Trạch không đáp lại.
—————–
[1] (Bản dịch của Phan Huy Vinh)