Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cú Vọ Và Đàn Bồ Câu

Chương 7

Tác giả: Agatha Christie

Người đàn ông vừa bước vào gian phòng nhỏ này hoàn toàn không thích hợp với cái tên Robinson. Giá tên ông ta là Demetrios, Isaacstein hay Perenna thì có lý hơn, bởi trông ông ta giống người Hy Lạp, người Do Thái, người Tây Ban Nha hoặc người ở xứ sở nào đó chứ tuyệt nhiên không có lấy một nét gì giống người Anh, mặc dù ông ta nói tiếng Anh không hề vướng chút âm sắc nước ngoài nào.

Vóc người Robinson to béo, da mặt thiên về phía chủng tộc da vàng, mắt to và đen, đượm chút u buồn, vầng trán cao và cái miệng rất to với hàm răng trắng bóng. Ông ta ăn mặc chải chuốt, hai bàn tay thon mịn, được chăm chút tỷ mẩn như tay con gái.

Cách ông ta ăn nói với viên Đại tá khiến người ta có cảm tưởng như hai vị Vua chúa đàm đạo. Sau vài câu thù tiếp xã giao, Đại tá mời khách một điếu xì gà rồi đi vào vấn đề cụ thể hơn.

– Tối rất lấy làm hân hạnh được ông vui lòng hỗ trợ.

“Ngài” Robinson chậm rãi hít một hơi xì gà rồi mới đáp:

– Có gì đâu, ông bạn thân mến. Tôi quen biết rộng và người ta luôn thổ lộ nhiều điều rất riêng tư với tôi. Tại sao họ tin tôi đến thế, chính tôi cũng không biết.

Đại tá Pikeaway bỏ qua câu nói khiêm tốn đó.

– Tôi đoán ông biết việc người ta đã tìm thấy xác chiếc máy bay của Hoàng thân Ali Yusuf…

– Thứ tư vừa rồi. Người lái chiếc máy bay đó là phi công trẻ tuổi Bob Rawlinson. Nhưng máy bay bị nạn không phải do lỗi ở phi công mà do thợ máy ở sân bay phá hoại từ trước lúc nó cất cánh. Thủ phạm vụ phá hoại đó là nhân vật hiện đang giữ một chức vụ trọng yếu trong bộ máy chính quyền mới ở Ramat.

– Thì ra có âm mưu phá hoại! Bây giờ tôi mới biết. Quả là một câu chuyện đáng buồn.

– Đúng thế. Nhưng tôi không nghĩ chúng ta gặp nhau để nuối tiếc quá khứ! Tôi nghĩ rằng hai chúng ta gặp nhau hôm nay là vì một điều chúng ta cùng quan tâm, có thể lý do quan tâm khác nhau giữa hai chúng ta, nhưng đó chính là những thứ mà vị hoàng thân xấu số kia để lại trên cõi đời.

– Cụ thể là…?

Ông Robinson nhún vai.

– Một tài khoản khá lớn ở ngân hàng Thụy Sĩ, một khoản tín dụng nhỏ lưu tại Anh, những bất động sản của ông trong nước – riêng những thứ này tất nhiên đã bị những chủ nhân mới chia nhau và không phải khi chia không xảy ra lắm mâu thuẫn, hiềm khích, và cuối cùng… là một thứ rất nhỏ, hoàn toàn là tài sản cá nhân của riêng hoàng thân Ali Yusuf.

– Ông nói là “nhỏ”?

– Đấy là tôi nói về khối lượng. “Nhỏ” đây có nghĩa có thể dễ dàng mang theo trong người.

– Nhưng nghe đâu người ta không tìm thấy thứ gì đặc biệt trong áo quần của vị Hoàng thân…

– Dễ hiểu thôi. Vị Hoàng thân đã trao vật đó cho Bob Rawlinson.

– Ông biết chắc là như thế? – Giọng đại tá có phần sôi nổi hơn đôi chút.

– Thật ra không có gì có thể biết chắc chắn được. – Robinson đáp như thể nhận lỗi. – Bao giờ trong mỗi cung điện vua chúa cũng có những lời bàn tán đủ loại, và không phải tất cả những lời đồn đại là chuyện có thật. Nhưng trong trường hợp này, quá nhiều người nói và lại nói giống nhau.

– Tạm cho là như thế. Nhưng người ta đã không tìm thấy gì trong xác viên phi công.

– Cho nên chúng ta phải kết luận rằng “vật kia” đã được một người khác, chứ không phải Bob Rawlinson, đưa ra khỏi lãnh thổ Ramat. Hoặc nó được đưa ra nước ngoài bằng một mưu mẹo nào đó.

– Ông có ước đoán nào không?

– Sau khi nhận túi đá quý – bây giờ ta gọi nó bằng đúng tên của nó – viên phi công Bob Rawlinson đã ghé vào một tiệm giải khát nhỏ, nhưng tại đây anh ta không hề gặp gỡ ai, không trò chuyện với ai. Các khách ăn khác đều không ai chú ý đến anh ta. Sau đấy Bob đến khách sạn Ritz. Bà chị anh ta đi vắng, anh ta đã lên phòng, ở lại trong đó khoảng hai mươi phút. Rời khỏi khách sạn Ritz, Bob Rawlinson đến một nhà băng, đổi một tấm ngân phiếu lấy tiền mặt. Anh ta vừa ra khỏi nhà băng thì cuộc bạo động nổ ra, nhưng Bob Rawlinson vẫn đến được sân bay cùng với người phụ lái là Achmed.

– Sau đó?

– Theo như anh ta đã thỏa thuận trước với Hoàng thân, chắc thế. Hoàng thân Ali Yusuf rời cung điện hoàng gia bằng ôtô, bảo rằng đi kiểm tra công trường xây dựng một con đường, thật ra là để gặp Bob, bảo anh này chở ông đi thị sát bằng máy bay. Đúng là máy bay có cất cánh thật, nhưng sau đó mất tích.

– Qua toàn bộ sự việc trên, ông kết luận ra sao?

– Chắc cũng như ông thôi. Bob Rawlinson ghé vào phòng bà chị để làm gì, khi đã biết phải muộn bà ta mới về đến khách sạn? Bob có để lại một bức thư, nhưng thư quá ngắn ngủi, chỉ cần vài ba phút cũng đủ để viết xong. Vậy hai chục phút kia anh ta dùng làm gì?

– Ông cho rằng Bob đã giấu số kim cương và đá quý kia trong đống hành lý của bà chị?

– Qua những sự kiện trên thì hầu như chắc chắn là như thế, ông có tán thành không? Ngay hôm đó, hai mẹ con bà Joan Sutcliffe đã sơ tán cùng với những công dân Anh khác. Họ đáp máy bay đến Aden, rồi xuống tàu biển. Ngày mai con tàu này sẽ về đến Anh, cập bến ở Tilbury.

– Tôi biết và chúng tôi sẽ bảo vệ bà ta.

– Ông làm thế là rất đúng, bởi mang trong người một tài sản lớn như thế, bà ta rất dễ gặp nguy hiểm.

Ông Robinson nháy mắt rồi nói tiếp:

– Tôi rất ghét kiểu bạo lực.

– Ông thật sự cho rằng…?

– Nhiều nhóm đang quan tâm đến chuyện này, với động cơ xấu.

– Tôi cũng nghe là như thế.

– Và tất nhiên chúng giành giật nhau bằng đủ mọi thủ đoạn, mưu mẹo. Thế là vấn đề sẽ rối tinh lên.

– Rất có thể là như thế. Vậy ông… ông có mối quan tâm cá nhân nào đến vụ này không, thưa ông Robinson?

Tuy câu hỏi được đưa ra bằng giọng dè dặt, nhưng cũng vẫn làm khách hơi tự ái.

– Dù sao tôi cũng đại diện cho một tập đoàn. – Robinson nói. – Phần lớn số đá quý kia là do tập đoàn chúng tôi nhượng lại cho vị Hoàng thân đã quá cố theo một mức giá phải chăng. Đó chính là một trong những lý do khiến tôi quan tâm đến số phận của những viên đá quý đó. Hay ông còn đòi tôi đưa ra ý kiến của vị hoàng thân đã khuất kia? Tôi rất không muốn nói thêm gì nữa. Vấn đề này quá nhạy cảm. À, mà nhân tiện xin hỏi, ông có biết những người thuê các phòng bên cạnh phòng của bà Joan Sutcliffe ở khách sạn Ritz lúc đó là ai không?

Đại tá Pikeaway làm bộ như cố nhớ lại trước khi đáp:

– Để tôi nhớ lại xem… À phải rồi, phòng bên trái là Angelica de Toredo, một vũ nữ Tây Ban Nha, làm việc tại một quán rượu ở Ramat. Rất có thể cô ta không hoàn toàn mang dòng máu Tây Ban Nha, nhưng thật sự là một vũ nữ có tài, được khách hàng rất mến mộ. Còn phòng bên phải thì là mấy cô giáo.

Ông Robinson cười toác miệng:

– Ông vẫn y hệt như ngày xưa! Tôi đến để cung cấp thông tin cho ông thì ai ngờ ông đã biết đầy đủ cả rồi

– Đâu có!

– Hai chúng ta, nói riêng với nhau, chúng ta đã nắm được nhiều thông tin đấy.

Họ đưa mắt nhìn nhau.

– Thưa ông Robinson, tôi có cảm giác là hai chúng ta đã biết khá nhiều điều, ít nhất cũng cho đến lúc này…

Bình luận