Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cú Vọ Và Đàn Bồ Câu

Chương 29

Tác giả: Agatha Christie

Hai bà giáo Vansittart và Chadwick đang ngồi trong phòng dành cho giáo viên thì cô phụ giáo Rowan hốt hoảng chạy vào:

– Xe Ngài Giáo chủ đến hỏi công nương Shaila.

– Sao? – Bà giáo Chadwick kêu lên – Cô nghe lầm rồi. Chiếc xe ôtô ấy đã đến đón Shaila đi từ gần một tiếng đồng hồ rồi.

– Có sự lầm lẫn nào đấy thôi. Ngài Giáo chủ đã sai một lái xe đi, nay quên, lại sai một lái xe khác – Cô giáo Vansittart nói.

Sau đó cô ra hiên gọi to:

– Đã có một xe khác đến đón công nương Shaila trước đây gần một tiếng đồng hồ rồi!

Người lái xe lộ vẻ ngạc nhiên:

– Sao lại thế được? Bởi tôi nhận được lệnh rất rõ: đưa xe đến đón công nương Shaila ở trường nữ học Meadowbank. Hay là Ngài Giáo chủ ra lệnh bằng điện thoại cho bộ phận thư ký, rất có thể bộ phận này lại có mấy người, đâm mấy lệnh cùng được truyền đi. Kết quả là hai lái xe cùng đi một công việc. Hẳn là chỉ do như thế thôi.

Xe đi khuất, cô giáo Vansittart băn khoăn một lúc lâu rồi tin rằng đây chỉ là chuyện lầm lẫn, cô ngồi xuống bình thản.

Chiều hôm đó, khoảng bốn giờ rưỡi, bà giáo dạy toán Chadwick đang ngồi trong phòng trực, nghe thấy chuông điện thoại reo.

– Trường nữ học Meadowbank phải không?… Bà hiệu trưởng có nhà không ạ? – Tiếng người hỏi ở đầu dây bên kia.

– Bà hiệu trưởng đi vắng. Tôi là Chadwick, giáo viên.

– Tôi gọi điện từ khách sạn Claridge đây, theo lệnh Ngài Giáo chủ Ibrahim. Ngài Giáo chủ rất ngạc nhiên sao không thấy ai báo cho Ngài.

– Báo gì ạ?

– Là công nương Shaila không thể đến gặp Ngài được?

– Nghĩa là công nương Shaila chưa đến khách sạn Claridge?

– Chưa. Nhưng bà có tin chắc là công nương đã rời khỏi trường không?

– Đấy là điều chắc chắn. Một chiếc xe đã đến đây chở công nương Shaila đi từ lúc mười một rưỡi.

– Lạ nhỉ! Để tôi gọi điện hỏi đoàn xe xem sao. Lạy Chúa! Xe gặp tai nạn chăng?

– Bà đừng vội lo quá. Chúng ta sẽ biết tin ngay bay giờ thôi.

Nhưng bà giáo Chadwick không thể yên tâm. Bà lẩm bẩm:

– Sao có lắm chuyện kỳ quái đến thế?

– Tôi cho rằng…

Thái độ ngập ngừng ở đầu dây bên kia.

– Ông nói đi, có chuyện gì vậy? – Bà Chadwick năn nỉ.

– Điều tôi nghi ngờ lúc này tôi chưa dám thưa với Ngài Giáo chủ, mà chỉ nói riêng với bà thôi. Liệu trong trường có một cậu trai nào tán tỉnh công nương của chúng tôi không?

– Không thể có chuyện đó trong trường chúng tôi, thưa ông – bà Chadwick đáp bằng giọng nghiêm nghị.

– Tôi chưa nghĩ công nương trốn đi, mà chỉ dám đoán công nương… đi chơi với một bạn trai nào đó.

– Chuyện đó cũng không thể có ở trường chúng tôi.

Nói xong, bà chợt nghĩ “Sao mình dám khẳng định như vậy?”

Bà đặt máy điện thoại xuống rồi vội vã lao đi tìm cô giáo Vansittart. Bà không tin rằng cô Vansittart có biện pháp xử trí nào thông minh hơn bà, nhưng lúc này bà rất cần có người để trao đổi.

Cô giáo Vansittart lộ vẻ sửng sốt .

– Vậy xe kia chở Shaila đi đâu?

Hai người phụ nữ nhìn nhan, bối rối.

– Hay ta báo cảnh sát? – bà Chadwick nói.

– Đừng vội.

– Tuy nhiên, chính Shaila có lần đã nói rằng có kẻ đang âm mưu bắt cóc nó…

– Điều ấy hoàn toàn vô lý – cô Vansittart ngắt lời bà Chadwick.

Rồi không đợi bà Chadwick nói thêm, cô Vanisttart tiếp luôn:

– Bà hiệu trưởng Bulstrode đã giao phó toà nhà này cho tôi và trong khi chưa có lệnh của bà ấy, tôi không cho ai được gọi bất cứ người nào bên ngoài đến đây. Chúng ta đã phải chịu bao nhiêu phiền toái với đám nhân viên cảnh sát rồi đấy thôi.

Bà Chadwick không tán thành chủ trương của cô Vansittart, nhưng người được bà hiệu trưởng giao quyền thay mặt bà lại là cô Vansittart chứ không phải bà. Dù sao, bà cũng tìm cách bắt liên lạc với bà hiệu trưởng vậy. Bà gọi điện đến nhà công tước phu nhân Welsham, nhưng cả nhà đều đi đâu cả.

* * *

Nằm trên giường nhưng bà Chadwick không sao ngủ được, mặc dù bà đã đếm rất nhiều.

Đến tám giờ tối, biết chắc chắn học sinh Shaila vẫn chưa về và người ta không được tin tức gì về công nương, bà quyết định gọi điện báo cho thanh tra cảnh sát Kelsey. Bà cảm thấy đôi chút yên tâm khi viên thanh tra cảnh sát khuyên bà đừng nên vội hoảng hốt. Ông ta nói việc này ông sẽ lo, bà không phải nghĩ gì về nó nữa. Bà cần hỏi xem có tai nạn giao thông nào trong vùng lân cận là biết ngay. Sau đó ông ta sẽ bắt liên lạc với London. Có khả năng chỉ là công nương Shaila trốn học thôi. Cô ta xưa nay vẫn khá tự do… Dù sao thì ông thanh tra Kelsey cũng khuyên bà Chadwick hãy tin rằng đêm nay cô Shaila kia sẽ về ngủ ở khách sạn Claridge.

– Không thể có chuyện công nương Shaila bị bắt cóc. Nếu bà hiệu trưởng Bulstrode có mặt ở trường, chắc chắn bà ấy sẽ đồng ý với nhận định của tôi. Bà hãy tin cậy ở chúng tôi.

Nhưng nằm vào giương, bà Chardwick vẫn không ngủ được. Bà quyết định dậy, uống một viên thuốc an thần, và nếu cần thì hai viên. Bà bật đèn đầu giường, nhìn đồng hồ: một giờ mười lăm sáng… Hôm trước, cô giáo Springer cũng… vào khoảng giờ này. Đột nhiên bà bất giác đưa mắt ra ngoài cửa sổ, về phía Cung Thể thao, và… lạ chưa?

Có ánh sáng ở đó…

Bà Chadwick không ngập ngừng gì nữa. Bà vội vã xỏ chân vào giầy, khoác áo măng tô, vớ chiếc đèn pin, lao ra ngoài cửa. Tất nhiên hôm trước bà có thầm trách, sao cô Springer dám liều lĩnh giữa đêm khuya một mình sang khu thể thao. Nhưng lần này, chính bà cũng liều lĩnh như vậy, do rất nóng lòng muốn biết kẻ bí hiểm kia là ai. Ra đến gian tiền sảnh, bà dừng lại nhìn quanh xem có thứ gì để làm vũ khí. Tất nhiên không hẳn là vũ khí, mà chỉ là giống như vũ khí… Rồi bà lao ra ngoài sân, theo lối đi nhỏ giữa các bụi cây, về phía Cung Thể thao. Thở hổn hển nhưng đầy quyết tâm, bà đã đến cửa. Cửa hé mở. Bà đẩy rất nhẹ cánh cửa, cố không gây tiếng động, rồi ngó vào trong.

* * *

Cũng vào khoảng thời gian bà Chadwick ngồi dậy lấy thuốc an thần thì cô thư ký Ann Shapland, trong bộ váy áo quyến rũ bằng nhung đen, đang ngồi trong nhà hàng Le Nid Sauvage, thưởng thức món “gà hầm hảo hạng”, vẻ mặt tươi roi rói đối diện với chàng Dennis kiên trì và thuỷ chung. Chàng Dennis mà cô vẫn thường nghĩ về anh ta: “Nếu lấy anh ta, mình sẽ không thể chịu được. Một chàng trai rất đáng yêu, nhưng…”

– Thay đổi khung cảnh bao giờ cũng là một nguồn vui – cô nói to lên ý nghĩ của mình.

– Nơi làm mới của em thế nào? – Dennis hỏi.

– Đến lúc này thì em chưa thấy gì là khó chịu.

– Anh có cảm giác nơi đó không thích hợp với em.

Ann Shapland cười vang.

– Anh nói có phần đúng, Dennis. Chưa có gì khó chịu nhưng cũng chưa có gì lý thú. Tính em thích luôn thay đổi khung cảnh sống.

– Anh vẫn chưa làm sao hiểu được, tại sao em lại bỏ chân thư ký riêng cho ông già Bộ trưởng Mervyn Todhunter đấy.

– Chỉ đơn giản là em thấy ông ta suốt ngày đêm chăm chỉ công việc, bà vợ ông ta đâm nghi ngại. Em có một nguyên tắc là phải nương nhẹ các bà vợ thủ trưởng. Lôi thôi là họ sẽ trở thành những kẻ thù nguy hiểm.

– Thành sư tử cái.

– Không phải thế. Em lại rất thông cảm với các bà ấy. Nhưng tại sao anh ngạc nhiên thấy em vào làm ở đây nhỉ?

– Vì đấy là một trường học. Chất nhà giáo, chất sư phạm là trái ngược với bản chất của em nhất!

– Đúng là em rất ghét lĩnh vực nhà giáo, nhất là trong một trường học toàn phụ nữ, từ giáo viên, nhân viên cho đến học sinh. Nhưng chân thư ký ở trường Meadowbank thì đôi khi lại thú vị. Bà hiệu trưởng Bilstrode là một tính cách hiếm có! Cặp mắt màu tro của bà ấy như thể xuyên qua người khác, thấy được hết mọi bí mật trong ruột gan họ. Bà ta rất có tài chỉ huy và em rất không muốn viết sai chính tả trong khi thảo các công văn, thư từ cho bà.

– Anh rất mong, tất cả những chân làm việc kia cuối cùng sẽ làm em chán – Dennis nói – Đã đến lúc em thôi đừng bay hết chỗ này đến chỗ khác nữa. Và em cần phải có một tổ ấm…

– Rất cảm ơn anh đã nói câu đó – Ann Shapland nói khẽ nhưng vẫn không bị đổ.

– Hai chúng mình có thể tổ chức một cuộc sống rất dễ chịu…

– Vâng, đúng thế, nhưng chưa đến lúc ấy. Với lại em còn mẹ. Mẹ em lâu lâu lại lên một cơn đau ốm, rất cần có em chăm sóc.

– Anh đang định nói với em về chuyện đó đây.

– Anh định nói sao?

– Hẳn em đã nghe nói đến những nhà dưỡng lão vào đấy mẹ sẽ được chăm sóc hết sức chu đáo.

– Nhưng họ đòi nhiều tiền lắm.

– Em quên là chính phủ đã ban hành những điều luật mới về xã hội à, em yêu quý?

Giọng cô thư ký Ann Shapland trở nên chua chát:

– Khéo rồi đến lúc em phải sử dụng đến những điều luật ấy mất. Nhưng hiện nay, trong khi chờ đợi em thuê một bà già nhà gần đấy trông nom bà cụ. Nói chung mẹ em rất biết điều, còn nếu những khi bà cụ có chuyện gì đó, em sẽ đích thân về chăm sóc mẹ, và chỉ ít ngày cụ lại bình thường như cũ.

– Thỉnh thoảng mẹ lại không bình thường à?

– Anh định nói cụ lên cơn thần kinh chứ gì? Trí tưởng tượng của anh đúng là kém cỏi! Mẹ em không lên cơn thần kinh bao giờ, mà cụ đột nhiên không biết gì nữa, thậm chí không biết cụ đang ở đâu. Thế là cụ bỏ nhà đi, gặp tàu là cụ lên tàu, gặp xe buýt là cụ lên xe buýt, chẳng biết mình cần đi đâu. Điều lạ nhất là trong những lúc như thế, cụ lại có vẻ sung sướng vô cùng. Dường như cụ ý thức được rằng cụ đang mê và cụ tận hưởng trạng thái ấy – Cô nói xong, cười khúc khích.

– Anh chưa có dịp nhìn thấy cụ đấy.

– Em không muốn ai đến gặp mẹ em. Em không muốn những người thân của em bị người ta tò mò xem xét hoặc… thương hại.

– Anh hoàn toàn không tò mò đâu.

– Nếu vậy thì anh sẽ thương hại. Đúng không nào, Dennis?

– Anh hiểu ý em.

– Mà lúc nãy anh hiểu lầm em đấy. Không phải em thích thay đổi chỗ làm chỉ vì có điều kiện thỉnh thoảng về chăm sóc mẹ em đâu, mà cái chính là em muốn làm thử nhiều nơi để tìm ra một nơi thích hợp với em nhất. Muốn vậy, em phải tiếp xúc với nhiều loại người, sống trong nhiều loại môi trường. Hiện giờ em đang học kinh nghiệm sống trong một trường học thuộc loại tốt nhất của nước Anh. Thời gian nghiên cứu là hai niên học, tức là mười tám tháng.

– Tóm lại, em chưa gắn bó với thứ gì hết.

– Đúng thế. Em thích quan sát ngay từ thuở nhỏ. Gần giống như bình luận viên trên đài phát thanh ấy.

– Tóm lại, em cũng không thật sự quan tâm đến ai.

– Em nghĩ chuyện ấy sẽ đến trong một ngày nào đó.

– Anh không tin là em có thể làm ở Meadowbank được đến một năm đâu. Một nơi toàn phụ nữ sẽ làm em ngán đến chết mất.

– Nhưng trong trường có một anh chàng làm vườn khá đẹp trai.

Ann Shapland phá lên cười khi nhìn thấy Dennis nhăn mặt.

– Anh yên tâm, em nói đùa thế để được nhìn thấy anh ghen thôi.

Họ im lặng một lúc, rồi Dennis chuyển sang câu chuyện khác:

– Chưa thấy em kể gì về vụ án mạng một giáo viên trong trường?

Mặt Ann Shapland bỗng tối xầm lại:

– Đúng là quái đản. Chị ta dạy môn thể thao. Anh biết không, chị ta thuộc loại phụ nữ hết sức đặc biệt. Em cho rằng đằng sau vụ án mạng này có rất nhiều thứ.

– Nhưng điều quan trọng là em đừng dính vào những trò bẩn thỉu ấy đấy.

– Thú thật với anh nhé, em chưa bao giờ có dịp thử sức của em trong công việc điều tra, nên lần này… em cũng muốn khám phá ra một thứ gì đó. Lý thú lắm chứ, anh!

– Nhưng anh can em đấy.

– Anh đừng lo. Em sẽ không định khám phá xem thủ phạm là kẻ nào, chuyện ấy quả nguy hiểm, nhưng em muốn hiểu xem Tại sao và Ai ? Đến ngày hôm nay em đã thu lượm được một số thông tín khá lý thú.

– Anh, anh van em…

– Anh yên tâm! Em sẽ không dại gì xông vào chỗ nguy hiểm đâu.

Rồi cô vui vẻ nói tiếp:

– Nếu một vụ án mạng thứ hai xảy ra, vấn đề sẽ được sáng tỏ hơn.

Bình luận
720
× sticky