Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đại Chiến Hacker

Chương 1

Tác giả: Cory Doctorow

Tôi đang học năm cuối trường cấp ba Cesar Chavez ở quận Mission đầy nắng ấm của San Francisco, và điều đó khiến tôi trở thành một trong những kẻ bị giám sát kỹ lưỡng nhất trên đời. Tên tôi là Marcus Yallow, nhưng lúc câu chuyện này bắt đầu, tôi được biết đến dưới cái tên w1n5t0n. Phát âm là “Winston”.

Không phải phát âm là “Vê-kép-một-en-nờ-nămtê- không-en-nờ” – trừ khi bạn là một viên chức kỷ luật ngớ ngẩn, quá xa vời với công nghệ mới và vẫn gọi Internet là “Siêu lộ thông tin”.

Tôi biết một người ngớ ngẩn như vậy, tên ông ta là Fred Benson, một trong ba hiệu phó của trường Cesar Chavez. Ông ta đúng là nỗi nhức nhối của nhân loại. Nhưng nếu bạn bị cai quản thì thà bị cai quản bởi một kẻ ngớ ngẩn còn hơn bởi một người thông minh.

“Marcus Yallow,” ông ta nói bằng loa vào một sáng thứ Sáu. Bản thân cái loa đã chẳng hay ho gì, và khi bạn kết hợp nó với tiếng nói lầm bầm quen thuộc của Benson, bạn sẽ thấy giống tiếng một kẻ đang đánh vật để tiêu hóa món bánh burrito dở tệ chứ không phải một thông báo của trường học. Nhưng thường thì con người rất giỏi nhận ra tên mình trong mớ âm thanh hỗn loạn – đó là đặc điểm sinh tồn.

Tôi tóm lấy cái túi và gập hờ cái laptop – tôi không muốn tắt mấy chương trình đang tải về – và chuẩn bị cho điều không tránh khỏi.

“Đến phòng quản lý trình diện ngay lập tức.”

Giáo viên môn Nghiên cứu Xã hội của tôi, cô Galvez, trừng mắt nhìn tôi và tôi cũng trừng mắt lại với cô. Thầy hiệu phó luôn thích phạt tôi chỉ vì tôi vượt qua các tường lửa của trường nhanh như chớp, đánh lừa được các phần mềm nhận dạng dáng đi, và phá được những con chip chỉ điểm mà trường dùng để theo dõi bọn tôi. Cô Galvez thuộc kiểu giáo viên gương mẫu, tuy nhiên cô không bao giờ khiển trách tôi (nhất là khi tôi đang giúp cô dùng webmail để nói chuyện với ông anh đang đóng quân ở Iraq).

Chiến hữu Darryl vỗ vào mông tôi khi tôi đi ngang qua. Tôi biết Darryl từ khi chúng tôi còn đóng bỉm và trốn khỏi trường mẫu giáo, tôi lúc nào cũng là người kéo nó vào và lôi nó ra khỏi nhiều vụ rắc rối. Tôi giơ tay lên đầu như một đấu sĩ quyền anh và ra khỏi phòng học môn Nghiên cứu Xã hội, bắt đầu cuộc diễu hành tiến về văn phòng.

Tôi đi được nửa đường thì chuông điện thoại reo. Đây lại là một thứ không-không khác – điện thoại bị cấm ở trường Chavez – nhưng làm sao điều đó có thể ngăn tôi được? Tôi lẩn vào nhà vệ sinh và trốn trong phòng giữa (phòng trong cùng luôn là phòng khủng khiếp nhất vì rất nhiều người đâm đầu vào đó hòng thoát khỏi mùi và những thứ kinh tởm – kẻ thông minh và vệ sinh sạch sẽ thường chọn phòng ở giữa). Tôi kiểm tra điện thoại – máy tính ở nhà đã gửi một e-mail thông báo rằng có chương trình mới trên Harajuku Fun Madness và đó là một trong những trò chơi hay nhất từng được phát minh ra.

Tôi nhăn mặt. Cả ngày thứ Sáu phải ở trường đã là quá lắm rồi, dù sao thì tôi cũng mừng vì có một lý do để chuồn đi.

Tôi từ từ đi tiếp tới văn phòng của thầy Benson, vừa vẫy tay chào ông vừa lướt qua cửa.

“Nếu không phải là Vê-kép-một-en-nờ-năm-têkhông- en-nờ,” ông nói. Fredrick Benson – Số an sinh xã hội 545-03-2343, sinh ngày 15 tháng Tám năm 1962, tên thời con gái của mẹ là Di Bona, quê ở Petaluma – cao hơn tôi rất nhiều. Tôi chỉ còi cọc có 1,73m trong khi ông ta cao tận 2m, và bóng dáng của những năm tháng chơi bóng rổ ở trường đại học ngày xưa đã lùi xa vào dĩ vãng, cơ ngực ông ta bây giờ chảy xệ một cách đáng thương, thấy rõ qua chiếc áo polo khuyến mại. Trông ông ta lúc nào cũng như sắp tung chưởng vào mông bạn, và ông ta thực sự thích cao giọng để tạo hiệu ứng bi kịch. Và tất cả những điều này bắt đầu mất dần hiệu quả khi bị diễn đi diễn lại quá nhiều.

“Không, em xin lỗi,” tôi nói. “Em chưa bao giờ nghe tới nhân vật R2D2 này của thầy.”

“W1n5t0n,” ông ta nói, đánh vần lại một lần nữa. Ông nhìn tôi một cách dò xét và đợi tôi đầu hàng. Tất nhiên đó là biệt danh của tôi hàng bao nhiêu năm nay. Đó là danh tính tôi sử dụng để đăng bài trên các diễn đàn mạng nơi tôi đang đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu bảo mật ứng dụng. Bạn biết đấy, như kiểu tìm cách chuồn khỏi trường và vô hiệu hóa bộ phận theo dõi trong điện thoại của tôi ấy mà. Nhưng ông ta không biết đó là biệt danh của tôi. Chỉ có rất ít người biết, và tôi tin tưởng tất cả bọn họ cho đến chết thì thôi.

“Ừm, nó chẳng gợi lên cái gì với em cả,” tôi nói. Tôi đã làm vài trò khá hay ho quanh trường với cái biệt danh đó – tôi rất tự hào về thành quả của mình trên mấy cái thẻ mách lẻo – và nếu ông ta có thể lần ra manh mối giữa tên tôi và cái biệt danh đó, tôi sẽ gặp rắc rối to. Chưa có ai ở trường từng gọi tôi là w1n5t0n hay thậm chí Winston hết. Ngay cả mấy đứa bạn thân cũng không. Chúng chỉ gọi là Marcus hoặc không gì cả.

Thầy Benson yên vị sau bàn làm việc, gõ gõ cái nhẫn tốt nghiệp 1 của ông ta lên sổ ghi chép một cách bồn chồn. Ông ta thường làm vậy mỗi khi mọi việc tiến triển bất lợi cho mình. Những người chơi bài xì thường gọi thế này là một “dấu hiệu” – một thứ giúp họ biết được đối phương đang nghĩ gì. Các dấu hiệu của Benson thì tôi thuộc nằm lòng hết cả rồi.

“Marcus, tôi hy vọng trò hiểu việc này nghiêm trọng như thế nào.”

“Thưa thầy, em sẽ hiểu chừng nào thầy giải thích cho em việc này là việc gì.” Tôi luôn dùng từ “thưa thầy” với các nhân vật chức trách khi muốn giỡn với họ. Đó là dấu hiệu của riêng tôi.

Ông ta lắc đầu với tôi và nhìn xuống, thêm một dấu hiệu khác. Chỉ sau vài giây nữa, ông ta sẽ bắt đầu quát tháo tôi. “Nghe đây, nhóc con! Đã đến lúc trò phải chấp nhận rằng chúng ta biết hết trò đang làm gì, và chúng ta sẽ không nhân nhượng đâu. Trò mà không bị trục xuất trước khi cuộc gặp này kết thúc thì tức là trò gặp may lắm đấy. Trò có muốn tốt nghiệp không hả?”

“Thưa thầy Benson, thầy vẫn chưa giải thích vấn đề là gì…”

Ông thầy đập tay xuống bàn rồi trỏ ngón tay vào tôi. “Vấn đề là, trò Yallow, trò đã dính líu vào một âm mưu phạm pháp nhằm phá hoại hệ thống bảo mật của trường này, và trò đã cung cấp các biện pháp đối phó an ninh cho các trò khác. Trò thừa biết là tuần trước chúng ta đã đuổi trò Graciella Uriarte vì tội sử dụng một trong các phương kế của trò.” Uriarte đã bị phạt rất nặng. Cô ấy mua một máy bộ đàm làm nhiễu sóng ở một cửa hàng gần ga BART, phố 16 và nó đã báo động các thiết bị an ninh trong hành lang trường. Không phải lỗi tại tôi, nhưng tôi rất lấy làm tiếc cho cô bạn.

“Và thầy nghĩ em liên quan tới việc này?”

“Chúng tôi có nguồn thông tin đáng tin cậy cho biết trò chính là w1n5t0n” – một lần nữa, ông ta lại đánh vần nó lên, và tôi bắt đầu tự hỏi liệu ông ta có đoán được ra rằng 1 là chữ I và 5 là chữ S không. “Chúng tôi biết rằng nhân vật w1n5t0n này chịu trách nhiệm cho vụ trộm bài kiểm tra năm ngoái.” Thực ra không phải tôi, nhưng đó là một vụ rất khá, và thật hãnh diện khi họ quy vụ đó cho tôi. “Và bởi vậy có thể phải ở tù vài năm trừ khi trò hợp tác với tôi.”

“Vậy là thầy có ‘thông tin đáng tin cậy’? Em muốn được nhìn thấy nó.”

Ông thầy trừng mắt nhìn tôi. “Thái độ đó của trò không giúp được gì đâu.”

“Nếu có bằng chứng, thưa thầy, em nghĩ thầy nên gọi cảnh sát và giao vụ đó cho họ. Có vẻ đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, và em không muốn chắn đường một cuộc điều tra thích đáng của các nhà chức trách có thẩm quyền.”

“Trò muốn tôi gọi cảnh sát?”

“Và cả bố mẹ em nữa, em nghĩ vậy. Thế sẽ là tốt nhất.”

Chúng tôi nhìn nhau chằm chằm qua cái bàn. Rõ ràng là ông ta mong tôi nhận tội ngay giây phút ông ta đưa lời buộc tội ấy. Tôi không nhượng bộ. Tôi có một mẹo khiến những người như Benson phải đầu hàng. Tôi nhìn hơi chếch về phía trái đầu họ và nghĩ đến lời một bài dân ca Ái Nhĩ Lan cổ, bài hát có ba trăm câu. Nó khiến tôi trông điềm tĩnh tuyệt vời và không hề lo lắng.

Và cái cánh ở trên con chim và con chim ở trên quả trứng và quả trứng ở trong cái tổ và cái tổ ở trên cái lá và cái lá ở trên nhành cây và nhành cây ở trên cành nhỏ và cành nhỏ ở trên cành to và cành to ở trên thân cây và thân cây thì ở đầm lầy… đầm lầy ở dưới thung lũng – Ồ! Cao trên cái đầm lầy ọc ạch, và đầm lầy ở dưới thung lũng – ồ…

“Giờ trò có thể quay lại lớp,” ông ta nói. “Tôi sẽ gọi lại trò khi cảnh sát sẵn sàng nói chuyện với trò.”

“Thầy sẽ gọi họ bây giờ chứ?”

“Thủ tục gọi cảnh sát tới rất phức tạp. Tôi đã hy vọng chúng ta có thể thu xếp việc này ổn thỏa nhanh chóng, nhưng vì trò nhất định muốn vậy…”

“Em có thể đợi trong lúc thầy gọi họ,” tôi nói. “Em không phiền đâu.”

Ông lại gõ cái nhẫn và tôi gồng lên đợi một câu quát tháo nữa.

“Đi mau!” ông ta hét lên. “Biến khỏi văn phòng của ta ngay, thằng nhóc trời đánh kia…”

Tôi ra ngoài, giữ thái độ hết sức hờ hững. Ông thầy sẽ không gọi cảnh sát. Nếu có đủ bằng chứng để báo cảnh sát thì ông ta đã gọi họ ngay từ đầu rồi. Ông ta ghét sự gan lì của tôi. Tôi đồ rằng ông ta đã nghe một vài lời đồn chưa được kiểm chứng và hy vọng có thể khiến tôi sợ hãi mà nhận tội.

Tôi nhanh chóng chuồn êm xuống hành lang, giữ dáng đi bình thản và đều đặn trước các máy quay nhận dạng dáng đi. Những máy móc này mới được cài đặt cách đây một năm, và tôi yêu chúng vì cái sự ngu ngốc tuyệt đối của chúng. Trước đó, chúng tôi có các máy quay nhận dạng gương mặt bao quát hết gần như mọi không gian công cộng ở trường, nhưng một vụ xét xử đã kết luận đó là một hành vi vi phạm hiến pháp. Vậy nên Benson và rất nhiều nhà quản lý trường học bị hoang tưởng khác đã dùng tiền sách giáo khoa của chúng tôi để sắm những chiếc máy quay ngốc nghếch này, chúng có thể phân biệt được dáng đi của mọi người. Vâng, đúng thế.

Tôi quay trở lại lớp học và ngồi xuống. Cô Galvez nồng nhiệt đón chào tôi. Tôi mở chiếc máy tính được phát theo tiêu chuẩn của trường và chuyển sang chế độ lớp học. SchoolBook là công nghệ tọc mạch, hớt lẻo nhất thế giới, nó ghi lại từng lần gõ phím, theo dõi toàn bộ lưu lượng truy cập những từ khóa đáng ngờ, tính từng lần nhấp chuột, kiểm soát mọi suy nghĩ thoáng qua mà bạn phát biểu thông qua hệ thống mạng. Nó xuất hiện khi tôi học năm thứ hai, và chỉ vài tháng sau lớp vỏ mạ sáng bóng đã bị xỉn. Một khi học sinh nhận ra rằng những cái laptop “miễn phí” làm việc cho ban quản lý nhà trường – và hiện lên hàng dãy dài bất tận những chương trình quảng cáo đáng ghét khi khởi động – tụi nó bắt đầu cảm thấy rất nặng nề và phiền toái.

Phá SchoolBook là chuyện dễ ợt. Trong vòng một tháng kể từ khi chiếc máy xuất hiện, bản crack đã có trên mạng, và mọi việc dễ như chơi – chỉ cần tải về một file ảnh 2 DVD, chép ra đĩa, nhét vào SchoolBook và khởi động nó trong khi giữ nhiều phím khác nhau cùng một lúc. Cái DVD sẽ làm công việc còn lại, cài đặt một đống chương trình ẩn trên máy, những chương trình này sẽ ẩn ngay cả khi Phòng Giáo dục thực hiện công việc hàng ngày là kiểm tra máy móc từ xa. Thỉnh thoảng tôi lại phải cài các phiên bản crack cập nhật để vượt những đợt kiểm tra mới nhất của Phòng Giáo dục, nhưng đó là cái giá nho nhỏ để giành được quyền kiểm soát SchoolBook.

Tôi mở IMParanoid, chương trình chat bí mật tôi sử dụng khi muốn “chat chit” mà không lưu lại dấu vết gì ngay trong lớp học. Darryl cũng đã đăng nhập.

> Trò chơi đang phát triển! Harajuku Fun Madness sẽ hay ho cực kỳ, chiến hữu. Cậu tham gia chứ?

> Không. Thể. Được. Nếu tớ bị bắt quả tang trốn học lần thứ ba, tớ sẽ bị tống cổ. Cậu biết rồi mà. Chúng ta sẽ đi sau buổi học.

> Cậu có bữa trưa và giờ tự học phải không? Vậy là hai tiếng. Có hàng đống thời gian để tìm đến manh mối này và quay trở lại trước khi có ai đó bắt gặp chúng ta. Tớ sẽ liên lạc với cả nhóm.

Harajuku Fun Madness là trò chơi hay nhất từng được tạo ra. Tôi biết tôi đã nói điều này rồi, nhưng nó xứng đáng được nhắc lại. Đó là một ARG, tức là Alternate Reality Game – trò chơi thực tế luân phiên, và câu chuyện bắt đầu khi một nhóm thiếu niên thời thượng của Nhật phát hiện ra một viên ngọc phi thường có khả năng chữa bệnh tại một ngôi đền ở Harajuku, khu phố nơi những thiếu niên Nhật sành điệu sáng tạo ra một tiểu văn hóa lớn chưa từng thấy trong suốt mười năm qua. Họ bị săn lùng bởi các thầy tu ác độc, bọn Yakuza (hay còn gọi là mafia Nhật), người đối lập, thanh tra thuế, các bậc phụ huynh và một trí thông minh nhân tạo. Họ gợi ý cho người chơi các tin nhắn được mã hóa, người chơi phải giải mã và sử dụng chúng để tìm ra những gợi ý sẽ dẫn tới nhiều tin nhắn được mã hóa và nhiều gợi ý khác.

Hãy tưởng tượng vào một buổi chiều đẹp chưa từng thấy, bạn đang đi dạo qua những con đường trong một thành phố, ngắm nhìn đám người kỳ quái, mấy tờ rơi ngồ ngộ, vài kẻ gàn dở trên đường và các cửa hiệu độc đáo. Giờ thì hãy thêm vào đó một cuộc săn lùng kho báu, nó đòi hỏi bạn phải nghiên cứu những bộ phim và những bài hát cũ điên rồ, nghiên cứu văn hóa của giới trẻ trên khắp thế giới ở mọi thời gian và không gian. Đó là một cuộc thi, giải nhất cho một đội bốn người là chuyến đi mười ngày đến Tokyo, lượn lờ trên cầu Harajuku, đắm chìm trong đám đồ công nghệ cao ở Akihabara, và mang về nhà tất cả những sản phẩm có hình Astro Boy mà bạn có thể ăn. Ngoại trừ việc ở Nhật, thằng nhóc ấy được gọi là “Atom boy”.

Đó chính là Harajuku Fun Madness, và một khi bạn đã giải được một hay hai câu đố, bạn sẽ không bao giờ dừng chơi được nữa.

> Ôi trời, không thể được. Cậu đừng hỏi nữa.

> Tớ cần cậu, D. Cậu là tay chơi cừ nhất tớ có. Tớ thề rằng tớ sẽ đưa chúng ta ra ngoài và quay trở lại mà không ai biết gì. Cậu biết tớ có thể làm thế mà, đúng không?

> Tớ biết cậu có thể làm được

> Vậy cậu đi chứ?

> Trời ơi, không

> Thôi nào, Darryl. Không phải cậu định đến cuối đời lại ước rằng mình đã dành nhiều thời gian hơn cho việc ngồi học ở trường đấy chứ

> Mình không định đến cuối đời lại ước rằng mình đã dành nhiều thời gian hơn cho việc chơi mấy trò ARG

> Ừ nhưng cậu không nghĩ rằng rất có thể đến cuối đời, cậu sẽ ước rằng mình đã dành nhiều thời gian hơn với Vanessa Pak à?

Van cũng trong nhóm của tôi. Cô theo học một trường nữ sinh tư thục ở Vịnh Đông, nhưng tôi biết cô nàng sẽ cúp cua và cùng tham gia nhiệm vụ với tôi. Darryl si mê cô hàng mấy năm trời – thậm chí trước cả khi tuổi dậy thì mang tới cho cô những món quà hào phóng. Darryl đã phải lòng tâm hồn cô nàng. Buồn làm sao.

> Đồ tồi

> Cậu đi chứ?

Cậu bạn nhìn tôi rồi lắc đầu. Sau đó lại gật đầu. Tôi nháy mắt với nó và bắt đầu liên lạc với những người còn lại trong nhóm.

Không phải lúc nào tôi cũng mê chơi ARG. Tôi có một bí mật đen tối: Tôi đã từng chơi LARP. LARP là viết tắt của Live Action Role Playing, trò chơi đóng vai nhân vật thật, và nó đúng y như tên gọi: chạy vòng quanh trong bộ trang phục, nói chuyện bằng giọng điệu buồn cười, đóng giả một siêu gián điệp, một con ma cà rồng hay một hiệp sĩ thời trung cổ. Nó giống như trò cướp cờ trong tay quái vật, pha thêm chút hơi hướm của một câu lạc bộ kịch, và những trận hay nhất là những trận chúng tôi chơi ở trại Hướng đạo sinh ngoài thành phố tại Sonoma hay dưới Peninsula. Chúng kéo dài ba ngày, có thể trở nên khá nguy hiểm và thú vị với những cuộc hành quân từ sáng đến tối, các cuộc chiến ác liệt bằng thanh kiếm làm từ bọt xốp và tre, đọc thần chú bằng cách ném gối xốp và hét lên “Cầu lửa!”, rồi nhiều trò khác nữa. Khá vui dù hơi ngớ ngẩn. Nhưng không ngớ ngẩn bằng ngồi quanh cái bàn đầy lon Diet Coke và những mô hình sơn màu lòe loẹt nói về những gì con yêu tinh của bạn định làm, và đòi hỏi hoạt động thể chất hơn nhiều so với ngồi chết gí ở nhà nhấp chuột đến đờ đẫn chơi mấy trò game online dành cho hàng đống người cùng lúc.

Thứ khiến tôi gặp rắc rối là những trò chơi mini trong khách sạn. Bất cứ dịp nào diễn ra hội nghị khoa học viễn tưởng trong thành phố, một người chơi LARP nào đó sẽ thuyết phục họ cho chúng tôi chơi một hay hai trò chơi mini kéo dài sáu tiếng tại hội nghị, dùng luôn địa điểm họ đã thuê. Có thêm một lũ trẻ hoạt náo chạy xung quanh trong những trang phục lạ mắt sẽ tạo thêm màu sắc cho sự kiện, và chúng tôi phải chơi vui vẻ giữa những người thậm chí còn lập dị hơn mình.

Vấn đề với các khách sạn đó là ngoài những người chơi LARP, còn có rất nhiều người khác – và không chỉ có những nhà khoa học viễn tưởng. Những người bình thường. Đến từ những bang có tên bắt đầu và kết thúc bằng nguyên âm. Đang đi nghỉ.

Và đôi lúc những người này hiểu nhầm bản chất của một trò chơi.

Mà thôi, chúng ta dừng ở đây, okay?

Mười phút nữa là tiết học kết thúc, tức là tôi không có nhiều thời gian để chuẩn bị. Việc đầu tiên cần làm là đối phó với những máy quay nhận dạng dáng đi đáng ghét kia. Như tôi đã nói, ban đầu trường dùng máy quay nhận dạng gương mặt, nhưng thứ đó bị quy là vi phạm hiến pháp. Và theo như tôi biết, chưa có tòa án nào phán quyết rằng máy quay nhận dạng dáng đi có gì hợp pháp hơn, nhưng cho tới khi có người đưa ra phán quyết ấy, bọn tôi vẫn mắc kẹt với chúng.

“Dáng đi” là một từ hoa mỹ để nói đến cách bạn đi lại. Con người khá giỏi trong việc nhận ra dáng đi – lần tới, khi đi cắm trại, bạn hãy thử nhìn chuyển động của đèn pin khi một người bạn ở xa tiến lại gần. Bạn có thể dễ dàng xác định được cậu ta ngay chỉ từ chuyển động của ánh sáng, cái cách chuyển động lên xuống đặc trưng ấy nói với bộ óc vượn của chúng ta rằng người đang tiến tới là ai.

Phần mềm nhận dạng dáng đi sẽ chụp ảnh chuyển động của bạn, cố gắng tách cái bóng của bạn trong ảnh và khớp nó với thông tin trong kho dữ liệu để xem có thể nhận ra bạn là ai hay không. Đó là một cái máy nhận dạng sinh học, giống như trò in dấu vân tay hay quét võng mạc, nhưng nó có nhiều “xung đột” hơn cả hai thứ đó. Một “xung đột” sinh trắc học là khi một số đo trùng với hơn một người. Dấu vân tay của bạn là duy nhất nhưng có hàng trăm người cùng dáng đi với bạn. Tất nhiên là không hẳn vậy. Bước đi của cá nhân bạn, phân tích tỉ mỉ ra thì chỉ mình bạn có mà thôi. Vấn đề là bước đi khi phân tích tỉ mỉ lại thay đổi tùy thuộc vào việc bạn mệt mỏi thế nào, sàn nhà được làm bằng gì, bạn có bị đau mắt cá chân khi chơi bóng rổ không, và gần đây bạn có đổi giày không. Vậy là cả hệ thống sẽ rà soát hồ sơ của bạn, tìm người có bước đi giống bạn.

Có rất nhiều người có kiểu đi bộ kiểu như bạn. Mặt khác, rất dễ để không đi giống như bạn – chỉ cần bỏ một cái giày ra. Tất nhiên, trong trường hợp đó, bạn sẽ luôn đi giống như cách bạn đi lúc-bỏ-một-cáigiày- ra, vậy là máy quay cuối cùng cũng phát hiện ra rằng đó vẫn là bạn. Đó là lý do tôi thích cho thêm một chút ngẫu nhiên vào những cuộc tấn công những cái máy này: Tôi cho một nắm sỏi vào mỗi giày. Rẻ và hiệu quả, và không có bước nào giống bước nào. Thêm vào đó, bạn còn được bấm huyệt mát xa chân dễ chịu tuyệt vời. (Tôi đùa thôi. Bấm huyệt đòi hỏi kỹ thuật có tính khoa học cao như kỹ thuật định dạng dáng đi vậy).

Những máy quay được dùng để báo động bất cứ khi nào có ai đó mà chúng không xác định được bước vào khuôn viên trường.

Nhưng chúng không hề hiệu quả.

Cứ sau mười phút chuông báo động lại kêu. Khi người đưa thư tới. Khi một phụ huynh ghé vào. Khi những người lao công sửa sân bóng rổ. Khi một học sinh mang đôi giày mới xuất hiện.

Nên giờ chúng chỉ cố kiểm soát được học sinh nào đang ở đâu và vào lúc nào. Nếu một ai đó ra khỏi cổng trường trong giờ học, dáng đi của người đó sẽ được kiểm tra xem có trùng với dáng đi của học sinh nào không và nếu có thì, húp-húp-húp, chuông báo động sẽ reo lên!

Trường Chavez có những lối đi đầy sỏi. Tôi thích trữ vài nắm đá trong cái túi trên vai để phòng khi cần đến. Tôi âm thầm chuyển cho Darryl mười hay mười lăm anh bạn bé nhỏ và chúng tôi cùng nhét chúng vào giày.

Buổi học sắp kết thúc – và tôi nhận ra mình vẫn chưa vào trang web của Harajuku Fun Madness xem gợi ý tiếp theo là gì! Tôi hơi quá tập trung vào việc tìm cách trốn ra và chưa buồn quan tâm tới việc chúng tôi sẽ trốn đi đâu.

Tôi quay sang Schoolbook và gõ phím. Trình duyệt web chúng tôi sử dụng được cung cấp kèm chiếc máy này. Nó là một phiên bản Internet Explorer bị cài chết cứng một lố spyware. Internet Explorer – một phần mềm dấm dớ của Microsoft mà không ai dưới bốn mươi tuổi lại tự nguyện sử dụng cả.

Tôi có một bản Firefox trong USB gắn trên đồng hồ, nhưng thế vẫn chưa đủ – SchoolBook sử dụng phiên bản Windows Vista4Schools, một hệ điều hành cổ lỗ được thiết kế để khiến cho các nhà quản lý trường học ảo tưởng rằng họ có thể kiểm soát được tất cả những chương trình mà học sinh của họ sử dụng.

Nhưng Vista4Schools là kẻ thù nguy hiểm nhất của chính nó. Có rất nhiều chương trình mà Vista4Schools không cho phép bạn tắt đi – như chương trình theo dõi thao tác bàn phím, phần mềm lọc web – và những chương trình này hoạt động theo một chế độ đặc biệt khiến chúng vô hình đối với hệ thống. Bạn không thể tắt chúng vì thậm chí bạn còn không thể thấy chúng đang ở đó.

Bất cứ chương trình nào có tên bắt đầu bằng $SYS$ đều vô hình đối với hệ điều hành. Vậy nên bản Firefox của tôi tên là $SYS$Firefox – và khi tôi khởi động nó, nó trở nên vô hình đối với Windows, và cũng vô hình luôn với phần mềm kiểm duyệt của mạng.

Giờ tôi đã có một trình duyệt web độc lập, tôi cần một kết nối mạng độc lập. Hệ thống mạng của trường ghi lại từng lần nhấp chuột ra vào hệ thống, thế nên thật là một tin xấu nếu bạn muốn vào trang web Harajuku Fun Madness để giải trí trong giờ học.

Giải pháp là một thứ rất thông minh gọi là TOR 3 – The Onion Router hay Bộ định tuyến củ hành. Mỗi TOR là một trang trên Internet, nó tiếp nhận các yêu cầu truy cập các trang web và chuyển chúng đến các TOR khác, rồi các TOR khác nữa, cho đến khi một trong số chúng cuối cùng quyết định truy cập vào trang web đó và chuyển lại qua các trạm chuyển tiếp tới chừng nào bạn nhận được thì thôi. Sự lưu chuyển thông tin qua các TOR này được mã hóa, đồng nghĩa với việc nhà trường không thể nhìn thấy bạn đang yêu cầu cái gì, và các trạm chuyển tiếp cũng không biết chúng đang làm việc cho ai. Có tới hàng triệu trạm – chương trình được cài đặt bởi Cơ quan nghiên cứu khoa học Hải quân Hoa Kỳ để giúp người của họ xâm nhập qua các phần mềm kiểm duyệt ở những nước như Syria và Trung Quốc, điều này có nghĩa là nó được thiết kế hoàn hảo để hoạt động trong phạm vi một trường cấp ba bình thường ở Mỹ.

TOR hoạt động được vì nhà trường chỉ có một danh sách đen hữu hạn những địa chỉ xấu mà chúng tôi không được phép xem, trong khi địa chỉ của các trạm chuyển lại thay đổi liên tục – không thể nào kiểm soát được toàn bộ chúng. Sự kết hợp giữa Firefox và TOR đã biến tôi thành một người tàng hình, không bị Phòng Giáo dục của trường xía mũi vào, thoải mái lướt trên trang Harajuku Fun Madness mà xem xét tình hình.

Và nó đây rồi, đầu mối mới. Giống như mọi đầu mối của Harajuku Fun Madness, nó gồm ba phần: hiện thực, trực tuyến và tưởng tượng. Phần trực tuyến là các câu đố mà bạn phải giải, nó đòi hỏi bạn phải tìm câu trả lời cho một loạt những câu hỏi mơ hồ, khó hiểu. Trong số đó, có nhiều câu hỏi liên quan đến các tình tiết trong dōjinshi – thể loại truyện tranh được vẽ bởi các fan của manga, truyện tranh Nhật Bản. Quy mô của chúng có thể lớn bằng những bộ truyện chính thống đã truyền cảm hứng cho chúng, nhưng chúng kỳ dị hơn rất nhiều, với các cốt truyện chồng chéo nhau, đôi lúc có những bài hát và hành động thật sự ngớ ngẩn. Tất nhiên là rất nhiều chuyện tình ái. Ai cũng muốn cho các nhân vật mình thích yêu nhau.

Tôi sẽ giải những câu đố này sau, khi đã về nhà. Công việc sẽ dễ dàng nhất khi cả nhóm hợp sức tải về hàng đống truyện dōjinshi và rà soát chúng để tìm lời giải cho các câu hỏi.

Tôi vừa đánh dấu lại tất cả những manh mối thì chuông reo và chúng tôi bắt đầu cuộc đào tẩu. Tôi lén lút thả sỏi vào đôi giày thấp cổ của mình – một đôi Blundstone đến mắt cá chân của Úc, rất lý tưởng để chạy nhảy leo trèo, và kiểu thiết kế không dây dễ dàng cởi ra đi vào của chúng rất thuận tiện để đối phó với đám máy dò kim loại có mặt khắp nơi.

Tất nhiên chúng tôi cũng phải lẩn tránh sự giám sát trực tiếp, nhưng cứ mỗi lần trường gắn thêm một lớp rình mò mới thì việc này lại càng trở nên dễ dàng hơn – những tiếng chuông reo và còi hiệu ru các thầy cô yêu quý của chúng tôi chìm đắm vào một cảm giác an toàn giả tạo. Chúng tôi hòa vào đám đông xuống dưới sảnh, tiến tới cửa ra vào yêu thích của tôi. Đang đi được nửa đường thì Darryl kêu lên, “Chết rồi! Tớ quên mất, tớ có một cuốn sách mượn ở thư viện trong cặp.”

“Cậu đùa à,” tôi kêu lên và kéo nó vào nhà vệ sinh gần nhất. Sách thư viện thì đúng là quá tệ. Mỗi cuốn đều có một thẻ RFID 4 dính vào gáy để các thủ thư có thể xuất sách bằng việc lướt nó qua một đầu đọc, và để giá sách thư viện thông báo cho bạn nếu có quyển sách nào không còn trên giá.

Nhưng nó cũng giúp nhà trường theo dõi vị trí của bạn mọi lúc. Đây cũng là một trò mập mờ khác về mặt luật pháp: luật pháp không cho phép nhà trường theo dõi chúng tôi bằng thẻ RFID, nhưng họ có thể theo dõi sách của thư viện và sử dụng thông tin lưu trữ của trường để biết ai đang cầm cuốn sách nào.

Tôi có một cái ví Faraday trong cặp – đây là những chiếc ví quấn chằng chịt dây đồng, cực kỳ hiệu quả trong việc chặn năng lượng sóng, bịt miệng mấy cải thẻ RFID. Nhưng chúng chỉ dùng để đựng thẻ nhận dạng cá nhân trung tính và máy đọc thẻ sách chứ không dùng cho những quyển sách như…

“Nhập môn Vật lý?” tôi rên lên. Nó có kích cỡ của một cuốn từ điển.

Bình luận
× sticky