Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đại Chiến Hacker

Chương 12

Tác giả: Cory Doctorow

Cô Galvez cười rạng rỡ.

“Có ai biết nó được lấy từ đâu không?”

Mọi người đồng thanh đáp “Bản tuyên ngôn độc lập.”

Tôi gật đầu.

“Marcus, tại sao em lại đọc đoạn trích dẫn đó?”

“Bởi vì theo em, đó là lời khẳng định từ những người khai sinh ra nước Mỹ: nhà nước này chỉ tồn tại chừng nào mà chúng ta tin rằng nó phục vụ chính chúng ta, và nếu chúng ta không tin vào họ, chúng ta sẽ lật đổ họ. Đó chính là điều mà đoạn trích muốn nói, đúng không?”

Charles lắc đầu. “Đó là hàng trăm năm trước! Mọi thứ bây giờ đã khác!”

“Khác ở điểm nào?”

“Thứ nhất: chúng ta không có vua. Điều họ nói ở đây là một chính phủ tồn tại vì có những kẻ ngu ngốc nào đó tin rằng họ được Chúa trời trao cho sứ mệnh và quyền giết những kẻ chống lại mình. Còn chúng ta, chúng ta có một chính phủ dân chủ do chúng ta bầu lên…”

“Tớ không bầu cho họ,” tôi nói.

“Vì thế cậu có quyền cho nổ tung một tòa nhà ư?”

“Cái gì? Có ai nói gì về việc nổ tung một tòa nhà ở đây? Những người hippie và Yippie hay những người tin rằng chính phủ này không còn lắng nghe họ nữa – hãy nhìn vào cách người ta đối xử với các cử tri đi bầu ở miền Nam thì rõ. Họ đã bị đánh, bị bắt giữ…”

“Vài người đã bị giết?” cô Galvez nói thêm. Cô khoanh tay chờ Charles và tôi ngồi xuống. “Hôm nay chúng ta suýt nữa thì bị cháy giờ, nhưng cô vẫn muốn nói với tất cả lớp rằng đây là một trong những tiết học thú vị nhất cô từng dạy. Chúng ta đã có một buổi tranh luận rất tuyệt vời và chính cô cũng học được nhiều điều từ tất cả các em. Cô hy vọng các em cũng học được nhiều điều từ các bạn của mình. Cảm ơn tất cả những lời phát biểu của các em.

“Cô sẽ có một bài luận nhỏ để cộng điểm cho những bạn nào muốn thử thách một chút. Cô muốn các em viết một bài so sánh giữa phản ứng chính trị đối với phong trào phản chiến và phong trào đòi quyền dân chủ ở khu Vịnh và phản ứng của người dân đối với cuộc chiến chống khủng bố. Tối thiểu là ba trang, nhưng các em có thể viết bao nhiêu tùy thích. Cô rất nóng lòng xem các em thu hoạch được những gì.”

Tiếng chuông vang lên ngay sau đó và mọi người ùa ra khỏi lớp. Tôi nán lại chờ cô Galvez.

“Gì vậy Marcus?”

“Thật là tuyệt vời, em chưa bao giờ biết toàn bộ câu chuyện của những năm sáu mươi,” tôi đáp.

“Những năm bảy mươi nữa. Nơi này luôn là một nơi thú vị trong các giai đoạn chính trị sôi động. Cô thích cách em lấy lời dẫn từ bản tuyên ngôn, rất khéo léo.”

“Cảm ơn cô. Nó chỉ mới xuất hiện trong đầu em. Mãi đến ngày hôm nay em mới đánh giá hết được ý nghĩa của nó.”

“Ôi, Marcus, những từ em vừa nói là điều mà mọi giáo viên đều muốn nghe,” cô nói và bắt tay tôi “Cô rất muốn đọc bài viết của em.”

Trên đường về nhà, tôi đã mua poster của Emma Goldman và dán nó lên bàn, đè lên cái poster đen trắng đã cũ. Tôi cũng mua một chiếc áo phông có dòng chữ “ĐỪNG BAO GIỜ TIN” và bức ảnh photo- shop miêu tả Grover và Elmo đang đá những kẻ trưởng thành Gordon và Susan khỏi phố Seasame 1 . Nó làm tôi buồn cười. Sau này tôi phát hiện ra lúc đó đang diễn ra khoảng sáu cuộc thi sáng tác minh họa bằng photoshop cho khẩu hiệu đó trên các website như Fark, Worth 1000 và B3ta, chưa kể hàng trăm bức ảnh làm sẵn trôi nổi khắp nơi sẵn sàng được in lên bất kỳ thương phẩm sản xuất hàng loạt nào.

Mẹ tôi nhíu mày khi nhìn thấy chiếc áo phông của tôi, còn bố thì lắc đầu và bắt đầu giảng cho tôi một bài về việc đừng tự chuốc lấy rắc rối. Tôi cảm thấy hơi tội lỗi trước phản ứng đó của ông.

Ange lại gặp tôi trên mạng và chúng tôi đã chat chit-tán tỉnh đến tận khuya. Một chiếc xe tải trắng gắn ang ten trờ tới, tôi phải tắt Xbox cho tới khi nó đi qua. Chúng tôi đã khá quen với việc này.

Ange rất háo hức về bữa tiệc. Nó giống như một sự kiện cực kỳ quan trọng vậy. Có quá nhiều ban nhạc đăng ký, đến nỗi người ta đang nghĩ đến việc dựng một sân khấu B cho những màn diễn phụ.

> Làm sao người ta cho phép họ mở nhạc cả đêm trong công viên? Có rất nhiều nhà xung quanh đó mà

> Cho-phép ư? “Cho-phép” là cái gì? Nói cho tớ nghe về sự cho-phép của con-người đi

> Wow, không bất hợp pháp sao?

> Ừm, xin chào? _Cậu_ mà cũng lo lắng về việc phá luật sao?

> Bình thường mà

> LOL 2

Tuy vậy, tôi cũng thoáng cảm thấy chút hồi hộp về sự kiện sắp xảy ra. Thật chứ, cuối tuần này tôi sắp hẹn hò với cô gái tuyệt vời, hoàn hảo ấy – chà, nói đúng ra là cô ấy rủ tôi ấy chứ – đến một bữa tiệc bất hợp pháp được tổ chức ngay ở giữa một khu dân cư đông đúc.

Ít nhất thì điều này cũng hứa hẹn sẽ rất thú vị.

Thật thú vị.

Mọi người bắt đầu lượn lờ ở công viên Dolores suốt cả chiều thứ Bảy, hòa lẫn vào đám người đang chơi ném đĩa và dắt chó đi dạo. Vài người cũng thử chơi và dắt chó đi dạo. Tôi không chắc lắm về việc buổi biểu diễn sẽ diễn ra kiểu gì, nhưng có rất nhiều cảnh sát và mật vụ xung quanh khu vực. Bạn có thể nhận ra họ bởi vì, giống như Zit và Gỉ Mũi, họ để tóc kiểu Castro và mang dáng dấp Nebraska: hơi béo, tóc ngắn và bộ ria không được gọn gàng cho lắm. Họ cũng dạo quanh, trông có vẻ quái dị và không thoải mái trong những cái quần soóc quá khổ và áo sơ mi thả ngoài quần mà chắc chắn là để che đi các thiết bị được giắt quanh thắt lưng.

Công viên Dolores khá đẹp và tràn đầy ánh nắng với những cây dừa, sân tennis, rất nhiều đồi và hàng cây thẳng tắp để mọi người chạy nhảy hay đi dạo xung quanh. Ban đêm, những người vô gia cư thường ngủ ở đây, nhưng ở khắp San Francisco cũng vậy cả thôi.

Tôi gặp Ange dưới phố, trước hiệu sách vô chính phủ. Đây là ý tưởng của tôi. Nhìn lại, đây hiển nhiên là cách để tôi làm ra vẻ sành điệu và hấp dẫn với cô gái này, nhưng vào thời điểm đó tôi thề thốt rằng mình chọn nơi này vì nó thuận tiện. Khi tôi tới, cô đang đọc một cuốn sách tên là Up Against the Wall Motherf—ers.

“Hay thật đấy,” tôi nói. “Cậu sẽ hôn mẹ cậu với cái miệng này hả?”

“Mẹ cậu sẽ không phàn nàn đâu,” cô đáp. “Thực ra cuốn sách nói về lịch sử của một nhóm người giống như Yippie, nhưng đến từ New York. Những người đó dùng từ này như họ của mình, ví dụ ‘Ben M—F.’ Ý tưởng của họ là thành lập một nhóm chuyên đưa tin, nhưng với cái tên mà người ta không thể trưng lên báo. Chỉ để chơi lại giới truyền thông thôi. Cho vui ấy mà, thật đấy.” Cô đặt quyển sách lên giá, còn tôi thì tự hỏi có nên ôm cô không. Người California thường chào nhau hay tạm biệt bằng những cái ôm. Trừ khi họ không làm thế. Thỉnh thoảng họ cũng chào nhau bằng cách hôn nhẹ lên má. Nói chung rất khó hiểu.

Ange gỡ rối cho tôi bằng cách ôm chầm lấy tôi, níu đầu tôi xuống hôn vào má và thổi phù một cái vào cổ tôi. Tôi bật cười và đẩy cô ra.

“Cậu muốn ăn bánh burrito không?” tôi hỏi.

“Đây là câu hỏi hay một câu khẳng định vậy?”

“Cả hai đều không phải. Đây là mệnh lệnh.”

Tôi đã mua vài cái đề can có dòng chữ buồn cười như “CHIẾC ĐIỆN THOẠI NÀY BỊ NGHE TRỘM.” Nó có kích cỡ vừa đủ để dán lên ống nghe của những chiếc điện thoại trả tiền trước vẫn xuất hiện trên đường phố ở Mission, nơi còn nhiều người không đủ tiền mua một cái điện thoại di động.

Chúng tôi đi dạo dưới bầu trời đêm. Tôi kể cho Ange về khung cảnh công viên khi tôi rời đó.

“Tớ cá là có hàng trăm xe tải đã chực sẵn quanh khu nhà,” cô quả quyết. “Họ nên tấn công bất ngờ thì hiệu quả hơn.”

“Ừmm,” tôi nhìn quanh. “Tớ cứ hy vọng cậu sẽ nói những câu như ‘Ối, không đời nào họ làm thế được’ cơ đấy.”

“Tớ không nghĩ đấy là ý kiến hay. Ý tưởng của mọi người là tập trung thật nhiều người dân vào một nơi để cảnh sát phải đứng trước quyết định: chúng ta định đối xử với những người dân bình thường này như những kẻ khủng bố hay sao? Hơi giống với trò đẩy cảnh sát vào thế mắc kẹt, nhưng dùng âm nhạc thay cho các thiết bị điện tử. Cậu cũng tham gia gây rối, phải không?”

Đôi lúc tôi quên mất là tất cả các bạn của mình đều không biết Marcus và M1k3y là một. “Ừ, một chút,” tôi nói.

“Lần này giống như bị kẹt trong một tá những ban nhạc tuyệt vời.”

“Tớ hiểu rồi.”

Burrito là một món ăn quen thuộc ở Mission này. Nó ngon, bổ và rẻ. Bạn hãy tưởng tượng một cái ống có kích thước bằng một cái kèn trumpet, được đổ đầy những miếng thịt xay cay, trộn với nước xốt bơ, xốt cà chua cay, hạt đậu luộc, gạo, hành và rau mùi. Nó với chuỗi cửa hàng bán đồ ăn nhanh Mexico Taco Bell có mối quan hệ thân thiết như Lamborghini và chiếc ô tô Hot Wheels vậy.

Có khoảng hơn hai trăm quầy bán burrito ở Mission. Hầu hết đều xấu thậm tệ, chỗ ngồi không thoải mái, được trang trí qua loa – vài tấm poster bạc phếch của các hãng du lịch Mexico, những khung tranh hình Chúa Jesus và Đức mẹ Mary gắn bóng đèn, và thứ nhạc dân gian Mexico đặc trưng. Nhưng thứ mang lại phần lớn vẻ khác biệt cho những cửa hàng này chính là loại thịt kỳ lạ mà họ cho vào món ăn. Những quán nấu món burrito chính hiệu có cả món óc và lưỡi cừu hoặc bê, hai thứ mà tôi không bao giờ gọi, nhưng cũng hay khi biết chúng có trong thực đơn.

Quán mà chúng tôi ghé vào có cả óc và lưỡi, nhưng chúng tôi không gọi. Tôi chọn thịt bò quay còn Ange chọn thịt gà xé, và mỗi đứa một cốc horchata lớn.

Ngay sau khi tìm được chỗ ngồi, cô mở món bur- rito ra và lấy một cái lọ nhỏ từ trong ví. Đó là một cái bình xịt bằng thép không gỉ như kiểu bình xịt hơi cay tự vệ. Cô rắc nó lên phần nhân món burrito rồi xịt tiếp một lớp dầu đỏ tươi. Tôi hít phải một luồng hơi cay từ nó, họng tôi như bị nghẹn lại, hai mắt cay xè.

“Trời đất, cậu đang làm gì với món burrito tội nghiệp, không có khả năng tự vệ thế?”

Cô nở một nụ cười ranh mãnh. “Tớ bị nghiện đồ cay,” cô nói. “Và đây là capsaicin 3 đựng trong bình xịt.”

“Capsaicin…”

“Ừm, thứ này có trong bình xịt hơi cay. Nó giống như bình xịt hơi cay nhưng không đậm đặc bằng, bù lại thì nó ngon hơn nhiều. Hãy xem nó như Spicy Cajun Visine nếu nó giúp cậu hình dung được.”

Chỉ nghĩ đến đó thôi, tôi đã cảm thấy hai mắt mình phát bỏng rồi.

“Cậu đùa à?” tôi nói “Cậu sẽ không ăn nổi thứ đó đâu.”

Ange nhướn mày. “Này cưng, nghe có vẻ là một lời thách thức. Hãy nhìn đây.”

Cô quấn cái burrito một cách cẩn thận như gã nghiện quấn điếu cần sa, đẩy nốt phần đuôi vào, sau đó gói nó lại trong giấy thiếc. Cô bóc một đầu đưa lên miệng, giữ cái bánh ngay trước môi.

Lúc cô cắn miếng burrito, tôi không thể nào tin là cô định làm như vậy. Ý tôi là, chính xác thì nó chỉ là một vũ khí phòng thân mà Ange mang theo khi đi ăn tối thôi mà.

Cô cắn từng miếng một. Nhai. Nuốt. Người ta không thể không nghĩ cô đang ăn một bữa tối ngon lành.

“Muốn thử không?” Ange hồn nhiên mời tôi. “Được thôi,” tôi đồng ý. Tôi thích đồ ăn cay. Ở mấy quán Pakistan, tôi luôn gọi món cà ri với bốn quả ớt khô đi kèm.

Tôi bóc lớp vỏ giấy thiếc và cắn thử một miếng thật to.

Hết sức sai lầm.

Chắc bạn biết cảm giác khi cắn một miếng lớn món cải ngựa hay mù tạt hay bất cứ cái gì đại loại vậy, và sau đó bạn có cảm giác như thể xoang của bạn đang đóng lại cùng lúc với khí quản, đầu của bạn thì được đổ đầy khí nóng như lò phản ứng hạt nhân, khí nóng đó như chực thoát ra qua mắt và mũi đang giàn giụa nước? Cái cảm giác như thể hơi nước phun phì phì ra từ hai tai giống hệt những nhân vật hoạt hình ấy?

Tình hình của tôi còn kinh khủng hơn.

Nó giống như đưa tay vào lò nướng, và không chỉ tay, mà sâu cả trong đầu, thực quản, đến tận dạ dày. Cả người tôi đầm đìa mồ hôi, gần như nghẹt thở.

Không nói một lời nào, Ange đưa tôi cốc horcha- ta, tôi vơ lấy ống hút cho vào miệng, hút một hơi thật mạnh hết nửa cốc.

“Có một thước đo, thước đo Scoville, để những người người nghiện đồ cay như chúng ta có thể kiểm tra độ cay của hạt tiêu. Capsaicin nguyên chất là khoảng mười lăm triệu scoville. Hạt tiêu đỏ khoảng hai nghìn năm trăm. Hơi cay là ba triệu, khá dễ chịu. Loại nước xốt này chỉ có một trăm nghìn, nóng bằng hạt tiêu Scotch Bonnet loại thường. Mình biết nó một năm trước. Một vài loại thật sự cay thì có thể lên đến năm trăm nghìn hoặc hơn, cay gấp hai mươi lần hạt tiêu đỏ. Cay khủng khiếp. Với độ Scoville như thế thì não của cậu chắc chắn sẽ tắm sũng endorphin 4 . Và nó tốt cho cậu.”

Lúc này xoang của tôi đã thông trở lại và tôi có thể thở mà không cần phải há miệng ra nữa.

“Tất nhiên, cậu sẽ có một cái vòng lửa khủng khiếp khi đi vệ sinh,” Ange vừa nói vừa nháy mắt với tôi.

Úi chà.

“Cậu điên rồi,” tôi thốt lên.

“Câu nói thật là hay từ một người có sở thích lắp ráp và đập vỡ laptop.”

“Hay lắm,” tôi nói và đưa tay chùi trán. “Muốn nữa không?” Ange giơ cái lọ ra.

“Khỏi,” tôi nói nhanh đến nỗi cả hai đứa đều bật cười.

Khi chúng tôi rời quán ăn và tiến về công viên Dolores, Ange vòng tay qua eo tôi và tôi chợt nhận ra cô cao vừa đủ để tôi quàng tay qua vai cô. Điều này thật mới mẻ. Thật hay. Cảm giác thật tuyệt. Tôi chưa bao giờ được coi là cao, và tất cả những cô gái tôi hẹn hò thì đều cao bằng tôi – con gái thường cao nhanh hơn con trai, đúng là một trò đùa tai quái của tự nhiên.

Chúng tôi đến góc phố 20 và đi bộ thẳng đến Dolores. Chưa kịp bước tiếp thì chúng tôi đã cảm thấy luồng âm thanh ì ầm. Giống âm thanh của một triệu con ong. Vô số người đang đổ về công viên và khi nhìn vào, tôi thấy nó đông gấp hàng trăm lần so với lúc tôi đón Ange.

Cảnh tượng này khiến cho các mạch máu của tôi sôi lên rần rần. Đêm nay đẹp tuyệt vời và chúng tôi sẽ tiệc tùng, tiệc tùng thật sự, tiệc tùng như thể không có ngày mai. “Ăn uống và vui chơi, bởi ngày mai chúng ta sẽ chết.”

Không nói một lời nào, cả hai chúng tôi đều bước đi chậm rãi. Tôi thấy nhiều cảnh sát mặt mũi căng thẳng, nhưng họ định làm cái quái gì ở đây vậy. Có rất rất nhiều người trong công viên. Tôi không giỏi ước lượng số người cho lắm. Báo chí sau này đã trích lời ban tổ chức rằng có khoảng 20.000 người; cảnh sát thì nói là 5.000. Ta có thể hiểu con số thực tế là khoảng 12.500 người.

Sao cũng được. Tôi chưa bao giờ đứng giữa một đám đông lớn như thế này, với tư cách là một phần của một sự kiện không có kế hoạch cụ thể, không được cho phép và bất hợp pháp.

Ngay lúc này đây, chúng tôi đang hòa vào đám đông. Dù không thể khẳng định chắc chắn nhưng tôi không nghĩ rằng có ai đó quá hai mươi lăm tuổi trong cái đám người đang chen chúc xô đẩy này. Tất cả đều tươi cười. Có cả mấy đứa con nít, khoảng mười hay mười hai gì đó, điều này khiến tôi dễ chịu hơn. Sẽ không ai làm gì ngu ngốc với những đứa nhỏ này. Không ai muốn thấy chúng bị thương cả. Điều này sẽ chỉ làm cho bữa tiệc trở thành lễ hội đêm xuân tuyệt vời.

Tôi thấy việc nên làm lúc này là chen vào khu vực sân tennis. Chúng tôi lách qua đám người, và để có thể đứng cạnh nhau, chúng tôi đã nắm lấy tay nhau. Chỉ đứng cùng nhau thôi thì không cần thiết phải đan những ngón tay vào nhau. Chúng tôi làm vậy hoàn toàn vì chúng tôi thấy dễ chịu. Vô cùng dễ chịu.

Tất cả các ban nhạc đã ở trong sân tennis cùng với guitar, bộ hòa âm, keyboard và thậm chí cả một dàn trống. Sau đó, trên Xnet, tôi thấy nguyên một trang Flickr đăng toàn cảnh họ đang lén lút mang tất cả những dụng cụ đó vào trong, từng cái một, trong những túi đồ thể thao hay dưới áo khoác. Cùng với chúng là những bộ loa lớn, loại mà bạn có thể nhìn thấy ở những nơi bán hàng tự động, và trong số đó có cả một chồng… bình ắc quy ô tô. Tôi bật cười. Đúng là thiên tài! Đấy là cách họ cung cấp điện cho các thiết bị. Từ vị trí của mình, tôi có thể thấy đó là ắc quy của một chiếc ô tô hybrid, một chiếc Prius. Ai đó đã rút ruột một cái xe thân thiện với môi trường để cung cấp năng lượng cho buổi biểu diễn đêm nay. Những cục ắc quy này được xếp thành chồng bên ngoài sân, cạnh hàng rào và được nối với những ắc quy chính bằng dây điện kéo qua hàng rào sắt. Tôi đếm được hai trăm cục ắc quy! Chúa ơi. Chúng phải nặng đến một tấn.

Họ không thể nào tổ chức được buổi biểu diễn này mà không dùng e-mail, wiki và danh sách địa chỉ liên lạc. Và những con người khôn ngoan này không thể nào lại thực hiện công tác chuẩn bị trên mạng Internet công khai được. Tất cả đã diễn ra trên Xnet, tôi dám cá như vậy.

Chúng tôi chỉ đi loanh quanh trong đám đông một lúc khi các ban nhạc tập trung và thảo luận với nhau. Từ xa, tôi nhìn thấy Trudy Doo trong sân tennis. Trông cô ấy cứ như đang ở trong một cái chuồng vậy, giống như một đô vật chuyên nghiệp. Cô ấy mặc một cái áo không cổ te tua và mái tóc hồng chóe dài đến tận eo, đi tất màu bộ đội và giày kiểu Gothic gắn thép trùm qua ngón chân. Trong lúc tôi đang quan sát, cô lấy một cái áo jacket nặng trịch dùng khi đi xe máy, đeo găng tay của cầu thủ bóng chày và mặc áo lên giống như một cái áo giáp vậy. Tôi nhận ra có lẽ nó là áo giáp thật.

Tôi cố gắng vẫy tay với Trudy, chắc là để gây ấn tượng với Ange, nhưng Trudy không nhìn thấy và tôi thì như một thằng ngốc nên tôi dừng lại. Năng lượng đang lan tỏa trong đám đông thật đáng kinh ngạc. Người ta vẫn thường nói về những thứ như “năng lượng” và “sự lan truyền” trong đám đông, nhưng chừng nào thực sự được chứng kiến điều đó, có lẽ bạn mới hiểu rằng đó không chỉ đơn thuần là nói cho hay.

Không hề. Đó là những nụ cười có sức lan tỏa và ngoác đến tận mang tai trên mỗi gương mặt. Mọi người đều nhún nhảy theo một giai điệu thầm lặng nào đó, vai lắc lư. Những bước đi xoay vòng. Những câu chuyện đùa và những nụ cười. Những giọng nói căng thẳng và đầy hào hứng, giống như pháo hoa sắp nổ. Và bạn không thể làm gì khác ngoài việc trở thành một phần của buổi biểu diễn. Bởi vì thật sự bạn đã là một phần của nó.

Vào lúc mà các ban nhạc bắt đầu bước ra, tôi hoàn toàn bị đắm chìm trong sự phấn khích của đám đông. Mở màn là điệu nhảy phổ biến của người Serbia – điệu nhảy Turbo, rất khó để tôi nắm bắt được cách nhảy. Tôi chỉ biết nhảy mỗi hai kiểu: vô thức (nhún nhảy và để tiếng nhạc chi phối bước nhảy) và punk (lắc lư cho đến khi kiệt sức). Tiếp theo là màn biểu diễn của nhóm hip hop Oakland trên giai điệu của một ban nhạc thrash metal. Sau đó là bài nhạc pop của những năm bảy mươi. Rồi Speedwhores bước ra sân khấu và Trudy Doo bước lên, cầm lấy míc:

“Tôi là Trudy Doo và bạn đúng là ngu mới tin tôi. Tôi ba mươi hai tuổi và đã quá muộn cho tôi. Tôi đã quá mệt mỏi, bị bế tắc trong lối suy nghĩ cũ mòn. Tôi cứ cho rằng tự do là một điều hiển nhiên và cho phép người khác lấy nó đi. Các bạn là thế hệ đầu tiên lớn lên trong nhà tù chính trị Mỹ này, và các bạn biết rằng tự do của các bạn xứng đáng đến từng đồng xu cuối cùng.”

Đám đông reo hò. Trudy Doo lướt nhanh những nốt nhạc trên cây đàn guitar, rồi người chơi bass, một cô to béo bự con với kiểu tóc ngắn emo, đôi bốt khổng lồ và một nụ cười mà bạn có thể dùng nó để mở bia, đã đặt nó xuống thật nhanh và thật mạnh. Tôi muốn nhảy lên. Tôi bật người. Ange cũng nhảy lên với tôi. Tối hôm đó, chúng tôi đã quá hào hứng khiến cơ thể sặc mùi mồ hôi và cần sa. Những cơ thể người xô đẩy chúng tôi từ mọi phía. Bọn họ cũng đang nhảy cẫng lên.

“Đừng tin bất cứ ai trên 25!” Trudy Doo gào lên. Chúng tôi cũng gào theo. Như cái họng của một con thú khổng lồ đang gầm rú.

“Đừng tin bất cứ ai trên 25!”

“Đừng tin bất cứ ai trên 25!”

“Đừng tin bất cứ ai trên 25!”

“Đừng tin bất cứ ai trên 25!”

“Đừng tin bất cứ ai trên 25!”

“Đừng tin bất cứ ai trên 25!”

Cô giập mạnh những nốt nhạc trên cây guitar của mình và một tay guitar khác, cô gái có vẻ kỳ bí với khuôn mặt toàn khuyên là khuyên, đang phiêu với những nốt nhạc điu-đi-điu-đi-đi ngày càng cao, vượt qua cả dây thứ mười hai.

“Đây là thành phố của chúng ta. Đây là đất nước của chúng ta. Không một tên khủng bố nào có thể giành được nó chừng nào chúng ta còn tự do. Một khi chúng ta mất tự do, bọn khủng bố sẽ thắng! Hãy giành lại nó! Hãy giành lại nó! Các bạn đủ trẻ và đủ ngu ngốc để không biết rằng bạn không thể thắng, vì thế chính các bạn là những người có thể đưa chúng ta đến với chiến thắng. Hãy giành lại nó!”

“HÃY GIÀNH LẠI NÓ!” Chúng tôi gầm lên. Cô lại giật mạnh cây guitar. Chúng tôi gào lên, thực sự rất rất ĐINH TAI NHỨC ÓC.

Tôi nhảy đến khi mệt rũ và không thể nhấc chân lên được nữa. Ange nhảy ngay bên cạnh tôi. Nói một cách khoa học, chúng tôi đã cọ xát cơ thể đầy mồ hôi vào nhau trong khoảng vài tiếng, nhưng tin hay không thì tùy bạn, tôi hoàn toàn không bị kích thích vì việc này. Chúng tôi đã nhảy, đắm mình trong giai điệu và tiếng đập phá và tiếng hò reo đó – HÃY GIÀNH LẠI NÓ! HÃY GIÀNH LẠI NÓ!

Khi không thể nào nhảy thêm được nữa, tôi túm tay Ange và cô quấn chặt cánh tay tôi như thể tôi đang giữ cô khỏi ngã xuống từ nóc một tòa nhà. Cô kéo mạnh tôi ra khỏi đám đông, nơi mát mẻ hơn và đỡ ngột ngạt hơn. Ở ngoài này, bên rìa công viên Dolores, chúng tôi được hít thở khí trời trong lành và mồ hôi trên người lập tức lạnh như nước đá. Cả hai rét run, vì thế Ange đưa cánh tay ôm lấy eo tôi. “Sưởi ấm cho tớ,” cô ra lệnh. Tôi không đợi thêm lời nào nữa. Tôi ôm cô. Tiếng tim cô đập như âm thanh dội lại của nhịp điệu dồn dập trên sân khấu – nhịp điệu đứt quãng, nhanh, dồn dập và không thể diễn tả bằng lời.

Cả người cô ướt sũng mồ hôi, một thứ mùi rất tuyệt. Tôi biết người mình cũng đầy mùi mồ hôi. Mũi tôi chạm đỉnh đầu cô, và khuôn mặt cô thì ngay ở phía dưới cổ tôi. Cô đưa tay với lấy cổ tôi và ghì xuống thật mạnh.

“Cúi xuống đây nào, tớ không có thang đâu.” Tôi cố mỉm cười khi nghe cô nói vậy, nhưng điều đó thật khó khi bạn đang hôn.

Như tôi đã nói, tôi mới chỉ hôn ba cô gái trong đời. Hai người trong số họ thì chưa hôn bao giờ. Cô còn lại thì đã hẹn hò từ năm mười hai tuổi. Và cô ấy có một số vấn đề.

Không ai trong số họ hôn như Ange. Cô có thể khiến đôi môi cô mềm mại như một miếng trái cây chín, cô không hề kẹp lưỡi mà để nó trượt trong miệng tôi, cùng lúc đó để môi tôi lún sâu trong miệng cô, vì thế tôi có cảm giác miệng tôi và miệng cô như hòa làm một. Tôi có thể nghe thấy chính tôi đang rên lên và siết chặt cơ thể cô trong tay mình.

Chầm chậm, nhẹ nhàng, chúng tôi ngả dần xuống bãi cỏ. Chúng tôi ghì chặt lấy nhau, chỉ hôn và hôn. Cả thế giới như biến mất, chỉ còn những nụ hôn tồn tại.

Tay tôi lần xuống eo của cô. Gấu chiếc áo phông. Bụng cô ấm áp, rốn cô mềm mại. Chúng rướn lên cao hơn. Cô đang rên rỉ.

“Không phải ở đây,” cô nói. “Hãy ra chỗ đằng kia,” cô chỉ tay qua con phố, về phía nhà thờ trắng rất lớn, công viên Mission Dolores và phố Mission được đặt tên theo nó. Tay trong tay, chúng tôi bước nhanh về phía đó. Đằng trước nhà thờ này là những cột trụ cao to. Cô đẩy tôi dựa lưng vào một trong số những chiếc cột đó và một lần nữa kéo mặt tôi xuống gần mặt cô. Tay tôi lần về phía sau chiếc áo phông cô đang mặc một cách nhanh chóng và táo bạo, rồi trượt về trước ngực cô

“Mở nó ở đằng sau,” cô thì thầm trong miệng tôi. Tôi đã phạm một lỗi ngớ ngẩn có thể làm hỏng tất cả. Tôi lại đưa bàn tay vòng ra sau tấm lưng rộng và vững chãi của cô, rồi tìm nút cài bằng những ngón tay đang run rẩy. Tôi lóng ngóng mất một lúc, thầm nghĩ đến những câu chuyện tếu về việc đàn ông mở áo lót của phụ nữ kém như thế nào. Tôi cũng chả hơn gì họ. Rồi nút cài tuột ra. Cô thở hổn hển trong miệng tôi. Tôi lướt tay khắp cơ thể cô và cảm thấy vùng nách cô ươn ướt – thật khiêu gợi và không hề khó chịu một chút nào – bầu ngực cô cọ cọ vào người tôi.

Đúng lúc đó, tiếng còi bao động vang lên.

Âm thanh đó lớn hơn tất cả những gì tôi đã từng nghe. Thứ âm thanh làm người ta giật nảy mình, như thể cái gì đó thổi bay bạn đi. Thứ âm thanh lớn đến mức cực đại mà tai bạn có thể tiếp nhận, rồi lớn hơn nữa.

“GIẢI TÁN NGAY LẬP TỨC,” một giọng nói cất lên, nghe như giọng của Chúa dội vào hộp sọ tôi.

“ĐÂY LÀ MỘT BUỔI TỤ TẬP BẤT HỢP PHÁP. GIẢI TÁN NGAY.”

Ban nhạc đã ngừng chơi. Sự ồn ào của đám đông dọc các con phố đã thay đổi. Chuyển thành sợ hãi. Tức giận.

Tôi nghe thấy một tiếng click từ hệ thống PA của loa ô tô và những bình ắc quy trong sân tennis được khởi động.

“HÃY GIÀNH LẠI NÓ!”

Nó như một lời thách thức, như tiếng bạn hét lên khi lướt sóng hay tiếng bạn gào lên khi đứng ở một vách đá.

“GIÀNH LẠI NÓ!”

Cả đám đông gầm lên, khiến tôi dựng tóc gáy. “GIÀNH LẠI NÓ!” tất cả cùng hòa âm. “GIÀNH LẠI NÓ GIÀNH LẠI NÓ GIÀNH LẠI NÓ!”

Cảnh sát đứng thành hàng, đeo khiên chống đạn, đội mũ bảo hiểm kiểu Darth Vader 5 che cả khuôn mặt. Mỗi người đều cầm một dùi cui đen và đeo kính hồng ngoại. Họ trông giống những người lính bước ra từ một bộ phim chiến tranh giả tưởng về tương lai vậy. Họ đồng loạt tiến lên trước một bước, người nào cũng khua thanh dùi cui lên khiên, tạo ra tiếng lách cách như thể mặt đất đang nứt toác ra. Mỗi bước đi lại kèm theo một đợt âm thanh đó. Bọn họ đã bao quanh công viên và đang tiến gần vào.

“GIẢI TÁN NGAY LẬP TỨC,” giọng nói của Chúa lại vang lên. Phía trên đầu chúng tôi lúc này là những chiếc trực thăng. Tuy nhiên không có ánh đèn pha nào rọi xuống. Đúng rồi, kính hồng ngoại. Tất nhiên rồi. Những người trên trực thăng cũng đeo kính hồng ngoại. Tôi kéo Ange trở lại lối vào nhà thờ, giấu mình khỏi cảnh sát và trực thăng.

“GIÀNH LẠI NÓ!” tiếng loa gầm lên. Đó là tiếng thét của Trudy Doo và tôi nghe thấy tiếng đàn guitar của cô vút lên, rồi đến tiếng trống và tiếng bass trầm vang.

“GIÀNH LẠI NÓ!” đám đông đáp lại, và họ tràn ra khỏi công viên ngay trước hàng cảnh sát.

Tôi chưa bao giờ ở trong một cuộc chiến, nhưng giờ tôi nghĩ rằng mình đã biết nó là như thế nào. Nó chắc chắn phải giống như thế này khi mà những đứa trẻ sợ hãi xông về phía đối phương, chúng biết điều gì sẽ đến, chúng chạy trốn, la hét.

“GIẢI TÁN NGAY LẬP TỨC,” giọng nói của Chúa nhắc lại. Nó vang lên từ mấy chiếc xe tải đỗ quanh công viên, những chiếc xe chắc chắn mới xuất hiện ở đó vài giây trước.

Sương mù xuất hiện. Nó được phun ra từ những chiếc máy bay lên thẳng và chúng tôi chỉ mới dính một ít. Nó làm đỉnh đầu tôi có cảm giác như sắp vỡ ra. Nó làm xoang của tôi như bị đâm vỡ bởi rìu phá băng. Nó làm hai mắt tôi lồi ra, đầy nước và cổ họng thì tắc lại.

Hơi cay. Không phải hai trăm nghìn Scoville. Một triệu rưỡi. Họ đã phun hơi cay vào đám đông.

Tôi không thể nhìn thấy chuyện gì xảy ra sau đó, nhưng tôi có thể nghe thấy, nó lớn hơn âm thanh của tôi và Ange đang nín thở và ôm chặt lấy nhau. Lúc đầu là tiếng nghẹt thở, sau là những tiếng nôn ọe. Tiếng guitar, tiếng trống và tiếng bass tắt ngúm. Sau đó là tiếng ho.

Rồi tiếng la hét.

Tiếng la hét vang lên một lúc lâu. Khi tôi có thể nhìn thấy trở lại, cảnh sát đã cho trực thăng dừng ngay trên đỉnh đầu và những chiếc máy bay lên thẳng khiến toàn bộ công viên Dolores sáng rõ như ban ngày. May sao, lúc này ánh mắt của mọi người đều đổ dồn về phía công viên, vì ánh sáng mạnh như vậy sẽ đồng nghĩa với việc chúng tôi hoàn toàn vô hình.

“Chúng ta làm gì giờ?” giọng cô sít lại và sợ hãi. Trong một giây, tôi đã không tin là mình có thể nói được. Tôi nuốt nước miếng vài lần.

“Chúng ta đi thôi,” tôi nói. “Đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm. Đi khỏi đây. Làm như chúng ta chỉ đi ngang qua. Đi xuống Dolores và rẽ trái, sau đó lên phố 16. Hãy làm như chúng ta chỉ đi ngang qua. Làm như chúng ta không liên quan gì tới việc này hết.”

“Không được đâu,” Ange đáp.

“Đó là cách duy nhất tớ nghĩ được.”

“Cậu không nghĩ rằng chúng ta nên chạy luôn đi à?”

“Không,” tôi khẳng định. “Nếu chúng ta chạy, họ sẽ đuổi theo. Có thể nếu chúng ta đi bộ, họ sẽ nghĩ là chúng ta chẳng làm gì cả và sẽ để chúng ta yên. Họ có rất nhiều người để bắt giữ. Họ sẽ bận rộn trong một thời gian dài.”

Công viên đang lộn tung lên với hàng đống thân thể, người người đang cào cấu vào mặt mình và thở hổn hển. Cảnh sát thì kéo lê nách họ, sau đó bập còng vào cổ tay họ và xốc họ như những con búp bê giẻ rách.

“Được chứ?” tôi hỏi lại Ange.

“Được rồi,” cô đáp.

Và chúng tôi đã làm y như kế hoạch. Đi bộ, nắm tay nhau, nhanh nhẹn và bận rộn, như hai người đang muốn tránh bất cứ rắc rối mà ai đó khác gây ra. Kiểu đi mà bạn chọn khi mà bạn giả vờ không nhìn thấy những kẻ ăn mày, hay không muốn dính líu vào các cuộc đánh nhau trên phố.

Và nó đã có hiệu quả.

Chúng tôi tiến đến góc phố, rẽ rồi đi tiếp. Không đứa nào dám hé miệng trong suốt thời gian đi qua hai khu nhà. Sau đó tôi mới dám thở phào, không hề biết rằng mình đã nín thở.

Chúng tôi đến phố 16 rồi rẽ xuống phố Mission. Bình thường thì khu này khá đáng sợ vào lúc hai giờ đêm thứ Bảy. Nhưng đêm nay thì đỡ hơn nhiều, vẫn bọn nghiện, gái đứng đường, dân buôn ma túy, bán hàng rong và những gã say rượu. Không có cảnh sát cầm dùi cui, không có khí gas.

“Ừmm,” tôi nói khi cả hai đang hít thở không khí buổi đêm. “Cà phê chứ?”

“Về nhà thôi,” Ange nói. ” Tớ nghĩ bây giờ nên về. Cà phê để sau đi.”

“Ừ,” tôi tán thành. Cô sống ở thung lũng Hayes. Tôi vẫy một chiếc taxi chạy ngang qua. Đúng là một điều may mắn, hiếm khi có taxi lúc bạn cần ở San Francisco.

“Cậu có đủ tiền taxi đi về nhà chưa?”

“Rồi,” cô nói. Người tài xế nhìn chúng tôi qua gương. Tôi mở cửa sau nên anh ta chưa thể đi được.

“Ngủ ngon nhé,” tôi nói.

Cô với tay ra sau gáy tôi, kéo mặt tôi về phía mình. Cô hôn tôi thật sâu, không hề khêu gợi nhưng như thế lại thân mật hơn.

“Ngủ ngon,” cô thì thầm vào tai tôi, sau đó trườn vào trong xe.

Đầu quay mòng mòng, mắt hoa lên, tâm can bị thiêu đốt bởi nỗi xấu hổ tột cùng vì đã bỏ lại tất cả những thành viên Xnet khác rơi vào tay DHS và SFPD 6 , tôi bước về nhà.

Sáng thứ Hai, thầy Fred Benson đứng sau bàn của cô Galvez.

“Cô Galvez sẽ không lên lớp nữa,” ông ta lên tiếng khi tất cả chúng tôi đã ngồi vào chỗ. Ông ta có một vẻ thỏa mãn mà tôi nhận ra ngay lập tức. Theo linh cảm, tôi nhìn sang Charles để kiểm tra. Nó đang cười như thể hôm nay là sinh nhật nó và nó vừa được tặng món quà tuyệt vời nhất trên đời.

Tôi giơ tay lên.

“Tại sao?”

“Đây là quy định của Hội đồng, không thảo luận những vấn đề của giáo viên với bất cứ ai khác ngoài chính giáo viên đó và hội đồng kỷ luật,” ông ta nói, thậm chí không thèm che giấu vẻ khoái trá của mình.

“Chúng ta sẽ bắt đầu bài học mới ngày hôm nay, về an ninh quốc gia. SchoolBook có những bài mới. Hãy mở chúng ra và dừng lại ở trang đầu.”

Trang đầu tiên được trang trí bởi logo của DHS và dòng tít: NHỮNG ĐIỀU MỌI NGƯỜI MỸ CẦN BIẾT VỀ AN NINH NỘI ĐỊA.

Tôi chỉ muốn quăng cái SchoolBook của mình xuống sàn nhà.

Tôi hẹn gặp Ange ở quán cà phê gần nhà cô sau giờ học. Tôi nhảy lên tàu và thấy mình ngồi sau hai gã mặc com lê. Họ đang xem tờ San Francisco Chronicle, trong đó có nguyên một trang được dành để nói về “cuộc bạo loạn của giới trẻ” trong công viên Mission Dolores. Họ ca thán và lo lắng về nó. Sau đó, một gã nói “Cứ như chúng nó bị tẩy não hay đại loại thế. Chúa ơi, chúng ta đã từng ngu ngốc như thế bao giờ chưa nhỉ?”

Tôi đứng dậy và tìm một chỗ khác.

Bình luận