Kể từ lúc tôi đặt chân lên đảo, ở dưới tàu đã xảy ra nhiều chuyện. Sau đây là lời bác sĩ Ly thuật lại cho tôi nghe… Được tin tôi đi lên đảo, bác sĩ Ly và đồng đội rất lo ngại cho số phận của tôi. Bác sĩ liền rủ Hun-tơ xuống một chiếc xuồng rồi vào bờ để dò la tình hình bọn cướp. Trong bờ có một dãy thuyền đỗ; có hai đứa ngồi trên hai chiếc thuyền hình như để canh giữ. Khi vào bờ, bác sĩ chạy rón rén lại gần chỗ chúng buộc thuyền. Vừa đi chưa được trăm mét đã gặp ngay chiếc lô cốt sừng sững trên một đỉnh gò. Một dòng suối trong xanh chảy từ trên đỉnh xuống. Chiếc lô cốt này làm bằng gỗ rất kiên cố, có thể chứa được bốn mươi người. Bốn mặt đều có nhiều lỗ châu mai. Chung quanh lô cốt đã phát quang một khu rộng. Ngoài ra lại có một hàng rào cao ngót hai mét. Nếu đóng cố thủ trong lô cốt thì rất yên trí: có thể bắn tỉa vào kẻ địch đến vây hãm như bắn gà rừng. Bác sĩ rất chú ý đến con suối, vì ở trên tàu nước ngọt cũng đang thiếu. Thế là chỉ cần có đủ lương thực, khí giới là có thể cố thủ ở đây lâu được. Nghĩ thế, bác sĩ lập tức trở về tàu. ông Chi đương ngồi ủ rũ trong phòng, tự trách vì sự sơ suất của bản thân mà để cả bọn phải gặp bước nguy nan. Nhưng sau khi nghe bác sĩ trình bày kế hoạch, ông phấn chấn hẳn lên. Theo nhận định của bác sĩ thì cần lên lô-cốt để cố thủ vì ở dưới tàu cũng đã hết nước uống. Nếu ở dưới tàu mà ta ra mặt chống lại thì thật không lợi vì bọn chúng có đặt hai tên canh giữ trên bờ. Chúng có thể ra hiệu tập hợp nhanh chóng để bắn xuống tàu.
Hơn nữa nếu chiếc tàu này bị bọn giặc chiếm thì trong một thời gian nữa sẽ có một chiếc tàu khác đến đón về theo như kế hoạch đã dự định. Kế hoạch này bác sĩ đã giao cho một người thân tín ở nhà. Trước khi ra đi, bác sĩ bảo lão Ri nấp trong đường hầm đằng mũi, cấp cho lão ba bốn khẩu súng để đứng trấn thủ. Hun-tơ thì kéo chiếc xuồng con đến dưới cửa sổ tàu. Còn Do-sơ và bác sĩ thì khuân đạn, súng, mấy túi bánh quy, dăm thùng thịt lợn ướp, một thùng rượu và hòm thuốc quý của bác sĩ xuống thuyền. Thuyền trưởng và ông Chi trấn trên boong tàu. Thuyền trưởng gọi lão Han, tên cầm đầu sáu đứa còn lại, bảo:
-Này anh Han! Hai chúng tôi đây đều có súng nạp sẵn đạn. Nếu trong bọn anh, người nào xông lại đây, lập tức tôi bắn vỡ óc.
Cả bọn có vẻ hoang mang, một đứa trong bọn có vẻ ủ dột hẳn. Cuối cùng bọn chúng bàn bạc rồi nhảy lên sàn tàu, định bọc lối sau đánh úp lại. Nhưng khi thấy lão Ri đứng trấn ở đường hầm, chúng vội vã rút lui. Trong lúc ấy, khuân xong mọi vật xuống thuyền, bác sĩ cùng Do-sơ chui qua cửa sổ trèo xuống. Lần đi này làm cho hai tên giặc canh trên bờ chú ý. Một đứa nhảy lên và biến mất. Tải xong các thứ vào lô-cốt, bác sĩ để Do-sơ ở lại canh giữ. Trước khi đi về tải chuyến cuối cùng, bác sĩ để thêm Hun-tơ ở lại giữ lô-cốt. Bác sĩ vẫn đi bừa vì nghĩ rằng bọn chúng tuy đông nhưng ở trên tàu không một đứa nào có súng trường cả. Trước khi chúng tiến đến gần để dùng súng lục, thì người của ông có thể đã bắn chết hàng tá. Trước khi xuống thuyền để đi chuyến cuối cùng, mỗi người chỉ giữ một khẩu súng trường và một con dao. Còn lại khí giới và thuốc súng đều ném cả xuống biển. Trong lúc ở trên tàu, ông thuyền trưởng đã thấy rõ một đứa trong bọn hình như còn bỡ ngỡ và miễn cưỡng đi theo chúng. Khi sắp xuống thuyền, thuyền trưởng gọi to:
-Anh Grây, tôi bỏ tàu đây, tôi ra lệnh cho anh phải theo tôi ngay. Tôi biết anh vốn là người lương thiện. Đừng để lỡ cơ hội, tôi hạn cho anh trong nửa phút nữa.
Bên kia vẫn im lặng. Nhưng lời kêu gọi cuối cùng ấy đã có kết quả. Vì bên kia bỗng có tiếng đấm đá, rồi Grây chạy ra, về với bọn ông Ly. Nhưng chuyến đi cuối cùng này thật gian truân. Đồ nhiều, người đông mà xuồng thì nhỏ. Về phía lái, mép thuyền đã mấp mé mặt nước. Nước thủy triều lại đang dâng lên. Dòng nước chảy rất mạnh cứ kéo phăng con thuyền ra khỏi con đường đã định và trôi về phía dãy thuyền đỗ trên bờ của bọn giặc. Thuyền trưởng bảo cứ cho xuôi theo dòng rồi đi ngược lại. Thốt nhiên thuyền trưởng kêu lên:
-Khẩu đại bác! Lúc này mấy ông mới chợt nhớ đã quên khuấy khẩu đại bác đặt bên hông chiếc tàu. Khi nhìn lại sau thì thấy năm thằng giặc kia đang xúm xít quanh khẩu súng lớn. Chúng đã cởi áo súng ra. Grây bảo, giọng lo ngại:
-Thằng Han trước kia là tay bắn đại bác cho Phơ-linh. Lúc này thuyền đã đi ngược men bờ nên quay mình về phía sau và trở thành một tấm bia rất tốt cho bọn chúng. Thằng Han đứng lắp đạn. Thuyền trưởng hỏi:
-Đây ai bắn giỏi? Bác sĩ đáp:
-ông Chi đây chứ còn ai. Thuyền trưởng bảo:
-ông Chi! ông hạ cho một đứa. Nếu hạ được thằng Han thì tốt nhất. Nhưng bắn cho khéo, kẻo thuyền tròng trành, đắm bây giờ. Ai nấy ngồi cho cân đi. ông Chi lạnh lùng nhìn cái bùi nhùi rồi giương súng bắn. Nhưng thật không may. Khi ông Chi bắn thằng Han vừa cúi xuống. Viên đạn bay qua đầu hắn, trúng vào một đứa đứng sau. Một tiếng kêu rống lên rồi tiếp theo trên bờ cũng có nhiều tiếng kêu khác. Nhìn về phía bờ, bác sĩ thấy bọn giặc đã nhảy cả từ trong bụi ra. Trong khi ấy thuyền đã gần đến doi cát dài trên bờ. Nhưng đại bác của chúng lại sắp bắn. Thuyền trưởng chỉ kịp ra lệnh:
“Ngồi cho vững!” là tiếng súng nổ. Đó là tiếng đại bác tôi nghe nổ lần đầu khi tôi ở trên đảo. Quả đại bác không trúng thuyền, nhưng hơi gió tạt đã làm thuyền chìm xuống. Thuyền đắm đằng lái nhưng may chỗ này ở gần bờ nên nước đã cạn. Mọi người không ai can gì. Chỉ tai hại là lương thực chìm cả với ba khẩu súng bị ướt. Chỉ còn hai khẩu súng của bác sĩ và của thuyền trưởng là còn dùng được. Cả bọn lóp ngóp lội vào bờ, bỏ lại chiếc thuyền cùng với một nửa số lương thực và thuốc súng. Đi được một lúc, đã nghe rõ tiếng nói của bọn giặc và tiếng chân chúng giẫm gãy cành khô khi chúng lách qua bụi rậm. Bác sĩ liền nghĩ đến chuyện sắp phải đánh nhau nên vội bảo ông thuyền trưởng:
-Trong bọn ta, ông Chi bắn cừ nhất. ông đưa súng của ông cho ông ấy. Súng ông ấy không dùng được nữa rồi.
Hai người trao súng cho nhau. Từ lúc bắt đầu giao chiến, ông Chi vẫn lạnh lùng như băng. Thấy Grây tay không, bác sĩ liền rút dao đưa cho hắn. Hắn nhổ nước bọt vào tay, cau mày, múa con dao vù vù làm mọi người thêm yên bụng. Đi thêm vài chục bước, đã thấy khu vực lô-cốt ở ngay trước mặt. Tốp của bác sĩ vừa đến hàng rào thì đã thấy bảy tên giặc, đi đầu là An-đe-sơn, hò reo ầm ầm, kéo lại. Không ai bảo ai, súng ở ngoài và súng ở trong lô-cốt cùng một lúc nổ vào bọn giặc. Tuy bốn phát súng bắn rời rạc nhưng cũng có một phát trúng, làm một tên giặc ngã quay lơ. Số còn lại quay đầu chạy lẩn vào bụi. Cả tốp đi vòng hàng rào, đến xem tên giặc bị ngã. Hắn đã chết thẳng cẳng, viên đạn trúng ngay vào tim. Đương vui mừng thắng lợi, thì bỗng nghe tiếng đạn súng lục nổ trong lùm cây. Viên đạn bay vèo qua tai bác sĩ rồi thấy lão Ri lảo đảo ngã xoài trên đất. ông Chi và bác sĩ nhanh nhẹn bắn trả ngay nhưng bọn chúng đã chạy mất. Bác sĩ đi lại nhìn vết thương thì biết ngay là khó lòng cứu chữa. Khi khiêng được lão Ri vào lô-cốt thì lão đã tắt thở. Từ lúc xảy ra chuyện biến trên tàu cho đến khi chết, lão vẫn tỏ ra điềm tĩnh, gan lì. Lão đã đứng trấn ở đường hầm trên tàu, hăng hái và dũng cảm như một người lính cảm tử. Lão đã lặng lẽ tuân lệnh một cách trung thành, không do dự. Trong bọn, lão là người lớn tuổi nhất và cũng lại là người hy sinh trước nhất. ông Chi quỳ ôm xác lão, khóc nức nở như một đứa trẻ. Trong khi ấy, ông thuyền trưởng người cứ dày cộm lên, đương lôi trong ngực và túi ra những đồ vật lủng củng: một lá quốc kỳ, một quyển kinh thánh, một cuộn thừng, một cái bút lông, một lọ mực, một quyển sổ và mấy gói thuốc lá. ông đã tìm thấy ở quanh lô-cốt một cây thông dài bị trốc gốc. ông cùng Hun-tơ dựng gốc thông trụi ấy lên ở góc lô-cốt để làm thang. ông trèo lên cắm cao lá cờ tổ quốc trên nóc lô-cốt. Hình như làm xong việc ấy, ông thấy trong người thoải mái và yên tâm hơn; ông bước vào nhà, bình tĩnh soát lại lương thực. ông bảo:
-Đây là mối lo nhất của chúng ta. Chúng ta mất mọi thứ trong chuyến sau, thật đáng tiếc! Khí giới, vật dụng thì đủ. Nhưng lương thực thì ít ỏi quá!
Giữa lúc ấy, một viên đạn đại bác bay vù qua nóc lô-cốt rồi nổ ở trong rừng. Phát sau, chúng chỉnh lại trúng vào khu vực lô-cốt, làm cát bụi bay mù, nhưng không thiệt hại gì cả. ông Chi nói:
-ông thuyền trưởng! Dưới tàu, chúng không thể thấy nóc lô-cốt này. Có lẽ chỉ vì lá cờ đấy! Vậy ta nên hạ lá cờ đi thì hơn. ông thuyền trưởng kêu to:
-Hạ lá cờ đi à? Không! Thưa ông, không thể được! ông thuyền trưởng nói xong, mọi người xem ra đều đồng ý. Vì lá cờ ấy không chỉ tiêu biểu cho chính nghĩa mà còn tỏ rõ cho bọn cướp biết thái độ cương quyết của những người cố thủ trong lô-cốt là xem thường những phát đại bác của chúng…
Cả buổi chiều, chúng cứ bắn đì đụp vào khu vực lô-cốt nhưng không đâu vào đâu cả. Thuyền trưởng bảo Grây và Hun-tơ đi lấy lương thực ở trên chiếc thuyền chìm, vì lúc bấy giờ nước triều đã xuống từ lâu. Nhưng vô ích. Bọn giặc liều lĩnh đã xuống lấy trước. Tên Xin-ve đương đứng sau chỉ bảo, mỗi đứa có một súng trường. Chắc hẳn bọn chúng đã cất giấu đâu từ trước. ông thuyền trưởng thì đương ngồi ghi vào một quyển sổ. Bác sĩ Ly nhìn vào, thấy ở trang đầu mấy dòng chữ sau đây:
“Tôi, thuyền trưởng; Ly-vơ-xây, thầy thuốc trên tàu; Grây, lính thủy đóng đồ mộc trên tàu, Chi-lô-nây, chủ tàu; Hun-tơ và Do-sơ, thủ hạ thân tín của chủ tàu… Những người này đều đã tận tâm giữ tàu; lương thực chỉ còn dè xẻn được mười ngày; đã cắm quốc kỳ trên nóc lô-cốt; Ri-đrus, người ở của ông chủ tàu, không phải thủy thủ, đã bị giặc giết; Dim, cậu bé thủy thủ tập sự…”
Đọc đến đây, bác sĩ sực nhớ đến tôi, và nỗi lo âu lại kéo đến. Thốt nhiên có tiếng người gọi trong rừng. Hun-tơ đang đứng cạnh nói:
-Có người gọi kìa! Cả bọn ùa ra, nhìn thấy tôi đang leo qua rào. Mọi người đều đứng im cảm động không nói nên lời.