Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đêm Hội Long Trì

Chương II

Tác giả: Nguyễn Huy Tưởng
Thể loại: Văn Học Việt Nam

Thấy Chúa đòi Nguyễn Mại, mọi người đều sửng sốt. Bấy giờ mới tinh sương. Bảo Kim cùng Trần Thành, Lưu Sĩ Trực và Nguyễn Mại đang ngồi uống trà nói chuyện bên đỉnh trầm thơm.

Nguyễn Mại thản nhiên. Chàng lẩm bẩm:

– Chắc là việc hôm kia “Cậu Trời” đã ton hót với Chúa, và Chúa đòi ta vào để hỏi tội chứ gì. Thôi cứ đi.

Bảo Kim mặt thất sắc, hỏi người thị vệ:

– Bác có biết Chúa đòi việc gì không?

Người thị vệ đáp:

– Tôi cũng không biết. Có lệnh thì tôi đi, thế thôi.

Nguyễn Mại bước xuống thềm, theo người thị vệ từ biệt Trần Thành, Lưu Sĩ Trực và Bảo Kim.

Bảo Kim nói:

– Khi nào Chúa cho ra thì anh lại ngay báo tin cho tôi biết nhé. Bực nhất là không hiểu việc gì cả.

Mại cười đáp:

– Có lẽ việc ấy thôi. Nhưng dẫu chết mà nói rõ cho Chúa những cái lộng hành của thằng Đặng Lân thì cũng hả.

Bảo Kim nói:

– Tôi mong rằng không phải vì việc náo động ở Long Trì mà Chúa gọi anh. Chứ nếu thực thì…

– Thì nguy phải không?

– Vì Tuyên phi thì quá nuông em. Đặng Lân muốn gì bà cũng xin Chúa cho bằng được. Chúa chưa từ chối bà việc gì bao giờ.

– Chú không phải lo cho tôi. Tôi tự có cách khu xử.

Trần Thành nói:

– Vả không có lẽ vì một chuyện nhỏ ấy mà Chúa làm hại anh. Công lao hãn mã để đâu?

Bảo Kim tắc lưỡi, nói:

– Anh thực thà lắm. Anh chẳng thấy chán vạn người công thần chỉ vì một tội nhỏ mà chết cả đấy ư? Vua chúa có luận công bao giờ?

Nguyễn Mại nói:

– Các chú lôi thôi lắm. Để tôi đi.

Bảo Kim dùng dằng:

– Em hầu chè mẫu thân xong cũng sang phủ chúa xem sao.

Nguyễn Mại dặn:

– Đừng làm kinh động bà nhé.

Nói xong bước ra sân đi thẳng.

Nguyễn Mại với Bảo Kim là chỗ quen biết từ lâu. Hai cụ thân sinh ra hai chàng là chỗ bạn đồng khoa và hai chàng là bạn đồng song. Chẳng may Nguyễn Mại, bố mất sớm, nhà lại nghèo, nên phải thôi học. Vốn có sức hơn người, chàng khảng khái đầu quân dự cuộc Nam phạt. Mẹ chàng, vợ chàng không bằng lòng việc ấy. Mà quan Thị lang, thân phụ Bảo Kim, cũng khuyên chàng bỏ cái ý định ấy đi, và hứa sẽ cho ăn đi học. Nhưng Mại quả quyết vào Nam, và chỉ trong có mấy tháng, chàng đã lừng lẫy trong Nam ngoài Bắc. Từ chân lính trơn, chàng đã lần lượt qua hết các ngạch nhà binh, và sau bốn năm, nhảy lên hàng tướng giỏi của Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc, bậc danh tướng thời bấy giờ. Chàng được chúa Trịnh rất chú ý, nhất là vì chàng còn trẻ tuổi.

Trận đánh ở Phú Xuân chàng đã lập công đầu. Sau khi kinh đô chúa Nguyễn thất thủ, Hoàng Ngũ Phúc dâng biểu báo tiệp và sai chàng đem sổ quân công về nộp luôn thể. Về tới kinh, sau khi làm trọn công việc ủy thác của chủ tướng, chàng được tòa chưởng phủ báo tin cho rằng, nhân dịp tết Trung thu, Chúa vì quá yêu tài chàng, ban cho chàng cái đặc ân được vào dự buổi dạ hội ở Long Trì. Chàng vui sướng vô cùng, vì đó là một cái ân hãn hữu.

Nhưng cái vui nhất của chàng là đã được gặp bọn Bảo Kim, tuy họ đã gặp nhau trong một trường hợp bực tức. Sau đó thì chàng về nghỉ ở nhà Bảo Kim…

Đương khi chinh chiến trong Nam ba năm trước, chàng đã được tin quan Thị lang quá cố. Chàng biết Bảo Kim là một trang phong lưu công tử, sinh trưởng ở một nhà thế tộc trâm anh, sung sướng hơn chàng nhiều. Vậy mà chàng vẫn ái ngại cho bạn, vì Bảo Kim nhu nhược, cần phải có nhiều người che chở. Khi biết tin tang biến của bạn, để an ủi và nâng đỡ Bảo Kim, tuy ở xa, mà lúc nào chàng cũng chăm chú để ý đến người bạn thân ở chốn kinh hoa.

Thư từ của Bảo Kim và các tin tức ngoài Bắc làm cho chàng rất yên tâm và vui mừng. Chàng biết Bảo Kim đã chịu khó chăm học và đã nổi tiếng văn chương. Tuy Nguyễn Mại là người trọng thực tế, không thích hư văn và những người mơ mộng, nhưng chàng rất rộng lượng về đường ấy với Bảo Kim. Chàng lấy làm sung sướng mỗi khi nhận được thư của bạn thường có kèm theo cả những bài thơ, phú, lời lẽ rất thiết tha và trang nhã. Những lúc việc binh rỗi rãi, chàng thường mời mấy bạn sang trại mình uống rượu, và khi đã ngà ngà say chàng thường đứng dậy, cầm kiếm gõ nhịp, cất tiếng hào hùng mà ngâm thơ, phú của người bạn phương xa. Những buổi ấy là những buổi vui nhất trong đời chiến sĩ của chàng, sau những buổi một mình một ngựa tung hoành phá vỡ vòng vây.

Nguyễn Thị lang phu nhân rất yêu Nguyễn Mại, tình yêu này do ở lòng thương mà ra. Thương vì chàng nghèo khổ từ thuở bé. Trong suốt thời kỳ chàng chinh chiến trong Nam, cụ lo ngay ngáy như một người mẹ. Thấy chàng trở về trông gân guốc và uy phong, cụ hớn hở vui mừng bảo chàng:

– Bác trai khi trước cứ gàn cháu, bác cũng lấy làm lo. Nếu cháu nghe bác thì đâu được đến ngày nay? Thôi, cũng bõ cho cụ nhà và chị ấy bốn năm đằng đẵng những lo cùng sợ. Nay về kinh, Chúa thượng chưa có lệnh, hãy ở đây với bác và em may ra được về quê thăm nhà cũng không biết chừng. Thằng Dũng bây giờ lên mấy rồi nhỉ?

Mại thưa:

– Thưa bác, cháu cũng không nhớ.

Phu nhân và mọi người cười ồ lên. Cụ nói:

– Bố thế thì đem ra đánh cho chết đi. Khi cháu đi, thằng Dũng mới lên một, thì năm nay nó lên năm chứ gì. Sau này cho nó theo học võ, chứ học văn như chú Kim, trói gà không nổi thì chỉ hại cơm nước triều đình… Nhưng thôi, để bác sửa một bữa rượu mừng cháu, nhân tiện cho mời các bạn Kim đến chơi cho thật đông đủ, bõ lúc cháu một mình một bóng ở tận chân trời.

Và ngay sáng hôm sau, trong biệt thự của quan cố Nguyễn Thị lang, một bữa tiệc linh đình đã đặt để thết Nguyễn Mại. Ngoài Bảo Kim ra người ta còn nhận thấy trong bữa tiệc ấy sáu người bạn cùng đi chơi với Bảo Kim buổi dạ hội ở Long Trì…

Nguyễn Mại đi rồi thì phu nhân vừa dậy. Sau khi nghe Bảo Kim thuật rõ câu chuyện, phu nhân giậm chân nói:

– Thế có khổ cho anh ấy không? Mẹ đã bảo các con không nên dây đến đám Đặng Tuyên phi. Sao các con cứ lôi thôi!

Bảo Kim vừa pha trà hầu mẹ, vừa thưa:

– Thưa mẹ, thực ra chúng con có muốn lôi thôi đâu. Nhưng nó làm quá lắm.

– Đến quan đại thần nó còn không kiêng nể, huống chi là mình. Du côn thế mà Chúa tin được… Thấy nó thì tránh đi có được không, bây giờ thì làm thế nào?

– Thưa mẹ, chốc nữa con đi xem ra sao. Vả, thưa mẹ, đó chỉ là đoán phỏng đấy thôi, chứ đã biết Chúa đòi anh Mại vào việc gì? Nghe đâu khen anh Mại là trí dũng song toàn. Ngài vẫn muốn xem mặt anh Mại, vì anh là người trẻ nhất trong hàng tướng tá của ngài. Biết đâu ngài lại không triệu anh Mại vào để ban khen?

– Được thế thì hay lắm, nhưng chắc gì. Chúa bao giờ lại tiếp một viên tỳ tướng. Chắc con họ Đặng nó ton hót cái gì, nên mới có lệnh đòi anh ấy chứ. Chán quá, có làm sao thì thực khổ cho bà cụ và chị Mại, nhất là đứa con thơ.

Cụ nhấp chén nước, rồi nói tiếp:

– Nghĩ mà thương hại anh ấy. Khổ từ bé, đến bây giờ chưa hết khổ hay sao? Thực là số vất vả.

Trong khi ấy thì Nguyễn Mại rảo bước theo người thị vệ cầm đèn lồng đi trước, tới cổng phủ chúa, trời đã lờ mờ sáng. Người thị vệ vào trước. Một lúc lâu một người nội giám đi ra, cúi đầu thi lễ rồi nói:

– Tướng quân theo tôi.

Nguyễn Mại lẳng lặng theo vào. Chàng có cái cảm giác như một con chim sẻ lạc vào một nơi xa lạ và vĩ đại. Chàng bỡ ngỡ trước những lâu đài tráng lệ và quy mô hùng vĩ của phủ chúa. Càng vào càng thấy huy hoàng. Trong bốn năm chinh chiến, chàng đã luyện được lòng tự chủ. Vậy mà trước cảnh uy nghiêm tôn kính này, chàng cũng thấy rợn người…

Có tiếng ở trong sang sảng truyền ra:

– Cho vào.

Chàng theo người nội giám. Bước lên thềm, qua cánh cửa chạm rồng, qua chiếc bình phong lớn, Nguyễn Mại vào một gian phòng rộng và sâu, cột cao và cùng với sàn, đều sơn đỏ tía. Câu đối nét vàng rực rỡ. Giữa nhà có treo một cây đèn rất to, lồng trong một chiếc khung bát giác sơn son thiếp vàng và có tua rủ xuống. Đèn hãy còn thắp. Trong cùng, treo trên tường một bức thêu “Tô Vũ mục dương”, trước có kê một chiếc sập lớn. Trên sập hai bên rải đệm vóc, giữa bày chiếc kỷ. Một vị ngồi trên sập, lưng tựa vào chồng gối xếp. Nguyễn Mại nhận ra ngay là Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm mà chàng mới biết mặt trong đêm hội Long Trì. Sát vào sập có kê một chiếc ghế lớn, một vị đại thần ngồi.

Nguyễn Mại tiến đến chỗ treo đèn, chàng phủ phục và hô:

– Thiên tuế!

Và chàng nằm rạp xuống chờ lệnh. Một lúc lâu, Tĩnh Vương phán:

– Cho phép ngươi bình thân.

Chàng đứng lên. Chúa nói gì với vị đại thần, vị này nói:

– Đại vương truyền cho ngươi lại gần để Ngài hỏi chuyện.

Mại tuân lệnh. Chúa chỉ một cái đôn cách sập độ sáu thước, chéo với ghế của vị đại thần và truyền:

– Cho ngồi.

Nguyễn Mại luống cuống:

– Tâu Vương gia, lệnh trên cho phép, nhưng tiểu tướng xin được đứng hầu.

Chúa cười và nói:

– Con nhà võ mà còn khách sáo. Đây là trong nhà, không phải giữ lễ chúa tôi.

Và quay hỏi vị đại thần:

– Có phải không, Quận công?

Vị đại thần cung kính đáp:

– Đại vương đãi quần thần, thực chẳng kém chi Quang Võ.

Chúa và vị đại thần cùng cười, vui vẻ lắm.

Nguyễn Mại tự nhủ:

– Chắc không phải là việc “Cậu Trời”.

Chúa nhìn Nguyễn Mại, mặt ngài tươi tỉnh. Người võ tướng trẻ tuổi bỗng thoáng nhận thấy cả cái vẻ vừa đĩ, vừa thông minh trong khóe mắt, nụ cười của vị chúa đa tình nhất nhà Trịnh. Chàng thấy yêu và quyến luyến Tĩnh Vương. Chàng tự hỏi: ai cũng bảo Chúa nghiêm nghị và đa sát, nay mới biết thiên hạ đồn sai cả.

Tĩnh Vương thấy chàng vẫn đứng, mặt bỗng biến sắc, vẻ hòa nhã đổi ra vẻ nghiêm nghị:

– Ta đã cho ngồi, ngươi không phải giữ lễ. Giữ lễ quá thì mất cả thực thà.

Mại cúi đầu vái Tĩnh Vương và vị đại thần, rồi ngượng nghịu ngồi xuống đôn. Tĩnh Vương trỏ vị đại thần và giới thiệu:

– Ta quên chưa nói cho ngươi biết quan Huy Quận công, đốc trấn Nghệ An, mới về kinh, mộ tiếng nhà ngươi, muốn được biết mặt đã lâu. Tháng trước, vua nhà Thanh có đưa biếu ta mươi cân trà quý. Hôm nay nhân mời Quận công vào uống trà, ta sai triệu ngươi vào, vừa để biết mặt một tay dũng tướng, vừa để hỏi vài câu chuyện phương Nam.

Nguyễn Mại đứng lên vái Tĩnh Vương và Quận công và nói:

– Tâu Đại vương, thưa Các hạ, tiểu tướng là một kẻ ty tiện, vốn chỉ biết trọn đạo thần tử, không ngờ Đại vương và Các hạ quá yêu, tiểu tướng thực lấy làm thâm cảm vô cùng. Dẫu Đại vương bảo nhảy vào nước lửa, tiểu tướng cũng không dám từ nan.

Tĩnh Vương phán:

– Ngươi ngồi xuống.

Và gọi nội giám:

– Bay, pha trà.

Một người nội giám bưng một chiếc khay gỗ trắc, trên để một chiếc ấm và ba chiếc chén nhỏ đều một màu da lươn bóng loáng.

Huy Quận công tâu:

– Chẳng hay bộ này có phải của người khách Dương Bảo Sơn tiến năm xưa? Người kinh thành đều khen là một bộ trà quý giá vô cùng.

Tĩnh Vương phán:

– Đấy là bộ độc ẩm. Còn đây là bộ trà đức Bình An Vương để lại, quý hơn nhiều. Trước có bốn chén, ngày loạn Quý Hợi(1) vỡ mất một. Mỗi khi dùng bộ trà này, ta lại nhớ đến công đức tổ tông…

Huy Quận công và Nguyễn Mại cùng tâu:

– Hạ thần xin cúc cung tận tụy giúp Chúa công, và chúc ngôi báu được vững bền muôn đời.

Chúa vui vẻ, thân pha trà, và phán:

– Nhà Trịnh quả đức, được ngày nay là nhờ ở sự giúp đỡ của mọi người đó. Việc phương Nam vẫn là mối lo của tiên vương. Nay quân Nguyễn đã tan, chúa Nguyễn chạy trốn, thành Phú Xuân đã về tay ta, tiên vương được yên lòng dưới chín suối. Đó chẳng là một điều mừng cho ta sao? Từ nay ta có thể nghỉ việc binh đao, và cho thần dân được hưởng thái bình vạn đại. Chén trà này là ta mừng cho ta, và chén trà này ta thưởng cho tráng sĩ.

Nguyễn Mại run lên vì cảm động. Nội giám dâng trà. Chàng quỳ xuống lĩnh chén. Trà có một hương vị thanh khiết và thơm tho, chàng thấy nhẹ nhàng, và ân Chúa thấm nhuần trong cơ thể.

Tĩnh Vương nhấp chén trà, quay hỏi Nguyễn Mại:

– Trận đánh ở Phú Xuân thế nào?

Mại tâu:

– Tâu Chúa thượng, khi đại quân tới trước thành Phú Xuân, quân Nguyễn thề cố chết giữ thành. Quân ta và quân giặc trong ba tháng đánh nhau hơn trăm trận. Việp Quận công thân ra đốc thúc tướng sĩ, xông pha tên đạn, nhưng quân Nguyễn liều chết cố thủ, quân ta thiệt hại vô kể. Đại tướng phiền muộn, quân sĩ chán nản; lại thêm lương thực mỗi ngày mỗi cạn. Trong khi ấy thì quân Nguyễn tu bổ lại thành trì, tuyển thêm quân sĩ và viện binh của họ đã lục tục kéo đến tiếp ứng. Một hôm nhân theo Đại tướng đi úy lạo quan quân, tiểu tướng xin Đại tướng cho phép đem 100 quân bản bộ vào sau lưng thành Phú Xuân, nơi sào huyệt của giặc làm nội ứng. Thấy tiểu tướng trẻ tuổi, Đại tướng ngần ngại mãi mới cho đi. Năm ngày mới tới Phú Xuân. Vốn đã học được tiếng đường trong, tiểu tướng nghĩ ra một kế đứng ra giữa chợ, hô hào dân gian ra đầu quân phá giặc, bọn anh em tiểu tướng thì giả làm những người hăng hái ra ứng mộ. Được dẫn vào ra mắt viên đốc trấn thành Phú Xuân là Tôn Thất Tiệp, tiểu tướng dâng một bài sách phá quân Trịnh.

Tĩnh Vương và Huy Quận công cùng cười:

– Thế ra ngươi là phản quốc.

Mại cũng cười và tiếp:

– Tiểu tướng được trọng dụng ngay. Được mươi hôm, giữa đêm mồng chín tháng mười năm ngoái(2), nhân lúc mưa phùn, gió bấc, tiểu tướng truyền lệnh cho 100 quân thân tùy, mỗi người ẩn một nơi, người thì được lệnh đốt kho súng, người thì đóng vai quân hoảng sợ, phao tin quân giặc đã vào… Tiểu tướng cũng phục quân Nguyễn canh phòng nghiêm ngặt, họ không hề chểnh mảng một phút nào. Sau khi xếp đặt đâu đấy và khuyên anh em nên quên thân đền nợ nước, tiểu tướng dẫn 10 người cảm tử tới kỳ đài, giết hết lũ quân canh, rồi leo lên đỉnh, nhổ hiệu cờ quân Nguyễn, cắm cờ nhà Trịnh. Kế đó tiểu tướng bắn ba ngòi pháo thăng thiên để báo hiệu cho quân nhà. Quân ta đợi sẵn, nhất tề xông sang. Quân Nguyễn biết là có biến, lên cả mặt thành phòng ngự. Nhưng cũng vừa lúc ấy, có một tiếng nổ kinh thiên động địa, kỳ đài rung chuyển như đổ đến nơi và ở kho lương lửa bốc lên ngùn ngụt. Năm mươi anh em chạy tán loạn, kêu trời khóc đất, khiến cho quân Nguyễn phải lây cái sợ. Họ bị những viên tướng Nguyễn giết đi. Lòng tiểu tướng thắt lại. Nhưng quân Nguyễn bấy giờ đã sợ quá rồi. Tiểu tướng bắc loa đứng trên kỳ đài hô: “Bớ quân tướng nhà Nguyễn, hãy trông lá cờ Trịnh phấp phới trên đầu các ngươi! Quân ta đã vào đến trong thành, thiên binh đã tới, chống cự cũng vô ích. Đứa nào hàng thì còn được toàn tính mệnh, đứa nào chấp nê chưa tỉnh, thì đừng có trách chủ tướng ta tàn ác!”

Quân ta đã đánh lên mặt thành, trông thấy anh em xả thân vì nước, tiểu tướng đứng riêng một chỗ tự lấy làm hổ thẹn. Vì thế tiểu tướng bước xuống kỳ đài. Nhưng dưới chân đài quân Nguyễn vây kín như ong, mười người anh em của tiểu tướng bị chúng băm như cám. Phần thì thương bạn, phần thì giận giặc, phần thì cố mong muốn cho chóng thắng trận, tiểu tướng múa gươm xông vào giữa trùng vi. Quân giặc hô to: “Chính thằng Nguyễn Mại, giết chết nó đi!” Tiểu tướng nói: “Nguyễn Mại đây, đứa nào muốn chết thì trêu vào Nguyễn Mại!” Hết lớp này đến lớp khác, tiểu tướng cố sức mãi không sao ra được.

Tới khi mở được một đường máu, mới chạy được vài bước thì bị một phát tên bắn trúng đầu gối. Tiểu tướng ngã xuống, gươm bắn đi xa, quân thù xông lại đâm chém, tiểu tướng chỉ kịp kêu lên một tiếng: “Tĩnh Vương muôn tuổi” rồi không biết gì nữa. Đến khi tỉnh dậy, tiểu tướng lấy làm ngạc nhiên thấy Việp Quận công ngồi bên, tươi cười nhìn tiểu tướng và báo cho tiểu tướng biết thành Phú Xuân đã vỡ và Trương Phúc Loan đã bị bắt.

Tĩnh Vương gật đầu nói:

– Ngươi còn trẻ mà đã thừa trí dũng, lại có lòng tận trung báo quốc, thực đáng khen lắm. Chén trước ta thưởng công, chén này ta thưởng lòng dũng cảm của ngươi.

Chúa lại rót một chén nữa đưa nội giám trao cho Nguyễn Mại. Chàng quỳ xuống lĩnh. Huy Quận công nói:

– Chúa thượng đã ban ơn, thần cũng xin một chén để riêng thưởng Nguyễn tướng quân.

Tĩnh Vương phán:

– Quận công bàn phải lắm.

Chúa rót một chén đưa cho Hoàng Đình Bảo. Quận Huy đỡ lấy, quay lại trao cho Nguyễn Mại và nói:

– Đây là chén trà mừng một trang hổ tướng. Tiền trình còn dài, ngươi không nên phụ lòng ân cần của Chúa thượng.

Mại cung kính nhận lấy và thưa:

– Tiểu tướng xin đa tạ Các hạ. Nhời Các hạ, tiểu tướng xin ghi tạc vào phế phủ.

Một phút yên lặng. Nguyễn Mại biết Tĩnh Vương đang nhìn mình, chàng không dám ngước mắt, nhưng có cảm giác rằng đôi mắt ấy sáng loáng như gương. Chúa chợt hỏi:

– Ngươi có vào Nam nữa không?

Chàng đáp:

– Tâu Chúa thượng, tiểu tướng còn chờ vương lệnh.

– Nay phương Nam đã yên, việc binh nên nghỉ. Ta đã sai quan Tham tri Lê Quý Đôn vào chỉnh đốn việc cai trị. Việp Quận công cũng sắp kéo quân về Bắc. Vậy ngươi cũng không cần vào Nam nữa. Hiện kinh thành đang khuyết một chân Hộ thành binh mã sứ để giữ gìn việc trị an. Ta muốn bổ ngươi vào chức ấy. Ngươi nghĩ sao?

– Tâu Chúa thượng, tiểu tướng có phải đi thú nơi ma thiêng nước độc cũng không quản ngại, huống chi là nhận chức trọng ấy. Chỉ hiềm tiểu tướng còn trẻ tuổi, sợ phụ lòng ủy thác của Vương gia.

– Không sao. Ta chỉ cần ngươi được việc.

– Tâu Chúa thượng, kinh kỳ ba mươi sáu phố phường, người đông việc lắm, nhỡ phạm vào những nhà quyền quý, tiểu tướng có thể thi hành phép nước được không? Tiểu tướng thiết nghĩ: muốn cho dân gian được yên nghiệp làm ăn, thì những sự nhũng lạm, những kẻ lộng quyền hiếp chế, tất phải nghiêm trị…

– Đó là công việc chính đáng. Ta cho ngươi quyền ấy. Ngày mai ta sẽ tâu Thiên tử phong chức cho. Nhưng nghĩ ngươi bốn năm chinh chiến, gian lao vất vả nhiều, ta muốn cho ngươi nghỉ ít lâu để về thăm nhà. Ta nghe nói ngươi còn mẹ già, đế vương lấy hiếu trị thiên hạ, ta không nỡ để ngươi phải nhãng đạo thần hôn. Vậy ta cho ngươi nghỉ một tháng để về sum họp gia đình, rồi sẽ nhậm chức cũng không muộn.

– Tâu Chúa thượng, tiểu tướng là một kẻ bất tài mà Chúa thượng quá ân cần, thực là muôn vàn cảm kích.

Chúa truyền nội giám đem ra một cái khay, cầm lấy một gói đỏ, sai đưa cho Nguyễn Mại và phán:

– Ta ban cho ngươi một lạng quế Thanh. Quế này rất tốt, đem về làm quà cho mẹ già.

Nguyễn Mại quỳ rạp đầu xuống đất, lĩnh lấy gói quế, nước mắt giàn giụa, và tâu rằng:

– Mẹ tiểu tướng không ngờ lại được cái vinh dự Chúa ban quà. Tiểu tướng run sợ, xin thay lời mẹ, bái tạ Vương gia và chúc ngôi chúa muôn đời.

– Thôi được cho ngươi lui.

Nguyễn Mại ở trong phủ chúa đi ra, như tỉnh, như mê, máu lộng một nguồn vui sướng. Trời thu đẹp đẽ, ánh vàng rọi xuống những mái lâu đài và dinh thự. Vài đàn chim liệng trên vòm trời xanh ngắt, nhàn hạ trong buổi thanh bình. Cảnh vật như đón mừng người tráng sĩ. Chàng thu trong bọc gói quà, và lẩm bẩm: “Mẹ ơi! Vinh hạnh biết bao! Thực bõ suốt một đời lao lực!…” Trước mặt chàng là hình ảnh thân yêu của bà mẹ già đầu bạc, hiện ra giữa khung cổng lợp rơm, cả cái bóng của người vợ hiền với đứa con trai…

Chợt có tiếng gọi khiến chàng choàng tỉnh mộng. Bọn Bảo Kim đã quây quần lấy chàng hỏi chuyện. Chàng thuật lại cảnh vừa qua. Bọn Bảo Kim nhảy lên vì vui sướng. Đỗ Tuấn Giao nói:

– Anh làm cho tôi sợ hết hồn: lúc Bảo Kim đến gọi và báo tin anh bị triệu vào phủ chúa, tôi rụng rời, chắc chỉ là việc thằng chó đểu họ Đặng, ai ngờ sự thể lại xoay ra thế được, Chúa thực là một bậc thánh minh.

Trần Thành nói:

– Ngài không có bệnh tửu sắc, thiên hạ còn lo gì mà không thịnh trị?

Hoàng Đình Nghiễm nói:

– Thấy Bảo Kim tái xanh tái tía nói chuyện về anh, tôi đã đoán già rằng không phải vì việc Cậu Trời. Chả nghe đồn Chúa vẫn mong xem mặt anh đấy ư?

Đỗ Tuấn Giao nói mỉa:

– Phải, thực là tay cao kiến!

Đình Nghiễm cãi:

– Chú không biết. Hỏi Bảo Kim xem có phải thế không?

Bảo Kim vừa cười vừa nói:

– Quả có thế.

Hoàng Đình Nghiễm nói thêm:

– Thôi đừng chuyện phiếm nữa. Nay anh Nguyễn Mại đã làm cho anh em chúng ta, nhất là cho cụ bà, lo sốt vó, thì anh ấy phải tính sao cái chỗ ấy chứ? Tôi nghĩ thế này, anh em xem có ổn không? Không gì bằng anh Mại đền bọn mình một bữa chén. Nhân tiện chúng mình mừng anh ấy một thể. Bây giờ còn anh em, ít nữa chúng mình thuộc quyền hắn, nhất tự cách trùng, lúc ấy đòi hắn đền lại không chết đòn sao?

Cả bọn đồng thanh cho là phải. Nguyễn Mại âu yếm nhìn các bạn. Họ lưu luyến chàng biết bao! Trong lúc ấy chàng càng cảm thấy cái thú nồng nàn của tình bằng hữu. Chàng nói:

– Vậy thì ta đánh chén. Tôi cũng có ý ấy. Trong khi chinh chiến thỉnh thoảng tôi uống rượu, nhưng chỉ uống cho hăng, chứ không phải cho vui. Vả uống một mình thì chán lắm. Uống rượu với các bạn mới là thần tiên. Đã lâu ta không có thú ấy, nay ta lại hưởng cái thú ấy. Mấy khi chúng ta được đông đủ như thế này. Cũng phải có lúc ta vong tình trong chén rượu chứ?

Cả bọn nói:

– Phải lắm! Không ngờ nhà võ tướng còn nhớ cả thơ Lý Bạch nữa.

Bảo Kim nói:

– Anh em hãy để cho tôi nói, mẫu thân tôi lo cho anh Mại quá, cụ giục tôi đi xem sự thể ra sao. Lại nói: Nếu anh Mại không việc gì thì ta sửa một tiệc mừng anh ấy. Ý mẫu thân tôi là thế, xin các anh cứ cho thế cho tiện.

Nguyễn Mại nói:

– Không có lý lại để cho cụ mừng tôi.

Trần Thành nói:

– Không nên câu chấp, ý cụ đã ân cần với anh, anh không nên phụ. Bây giờ hãy về để cụ mừng cho anh đã, bữa khác anh thết chúng tôi cũng được.

Cả bọn đều cho là phải. Tới nhà Bảo Kim đã thấy Nguyễn phu nhân đứng chờ ngoài cổng. Nguyễn Mại bước rảo tới quỳ xuống lạy phu nhân và thưa:

– Cháu để bác lo phiền, thực là đắc tội.

Phu nhân nâng chàng dậy:

– Bác lo cho cháu quá! Chúa triệu vào có việc gì thế?

Rồi phu nhân bảo con dẫn mọi người vào phòng khách. Nguyễn Mại thuật lại đầu đuôi câu chuyện cho phu nhân, rồi tiếp:

– Cháu đội ơn Chúa ban quà cho mẹ cháu. Trộm nghĩ bác cũng như mẹ, vậy cháu xin biếu bác một nửa thanh quế này, để tỏ chút lòng kính ái.

Phu nhân nhất định từ chối. Nguyễn Mại nài thế nào cũng không được.

Một bữa tiệc lớn dọn ở Hoa Đình. Phu nhân không dự, để cho lũ trẻ được tự do, theo thói quen của phu nhân.

Rượu đã ngà ngà say, họ làm thơ tặng Nguyễn Mại. Bảo Kim vẩy bút làm một bài Hoa Đình ký để ghi buổi trùng phùng. Sau khi kể công nghiệp Nguyễn Mại, chàng tán dương tình bằng hữu, rồi tả bữa tiệc ở đình Hoa, lời văn tao nhã, ý tứ thiết tha, cử tọa đều phục là một trang tuyệt diệu.

Nguyễn Mại dốc cạn chén, đứng lên nói:

– Anh em thực là ân cần với tôi, tôi cảm kích lắm. Thơ phú không phải là nghề của tôi, đã lâu tôi bỏ từ chương. Muốn đáp lại tấm thịnh tình của các bạn, tôi xin chịu về đường văn. Nhưng về đường kiếm, tôi cũng có chút thông thạo, chi bằng tôi múa vài bài kiếm, vừa để tạ anh em, vừa để mua vui cho bữa tiệc, anh em nghĩ sao?

Cử tọa nhao nhao tán thành. Nguyễn Mại đứng lên với lấy thanh kiếm mà chàng đã treo lên trên tường trước khi vào tiệc, tuốt kiếm ra, lưỡi kiếm sáng như đèn. Mại nói:

– Đây là một bảo kiếm. Kiếm này nguyên của chúa Nguyễn ban cho Nguyễn Hữu Dật khi xưa. Việp Quận công ngày vào thành Phú Xuân, bắt được kiếm này, ban cho tôi để thưởng công. Tôi xin đem một vài miếng ra mắt anh em.

Chàng ngâm mấy câu lục bát:

Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài yên.
Từ gia lĩnh kiếm lên yên,
Sa trường đem lại một thiên anh hùng.

Bọn Bảo Kim vỗ tay khen. Bảo Kim nói:

– Anh thực là bậc phong lưu võ tướng.

Nguyễn Mại đã bước xuống thềm, ra giữa sân, trong chớp mắt chàng đã mờ trong bóng kiếm. Bọn Bảo Kim chăm chú nhìn, ngây như phỗng. Một lúc lâu, Nguyễn Mại múa xong, chàng bước lên thềm, ung dung như không nhọc mệt gì cả. Chàng tươi cười hỏi:

– Các chú nghĩ sao? Múa thế có được không?

Trần Thành nói:

– Tuyệt diệu!

Nguyễn Mại nói:

– Hỏi một anh thư sinh về đường kiếm của mình thực là gàn quá!

Cả bọn nói:

– Chúng tôi sẽ đầu bút sự nhung yên như anh cả. Xem anh múa kiếm mà thèm.

Nguyễn Mại treo kiếm, lại ngồi vào bàn tiệc. Khi tiệc gần tan, Hoàng Đình Nghiễm bỗng hỏi:

– Sau khi về thăm nhà, anh ra nhận chức. Vậy anh đã có ý kiến gì chưa? Hộ thành là một chức trọng. Sự trị an ở chốn kinh kỳ là ở trong tay anh cả.

Lưu Sĩ Trực nói:

– Mấy lão già giữ chức ấy, bênh dân thì ít mà hại dân thì nhiều. Họ sợ bọn quyền quý như hùm. Anh là ông quan Hộ thành trẻ tuổi nhất từ xưa đến giờ, anh có can đảm vì dân trừ hại không?

Nguyễn Mại nói:

– Sao lại không? Đó là ý nguyện của tôi.

Lưu Sĩ Trực hỏi:

– Lỡ gặp Cậu Trời?

– Thằng ấy à? Không gặp nó tôi cũng cố gặp nó cho bằng được. Tôi đã quyết giết nó rồi, không dung thứ được.

– Trêu vào nó thì không những chức Hộ thành mất mà đầu anh cũng mất.

– Có hề gì? Tôi đã coi thường cái chết.

Bảo Kim nói:

– Nếu thế thì…

– Kiến nghĩa bất vi vô dũng giã. Thấy nó ngang ngược mà dung túng, vì nể Tuyên phi, thì mình cũng có tội như nó còn gì?

Tiệc đã tàn. Họ cùng ngồi nói chuyện về công danh sự nghiệp và đàm luận về đạo đức văn chương.

Chiều hôm ấy, trên con đường về tỉnh Bắc, một chàng võ tướng, đeo gươm tế ngựa như bay; đó là Nguyễn Mại trở về quê thăm mẹ và vợ con. Bụi bốc mịt mù đuổi theo vó ngựa người tráng sĩ.

Thấy Chúa đòi Nguyễn Mại, mọi người đều sửng sốt. Bấy giờ mới tinh sương. Bảo Kim cùng Trần Thành, Lưu Sĩ Trực và Nguyễn Mại đang ngồi uống trà nói chuyện bên đỉnh trầm thơm.

Nguyễn Mại thản nhiên. Chàng lẩm bẩm:

– Chắc là việc hôm kia “Cậu Trời” đã ton hót với Chúa, và Chúa đòi ta vào để hỏi tội chứ gì. Thôi cứ đi.

Bảo Kim mặt thất sắc, hỏi người thị vệ:

– Bác có biết Chúa đòi việc gì không?

Người thị vệ đáp:

– Tôi cũng không biết. Có lệnh thì tôi đi, thế thôi.

Nguyễn Mại bước xuống thềm, theo người thị vệ từ biệt Trần Thành, Lưu Sĩ Trực và Bảo Kim.

Bảo Kim nói:

– Khi nào Chúa cho ra thì anh lại ngay báo tin cho tôi biết nhé. Bực nhất là không hiểu việc gì cả.

Mại cười đáp:

– Có lẽ việc ấy thôi. Nhưng dẫu chết mà nói rõ cho Chúa những cái lộng hành của thằng Đặng Lân thì cũng hả.

Bảo Kim nói:

– Tôi mong rằng không phải vì việc náo động ở Long Trì mà Chúa gọi anh. Chứ nếu thực thì…

– Thì nguy phải không?

– Vì Tuyên phi thì quá nuông em. Đặng Lân muốn gì bà cũng xin Chúa cho bằng được. Chúa chưa từ chối bà việc gì bao giờ.

– Chú không phải lo cho tôi. Tôi tự có cách khu xử.

Trần Thành nói:

– Vả không có lẽ vì một chuyện nhỏ ấy mà Chúa làm hại anh. Công lao hãn mã để đâu?

Bảo Kim tắc lưỡi, nói:

– Anh thực thà lắm. Anh chẳng thấy chán vạn người công thần chỉ vì một tội nhỏ mà chết cả đấy ư? Vua chúa có luận công bao giờ?

Nguyễn Mại nói:

– Các chú lôi thôi lắm. Để tôi đi.

Bảo Kim dùng dằng:

– Em hầu chè mẫu thân xong cũng sang phủ chúa xem sao.

Nguyễn Mại dặn:

– Đừng làm kinh động bà nhé.

Nói xong bước ra sân đi thẳng.

Nguyễn Mại với Bảo Kim là chỗ quen biết từ lâu. Hai cụ thân sinh ra hai chàng là chỗ bạn đồng khoa và hai chàng là bạn đồng song. Chẳng may Nguyễn Mại, bố mất sớm, nhà lại nghèo, nên phải thôi học. Vốn có sức hơn người, chàng khảng khái đầu quân dự cuộc Nam phạt. Mẹ chàng, vợ chàng không bằng lòng việc ấy. Mà quan Thị lang, thân phụ Bảo Kim, cũng khuyên chàng bỏ cái ý định ấy đi, và hứa sẽ cho ăn đi học. Nhưng Mại quả quyết vào Nam, và chỉ trong có mấy tháng, chàng đã lừng lẫy trong Nam ngoài Bắc. Từ chân lính trơn, chàng đã lần lượt qua hết các ngạch nhà binh, và sau bốn năm, nhảy lên hàng tướng giỏi của Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc, bậc danh tướng thời bấy giờ. Chàng được chúa Trịnh rất chú ý, nhất là vì chàng còn trẻ tuổi.

Trận đánh ở Phú Xuân chàng đã lập công đầu. Sau khi kinh đô chúa Nguyễn thất thủ, Hoàng Ngũ Phúc dâng biểu báo tiệp và sai chàng đem sổ quân công về nộp luôn thể. Về tới kinh, sau khi làm trọn công việc ủy thác của chủ tướng, chàng được tòa chưởng phủ báo tin cho rằng, nhân dịp tết Trung thu, Chúa vì quá yêu tài chàng, ban cho chàng cái đặc ân được vào dự buổi dạ hội ở Long Trì. Chàng vui sướng vô cùng, vì đó là một cái ân hãn hữu.

Nhưng cái vui nhất của chàng là đã được gặp bọn Bảo Kim, tuy họ đã gặp nhau trong một trường hợp bực tức. Sau đó thì chàng về nghỉ ở nhà Bảo Kim…

Đương khi chinh chiến trong Nam ba năm trước, chàng đã được tin quan Thị lang quá cố. Chàng biết Bảo Kim là một trang phong lưu công tử, sinh trưởng ở một nhà thế tộc trâm anh, sung sướng hơn chàng nhiều. Vậy mà chàng vẫn ái ngại cho bạn, vì Bảo Kim nhu nhược, cần phải có nhiều người che chở. Khi biết tin tang biến của bạn, để an ủi và nâng đỡ Bảo Kim, tuy ở xa, mà lúc nào chàng cũng chăm chú để ý đến người bạn thân ở chốn kinh hoa.

Thư từ của Bảo Kim và các tin tức ngoài Bắc làm cho chàng rất yên tâm và vui mừng. Chàng biết Bảo Kim đã chịu khó chăm học và đã nổi tiếng văn chương. Tuy Nguyễn Mại là người trọng thực tế, không thích hư văn và những người mơ mộng, nhưng chàng rất rộng lượng về đường ấy với Bảo Kim. Chàng lấy làm sung sướng mỗi khi nhận được thư của bạn thường có kèm theo cả những bài thơ, phú, lời lẽ rất thiết tha và trang nhã. Những lúc việc binh rỗi rãi, chàng thường mời mấy bạn sang trại mình uống rượu, và khi đã ngà ngà say chàng thường đứng dậy, cầm kiếm gõ nhịp, cất tiếng hào hùng mà ngâm thơ, phú của người bạn phương xa. Những buổi ấy là những buổi vui nhất trong đời chiến sĩ của chàng, sau những buổi một mình một ngựa tung hoành phá vỡ vòng vây.

Nguyễn Thị lang phu nhân rất yêu Nguyễn Mại, tình yêu này do ở lòng thương mà ra. Thương vì chàng nghèo khổ từ thuở bé. Trong suốt thời kỳ chàng chinh chiến trong Nam, cụ lo ngay ngáy như một người mẹ. Thấy chàng trở về trông gân guốc và uy phong, cụ hớn hở vui mừng bảo chàng:

– Bác trai khi trước cứ gàn cháu, bác cũng lấy làm lo. Nếu cháu nghe bác thì đâu được đến ngày nay? Thôi, cũng bõ cho cụ nhà và chị ấy bốn năm đằng đẵng những lo cùng sợ. Nay về kinh, Chúa thượng chưa có lệnh, hãy ở đây với bác và em may ra được về quê thăm nhà cũng không biết chừng. Thằng Dũng bây giờ lên mấy rồi nhỉ?

Mại thưa:

– Thưa bác, cháu cũng không nhớ.

Phu nhân và mọi người cười ồ lên. Cụ nói:

– Bố thế thì đem ra đánh cho chết đi. Khi cháu đi, thằng Dũng mới lên một, thì năm nay nó lên năm chứ gì. Sau này cho nó theo học võ, chứ học văn như chú Kim, trói gà không nổi thì chỉ hại cơm nước triều đình… Nhưng thôi, để bác sửa một bữa rượu mừng cháu, nhân tiện cho mời các bạn Kim đến chơi cho thật đông đủ, bõ lúc cháu một mình một bóng ở tận chân trời.

Và ngay sáng hôm sau, trong biệt thự của quan cố Nguyễn Thị lang, một bữa tiệc linh đình đã đặt để thết Nguyễn Mại. Ngoài Bảo Kim ra người ta còn nhận thấy trong bữa tiệc ấy sáu người bạn cùng đi chơi với Bảo Kim buổi dạ hội ở Long Trì…

Nguyễn Mại đi rồi thì phu nhân vừa dậy. Sau khi nghe Bảo Kim thuật rõ câu chuyện, phu nhân giậm chân nói:

– Thế có khổ cho anh ấy không? Mẹ đã bảo các con không nên dây đến đám Đặng Tuyên phi. Sao các con cứ lôi thôi!

Bảo Kim vừa pha trà hầu mẹ, vừa thưa:

– Thưa mẹ, thực ra chúng con có muốn lôi thôi đâu. Nhưng nó làm quá lắm.

– Đến quan đại thần nó còn không kiêng nể, huống chi là mình. Du côn thế mà Chúa tin được… Thấy nó thì tránh đi có được không, bây giờ thì làm thế nào?

– Thưa mẹ, chốc nữa con đi xem ra sao. Vả, thưa mẹ, đó chỉ là đoán phỏng đấy thôi, chứ đã biết Chúa đòi anh Mại vào việc gì? Nghe đâu khen anh Mại là trí dũng song toàn. Ngài vẫn muốn xem mặt anh Mại, vì anh là người trẻ nhất trong hàng tướng tá của ngài. Biết đâu ngài lại không triệu anh Mại vào để ban khen?

– Được thế thì hay lắm, nhưng chắc gì. Chúa bao giờ lại tiếp một viên tỳ tướng. Chắc con họ Đặng nó ton hót cái gì, nên mới có lệnh đòi anh ấy chứ. Chán quá, có làm sao thì thực khổ cho bà cụ và chị Mại, nhất là đứa con thơ.

Cụ nhấp chén nước, rồi nói tiếp:

– Nghĩ mà thương hại anh ấy. Khổ từ bé, đến bây giờ chưa hết khổ hay sao? Thực là số vất vả.

Trong khi ấy thì Nguyễn Mại rảo bước theo người thị vệ cầm đèn lồng đi trước, tới cổng phủ chúa, trời đã lờ mờ sáng. Người thị vệ vào trước. Một lúc lâu một người nội giám đi ra, cúi đầu thi lễ rồi nói:

– Tướng quân theo tôi.

Nguyễn Mại lẳng lặng theo vào. Chàng có cái cảm giác như một con chim sẻ lạc vào một nơi xa lạ và vĩ đại. Chàng bỡ ngỡ trước những lâu đài tráng lệ và quy mô hùng vĩ của phủ chúa. Càng vào càng thấy huy hoàng. Trong bốn năm chinh chiến, chàng đã luyện được lòng tự chủ. Vậy mà trước cảnh uy nghiêm tôn kính này, chàng cũng thấy rợn người…

Có tiếng ở trong sang sảng truyền ra:

– Cho vào.

Chàng theo người nội giám. Bước lên thềm, qua cánh cửa chạm rồng, qua chiếc bình phong lớn, Nguyễn Mại vào một gian phòng rộng và sâu, cột cao và cùng với sàn, đều sơn đỏ tía. Câu đối nét vàng rực rỡ. Giữa nhà có treo một cây đèn rất to, lồng trong một chiếc khung bát giác sơn son thiếp vàng và có tua rủ xuống. Đèn hãy còn thắp. Trong cùng, treo trên tường một bức thêu “Tô Vũ mục dương”, trước có kê một chiếc sập lớn. Trên sập hai bên rải đệm vóc, giữa bày chiếc kỷ. Một vị ngồi trên sập, lưng tựa vào chồng gối xếp. Nguyễn Mại nhận ra ngay là Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm mà chàng mới biết mặt trong đêm hội Long Trì. Sát vào sập có kê một chiếc ghế lớn, một vị đại thần ngồi.

Nguyễn Mại tiến đến chỗ treo đèn, chàng phủ phục và hô:

– Thiên tuế!

Và chàng nằm rạp xuống chờ lệnh. Một lúc lâu, Tĩnh Vương phán:

– Cho phép ngươi bình thân.

Chàng đứng lên. Chúa nói gì với vị đại thần, vị này nói:

– Đại vương truyền cho ngươi lại gần để Ngài hỏi chuyện.

Mại tuân lệnh. Chúa chỉ một cái đôn cách sập độ sáu thước, chéo với ghế của vị đại thần và truyền:

– Cho ngồi.

Nguyễn Mại luống cuống:

– Tâu Vương gia, lệnh trên cho phép, nhưng tiểu tướng xin được đứng hầu.

Chúa cười và nói:

– Con nhà võ mà còn khách sáo. Đây là trong nhà, không phải giữ lễ chúa tôi.

Và quay hỏi vị đại thần:

– Có phải không, Quận công?

Vị đại thần cung kính đáp:

– Đại vương đãi quần thần, thực chẳng kém chi Quang Võ.

Chúa và vị đại thần cùng cười, vui vẻ lắm.

Nguyễn Mại tự nhủ:

– Chắc không phải là việc “Cậu Trời”.

Chúa nhìn Nguyễn Mại, mặt ngài tươi tỉnh. Người võ tướng trẻ tuổi bỗng thoáng nhận thấy cả cái vẻ vừa đĩ, vừa thông minh trong khóe mắt, nụ cười của vị chúa đa tình nhất nhà Trịnh. Chàng thấy yêu và quyến luyến Tĩnh Vương. Chàng tự hỏi: ai cũng bảo Chúa nghiêm nghị và đa sát, nay mới biết thiên hạ đồn sai cả.

Tĩnh Vương thấy chàng vẫn đứng, mặt bỗng biến sắc, vẻ hòa nhã đổi ra vẻ nghiêm nghị:

– Ta đã cho ngồi, ngươi không phải giữ lễ. Giữ lễ quá thì mất cả thực thà.

Mại cúi đầu vái Tĩnh Vương và vị đại thần, rồi ngượng nghịu ngồi xuống đôn. Tĩnh Vương trỏ vị đại thần và giới thiệu:

– Ta quên chưa nói cho ngươi biết quan Huy Quận công, đốc trấn Nghệ An, mới về kinh, mộ tiếng nhà ngươi, muốn được biết mặt đã lâu. Tháng trước, vua nhà Thanh có đưa biếu ta mươi cân trà quý. Hôm nay nhân mời Quận công vào uống trà, ta sai triệu ngươi vào, vừa để biết mặt một tay dũng tướng, vừa để hỏi vài câu chuyện phương Nam.

Nguyễn Mại đứng lên vái Tĩnh Vương và Quận công và nói:

– Tâu Đại vương, thưa Các hạ, tiểu tướng là một kẻ ty tiện, vốn chỉ biết trọn đạo thần tử, không ngờ Đại vương và Các hạ quá yêu, tiểu tướng thực lấy làm thâm cảm vô cùng. Dẫu Đại vương bảo nhảy vào nước lửa, tiểu tướng cũng không dám từ nan.

Tĩnh Vương phán:

– Ngươi ngồi xuống.

Và gọi nội giám:

– Bay, pha trà.

Một người nội giám bưng một chiếc khay gỗ trắc, trên để một chiếc ấm và ba chiếc chén nhỏ đều một màu da lươn bóng loáng.

Huy Quận công tâu:

– Chẳng hay bộ này có phải của người khách Dương Bảo Sơn tiến năm xưa? Người kinh thành đều khen là một bộ trà quý giá vô cùng.

Tĩnh Vương phán:

– Đấy là bộ độc ẩm. Còn đây là bộ trà đức Bình An Vương để lại, quý hơn nhiều. Trước có bốn chén, ngày loạn Quý Hợi(1) vỡ mất một. Mỗi khi dùng bộ trà này, ta lại nhớ đến công đức tổ tông…

Huy Quận công và Nguyễn Mại cùng tâu:

– Hạ thần xin cúc cung tận tụy giúp Chúa công, và chúc ngôi báu được vững bền muôn đời.

Chúa vui vẻ, thân pha trà, và phán:

– Nhà Trịnh quả đức, được ngày nay là nhờ ở sự giúp đỡ của mọi người đó. Việc phương Nam vẫn là mối lo của tiên vương. Nay quân Nguyễn đã tan, chúa Nguyễn chạy trốn, thành Phú Xuân đã về tay ta, tiên vương được yên lòng dưới chín suối. Đó chẳng là một điều mừng cho ta sao? Từ nay ta có thể nghỉ việc binh đao, và cho thần dân được hưởng thái bình vạn đại. Chén trà này là ta mừng cho ta, và chén trà này ta thưởng cho tráng sĩ.

Nguyễn Mại run lên vì cảm động. Nội giám dâng trà. Chàng quỳ xuống lĩnh chén. Trà có một hương vị thanh khiết và thơm tho, chàng thấy nhẹ nhàng, và ân Chúa thấm nhuần trong cơ thể.

Tĩnh Vương nhấp chén trà, quay hỏi Nguyễn Mại:

– Trận đánh ở Phú Xuân thế nào?

Mại tâu:

– Tâu Chúa thượng, khi đại quân tới trước thành Phú Xuân, quân Nguyễn thề cố chết giữ thành. Quân ta và quân giặc trong ba tháng đánh nhau hơn trăm trận. Việp Quận công thân ra đốc thúc tướng sĩ, xông pha tên đạn, nhưng quân Nguyễn liều chết cố thủ, quân ta thiệt hại vô kể. Đại tướng phiền muộn, quân sĩ chán nản; lại thêm lương thực mỗi ngày mỗi cạn. Trong khi ấy thì quân Nguyễn tu bổ lại thành trì, tuyển thêm quân sĩ và viện binh của họ đã lục tục kéo đến tiếp ứng. Một hôm nhân theo Đại tướng đi úy lạo quan quân, tiểu tướng xin Đại tướng cho phép đem 100 quân bản bộ vào sau lưng thành Phú Xuân, nơi sào huyệt của giặc làm nội ứng. Thấy tiểu tướng trẻ tuổi, Đại tướng ngần ngại mãi mới cho đi. Năm ngày mới tới Phú Xuân. Vốn đã học được tiếng đường trong, tiểu tướng nghĩ ra một kế đứng ra giữa chợ, hô hào dân gian ra đầu quân phá giặc, bọn anh em tiểu tướng thì giả làm những người hăng hái ra ứng mộ. Được dẫn vào ra mắt viên đốc trấn thành Phú Xuân là Tôn Thất Tiệp, tiểu tướng dâng một bài sách phá quân Trịnh.

Tĩnh Vương và Huy Quận công cùng cười:

– Thế ra ngươi là phản quốc.

Mại cũng cười và tiếp:

– Tiểu tướng được trọng dụng ngay. Được mươi hôm, giữa đêm mồng chín tháng mười năm ngoái(2), nhân lúc mưa phùn, gió bấc, tiểu tướng truyền lệnh cho 100 quân thân tùy, mỗi người ẩn một nơi, người thì được lệnh đốt kho súng, người thì đóng vai quân hoảng sợ, phao tin quân giặc đã vào… Tiểu tướng cũng phục quân Nguyễn canh phòng nghiêm ngặt, họ không hề chểnh mảng một phút nào. Sau khi xếp đặt đâu đấy và khuyên anh em nên quên thân đền nợ nước, tiểu tướng dẫn 10 người cảm tử tới kỳ đài, giết hết lũ quân canh, rồi leo lên đỉnh, nhổ hiệu cờ quân Nguyễn, cắm cờ nhà Trịnh. Kế đó tiểu tướng bắn ba ngòi pháo thăng thiên để báo hiệu cho quân nhà. Quân ta đợi sẵn, nhất tề xông sang. Quân Nguyễn biết là có biến, lên cả mặt thành phòng ngự. Nhưng cũng vừa lúc ấy, có một tiếng nổ kinh thiên động địa, kỳ đài rung chuyển như đổ đến nơi và ở kho lương lửa bốc lên ngùn ngụt. Năm mươi anh em chạy tán loạn, kêu trời khóc đất, khiến cho quân Nguyễn phải lây cái sợ. Họ bị những viên tướng Nguyễn giết đi. Lòng tiểu tướng thắt lại. Nhưng quân Nguyễn bấy giờ đã sợ quá rồi. Tiểu tướng bắc loa đứng trên kỳ đài hô: “Bớ quân tướng nhà Nguyễn, hãy trông lá cờ Trịnh phấp phới trên đầu các ngươi! Quân ta đã vào đến trong thành, thiên binh đã tới, chống cự cũng vô ích. Đứa nào hàng thì còn được toàn tính mệnh, đứa nào chấp nê chưa tỉnh, thì đừng có trách chủ tướng ta tàn ác!”

Quân ta đã đánh lên mặt thành, trông thấy anh em xả thân vì nước, tiểu tướng đứng riêng một chỗ tự lấy làm hổ thẹn. Vì thế tiểu tướng bước xuống kỳ đài. Nhưng dưới chân đài quân Nguyễn vây kín như ong, mười người anh em của tiểu tướng bị chúng băm như cám. Phần thì thương bạn, phần thì giận giặc, phần thì cố mong muốn cho chóng thắng trận, tiểu tướng múa gươm xông vào giữa trùng vi. Quân giặc hô to: “Chính thằng Nguyễn Mại, giết chết nó đi!” Tiểu tướng nói: “Nguyễn Mại đây, đứa nào muốn chết thì trêu vào Nguyễn Mại!” Hết lớp này đến lớp khác, tiểu tướng cố sức mãi không sao ra được.

Tới khi mở được một đường máu, mới chạy được vài bước thì bị một phát tên bắn trúng đầu gối. Tiểu tướng ngã xuống, gươm bắn đi xa, quân thù xông lại đâm chém, tiểu tướng chỉ kịp kêu lên một tiếng: “Tĩnh Vương muôn tuổi” rồi không biết gì nữa. Đến khi tỉnh dậy, tiểu tướng lấy làm ngạc nhiên thấy Việp Quận công ngồi bên, tươi cười nhìn tiểu tướng và báo cho tiểu tướng biết thành Phú Xuân đã vỡ và Trương Phúc Loan đã bị bắt.

Tĩnh Vương gật đầu nói:

– Ngươi còn trẻ mà đã thừa trí dũng, lại có lòng tận trung báo quốc, thực đáng khen lắm. Chén trước ta thưởng công, chén này ta thưởng lòng dũng cảm của ngươi.

Chúa lại rót một chén nữa đưa nội giám trao cho Nguyễn Mại. Chàng quỳ xuống lĩnh. Huy Quận công nói:

– Chúa thượng đã ban ơn, thần cũng xin một chén để riêng thưởng Nguyễn tướng quân.

Tĩnh Vương phán:

– Quận công bàn phải lắm.

Chúa rót một chén đưa cho Hoàng Đình Bảo. Quận Huy đỡ lấy, quay lại trao cho Nguyễn Mại và nói:

– Đây là chén trà mừng một trang hổ tướng. Tiền trình còn dài, ngươi không nên phụ lòng ân cần của Chúa thượng.

Mại cung kính nhận lấy và thưa:

– Tiểu tướng xin đa tạ Các hạ. Nhời Các hạ, tiểu tướng xin ghi tạc vào phế phủ.

Một phút yên lặng. Nguyễn Mại biết Tĩnh Vương đang nhìn mình, chàng không dám ngước mắt, nhưng có cảm giác rằng đôi mắt ấy sáng loáng như gương. Chúa chợt hỏi:

– Ngươi có vào Nam nữa không?

Chàng đáp:

– Tâu Chúa thượng, tiểu tướng còn chờ vương lệnh.

– Nay phương Nam đã yên, việc binh nên nghỉ. Ta đã sai quan Tham tri Lê Quý Đôn vào chỉnh đốn việc cai trị. Việp Quận công cũng sắp kéo quân về Bắc. Vậy ngươi cũng không cần vào Nam nữa. Hiện kinh thành đang khuyết một chân Hộ thành binh mã sứ để giữ gìn việc trị an. Ta muốn bổ ngươi vào chức ấy. Ngươi nghĩ sao?

– Tâu Chúa thượng, tiểu tướng có phải đi thú nơi ma thiêng nước độc cũng không quản ngại, huống chi là nhận chức trọng ấy. Chỉ hiềm tiểu tướng còn trẻ tuổi, sợ phụ lòng ủy thác của Vương gia.

– Không sao. Ta chỉ cần ngươi được việc.

– Tâu Chúa thượng, kinh kỳ ba mươi sáu phố phường, người đông việc lắm, nhỡ phạm vào những nhà quyền quý, tiểu tướng có thể thi hành phép nước được không? Tiểu tướng thiết nghĩ: muốn cho dân gian được yên nghiệp làm ăn, thì những sự nhũng lạm, những kẻ lộng quyền hiếp chế, tất phải nghiêm trị…

– Đó là công việc chính đáng. Ta cho ngươi quyền ấy. Ngày mai ta sẽ tâu Thiên tử phong chức cho. Nhưng nghĩ ngươi bốn năm chinh chiến, gian lao vất vả nhiều, ta muốn cho ngươi nghỉ ít lâu để về thăm nhà. Ta nghe nói ngươi còn mẹ già, đế vương lấy hiếu trị thiên hạ, ta không nỡ để ngươi phải nhãng đạo thần hôn. Vậy ta cho ngươi nghỉ một tháng để về sum họp gia đình, rồi sẽ nhậm chức cũng không muộn.

– Tâu Chúa thượng, tiểu tướng là một kẻ bất tài mà Chúa thượng quá ân cần, thực là muôn vàn cảm kích.

Chúa truyền nội giám đem ra một cái khay, cầm lấy một gói đỏ, sai đưa cho Nguyễn Mại và phán:

– Ta ban cho ngươi một lạng quế Thanh. Quế này rất tốt, đem về làm quà cho mẹ già.

Nguyễn Mại quỳ rạp đầu xuống đất, lĩnh lấy gói quế, nước mắt giàn giụa, và tâu rằng:

– Mẹ tiểu tướng không ngờ lại được cái vinh dự Chúa ban quà. Tiểu tướng run sợ, xin thay lời mẹ, bái tạ Vương gia và chúc ngôi chúa muôn đời.

– Thôi được cho ngươi lui.

Nguyễn Mại ở trong phủ chúa đi ra, như tỉnh, như mê, máu lộng một nguồn vui sướng. Trời thu đẹp đẽ, ánh vàng rọi xuống những mái lâu đài và dinh thự. Vài đàn chim liệng trên vòm trời xanh ngắt, nhàn hạ trong buổi thanh bình. Cảnh vật như đón mừng người tráng sĩ. Chàng thu trong bọc gói quà, và lẩm bẩm: “Mẹ ơi! Vinh hạnh biết bao! Thực bõ suốt một đời lao lực!…” Trước mặt chàng là hình ảnh thân yêu của bà mẹ già đầu bạc, hiện ra giữa khung cổng lợp rơm, cả cái bóng của người vợ hiền với đứa con trai…

Chợt có tiếng gọi khiến chàng choàng tỉnh mộng. Bọn Bảo Kim đã quây quần lấy chàng hỏi chuyện. Chàng thuật lại cảnh vừa qua. Bọn Bảo Kim nhảy lên vì vui sướng. Đỗ Tuấn Giao nói:

– Anh làm cho tôi sợ hết hồn: lúc Bảo Kim đến gọi và báo tin anh bị triệu vào phủ chúa, tôi rụng rời, chắc chỉ là việc thằng chó đểu họ Đặng, ai ngờ sự thể lại xoay ra thế được, Chúa thực là một bậc thánh minh.

Trần Thành nói:

– Ngài không có bệnh tửu sắc, thiên hạ còn lo gì mà không thịnh trị?

Hoàng Đình Nghiễm nói:

– Thấy Bảo Kim tái xanh tái tía nói chuyện về anh, tôi đã đoán già rằng không phải vì việc Cậu Trời. Chả nghe đồn Chúa vẫn mong xem mặt anh đấy ư?

Đỗ Tuấn Giao nói mỉa:

– Phải, thực là tay cao kiến!

Đình Nghiễm cãi:

– Chú không biết. Hỏi Bảo Kim xem có phải thế không?

Bảo Kim vừa cười vừa nói:

– Quả có thế.

Hoàng Đình Nghiễm nói thêm:

– Thôi đừng chuyện phiếm nữa. Nay anh Nguyễn Mại đã làm cho anh em chúng ta, nhất là cho cụ bà, lo sốt vó, thì anh ấy phải tính sao cái chỗ ấy chứ? Tôi nghĩ thế này, anh em xem có ổn không? Không gì bằng anh Mại đền bọn mình một bữa chén. Nhân tiện chúng mình mừng anh ấy một thể. Bây giờ còn anh em, ít nữa chúng mình thuộc quyền hắn, nhất tự cách trùng, lúc ấy đòi hắn đền lại không chết đòn sao?

Cả bọn đồng thanh cho là phải. Nguyễn Mại âu yếm nhìn các bạn. Họ lưu luyến chàng biết bao! Trong lúc ấy chàng càng cảm thấy cái thú nồng nàn của tình bằng hữu. Chàng nói:

– Vậy thì ta đánh chén. Tôi cũng có ý ấy. Trong khi chinh chiến thỉnh thoảng tôi uống rượu, nhưng chỉ uống cho hăng, chứ không phải cho vui. Vả uống một mình thì chán lắm. Uống rượu với các bạn mới là thần tiên. Đã lâu ta không có thú ấy, nay ta lại hưởng cái thú ấy. Mấy khi chúng ta được đông đủ như thế này. Cũng phải có lúc ta vong tình trong chén rượu chứ?

Cả bọn nói:

– Phải lắm! Không ngờ nhà võ tướng còn nhớ cả thơ Lý Bạch nữa.

Bảo Kim nói:

– Anh em hãy để cho tôi nói, mẫu thân tôi lo cho anh Mại quá, cụ giục tôi đi xem sự thể ra sao. Lại nói: Nếu anh Mại không việc gì thì ta sửa một tiệc mừng anh ấy. Ý mẫu thân tôi là thế, xin các anh cứ cho thế cho tiện.

Nguyễn Mại nói:

– Không có lý lại để cho cụ mừng tôi.

Trần Thành nói:

– Không nên câu chấp, ý cụ đã ân cần với anh, anh không nên phụ. Bây giờ hãy về để cụ mừng cho anh đã, bữa khác anh thết chúng tôi cũng được.

Cả bọn đều cho là phải. Tới nhà Bảo Kim đã thấy Nguyễn phu nhân đứng chờ ngoài cổng. Nguyễn Mại bước rảo tới quỳ xuống lạy phu nhân và thưa:

– Cháu để bác lo phiền, thực là đắc tội.

Phu nhân nâng chàng dậy:

– Bác lo cho cháu quá! Chúa triệu vào có việc gì thế?

Rồi phu nhân bảo con dẫn mọi người vào phòng khách. Nguyễn Mại thuật lại đầu đuôi câu chuyện cho phu nhân, rồi tiếp:

– Cháu đội ơn Chúa ban quà cho mẹ cháu. Trộm nghĩ bác cũng như mẹ, vậy cháu xin biếu bác một nửa thanh quế này, để tỏ chút lòng kính ái.

Phu nhân nhất định từ chối. Nguyễn Mại nài thế nào cũng không được.

Một bữa tiệc lớn dọn ở Hoa Đình. Phu nhân không dự, để cho lũ trẻ được tự do, theo thói quen của phu nhân.

Rượu đã ngà ngà say, họ làm thơ tặng Nguyễn Mại. Bảo Kim vẩy bút làm một bài Hoa Đình ký để ghi buổi trùng phùng. Sau khi kể công nghiệp Nguyễn Mại, chàng tán dương tình bằng hữu, rồi tả bữa tiệc ở đình Hoa, lời văn tao nhã, ý tứ thiết tha, cử tọa đều phục là một trang tuyệt diệu.

Nguyễn Mại dốc cạn chén, đứng lên nói:

– Anh em thực là ân cần với tôi, tôi cảm kích lắm. Thơ phú không phải là nghề của tôi, đã lâu tôi bỏ từ chương. Muốn đáp lại tấm thịnh tình của các bạn, tôi xin chịu về đường văn. Nhưng về đường kiếm, tôi cũng có chút thông thạo, chi bằng tôi múa vài bài kiếm, vừa để tạ anh em, vừa để mua vui cho bữa tiệc, anh em nghĩ sao?

Cử tọa nhao nhao tán thành. Nguyễn Mại đứng lên với lấy thanh kiếm mà chàng đã treo lên trên tường trước khi vào tiệc, tuốt kiếm ra, lưỡi kiếm sáng như đèn. Mại nói:

– Đây là một bảo kiếm. Kiếm này nguyên của chúa Nguyễn ban cho Nguyễn Hữu Dật khi xưa. Việp Quận công ngày vào thành Phú Xuân, bắt được kiếm này, ban cho tôi để thưởng công. Tôi xin đem một vài miếng ra mắt anh em.

Chàng ngâm mấy câu lục bát:

Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài yên.
Từ gia lĩnh kiếm lên yên,
Sa trường đem lại một thiên anh hùng.

Bọn Bảo Kim vỗ tay khen. Bảo Kim nói:

– Anh thực là bậc phong lưu võ tướng.

Nguyễn Mại đã bước xuống thềm, ra giữa sân, trong chớp mắt chàng đã mờ trong bóng kiếm. Bọn Bảo Kim chăm chú nhìn, ngây như phỗng. Một lúc lâu, Nguyễn Mại múa xong, chàng bước lên thềm, ung dung như không nhọc mệt gì cả. Chàng tươi cười hỏi:

– Các chú nghĩ sao? Múa thế có được không?

Trần Thành nói:

– Tuyệt diệu!

Nguyễn Mại nói:

– Hỏi một anh thư sinh về đường kiếm của mình thực là gàn quá!

Cả bọn nói:

– Chúng tôi sẽ đầu bút sự nhung yên như anh cả. Xem anh múa kiếm mà thèm.

Nguyễn Mại treo kiếm, lại ngồi vào bàn tiệc. Khi tiệc gần tan, Hoàng Đình Nghiễm bỗng hỏi:

– Sau khi về thăm nhà, anh ra nhận chức. Vậy anh đã có ý kiến gì chưa? Hộ thành là một chức trọng. Sự trị an ở chốn kinh kỳ là ở trong tay anh cả.

Lưu Sĩ Trực nói:

– Mấy lão già giữ chức ấy, bênh dân thì ít mà hại dân thì nhiều. Họ sợ bọn quyền quý như hùm. Anh là ông quan Hộ thành trẻ tuổi nhất từ xưa đến giờ, anh có can đảm vì dân trừ hại không?

Nguyễn Mại nói:

– Sao lại không? Đó là ý nguyện của tôi.

Lưu Sĩ Trực hỏi:

– Lỡ gặp Cậu Trời?

– Thằng ấy à? Không gặp nó tôi cũng cố gặp nó cho bằng được. Tôi đã quyết giết nó rồi, không dung thứ được.

– Trêu vào nó thì không những chức Hộ thành mất mà đầu anh cũng mất.

– Có hề gì? Tôi đã coi thường cái chết.

Bảo Kim nói:

– Nếu thế thì…

– Kiến nghĩa bất vi vô dũng giã. Thấy nó ngang ngược mà dung túng, vì nể Tuyên phi, thì mình cũng có tội như nó còn gì?

Tiệc đã tàn. Họ cùng ngồi nói chuyện về công danh sự nghiệp và đàm luận về đạo đức văn chương.

Chiều hôm ấy, trên con đường về tỉnh Bắc, một chàng võ tướng, đeo gươm tế ngựa như bay; đó là Nguyễn Mại trở về quê thăm mẹ và vợ con. Bụi bốc mịt mù đuổi theo vó ngựa người tráng sĩ.

Bình luận