Đêm hội Long Trì đã hết, chỉ còn trơ nỗi tiếc mong trong lòng Quận chúa. Khi canh gà rộn rã, một hồi trống đánh kết thúc đêm vui. Quỳnh Hoa như người choàng tỉnh một giấc mộng đẹp. Nàng còn ngây ngất, chúa Tĩnh Đô hỏi nàng bằng giọng sủng chiều:
– Con ta về cung chứ?
Nàng tâu:
– Rước phụ vương xuống thuyền.
Mặt nàng bơ phờ sau một đêm không ngủ. Nàng hồi tưởng lại cảnh mơ màng trong đêm hội: những đèn muôn sắc, những trái giả sơn, những hàng quán, nàng hồi tưởng lại hình ảnh cuộc thi văn chương, vẻ phong lưu nho nhã của Bảo Kim, và như cái máy, nàng đọc mấy câu hay nhất trong bài phú Long Trì.
Chúa hỏi:
– Con còn lưu luyến cuộc vui sao?
Nàng thẹn đỏ mặt cúi gằm xuống. Chúa nói:
– Lại đợi đến sang năm.
Quỳnh Hoa giật mình. Nàng vẩn vơ có cái ý nghĩ không vui:
– Sang năm tức là không bao giờ nữa!
Nàng còn luyến tiếc đêm qua, một đêm thần tiên trên trần thế. Hình ảnh chàng công tử hào hoa lại hiện rõ trong trí nàng. Rồi liên tưởng, nàng nghĩ đến cái hôm, nhân ngày nàng theo Thái phi ra chùa Trấn Quốc làm lễ. Vừa ở kiệu phượng bước xuống, nàng đã bắt gặp đôi mắt mơ màng của chàng họ Nguyễn. Và trong suốt buổi lễ, nàng có cảm tưởng như chàng thanh niên nho nhã kia vẫn chăm chú nhìn nàng.
Thuyền ngự cặp bến, cuộc vui hoàn toàn kết liễu. Quỳnh Hoa còn thẫn thờ như chưa nỡ rời chân. Chúa mắng yêu:
– Con gái cha hư quá!
E lỡ lời, làm phật ý con, vì ngài biết rằng nàng rất hay nghĩ ngợi, chúa Tĩnh Đô nói tiếp ngay:
– Con về cung nghỉ nhé, cả một đêm không ngủ hại người lắm đấy. Con vẫn uống thuốc đấy chứ?
– Tâu phụ vương, con đã nghỉ rồi, Quốc mẫu bảo con dùng cao.
– Quốc mẫu rành thuốc hơn cha, vả dùng cao bổ lắm con ạ.
Chúa và Tuyên phi sắp lên xe. Nàng quỳ lạy cha và cúi chào Tuyên phi. Thấy nàng lúng túng mãi không lên được xe, Chúa bước xuống xe mình, chạy lại đỡ nàng. Nàng cảm động rưng rưng nước mắt. Chúa thân đẩy xe đi và bảo nàng:
– Con về nhé.
Nàng quay lại còn thấy cha ân cần nhìn theo. Tuyên phi cũng cố ý làm ra mặt lưu luyến.
Sinh trưởng giữa một nơi phú quý tột bực, Quỳnh Hoa là người hay buồn nhất trần gian. Có lẽ vì cơ thể nàng gầy yếu, nhưng cũng vì cảnh ngộ đời nàng. Mới đẻ ra nàng đã mồ côi mẹ, không được hưởng chút chăm sóc của từ mẫu. Cha nàng thương nàng rất mực, nhưng ngài thường bận việc nước, lại hay say đắm tửu sắc, không mấy lúc nhãng cuộc truy hoan; vì thế nàng thấy cha xa cách quá. Mỗi tháng, hoạ may mới được gặp một lần. Đột nhiên nàng lại tức giận những kẻ thế chân mẹ nàng, làm cho Chúa quên cả người quá cố. Nàng thầm oán Tuyên phi, người đã bước lên lầu thang sủng ái, và hiện nay chiếm đoạt cả linh hồn cha nàng. Người đàn bà tuyệt sắc kia lại là một con yêu tinh nham hiểm và dâm dật. Chính người ấy đã xui Chúa làm bao điều bạc đức, chính người ấy đã làm Chúa mang oán với thần dân, chính người ấy đã làm cho gia đình Chúa mất cả vẻ đầm ấm vui vầy. Tất cả lòng ghen ghét lại nổi dậy trong lòng người thiếu nữ…
Về đến cung riêng, nàng tắm rửa nước thơm, thay quần đổi áo. Hai thị nữ mà nàng yêu nhất và đặt tên cho là Ái Thi và Ái Nhạc đến dâng quà điểm tâm. Nàng ăn qua loa rồi lên giường nằm nghỉ. Nhưng mắt nàng không sao chợp đi được, tuy người nàng mỏi rần.
Hình ảnh Bảo Kim lại hiện ra với tất cả vẻ hào hoa phong nhã. Nàng lấy bức lụa, đọc đi đọc lại bài phú Long Trì… Chợt Ái Thi quỳ bên giường, dâng nàng một bức lụa và thưa:
– Bẩm, khi Quận chúa ra về, chúng con xếp dọn đồ đạc, thấy ở cành liễu trước cửa hàng, có một bức lụa có chữ đề. Chúng con đem về trình Quận chúa.
Nàng đón lấy mảnh lụa. Thoạt nhìn nàng đã biết rõ chữ ai rồi. Nàng đưa mắt đọc, thì là bài tứ tuyệt mà chàng thanh niên thi sĩ, với một lời văn trang nhã và ý nhị, đã viết để tặng nàng. Chàng tán dương tài sắc Quận chúa và để lộ trong chín vần cả một tấm tình luyến ái thiết tha. Càng đọc càng thấy hay, châu ngọc mỗi lúc một hiện ra, như từ trong một kho tàng vô tận, trong khi bên tai nàng, trong lòng nàng, đang dạo một điệu nhạc du dương. Quận chúa chập chờn trong giấc mộng… Nàng thiếp đi, bâng khuâng trong một thế giới đầy hoa thơm cỏ đẹp, và vang lừng những tiếng sênh ca.
Chợt nàng rú lên một tiếng hãi hùng. Thị nữ đổ lại. Quận chúa mở bừng mắt ra, thở dài, trào lệ sung sướng, miệng nhoẻn cười trước một mái tóc bạc phơ. Đấy là Quốc mẫu, mẹ chúa Tĩnh Đô, bà nội nàng. Thái phi ôm lấy cháu hỏi:
– Cháu làm sao đó?
Nàng thưa:
– Bà đến lúc nào, cháu không biết. Cháu vừa có một giấc mơ sợ lắm, bà ạ.
Nàng ôm lấy Quốc mẫu, người thân nhất trong đời nàng, người đã nuôi dạy nàng, người đã tận tâm săn sóc nàng trong những lúc nàng ốm thập tử nhất sinh, người cùng nàng chung một mối giận Tuyên phi họ Đặng.
Quốc mẫu sờ ngực nàng, vuốt tay cháu gái và nói, giọng hiền từ và thấm thía:
– Cháu cứ hay suy nghĩ lẩn thẩn, cũng vì thế mà mộng với mị luôn. Bà đã bảo từ hôm qua, cháu không nên ra chơi hội Long Trì, người đã yếu, ta phải giữ gìn. Cháu không nghe bà!
– Bà đừng giận cháu nhé. Bà giận thì còn ai yêu cháu. Bà ơi! Trong hội cháu gặp thằng Đặng Lân, em Tuyên phi. Cháu vừa nằm mê thấy nó đánh cháu…
– Ai đánh được cháu bà. Bà thì dần tan xác nó ra. Đấy, bà đã bảo cháu cứ hay nghĩ nên mới mơ mộng. Nó làm gì được cháu mà sợ.
Nàng thuật lại câu chuyện Long Trì và nói tiếp:
– Nó cậy thế Tuyên phi, làm nhiều điều tàn ác, các quan đại thần cũng phải gờm nó.
– Chỉ tại cha cháu, bà can không được.
Và hai bà cháu, trong căn phòng tĩnh mịch, nói chuyện mãi về chúa Tĩnh Đô, về Tuyên phi, về Đặng Lân, sau rốt về Nguyễn Bảo Kim và Nguyễn Mại.
Quốc mẫu thở dài:
– Không trừ được chị em họ Đặng, thì loạn mất, cháu ạ.
***
Ai ngờ cái ác mộng của Quận chúa năm sáu hôm sau lại thành sự thực. Tin phụ vương nghe lời Tuyên phi, nhận gả nàng cho Đặng Lân làm cho nàng tê tái. Tất cả triều đình và phủ liêu, trừ chúa Tĩnh Đô và Tuyên phi, ai nấy đều sửng sốt. Tin quan trọng hơn những tin đắc thắng ở phương Nam.
Quận chúa đi đi lại lại trong phòng. Nào giận cha, nào tức Tuyên phi, nào ghét Đặng Lân, nào thương Bảo Kim, nàng không sao đứng yên được một chỗ, ruột xót như bào. Các thị nữ, Ái Thi và Ái Nhạc, đều ngơ ngác không hiểu làm sao lại có sự gả bán lạ lùng này, nhất là họ biết Chúa đang để tâm kén rể cho Quận chúa. Họ nói:
– Không có lý nào. Có lẽ Ngài bị con đĩ họ Đặng cho ăn bả nên Ngài mới có sự lầm lẫn này.
Quỳnh Hoa như một người mất hồn, lắm lúc nàng như điên như dại. Lại vừa lúc Quốc mẫu về thăm quê ngoại tận Thanh Hóa. Tìm Chúa thì không sao gặp được. Những cung tần thị nữ chỉ biết ái ngại cho nàng, nhưng không thể giúp được gì cả. Nỗi đau khổ quá lớn mà người nàng nhỏ bé, linh hồn yếu ớt. Nàng không thiết ăn uống, chỉ ngồi khóc lóc từng hồi, từng trận, khóc đến nỗi bọn thị nữ tưởng như hết cơn thì nàng sẽ chết. Họ xúm quanh nàng khuyên giải. Vì động lòng thương chủ, chúng cũng khóc theo. Cung Quận chúa thành một phòng tang không người chết.
Đến khi nguôi cơn khóc, Quận chúa rên rỉ:
– Trời ơi, sao lại có sự này? Tôi làm gì nên tội? Trời hỡi trời! Chết đi cho hết kiếp là hơn. Phụ vương ơi! Sao phụ vương lại lạ lùng đến thế? Lòng từ ái của phụ vương để đâu?
Rồi động mối thương tâm, Quỳnh Hoa lại ôm bụng khóc, mặt hoa rầu héo, người đã gầy lại càng thấy gầy thêm. Giọng nàng đã khan, nói không nên tiếng. Lâu lâu lả đi, nàng mê man không biết gì nữa.
Khi Quỳnh Hoa tỉnh dậy, nàng ngạc nhiên biết bao, khi thấy Tĩnh Vương ngồi bên giường, nét mặt như bị cày bừa vì đau khổ. Tĩnh Vương tay để trên trán nàng từ bao giờ, mắt nhìn nàng không chớp. Nàng đưa mắt ngơ ngác nhìn xung quanh rồi lại nhìn Chúa.
Chúa nhận thấy ẩn trong đôi mắt con gái biết bao oán hận và van lơn.
Ngài sẽ hỏi:
– Con gái cha có làm sao không?
Quỳnh Hoa vẫn định tâm nếu gặp cha thì hỏi cho ra nhẽ, và hơn nữa, định vượt cả bổn phận làm con, nói cha cho bõ giận. Nhưng trước mặt cha, bao nhiêu ý định của nàng đều tiêu tan đi. Nàng không dám, và cùng một lúc, nàng thấy yêu cha rất mực và thương cha vô cùng.
Nghe cha hỏi, nàng thưa:
– Phụ vương vào, con không biết.
– Con nghe trong mình có khỏe không?
– Tâu phụ vương con khỏe.
– Cha nghe tin con khóc lóc, vội chạy lại. Nhưng có việc chi mà con phải khóc? Con gái cha mà lại hèn thế ư?
– Khiến phụ vương phải vất vả vì con, con thực mang tội!
– Cha tha tội cho con. Nhưng cha thấy con có ý cưỡng mệnh, làm sôi nổi cả chốn cung thì cha giận lắm. Con gái đâu lại cưỡng lời cha? Việc này, nhân dân biết, còn ra thể thống gì nữa.
Nàng cúi gằm mặt xuống, không nói một câu gì. Chúa ái ngại:
– Hay con không thuận lấy Đặng Lân, cha cũng không ép.
Đấy là ý thực của Chúa, lúc ấy nếu Quỳnh Hoa có thái độ cương quyết có lẽ Chúa cũng chiều nàng.
Nhưng Quận chúa lại tưởng là cha giận mà nói dỗi. Nàng ngước mắt nhìn cha, nàng se se trong lòng. Nàng thấy cha nàng già lắm, già quá sức nàng tưởng tượng. Mới 40 tuổi, ngài đã có vẻ nhọc mệt của người 50. Nàng hồi tưởng lại mấy năm xưa, cha nàng vẫn còn cường tráng linh lợi, uy phong lẫm liệt, đường đường là một vị chúa tể của muôn dân. Đem so sánh với bây giờ, thực là một trời một vực. Trên mặt đã chạy những nét răn, mắt đã mất vẻ tinh anh sáng quắc, và ngôn ngữ cử chỉ nhất nhất đều để lộ vẻ suy đồi. Trong thâm tâm, nàng chán ghét người đã tàn phá một cách nhanh chóng và sâu xa cả tinh thần lẫn cơ thể người cha uy vĩ của nàng, vị chủ súy của ba quân, đấng phó vương của đất Việt.
Quỳnh Hoa càng thấy thương hại cha. Nàng biết một lời từ chối của nàng sẽ làm phiền cho Chúa, và rút tuổi thọ ngài đi. Nàng không nghĩ gì đến chính nàng nữa, nàng rưng rưng nước mắt ấp úng một hồi lâu, nàng se sẽ thưa:
– Con xin tùy ý phụ vương.
Chúa thở dài, vừa bằng lòng lại vừa hối hận. Ngài vừa thương con lại vừa giận con quá phục tùng. Nén nỗi đau, Chúa phán:
– Thế mới là con gái cha chứ.
Quỳnh Hoa muốn nói lại nhưng không tiện nữa. Chúa tiếp:
– Cha là chúa tể muôn dân, cha sẽ gây dựng cho Đặng Lân và tự khắc con sẽ được sung sướng.
Quận chúa đau xót đến con tim. Nàng nghĩ: “Phụ vương lầm lắm. Có phải chỉ có thế mà con sung sướng đâu?”
Chúa Tĩnh Đô cười một cách khó nhọc, muốn đem cái cười phá tan cảnh nặng nề và tỏ cho con gái thấy tất cả lòng thương yêu của Chúa đối với nàng. Chúa lâu lâu lại hỏi:
– Con cứ yên tâm, cha không bao giờ muốn cho con khổ, con Chúa có khổ bao giờ? Con không phải lo ngại. Con muốn xin gì, cha cũng chiều ý. Con nói đi, con muốn gì?
Quỳnh Hoa nghe cha hỏi, cực quá, không nói ra được, nàng òa khóc. Chúa Tĩnh Đô thân lấy khăn tay chùi nước mắt cho con. Mắt ngài bỗng trố ra, ngài như nhận thấy hết cả tội ác của mình: Quỳnh Hoa còn quá trẻ trung ngây dại, tay nàng mảnh khảnh và xanh xao. Nhưng cùng lúc ấy cái sắc đẹp mê hồn của Tuyên phi như đứng trấn không cho ngài lùi bước. Lòng ngài chia xẻ. Những khi việc nước khó khăn nhất ngài cũng chưa bao giờ phân vân như thế! Không biết tự bao giờ, ngài để nước mắt trào ra. Mấy giọt rỏ xuống mặt Quỳnh Hoa Quận chúa.
Thấy cha khóc, Quận chúa cố trấn tĩnh lại. Nàng nức nở thưa:
– Con bất hiếu làm phiền phụ vương…
Chúa nói:
– Không… Sao con gầy thế? Phải uống thuốc mới được, con nhé.
Chúa vẫn cầm tay con, chưa bao giờ hai người được gần nhau như thế. Quỳnh Hoa càng cảm thấy chua xót khi nghĩ rằng đó là buổi cuối cùng.
Chúa đã mấy lần định đứng dậy mà không nỡ. Ngài lấy trong bọc ra một hòn ngọc mà ngài chưa rời ra bao giờ. Ngài đặt hòn ngọc vào tay Quận chúa và nói:
– Đây là hòn Dạ quang châu, quý nhất trong các ngọc, giá không biết thế nào mà kể, cha cho con.
Quận chúa lĩnh hòn ngọc, tỏ ý rất vui vẻ. Chúa hơi yên tâm, bèn đứng dậy nói:
– Cha phải đi đây, con cứ nằm yên nhé.
Nàng vùng dậy thưa:
– Phụ vương đã đi ư?
Dáng nàng lưu luyến. Chúa dùng dằng một lúc, rồi mới quả quyết bước ra, nàng sụp xuống lạy. Ngài đỡ con đứng lên, tươi cười bảo:
– Từ bây giờ cha không bắt con lạy nữa.
Quỳnh Hoa tiễn Chúa ra khỏi cửa. Hai cha con, kẻ nhìn theo, người đoái lại, Chúa đã khuất sau một nếp tường hoa. Nếu ngài quay lại, tất thấy Quỳnh Hoa mếu máo như một đứa trẻ thơ. Bàng hoàng đứng không vững, nàng lả trong tay bầy thị nữ…
Từ đấy trở đi, thái độ Quỳnh Hoa đổi hẳn. Nàng không khóc lóc nữa, để mặc đời trôi theo định mệnh. Nàng đã tìm ra một ý nghĩ để yên ủi mình: ấy là sự báo hiếu. Những lúc đau đớn nhất, tưởng như không chịu nổi cuộc đời, nàng chỉ vì ý nghĩ ấy mà còn bám vào sự sống. Tuy vậy nàng cũng không còn cảm thấy một sinh thú gì ở đời nữa.
Cho nên nàng thờ ơ với mọi việc. Thị nữ khuyên nàng nên cho người đi tìm Quốc mẫu, nhờ Quốc mẫu can thiệp cho, nàng gạt đi một cách cương quyết, mặc dầu nàng biết nếu Quốc mẫu biết rõ chuyện thế nào cũng bắt cha nàng bãi việc hôn nhân. Quốc mẫu đã bắt thì cha nàng phải vâng theo, vì cha nàng là một người chí hiếu… Ngay sau khi biết tin gả bán, nàng có những dự định táo bạo: nàng sẽ trốn đi tu ở một ngôi chùa nào tận rừng xanh núi đỏ, nàng tính cả đến việc quyên sinh cho thoát nợ trần. Nàng còn muốn giết cả Tuyên phi để trừ cho nước một cái họa tầy đình.
Bấy nhiêu ý định, nay nàng bỏ hết.
Nhưng có một việc mà nàng canh cánh trong lòng không sao khuây khoả được, ấy là mối tình của Bảo Kim đối với nàng và mối tình chớm nở của nàng đối với chàng thanh niên ấy.
Trước hết nàng tủi cho thân phận. Thật là kiếp vô duyên. Được một danh sĩ, học vấn uyên thâm, văn chương tao nhã nhất thời đem lòng luyến ái, nàng đã dệt trong trí cả một đời thơ mộng. Nàng đã tưởng tượng đến cả đêm đuốc hoa, đằm thắm, nàng cùng chàng bàn bạc chuyện văn chương. Con người nho nhã làm sao, khí phách hiên ngang biết bao! Nghĩ đến chàng phong lưu công tử ấy, nàng lại rùng mình ghê tởm liên tưởng tới gã Đặng Lân. Nàng nhắm mắt, cố xua đuổi trong trí cái hình thù ngỗ nghịch.
Nàng trách trời trách phận, cả lòng hờn ghét Tuyên phi lại nổi lên trong thâm tâm nàng. Nàng nghiến răng như muốn moi gan lôi ruột người đàn bà nham hiểm và uy quyền ấy…
Đám cưới đã định ngày, khốc hại và lạnh lùng. Quỳnh Hoa tưởng như quỷ sứ đã báo cho nàng giờ khảo đả. Đây là ngày cửa ngục mở để nàng tiến vào cõi âm ty.
Nàng sai thị nữ sắp vàng hương, ra mộ thân mẫu nàng để bái biệt. Nàng bày biện đồ cúng, đốt nến thắp hương, rồi quỳ xuống. Khói hương bốc theo khói thu, nàng lầm rầm khấn:
– Mẹ ơi! Mẹ có thấu cho tình cảnh con không? Từ lúc lọt lòng, con không được trông thấy bóng mẹ bao giờ, con đã chịu bao nhiêu nỗi thiệt. Nhưng không bao giờ con lại cần mẹ như ngày nay. Mẹ đã ngậm ngùi vì phải bỏ con, mẹ lại phải ân hận vì đã sinh một đứa con phận mỏng. Đời con đã sớm vô ích, cớ sao mẹ không cho con đi theo mẹ từ buổi sơ sinh? Con đi đây, ôi mẹ. Rồi đây, con không biết thân con ra sao, nhưng chắc nó không tươi đẹp chút nào. Phụ vương đã gả con cho một tên vô lại. Giá mẹ còn sống, có lẽ con không đến nỗi, sao mẹ đi vội thế? Phụ vương đã truyền, con chỉ có việc vâng theo: con đi đây lòng đau như cắt, đời con còn bị đầy đọa nhiều. Nhưng muôn việc tránh không khỏi số, oán trách cũng chẳng ích gì. Con đi, chỉ thương mẹ từ đây sẽ bị hương lạnh khói tàn, rêu lan, cỏ mọc, không còn ai thăm viếng nữa!…
Xúc động can tràng, nàng ôm mặt khóc, tiếng khóc não nùng, như tiếng buổi tang đầu.
Sau khi ra viếng mộ về, vì cảm xúc quá, Quỳnh Hoa sốt li bì suốt mấy ngày.
Người nàng đã xanh lại càng xanh, đã gầy lại càng gầy. Tuy vậy việc hôn nhân không vì thế mà chậm lại. Quận chúa thở dài nghĩ:
– Thôi chóng lên, càng chóng càng hay, việc đã thế đợi càng thêm khổ.
Và nàng thản nhiên chờ ngày cưới. Nhưng một đêm, trước buổi vu quy hai hôm, Quỳnh Hoa bỗng thức giấc, dạ xót như bào. Nàng mộng thấy cùng Bảo Kim bơi thuyền Hồ Tây một đêm trăng thu tuyệt đẹp. Gió thổi phiêu phiêu, chàng làm một bài thơ, hai người vừa ngâm vừa gõ mạn thuyền. Giữa phút thần tiên, nàng bừng tỉnh dậy. Người còn đê mê về giấc mộng tình. Nàng bâng khuâng vừa tiếc giấc mơ vừa ngao ngán cho đời. Nàng áp mặt vào chiếc gối mà nàng đang thêu dở cảnh hội Long Trì. Nàng định thêu hai cái đợi ngày hoa chúc, đem tặng Nguyễn Bảo Kim một chiếc. Lệ nàng giàn giụa, nàng thổn thức trong đêm khuya:
– Bảo Kim chàng hỡi!
Tiếng rên đầy ai oán… Hồn thơ rạo rực, nàng lại bên án, khêu to ngọn đèn, viết thành một bài bát cú rồi lại tả một bức thư tâm tình gửi cho Bảo Kim. Cả bài phú Long Trì, ba bài tứ tuyệt của chàng danh sĩ, nàng cũng gói lại cẩn thận. Khi ấy trời vừa rạng sáng. Nàng gọi Ái Thi vào bảo:
– Mi đem gói này đến trao cho công tử Bảo Kim.
Ái Thi đến giữa lúc Bảo Kim phiền muộn nhất. Trước chàng ngỡ là câu chuyện đùa, sau thấy quả là sự thực, chàng tê tái trong lòng. Không lấy được Quỳnh Hoa, chàng không oán hận, vì tự lượng chưa xứng với nàng. Nhưng chàng không thể tưởng tượng được rằng người ngọc kia lại về tay một gã vô lại.
Chàng đi đi lại lại trong thư phòng, khói tức bốc lên ngùn ngụt, chàng nghĩ:
– Chúa Tĩnh Đô bị con đĩ Phù Đổng làm mê hoặc quá rồi! Phải làm cho Chúa tỉnh mới được. Để thế này thì hỏng hết. Chúa hỡi, có lẽ nào Chúa lại lầm lẫn đến thế?
Các bạn Bảo Kim cũng như chàng đều ngơ ngác. Họ bỏ mặc sách vở, sao nhãng việc học, chỉ họp nhau bàn tán về chuyện Quỳnh Hoa.
Đọc thư Quận chúa, Bảo Kim bất giác rưng rưng hai hàng lệ. Nàng đã tỏ hết lòng ngưỡng mộ đối với chàng, nói rõ cảnh ngộ mình, xin vĩnh biệt cùng chàng và trả lại thơ, phú mà nàng cho là không có quyền giữ. Cuối cùng nàng khuyên chàng nên quyết chí tu thân để ra giúp nước. Bài thơ bát cú của nàng lâm ly sâu sắc, trách duyên tủi phận, mỗi chữ là một giọt lệ, mỗi câu là một tiếng thở dài.
Bảo Kim nén nỗi đau lòng, hỏi chuyện Ái Thi. Con thị nữ kể lại hết tình cảnh Quận chúa. Chàng thương hại, thán phục đạo hiếu của nàng, nhưng lại không chịu vì chỗ nàng quá phục tùng. Tiễn Ái Thi ra cổng, chàng dặn:
– Em về thưa với Quận chúa rằng ta sẽ theo hầu để bảo vệ Quận chúa.
Trở lại thư phòng, Bảo Kim ngồi phịch xuống một chiếc ghế, thở dài:
– Chúa Tĩnh Đô thực là người cha tàn nhẫn!
Giở xem bài phú Long Trì và ba bài tứ tuyệt tặng Quỳnh Hoa, lòng chàng choán một nỗi buồn tuyệt vọng:
– Quỳnh Hoa Quận chúa! Để làm chi những bài vô dụng này? Nó còn có nghĩa lý gì ở đời nữa?
Chàng lấy lửa đốt bài phú và ba bài thơ, ngao ngán nhìn theo ngọn lửa. Một chốc chỉ còn một đám tro khét lẹt. Bảo Kim chợt nghĩ:
– Thế là hết…
Chàng lầm rầm đọc tên Quỳnh Hoa và không cầm được giọt lệ.
Lúc ấy thì các bạn chàng đến tìm. Hoàng Đình Nghiễm nghiêm sắc mặt nói:
– Người quân tử không rỏ lệ bao giờ.
Bảo Kim đứng dậy, mời các bạn vào chơi và nói:
– Tôi cảm thương Quỳnh Hoa, xúc động quá nên khóc, kể cũng là nhục cho một kiếp nam nhi, nhưng thực ra cũng chỉ vì mối tình thâm trọng quá!
Họ lặng thinh. Hồi lâu Hoàng Đình Nghiễm hỏi:
– Không có lẽ để yên cho ngâu vầy hạt ngọc.
Trần Thành:
– Can Chúa thượng.
Đình Nghiễm lắc đầu:
– Không được. Tuyên phi còn đấy, can Chúa thượng vô ích. Nghe đâu các quan cũng có dâng sớ về việc này, nhưng Chúa thượng không xét.
Đỗ Tuấn Giao:
– Tôi tính không gì bằng đánh tháo cho Quận chúa.
Trần Thành:
– Ý kiến ấy hơn cả. Chỉ tiếc Nguyễn Mại không có đây.
Lưu Sĩ Trực:
– Nguyễn Mại còn sáu bảy hôm nữa mới ra nhận chức. Vả trông mong gì? Mình phải chắc ở mình mới được.
Đỗ Tuấn Giao:
– Chúng ta làm lấy là hơn cả.
Lê Bá Hổ:
– Nhưng làm cách nào? Đám cưới một bà quận chúa có phải đâu như đám cưới người thường. Không dễ đến gần cô dâu đâu. Các anh nên tính đến nước ấy. Lọt vào hàng quân lính cũng khó khăn lắm.
Hoàng Đình Nghiễm:
– Tôi tính không nên đánh tháo ngoài đường, làm loạn phép nước của Chúa thượng. Phải vào tận sào huyệt quân giặc mới được.
Cả bọn:
– Vào phủ Cậu Trời!
– Chứ sao? Các anh sợ à?
Lê Bá Hổ:
– Sợ thì không sợ, nhưng khó khăn.
– Không khó. Trong lúc cưới người ra vào tấp nập, chúng ta đi lẫn với đám đông cùng vào phủ Cậu Trời, đại náo một phen xem sao, cho nó biết tay học trò Quốc Tử Giám.
Cả bọn đáp:
– Anh Nghiễm hơn tuổi vẫn có hơn.
Vũ Hoành hỏi:
– Tôi không sợ chết. Các anh đi đâu, tôi xin theo đấy. Nhưng việc mình dự định liệu có thành không? Tôi nghe tên Đặng Lân có hàng trăm lính hầu, đứa nào cũng giỏi võ nghệ, ta có mấy người thì làm ăn gì?
Trần Thành mắng lại:
– Ai cũng do dự như anh thì việc gì xong được? Tôi nhất quyết tán thành ý kiến anh Nghiễm.
Cả bọn:
– Tán thành.
Bảo Kim cảm động vì lòng sốt sắng của các bạn. Chàng cũng biết đó là một công việc nguy hiểm, vì phủ Đặng Lân là một tòa lâu đài kiên cố, đường lối hóc hiểm, mà quân gia đầy tớ thì nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Biết thế, nhưng phần thì nóng lòng muốn cứu Quỳnh Hoa, phần thì sợ nói ra các bạn chê là nhát, Bảo Kim cứ ngồi lặng im, không tán thành mà cũng không phản đối.
Đình Nghiễm hỏi:
– Anh Kim tính thế nào?
– Tôi thì không ngại, vì đó là công việc của tôi. Tôi chỉ ngại cho các anh.
Mọi người:
– Anh không phải nói khích nữa.
– Tôi không nói khích, các anh cũng biết tính tôi. Việc ta định làm phải lắm. Nhưng tôi chỉ e chúng ta bỡ ngỡ. Ta có thể hô hào dân chúng giúp một phần, vì những người bị Cậu Trời ức hiếp nhiều không kể xiết. Họ chỉ đợi dịp là hưởng ứng ngay. Nhưng làm thế thì to chuyện quá, chúng ta sẽ mang tiếng là quân phiến loạn, đạo thần tử lẽ nào lại thế. Tôi tính thế này: cậu ấm Dương Tuấn Nghiệp biết rõ ràng đường lối trong phủ Đặng Lân. Từ hôm vợ cậu ta bị Đặng Lân đánh chết, cậu ta phiền muộn, chỉ lấy sự uống rượu làm khuây. Ta nên liên lạc với cậu ta, nhờ cậu ta làm hướng đạo, thì công việc sẽ dễ dàng hơn. Anh em tính sao?
Đỗ Tuấn Giao:
– Nên lắm. Nhưng còn việc cứu Quận chúa thì làm thế nào?
Bảo Kim đáp:
– Ta sẽ dò xem nàng ở lầu nào. Rồi một người sẽ lấy dây dòng nàng từ trên lầu xuống. Bên ngoài đã có người đợi, ta thuê sẵn một chiếc xe ngựa, vực nàng lên xe, tạm lánh về nhà anh Thành ở làng Mọc, có được không?
Trần Thành:
– Sao lại không? Vậy bây giờ cắt việc. Ai vào phủ, ai ở ngoài? Anh Kim nên ở ngoài là hơn cả.
– Sao tôi lại ở ngoài? Tôi phải vào phủ với anh em. Còn ở ngoài, không ai hơn anh Trần Thành cả.
– Tôi có sức khỏe hơn anh em, lẽ nào lại giữ chức nhàn?
– Không phải chức nhàn. Quận chúa thoát hay không là ở trong tay anh. Muốn cho cẩn thận, ta cử thêm một anh nữa giúp anh Thành.
Cả bọn:
– Cử anh Vũ Hoành. Hai người cùng ở một làng.
– Vậy thì anh Thành và anh Hoành đứng ở ngoài. Hai anh sẽ đi thuê xe. Còn anh Nghiễm, anh Hổ, anh Trực, anh Giao và tôi cùng cậu ấm Nghiệp vào trong phủ.
Trần Thành hỏi:
– Nhưng cần phải có hiệu chứ.
– Không khó gì. Tôi sẽ thổi còi ra hiệu. Còn gì nữa không?
Hoàng Đình Nghiễm:
– Ta nên tìm cách thông tin cho Quận chúa biết để Quận chúa yên tâm và khỏi kinh ngạc.
– Việc ấy tôi xin đảm nhận. Và trưa mai, trước khi khởi sự, xin anh em đến đây, uống vài chén rượu cho hăng.
Cả bọn đều nhận lời. Họ từ giã nhau, ai về nhà nấy, máu người nào cũng sôi nổi một nguồn say sưa phấn đấu.
Đêm hội Long Trì đã hết, chỉ còn trơ nỗi tiếc mong trong lòng Quận chúa. Khi canh gà rộn rã, một hồi trống đánh kết thúc đêm vui. Quỳnh Hoa như người choàng tỉnh một giấc mộng đẹp. Nàng còn ngây ngất, chúa Tĩnh Đô hỏi nàng bằng giọng sủng chiều:
– Con ta về cung chứ?
Nàng tâu:
– Rước phụ vương xuống thuyền.
Mặt nàng bơ phờ sau một đêm không ngủ. Nàng hồi tưởng lại cảnh mơ màng trong đêm hội: những đèn muôn sắc, những trái giả sơn, những hàng quán, nàng hồi tưởng lại hình ảnh cuộc thi văn chương, vẻ phong lưu nho nhã của Bảo Kim, và như cái máy, nàng đọc mấy câu hay nhất trong bài phú Long Trì.
Chúa hỏi:
– Con còn lưu luyến cuộc vui sao?
Nàng thẹn đỏ mặt cúi gằm xuống. Chúa nói:
– Lại đợi đến sang năm.
Quỳnh Hoa giật mình. Nàng vẩn vơ có cái ý nghĩ không vui:
– Sang năm tức là không bao giờ nữa!
Nàng còn luyến tiếc đêm qua, một đêm thần tiên trên trần thế. Hình ảnh chàng công tử hào hoa lại hiện rõ trong trí nàng. Rồi liên tưởng, nàng nghĩ đến cái hôm, nhân ngày nàng theo Thái phi ra chùa Trấn Quốc làm lễ. Vừa ở kiệu phượng bước xuống, nàng đã bắt gặp đôi mắt mơ màng của chàng họ Nguyễn. Và trong suốt buổi lễ, nàng có cảm tưởng như chàng thanh niên nho nhã kia vẫn chăm chú nhìn nàng.
Thuyền ngự cặp bến, cuộc vui hoàn toàn kết liễu. Quỳnh Hoa còn thẫn thờ như chưa nỡ rời chân. Chúa mắng yêu:
– Con gái cha hư quá!
E lỡ lời, làm phật ý con, vì ngài biết rằng nàng rất hay nghĩ ngợi, chúa Tĩnh Đô nói tiếp ngay:
– Con về cung nghỉ nhé, cả một đêm không ngủ hại người lắm đấy. Con vẫn uống thuốc đấy chứ?
– Tâu phụ vương, con đã nghỉ rồi, Quốc mẫu bảo con dùng cao.
– Quốc mẫu rành thuốc hơn cha, vả dùng cao bổ lắm con ạ.
Chúa và Tuyên phi sắp lên xe. Nàng quỳ lạy cha và cúi chào Tuyên phi. Thấy nàng lúng túng mãi không lên được xe, Chúa bước xuống xe mình, chạy lại đỡ nàng. Nàng cảm động rưng rưng nước mắt. Chúa thân đẩy xe đi và bảo nàng:
– Con về nhé.
Nàng quay lại còn thấy cha ân cần nhìn theo. Tuyên phi cũng cố ý làm ra mặt lưu luyến.
Sinh trưởng giữa một nơi phú quý tột bực, Quỳnh Hoa là người hay buồn nhất trần gian. Có lẽ vì cơ thể nàng gầy yếu, nhưng cũng vì cảnh ngộ đời nàng. Mới đẻ ra nàng đã mồ côi mẹ, không được hưởng chút chăm sóc của từ mẫu. Cha nàng thương nàng rất mực, nhưng ngài thường bận việc nước, lại hay say đắm tửu sắc, không mấy lúc nhãng cuộc truy hoan; vì thế nàng thấy cha xa cách quá. Mỗi tháng, hoạ may mới được gặp một lần. Đột nhiên nàng lại tức giận những kẻ thế chân mẹ nàng, làm cho Chúa quên cả người quá cố. Nàng thầm oán Tuyên phi, người đã bước lên lầu thang sủng ái, và hiện nay chiếm đoạt cả linh hồn cha nàng. Người đàn bà tuyệt sắc kia lại là một con yêu tinh nham hiểm và dâm dật. Chính người ấy đã xui Chúa làm bao điều bạc đức, chính người ấy đã làm Chúa mang oán với thần dân, chính người ấy đã làm cho gia đình Chúa mất cả vẻ đầm ấm vui vầy. Tất cả lòng ghen ghét lại nổi dậy trong lòng người thiếu nữ…
Về đến cung riêng, nàng tắm rửa nước thơm, thay quần đổi áo. Hai thị nữ mà nàng yêu nhất và đặt tên cho là Ái Thi và Ái Nhạc đến dâng quà điểm tâm. Nàng ăn qua loa rồi lên giường nằm nghỉ. Nhưng mắt nàng không sao chợp đi được, tuy người nàng mỏi rần.
Hình ảnh Bảo Kim lại hiện ra với tất cả vẻ hào hoa phong nhã. Nàng lấy bức lụa, đọc đi đọc lại bài phú Long Trì… Chợt Ái Thi quỳ bên giường, dâng nàng một bức lụa và thưa:
– Bẩm, khi Quận chúa ra về, chúng con xếp dọn đồ đạc, thấy ở cành liễu trước cửa hàng, có một bức lụa có chữ đề. Chúng con đem về trình Quận chúa.
Nàng đón lấy mảnh lụa. Thoạt nhìn nàng đã biết rõ chữ ai rồi. Nàng đưa mắt đọc, thì là bài tứ tuyệt mà chàng thanh niên thi sĩ, với một lời văn trang nhã và ý nhị, đã viết để tặng nàng. Chàng tán dương tài sắc Quận chúa và để lộ trong chín vần cả một tấm tình luyến ái thiết tha. Càng đọc càng thấy hay, châu ngọc mỗi lúc một hiện ra, như từ trong một kho tàng vô tận, trong khi bên tai nàng, trong lòng nàng, đang dạo một điệu nhạc du dương. Quận chúa chập chờn trong giấc mộng… Nàng thiếp đi, bâng khuâng trong một thế giới đầy hoa thơm cỏ đẹp, và vang lừng những tiếng sênh ca.
Chợt nàng rú lên một tiếng hãi hùng. Thị nữ đổ lại. Quận chúa mở bừng mắt ra, thở dài, trào lệ sung sướng, miệng nhoẻn cười trước một mái tóc bạc phơ. Đấy là Quốc mẫu, mẹ chúa Tĩnh Đô, bà nội nàng. Thái phi ôm lấy cháu hỏi:
– Cháu làm sao đó?
Nàng thưa:
– Bà đến lúc nào, cháu không biết. Cháu vừa có một giấc mơ sợ lắm, bà ạ.
Nàng ôm lấy Quốc mẫu, người thân nhất trong đời nàng, người đã nuôi dạy nàng, người đã tận tâm săn sóc nàng trong những lúc nàng ốm thập tử nhất sinh, người cùng nàng chung một mối giận Tuyên phi họ Đặng.
Quốc mẫu sờ ngực nàng, vuốt tay cháu gái và nói, giọng hiền từ và thấm thía:
– Cháu cứ hay suy nghĩ lẩn thẩn, cũng vì thế mà mộng với mị luôn. Bà đã bảo từ hôm qua, cháu không nên ra chơi hội Long Trì, người đã yếu, ta phải giữ gìn. Cháu không nghe bà!
– Bà đừng giận cháu nhé. Bà giận thì còn ai yêu cháu. Bà ơi! Trong hội cháu gặp thằng Đặng Lân, em Tuyên phi. Cháu vừa nằm mê thấy nó đánh cháu…
– Ai đánh được cháu bà. Bà thì dần tan xác nó ra. Đấy, bà đã bảo cháu cứ hay nghĩ nên mới mơ mộng. Nó làm gì được cháu mà sợ.
Nàng thuật lại câu chuyện Long Trì và nói tiếp:
– Nó cậy thế Tuyên phi, làm nhiều điều tàn ác, các quan đại thần cũng phải gờm nó.
– Chỉ tại cha cháu, bà can không được.
Và hai bà cháu, trong căn phòng tĩnh mịch, nói chuyện mãi về chúa Tĩnh Đô, về Tuyên phi, về Đặng Lân, sau rốt về Nguyễn Bảo Kim và Nguyễn Mại.
Quốc mẫu thở dài:
– Không trừ được chị em họ Đặng, thì loạn mất, cháu ạ.
***
Ai ngờ cái ác mộng của Quận chúa năm sáu hôm sau lại thành sự thực. Tin phụ vương nghe lời Tuyên phi, nhận gả nàng cho Đặng Lân làm cho nàng tê tái. Tất cả triều đình và phủ liêu, trừ chúa Tĩnh Đô và Tuyên phi, ai nấy đều sửng sốt. Tin quan trọng hơn những tin đắc thắng ở phương Nam.
Quận chúa đi đi lại lại trong phòng. Nào giận cha, nào tức Tuyên phi, nào ghét Đặng Lân, nào thương Bảo Kim, nàng không sao đứng yên được một chỗ, ruột xót như bào. Các thị nữ, Ái Thi và Ái Nhạc, đều ngơ ngác không hiểu làm sao lại có sự gả bán lạ lùng này, nhất là họ biết Chúa đang để tâm kén rể cho Quận chúa. Họ nói:
– Không có lý nào. Có lẽ Ngài bị con đĩ họ Đặng cho ăn bả nên Ngài mới có sự lầm lẫn này.
Quỳnh Hoa như một người mất hồn, lắm lúc nàng như điên như dại. Lại vừa lúc Quốc mẫu về thăm quê ngoại tận Thanh Hóa. Tìm Chúa thì không sao gặp được. Những cung tần thị nữ chỉ biết ái ngại cho nàng, nhưng không thể giúp được gì cả. Nỗi đau khổ quá lớn mà người nàng nhỏ bé, linh hồn yếu ớt. Nàng không thiết ăn uống, chỉ ngồi khóc lóc từng hồi, từng trận, khóc đến nỗi bọn thị nữ tưởng như hết cơn thì nàng sẽ chết. Họ xúm quanh nàng khuyên giải. Vì động lòng thương chủ, chúng cũng khóc theo. Cung Quận chúa thành một phòng tang không người chết.
Đến khi nguôi cơn khóc, Quận chúa rên rỉ:
– Trời ơi, sao lại có sự này? Tôi làm gì nên tội? Trời hỡi trời! Chết đi cho hết kiếp là hơn. Phụ vương ơi! Sao phụ vương lại lạ lùng đến thế? Lòng từ ái của phụ vương để đâu?
Rồi động mối thương tâm, Quỳnh Hoa lại ôm bụng khóc, mặt hoa rầu héo, người đã gầy lại càng thấy gầy thêm. Giọng nàng đã khan, nói không nên tiếng. Lâu lâu lả đi, nàng mê man không biết gì nữa.
Khi Quỳnh Hoa tỉnh dậy, nàng ngạc nhiên biết bao, khi thấy Tĩnh Vương ngồi bên giường, nét mặt như bị cày bừa vì đau khổ. Tĩnh Vương tay để trên trán nàng từ bao giờ, mắt nhìn nàng không chớp. Nàng đưa mắt ngơ ngác nhìn xung quanh rồi lại nhìn Chúa.
Chúa nhận thấy ẩn trong đôi mắt con gái biết bao oán hận và van lơn.
Ngài sẽ hỏi:
– Con gái cha có làm sao không?
Quỳnh Hoa vẫn định tâm nếu gặp cha thì hỏi cho ra nhẽ, và hơn nữa, định vượt cả bổn phận làm con, nói cha cho bõ giận. Nhưng trước mặt cha, bao nhiêu ý định của nàng đều tiêu tan đi. Nàng không dám, và cùng một lúc, nàng thấy yêu cha rất mực và thương cha vô cùng.
Nghe cha hỏi, nàng thưa:
– Phụ vương vào, con không biết.
– Con nghe trong mình có khỏe không?
– Tâu phụ vương con khỏe.
– Cha nghe tin con khóc lóc, vội chạy lại. Nhưng có việc chi mà con phải khóc? Con gái cha mà lại hèn thế ư?
– Khiến phụ vương phải vất vả vì con, con thực mang tội!
– Cha tha tội cho con. Nhưng cha thấy con có ý cưỡng mệnh, làm sôi nổi cả chốn cung thì cha giận lắm. Con gái đâu lại cưỡng lời cha? Việc này, nhân dân biết, còn ra thể thống gì nữa.
Nàng cúi gằm mặt xuống, không nói một câu gì. Chúa ái ngại:
– Hay con không thuận lấy Đặng Lân, cha cũng không ép.
Đấy là ý thực của Chúa, lúc ấy nếu Quỳnh Hoa có thái độ cương quyết có lẽ Chúa cũng chiều nàng.
Nhưng Quận chúa lại tưởng là cha giận mà nói dỗi. Nàng ngước mắt nhìn cha, nàng se se trong lòng. Nàng thấy cha nàng già lắm, già quá sức nàng tưởng tượng. Mới 40 tuổi, ngài đã có vẻ nhọc mệt của người 50. Nàng hồi tưởng lại mấy năm xưa, cha nàng vẫn còn cường tráng linh lợi, uy phong lẫm liệt, đường đường là một vị chúa tể của muôn dân. Đem so sánh với bây giờ, thực là một trời một vực. Trên mặt đã chạy những nét răn, mắt đã mất vẻ tinh anh sáng quắc, và ngôn ngữ cử chỉ nhất nhất đều để lộ vẻ suy đồi. Trong thâm tâm, nàng chán ghét người đã tàn phá một cách nhanh chóng và sâu xa cả tinh thần lẫn cơ thể người cha uy vĩ của nàng, vị chủ súy của ba quân, đấng phó vương của đất Việt.
Quỳnh Hoa càng thấy thương hại cha. Nàng biết một lời từ chối của nàng sẽ làm phiền cho Chúa, và rút tuổi thọ ngài đi. Nàng không nghĩ gì đến chính nàng nữa, nàng rưng rưng nước mắt ấp úng một hồi lâu, nàng se sẽ thưa:
– Con xin tùy ý phụ vương.
Chúa thở dài, vừa bằng lòng lại vừa hối hận. Ngài vừa thương con lại vừa giận con quá phục tùng. Nén nỗi đau, Chúa phán:
– Thế mới là con gái cha chứ.
Quỳnh Hoa muốn nói lại nhưng không tiện nữa. Chúa tiếp:
– Cha là chúa tể muôn dân, cha sẽ gây dựng cho Đặng Lân và tự khắc con sẽ được sung sướng.
Quận chúa đau xót đến con tim. Nàng nghĩ: “Phụ vương lầm lắm. Có phải chỉ có thế mà con sung sướng đâu?”
Chúa Tĩnh Đô cười một cách khó nhọc, muốn đem cái cười phá tan cảnh nặng nề và tỏ cho con gái thấy tất cả lòng thương yêu của Chúa đối với nàng. Chúa lâu lâu lại hỏi:
– Con cứ yên tâm, cha không bao giờ muốn cho con khổ, con Chúa có khổ bao giờ? Con không phải lo ngại. Con muốn xin gì, cha cũng chiều ý. Con nói đi, con muốn gì?
Quỳnh Hoa nghe cha hỏi, cực quá, không nói ra được, nàng òa khóc. Chúa Tĩnh Đô thân lấy khăn tay chùi nước mắt cho con. Mắt ngài bỗng trố ra, ngài như nhận thấy hết cả tội ác của mình: Quỳnh Hoa còn quá trẻ trung ngây dại, tay nàng mảnh khảnh và xanh xao. Nhưng cùng lúc ấy cái sắc đẹp mê hồn của Tuyên phi như đứng trấn không cho ngài lùi bước. Lòng ngài chia xẻ. Những khi việc nước khó khăn nhất ngài cũng chưa bao giờ phân vân như thế! Không biết tự bao giờ, ngài để nước mắt trào ra. Mấy giọt rỏ xuống mặt Quỳnh Hoa Quận chúa.
Thấy cha khóc, Quận chúa cố trấn tĩnh lại. Nàng nức nở thưa:
– Con bất hiếu làm phiền phụ vương…
Chúa nói:
– Không… Sao con gầy thế? Phải uống thuốc mới được, con nhé.
Chúa vẫn cầm tay con, chưa bao giờ hai người được gần nhau như thế. Quỳnh Hoa càng cảm thấy chua xót khi nghĩ rằng đó là buổi cuối cùng.
Chúa đã mấy lần định đứng dậy mà không nỡ. Ngài lấy trong bọc ra một hòn ngọc mà ngài chưa rời ra bao giờ. Ngài đặt hòn ngọc vào tay Quận chúa và nói:
– Đây là hòn Dạ quang châu, quý nhất trong các ngọc, giá không biết thế nào mà kể, cha cho con.
Quận chúa lĩnh hòn ngọc, tỏ ý rất vui vẻ. Chúa hơi yên tâm, bèn đứng dậy nói:
– Cha phải đi đây, con cứ nằm yên nhé.
Nàng vùng dậy thưa:
– Phụ vương đã đi ư?
Dáng nàng lưu luyến. Chúa dùng dằng một lúc, rồi mới quả quyết bước ra, nàng sụp xuống lạy. Ngài đỡ con đứng lên, tươi cười bảo:
– Từ bây giờ cha không bắt con lạy nữa.
Quỳnh Hoa tiễn Chúa ra khỏi cửa. Hai cha con, kẻ nhìn theo, người đoái lại, Chúa đã khuất sau một nếp tường hoa. Nếu ngài quay lại, tất thấy Quỳnh Hoa mếu máo như một đứa trẻ thơ. Bàng hoàng đứng không vững, nàng lả trong tay bầy thị nữ…
Từ đấy trở đi, thái độ Quỳnh Hoa đổi hẳn. Nàng không khóc lóc nữa, để mặc đời trôi theo định mệnh. Nàng đã tìm ra một ý nghĩ để yên ủi mình: ấy là sự báo hiếu. Những lúc đau đớn nhất, tưởng như không chịu nổi cuộc đời, nàng chỉ vì ý nghĩ ấy mà còn bám vào sự sống. Tuy vậy nàng cũng không còn cảm thấy một sinh thú gì ở đời nữa.
Cho nên nàng thờ ơ với mọi việc. Thị nữ khuyên nàng nên cho người đi tìm Quốc mẫu, nhờ Quốc mẫu can thiệp cho, nàng gạt đi một cách cương quyết, mặc dầu nàng biết nếu Quốc mẫu biết rõ chuyện thế nào cũng bắt cha nàng bãi việc hôn nhân. Quốc mẫu đã bắt thì cha nàng phải vâng theo, vì cha nàng là một người chí hiếu… Ngay sau khi biết tin gả bán, nàng có những dự định táo bạo: nàng sẽ trốn đi tu ở một ngôi chùa nào tận rừng xanh núi đỏ, nàng tính cả đến việc quyên sinh cho thoát nợ trần. Nàng còn muốn giết cả Tuyên phi để trừ cho nước một cái họa tầy đình.
Bấy nhiêu ý định, nay nàng bỏ hết.
Nhưng có một việc mà nàng canh cánh trong lòng không sao khuây khoả được, ấy là mối tình của Bảo Kim đối với nàng và mối tình chớm nở của nàng đối với chàng thanh niên ấy.
Trước hết nàng tủi cho thân phận. Thật là kiếp vô duyên. Được một danh sĩ, học vấn uyên thâm, văn chương tao nhã nhất thời đem lòng luyến ái, nàng đã dệt trong trí cả một đời thơ mộng. Nàng đã tưởng tượng đến cả đêm đuốc hoa, đằm thắm, nàng cùng chàng bàn bạc chuyện văn chương. Con người nho nhã làm sao, khí phách hiên ngang biết bao! Nghĩ đến chàng phong lưu công tử ấy, nàng lại rùng mình ghê tởm liên tưởng tới gã Đặng Lân. Nàng nhắm mắt, cố xua đuổi trong trí cái hình thù ngỗ nghịch.
Nàng trách trời trách phận, cả lòng hờn ghét Tuyên phi lại nổi lên trong thâm tâm nàng. Nàng nghiến răng như muốn moi gan lôi ruột người đàn bà nham hiểm và uy quyền ấy…
Đám cưới đã định ngày, khốc hại và lạnh lùng. Quỳnh Hoa tưởng như quỷ sứ đã báo cho nàng giờ khảo đả. Đây là ngày cửa ngục mở để nàng tiến vào cõi âm ty.
Nàng sai thị nữ sắp vàng hương, ra mộ thân mẫu nàng để bái biệt. Nàng bày biện đồ cúng, đốt nến thắp hương, rồi quỳ xuống. Khói hương bốc theo khói thu, nàng lầm rầm khấn:
– Mẹ ơi! Mẹ có thấu cho tình cảnh con không? Từ lúc lọt lòng, con không được trông thấy bóng mẹ bao giờ, con đã chịu bao nhiêu nỗi thiệt. Nhưng không bao giờ con lại cần mẹ như ngày nay. Mẹ đã ngậm ngùi vì phải bỏ con, mẹ lại phải ân hận vì đã sinh một đứa con phận mỏng. Đời con đã sớm vô ích, cớ sao mẹ không cho con đi theo mẹ từ buổi sơ sinh? Con đi đây, ôi mẹ. Rồi đây, con không biết thân con ra sao, nhưng chắc nó không tươi đẹp chút nào. Phụ vương đã gả con cho một tên vô lại. Giá mẹ còn sống, có lẽ con không đến nỗi, sao mẹ đi vội thế? Phụ vương đã truyền, con chỉ có việc vâng theo: con đi đây lòng đau như cắt, đời con còn bị đầy đọa nhiều. Nhưng muôn việc tránh không khỏi số, oán trách cũng chẳng ích gì. Con đi, chỉ thương mẹ từ đây sẽ bị hương lạnh khói tàn, rêu lan, cỏ mọc, không còn ai thăm viếng nữa!…
Xúc động can tràng, nàng ôm mặt khóc, tiếng khóc não nùng, như tiếng buổi tang đầu.
Sau khi ra viếng mộ về, vì cảm xúc quá, Quỳnh Hoa sốt li bì suốt mấy ngày.
Người nàng đã xanh lại càng xanh, đã gầy lại càng gầy. Tuy vậy việc hôn nhân không vì thế mà chậm lại. Quận chúa thở dài nghĩ:
– Thôi chóng lên, càng chóng càng hay, việc đã thế đợi càng thêm khổ.
Và nàng thản nhiên chờ ngày cưới. Nhưng một đêm, trước buổi vu quy hai hôm, Quỳnh Hoa bỗng thức giấc, dạ xót như bào. Nàng mộng thấy cùng Bảo Kim bơi thuyền Hồ Tây một đêm trăng thu tuyệt đẹp. Gió thổi phiêu phiêu, chàng làm một bài thơ, hai người vừa ngâm vừa gõ mạn thuyền. Giữa phút thần tiên, nàng bừng tỉnh dậy. Người còn đê mê về giấc mộng tình. Nàng bâng khuâng vừa tiếc giấc mơ vừa ngao ngán cho đời. Nàng áp mặt vào chiếc gối mà nàng đang thêu dở cảnh hội Long Trì. Nàng định thêu hai cái đợi ngày hoa chúc, đem tặng Nguyễn Bảo Kim một chiếc. Lệ nàng giàn giụa, nàng thổn thức trong đêm khuya:
– Bảo Kim chàng hỡi!
Tiếng rên đầy ai oán… Hồn thơ rạo rực, nàng lại bên án, khêu to ngọn đèn, viết thành một bài bát cú rồi lại tả một bức thư tâm tình gửi cho Bảo Kim. Cả bài phú Long Trì, ba bài tứ tuyệt của chàng danh sĩ, nàng cũng gói lại cẩn thận. Khi ấy trời vừa rạng sáng. Nàng gọi Ái Thi vào bảo:
– Mi đem gói này đến trao cho công tử Bảo Kim.
Ái Thi đến giữa lúc Bảo Kim phiền muộn nhất. Trước chàng ngỡ là câu chuyện đùa, sau thấy quả là sự thực, chàng tê tái trong lòng. Không lấy được Quỳnh Hoa, chàng không oán hận, vì tự lượng chưa xứng với nàng. Nhưng chàng không thể tưởng tượng được rằng người ngọc kia lại về tay một gã vô lại.
Chàng đi đi lại lại trong thư phòng, khói tức bốc lên ngùn ngụt, chàng nghĩ:
– Chúa Tĩnh Đô bị con đĩ Phù Đổng làm mê hoặc quá rồi! Phải làm cho Chúa tỉnh mới được. Để thế này thì hỏng hết. Chúa hỡi, có lẽ nào Chúa lại lầm lẫn đến thế?
Các bạn Bảo Kim cũng như chàng đều ngơ ngác. Họ bỏ mặc sách vở, sao nhãng việc học, chỉ họp nhau bàn tán về chuyện Quỳnh Hoa.
Đọc thư Quận chúa, Bảo Kim bất giác rưng rưng hai hàng lệ. Nàng đã tỏ hết lòng ngưỡng mộ đối với chàng, nói rõ cảnh ngộ mình, xin vĩnh biệt cùng chàng và trả lại thơ, phú mà nàng cho là không có quyền giữ. Cuối cùng nàng khuyên chàng nên quyết chí tu thân để ra giúp nước. Bài thơ bát cú của nàng lâm ly sâu sắc, trách duyên tủi phận, mỗi chữ là một giọt lệ, mỗi câu là một tiếng thở dài.
Bảo Kim nén nỗi đau lòng, hỏi chuyện Ái Thi. Con thị nữ kể lại hết tình cảnh Quận chúa. Chàng thương hại, thán phục đạo hiếu của nàng, nhưng lại không chịu vì chỗ nàng quá phục tùng. Tiễn Ái Thi ra cổng, chàng dặn:
– Em về thưa với Quận chúa rằng ta sẽ theo hầu để bảo vệ Quận chúa.
Trở lại thư phòng, Bảo Kim ngồi phịch xuống một chiếc ghế, thở dài:
– Chúa Tĩnh Đô thực là người cha tàn nhẫn!
Giở xem bài phú Long Trì và ba bài tứ tuyệt tặng Quỳnh Hoa, lòng chàng choán một nỗi buồn tuyệt vọng:
– Quỳnh Hoa Quận chúa! Để làm chi những bài vô dụng này? Nó còn có nghĩa lý gì ở đời nữa?
Chàng lấy lửa đốt bài phú và ba bài thơ, ngao ngán nhìn theo ngọn lửa. Một chốc chỉ còn một đám tro khét lẹt. Bảo Kim chợt nghĩ:
– Thế là hết…
Chàng lầm rầm đọc tên Quỳnh Hoa và không cầm được giọt lệ.
Lúc ấy thì các bạn chàng đến tìm. Hoàng Đình Nghiễm nghiêm sắc mặt nói:
– Người quân tử không rỏ lệ bao giờ.
Bảo Kim đứng dậy, mời các bạn vào chơi và nói:
– Tôi cảm thương Quỳnh Hoa, xúc động quá nên khóc, kể cũng là nhục cho một kiếp nam nhi, nhưng thực ra cũng chỉ vì mối tình thâm trọng quá!
Họ lặng thinh. Hồi lâu Hoàng Đình Nghiễm hỏi:
– Không có lẽ để yên cho ngâu vầy hạt ngọc.
Trần Thành:
– Can Chúa thượng.
Đình Nghiễm lắc đầu:
– Không được. Tuyên phi còn đấy, can Chúa thượng vô ích. Nghe đâu các quan cũng có dâng sớ về việc này, nhưng Chúa thượng không xét.
Đỗ Tuấn Giao:
– Tôi tính không gì bằng đánh tháo cho Quận chúa.
Trần Thành:
– Ý kiến ấy hơn cả. Chỉ tiếc Nguyễn Mại không có đây.
Lưu Sĩ Trực:
– Nguyễn Mại còn sáu bảy hôm nữa mới ra nhận chức. Vả trông mong gì? Mình phải chắc ở mình mới được.
Đỗ Tuấn Giao:
– Chúng ta làm lấy là hơn cả.
Lê Bá Hổ:
– Nhưng làm cách nào? Đám cưới một bà quận chúa có phải đâu như đám cưới người thường. Không dễ đến gần cô dâu đâu. Các anh nên tính đến nước ấy. Lọt vào hàng quân lính cũng khó khăn lắm.
Hoàng Đình Nghiễm:
– Tôi tính không nên đánh tháo ngoài đường, làm loạn phép nước của Chúa thượng. Phải vào tận sào huyệt quân giặc mới được.
Cả bọn:
– Vào phủ Cậu Trời!
– Chứ sao? Các anh sợ à?
Lê Bá Hổ:
– Sợ thì không sợ, nhưng khó khăn.
– Không khó. Trong lúc cưới người ra vào tấp nập, chúng ta đi lẫn với đám đông cùng vào phủ Cậu Trời, đại náo một phen xem sao, cho nó biết tay học trò Quốc Tử Giám.
Cả bọn đáp:
– Anh Nghiễm hơn tuổi vẫn có hơn.
Vũ Hoành hỏi:
– Tôi không sợ chết. Các anh đi đâu, tôi xin theo đấy. Nhưng việc mình dự định liệu có thành không? Tôi nghe tên Đặng Lân có hàng trăm lính hầu, đứa nào cũng giỏi võ nghệ, ta có mấy người thì làm ăn gì?
Trần Thành mắng lại:
– Ai cũng do dự như anh thì việc gì xong được? Tôi nhất quyết tán thành ý kiến anh Nghiễm.
Cả bọn:
– Tán thành.
Bảo Kim cảm động vì lòng sốt sắng của các bạn. Chàng cũng biết đó là một công việc nguy hiểm, vì phủ Đặng Lân là một tòa lâu đài kiên cố, đường lối hóc hiểm, mà quân gia đầy tớ thì nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Biết thế, nhưng phần thì nóng lòng muốn cứu Quỳnh Hoa, phần thì sợ nói ra các bạn chê là nhát, Bảo Kim cứ ngồi lặng im, không tán thành mà cũng không phản đối.
Đình Nghiễm hỏi:
– Anh Kim tính thế nào?
– Tôi thì không ngại, vì đó là công việc của tôi. Tôi chỉ ngại cho các anh.
Mọi người:
– Anh không phải nói khích nữa.
– Tôi không nói khích, các anh cũng biết tính tôi. Việc ta định làm phải lắm. Nhưng tôi chỉ e chúng ta bỡ ngỡ. Ta có thể hô hào dân chúng giúp một phần, vì những người bị Cậu Trời ức hiếp nhiều không kể xiết. Họ chỉ đợi dịp là hưởng ứng ngay. Nhưng làm thế thì to chuyện quá, chúng ta sẽ mang tiếng là quân phiến loạn, đạo thần tử lẽ nào lại thế. Tôi tính thế này: cậu ấm Dương Tuấn Nghiệp biết rõ ràng đường lối trong phủ Đặng Lân. Từ hôm vợ cậu ta bị Đặng Lân đánh chết, cậu ta phiền muộn, chỉ lấy sự uống rượu làm khuây. Ta nên liên lạc với cậu ta, nhờ cậu ta làm hướng đạo, thì công việc sẽ dễ dàng hơn. Anh em tính sao?
Đỗ Tuấn Giao:
– Nên lắm. Nhưng còn việc cứu Quận chúa thì làm thế nào?
Bảo Kim đáp:
– Ta sẽ dò xem nàng ở lầu nào. Rồi một người sẽ lấy dây dòng nàng từ trên lầu xuống. Bên ngoài đã có người đợi, ta thuê sẵn một chiếc xe ngựa, vực nàng lên xe, tạm lánh về nhà anh Thành ở làng Mọc, có được không?
Trần Thành:
– Sao lại không? Vậy bây giờ cắt việc. Ai vào phủ, ai ở ngoài? Anh Kim nên ở ngoài là hơn cả.
– Sao tôi lại ở ngoài? Tôi phải vào phủ với anh em. Còn ở ngoài, không ai hơn anh Trần Thành cả.
– Tôi có sức khỏe hơn anh em, lẽ nào lại giữ chức nhàn?
– Không phải chức nhàn. Quận chúa thoát hay không là ở trong tay anh. Muốn cho cẩn thận, ta cử thêm một anh nữa giúp anh Thành.
Cả bọn:
– Cử anh Vũ Hoành. Hai người cùng ở một làng.
– Vậy thì anh Thành và anh Hoành đứng ở ngoài. Hai anh sẽ đi thuê xe. Còn anh Nghiễm, anh Hổ, anh Trực, anh Giao và tôi cùng cậu ấm Nghiệp vào trong phủ.
Trần Thành hỏi:
– Nhưng cần phải có hiệu chứ.
– Không khó gì. Tôi sẽ thổi còi ra hiệu. Còn gì nữa không?
Hoàng Đình Nghiễm:
– Ta nên tìm cách thông tin cho Quận chúa biết để Quận chúa yên tâm và khỏi kinh ngạc.
– Việc ấy tôi xin đảm nhận. Và trưa mai, trước khi khởi sự, xin anh em đến đây, uống vài chén rượu cho hăng.
Cả bọn đều nhận lời. Họ từ giã nhau, ai về nhà nấy, máu người nào cũng sôi nổi một nguồn say sưa phấn đấu.