Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đức Phật Trong Ba Lô

Chương 1: Gia Đình

Tác giả: Daisaku Ikeda

CHA MẸ HAY LA RẦY

Bố mẹ lúc nào cũng mắng chửi cháu làm cháu không muốn ở nhà mình nữa!

Tôi đã nghe điều này không biết bao nhiêu lần! Trong khi, một số bạn yêu quý bố mẹ và gia đình của mình thì một số khác lại thấy cáu giận bố mẹ vì cứ luôn ép buộc, áp đặt con cái. Dẫn đến, một số bạn sống khép mình và không muốn giao tiếp với bố mẹ nữa.

Tôi cũng tranh cãi với mẹ hết lần này đến lần khác về việc tôi lựa chọn sống cuộc đời mình như thế nào. Tôi thường nói: “Để con yên! Để con làm theo cách của con!”

Các ông bố, bà mẹ dường như lúc nào cũng gây khó dễ với con cái. Từ hàng tỉ năm nay, các bà mẹ vẫn thường nói những câu như: “Làm bài tập của con đi!”, “Tắt vô tuyến đi!”, “Dậy ngay không muộn bây giờ!”. Đó không phải là điều chúng ta có thể thay đổi. Nhưng các bạn sẽ hiểu bố mẹ cảm thấy thế nào khi các bạn làm cha làm mẹ.

Vì thế sự rộng lượng của các bạn là rất quan trọng. Khi bố hay mẹ mắng mỏ bạn, bạn có thể nghĩ: “Giọng nói khỏe chứng tỏ mẹ khỏe mạnh; tuyệt”, hay “Bố đang thể hiện tình yêu với mình. Thật đáng trân trọng.” Khả năng nhìn nhận bố mẹ theo cách này là một dấu hiệu chứng tỏ bạn đang trưởng thành lên rồi đấy.

Trong cuộc sống của các loài vật, bố mẹ dạy cho con làm sao để tồn tại – cách săn mồi, cách ăn, v.v… Cũng như thế, bố mẹ dạy dỗ chúng ta rất nhiều điều, đưa chúng ta đi đúng hướng. Đây là điều chúng ta sẽ dần thấy biết ơn khi chính mình trở thành người lớn.

Có một câu chuyện nổi tiếng về một chàng trai buồn rầu ngồi tuyệt vọng bên đường sau khi cãi nhau với cha. Anh tin rằng cha mình là một người thiển cận, bất công và ngu ngốc. Một người quen lớn tuổi tới, đoán được nỗi buồn của anh, nói: “Hồi bác tầm 18 tuổi, bố bác toàn nói với bác những điều đần độn, ngớ ngẩn làm bác sôi máu. Bác phát ốm lên vì phải nghe những điều như thế. Nhưng mười năm sau, bác bắt đầu cảm thấy những điều bố nói rất có ý nghĩa. Bác đã tự hỏi: “Bố trở nên thông thái như vậy từ bao giờ nhỉ?”

Tôi nghĩ, quan trọng là ở chỗ các bạn biết sử dụng chính hiểu biết của mình để tránh xung đột với cha mẹ. Hơn thế nữa, đôi khi cha mẹ sẽ cãi nhau, điều khôn ngoan nhất là bạn đừng nên can thiệp.

Tại sao bố mẹ lúc nào cũng phê phán quần áo đầu tóc của cháu? Đấy là cách cháu thể hiện cá tính của mình mà.

Tôi có thể hình dung khá rõ rằng bạn cảm thấy cá tính của mình không được bộc lộ nếu bạn bị buộc phải làm điều cha mẹ muốn. Tuy nhiên, thể hiện cá tính và đơn thuần là chống đối vì mục đích chống đối là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Là một phần của tập thể lớn – như gia đình hay tập thể xã hội – việc chúng ta có được tinh thần và trí tuệ để hòa hợp với mọi người là điều rất quan trọng. Linh hoạt và chấp nhận nhiều quan điểm khác nhau là dấu hiệu của một ý thức vững vàng về bản thân. Thay vì mù quáng lao theo đám đông hay mù quáng chống lại nó, tìm kiếm sự cân bằng và đồng điệu là điều tối quan trọng.

Sẽ là một sai lầm lớn nếu để bản thân trở thành người chỉ biết nghĩ đến mình và vô tình với những người xung quanh. Chẳng ai là một hòn đảo cả. Vây quanh chúng ta là gia đình, bạn bè và phần còn lại của thế giới. Tất cả chúng ta đều có liên hệ với nhau. Chìa khóa của vấn đề là thể hiện cá tính của chúng ta trong khi vẫn sống chan hòa dưới tấm lưới của các mối quan hệ đó.

Cá tính thực sự không có nghĩa coi mình là trung tâm. Đó là cách sống dẫn dắt chính chúng ta và những người khác theo chiều hướng tích cực bằng những cách tự nhiên nhất.

Mọi thứ cháu muốn làm đều đòi hỏi phải có tiền trong khi cháu chẳng có đồng nào! Giá như gia đình cháu giàu có thì tốt biết bao?

Bạn xuất thân từ một gia đình nghèo và cảm thấy chán nản vì bạn không thể mua những thứ bạn thích. Có lẽ, bạn nghĩ số tiền cha mẹ chi thêm cho mình chả thấm tháp gì so với số tiền cần có để trang trải cuộc sống của gia đình bạn. Đây không phải là những tình huống xa lạ. Rất nhiều bạn trẻ cũng giống như bạn. Thường thì họ nghĩ rằng tiền chính là hạnh phúc. Nhưng họ đang phạm phải một sai lầm trầm trọng.

Sinh ra trong một gia đình giàu có không phải là sự đảm bảo cho hạnh phúc, quan niệm sinh ra trong một túp lều khiến người ta khốn khổ cũng là sai lầm. Một người hạnh phúc hay bất hạnh không liên quan gì đến người đó sở hữu bao nhiêu của cải vật chất. Thậm chí, một gia đình giàu có và đáng ao ước cũng có thể phải đối phó với những vấn đề nghiêm trọng mà không thể hiện ra ngoài. Thường thì mọi người trông có vẻ hạnh phúc, nhưng bên trong họ có thể đang giấu một nỗi đau cùng cực. Mọi người xuất hiện với vẻ ngoài thế nào đi nữa thì cũng thật khó để nhìn ra điều gì ẩn giấu trong trái tim họ. Thế nên đừng bao giờ xấu hổ vì tình trạng kinh tế của mình. Điều đáng hổ thẹn là mang một trái tim khô kiệt, là sống không đàng hoàng.

Một doanh nhân nổi tiếng thế giới từng nói với tôi: “Mặc dù giờ đây tôi nổi tiếng và giàu có nhưng lúc còn nghèo, cảm giác của tôi về mục đích và chí tiến thủ mạnh mẽ hơn nhiều. Hồi đó tôi có mục tiêu, và cuộc sống luôn có những thử thách thú vị. Giờ thì tôi đặt ra mục tiêu mới: cống hiến cho cuộc sống no đủ và hạnh phúc của những người khác.”

Chúng ta thường thấy trên thương trường, mọi người tranh giành nhau khốc liệt vì tiền, người ta cảm thấy khốn khổ và tuyệt vọng nếu tên tuổi của mình bị phai nhạt, con người hủy hoại cuộc sống của mình khi họ để cho sự nổi tiếng và quyền lực chiếm lĩnh đầu óc họ, và người ta sống trong những ngôi nhà xa hoa nơi mà các thành viên trong gia đình không yêu thương nhau. Nhiều khi những người sống trong những gia đình dường như là lý tưởng, gương mẫu, đạo mạo lại bị trói buộc bởi những nghi thức, truyền thống và vẻ bề ngoài. Họ gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc và tạo không khí ấm áp chân thành. Và cũng quá thường khi những bạn trẻ được nuông chiều gặp khó khăn trong việc đặt ra mục tiêu và đạt được những mục tiêu đó, vì mọi nhu cầu của họ đều được chăm sóc cẩn thận. Vậy thì, khi suy nghĩ kỹ, liệu giàu có, nổi tiếng hay xa hoa có đảm bảo hạnh phúc? Câu trả lời dứt khoát là “Không”.

Mọi điều phụ thuộc vào quan điểm của bạn. Thay vì nghĩ mình bất hạnh chỉ vì cha mẹ không có nhiều tiền hay không học hành đến nơi đến chốn, hãy nghĩ rằng đó là tình hình phổ biến. Bạn sẽ nhận thấy rằng cách nhìn nhận này sẽ giúp bạn trở thành một người thực sự nhân văn. Bạn sẽ nhận ra rằng những khó khăn chính là chất liệu giúp cho bạn có thể phát triển một trái tim rộng lượng, trở thành một người sâu sắc và nhân hậu.

Thực tế, chỉ bằng cách trải qua những khó khăn bạn mới có thể là người hiểu được cảm giác của người khác. Nỗi đau và nỗi buồn sẽ nuôi dưỡng thế giới con người bên trong của bạn. Từ đó, bạn có thể cảm thông và khao khát được hành động vì hạnh phúc của mọi người.

Tiền bạc, sự nổi tiếng và của cải vật chất chỉ mang lại hào nhoáng bề ngoài. Tuy nhiên, những người tu tập Đạo Phật học được cách tạo lập một hạnh phúc tuyệt đối bằng cách chuyển cuộc sống của họ vào bên trong. Khi chúng ta phát triển được một trạng thái tâm trí thoáng đãng và rực rỡ như một lâu đài nguy nga, lúc đó không có gì – dù ta có đi đâu hay gặp khó khăn, trong cuộc đời – có thể chôn vùi hay phá hoại hạnh phúc của chúng ta.

Ước gì cháu có được cha mẹ tốt hơn.

Gia đình nào cũng có những hoàn cảnh và vấn đề riêng mà chỉ những thành viên trong đó mới có thể hoàn toàn hiểu được. Bạn có thể băn khoăn vì sao mình lại được sinh ra trong gia đình mình. Hay vì sao cha mẹ bạn không ân cần như những cha mẹ khác. Hay vì sao bạn lại không được ban cho một ngôi nhà xinh đẹp hơn và một gia đình biết yêu thương, thông cảm hơn. Thậm chí bạn có thể muốn bỏ nhà đi. Dù sao, một điều tôi có thể nói là, không cần biết cha mẹ là người thế nào, họ là cha mẹ của bạn. Nếu không có họ, bạn đã chẳng có mặt trên đời. Hãy hiểu ý nghĩa sâu xa của điểm này. Bạn đã được sinh ra trong chính gia đình cụ thể này, tại địa điểm cụ thể này và trên chính hành tinh này vào thời điểm cụ thể này. Bạn không được sinh ra trong một gia đình khác. Thực tế này hàm chứa ý nghĩa của mọi thứ.

Đạo Phật giải thích rằng chẳng có gì tình cờ xảy ra cả, và rằng mọi người đã sẵn có trong họ tất cả những gì họ cần để được hạnh phúc. Vì thế, không có kho báu nào quý giá hơn chính cuộc sống. Dù hoàn cảnh của bạn khó khăn đến đâu, dù bạn có cảm thấy cha mẹ thiếu quan tâm đến mình thế nào, thì bây giờ bạn cũng đang sống – vẫn còn trẻ và được ban cho tâm hồn tươi mới, với tinh thần đó bạn có thể tạo dựng hạnh phúc nhất cho cuộc sống của mình từ giờ phút này trở đi. Đừng phá hoại hay làm tổn hại đến tương lai quý báu của mình bằng cách vùi mình trong tuyệt vọng ngày hôm nay.

Hãy thúc đẩy bản thân một cách dũng cảm, nhắc nhở mình rằng nỗi đau đớn và khổ cực càng sâu sắc bao nhiêu, hạnh phúc chờ đợi bạn phía trước càng rực rỡ bấy nhiêu. Hãy quả quyết trở thành trụ cột cho gia đình mình. Đạo Phật dạy cách sống này. Dù bạn có một người cha hay người mẹ bị nghiện rượu hay mắc bệnh hiểm nghèo, dù gia đình bạn đang phải trải qua những thời điểm khó khăn vì cha hay mẹ bạn kinh doanh thất bại, dù bạn phải chịu nỗi đau chứng kiến cha hay mẹ bị chỉ trích và ức hiếp, hay dù bạn có bị cha mẹ bỏ rơi – tất cả những hoàn cảnh dường như ngang trái đó có thể được nhìn nhận như một sự nuôi dưỡng để khiến bạn trưởng thành mạnh mẽ hơn.

Dù cha mẹ đối xử với bạn thế nào, cuối cùng thì, trách nhiệm của bạn là làm cho mình trở nên hạnh phúc chứ không phải của cha mẹ bạn. Chính chúng ta là người quyết tâm trở thành “mặt trời” xua tan đi đêm đen trong cuộc sống và gia đình của mình. Phật Giáo Nichiren biết rằng giải pháp này có thể được củng cố bằng cách niệm Nam mô Diệu pháp Liên hoa mỗi sáng và tối.

Dù điều gì xảy ra, việc bạn sống một cách tự tin với lòng quả quyết rằng mình chính là “mặt trời” là một điều cực kỳ quan trọng. Tất nhiên, trong cuộc sống có những ngày nắng và những ngày âm u. Nhưng ngay cả trong những ngày u ám, mặt trời vẫn tỏa sáng. Thậm chí nếu chúng ta đang phải chịu khổ đau, việc chúng ta tranh đấu để giữ cho mặt trời vẫn tỏa sáng rực rỡ trong tim mình là một điều cực kỳ quan trọng.

Một bạn trẻ mà tôi quen không có cha, mẹ cậu bị mất khả năng lao động do bệnh nặng và chị của cậu thì đang nằm viện. Trong hoàn cảnh đó, cậu đã vượt qua được khó khăn, có ý chí vươn xa hơn những người khác. Tôi tin rằng những bạn trẻ phải đương đầu với những gian khổ như thế sẽ trở thành những người hữu ích cho tương lai.

Cháu thấy khó chịu khi mọi người, nhất là cha mẹ, cứ hay chỉ ra những thiếu sót của mình.

Một trong những điều bực mình nhất là khi chúng ta nghĩ mình là thế này, thế mà những người xung quanh lại nghĩ về mình hoàn toàn ngược lại. Thực tế người khác có thể thấy một số điều ở chúng ta mà chúng ta không thấy được. Đây là điều tốt, vì cũng như cách mà tấm gương cho phép bạn được nhìn thấy khuôn mặt mình, những người xung quanh bạn có thể đóng vai trò như một tấm gương để cho bạn thấy nhiều khía cạnh khác về bản thân.

Những nhận xét của người thân có thể giúp bạn tập trung cá tính của mình theo một hướng tích cực. Sự giáo dục, hướng dẫn, khuyên nhủ, cảnh báo và thậm chí quở trách mà bạn nhận được đều có thể trở thành điều hữu ích để chèo lái bạn trên con đường đúng đắn. Mặt khác, từ chối lắng nghe lời khuyên của người khác, chống đối bằng cách chỉ làm những điều mình muốn và khiến cho mọi việc thành khó chịu với mọi người dưới cái cớ là thể hiện cá tính chỉ là các dạng thức của sự bướng bỉnh, không mang lại lợi ích cho ai hết.

Rất tuyệt vời nếu có người chỉ ra những thiếu sót và giúp bạn nhổ tận gốc những thói quen xấu của mình. Mặt khác, nếu gốc rễ của những thói xấu đó vẫn còn, chúng sẽ dần dần ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống của bạn, hướng bạn vào chiều hướng có hại, tiêu cực. Khi bạn nhận thức được điều này, bạn sẽ thấy rằng thật ngốc nghếch nếu không lắng nghe lời khuyên từ người khác.

Cha mẹ cháu đặt ra quá nhiều giới hạn cho cháu. Họ dường như không hiểu rằng cháu đã lớn. Làm sao mà cháu thuyết phục được họ về điều này đây?

Tôi chắc chắn có thể hiểu được điều bạn đang nói. Không ai thích bị người khác kiểm soát, và cũng tự nhiên khi ước mình có thể tự làm mọi việc mà không bị mọi người quấy nhiễu. Tôi biết vài bạn học sinh mơ về sự tự do các bạn sẽ hưởng thụ nếu không có luật lệ nào hết, họ ước có nhiều tiền, thời gian và chẳng có vị phụ huynh nào la rầy họ cả. Nhưng, thực ra, đó là một cách nhìn nông cạn về xã hội loài người.

Tự do thực sự rốt cục chỉ xoay quanh điều mà bạn quyết định cống hiến bản thân với cả trái tim. Như vậy không phải là cứ loanh quanh chẳng làm gì. Không phải là tiêu tiền như nước. Không phải là sở hữu tất cả thời gian rảnh trên thế giới. Không phải là đi nghỉ dài ngày. Chỉ làm những việc mình thấy hài lòng không phải là tự do – nó chẳng là gì ngoài sự bê tha. Tự do thực sự nằm trong những thử thách liên tiếp để phát triển bản thân, để đạt được mục tiêu đã chọn.

Bình luận