Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đức Phật Trong Ba Lô

Chương 8: Lòng Từ Bi

Tác giả: Daisaku Ikeda

QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI KHÁC

Ngày nay dường như mọi người quá ích kỷ với nhau. Ngay cả trong nhóm bạn của cháu, cháu thấy phần lớn các bạn cũng ít quan tâm đến nhau.

Cách người ta cư xử với người khác, nhất là những người ở vị thế kém may mắn hơn, thể hiện khá rõ tính cách họ. Một cử chỉ yêu thương hay một câu nói đồng cảm có thể để lại ấn tượng không bao giờ phai.

Lúc 12 tuổi, tôi có làm công việc đi giao báo. Tôi muốn làm bất cứ điều gì để phụ giúp gia đình vì các anh trai tôi đã đi chiến đấu. Nghề của gia đình tôi là trồng tảo biển, vì thế có rất nhiều việc vặt, bắt đầu từ sớm tinh mơ. Trong khi cả thị trấn còn đang ngủ, tôi sẽ bắt đầu tuyến đường đưa báo của mình. Tôi nhớ đã đạp xe trong cái gió rét cắt da cắt thịt, hơi thở thì bốc khói, cái rét thấu vào tận xương. Tôi không mấy khi thấy mặt những người ở trong các nhà trên tuyến đưa báo của mình, nhưng trong những dịp hiếm hoi có gặp, họ cũng không tỏ ra thân thiện. Đến cả lũ chó của họ cũng làm khó tôi.

Nhưng tôi không bao giờ quên sự ấm áp và quan tâm của một cặp vợ chồng trẻ. Một ngày nọ, cô vợ trẻ đang bê bếp than củi vào hành lang để nấu cơm. Tôi chào và đưa cho cô tờ báo. Đón mừng tôi bằng một nụ cười ấm áp, cô cám ơn tôi và nhận xét rằng tôi lúc nào cũng thật nhanh nhẹn, vui tươi. Đưa cho tôi một xấp những miếng khoai tây ngọt sấy, cô giải thích rằng chúng được gửi từ quê cô ở phía Bắc Nhật Bản mấy ngày trước. Cô nói: “Cô hy vọng là cháu thích chúng” và gửi lời hỏi thăm cha mẹ tôi.

Trong một dịp khác, sau khi tôi kết thúc ca đi giao báo buổi tối, đôi vợ chồng mời tôi ở lại ăn tối. Họ hỏi nhiều câu hỏi về gia đình tôi. Tôi kể cho họ về cha mình, cha bị ốm rất nặng và phải nằm liệt giường. Người chồng, đã an ủi tôi: “Người nào phải vật lộn khi còn trẻ là người thực sự may mắn đấy. Hãy học thật chăm chỉ và cháu sẽ đạt được những điều tuyệt vời.” Mặc dù những việc này đã xảy ra 60 năm trước, lòng tốt và sự ân cần họ vẫn còn đọng lại trong tim tôi đến tận hôm nay.

Cháu cố gắng đối xử công bằng với mọi người. Như thế chưa đủ sao?

Sống một cách chu đáo là việc của trái tim. Từ ân cần trong tiếng Nhật được ghép từ các chữ tượng hình: “người” và “quan tâm”. Vì thế, chu đáo là quan tâm đến người khác, là thông cảm với họ đặc biệt là khi họ đang phải vật lộn với buồn phiền, đau đớn và cô đơn. Những chữ tượng hình này cũng có nghĩa là “xuất sắc”. Một người chu đáo một cách chân thành, người hiểu được trái tim người khác, là một con người đặc biệt, một học viên danh giá của cuộc sống. Có được sự quan tâm như thế dành cho người khác là sống có nhân văn nhất. Đó là dấu hiệu của một nhân cách vượt trội.

Tuy nhiên, sống tử tế không giống như chu đáo. Chu đáo nghĩa là hành động dựa trên những cảm xúc tốt đẹp của bạn. Điều này đặc biệt đúng khi có sự bất công xuất hiện. Trên thực tế, chúng ta thể hiện sự yếu đuối bằng cách không hành động vào thời điểm quyết định.

Sống ân cần nghĩa là khi người khác càng khổ đau, hành vi của họ càng khó chịu, bạn càng thể hiện nhiều tình yêu dành cho họ hơn. Làm như vậy mang lại cho bạn can đảm để giúp đỡ người khác. Ân cần còn có nghĩa là nhận ra bản chất trong sự bất hạnh của người khác, cố gắng hiểu và chia sẻ sự khổ đau cùng họ. Điều này sẽ giúp bạn trưởng thành và đồng thời giúp người khác trở nên mạnh mẽ. Sự ân cần là rất thiết thực, nó rèn luyện chính chúng ta trong nghệ thuật an ủi người khác.

Điều quan trọng không chỉ là thông cảm hay thương hại người khác mà là hiểu được họ đang trải qua điều gì. Thấu cảm đóng vai trò quyết định. Đôi khi, có người hiểu được mình ở bên họ có thể mang lại cho họ sức mạnh để tiếp tục.

Nhiều người trân trọng sự ân cần ở người khác và cũng muốn tỏ ra chu đáo, nhưng đồng thời, lại không muốn liên quan quá sâu. Những người này hiểu nhầm ý nghĩa của việc sống ân cần, họ nghĩ rằng nó có nghĩa là giữ một khoảng cách an toàn với người khác để không làm tổn thương họ hoặc chính mình. Nhưng, ngược lại, ân cần có nghĩa là cho phép bản thân gần gũi với người khác, quý trọng phẩm giá của mỗi người.

Tôi nghĩ đến một vị thầy giáo tốt bụng, được các học trò của ông kính yêu vô cùng. Khi được hỏi về bước ngoặt quyết định trong đời mình, ông đã nói về một chuyện tình cờ từ thời thơ ấu. Một ngày mùa đông lạnh giá, một người mẹ và cô con gái, những người biểu diễn trên phố để xin ăn, tới nhà ông. Người mẹ chơi một nhạc cụ có dây và hát trong khi đứa con gái nhảy múa. Ngoài trời tuyết rơi nhẹ, và ông vừa từ cửa hàng trở về với một túi bánh bao to. Ông ngồi ăn bánh trong khi xem họ biểu diễn. Khi bài hát kết thúc, ông vụng về đưa cho cô bé một nửa chiếc bánh bao ăn dở.

Nhìn thấy thế, cha ông chạy tới đầy tức giận và mắng ông. Người cha quay lại những người biểu diễn, cúi chào thật thấp và xin lỗi vì sự thiếu lịch sự của cậu con trai. Ông cũng nhất định bắt con trai mình cúi đầu xin lỗi. Sau khi đưa cho người mẹ và cô con gái một túi gạo nhỏ, ông lấy chỗ bánh còn lại của con trai mình và đưa cho cô bé.

Người cha muốn thể hiện với con trai ông rằng tất cả mọi người đều bình đẳng và xứng đáng được tôn trọng. Khi cậu bé lớn lên, cậu không bao giờ quên được bài học này và trở nên nổi tiếng vì lòng tốt của cậu dành cho người khác.

Đồng thời, tôi cũng nhớ tới người sáng lập ra tổ chức của chúng tôi, Tsunesaburo Makiguchi, người đã trở thành một vị hiệu trưởng đáng kính ở Tokyo. Khi ông còn là giáo viên dạy cấp 1 ở Hokkaido, trong suốt cơn bão tuyết, ông đã đi ra ngoài để đón học sinh khi chúng tới trường. Ông cũng có sẵn nước nóng trong phòng học để ngâm qua những bàn tay lạnh cóng của lũ trẻ, hỏi thăm chúng: “Con thấy thế nào? Có khá hơn không?”

Sau này, ông Makiguchi dạy ở một ngôi trường cho trẻ em nghèo. Thêm vào việc chăm lo cho 8 thành viên gia đình mình, trước khi rời nhà, ông còn chuẩn bị đồ ăn cho những học sinh đi học mà không có cơm trưa. Ông đặt những suất ăn trưa này ở một chỗ khuất nơi những đứa trẻ nghèo có thể lấy mà không thấy xấu hổ.

Khả năng từ bi của trái tim con người là vô cùng lớn.

Sẽ thế nào nếu bác bị người khác chối bỏ hay thậm chí chế giễu vì cố giúp đỡ ai đó? Hoặc nếu việc mình đề nghị giúp đỡ lại làm người kia khó chịu?

Chắc chắn là không thể biết được người khác sẽ phản ứng thế nào. Đôi khi chủ đích chân thành của bạn lại bị từ chối hoàn toàn hoặc bạn có thể bị cười chê, thậm chí nhạo báng. Hãy nhớ, dù cho điều này có xảy ra, quay đi và nổi giận với người bạn đang cố gắng giúp đỡ không có ích cho ai cả. Để cho nỗi thất vọng làm mình tê liệt cũng thật là ngốc.

Cuối cùng thì điều thực sự có ý nghĩa là ý định của bạn. Hãy can đảm nghe theo bản năng khi quyết định giúp đỡ mọi người. Bạn càng hành động vì người khác, cuộc đời bạn sẽ càng rộng mở, bất kể đối phương phản ứng với lòng tốt của bạn thế nào. Ân cần chính là sức mạnh, vì thế bạn càng ân cần với người khác, bạn càng trở nên mạnh mẽ.

Tsunesaburo Makiguchi không thích nhìn thấy ai đứng ỳ ra và không làm gì. Ông tin rằng những người tốt nhưng hèn nhát, không thể đấu tranh chống lại cái xấu, cuối cùng sẽ bị nó đánh bại. Ông thường nói:

Không làm điều tốt cũng không khác gì làm điều xấu. Hãy thử tưởng tượng ai đó đặt một tảng đá to đùng ngay giữa đường đi. Như thế thật độc ác vì nó sẽ gây khó khăn cho người qua lại. Rồi, ai đó tới và nhìn thấy vật cản đường to tướng ấy, thậm chí biết rằng nó sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nhưng cứ để nó đó với thái độ: “À, mình có để nó ở đấy đâu.” Đây có vẻ như là một thái độ vô thưởng vô phạt, nhưng thực ra, không chuyển tảng đá đi cũng gây phiền phức cho người sẽ đi qua như việc đặt nó vào đó từ đầu.

Hầu như ai cũng có một tia lửa của sự ấm áp hay tình người trong tim. Không ai sinh ra đã lạnh lùng. Nhưng nếu qua thời gian, người ta chôn vùi hơi ấm của mình sâu trong tim họ vì sợ bị tổn thương, họ sẽ trở nên lạnh lùng và sắt đá. Tương tự, những người chỉ biết nghĩ đến mình và nghĩ ai cũng chống lại họ thường có xu hướng tự bọc mình trong tấm áo giáp của sự tàn nhẫn và tự đại. Hành vi như thế thật phi nhân tính.

Đức Phật luôn bắt đầu trò chuyện với mọi người để giúp họ đương đầu với những đau khổ của mình. Ngài không đợi người khác bắt chuyện với mình trước, cũng không lo lắng về việc họ có thể nghĩ gì về mình. Ngài chú tâm tới mọi người một cách ấm cúng và thoải mái.

Cách tốt nhất để giúp đỡ mọi người là gì?

Điều tối quan trọng là chân thành mong muốn thấy người khác được hạnh phúc. Và đó là điều mà chúng ta nên nỗ lực hướng tới mỗi ngày. Ông Makiguchi thường nói về việc phân loại việc tốt thành những việc tốt nhỏ, tốt vừa và cực tốt. Cách này cũng được áp dụng cho sự quan tâm: quan tâm ít, quan tâm vừa và cực kỳ quan tâm.

Ví dụ, hình dung rằng bạn có một người bạn đang cần tiền ngay lập tức. Đưa tiền cho người bạn đó là việc tốt nhỏ, còn giúp họ tìm một công việc là việc tốt vừa.

Tuy nhiên, nếu bạn của bạn phải chịu đau khổ là do hậu quả của xu hướng tắc trách và lười biếng thì một món tiền hay một công việc đều không có ích gì. Tiền sẽ bị phung phí, và bạn của bạn chắc chắn sẽ mất việc vì những thói xấu của họ. Việc cực tốt là giúp người đó đối mặt và nhổ tận gốc thói lười biếng, cội nguồn đau khổ của họ – nói cách khác, giải thích và giúp họ định hướng xây dựng một hệ thống niềm tin đúng đắn.

Những người thực hành bài pháp tự làm chủ bản thân của Đạo Phật Nichiren, pháp giúp con người kiểm soát được cuộc sống của mình và làm mới lại ý chí của họ để sống vinh quang mỗi ngày, biết rằng chỉ hành động để sống hạnh phúc cho riêng mình thôi là chưa đủ. Không một ai có thể hạnh phúc trọn vẹn nếu những người xung quanh còn phải vật lộn. Vì thế, những người thực hành Đạo Phật nhận ra rằng điều chu đáo và ân cần nhất họ có thể làm là chia sẻ những bài pháp này với mọi người.

Thường thì những nỗ lực để làm những điều cực kỳ tốt dễ bị hiểu lầm. Không nghi ngờ gì, chính bạn hẳn cũng gặp sự đối kháng khi cố gắng giúp ai đó với sự quan tâm của mình. Nhưng, dù nỗ lực của bạn không được đánh giá cao vào lúc này, miễn là bạn hành động với sự chân thành tuyệt đối, mọi người rồi sẽ nhận ra sự thật và sẽ tin tưởng bạn. Đến lúc, họ sẽ thực sự biết ơn vì tình yêu, lòng tốt và hành động quyết liệt xuất phát từ sự quan tâm bạn dành cho họ.

Cháu lúc nào cũng bị trêu chọc vì cháu tàn tật.

Những người cười nhạo và trêu cợt bạn thật là độc ác và suy nghĩ lệch lạc. Họ tạo nên một gánh Nghiệp xấu khủng khiếp cho chính mình bằng cách coi thường quyền được đối xử như một con người và được tôn trọng của bạn. Nhưng để cho những lời xúc phạm của họ tác động tới mình là một thất bại của bạn với tư cách là một con người. Dù sao, sự mạnh mẽ là vinh quang.

Vì thế, bạn phải mạnh mẽ hơn nữa. Cuộc đấu tranh của bạn cũng là một phần của cuộc đấu tranh giành nhân quyền. Làm cho người khác nhận ra quyền của bạn không chỉ là khiến cho họ hành động một cách cảm thông. Hãy tự hào về bản thân bạn với tư cách là một cá nhân, bất kể sự tàn tật của bạn. Hãy tự hào về sứ mệnh của bạn trong cuộc đời này. Để sống ân cần, chúng ta cần phải mạnh mẽ. Chúng ta cũng cần phải mạnh mẽ để bảo vệ nhân quyền, không chỉ của chúng ta mà của những người khác nữa.

Nhiều bạn trẻ đang trở nên bạo lực. Vài người thậm chí còn tự hào vì nó. Cháu có thể làm gì để thay đổi tình hình không?

Tôi hiểu rằng sau vụ thảm kịch Colorado ở trường trung học Columbia, trong vụ này nhiều học sinh 13 tuổi đã bị bắn chết, Tổng thống Clinton đã nói: “Chúng ta phải hướng tới bọn trẻ và dạy chúng cách bộc lộ sự phẫn nộ và giải quyết mâu thuẫn của chúng bằng lời nói, không phải bằng vũ khí”. Tôi hoàn toàn đồng ý. Chẳng gì có thể khiến tim tôi đau hơn sự thật là những người trẻ tuổi, những người sở hữu tiềm năng vô hạn cho tương lai, hủy hoại cuộc sống của họ và của những người khác.

Khi còn trẻ, tôi mất người anh cả trong Thế chiến Thứ II. Anh là một người thật nhân hậu, là người kịch liệt phản đối đường lối hành động của Nhật. Đau đớn trước cuộc xâm lược của Nhật vào Trung Quốc, anh nói: “Quân đội Nhật thật vô lương tâm. Anh thấy xót xa vô cùng cho nhân dân Trung Hoa.”

Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh mẹ tôi nhìn từ phía sau, tấm lưng nhỏ của bà run lên khi tin về cái chết của đứa con trai cả của mình. Ngay lúc đó, tôi đã cảm nhận sâu sắc rằng chúng ta cần bãi bỏ chiến tranh và bạo lực khỏi trái đất, dù thế nào đi nữa.

Trong khi, tất nhiên, điều tối cần thiết là kiểm soát được những yếu tố bên ngoài của bạo lực bằng cách bãi bỏ vũ khí, phát triển nhiều hơn các luật tương đương và thiết lập thỏa thuận hòa bình giữa các nước, thì căn bản nhất, điều cần làm là phải hiểu được rằng bạo lực xuất phát từ điều kiện bẩm sinh của loài người. Đạo Phật đặt tên cho điều kiện này là thú tính, một trạng thái con người bị các thèm khát bản năng kích động và mất hết lý tính hay đạo đức. Thậm chí nếu chúng ta có quét sạch được hết vũ khí khỏi hành tinh này, bạo lực sẽ không bao giờ tiêu tan trừ khi chúng ta kiểm soát thành công thú tính trong ta. Vì lý do này, chúng ta cần phải thay đổi điều kiện của con người từ bên trong.

Tôi vẫn thường kêu gọi điều giống như một cuộc cạnh tranh nhân đạo, ở đó, tất cả những tôn giáo giảng dạy về lòng khoan dung và sự quan tâm, cạnh tranh xem mỗi tôn giáo có thể khuyến khích được bao nhiêu người quan tâm. Trong bất cứ trường hợp nào, giáo dục dựa trên phẩm giá của mỗi cá nhân cũng là giải pháp.

Bạo lực là một tội ác thuần túy. Bất kể điều bạn nói có đúng đến đâu, nếu bạn viện đến bạo lực để chứng minh điều đó, bạn vẫn là kẻ thất bại. Thậm chí nếu bạn dường như đã có được chiến thắng từ kết quả của một hành động bạo lực, kết cục bạn cũng sẽ bại trận.

Đạo Phật nhấn mạnh mối tương giao của tất cả sự sống. Chính khả năng nhận thức giới hạn của chúng ta mới khiến chúng ta đặt quá nặng khoảng cách “họ” và “chúng ta”. Chính do mối tương giao này, với việc sử dụng bạo lực, bạn không chỉ làm tổn hại và tàn phá người kia mà cả chính bạn. Những người sử dụng bạo lực và coi thường cuộc sống của người khác thực ra đang coi thường chính họ và phá hoại cuộc sống của chính họ.

Điều quan trọng là phải hiểu được rằng bản chất của bạo lực là sự hèn nhát. Bởi vì một người hèn nhát, anh ta hay cô ta mới trở nên bạo lực. Cá nhân đó không đủ can đảm để đàm thoại. Mahatma Gandhi nói hùng hồn rằng: “Bất bạo động không phải là cái vỏ của sự hèn nhát, mà đó là phẩm hạnh tối thượng của sự can đảm… Hèn nhát hoàn toàn không đồng nhất với bất bạo động… Bất bạo động hàm chứa khả năng đấu tranh.”

Trong tổ chức Soka Gakkai Quốc tế, giới trẻ Mỹ vẫn đang tiến hành những hoạt động kêu gọi chấm dứt bạo lực. Họ đang thực hiện ba lời thề sau đây:

1. Tôi sẽ trân trọng cuộc sống của mình

2. Tôi sẽ tôn trọng mọi sự sống

3. Tôi sẽ truyền hy vọng đến cho người khác.

Khi mỗi người chúng ta đều có thể trân quý cuộc sống của chính mình, tự nhiên chúng ta cũng sẽ có thể trân trọng cuộc sống của những người khác.

Điều quan trọng là bạn phải hành động. Bắt đầu là bước đầu tiên. Số 0 là số 0 ngay cả khi nhân với nhiều số khác. Nhưng như những người Phương Đông thường nói: “1 là mẹ của hàng vạn.”

Ngày nay, có vẻ như bạo lực về thể xác và tình dục với phụ nữ đang có xu hướng tăng cao. Có thể cải thiện được không?

Không có gì thấp kém bằng bạo lực với phụ nữ. Bạo lực không thể được dung thứ. Tất cả đàn ông nên nhớ điều này, và họ nên tôn trọng những người phụ nữ cùng thời với họ như những người chị em, những người mà cuộc sống của họ đáng được trân trọng. Thật đáng hổ thẹn cho những người đàn ông không dịu dàng.

Phụ nữ bảo vệ bản thân bằng hiểu biết và sự khôn ngoan cũng cực kỳ quan trọng. Đã có nhiều nhóm, hội tổ chức ra đời để giúp đỡ phụ nữ. Khi bạn nhận ra cuộc sống của bạn quý giá thế nào, bạn sẽ làm mọi điều có thể để bảo vệ nó. Lưu ý đến lời khuyên của cha mẹ và những người bạn mà bạn tin tưởng là điều rất quan trọng.

Nạn nhân của bạo lực thường bị tổn thương sâu sắc về tinh thần và thể chất. Họ mất lòng tin vào nhân tính của mình và thường cảm thấy nhơ nhuốc như thể cuộc sống của họ đã bị hủy hoại. Nếu bạn là nạn nhân của bạo hành, xin hãy nhớ rằng, dù gì đi nữa, giá trị của bạn với tư cách là một cá nhân sẽ không bao giờ thay đổi. Hãy đứng thật vững. Hãy tự nhủ: “Mình không phải là người cho phép một việc như thế hủy hoại cuộc đời mình.” Không ai có thể hủy hoại đời bạn ở mức độ sâu sắc nhất. Bất kể bạn bị tổn thương đến đâu, bạn vẫn có thể giữ lại được cho mình phẩm giá căn bản – không ai có thể tước mất điều đó ở bạn mà không được sự cho phép của bạn.

Đạo Phật giảng về nguyên tắc rằng bông hoa sen trắng thuần khiết lớn lên từ ao bùn. Cũng giống như thế, trạng thái tối thượng của cuộc sống có thể hình thành khi phải sống giữa thực tại đau thương nhất.

Bất kể bạn cảm thấy chán nản đến đâu, ở đâu đó luôn có ai đó cũng đang chịu đựng tình cảnh tương tự, và bạn nói riêng, có thể giúp đỡ người đó nhờ sự thấu hiểu thông thường của bạn. Và có những tình cảm chân thành trong trái tim của những người khác mà chỉ bạn mới có thể khám phá. Bạn có thể không muốn rắc rối của mình liên quan đến người khác lắm, nhưng có được thậm chí chỉ một người bạn có thể tham khảo ý kiến về trải nghiệm của mình sẽ thay đổi hoàn toàn cách nhìn của bạn. Bạn không nên chịu đựng một mình. Cuộc đời bạn vốn dĩ đã có một tiềm năng vô cùng to lớn. Nếu bạn từ bỏ chính mình thì mọi chuyện chỉ càng kinh khủng hơn thôi, vì làm như vậy sẽ khuếch đại những tổn thất đã có. Đừng bao giờ cho phép sự khổ đau khiến bạn bỏ rơi con người thật của mình.

Có vẻ lạ lùng, nhưng những người đã phải chịu đựng nhiều nhất hay những người đã từng bị phiền lòng nhiều nhất có thể trở thành hạnh phúc nhất. Với những giọt nước mắt đã rơi, bạn có thể lau sạch cuộc đời mình và làm nó sáng lên. Dấn bước là điều cốt lõi của sống và là tinh thần của Phật tử.

Bình luận