Tsangyang Gyatso đa tình thật sự đã yêu, Ngài và ý trung nhân yêu nhau trong khu vườn hoan lạc mỹ lệ. Ánh nắng cao nguyên cho cỏ dại hoa xuân đầy đủ hơi ấm, cũng kích thích tình cảm rạo rực của những thiếu niên thiếu nữ nơi này. Họ có thể hát đối đáp tình ca để cuồng nhiệt bày tỏ tình yêu trong lòng, có thể không chút e dè phung phí tuổi xuân tràn trề. Đó là quyền lợi mà sinh mệnh trao cho họ, khi tuổi xuân đi xa, những con sóng tình yêu ấy sẽ thật sự trở thành nước chảy cuồn cuộn, một đi không trở lại.
Đỗ quyên bay đến thăm,
Đem hương xuân thơm ngát.
Ta và nàng gặp nhau,
Lòng vui sướng dào dạt.
Miệng cười khoe răng trắng,
Hớp mất hồn ai kia.
Nếu thật lòng thương mến,
Xin thề chẳng chia lìa.
Thật ra tâm nguyện của Tsangyang Gyatso rất đỗi bình thường, Ngài chẳng qua chỉ muốn kề cận cùng người yêu trên mảnh đất lãng mạn quen thuộc, cùng một dòng suối, một đám mây, một bãi cỏ, mấy con bò con cừu nương tựa lẫn nhau, sống bình lặng, yên ổn vô sự. Họ cùng chăn thả, cùng làm thơ, sinh đôi trai gái dễ thương, sở hữu hạnh phúc bình thường nhất trên đời. Tâm nguyện nhỏ nhoi biết bao, lại không đáng kể biết bao, đây là hạnh phúc mà một làng quê nhỏ của Tây Tạng, thậm chí bất cứ một làng quê nhỏ nào trên thế gian đều có thể cho họ.
Hỏi người tình trong mộng,
Có gần gũi trọn đời?
Đáp: Trừ phi tử biệt,
Sống – mãi chẳng chia rời.
Nếu nàng vì học đạo,
Rời bỏ ta ra đi,
Thiếu niên ta nhất định,
Theo vào chốn tu vi.
Đúng vậy, điều Ngài muốn chính là một người bạn tình ngọt ngào, sống chết có nhau cả đời như thế. Ngài không hề biết rằng thảo nguyên rộng lớn này, làng quê chất phác này lại không thỏa mãn được tâm nguyện nhỏ bé của Ngài. Bất cứ người nào cũng có thể mưu cầu niềm hạnh phúc đơn giản ấy, duy chỉ có Ngài – Tsangyang Gyatso, định sẵn không có duyên với phàm trần. Một cuộc tình bình thường lại là kiếp nạn số mệnh dành cho Ngài. Đích thực như thế, khi một ngày kia Ngài đứng trên đỉnh cao không ai với tới nhìn xuống chúng sinh, Ngài sẽ hiểu rõ, thì ra “cao ngất lạnh lùng sao[2]” là thế nào.
[2] Nguyên văn là “Cao xứ bất thắng hàn”, một câu trong bài từ “Thủy điệu ca đầu” của Tô Đông Pha thời Tống.
Tình yêu, trước khi đến, bạn không biết là gì, sau khi đến rồi, bạn sẽ không còn là chính mình nữa. Biết bao người cả đời đều đang tìm tìm kiếm kiếm, mong mỏi tìm được người mình yêu và người ấy cũng yêu mình, song thực tế thường trái với nguyện vọng. Thế nhưng khi thật sự có được, lại có bao nhiêu người sẽ cố gắng trân trọng? Những hứa hẹn đã trao ấy, phải chăng thật sự có thể vĩnh viễn? Những người từng yêu ấy, phải chăng đến cuối cùng đều thành khách qua đường? Sống hết cuộc đời dài đằng đẵng, người và việc đáng để chúng ta hồi tưởng, còn có thể sót lại bao nhiêu?
Dù Tsangyang Gyatso từng có tình yêu, nhưng cuối cùng không thể cùng người thương bầu bạn lâu dài, do đó Ngài sẽ chìm đắm một đời trong dòng sông tình ái. Nếu Ngài trọn vẹn mơ ước, kết hôn sinh con với cô gái mình yêu, lại phải chăng thật sự sẽ trọn đời hạnh phúc? Đời người biết bao câu chuyện khiến ta sinh lòng tiếc nuối trước những lệch lạc sai sót, chúng ta đạo diễn từng màn kịch, nhìn hết sống chết ly biệt, lại bất lực không thể làm gì. Tình cảm của con người, nếu có thể thu phát như ý, nói bắt đầu là bắt đầu, nói kết thúc là kết thúc, chẳng có lưu luyến, cũng không vương vấn, thế thì tốt biết dường nào?
Bao nhiêu người đứng nơi đầu sóng ngọn gió khăng khăng làm theo ý mình, đến sau chót, chung quy cũng không chống chọi nổi vận mệnh cố chấp. Thấy đời người thịnh suy, chúng ta luôn trách năm tháng quá ép người, xưa nay chưa hề hỏi xem, bản thân đã gieo nhân trước ra sao. Suy cho cùng, thời gian cũng như đám thổ phỉ, dọc đường đánh cướp chúng ta. Tsangyang Gyatso, linh đồng chuyển thế của Đạt Lai thứ 5, gánh vác bí mật của mười bốn năm, rốt cuộc vẫn là bị bức bách đến bước đường cùng.