Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Rõ ràng bà ấy vừa ở đây cơ mà. Schuyler tin chắc chắn như vậy. Người phụ nữ mà cô đuổi theo suốt cả chặng đường dài ban nãy đã chạy vào phía sau cánh cửa của chính cái tòa nhà mà cô đang đứng đây, thế mà giờ bà ta biến mất không thấy tăm hơi.

Schuyler nhìn ra xung quanh. Cô đang ở trong hành lang của một nhà trọ nhỏ. Những nhà trọ và khách sạn bình dân kiểu này từng có thời là những cung điện nổi[1] tráng lệ của thành Venice cổ. Còn giờ đây chúng trở thành nơi nghỉ tạm của khách du lịch – những người không cảm thấy quá phiền lòng bởi những song chấn gãy nát và lớp sơn trầy xước của tòa nhà, vì cuốn cẩm nang du lịch sáo rỗng đã hứa hẹn rằng chỉ như vậy họ mới được sống trong bầu không khí kiểu Ý “đích thực”.

Từ phía quầy lễ tân, một phụ nữ lớn tuổi, đầu trùm một chiếc khen đen, ngước lên nhìn Schuyler vẻ tò mò.

– Posso li aiuto? (Tôi có thể giúp gì cho cô?)

Schuyler thực sự bối rối. Trong phòng không có bất kỳ dấu hiệu nào của người phụ nữ tóc vàng kia. Sao bà ta có thể lủi nhanh như vậy được? Cô hầu như bám sát gót bà ta cơ mà. Căn phòng này xem ra cũng không có cánh cửa phụ hay chiếc tủ nào dành cho việc đào tẩu.

– Ci era una donna qui, si? (Có một người đàn bà vừa vào đây, đúng không ạ?) – Schuyler đáp lời. Cô thầm biết ơn vì trường Duchesne yêu cầu học sinh theo học không chỉ một mà những hai ngoại ngữ, và vì Oliver cứ khăng khăng muốn cô học tiếng Ý, đơn giản chỉ để “chúng ta có thể dễ dàng gọi món lúc đến nhà hàng Mario Batali”.

– Una donna? (Một phụ nữ ư?) – Người kia nhíu mày và lắc đầu. Bà đáp lại nhanh bằng tiếng Ý. – Trừ tôi ra, trong này chẳng còn ai. Còn từ bên ngoài vào thì chẳng có ai trừ cô.

– Bà chắc chứ ạ? – Schuyler vẫn nằn nì.

Cô tiếp tục hỏi bà chủ nhà trọ cho tới khi Oliver tới. Cậu nhảy lên bậc thềm tòa nhà từ một chiếc thuyền máy bóng nhoáng. Thật may là cậu đã nhanh chóng nhận ra chiếc “taxi nước” này hợp với hoàn cảnh của mình lúc đó hơn là một chiếc thuyền chèo tay.

– Cậu tìm được bà ta chưa? – Oliver hỏi.

– Bà ấy vừa ở đây. Tớ thề đấy. Nhưng người phụ nữ này nói chẳng có ai vào đây cả.

– Không có phụ nữ. – Người kia xen vào, lắc đầu – Chỉ có một vị Giáo sư sống ở đây thôi.

– Giáo sư? – Schuyler hỏi lại như thể vớ được vàng. Ông ngoại cô cũng từng là giáo sư ngành ngôn ngữ học. Đó là những gì cô đọc được trong Kho Lưu Trữ Lịch Sử, một kho lưu trữ riêng của gia tộc Máu Xanh, nơi nắm giữ tất cả các tri thức cũng như những bí mật của gia tộc. – Ông ấy đâu rồi?

– Ông ấy đã rời đi từ nhiều tháng trước rồi.

– Khi nào ông ấy mới trở lại?

– Hai ngày, hai tháng, thậm chí là hai năm – bất cứ khi nào ông ấy muốn. Cũng có thể là ngày mai hoặc chẳng bao giờ. – Bà chủ nhà trọ thở dài – Chẳng ai biết gì về vị Giáo sư này. Nhưng may cho tôi là ông ấy luôn thanh toán đúng hạn.

– Liệu chúng tôi có thể… có thể ngó qua phòng ông ấy được không? – Schuyler hỏi.

Bà chủ nhà trọ nhún vai, đoạn đưa tay chỉ về phía cầu thang. Tim Schuyler đập mạnh trong lồng ngực cùng lúc cô tiến về phía cầu thang, theo sát phía sau là Oliver.

– Khoan. – Oliver nói khi họ tới cánh cửa gỗ nhỏ nằm ở mặt trước của toà nhà. Cậu lắc nhẹ quả đấm. – Bị khóa rồi. – Oliver thử lại lần nữa. – Vẫn không được.

– Chết tiệt, cậu xem kĩ chưa? – Schuyler chen lên trên để thử. Cô xoay quả đấm và chốt cửa bật mở.

– Sao cậu làm được như vậy? – Oliver kinh ngạc.

– Tớ có làm gì đâu.

– Nhưng nó thật sự bị khóa mà. – Oliver thanh minh.

Schuyler nhún vai rồi nhẹ nhàng đẩy cánh cửa. Bên trong là một căn phòng nhỏ sắp đặt gọn gàng, ngăn nắp; trong phòng kê một chiếc giường đơn, một chiếc bàn gỗ cũ và những hàng giá sách chất cao lên tới tận trần nhà.

Schuyler lôi ra một cuốn sách từ hàng kệ phía dưới.

– “Cái Chết và Sự Sống ở Các Thuộc Địa Plymouth – tác giả Lawrence Winslow Van Alen.” – Schuyler đọc cái tiêu đề rồi giở trang đầu tiên. Ngay trên đầu là dòng chữ viết tay thanh thoát: “Dành tặng Cordelia thân yêu của tôi.”

– Đúng là ông rồi. – Schuyler thì thầm – Ông ngoại đang ở đây… – Schuyler ngó qua vài cuốn sách khác trên giá và nhận ra có rất nhiều cuốn đề tên tác giả L. W. Van Alen.

– … lúc này thì không, ông ấy đã đi rồi. – Bà chủ nhà trọ xuất hiện nơi cửa ra vào, tiếp lời Schuyler ban nãy, khiến cả cô lẫn Oliver nhảy dựng lên vì giật mình. – Nhưng hôm nay cũng là ngày Biennale kết thúc mà Giáo sư thì chưa bao giờ bỏ lỡ dịp này.

Biennale, triển lãm nghệ thuật được tổ chức hai năm một lần tại Venice, là một trong số những cuộc triển lãm tầm cỡ và uy tín nhất của làng nghệ thuật cũng như kiến trúc thế giới. Cứ hai năm một lần, trong suốt hàng tháng trời, những nghệ sĩ, những nhà buôn tranh, khách du lịch và cả học sinh, sinh viên từ khắp mọi miền trên thế giới đổ về Venice, háo hức được trở thành một phần của festival nghệ thuật tầm cỡ này. Đó là sự kiện mà Schuyler và Oliver đã bỏ lỡ trong suốt dịp cuối tuần ở đây chỉ vì mải mê với cuộc tìm kiếm vô vọng ông ngoại cô.

– Nếu hôm nay triển lãm kết thúc… – Schuyler nói – … thì chúng ta lại càng phải nhanh lên.

Bà chủ nhà trọ gật đầu đồng tình rồi rời căn phòng.

Schuyler lại tiếp tục thắc mắc về người phụ nữ trông giống mẹ cô đến mức lạ kì. Liệu có phải mẹ cô đã chỉ đường dẫn lối cho cô tìm đến ông ngoại? Có phải mẹ đang cố giúp cô không? Hay chỉ là hồn phách của mẹ mà cô đã nhìn thấy?

Họ vội vã xuống lầu và thấy bà chủ nhà trọ đang sắp xếp lại giấy tờ trên bàn lễ tân.

– Cám ơn bà đã giúp đỡ chúng cháu. – Schuyler nói trong khi cúi chào người phụ nữ đứng tuổi.

– Sao cơ? Cô nói gì vậy? Posso li aiuto? (Tôi có thể giúp gì cho hai người?) – người phụ nữ ngạc nhiên.

– Về vị Giáo sư, về Biennale, chúng tôi sẽ đi tìm ông ấy ngay bây giờ đây.

– Giáo sư? Ồ, không, không. Không có Giáo sư nào ở đây… – Bà chủ nhà trọ làm dấu Thánh và liên tục lắc đầu.

– Không có Giáo sư? Theo cậu, ý bà ta là sao? – Schuyler nhíu mày, quay sang hỏi Oliver.

– Giáo sư đã đi… từ hai năm trước rồi. – Bà chủ nhà trọ nói bằng thứ tiếng Anh nhát gừng. – Ông ấy không còn sống ở đây nữa.

– Nhưng bà vừa mới nói là… – Schuyler cãi lại. – Chúng ta vừa mới nói chuyện trên lầu mà. Chúng tôi thậm chí đã ở trong phòng ông ấy.

– Tôi chưa bao giờ gặp hai người trước đây và phòng ông ấy đã bị khóa rồi. – Bà chủ nhà trọ trả lời; trông mặt bà thực sự sốc trong khi vẫn kiên quyết dùng thứ tiếng Anh khập khiễng, mặc kệ Schuyler từ nãy giờ vẫn đáp lại bằng tiếng Ý, thậm chí cô còn nói rất lưu loát.

– Eravamo giusti qui. (Nhưng chúng tôi vừa ở đây lúc nãy mà.) – Schuyler tiếp tục đôi co trong khi người phụ nữ kia chỉ lắc đầu và tự lẩm bẩm điều gì nghe không rõ.

– Có cái gì đó khang khác ở người phụ nữ này. – Schuyler thì thầm với Oliver khi họ bước ra khỏi nhà trọ.

– Yeah, bà ta trông còn kì quặc hơn cả lúc trước. – Oliver tếu táo.

Schuyler quay đầu lại để nhìn người phụ nữ một lần nữa, và nhận ra rằng bà ta có một nốt ruồi bên dưới cằm, thậm chí cô còn nhìn thấy vài sợi lông mọc ra từ đó. Nhưng người phụ nữ cô gặp lúc đầu không hề có nốt ruồi nào như thế. Cô có thể cam đoan về chuyện này.

[1] Cung điện nổi: Hầu hết Venice cùng các công trình kiến trúc của thành phố này là xây trên sông Po và sông Piave (Ý), chính vì vậy mà Venice còn có tên gọi là “Thành phố Nước” hay “Thành phố của các kênh đào” (ND)

Bình luận
× sticky