Người lên tiếng nói đó chính là Ảo Không đạo giả, chưởng môn của phái Côn Luân. Tiếng nói vừa dứt thì y với những người kia đã ra tới gần giận dữ nhìn thẳng vào mặt Tử Vong thuyền chủ hậm hực nói tiếp:
– Tử Vong thuyền chủ, mối huyết hải oan cừu của ngươi với phái Côn Luân hôm nay phải dứt khoát cho xong chứ ?
Hình như Tử Vong thuyền chủ đã biết trước rồi nên y vẫn lạnh lùng đưa mắt nhìn những thuyền đậu chằng chịt ở trên mặt sông và Võ Lâm tam lão một cái rồi cất giọng nói nhỏ như tiếng muỗi kêu và lạnh lùng không có một chút cảm tình nào cả mà trả lời Ảo Không đạo giả rằng:
– Đừng có nói nhiều nữa, bổn thuyền chủ vui lòng tiếp ngươi ba hiệp.
Tâm Tâm đại sư, chưởng môn của phái Thiếu Lâm chắp tay lên trước ngực miệng niệm Phật hiệu rồi xen lời nói:
– Ngã Phật từ bi nếu thuyền chủ biết hối cải vẫn chưa phải là muộn. Sao thuyền chủ không vứt dao đồ tể đi để tu hành thành chính quả có hơn không ? Qui hồ thuyền chủ tha hết đệ tử của các môn phái ra cải ác qui thiện như vậy ngày hôm nay thuyền chủ sẽ được rút lui …
Thuyền chủ cười khanh khách rất quái dị đáp:
– Hiện giờ tất cả thiên hạ chỉ có hai người là đủ tư cách giữ nổi bổn thuyền chủ thôi …
Tam lão nghe thấy đối phương nói như vậy, mặt liền biến sắc. La Liên A Tôn, chưởng môn phái Võ Đang liền quát lớn:
– Thực là ngôn cuồng và không còn coi ai ra gì nữa. Chả hay ngươi có tài ba gì mà dám làm bộ làm phách ở trước mặt ba chúng ta như vậy ? Hai người có tư cách giữ nổi ngươi ở lại là ai ?
Thuyền chủ ung dung đáp:
– Võ lâm đệ nhất kỳ Huyền Cốc Dị Tú và đệ nhị kỳ.
Mọi người đều kinh ngạc cùng nhìn về phía Phương Sách, bên cạnh hơi khác lạ Phương Sách quay đầu lại nhìn mới hay sư phụ của mình đã đi mất lúc nào không hay.
Chàng kinh hãi thầm đưa mắt nhìn xung quanh một lượt nữa cũng không tung tích của sư phụ đâu cả.
Võ Lâm tam lão đều kinh ngạc vô cùng vì vừa rồi ba người còn thấy bên cạnh Phương Sách có một ông già đang đứng. Cả ba đều hoài nghi ông già ấy là Võ Lâm đệ nhất kỳ nhân Huyền Cốc Dị Tú ? Nhưng bây giờ ông già đã biến mất rồi không ai trông thấy ông ta đi về phía nào hết.
Dị Tú ẩn tích ba mươi năm, nhóm Tam Lão ngoài Ảo Không đạo giả ra phải kể tới Tâm Tâm đại sư của Thiếu Lâm là lớn tuổi nhất. Năm đó đã ngoài bảy mươi mới được gặp mặt Dị Tú thôi. Vừa rồi cả hai người Ảo Không lẫn Tâm Tâm đại sư đều chăm chú nhìn Tử Vong thuyền chủ lờ không để ý đến vị kỳ nhân nên bây giờ cả hai đều hối hận thầm.
Tử Vong thuyền chủ lớn tiếng hỏi:
– Ai dám đấu ba chưởng với bổn thuyền chủ trước ?
Ảo Không đạo giả người gầy gò và lùn đã bước ngay ra trước, nghiến răng kêu “cồm cộp”, khiến ai cũng nghe thấy đã biết vị chưởng môn này đã tức giận đến mức độ nào.
Phương Sách ngạc nhiên bụng bảo dạ rằng:
“Lão đạo sĩ này chắc rất thù hận với Tử Vong thuyền chủ ? Nhưng tại sao y cũng có vẻ coi ta như kẻ thù thế ?” Ảo Không đạo giả tiến lên thì Nhị lão lại lui về phía sau ba trượng, mấy chục người theo sau Nhị lão liền đứng quây thành hình bán nguyệt.
Ảo Không đạo giả đi đến chỗ giữa đấu trường cách thuyền chủ chừng bảy thước liền đứng yên ngấm ngầm vận chân khí vào hai tay, mặt lộ sát khí và cứ trố mắt lên nhìn vào người của đối phương …
Tử Vong thuyền chủ buông xuôi hai tay, hai bàn tay hộ pháp của y đỏ hồng dần.
Hai người vận công hành khí khiến các người đứng quanh đó cũng đều nghe thấy rõ mồn một.
Hai người giận dữ nhìn nhau, trận đấu sắp bộc phát đến nơi. Phương Sách đứng cạnh đó gây cấn đến máu trong người sôi sùng sục đủ thấy chàng kích động biết bao.
Nhưng chính bản thân chàng thì chàng không hiểu tại sao mình lại bỗng dưng có tâm tính kỳ lạ như thế này, đồng thời chàng cũng nghĩ bụng:
“Nếu lời nói của thuyền chủ là thực thì ông ta là cha ruột của ta trải qua vạn kiếp mà vẫn còn được sống sót. Ông ta đã mang bao nhiêu ân cừu ở trong người lại còn bị bảy đại môn phái vây đánh. Bây giờ là giai đoạn sinh tử của ông ta, ta phải nên bảo vệ cha để báo thù mới phải chứ ?” Chàng càng nghĩ máu trong người càng sôi sùng sục, hai cánh tay đã từ từ đưa lên.
Đang lúc ấy bỗng có một giọng nói rất nhỏ rót vào tai chàng như sau:
– Con phải bình tĩnh trước, lưu ý thân pháp của hai cao thủ tuyệt đỉnh.
Chàng biết ân sư mình đang dùng phương pháp Truyền Âm Nhập Mật cảnh tỉnh mình, chắc sư phụ không muốn dây dưa vào ân oán của giang hồ nên núp ở một nơi gần đây để xem trận đấu.
Nghe thấy sư phụ cảnh cáo như vậy chàng cố trấn tỉnh từ từ buông xuôi hai tay xuống để thần trí khỏi căng thẳng như trước.
Tâm Tâm đại sư với La Liên A Tôn đều là người chưởng môn của một đại môn phái, tuy trong lòng rất phẫn nộ nhưng vì thân phận địa vị không tiện ra tay trợ giúp đành phải đứng yên ở đó lược trận.
Thấy hai người không ra tay các đệ tử đứng ỏ phía sau cũng phải đứng yên nốt.
Tử Vong thuyền chủ từ từ giơ hai tay lên trước ngực và liếc nhìn thiếu nữ áo xanh đứng cạnh khẽ dặn:
– Con mau đến đứng ở chỗ cạnh anh con đi.
Thiếu nữ áo xanh nghe thấy thuyền chủ bảo như vậy trong lòng thắc mắc, hai mắt trợn tròn xoe. Thuyền chủ lại nhìn Phương Sách gật đầu ra hiệu, lúc ấy thiếu nữ áo xanh mới chịu đi tới cạnh Phương Sách.
Phương Sách nghe thấy thiếu nữ gọi mình là đại ca cũng phải động lòng thương giơ tay ra khẽ nắm lấy tay nàng ta. Khi chàng đã nắm được bàn tay mềm mại vào trong bàn tay mình rồi liền cảm thấy có một cảm giác rất lạ lùng truyền qua các ngón tay chạy lên trên cánh tay khiến chàng phải rùng mình đến thót một cái.
Trong mười tám năm trời ở trong sơn cốc chàng chưa hề tiếp xúc với một người đàn bà nào cả nên chàng nghĩ bụng:
“Có thực cô bé này là em gái của ta không ?” Thiếu nữ áo xanh không để ý đến cửa chỉ và thái độ của chàng, chỉ ngơ ngác nhìn chàng và hỏi một cách ngây thơ rằng:
– Có phải đại ca là …
Phương Sách ngơ ngác đầu khẽ cử động hình như là gật mà cũng hình như là lắc nhưng tai chàng lại nghe thấy có tiếng nói dặn bảo:
“Con mau chú ý vào đấu trường.” Phương Sách vội thâu liền tâm thần chăm chú nhìn vào đấu trường, chàng chỉ thấy hoa mắt và nghe thấy có một tiếng kêu “bùng” giữa đấu trường đã có hai luồng kình phong va đụng nhau, cát bụi bay mù mịt, và hình như thấy hai cái bóng người đã đấu với nhau hai chưởng nhanh như điện chớp. Dư lực của chưởng phong vẫn còn quay tít hoài một lát sau mới im hẳn và cát bụi mới lắng hẳn xuống.
Thì ra hai vị cao thủ cái thế đã đấu với nhau xong hiệp thức nhất. Tử Vong thuyền chủ vẫn đứng yên, vẻ mặt kiêu ngạo, còn Ảo Không đạo giả thì mặt hơi biến sắc, một góc áo bào hình như bị cháy xém.
Quần hùng đứng quanh đó đều kinh hãi thầm. Phương Sách lại nghe thấy sư phụ nói vọng tới:
“Con đã trông thấy rõ chưa ? Vừa rồi sư phụ biết con nóng lòng sốt ruột … thảo nào Tử Vong thuyền chủ dám coi thường quần hùng của thiên hạ như thế. Chưởng lực của thuyền chủ xử dụng là Hỏa Cương chân lực đấy ! À, sư phụ đã nhớ ra rồi, trong Vạn Niên Bí Lục có ghi rằng:
“Ở dưới núi lửa Chuẩn Cát Nhì tại tỉnh Tân Cương có một giống khủng long, trong óc những con khủng long đó có một hạt châu tên là Hỏa Châu.
Hỏa Châu này là do nó hít hơi nóng của núi lửa hàng nghìn năm mới kết thành. Vậy muốn luyện môn Hỏa Cương chân lực thì phải kiếm được hạt Hỏa Châu ấy, mỗi khi luyện tập cứ hút hơi nóng của Hỏa Châu đó vào trong người mình. Có như thế mới luyện thành công được môn chân lực này” … nên sư phụ đoán chắc sau khi bị người ta đẩy xuống dưới vực thẳm, Tử Vong thuyền chủ thế nào cũng được kỳ ngộ … ” Nói tới đó, ông ta ngừng giây lát rồi mới nói tiếp:
“Con mau để ý nhìn xem Ảo Không đạo giả đang vận công lực kia. Ồ … sư phụ dám chắc nội tạng của y đã bị thương, nhưng vì bản sắc của con nhà võ vì tên tuổi và địa vị nên vẫn phải đánh liều dù chết vẫn phải bất chấp. Con xem y đã chuẩn bị đấu chưởng thứ hai đấy.” Thấy sư phụ nói như vậy Phương Sách vội chăm chú nhìn quả nhiên chàng thấy Ảo Không đạo giả đang nghiến răng mím môi tiến lên, mặt vẫn làm ra vẻ thản nhiên, nhưng bước đi của y đã có vẻ nặng nề, người sành điệu chỉ thoáng trông cũng biết y đã bị thương nặng rồi.
Tử Vong thuyền chủ cười nhạt, nói tiếp:
– Bổn thuyền chủ đã nương tay rồi ngươi có mau bước đi không ?
Y chưa nói dứt thì Ảo Không đạo giả đã nổi giận giơ song chưởng lên bổ mạnh luôn một thế. Sau một tiếng kêu “bùng” hai người lại lui về phía sau như trước. Lần này Ảo Không đạo giả bước đi loạng choạng, mặt đã tái mét nửa chiếc áo đạo bào dưới đã bị cháy xém.
Hai người chưởng môn kia thấy thế cau mày lại muốn tiến lên chống đỡ hộ nhưng thân hình của họ chưa cử động thì Ảo Không đạo giả đã hay biết vội xua tay ngăn cản, hai người chưởng môn thấy thế đành thở dài nhắm mắt lại không dám tiến bước nữa.
Trận đấu này kết quả đã cho ta biết rõ sẽ thành tấm thảm kịch như thế nào. Nhị lão động lòng thương chỉ giơ tay lên che mặt thôi, các đệ tử môn hạ của phái Côn Lôn đều cúi đầu xuống không nói năng gì …
Còn Tử Vong thuyền chủ, đôi mắt vẫn sắc bén, mặt càng vênh váo thêm.
Hai người lại đứng đối diện nhau từ từ vươn vai ngấm ngầm vận công lực. Trong khi ấy Ảo Không đạo giả đã mất thăng bằng nên người y cũng hơi lảo đảo, nhưng y vẫn nghiến răng mím môi miễn cưỡng vận luồng chân khí cuối cùng ra để đấu chưởng thứ ba.
Phương Sách thấy trong người nóng như lửa thiêu. Lưỡng Nghi cương khí của chàng bỗng tự dưng dồn cả ra hai tay và muốn ra tay tượng nghĩa, nhưng lúc ấy chàng lại thấy Nhị lão ôm mặt, môn hạ đệ tử của các đại môn phái đều cúi gầm mặt xuống và đồng thời chàng còn thấy thuyền chủ với Đạo Giả đã giơ chưởng lên tấn công nhau rồi. Chàng vội phi thân lên giơ chưởng nhằm vào giữa chưởng lực của hai người chặt xuống một thế. Sau một tiếng kêu “Bùng”, chưởng phong kình lực của ba người đều dồn lên thực cao thực mạnh. Ảo Không đạo giả đã được Phương Sách ôm nhảy ra ngoài xa hai trượng.
Nhị Lão hoảng sợ vô cùng vội mở mắt ra nhìn nhưng không thấy xác của Ảo Không đạo giả nằm ở đó, trái lại chỉ thấy Tử Vong thuyền chủ bị đẩy lui sáu bảy bước, hai mắt trợn tròn xoe nhìn thẳng vào một thiếu niên anh tuấn đứng gần đó.
Chỉ trong chớp mắt Ảo Không đạo giả đã từ cái sống chuyển sang cái chết, từ cái chết lại chuyển đến cái sống, chuyển luôn một vòng như vậy. Mọi người đều đưa mắt nhìn Phương Sách.
Phương Sách rất hổ thẹn cúi đầu xuống chứ không dám ngẩng mặt lên nhìn Tử Vong thuyền chủ nữa …
Đệ tử của phái Côn Lôn liền chạy lại đỡ Ảo Không đạo giả, còn Tử Vong thuyền chủ nhắm nghiền hai mắt lại và ứa hai hàng lệ ra luôn.
Phương Sách đau lòng vô cùng, hai hàng lệ từ từ chảy trên gò má, trong đấu óc của chàng lúc này rất phức tạp, không biết lo phải hay trái !
Chàng bỗng nghe thấy giọng nói rất khích động của sư phụ rót vào tai rằng:
“Con ! Con đã làm một việc rất có ý nghĩa và cũng phạm một lỗi lầm lớn … đứng về lập trường đạo nghĩa thì con đã làm đúng, nhưng đứng về lập trường hiếu đạo thì con đã lầm lỡ … nhưng sư phụ vẫn khen ngợi con đã làm một việc đạo nghĩa kia … ” Tử Vong thuyền chủ bỗng kêu rú một tiếng rất thảm khốc rồi quay mình chạy thẳng xuống dưới sông. Nhị Lão thấy thế đồng thanh quát tháo:
– Ngươi chạy đi đâu ?
Mọi người cũng vội xông lên, giàn người ở bờ sông có chừng bốn năm chục đi đầu là một đại hán cũng đều chạy lại đồng thanh quát lớn:
– Mau trả đoàn chủ cho chúng ta.
Thì ra những người ở giữa sông chạy tới chính là đệ tử của Thất Sát Đoàn biệt hiệu là Thập Nhị Sát Đoàn chủ của chúng vừa bị bắt cóc ở trên miền thượng du.
Tử Vong thuyền chủ giận dữ rú lên một tiếng rất kinh hồn động phách, khiến ai nghe cũng phải sờn lòng rởn tóc gáy và y múa tít song chưởng tấn công luôn mấy chưởng rất lợi hại. Tiếng kêu la khóc lóc thảm khốc nổi lên ngay bóng người loạn xạ chỉ trong nháy mắt trên mặt bãi cát đã có xác người nằm ngổn ngang, những đống thịt dính đầy máu tươi chồng chất. Thập Nhị Sát của Thất Sát Đoàn đều bị đánh chết hết.
Mấy chục đệ tử của Thất Sát Đoàn thấy vậy đều quát tháo xông lên, kẻ vung đao người dùng côn, cũng có kẻ dùng sắt và đá đều xông cả ra vây đánh Tử Vong thuyền chủ.
Tử Vong thuyền chủ tựa như một con dã thú điên khùng gào rú luôn mồm, tả chưởng tấn công lia lịa còn hữu chưởng thì ném một chùm ám khí dị hình ra. Bọn người kia liều kêu la thảm khốc, tức thì chỉ trong nháy mắt mấy chục cái bóng người đều nằm lăn ra đất hết, thế là trên bãi cát ở gần bờ sông lại có thêm mấy chục oan hồn.
Tâm Tâm đại sư thấy thế mồm niệm phật hiệu, vẻ mặt rầu rĩ đau lòng khôn tả, vội tiến lên ngăn cản lối đi của Tử Vong thuyền chủ, La Liên A Tôn cũng giận dữ thét lớn theo sau xông lên luôn. Đệ tử của các môn phái ở bốn mặt, tứ phía xông lại bao vây chặt lấy Tử Vong thuyền chủ.
Cách mặt sông không đầy mười trượng mà Tử Vong thuyền chủ không sao chạy xuống dưới sông được.
Tâm Tâm đại sư với giọng run run khấn:
– Ngã Phật từ bi, đệ tử phải khai sát giới đây !
Thế là Nhị lão một trước một sau cùng giở công lực tuyệt đỉnh của bổn môn ra xông lại tấn công. Lúc này có lẽ Tử Vong thuyền chủ đã mệt nhoài nên y chống đỡ đã có vẻ khó khăn lắm.
Ba cái bóng người ở trên bãi cát cứ chạy vòng quanh, cát bụi bay mù mịt bốc lênt ận trời xanh, đủ thấy trận đấu kịch liệt biết bao !
Phương Sách đứng ở đó run rẩy, nhưng hai mắt vẫn không rời trận đấu.
Một giờ … hai giờ, thời giờ trôi chảy rất nhanh, Phương Sách cảm thấy nóng lòng sốt ruột vô cùng nhưng bốn bề yên tĩnh, nước sông mênh mông, chàng biết kể lể cùng ai ? Chàng chỉ mong tiếng nói của sư phụ lại rót vào tai như trước để chỉ thị cho mình nên làm như thế nào, nhưng chàng đợi mãi cũng không nghe thấy tiếng của sư phụ nữa.
Lại qua được một tiếng đồng hồ nữa, bóng người trong trận đấu không nhanh như trước nữa, tâm tình của mọi người cũng nặng trĩu theo. Tử Vong thuyền chủ chân tay đã lúng túng, hình như sắp bị bại trận đến nơi rồi.
Phương Sách thấy thế máu trong người sôi sùng sục, chàng biết mình đã làm cho cha mình đau lòng nên cha mình có bị đánh bại là do hành động của mình vừa rồi mà nên hết. Chàng lại nghĩ tới mẹ mình bị hiếp dâm và bị giết chết, cha thì bị người đuổi đánh … Tuy chàng không hiểu tại sao lại có tấn thảm kịch ấy nhưng dù sao tình cốt nhục vẫn nặng hơn nên chàng cứ quan tâm đến sự an nguy của Tử Vong thuyền chủ luôn luôn.
Chàng bỗng giật mình kinh hãi vì thấy Tử Vong thuyền chủ người bỗng lảo đảo hình như sắp bị nhị lão đả thương đến nơi ? Chàng không sao nhịn được nữa, trống ngực chàng đập mạnh thêm, vội vận công dồn sức vào hai cánh tay để định xông lên cứu Tử Vong thuyền chủ, thì bỗng bên tai lại có tiếng nói rót vào:
– Con nên bình tĩnh một chút !
Phương Sách giật mình đến thót một cái nhưng lửa trong người vẫn sôi sùng sục.
“Con là người giàu tình cảm, dễ xúc động, nên con phải lạnh lùng và bình tĩnh mới được … ” Phương Sách nghe thấy tiếng nói ấy của sư phụ lại càng mủi lòng thêm và khích động khôn tả. Lúc ấy chàng đã thấy Tử Vong thuyền chủ loạng choạng như suýt ngã …
“Bây giờ con có thể phát động được rồi !” Phương Sách bỗng rú lên một tiếng thực dài và rất thảm khốc, thân hình của chàng lên trên cao phi luôn vào trong trậnd dấu, song chưởng tấn công tới tấp. Chàng đã dùng Lưỡng Nghi chân khí ra đẩy cho nhị lão, kinh hoảng và phải nhảy lui về phía sau mấy bước.
Tử Vong thuyền chủ liếc nhìn Phương Sách rất nhanh rồi nhảy vọt qua đầu mọi người, phi thân vào lòng sông mất dạng.
Tử Vong thuyền chủ Hỗn Thế Ma Vương nhờ có Phương Sách cứu viện đã đào tẩu rồi mọi người đều cả kinh và nhìn thẳng vào mặt Phương Sách.
Phương Sách hổ thẹn cúi đầu xuống, không biết nói năng như thế nào cho phải, thì bên tai lại có tiếng nói:
“Con đã hiểu lầm ý nghĩa lời nói của sư phụ … ” Nhị lão mặt biến sắc, sát khí đằng đằng, mọi người cũng giận dữ vô cùng đều xông lại bao vây chặt lấy Phương Sách.
Phương Sách bỗng ngửng đầu lên vẻ mặt bất kiêu ngạo, chàng đứng vững như núi thái sơn hình như đang đợi chờ sự kết quả rất khốc liệt xảy đến.
Nhị lão liền hỏi:
– Cậu có biết y là một Ma Vương giết người như giết sâu bọ không ?
– Có biết !
– Cậu có biết y đã bắt cóc vô số thanh niên nam nữ vô tội đấy không ?
– Biết !
– Cậu có biết y đã tạo nên bể máu mưa tanh, gây nên bao tai kiếp cho giang hồ không ?
– Biết !
– Cậu có biết người trong võ lâm ai ai cũng tức hận y cực độ không ?
– Biết !
Lúc này giọng nói của Phương Sách đã khàn khàn rồi.
– Cậu có biết ai ai cũng muốn giết cho được y mới hả dạ không ?
– Biết !
– Thế tại sao cậu lại còn giải vây cho y đi ?
Chàng nức nở khóc, nước mắt chảy ra như mưa chứ không sao trả lời được.
– Cậu với y có liên quan gì phải không ?
– …
– Y là người thế nào của cậu ?
– Ông ta là thân phụ của tiểu bối.
Phương Sách nghiến răng mím môi trả lời được một câu như trên nhưng chàng lại ưỡn ngực lên cương quyết nói tiếp:
– Đệ tử chỉ cầu chết ngay tại đây để được chuộc tội thôi !
Quần hùng nghe thấy chàng trả lời như vậy ai nấy đều yên lặng như tờ. Một lát sau bỗng có tiếng kêu la:
– Chiếc thuyền Tử Vong lại xuất hiện đấy !
Quần hùng giật mình kinh hãi vội quay đầu lại nhìn.
Trên sông Dương Tử, sóng nổi lên cuồn cuộn cao như một cái tháp, một cái bóng đen dị hình rất nhanh nổi lên và đem theo một ngọn sóng cao chọc trời. Tiếp theo đó lại có tiếng mái chèo bơi rất nhanh xen lẫn tiếng kêu la thảm khốc, trong bóng tối bốn bề yên lặng những tiếng kêu và tiếng động đó càng làm cho người ta kinh khủng thêm.
Nhị lão bỗng quay lại ra lệnh cho các đệ tử:
– Mau lặng xuống đáy nước, cố bắt cho được chiếc thuyền Tử Vong !
Mấy chục đệ tử đều nhảy xuống dưới nước, những người này là đã được chọn lựa hàng trăm người mới tuyển một, nên tài bơi lội của họ rất cao cường.
Nhị lão nhảy lên chiếc thuyền không, đậu ở gần đó rồi thúc thuyền đi ra giữa sông luôn.
Cái bóng đen dị hình kia đi nhanh như điện chớp tiến thẳng xuống dưới miền hạ du.
Quần hào ở trên bờ vừa chạy vừa reo hò đuổi theo.
Trên mặt sông lại có những ván thuyền nổi lênh đênh, xác thuyền lộn ngược, xác người nổi lênh đênh trên mặt nước. Có kẻ bị thương chưa chết vẫn còn kêu la rên rĩ, hiển nhien vừa rồi Tử Vong thuyền chủ đã giở sát thủ rất thần bí tàn khốc và xảo quyệt nên những người đó mới bị đả thương và bị giết chết nhiều như vậy.
Tiếng người ở trên bờ lại ồn ào như họp chợ và họ đang bận rộn vì cứu thương …
Phương Sách ngơ ngác nhìn trời không đứng đờ người ra như tượng gỗ, thì bên tai lại bỗng có giọng rất êm dịu và ngọt ngào khẽ gọi:
– Đại ca !
Phương Sách giật mình kinh hãi vội quay đầu lại trông thấy thiếu nữ áo xanh đang trợn tròn xoe đôi mắt lóng lánh và rất to lên ngẩn người ra nhìn mình và hỏi:
– Cha đi rồi ư ?
– Đi rồi !
Bỗng có tiếng áo bay trước gió phần phật nổi lên, Phương Sách vội trố mắt lên nhìn mới hay Huyền Cốc Dị Tú đã xuất hiện ở trước mặt, chàng hoảng sợ vội quỳ ngay xuống đất nói:
– Tội của đệ tử đáng chết muôn lần !
Dị Tú đỡ chàng dậy mà an ủi rằng:
– Con đừng nói thế ! Đến giờ sư phụ vẫn chưa thể phán đoán được con làm như thế là đúng hay là lầm lỡ !
– Đệ tử không nên …
– Con nên hiểu người võ lâm chúng ta phải trọng tín nghĩa, biết phân biệt ân oán chỉ một mối ân nho nhỏ cũng phải gắng đền cho được vì một lời chính nghĩa dù có phải hy sinh đến tánh mạng cũng không từ nan. Thù giết cha thì dù phải hủy gia cũng phải trả cho được, còn tình lý ở bên trong mỗi người một khác, nếu ta có khăng khăng giữ đúng nếp thì ta sẽ ở trở nên giang hồ bại hoại ngay. Người đại nhân đại nghĩa đại dũng biết rõ lợi hại trọng khí tiết, việc gì là chính nghĩa ta không cần nghĩ đến mình mà chỉ nghĩ đến người, không nên nghĩ cá nhân mà chỉ nghĩ đại chúng đấy mới phải là người thánh hiền. Con là người có mưu lược có can đảm lòng lại nhân đức bác ái, nghĩa khí lẫm lẫm, sư phụ chỉ mong con nên nghĩ đến người mà đừng nghĩ đến mình, vì đại chúng chứ đừng vì cá nhân.
Phương Sách càng nghe càng bàng hoàng sợ. Dị Tú lại nghiêm nghị nói tiếp:
– Sư phụ nuôi dưỡng và dạy dỗ con từ hồi nhỏ đến giờ, mười tám năm nay theo tình lý biện thời đã tỏ rõ, giang hồ sắp lại có tai kiếp, sau này con sẽ phải gánh vác nhiệm vụ rất nặng. Sư phụ chỉ mong con hãy cố gắng gánh vác.
Phương Sách ngạc nhiên và hoài nghi không hiểu tại sao ngày hôm nay sư phụ lại nói những lời lẽ ấy.
Dị Tú lại nói:
– Sư phụ đã khổ tâm đêm nay đưa con ra ngoài giang hồ … để con tự đảm nhiệm lấy …
Phương Sách kinh hoảng hỏi:
– Sư phụ muốn …
– Sư phụ sẽ đi đây !
– Cho đệ tử theo với !
– Sư phụ sẽ trở về Huyền Băng Cốc.
– Đệ tử cũng theo sư phụ về Huyền Băng Cốc.
– Không được ! Con còn có tương lai rạng rỡ con phải gánh vác sự an nguy của võ lâm.
Phương Sách rầu rĩ ứa nước mắt ra. Dị Tú liếc nhìn thiếu nữ áo xanh rồi khẽ vuốt tóc nàng và nói với Phương Sách tiếp:
– Con phải trông nom cô bé này !
Thiếu nữ áo xanh bỗng kéo tay áo Dị Tú và khẽ nói:
– Lão bá bá đừng đi nữa, đời của Thục nhi khổ lắm …
Huyền Cốc Dị Tú thở dài một tiếng lẩm bẩm nói:
– Việc gì ở trên đời cũng có định số hết !
Phương Sách thắc mắc hỏi:
– Sư phụ, đệ tử với Tử Vong thuyền …
Không đợi chờ chàng nói dứt, Huyền Cốc Dị Tú đã đỡ lời:
– Lời nói của sư phụ đã nói hết rồi, một đằng là đại nghĩa một đằng là thân tình, tùy ý con lựa chọn … Nếu có việc gì nghi nan không sao giải quyết được lúc ấy hãy đến Huyền Băng cốc kiếm tạ. Vừa nói đến chữ “ta” thì ông ta đã đi ra ngoài xa mười trượng và chỉ trong nháy mắt đã mất dạng luôn. Phương Sách rầu rĩ quỳ xuống vái theo về hướng đó. Thiếu nữ áo xanh cũng vái theo luôn. Vái lại xong cả hai cùng đứng dậy ngơ ngác. Mặt sông mênh mông, xa xa chỉ còn là một làn chỉ trắng ở chân trời.
Phương Sách suy nghĩ lại hành vi của mình, một nghi vấn nổi lên trong đầu óc của chàng, trước tiên là Tử Vong thuyền chủ tội ác tầy trời, ai ai cũng muốn giết chết ông ta mới hả dạ, nhưng ông ta lại là cha mình, thân tình và đại nghĩa bên nào nặng bên nào nhẹ ? Sư phụ bảo mình tự phân minh lấy và tự lựa chọn lấy. Tên thật của Tử Vong thuyền chủ là gì ? Ông ta làm việc gì mà khiến bảy đại môn phái của võ lâm đánh đuổi chém giết như vậy ? Mẹ đẻ ra ta là ai ? Có thật đã bị người hãm hiếp rồi giết chết không ? Sư phụ đã trao Hỗn Thế Ma Vương vào tay ta, nếu quả thật ông ta là cha ta, biết làm sao đây ? Nhưng lúc này lòng ta đang mâu thuẫn biết xử trí như thế nào mới phải ? Nhất là sư phụ nói:
“Lúc ấy có ba đứa con nít, vậy trong ba đứa con nít ấy ai là con của Tử Vong thuyền chủ … ” Chàng đang suy nghĩ thì thiếu nữ áo xanh đứng cạnh đã lên tiếng hỏi:
– Tên của đại ca là gì thế ?
Phương Sách liền nói tên họ cho nàng biết, rồi chàng lại hỏi thiếu nữ:
– Từ bán đảo Giang Âm cô cứ theo chúng tôi mãi cho tới nơi đây phải không ?
– Cha bảo làm như vậy.
– Sao cô không theo cha xuống thuyền một thể ?
– Từ trước tới nay em vẫn ở trên đảo này chứ chưa xuống thuyền bao giờ.
Phương Sách ngạc nhiên hỏi tiếp:
– Cô chưa xuống dưới thuyền Tử Vong bao giờ ư ?
– Vâng, cha không cho em xuống.
– Vậy cô ở đâu ?
– Em ở trong một cái hang động gần đây. Đại ca chúng ta đi tới hang động ấy đi !
Nơi đó thích thú lắm, có con Hốt hốt trắng (như khỉ đột), nó vẫn chơi đùa và nghe em sai bảo.
Nàng vừa nói vừa dắt Phương Sách đi vào trong rừng.
Phương Sách nóng lòng sốt ruột muốn xem kết quả của quần hùng theo dõi thuyền Tử Vong ra sao nhưng chàng lại thấy thiếu nữ áo xanh chân thành mời mình như thế lại không nhẫn tâm làm mất lòng nàng ta.
Trong khi Dị Tú nói chuyện với Ảo Không đạo giả, chàng đã biết thiếu nữ này không phải là con gái của thuyền chủ, vậy thân thế và lai lịch của nàng ta ra sao ?
Chàng không sao biết được, liền nghĩ bụng:
“Có lẽ thân thế lai lịch của cô bé ngây thơ này cũng huyền bí như thân thế và lai lịch của ta, vậy bên trong còn có một mối huyết thâm cừu nữa … ” Với bàn tay mềm mại, thiếu nữ lôi kéo Phương Sách chạy nhanh như bay, xuyên rừng, vượt suối, lên núi, xuống đèo, chỉ trong giây lát đã tới một sườn núi thẳng tuột ở cạnh bờ sông. Phương Sách vội nhìn xuống miền hạ du thấy hình bóng của những chiếc thuyền lênh đênh trên mặt sông, sự lo âu lại nổi lên trong đầu óc chàng ngay.
Thiếu nữ áo xanh ngửng mặt lên nhìn Phương Sách một hồi, rồi thủng thẳng nói:
– Mặt của đại ca đẹp lắm …
Phương Sách nghe nói, mặt đỏ bừng, ngượng vô cùng. Thiếu nữ thấy thế ngạc nhiên hỏi tiếp:
– Sao bỗng dưng đại ca lại đỏ mặt tía tai như thế ?
Phương Sách càng khó trả lời thêm thì thiếu nữ đã kêu “ủa” một tiếng và nói tiếp:
– Đại ca trách tiểu muội phải không ? …
Nói tới đó, hai mắt của nàng đã đỏ ngầu, và rầu rĩ như muốn khóc, Phương Sách thấy thế vội thâu liểm tâm thần. Sự thật chàng thấy cô bé ngây thơ như vậy cũng yêu lắm, nên chàng vừa cười vừa đáp:
– Đại ca không giận hiền muội đâu. Hang động của hiền muội ở đâu thế ?
Thiếu nữ áo xanh thấy chàng hỏi như vậy lại tươi cười ngay, liền chỉ tay xuống dưới sườn núi và đáp:
– Ở dưới kia kìa !
Nàng vẫn nói tiếp, nhưng vì nàng nói khẽ quá, và cũng từ trên không bỗng có tiếng nói vọng tới như sau:
– Đã bắt được Tử Vong thuyền rồi …
Phương Sách giật mình đến thót một cái, không kịp gọi thiếu nữ áo xanh, đã vội phi thân chạy ra ngoài bãi cát.
– Đại ca làm gì thế ? …
Thiếu nữ áo xanh vừa đuổi theo, vừa kêu gọi như vậy …