Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Giang Hồ Ân Cừu Ký

Chương 13: Mang thương khổ chiến

Tác giả: Giả Kim Dung

Mấy trăm quần hùng thấy Tử Vong thuyền chủ với các bộ hạ xuất hiện một cách đột ngột như vậy, ai nấy đều kinh hãi đến ngẩn người ra. Các môn hạ đệ tử của các môn phái Côn Luân, Võ Đang, Thiếu Lâm và Bạch Long giáo vì thấy người chưởng môn của mình đã nằm mê man bất tỉnh ở dưới chân của Tử Vong thuyền chủ, nên không ai dám tiến lui nửa bước.

Không khí của căn đại sảnh gây cấn khôn tả, mấy trăm đôi mắt vừa kinh hoảng vừa phẫn nộ, vừa ngơ ngác đều nhìn cả vào người của Tử Vong thuyền chủ. Tuy chúng rất phẫn uất nhưng không một tên nào dám hành động gì cả.

Tử Vong thuyền chủ khẽ đẩy Phương Sách ra, chỉ tay vào bốn hương chủ và tám đường chủ của Bạch Long giáo đang đứng gần đó mà nói:

– Con hãy trói chúng lại !

Phương Sách hớn hở vâng lời, lúc này trong lòng chàng đã chứa đầy những tâm sự cởi mở và thù hận. Chàng muốn đem những tài ba đã học hỏi được của ân sư ra biểu diễn trước mặt thiên hạ quần hào.

Chàng vâng lời Tử Vong thuyền chủ, liền phi thân tới trước mâm rượu ở chỗ cách chàng chừng hơn trượng. Bọn người đang ngồi ở mâm này chính là bốn hương chủ và tám đường chủ của Bạch Long giáo. Chàng vận Huyền công vào hai cánh tay, vừa định lớn bước nhảy xổ tới thì Độc Tý Phi Ma đã quát lớn:

– Những tên hề nho nhỏ này đâu dám phiền đến thiếu chủ phải ra tay.

Vừa nói dứt đã giơ cánh tay trái bằng đồng lên, đã có một luồng khói trắng nhanh như điện chớp bắn ra, bốn hương chủ và tám đường chủ thấy thế mặt đều biến sắc.

Chất khói độc ở cánh tay đồng của Độc Tý Phi Ma vừa bay qua mặt bọn hương chủ và đường chủ nọ một cái, cả mười hai tên đều lần lượt ngã lăn ra đất ngay.

Tử Vong thuyền chủ ngửng mặt lên trời cười như điên như khùng, tiếng cười của y kêu sang sảng như tiếng chuông đồng, làm cho quần hào có mặt tại đó đều vang tai nhức óc hoảng sợ đến mặt biến sắc.

Phương Sách cũng hơi biến sắc mặt và trợn to đôi mắt lên nhìn Độc Tý Phi Ma, mặt lộ vẻ phẫn nộ và khinh thị.

Độc Tý Phi Ma đã có tiếng là người rất ngông cuồng, y thụ kế của Tử Vong thuyền chủ, nói khích Phương Sách để chàng đến Hồ Bạch Thố thôi, chứ y không dám ra tay thực sự để đấu với chàng, mới bị kiếm của chàng bao vây, bây giờ y cố ý biểu diễn tài ba ra để cho chàng biết tay y không phải là kẻ tầm thường.

Phương Sách là người rất thông minh, chỉ thoáng nhìn đã biết ngay dụng ý của đối phương như thế nào rồi, nhưng vì có cha đứng cạnh, chàng không tiện nổi khùng đấy thôi.

Tử Vong thuyền chủ đưa mắt liếc nhìn hai người, thấy Phương Sách có thái độ kiêu ngạo và có tính tình thuần hậu không chịu khuất phục như thế cũng phải tắc lưỡi khen ngợi, rồi lại lớn tiếng cả cười để đánh tan tình thế đang gây cấn của Phương Sách với Độc Tý Phi Ma đi. Y lại chỉ Võ Lâm Tam Lão, Bạch Long giáo chủ với mười hai tên đầu mục nằm dưới đất mà quát bảo đội Huyền binh đứng ở cạnh đó rằng:

– Có mau trói chúng lại đem xuống thuyền không ?

Lúc ấy đệ tử của các môn phái mới đồng thanh quát tháo, tay cầm khí giới định nhảy lại cứu chưởng môn của mình, nhưng tám mươi mốt tên Huyền binh của Tử Vong thuyền đã đồng thanh thét lớn một tiếng và dồn ngay mấy trăm đệ tử của các môn phái ấy vào một góc luôn.

Bốn tên Huyền binh chạy lại định trói Tam Lão đang nằm ở dưới đất thì bỗng có tiếng quát tháo như Long ngân nổi lên:

– Hãy khoan !

Mọi người đều giật mình kinh hãi trố mắt lên nhìn, mới hay người đó chính là Phương Sách, con của Tử Vong thuyền chủ.

Tử Vong thuyền chủ ngạc nhiên hỏi:

– Con muốn làm gì thế ?

Phương Sách rất oai phong lẫm lẫm đáp:

– Thưa cha, bảy đại môn phái của võ lâm tuy người nào người nấy đều là kẻ thù của chúng ta cả, nhưng cha không nên dụng mưu kế để trả thù như thế.

Tử Vong thuyền chủ liền lật cái mặt nạ bằng da màu xanh ở trên đầu ra, còn cái mặt nạ da người lì lì, tuy không có tình cảm gì hết, nhưng đối mắt sáng quắc đã lộ vẻ ngạc nhiên và trầm giọng xuống khẽ hỏi tiếp:

– Con muốn như thế nào ?

Phương Sách không do dự gì cả, thuận mồm trả lời luôn:

– Lấy nước mắt trả nước mắt, lấy máu trả bằng máu ! Con nhà võ ân oán phải phân minh, cha không nên thị thuốc mê làm cho họ mất hết công lực rồi mới trả thù.

Bây giờ hãy cứu họ tỉnh lại trước, rồi thi công lực mà trả thù.

Chàng chưa nói dứt, quần hùng ngồi ở bên phía Đông đến xem trận đấu đều vỗ tay khen ngợi, các đệ tử của bốn môn phái ở bên phía Tây cũng cảm động đến ức nước mắt ra.

Tử Vong thuyền chủ lại nói tiếp:

– Con nên nhớ, chúng ta không thể câu nệ tiểu tiết thường lệ như thế được !

– Nếu cha không cứi tỉnh họ, thì con không chịu ra tay đâu !

– Chang không bắt con dự vào vụ này đâu.

– Không ! Con không muốn cha bị người ta nói xấu ở sau lưng !

Tử Vong thuyền chủ đã hơi gay gắt nói tiếp:

– Con có biết cha tốn không biết bao nhiêu tinh lực mới bắt được họ không ?

– Dù sao vẫn không nên trả thù bằng cách này !

– Con dám trái lệnh của cha phải không ?

– Con không dám …

Tử Vong thuyền chủ cười vẻ đắc trí và nghĩ bụng:

“Ta đoán không sai, Phương Sách là người có lòng nhân từ và hiếu thảo, y không dám trái lệnh ta đâu.” Nghĩ tới đó, giọng nói của y lại dịu xuống ngay và nói tiếp:

– Con hãy xem thủ pháp của cha đây.

Nói tới đó, y liền quay đầu lại quát bảo bốn tên Huyền binh bằng:

– Hãy đem Bạch Long giáo chủ đi trước …

Không ngờ Phương Sách lại quát tiếp:

– Hãy khoan !

Chàng nhìn Tử Vong thuyền chủ lớn tiếng nói tiếp:

– Con không muốn chính mắt con trông thấy việc này xảy ra !

Nói xong, chàng vái Tử Vong thuyền chủ một lạy, rồi quay đi luôn.

Mấy trăm quần hùng với môn hạ đệ tử của bốn phái và tám mươi mốt tên Huyền binh Huyền tướng của Tử Vong thuyền đều cảm phục chính nghi lẫm lẫm của Phương Sách. Bên quần hùng đến xem trận đấu lại còn có khá nhiều người lớn tiếng nói vọng sang:

– Thiếu chủ nói rất phải, võ công và trí lược của Tử Vong thuyền chủ đứng đầu thiên hạ, chả lẽ phải lợi dụng thuốc độc mới có thể thủ thắng hay sao ?

Tử Vong thuyền chủ đưa mắt liếc nhìn quần hùng một cái, nhưng không biết ai vừa lên tiếng nói. Lúc này tình thế rất rõ ràng, trước mặt thiên hạ quần hùng, thuyền chủ không muốn để lại tai tiếng sau này và cũng không muốn mất Phương Sách. Dù sao cho đến giờ Phương Sách vẫn chưa biết thuyền chủ không phải là cha ruột của mình nên thuyền chủ vẫn phải duy trì tình trạng ấy.

Thuận gió bẻ măng thuyền chủ liền quay đầu lưỡi lớn tiếng cười ha hả mà gọi Phương Sách:

– Con giống hệt cha năm xưa, lại đây thử xem võ công của con đã tiến bộ đến mức độ nào.

Thuyền chủ vừa nói vừa vội nhảy theo nắm lấy cánh tay Phương Sách lôi vào trong đại sảnh và đưa mắt ra hiệu ngầm cho Độc Tý Phi Ma. Độc Tý Phi Ma không bằng lòng, nhưng không dám trái lệnh của thuyền chủ mà đành phải lấy thuốc giải cho những người nằm la liệt ở trên mặt đất uống.

Cái tên của Độc Quái quả thực danh bất hư truyền, làm cho người ta ngộ độc đã nhanh mà giải độc cũng nhanh nhẹn tuyệt luân nốt. Không đầy một tiếng đồng hồ, Võ Lâm tam lão đã kêu rên mấy tiếng, người đã cử động được và sắp sửa tỉnh táo đến nơi.

Riêng có Bạch Long giáo chủ với các thủ hạ, tứ hương bát đường là vẫn còn mê man bất tỉnh thôi.

Độc Tý Phi Ma không đợi chờ Phương Sách lên tiếng nói, đã cười giọng quái dị và nói:

– Mấy người này uống thuốc độc khác, vậy phải dùng thứ thuốc giải khác mới có thể cứu tỉnh lại được.

Y vừa nói vừa đưa mắt ra hiệu cho Thuyền chủ và đã nghe có mấy tên Huyền binh khiêng bọn người của Bạch Long Giáo sang bên.

Sự thực Bạch Long giáo chủ với Tam Lão cùng trúng phải một thứ thuốc mê bỏ vào trong rượu, nhưng Độc Tý Phi Ma thấy thuyền chủ ra hiệu ngầm cho mình, biết ngay ông ta chỉ bằng lòng thả Tam Lão thôi. Nên y liền nhét vào mồm Bạch Long giáo chủ với mười hai người Hương và Đường chủ một thứ thuốc mê khác chứ không phải là thuốc giải, như vậy thì những người đó làm sao mà tỉnh táo được ?

Phương Sách không biết cái trò ma quỷ ấy, nên không can thiệp nữa, nên Võ Lâm Tam Lão cùng kêu “ủa” rồi vội nhảy phắt lên ngay, cả ba đều kinh hoảng vừa tức giận, ba cặp mắt đều liếc nhìn thuyền chủ với Độc Tý Phi Ma, rồi cùng giơ tay lên chỉ vào mặt hai người và quát bảo:

– Nghiệp chướng ! Ngày hôm nay bổn chưởng môn không thể nào tha chết cho hai mi …

Thuyền chủ không thèm đếm xỉa tới Tam Lão, cứ tủm tỉm cười nói với Phương Sách tiếp:

– Con, cha muốn con phải đích tay trả thù huyết hận cho gia đình mình trước.

Phương Sách đã tiến tới trước mặt Tam Lào, bộ mặt ngọc của chàng như phủ một màu sương, đôi ngươi trợn ngược đầy vẻ sát khí mà quát hỏi Tam Lão rằng:

– Trong ba người, ai muốn ra tay trước ? Để Phương mỗ được lấy lại món nợ máu của gia đình ta vào hồi mười tám năm về trước !

Tam Lão đều ngơ ngác không hiểu tại sao Tử Vong thuyền chủ không ra mặt, trái lại Phương Sách lại có thái độ hăng hái như thế ? Đồng thời anh em mình đã uống phải rượu có thuốc mê rồi, mà tại sao lại bỗng dưng lại tỉnh lại được như thế này ?

Vì những lý lẽ đó, cả ba người chưởng môn đều không hiểu được dụng ý của thuyền chủ như thế nào, mà cùng ngẩn người ra.

Tâm Tâm đại sư niệm một tiếng “A di đà Phật” rồi nói:

– Thiếu hiệp, chính thiếu hiệp đã ra lệnh lấy thuốc giải cứu anh em lão phải không ?

Phương Sách gật đầu. Tam Lão lại quát hỏi tiếp:

– Thiếu hiệp làm như thế có dụng ý gì ?

– Phương mỗ không muốn nhân lúc người ta đang mê man bất tỉnh mà đột nhiên hạ độc thủ …

Tam Lão cùng trố mắt lên ngắm nhin` thiếu niên đang đứng ở trước mặt, thấy chàng ta khí vũ hiên ngang, đại nghĩa lẫm lẫm. Nên cả ba người đều gật đầu khen ngợi thầm và trong lòng đã nẩy nở lòng thương mến ngay. Vì vậy lửa giận của ba người đã giảm bớt già nửa, cả ba đều nghĩ bụng:

“Tử Vong thuyền chủ xảo trá tàn ác như thế, thì làm sao mà có một người con chính trực nhân hậu như thế này được ?” Trong lòng ba người dám táo bạo giả định Phương Sách không phải là con của thuyền chủ mà cả ba đã định tâm cứu vớt một bông hoa kỳ lạ của võ lâm này không bị sa đọa và không nối giáo cho giặc nữa.

Tâm Tâm đại sư chắp tay lên trước ngực, lớn tiếng niệm Phật hiệu:

– Thiếu hiệp nên vận dụng trí óc của mình mà minh xét sự xảo trá …

Không ngờ Phương Sách lại cười khảy và giận dữ quát mắng ngay:

– Con lừa sói đầu này khéo ăn nói lắm. Dung túng cho môn hạ đệ tử gian dâm, và cố giết mẹ người ta ! Những cái đó Phương mỗ đã đích mắt trông thấy, ngươi còn muốn khôn ngoan thoái thác nữa phải không ?

Tâm Tâm đại sư hơi ngạc nhiên, ông ta không ngờ Phương Sách lại mắng mỏ mình như thế. Nhưng ông ta biết Phương Sách đã bị quỷ kế của thuyền chủ mê hoặc, nên ông ta vẫn bình tĩnh nói tiếp:

– Thiếu hiệp phải nên phân biệt thị phi …

Phương Sách lại át giọng:

– Câm mồm ! Hôm nay Phương Sách đã quyết tâm giết kẻ thù để trả hận cho mẹ hiền ở dưới chín suối.

Vừa nói tới đó, chàng đã rút thanh bảo kiếm ra khỏi bao liền.

La Liên A Tôn mặt đã hơi biến sắc, không sao nhịn được, liền tiến lên một bước quát mắng lại Phương Sách rằng:

– Bổn chưởng môn thấy ngươi tuổi trẻ vô tri, trúng phải gian kế của giặc, nên mới khuyên bảo ngươi như vậy, không ngờ ngươi lại cố chấp nếu không tĩnh ngộ và ngông cuồng vô lễ với bổn chưởng môn như vậy. Ngươi tưởng bổn chưởng môn sợ ngươi hay sao ?

Phương Sách đã bị lửa thù che lấp hết cả lý trí, nên chàng không thèm nghe lời nói của đối phương, mà chỉ ngửng mặt lên trời cười như điên như khùng. Cười xong chàng lại trầm giọng quát hỏi tiếp:

– Ngươi muốn đấu bằng khí giới, hay là bằng tay không ?

La Liên A Tôn khi nào nhịn được, liền cười khảy mấy tiếng rồi đáp:

– Thằng nhỏ vô tri kia, bổn chưởng môn bằng lòng dùng hai bàn tay không này dạy bảo ngươi trước !

Đường đường Tam Lão, một chưởng môn, ở trước mặt thiên hạ quần hùng mà bị nhục như vậy khi nào chịu nổi ? Các môn hạ đệ tử của Tam lão đã nổi giận trước và lăm le muốn xông lên vây đánh Phương Sách ngay. Nhưng Tâm Tâm đại sư lại hình như có dụng ý khác. Ảo Không đạo giả tính lại rất là thâm trầm, chỉ có La Liên A Tôn là người rất nóng tính, không sao chịu nhịn được liền tiến lên nói tiếp:

– Hãy coi chưởng của ta !

Nói xong ông ta giơ tả chưởng lên đẩy mạnh một thế, hữu chưởng thì chìa hai ngón như cái kích nhằm kiếm của Phương Sách điểm luôn. Đó là “Khí Cương Chỉ” với “Điệp Toàn Chưởng” hai môn tuyệt học hảo thế của Võ Đang mà ông ta đem ra sử dụng luôn một lúc để tấn công Phương Sách.

Phương Sách bỗng giơ tả chưởng lên hất một thế, tay chàng liền có một đạo kình khí đưa ra, chống đỡ luôn lấy thế công của đối phương, còn tay phải thì thuận tay cắm luôn trường kiếm vào trong bao.

Một mặt chống đỡ kẻ địch một mắt cắm kiếm vào bao như vậy của sư phụ đều nhanh nhẹn gọn gàng, khiến La Liên A Tôn cũng phải khen ngợi thầm, vì thế mà lòng kiêu ngạo của ông ta cũng nổi lên, bụng bảo dạ rằng:

“Ngươi muốn đấu tay không với ta ngươi sẽ thiệt thòi hơn nhiều !” Hai bên cùng lui về phía sau ba bước và cùng giơ chưởng lên ngang ngực. Quần hùng thấy thế cả kinh, vì biết hai người đã định thi thố nội công với nhau. Họ biết công lực của Phương Sách tuy phi phàm, nhưng địch sao nổi Tam Lão ? Nên đà có đa số người lo âu hộ chàng mà đã toát mồ hôi lạnh ra ngay.

La Liên A Tôn biết công lực của Phương Sách không phải là tầm thường, nên không dám khinh địch, phải giở mười thành công lực ra đối phó. Chưởng lực của hai người vừa va đụng nhau, thì Phương Sách đã loạng choạng lui về phía sa sáu bảy bước, còn La Liên A Tôn thì vẫn đứng yên không hề suy suyển chút nào.

Thì ra Phương Sách mới sử dụng có bảy thành công lực để thử thách đối phương thôi. Lúc này chàng mới biết công lực của La Liên A Tôn không kém gì Tâm Tâm đại sư với Ảo Không đạo giả hai người. Chàng vội lấy tấn giữ thế, rồi lại tiến lên ngay.

Quần hùng khán giả ngồi ở bên phía Đông đều lo âu hộ chàng.

Sau một tiếng kêu “Bùng” như tiếng sấm động, chưởng thứ hai của hai người đã bắt đầu va đụng vào nhau, hai luồng kình lực quay tít như chong chóng ở trên mặt bàn, khiến những bát đĩa bày trên bàn đều rớt cả xuống mặt đất. Lần này cả hai người đều bị đẩy lui năm sáu thước.

Mọi người đều ngạc nhiên vô cùng và cũng yên tâm là khác, vì họ thấy chưởng này Phương Sách mới giở thực lực ra đối phó ngang tài với đối phương.

La Liên A Tôn có vẻ không phục, vội giở hết bình sinh công lực ra để đấu chưởng thứ ba.

Phương Sách biết đối phương đã định tâm đấu thí mạng với mình, chàng không dám chống đối thẳng, mà chỉ nhẹ nhàng nhảy chéo sang bên ba thức, ở phía trái tấn công ngang một thế. Chàng dùng tả chưởng chống với chưởng lực của địch, còn dùng hữu chưởng tấn công mạnh vào ngực của đối phương một thế.

Chàng nhảy chéo sang bên, ra chưởng tấn công nhanh như điện chớp, mọi người chưa thấy gió lốc nổi lên và chưa nghe thấy tiếng kêu “ùm” gì cả, thì La Liên A Tôn đã bị chàng tấn công loạng choạng mấy bước rồi ngã, ngồi phịch xuống đất, mặt nhợt nhạt, mồm hộc máu tươi ra ngươi.

Các đệ tử của phái Võ Đang vội chạy lại đỡ người chưởng môn sang một bên.

Mấy trăm quần hùng cũng không biết Phương Sách đã dùng thủ pháp gì tấn công, mà chỉ thấy chàng nhẹ nhàng như trẻ con đùa giỡn vậy, nhưng có ngờ đâu oai lực lại mạnh đến như thế ?

Chỉ có Tâm Tâm đại sư, Ảo Không đạo giả với Thuyền chủ ba người, là hiểu rõ Phương Sách đã dùng một môn “Ngự Lực Cự Lực Pháp”, một nội công chỉ cao, chỉ dùng mười cân sức mà có thể chống nổi hàng nghìn cân chưởng lực của đối phương. Môn sở học này trên thế gian chỉ có hai người biết sử dụng thôi, hai người đó một người là Vũ Nội Đệ Nhất Kỳ Huyền Cốc Dị Tú, còn người nữa là Vũ Nội Đệ Nhị Kỳ Thái Ất Chân Nhân. Phương Sách là đệ tử duy nhất của Huyền Cốc Dị Tú, không ngờ chàng lại học hỏi được môn tuyệt học này, nên cả ba người đều rùng mình đến thót một cái. Tử Vong thuyền chủ cũng phải cau mày lại.

Ảo Không đạo giả vội tiến lên nói:

– Thiếu hiệp quả thực là trẻ tuổi mà võ công rất tinh cường. Thiếu hiệp hãy rút kiếm ra, bổn chưởng môn muốn được kiến thức Phi Tuyết kiếm pháp của vị đệ nhất vũ nội kỳ nhân.

Quần hùng nghe thấy bốn chữ “Phi Tuyết Kiếm Pháp” tinh thần phấn khởi vô tả, vì ngày thường ai cũng chỉ nghe thấy pho kiếm pháp này là đứng đầu thiên hạ thôi, nhưng xưa nay chưa ai được mục đích cả. Đến cả Tử Vong thuyền chủ cũng vậy, rất muốn được xem pho kiếm pháp ấy lợi hại như thế nào ?

Phương Sách rút trường kiếm ra, Ảo Không đạo giả cũng rút thanh Mạc Kiếm (kiếm đen) của mình ra, liền có một luồng ánh sáng đen tỏa ra ngay, cán kiếm đỏ như lửa, trông rất kỳ lạ, thực là một thanh quái kiếm. Ông ta nghiêm nghị đứng ở chỗ cách Phương Sách chừng ba thước.

Ai cũng biết pho kiếm pháp trấn sơn của phái Côn Lôn đã lừng danh khắp võ lâm.

Ảo Không đạo giả được Ảo Ảnh Đạo Giả, người chưởng môn đời trước truyền thụ cho pho kiếm pháp trấn sơn này và Ảo Ảnh Đạo Giả còn sáng tác thêm được một pho ” Lưu Tinh Kiếm Pháp” cũng truyền thụ cả cho Ảo Không đạo giả nốt. Thanh quái kiếm ở trong tay Ảo Không đạo giả đây chính là một trong ba vật báu của phái Côn Lôn tên là “Ô Long Kiếm” nên ông ta mới dám thách thức Phương Sách đấu kiếm là thế.

Phương Sách vẫn nghe sư phụ nói kiếm pháp của phái Côn Lôn rất lợi hại nên chàng không dám coi thường. Trước hết chàng đứng lấy thế chào hỏi, rồi cả hai cùng lui về phía sau một bước, mới bắt đầu ra kiếm tấn công nhau.

Những người ở Đông, Tây hai sảnh đều im hơi lặng tiếng để xem.

Đôi bên chạy quanh ba vòng, càng lúc càng cách xa nhau thêm. Hai người đã cách nhau được hơn trượng, Ảo Không đạo giả đã thét lớn một tiếng, múa “Ô Long Kiếm” lên nhắm Phương Sách mà chỉ, nhưng ông ta chưa hề tiến lên nửa bước.

Phương Sách cũng giơ kiếm lên chỉ về phía trước và chân vẫn đứng yên như cũ.

Đôi bên đã trao đổi được chín thế, mà không ai dám tiến lại gần ai cả. Những người ở bên ngoài đều thắc mắc vô cùng vì họ thấy hai người đang đấu sắc mặt đã đỏ dần, ánh sáng kiếm tỏa ra lạnh lùng buốt xương, khiến những người đứng ở cách xa ba bốn trượng cũng không sao đứng vững được, đã biết huyền môn võ học lợi hại đến thế nào.

Tâm Tâm đại sư với Tử Vong thuyền chủ đều kinh hãi thầm, vì hai người đã nhận xét thấy đôi bên đang đấu với nhau bằng kiếm khí, là dùng nội công với kiếm thuật chưa luyện tới mức thượng thừa, thì không sao đấu được như thế này.

Ảo Không đạo giả muốn thử thách công lực của Phương Sách, mới sử dụng mấy thế kiếm khí ra tấn công trước, ngờ đâu Phương Sách lại đối phó một cách ung dung, hàn khí ở thân kiếm của đối phương dồn ra đã biến thành một luồng khói mạnh lấn át tới, khiến mình suýt tý nữa thì đứng không vững. Lúc này người chưởng môn mới cả kinh và đã nhận thấy nội lực của đối phương hình như còn cao siêu hơn mình một mức.

Nên ông ta vội sử dụng thế “Đả Tọa” đẩy thân kiếm ra bên vừa tiến đến gần nhau, thì kiếm thức đã cùng biến đổi, thân hình của hai bên đều bị ánh sáng kiếm bao trùm.

Một người sử dụng tuyệt học của phái Côn Lôn, một người sử dụng kiếm pháp của thế ngoại kỳ nhân, khiến các khán giả xem bên ngoài không sao phân biệt được thế thức nào của ai cả, chỉ thấy một luồng ánh sáng đen và luồng ánh sáng trắng lóe mắt, lúc thì hợp thành một lúc, thì chia sang hai bên, nhanh nhẹn một cách kỳ lạ.

Luồng gió lạnh dồn ra bên ngoài càng lúc càng mạnh, phạm vi đấu trường càng lớn rộng thêm, khiến bàn ghế ở bốn chung quanh đều bị bay tung lên hết.

Tâm Tâm đại sư với Tử Vong thuyền chủ đặc biệt để ý xem thân pháp của hai người đang đấu. Pho “Lưu Tinh Kiếm Pháp” của Ảo Không đạo giả rất nhanh, trái lại cho “Phi Tuyết Kiếm Pháp” của Phương Sách thì lại rất chậm và hình như đã để lộ sơ hở rồi.

Tử Vong thuyền chủ đang hoài nghi và nghĩ bụng:

“Pho kiếm của Huyền Cốc Dị Tú đã nổi tiếng là vô địch trong võ lâm, sao lại chậm chạp kém nhanh nhẹn như thế này ? Chả lẽ Phương Sách chưa học hỏi được hết toàn pho, hay là hỏa hầu hãy còn kém, nên mới … ” Y vừa nghĩ tới đó, thì đã thấy trong trận bỗng có tiếng thét thật khẽ, và tình thế ở trong trận đấu đã thay đổi rồi.

Kiếm pháp của Phương Sách từ chậm biến thành nhanh, từ nặng nề biến thành nhẹ nhàng, một thế “Ô Vân Tứ Hợp” đã khiến luồng sáng trắng bao trùm lên trên làn ô quang.

Ảo Không đạo giả tập luyện kiếm pháp đã mấy chục năm, nên đã sớm biết Phương Sách chưa hề giở sát thủ ra. Lúc này ông ta liền giở ngay thế “Lưu Quang Thiên Lý”, làn ô quang của ông ta bỗng thâu họp lại, “Ô Long Kiếm” bỗng quay một vòng điểm ngang một thế, một luồng nội công và kình lực dồn vào mũi kiếm, nhằm ngực Phương Sách đâm luôn.

Phương Sách cũng thâu kiếm thế lại, thuận tay chặt ngang một nhát, bỗng cảm thấy trước ngực hơi lạnh, chàng kinh hãi thầm vội dồn hết công lực vào gan bàn tay đẩy mạnh một thế, đồng thời nhảy luôn sang bên trái tránh né, nhưng vai trái của chàng đã bị kiếm khí của đối phương điểm trúng, chỉ nghe thấy kêu “soẹt” một tiếng đau nhức thấu xương, khiến chàng phải loạng choạng lui về phía sau bốn năm thước.

Tử Vong thuyền chủ vội nhảy lại đỡ Phương Sách rồi cúi đầu xuống xem vết thương, thấy xương bả vai của chàng đã gãy, liền cười khảy một tiếng và quát mắng Ảo Không đạo giả rằng:

– Không ngờ một người có tên tuổi như Tam Lão, mà lại chuyên môn sử dụng tài nghệ xảo trá như thế này !

Ảo Không đạo giả cũng thất kinh, vì khi sử dụng thế kiếm ấy, phải kèm theo cả kiếm khí nữa. Đáng lẽ mình phải lên tiếng nói cho đối phương hay trước mới phải, nhất thời mình sơ suất, không lên tiếng nói cho nên Phương Sách mới không ngờ nội lực và kình khí lại phá kiếm mà ra như thế, chàng ta mới bị thương như vậy.

Ông ta thấy thuyền chủ nói mỉa như vậy, mặt đỏ bừng, trong lòng rất hổ thẹn.

Mọi người thấy thuyền chủ đã tiến lên đều kinh hãi, và nghĩ thầm:

“Phen này ma vương ra tay, trận đấu ắt phải rất kinh khủng.” Ảo Không đạo giả đã đấu với thuyền chủ ba chưởng ở trên bờ sông Dương Tử rồi, nhờ có Phương Sách kịp thời cứu giúp mới thoát khỏi tai ách. Vì vậy Tâm Tâm đại sư sợ Ảo Không đạo giả địch không nổi thuyền chủ, liền niệm câu “A di đà Phật” đang định xông ra, thì Phương Sách đã kéo Tử Vong thuyền chủ lại và nói:

– Cha, để con ra tay đối địch với y …

Tử Vong thuyền chủ ngạc nhiên quay đầu lại, thấy Phương Sách tay phải cầm kiếm, tay trái buông xuôi xuống và nghiến răng mím môi nhịn đau, mồ hôi ở trên trán nhỏ giọt xuống như tắm, mà chàng vẫn hung hăng đòi tiến lên đối địch với kẻ thù.

– Con đang bị thương à ?

– Không ! Con vẫn có thể đương đầu nổi !

– Vết thương ở trên vai của con nặng lắm, phải mau mau chữa ngay đi mới được.

– Để con đấu nốt trận kiếm này, rồi hãy chữa thương sau cũng chưa muộn.

Phương Sách rất cương quyết, mặc dầu mồ hôi trên trán vẫn nhỏ xuống liên tiếp.

Tử Vong thuyền chủ trông thấy vết thương của chàng đã bắt đầu sưng vù và thấy chàng cố gượng nhịn đau khổ sở như thế, khi nào ông ta chịu để cho chàng mạo hiểm.

Nên thuyền chủ liền lớn tiếng quát bảo:

– Con nên ngừng bước !

Phương Sách vẫn nhịn đau và cương quyết đáp:

– Con không rửa được mối nhục bị gãy xương ở vai trái này thì con rất hổ thẹn với ân sư !

– Để cha trả thù cho con cũng được.

– Con xin tâm lãnh !

Chàng đã loạng choạng đi tới trước mặt Ảo Không đạo giả, vết thương ở trên vai trái cũng đau nhức như một con rắn độc chui rúc vào trái tim, cắn và cấu xé hai mắt tối sầm lại. Chàng vội định thần vận chân lực bế hết huyết mạch ở vai trái lại, và vận công chạy quanh người một vòng, tinh thần lại phấn chấn ngay. Chàng liền quát bảo Ảo Không đạo giả rằng:

– Phương mỗ tiếp thêm trăm hiệp nữa của ngươi !

Thấy chàng oai phong lẫm lẫm như vậy, thực là điển hình một võ lâm cao thủ, mấy trăm quần hùng đều kinh hoảng và cảm động vô cùng.

Ảo Không đạo giả rất hổ thẹn với lương tâm và bỗng động lòng thương mến Phương Sách ngay, nên ông ta vội đáp:

– Chờ bao giờ vết thương của thiếu hiệp lành mạnh hẳn, chúng ta hãy tái đấu cũng chưa muộn.

– Vai trái của Phương mỗ tuy bị thương, nhưng tay phải vẫn lành mạnh như thường. Hãy coi kiếm của Phương mỗ đây !

Chàng vừa nói vừa múa tít thanh kiếm nhằm Ảo Không đạo giả tấn công luôn.

Ảo Không đạo giả liền giơ kiếm lên chống đỡ. Lần này Phương Sách không còn e dè gì hết, vừa ra tay đã sử dụng những thế kiếm lợi hại nhất của pho “Phi Tuyết Kiếm Pháp” như:

Phong Tuyết Mãn Thiên, Tuyết Phúc Bình Dã và Tuyết Dũng Giang Hồ.

Chỉ thấy thanh kiếm của chàng hoá thành nghìn vạn mảnh kiếm quang bay múa trên không, bông hoa kiếm nào cũng như những mảnh tuyết từ trên không rớt xuống, kiếm khí lẫm lẫm như những luồng gió lạnh. Tụ nghĩa sảnh đồ sộ như thê mà khắp đại sảnh, kể cả các só sỉnh cũng bị tuyết phong dồn tới lạnh như mùa Đông, khiến mấy trăm quần hùng ngồi xem gần đó đều phải rùng mình và có rất nhiều người phải hắt hơi nữa.

Thoạt tiên Ảo Không đạo giả tưởng Phương Sách chỉ hăng tiết nhất thời thôi, chứ người chàng đã bị thương nặng như vậy thì còn hơi sức đâu để chiến thắng được mình ?

Đồng thời ông ta đã có ý nhường nhịn nên chỉ giở sáu thành công lực ra đối phó thôi.

Chờ tới khi thấy kiếm thế của đối phương như muôn ngàn lớp cuồng phong cuồn cuộn kéo tới và cảm thấy có hàng vạn mũi kiếm ở bốn mặt tám phương đâm tới, chỉ luồng hơi lạnh của kiếm khí cũng đủ làm cho những người nội công hơi kém chịu không nổi rồi. Nên ông ta từ ngạc nhiên tới mức cả kinh, chân tay cuống quýt không biết phải đối phó như thế nào cho phải ?

Cũng may ông ta là tay cao thủ về môn kiếm pháp, dù bị nguy hiểm như thế mà đầu óc vẫn không hỗn loạn, vội thay đổi kiếm pháp, người bỗng biến hóa thành một sợi dây, chuyên xuyên các khe hở mà nhảy nhót tránh né.

Tử Vong thuyền chủ đứng xem đến ngẩn người ra, ông ta không ngờ công lực của Phương Sách lại cao siêu như thế, liền bụng bảo dạ rằng:

“Nếu ta đấu với y chưa chắc đã chống đỡ nổi một trăm hiệp của pho kiếm pháp này, hỏa cương chân lực của ta chỉ có hai khắc tinh thôi, một là “Thất Thiên Hàn Cương” của Lam bào quái nhân, một là “Lưỡng Nghi Cương Khí” của Huyền Cốc Dị Tú, hai môn ấy với môn “Hỏa Cương Chân Lực” của ta là ba môn nội công tuyệt học cao siêu nhất đương thời. Thất Thiên Hàn Cương của Lam bào quái nhân không đáng sợ mấy, còn Phương Sách đây hầu như đã được học hết chân truyền của Huyền Cốc Dị Tú rồi, Lưỡng Nghi Cương Khí lại thêm pho kiếm pháp này nữa … ” Nghĩ tới đó y liền ngấm ngầm quyết định thầm cách đối phó với Phương Sách.

Các người ở trên sảnh đều nghi ngờ vì thấy Phương Sách trẻ tuổi như thế, sao lại có công lực cao cường đến như vậy, nhất là pho “Phi Tuyết Kiếm Pháp” này, thực oai lực không thể tưởng tượng được.

Qúy vị nên biết Phương Sách được Huyền Cốc Dị Tú mang về nuôi từ hồi thơ ấu, lại được uống dị quả linh đơn rất nhiều và được Huyền Cốc Dị Tú đã truyền thụ hết tuyệt học cho, cho nên nội công hỏa hầu của chàng còn hơn những người đã tu hành hai ba giáp.

Pho kiếm pháp này của chàng lợi hại ở như kiếm khí và kiếm quang, tuy chỉ một thanh kiếm thôi, nhưng đến lúc múa lên không khác gì là có hàng trăm nghìn thanh kiếm cùng múa một lúc.

Phương Sách đã tức giận cực độ, nhất thời quên cả sự đau nhức của vết thương, chàng nghiến răng mím môi, giở tận lực ra sử dụng pho “Phi Tuyết Kiếm Pháp”, chỉ trong nháy mắt đã đấu được hơn trăm hiệp liền.

Ảo Không đạo giả cũng là người rất hiếu thắng, không nhường nhịn nữa, liền biến ngay kiếm thế, chờ Phương Sách tấn công tới, y liền xoay đầu mũi kiếm nhằm vai chàng chém xuống và người y đã xoay tới phía sau lưng của đối phương ngay.

Phương Sách vội lui bước, không ngờ vì chàng dùng sức quá mạnh, nên bả vai trái đau nhức khôn tả, thân hình của chàng liền ngã về phía trước, suýt tí nữa thì đứng không vững, thì lúc ấy Ô Long Kiếm của Ảo Không đạo giả đã vòng ra phía sau lưng chàng mà nhằm “Kiên Tỉnh huyệt” của chàng điểm tới.

Chàng nghiến răng mím môi đánh liền thí thân với đối phương, vội nằm xuống đất lăn luôn một vòng, giở hết chân lực ra xoay tay về phía sau, dùng trường kiếm hất mạnh một thế, chỉ nghe thấy kêu “coong” một tiếng, hai thanh kiếm của hai người cùng rời khỏi tay bay lên trên không.

Thân hình của Ảo Không đạo giả cũng đã té ngã xuống, vì Phương Sách nằm xuống đất lăn như vậy một cách quá đột ngột và quá mạnh, nên tuy y tránh được phía trước mặt, nhưng cổ tay phải vẫn bị rạch một đường kiếm dài chừng ba tấc và không thể cầm vững được thanh Ô Long Kiếm nữa, kiếm của y mới bị bay lên trên không như thế.

Lúc ấy trên không bỗng có một bóng người bay xuống, giơ hai tay ra bắt lấy hai thanh kiếm.

Phương Sách ngửng đầu lên nhìn, thấy người đó mặc áo bào lam vừa lùn vừa béo, mặt lì lì, hai mắt lấp lánh một cách đặc biệt trông rất có thần. Người đó chính là Lam Bào quái nhân, năm xưa với Tử Vong thuyền chủ cùng dắt tay nhau hành tẩu giang hồ.

Bình luận
× sticky