Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Giang Hồ Ân Cừu Ký

Chương 23: Tái đột nhập chùa thiếu lâm

Tác giả: Giả Kim Dung

Lợi Man rầu rĩ bồng Phương Sách chạy xuống dưới núi, thấy không ai đuổi theo cả mới thở nhẹ một tiếng.

Nàng kiếm một chỗ eo núi vắng vẻ, đặt Phương Sách xuống khám xét vết thương cho chàng.

Nàng thấy nội phủ của chàng đã bị trấn thương, ngay cả Vân Đài huyệt ở phía sau lưng thâm tím, lại thêm tàn độc ở trong người làm nguy, vì thế khí huyết mới chảy ngược như vậy.

Nàng nghĩ thầm:

“Thương tích trầm trọng như thế này thì không còn thuốc nào có thể cứu chữa nổi..” Thấy chàng thoi thóp sắp chết đến nơi, nàng đau lòng vô cùng, nước mắt nhỏ ròng xuống như mưa.

Nàng ngửng đầu lên nhìn trời, thấy còn nửa tiếng đồng hồ nữa mới qua khỏi giờ Tý, nếu Phương Sách chịu đựng được thì may ra mới có cơ cứu chữa.

Nàng đã trao thân cho thiếu niên rồi, thì nàng đã coi chàng chẳng khác gì bản thân mình.

Nếu chàng có mệnh hệ nào thì nàng cũng chẳng còn muốn sống sót làm chi nữa.

Không những thế, nếu để chàng chết thì nàng còn phụ lòng sư phụ đã ký thác cho mình nữa.

Nàng nghĩ lại hoàn cảnh của mình là một đứa con mồ côi, được sư phụ thâu nhận làm đệ tử, mang về nuôi nấng dạy dỗ từ hồi còn nhỏ, chưa bao giờ được hưởng sự ấm áp của nhân gian.

Chờ tới khi sắp được trao thân gửi phận thiì người yêu lại ngộ tai kiếp, như vậy có phải là Đấng Tạo Hóa thật trêu người không ?

Nàng càng nghĩ càng đau lòng, càng nghĩ càng hối hận, vì sao nàng lại quên bẵng mất giờ giấc quan trọng nhất của chàng, nên đến lúc gay cấn nhất thì tàn độc trong người chàng bỗng nổi lên lâm nguy, khiến chàng không còn hơi sức đâu mà chống cự lại kẻ địch. Lỗi lầm này là do ở như mình.. Nàng giận dữ giơ tay lên tự vả vào má mình một cái. Nàng quyết định:

nếu Phương Sách có mệnh hệ nào thì nàng cũng sẽ chết theo.

Nàng đưa tay lên rờ vào mũi chàng rồi thăm mạch thử xem, thấy hơi thở rất khẽ, mạch đập rất nhe….

Càng nóng lòng đợi chờ càng thấy thời giờ đi rất chậm, vết thương của Phương Sách lại càng lúc càng trở nên trầm trọng, dường như chàng không thể nào qua khỏi được giờ Tý.

Nàng liền ôm lấy Phương Sách khóc lóc rất thảm thiết.

Trên núi hoang, ngoài những con đom đóm lửa với tiếng cú kêu đêm ra thì làm gì có người nào ra tay cứu giúp đôi nam nữ thiếu niên cơ khổ này ?

Bỗng có tiếng kêu “ực” từ miệng Phương Sách thốt ra.

Lợi Man bỗng thấy cổ họng chàng co rúm lại, chân tay rung động thật mạnh.

Nàng vội rờ mũi chàng thử xem, thì thấy chàng đã tắt thở rồi.

Lợi Man thất kinh người toát mồ hôi lạnh ra, đứng đờ người như tượng gỗ.

Giây lát sau, nàng bỗng tuyệt vọng rú lên một tiếng rất thảm khóc, rồi lao đầu vào tảng đá gần đó tức thì.

Một bóng người từ sau một tảng đá cách đó chừng ba trượng bỗng phi ra nhanh như một luồng gió, dùng tay khẽ gạt Lợi Man một cái. Cả hai người đều tránh sang hai bên ba thước.

Lợi Man ngửng đầu lên nhìn, thấy người đó là một thiếu nữ rất xinh đẹp, mình mặc võ trang toàn trắng, tóc đen và bóng như mây, mặt như hoa nữ, đôi lông mày hình bán nguyệt, mũi mật heo, miệng vừa đỏ vừa nhỏ như trái anh đào, nhưng phải một nỗi da mặt hơi nhợt nhạt như người đau nặng mới khỏi.

Lợi Man rất ngạc nhiên, không hiểu sao đêm hôm khuya khoắt ở trong núi hoang này lại bỗng có một cô nương đẹp tuyệt trần xuất hiện như vậy ? Cứ xem thân pháp của nàng ta vừa rồi, đủ thấy công lực của nàng rất thâm hậu.

Thiếu nữ áo trắng cau mày lại hỏi:

– Tại sao cô nương lại định tự vận ? Còn vị này là ai ?

Nói xong, nàng ra đi lại gần Phương Sách.

Nàng rờ tay vào mũi Phương Sách thử xem, liền kêu “ủa” một tiếng, nhìn vào mặt Lợi Man nói:

– Người này đã chết rồi.

Lợi Man rất đau lòng đáp:

– Vâng, chàng đã chết một cách rất oan uổng.

Thiếu nữ nọ vội xem mạch của Phương Sách, rồi bỗng nhảy bắn người lên, nói:

– Ủa ! Lạ thật ! Sao y bỗng sống trở lại như thế này !

Lợi Man có vẻ không tin, vội ngồi xuống, đưa tay rờ vào mũi Phương Sách thử xem, quả thấy chàng đã có hơi thở, nên nàng vừa kinh hãi, vừa mừng rỡ vô cùng.

Thì ra lúc ấy đã bắt đầu sang giờ Sửu, khí huyết trong người Phương Sách đã bắt đầu quay trở về nguồn gốc.

Vừa rồi chỉ là trạng thái hư thoát đấy thôi.

Lợi Man vội móc túi lấy thuốc cứu thương ra cho chàng uống, còn hai bàn tay nàng thì đặt vào nơi Khí Hải và Huyết Thủ huyệt của chàng, dồn công lực sang cho Phương Sách.

Thiếu nữ áo trắng đứng cạnh đó xem, thấy thái độ của hai người như vậy, đoán chắc thể nào cũng là một đôi vợ chồng thương yêu nhau chứ không sai.

Bỗng trạnh nhớ tới người yêu của mình, nàng vừa đau lòng vừa hối hận, không sao cầm được nước mắt, nàng vội quay mặt đi, nức nở khóc.

Cô Lâu Lão Nhân đã có tiếng là Y Thánh, nên thuốc của Lợi Man cho Phương Sách uống tên là “Long Hổ Cao Đảm” có thể cứu được những người thọ thương rất nặng.

Hơn nữa, lại thêm nàng dùng chân lực trợ giúp, nên không đầy nửa tiếng đồng hồ, Phương Sách đã từ từ tĩnh lại.

Vừa mở mắt ra nhìn, chàng thấy Lợi Man sắc mặt nhợt nhạt, đang ngồi cạnh mình điều sức, biết nàng đã dùng nội lực cứu chữa cho mình, nên mới bị hao tốn tinh lực. Chàng cảm động vô cùng.

Đang lúc ấy, chàng ngẫu nhiên ngửng đầu lên, thoáng trông thấy một cái bóng trắng đứng cạnh đó, nhưng vì nàng nọ quay lưng về phía chàng, nên chàng không nhận ra được là ai.

Chàng nhìn kỹ, thấy thân hình nàng áo trắng có vẻ quen thuộc lắm, nhưng nhất thời không nhớ ra là mình đã gặp nàng ta ở đâu ?

Vì vậy, chàng chỉ khẽ kêu “ủa” một tiếng thôi.

Nàng nọ bỗng quay đầu lại, Phương Sách đã trông thấy rõ mặt, vội đứng dậy, há miệng định gọi.

Vì chàng mừng rỡ quá nỗi, nên không sao gọi ra tiếng được.

Thì ra thiếu nữ áo trắng đó chính là Diệu Ngân Hạnh mà chàng vẫn gọi là tỷ tỷ, và ngày đêm không lúc nào quên bẵng được hình bóng của nàng ta. Sau đó nàng ta trúng độc tựa như một người điên khùng vậy.

Định thần giây lát, Phương Sách định lên tiếng kêu gọi, nhưng nghĩ đến lúc này mặt mũi của mình xấu xí như ma lem, trong người lại có chất tàn độc, và còn mang một mối sĩ nhục không sao rửa sạch được.

Vì thế, chàng không dám nhận Ngân Hạnh nữa, liền uể oải ngồi phịch xuống đất.

Ngân Hạnh thấy thái độ của Phương Sách như vậy, trong lòng sinh nghi, liền đi tới gần ngắm nhìn chàng một hồi, thấy chàng dùng khăn đen bịt mặt, một nửa mặt trông xanh xám như ma quỷ, nom rất ghê tởm, nên nghĩ mãi mà nàng không sao nghĩ ra được đã gặp qua ở đâu rồi.

Nàng cúi đầu, khẽ hỏi:

– Tướng công đã nhận ra được tôi, phải không ?

Phương Sách vội lắc đầu đáp:

– Không ! Không ! Tôi.. tôi đã nhận lầm đấy thôi !

Ngân Hạnh lại hỏi:

– Tướng công thấy tôi giống một người mà tướng công đã từng quen biết phải không ?

Phương Sách gật đầu:

– Vâng, hơi giống.

Trong lúc trả lời, chàng nhắm mắt lại, chứ không dám nhìn thẳng vào mặt nàng.

Ngân Hạnh hỏi tiếp:

– Tướng công là ai ? Sao lại bị thương nặng như thế này ?

– Tôi.. tôi là.. Thanh Diện Truy Hồn tới đây.. trả thù bạn.. Nói tới đây, chàng nức nở, không sao nói tiếp được nữa.

– Bạn của tiếng công là ai ?

– Là Phương Sách !

Ngân Hạnh nghe thấy trả lời như vậy, giật mình đánh thót một cái, ngẩn người ra luôn.

Tử Vong thuyền chủ biết Phương Sách đã chết mới yên tâm, liền cứu cho Ngân Hạnh tỉnh lại, đưa một gói thuốc giải cho nàng, giả bộ bảo nàng đi tìm kiếm Phương Sách, một mặt còn sai nàng thuận đường thăm dò thực hư của chùa Thiếu Lâm, để ngấm ngầm bố trí việc hỏa thiêu chùa vào ngày Tết Trùng Dương.

Thủ đoạn của y bên trong bao hàm mấy xảo kế.

Ngân Hạnh nhất tâm đi chuộc tội, nàng tới chùa Thiếu Lâm dò thám và có ý muốn được gặp lại người yêu, nên nàng vừa thấy Phương Sách nói như vậy đã vội cất tiếng hỏi:

– Tướng công.. nói Phương Sách sao cơ chứ ?

Phương Sách hậm hực đáp:

– Y đã chết rồi.

Như sét đánh ngang tai, Ngân Hạnh đứng đờ người ra hồi lâu mới trấn tĩnh được tâm thần, vội hỏi:

– Sao chàng ta lại chết được ?

Phương Sách liếc nhìn Ngân Hạnh thấy nàng ta rầu rĩ nước mắt nhỏ ròng, liền động lòng thương, nhận thấy mình nói dối như vậy thật rất không nên, không phải.

Nhưng vừa rồi chàng đã trót nói dối rồi, thì đành phải nói dối tới cùng. Chàng nghiến răng mím môi, đáp:

– Vì hổ thẹn với cha và ân sư, nên y đã ngậm hờn đâm đầu vào vách đá chết rồi.

Lương tâm cắn rứt, Ngận Hạnh vội hỏi tiếp:

– Lúc ấy chàng ta trối trăn những gì ?

– Y dặn tôi đi kiếm kẻ đã hãm hại y để đòi lại món nợ máu kia.

Ngân Hạnh nghe tới đây liền ngẩn người ra, hỏi tiếp:

– Chàng ta có biết người đã mưu hại mình là ai không ?

Phương Sách đáp:

– Tất nhiên phải biết chứ.

Ngân Hạnh kinh ngạc hỏi lại:

– Chàng ta bảo người đó là ai ?

– Tất nhiên là một kẻ mặt người dạ thú, chuyên môn nói điều nhân nghĩa …

Nói tới đây, Phương Sách khích động quá, không sao nói tiếp được nữa.

Trợn to đôi mắt, Ngân Hạnh run lẫy bẫy, hỏi tiếp:

– Chẳng hay người ấy là ai ?

Hít một hơi thật mạnh, Phương Sách mới nói tiếp được:

– Tất nhiên là lão giặc sói đầu Tâm Tâm với lão gian tặc Lam Bào Thiết Quái chứ còn ai vào đó nữa.

Ngân Hạnh thở nhẹ một cái, nhưng sắc mặt của nàng lại rất khó coi.

Cũng may lúc đó Phương Sách đang nhắm nghiền hai mắt lại, điều công vận sức để chữa trị vết thương, nên chàng không trông thấy vẻ mặt của nàng ta, vì lúc này lương tâm của nàng đang cắn rứt vô cùng.

Lợi Man đứng cạnh đó không hiểu hai người nói gì với nhau. Vừa vận công điều sức lấy lại hơi một chút, nàng đã vội chạy lại thăm nom vết thương của Phương Sách tức thì.

Ngận Hạnh cũng cúi xuống xem vết thương hộ Phương Sách. Nàng liền nói với Lợi Man rằng:

– Nội thương của bạn này quá nặng, ít nhất phải tĩnh dưỡng nghĩ ngơi ba bốn ngày mới hồi phục lại được sức khỏe.

Lúc ấy Phương Sách sực nhớ tới một việc, định lên tiếng hỏi Ngân Hạnh, nhưng thấy có Lợi Man đứng cạnh, chàng lại thôi không hỏi nữa.

Thấy đôi môi của chàng mấp máy, Lợi Man vội hỏi chàng có phải khát nước không ?

Phương Sách thừa dịp may ấy liền gật đầu.

Lợi Man vội đứng dậy đi kiếm nước cho chàng. Thấy nàng nọ không có vẻ gì là gian tà, nàng dặn lại Ngân Hạnh vài câu rồi mới bỏ đi kiếm nước.

Phương Sách giả bộ như không biết Ngân Hạnh là ai, hỏi:

– Nghĩa đệ của tôi có nhờ tôi chuyển lời cho một người chi….

Ngân Hạnh vội hỏi:

– Chàng ta đã nói gì ?

Phương Sách hỏi:

– Chẳng lẽ cô nương là người chi….

Ngân Hạnh gật đầu:

– Phải, tôi chính là Diệu Ngân Hạnh. Không biết Phương Sách có lời lẽ gì nói với tôi thế ?

Phương Sách đáp:

– Y nói.. xin lỗi cô nương, để cô nương phải bị liên lụy như vậy.. Ngân Hạnh nghe tới đó, rùng mình đánh thót một cái, không biết là nàng hổ thẹn hay đau lòng, chỉ thấy nàng ứa nước mắt ra ngay.

Phương Sách cũng đau lòng hết sức. Chàng nhận thấy mình không nên lừa dối một người chị thật lòng yêu mình, nên chàng cũng ứa nước mắt ra theo.

– Ồ !

Phương Sách chợt nghĩ tới một việc gì, hỏi tiếp:

– Cô nương đã bí trúng độc, thần trí mê man là gì ? Vậy lúc nào.. Ngân Hạnh đâu dám nói rõ sự thật là hoàn toàn do lệnh của Tử Vong thuyền chủ hết, nên nàng chỉ đặt điều nói dối để đánh lừa Phương Sách thôi.

Thấy nàng ta nói là đã hoàn toàn lành mạnh rồi, Phương Sách cũng mừng thầm liền hỏi:

– Diệu cô nương định đi đâu thế ?

Ngân Hạnh đáp:

– Thừa lệnh của Tử Vong thuyền chủ, bí mật thăm dò chùa Thiếu Lâm.. Nàng chưa dứt lời, bên cạnh đã có người xen lời:

– Hay lắm ! Chúng ta cùng một phe với nhau.

Hai người đều giật mình kinh hãi, vội quay đầu lại nhìn, mới hay người đó chính là Lợi Man, đã lấy được nước đem về cho Phương Sách uống.

Lợi Man đã nghe thấy lời đối thoại của mình với Ngân Hạnh, Phương Sách liếc mắt nhìn trộm, thấy nàng ta vẫn vui vẽ, không lộ vẻ ghen tuông chút nào, chàng mới yên tâm.

Lợi Man đưa nước cho Phương Sách uống, rồi ngồi xuống chuyện trò với Ngân Hạnh.

Lợi Man là một thiếu nữ rất lạnh lùng, nhưng từ khi thấy mình đã ký thác cho Phương Sách rồi, thái độ và tính nết của nàng đã thay đổi hẳn, nên vừa gặp Ngân Hạnh nàng đã hợp chuyện ngay. Hai người coi nhau như hai chị em vậy.

Ba người ở trong núi hai ngày. Vết thương của Phong Sách đã lành mạnh được già nửa.

Đêm hôm đó, hai nàng bàn lén qua loa, rồi chuẩn bị đi thăm dò sự thực hư của chùa Thiếu Lâm trước, còn Phương Sách vì hơi sức chưa khôi phục hẳn, nên tạm thời ở lại trên núi.

Chờ tới khi hai nàng không dò la được tin tức gì, quay trở về chỗ cũ thì không thấy hình bóng của Phương Sách đâu hết, mà chỉ thấy trên tảng đá gần đó có khắc chữ bằng Kim Cương Chỉ lực như sau:

“Sau này sẽ gặp lại nhau” Hai nàng thấy vậy đều kinh ngạc, vội vàng quay trở về chùa Thiếu Lâm ngay, vì hai nàng đoán chắc chàng nóng lòng phục thù và lại có tính kiêu ngạo, chờ hai nàng đi khỏi, đã vội lẻn một mình lên chùa Thiếu Lâm để phục thù rồi.

Sự thật Phương Sách đã hồi phục sức khỏe như thường rồi, vì thấy hai nàng đều si tình với mình như thế, không biết nên lấy ai, bỏ ai ?

Đồng thời, chàng lại nghĩ tới:

“Mình là một người không khác gì tàng tật, nếu lấy hai nàng chỉ làm lỡ mất tuổi Xuân và hạnh phúc của hai nàng thôi” Vì vậy, chàng mới giả bộ yếu ớt, sức lực chưa hoàn toàn khôi phục, chỉ để đánh lừa hai nàng ấy thôi.

Chờ cho hai nàng bỏ đi khỏi rồi, chàng liền đứng dậy, nước mắt ràn dụa, nghiến răng mím môi viết lại mấy chữ trên tảng đá.

Chàng muốn viết thêm vài câu, nhưng vì mũi lòng quá nỗi, liền lẩm bẩm nói thầm:

– Tỷ tỷ, sư muội, hai người hãy lượng thứ cho tôi. Vĩnh viễn lượng thứ cho Phương Sách.. Thế rồi chàng lửng thửng rời khỏi khu núi hoang đi luôn.

Tất nhiên là chàng quay trở lại chùa Thiếu Lâm nhưng vì sợ gặp hai nàng, nên chàng vòng theo con đường nhỏ mà đi.

Lúc ấy Phương Sách đã biết đề phòng chứng bệnh quái lạ của mình rồi, một mặt chàng tính toán làm thế nào để trả thù tuyết hận, một mặt chàng nghĩ thầm:

“Lão giặc sói đầu Tâm Tâm cố ý làm ra vẻ thương hại mà tha cho ta đi. Còn mối thù bốn chưởng của hai lão hòa thượng áo đỏ, ta cũng phải trả thù cho được mới hả dạ.

Điều cần nhất ta phải tránh giao đấu trong hai giờ Tý và Ngọ mới được. Hể đến giờ Ngọ là bệnh đó lại nổi lên. Nếu không có nữ sắc ở trước mặt, thì công lực của ta sẽ mạnh gấp đôi lúc thường, mà trong chùa Thiếu Lâm toàn là hòa thượng chẳng đào đâu ra nữ nhân..” Nghĩ tới đó, chàng mừng thầm, ngửng mặt lên nhìn sắc trời một hồi lại nghĩ tiếp:

“Hiện giờ chính là lúc đi chùa Thiếu Lâm thích hợp nhất” Chàng đã quyết định như vậy, không còn e dè gì hết liền giở khinh công tuyệt đỉnh ra chạy thẳng về phía chùa Thiếu Lâm ngay.

Lúc ấy là cuối giờ Thìn, đầu giờ Tỵ. Chàng ẩn thân trên một cây cổ thụ Ở bên ngoài hàng rào tường.

Lần này chàng nhận thấy cần phải bí mật dò thám mới là thượng sách. Bằng không, với sức lực của mình chàng, đối địch với mấy nghìn tăng chúng thì khó lòng mà thắng nổi.

Chàng đứng rình ở đó hồi lâu, thấy trong chùa yên tĩnh như thường, tăng chúng đi lại và tụng kinh, làm lụng đều đều.. Chàng nghĩ bụng:

“Làm thế nào mà trà trộn vào được bên trong. Lúc này đang là ban ngày. Lối phi hành sát tường không ăn thua gì.. À, có rồi, lợi dụng quỷ kế, không, cơ trí..” Nghĩ xong cách rồi, chàng nhìn xung quanh, thấy không có người nào đi lại, liền nhảy qua hàng rào tường vào vào bên trong.

Lúc ấy từ đằng xa có một hòa thượng mặc áo bào xám đi tới.

Chàng đứng nép vào vách tường, đợi chờ hòa thượng nọ đi tới gần mới nhảy ra, cách không điểm huyệt. Hòa thượng mặt áo xám ấy từ từ té ngã, không hay biết gì hết.

Chàng nhanh nhẹn cởi chiếc áo cà sa của Hòa thượng ra, mặc vào người, rồi giấu hòa thượng nọ vào trong một bụi cỏ.

Chàng lấy ra một mặt nạ da người đeo lên mặt.

Chiếc mặt nạ da người ấy nguyên là của Lợi Man tặng cho, nhưng vì chàng đã đổi tên là Thanh Diện Truy Hồn, cho nên suốt dọc đường chàng không hề xử dụng tới.

Chàng lại lấy thêm một miếng vải trắng buộc lên trên đầu làm như mình bị thương vậy.

Cải trang xong, Phương Sách bỗng nghe thấy phía sau có tiếng chân đang tiến tới gần.

Chàng vội ngồi sụp xuống chỗ cạnh lối đi. Người nọ đi tới gần, kinh ngạc hỏi:

– Vị sư huynh này.. sao đầu lại quấn vải như thế ? Có phải đã thọ thương.. Giả bộ tiếng rên rỉ, Phương Sách làm như người không còn chút hơi sức, khẽ giọng đáp:

– Vừa rồi ngu đệ bị vấp té ngã, đầu.. bị động mạnh sứt mất một chút, nhưng cũng không sao, sư huynh cứ để mặc tôi …

Hòa thượng nọ lườm chàng một cái rồi đi ngay. Nhưng y bỗng quay đầu lại nói tiếp:

– Vừa rồi có thích khách xâm nhập bổn chùa, chưởng môn nhân và bảy vị trưởng lão đã đuổi bọn thích khách đi rồi. Sư huynh phải cẩn thận, không biết chừng họ còn có dư đảng.. Vừa nói tới đó, y đã bỏ đi khá xa rồi.

Phương Sách nghe thấy hòa thượng trẻ tuổi nọ nói như vậy, trong lòng kinh hãi thầm bụng bảo dạ rằng:

“Chẳng lẽ thích khách đó là Loợi Man với Ngân Hạnh chăng ? Nếu quả thật như vậy, ta không thể nào ngồi yên được.” Lúc ấy trong chùa bỗng gióng chuông lên ầm ĩ, bống người lố nhố, tiếng hò hét vang rền.

Chàng không dám trì hoãn nữa, vội xen ngay vào giữa bọn hòa thượng. Họ chạy về hướng nào, chàng đi theo luôn về phía đó, vì lẽ chàng không biết thích khách hiện giờ đang ở đâu cả.

Tiếng chuông, tiếng trống càng nổi lên nhộn nhịp. Bốn phương tám hướng đều có những hòa thượng mặc áo cà sa màu sắc khác nhau:

vàng, đỏ, xám, đen, đang chạy tứ tung.

Chàng thấy một nhóm hòa thượng mặc áo cà sa màu xám đang chạy thẳng vô phía hàng rào tường ở phía sau chùa.

Chàng đoán chắc bọn thích khách nọ thế nào cũng là những cường địch rất lợi hại, cho nên trong chùa mới phải báo động một cách khẩn cấp như thế.

Các hòa thượng mặc áo cà sa đủ màu sắc như vậy, chắc người nào cũng có chức vụ riêng của người ấy.

Chàng vừa suy nghĩ vừa chạy theo bọn hòa thượng mặc áo cà sa màu xám. Chỉ trong nháy mắt, các người đã chạy tới chỗ chân tường ngay.

Chàng thấy mọi người phân tán nhau ra và đứng tựa lưng vào tường một cách rất chỉnh tề.

Những hòa thượng nọ còn rút đại đao ra cầm sẵn trong tay nữa.

Phương Sách cũng chọn một chỗ để đứng. Tất cả những tăng chúng ấy đều chăm chú nhìn vào ngôi đại điện nguy nga nhất ở chính giữa ngôi chùa.

Nơi đó là chính điện của chùa Thiếu Lâm, và cũng là nơi cư ngụ của chưởng môn nhân cùng bảy vị trưởng lão.

Đột nhiên, từ trên không có tiếng rú thật dài vọng tới.

Tiếp theo đó, trên nóc nhà của ngôi chính điện đã thấy có bảy tám cái bóng người xuất hiện.

Người đi đầu tay cầm trường kiếm, là một thư sinh mặc áo bào trắng, mặt phủ một chiếc khăn đen, chỉ để lộ đôi mắt lóng lánh ra thôi.

Theo sau y là bảy lão hòa thượng mặc áo cà sa màu đỏ.

Thì ra bảy lão hòa thượng đang đuổi theo chàng thư sinh ấy.

Phương Sách nhìn kỹ thích khách, thấy y không giống Lợi Man và Ngân Hạnh chút nào, chàng mới yên tâm.

Lúc này chàng thấy y đang hoảng hốt tìm đường đào tẩu mà cường địch lại đuổi theo bám riết, dường như y khó lòng thoát ra khỏi được chùa Thiếu Lâm vậy.

Phương Sách thấy thế liền nghĩ thầm:

“Người này là kẻ địch của Tâm Tâm đại sư, như vậy tức là bằng hữu của ta. Bất cứ y là ai, ta cũng phải có bổn phận tiếp cứu ỵ.” Chàng nghĩ đoạn liền ngấm ngầm vận công lực vào tay, chuẩn bị trợ giúp người nọ.

Người bịt mặt mặc áo bào trắng đang chạy về phía chàng. Có lẽ người nọ thấy phía này toàn là hòa thượng mặc áo bào màu xám, đoán biết họ là những người võ công kém cỏi nhất trong các tăng chùa Thiếu Lâm, vậy chạy về phía này có lẽ dễ thoát thân hơn.

Khinh công của thư sinh nọ cũng khá cao siêu. Bảy lão hòa thượng mặc áo bào đỏ đuổi theo sau chính là bảy vị trưởng lão của chùa Thiếu Lâm, vai vế và võ công đều cao hơn các hòa thượng khác.

Đôi bên chỉ còn cách nhau chừng ba trượng. Cả thích khách lẫn bảy vị trưởng lão đều chạy ở trên mái hiên ngôi đại điện, và đang hướng về phía bức tường mà chạy tới.

Bảy vị trưởng lão nọ đồng thanh quát lớn:

– Bạn kia còn hy vọng chạy đi đâu nữa. Chùa Thiếu Lâm này có phải là nơi để cho bạn tùy ý muốn ra vào lúc nào cũng được đâu. Bạn đã giáng lâm bổn chùa thì không thể nào rời khỏi một cách dễ dàng như vậy đâu. Hãy mau mau thúc thủ chịu trói.

Người bịt mặt bỗng ngừng chân lại, quay người, ném luôn một chùm hoa bạc.

Bảy vị trưởng lão cũng vội ngừng chân theo, giơ tay áo lên gạt những ám khí ấy.

Nhân dịp này, người bịt mặt chỉ nhảy nhót mấy cái đã lướt đi được sáu bảy trượng rồi, và cũng đã tiến tới chỗ chân tường.

Bọn tăng chúng đợi chờ ở chỗ chân tường cũng đã chuẩn bị sẵn, vội đồng thanh quát lớn một tiếng, xông lại bao vây thư sinh nọ luôn.

Lúc ấy bảy vị trưởng lão cũng đã phi thân tới, người còn lơ lửng ở trên không đã múa chưởng tấn công người bịt mặt tức thì.

Người bịt mặt đối phó với mấy chục tăng nhân đang bao vây dưới đất đã cảm thấy cuống cả chân tay rồi, thì còn hơi sức đâu mà chống đỡ thế công của bảy vị trưởng lão cùng ra tay một lúc như thế ?

Tránh cũng không có chỗ tránh, mà chốn đỡ cũng không tài nào chống đỡ nổi.

Người bịt mặt đang lâm vào tình trạng vô cùng nguy hiểm, thì bỗng có một tiếng thét kêu như sấm chợt nổi lên.

Kế đó, một luồng kình lực vô cùng mạnh mẽ đã nhằm bọn tăng chúng áo xám đẩy tới.

Sau một tiếng kêu “bùng”, già nửa số tăng chúng đã bị kình phong đánh té ngã.

Đồng thời, còn có một luồng tiềm lực lôi kéo người bịt mặt ra bên ngoài.

Tiếp theo đó, lại có một tiếng kêu “ầm” thật lớn nổi lên, cát bụi bốc lên mù mịt.

Trên mặt đất, chỗ người bịt mặt đứng hồi nãy đã bị chưởng lực của bảy vị trưởng lão đánh thủng một cái hố lớn.

Mọi người đều giật mình kinh hãi. Bảy vị trưởng lão mặt lộ vẻ ngơ ngác, cùng đưa mắt liếc nhìn xung quanh dò một vòng, trong lòng rất hoài nghi.

Ngay lúc đó, từ trong bọn tăng chúng mặc áo bào xám đã có một hòa thượng đầu quấn vải trắng thủng thẳng tiến ra ngửng mặt lên trời cất tiếng cười ha hả nghe rất rùng rợn, khiến mọi người đều cảm thấy đinh tai nhức óc.

Mọi người thấy thế đều kinh hãi ngạc nhiên vô cùng.

Một lão hòa thượng áo đỏ liền lớn tiếng quát hỏi:

– Có phải mi vừa ra taỵ. Hòa thượng mặc áo bào xám, đầu bịt vải trắng, bỗng ngưng tiếng cười lầm lì đáp:

– Phải chính ta đấy.

Bảy vị trưởng lão đồng thanh hỏi tiếp:

– Mi tư thông với thích khách, hay kẻ gian nằm vùng ?

Hòa thượng nọ ung dung cởi chiếc khăn trắng buộc ở trên đầu ra, để lộ một bộ tóc xanh.

Lúc ấy các hòa thượng có mặt tại đó đều giật mình đánh thót một cái.

Vừa nhìn thấy chàng nọ cởi chiếc mặt nạ da người ra một người trong nhóm thất lão đã buột miệng la lên:

– Ủa ! Thanh Diện Truy Hồn !

Bình luận