Đương nhiên, ông Trần và người bạn đại học của tôi đều đúng ở một điểm. Sẽ khó lòng tìm được những người phụ nữ sẵn sàng nói chuyện một cách thoải mái với tôi. Với phụ nữ Trung Quốc, thân thể trần truồng là một thứ đáng hổ thẹn chứ không phải cái đẹp. Họ luôn che đậy kỹ càng. Đề nghị phỏng vấn một người phụ nữ cũng giống như bảo họ phải trút bỏ quần áo vậy. Tôi nhận ra là tôi sẽ phải thử những cách thức tế nhị hơn để tìm hiểu về cuộc sống của họ.
Những lá thư tôi nhận được từ các thính giả, tràn đầy khao khát và hy vọng, là xuất phát điểm của tôi. Tôi hỏi giám đốc xem liệu mình có thể thêm chuyên mục hòm thư đặc biệt dành cho phụ nữ – trong đó tôi sẽ thảo luận và có thể sẽ đọc một số lá thư nhận được vào cuối chương trình – được không. Ông ta không phản đối ý tưởng đó, ông ta cũng muốn biết xem phụ nữ Trung Quốc nghĩ gì để có thể xử lý mối quan hệ căng thẳng với bà vợ. Tuy nhiên, bản thân ông ta không có quyền cho phép thực hiện chuyên mục đó; tôi sẽ phải gửi một lá đơn tới văn phòng trung ương. Tôi quá quen với thủ tục này rồi: Các sếp trong đài chỉ như những chú bé chạy việc được tuyên dương, chẳng có quyền điều hành gì cả. Lãnh đạo bên trên là những người ra quyết định cuối cùng.
Sáu tuần sau, đơn của tôi được gửi trả về, với bốn cái dấu đỏ chót kết thành tràng hoa khẳng định sự thông qua chính thức. Thời lượng dự kiến của chuyên mục bị cắt xuống còn mười phút. Dù thế, tôi vẫn cảm thấy như được lộc trời cho vậy.
Tác động của chuyên mục Hòm Thư Phụ Nữ kéo dài mười phút ngắn ngủi của tôi vượt quá cả mong đợi: Số lượng thư thính giả gửi về tăng đến mức hàng ngày tôi nhận được hơn một trăm lá thư. Sáu sinh viên đại học phải giúp tôi xử lý đống thư này. Chủ đề của các bức thư càng ngày càng trở nên đa dạng. Những câu chuyện thính giả kể cho tôi xảy ra trên khắp đất nước, trong những thời gian khác nhau từ khoảng bảy mươi năm trước hoặc trước đó đến giờ, trong cuộc sống của phụ nữ ở nhiều vị thế xã hội, đặc trưng văn hóa và nghề nghiệp khác nhau. Họ tiết lộ những thế giới bị che giấu khỏi tầm mắt của đa phần dân chúng, kể cả tôi. Tôi thực sự xúc động trước những lá thư đó. Nhiều lá còn có cả dấu ấn cá nhân, như là hoa, lá hay vỏ cây ép khô, và những vật lưu niệm móc tay.
Một chiều, tôi trở về cơ quan thì nhận được một cái gói cùng bức thư ngắn mà người gác cổng để lại trên bàn tôi. Hình như có một người phụ nữ chừng bốn mươi đã đem gói đồ tới nhờ người gác cổng chuyển lại cho tôi; bà ta không để lại tên tuổi, địa chỉ gì. Vài đồng nghiệp khuyên tôi nên đưa gói đồ đó cho phòng an ninh kiểm tra trước khi mở, nhưng tôi không làm vậy. Tôi có cảm giác rằng vận mệnh không gõ cửa hai lần, và bị thôi thúc mạnh mẽ muốn mở gói đồ ấy ra ngay. Bên trong là một hộp đựng giày đã cũ, trên nắp có hình vẽ một con ruồi trông như người rất xinh xắn. Màu sắc hầu như đã bạc hết cả. Bên cạnh miệng con ruồi có ghi một câu: Không có mùa xuân, hoa không nở; không có chủ, hộp không được mở. Ngoài ra còn có một chiếc khóa nhỏ vừa xinh với cái nắp.
Tôi ngần ngại: Liệu có nên mở nó ra không? Rồi tôi nhận thấy một dòng nhỏ xíu rõ ràng là vừa mới được dán lên: Hân Nhiên, xin hãy mở ra.
Cái hộp đựng đầy những mẩu giấy màu vàng, bạc phếch. Những mẩu giấy chi chít chữ, không cùng kích cỡ, hình dạng, hay màu sắc: Chúng gần như là những mẩu đầu thừa đuôi thẹo của loại giấy được dùng làm sổ bệnh án ở bệnh viện. Trông giống một cuốn nhật ký. Trong đó cũng còn có cả một bức thư chuyển phát có ký nhận, dày. Nó được gửi cho Nghiêm Ngọc Long ở Đội Sản Xuất X, tỉnh Sơn Đông, và người gửi là một cô Hồng Tuyết nào đó, địa chỉ là một bệnh viện ở tỉnh Hồ Nam. Lá thư đóng dấu bưu điện ngày 24 tháng Tám năm 1975. Nó cũng đã được mở ra, và trên cùng có ghi: Hân Nhiên, tôi trân trọng đề nghị cô hãy đọc từng từ một. Một thính giả trung thành.
Vì tôi không có thời gian xem qua đống mẩu giấy trước giờ phát sóng, tôi quyết định đọc lá thư trước:
«Ngọc Long thân!
Chị có khỏe không? Em xin lỗi vì đã không viết thư cho chị sớm hơn, không có lý do gì thực sự cả, chỉ là vì em có quá nhiều điều muốn nói, mà lại chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Xin hãy tha lỗi cho em.
Đã muộn để xin chị tha thứ cho lỗi lầm khủng khiếp không thể sửa chữa được của em, nhưng em vẫn muốn nói với chị, Ngọc Long thương mến, em rất xin lỗi!
Trong thư, chị có hỏi em hai câu: “Tại sao em không muốn gặp cha?” và “Điều gì đã khiến em nghĩ ra chuyện vẽ một con ruồi, và tại sao lại vẽ nó đẹp đến thế?”
Ngọc Long thân mến, cả hai câu hỏi đó đều quá sức đau đớn đối với em nhưng em sẽ vẫn cố gắng giải đáp cho chị.
Có đứa con gái nào lại không yêu cha mình? Cha là một thân cây lớn che chở cho cả gia đình, là trụ cột chống đỡ cả ngôi nhà, là người bảo vệ cho vợ và các con. Nhưng em không yêu cha – Em ghét ông ấy.
Ngày mùng một Tết năm em bước sang tuổi mười một, em rời khỏi giường từ sáng sớm tình mơ, phát hiện ra mình bị chảy máu mà không biết vì sao. Em sợ quá khóc òa lên. Mẹ em nghe tiếng khóc vội chạy đến, bảo, “Hồng Tuyết, con đã lớn rồi đấy.” Không ai – kể cả mẹ – từng nói với em về những vấn đề của phụ nữ. Ở trường không ai dám hỏi những câu hỏi xúc phạm như thế bao giờ. Ngày hôm đó, mẹ có chỉ cho em một chút về cách xử lý chuyện chảy máu đó, nhưng chẳng giải thích thêm điều gì nữa cả. Em phấn khích lắm: Em đã trở thành phụ nữ rồi! Em chạy quanh sân, nhảy múa, suốt ba tiếng. Thậm chí em còn quên cả cơm trưa nữa.
Một ngày tháng Hai, tuyết rơi dày lắm, mẹ đi thăm một người hàng xóm. Cha em từ căn cứ quân sự trở về, một chuyến thăm nhà hiếm hoi. Ông ấy bảo em: “Mẹ mày bảo mày thành người lớn rồi. Nào, cởi quần áo ra cho bố xem có đúng thế không.”
Em không biết ông ấy muốn xem cái gì, mà trời thì lạnh căm – em không muốn cởi quần áo.
“Nào nhanh lên! Để bố giúp!” ông nói, khéo léo cởi quần áo em ra. Ông ấy khác hẳn với vẻ chậm chạm thường ngày. Hai bàn tay ông xoa xoa nắn bóp khắp người em, luôn miệng hỏi: “Có phải hai cái núm vú này đang nhô lên không? Có phải máu chảy ra từ đây không? Cái miệng kia có muốn hôn bố không? Bố xoa thế này có thích không?”
Em thấy nhục nhã. Từ khi biết nhớ, chưa bao giờ em trần truồng trước mặt ai đó trừ phi trong những nhà tắm công cộng có vách ngăn. Cha em đã nhận ra em đang run rẩy. Ông bảo em không việc gì phải sợ, và dặn mình không được nói với mẹ. “Mẹ chưa bao giờ thích con cả. Nếu mẹ biết là bố yêu con thế này thì mẹ sẽ chăm sóc con ít hơn nữa.”
Đó là “kinh nghiệm đàn bà” đầu tiên của em. Sau đó em thấy buồn nôn.
Kể từ lần đó, cứ khi nào mẹ không ở trong phòng, thậm chí cả khi mẹ đang nấu nướng ngay trong bếp hay ở trong nhà vệ sinh, cha lại dồn em vào sau cánh cửa và xoa nắn khắp người. Càng ngày em càng thấy khiếp sợ cái thứ “tình yêu” đó.
Sau đó, cha em được thuyên chuyển đến một căn cứ quân sự khác. Mẹ không thể đi theo ông vì công việc của bà không cho phép. Bà bảo bà đã kiệt sức vì phải nuôi nấng hai chị em em, bà muốn cha em làm trọn trách nhiệm của người cha trong một thời gian. Và thế là bọn em đến sống cùng cha.
Em đã rơi vào hang sói.
Trưa nào cũng vậy, kể từ ngày mẹ đi, cha trèo lên giường em khi em đang ngủ trưa. Mỗi nhà có một căn hộ riêng trong nhà tập thể và ông viện cớ rằng em trai em không thích ngủ trưa để nhốt nó bên ngoài.
Vài hôm đầu, ông ấy chỉ lấy tay xoa nắn thân thể em. Sau dần, ông bắt đầu thọc lưỡi vào miệng em. Rồi ông bắt đầu thúc cái vật cứng ở phần thân dưới vào người em. Ông bò vào giường em, bất kể ngày hay đêm. Ông dùng tay banh em ra và làm chuyện bậy bạ. Thậm chí ông ta còn thò ngón tay vào bên trong em nữa.
Từ đó, ông ấy thôi không giả bộ đó là “tình yêu của người cha” nữa. Ông đe dọa em, bảo rằng nếu kể với ai khác thì em sẽ bị mọi người chỉ trích và bị rắc rơm lên đầu đem đi bêu ngoài phố vì em đã trở thành cái mà người ta gọi là “đồ đĩ điếm”[3].
Cơ thể đang dậy thì nhanh chóng của em khiến ông ta càng ngày càng kích động, còn em thì càng ngày càng khiếp sợ. Em lắp một cái khóa vào cửa phòng ngủ, nhưng ông ta không thèm bận tâm tới chuyện mình có đánh thức hàng xóm hay không mà cứ gõ ầm ĩ vào cánh cửa cho đến khi em mở. Thỉnh thoảng ông ta còn lừa mọi người trong khu tập thể giúp ông ta phá cửa phòng em ra, hoặc bảo với họ rằng ông ta phải trèo qua cửa sổ để lấy mấy món đồ vì em ngủ say quá. Thỉnh thoảng chính em trai em cũng giúp ông ta một tay mà không biết mình đang làm gì. Vì thế, bất kể là em có khóa cửa hay không, ông ta cũng sẽ đường hoàng vào được phòng em ngay trước mắt mọi người.
Mỗi khi nghe tiếng gõ cửa, em thường sợ đến đờ cả người, chỉ cuộn mình trong chăn mà run rẩy. Những người hàng xóm sẽ bảo em, “Mày ngủ như chết ấy, nên bố mày phải trèo vào mà lấy đồ, tội nghiệp ông ấy!”
Em không dám ngủ trong phòng nữa, thậm chí em còn không dám ở trong đó một mình nữa. Cha nhận ra em càng ngày càng hay lấy cớ đi ra ngoài, nên ông ta đề ra quy tắc là hàng ngày em phải trở về nhà đúng giờ ăn trưa. Nhưng em thường ngất xỉu trước khi kịp ăn xong bữa: Ông ta bỏ thuốc ngủ vào thức ăn. Em không còn cách nào để tự vệ cả.
Đã nhiều lần em nghĩ đến chuyện tự sát, nhưng lại không đành lòng bỏ mặc em trai, giờ nó chẳng còn ai để mà trông cậy. Em càng ngày càng gầy hơn, và ngã bệnh nặng.
Lần đầu tiên em được đưa vào bệnh viện quân đội, cô y tá trực đã bảo với bác sĩ tham vấn, bác sĩ Chung, rằng em ngủ không yên giấc. Em thường run bắn lên sợ hãi vì bất kỳ tiếng động nào nhỏ nhất. Bác sĩ Chung, không biết nguyên cớ thực sự, lại cho rằng đó là vì em sốt cao quá.
Tuy nhiên, ngay cả khi em ốm thập tử nhất sinh như thế, cha vẫn tới bệnh viện và lợi dụng em khi em phải truyền nước và không di chuyển được. Một lần, khi nhìn thấy ông ta đi vào phòng, em đã hét lên thất thanh, nhưng cha em chỉ bảo cô y tá trực đang chạy vào rằng tính em rất hay cáu kỉnh. Lần đầu tiên đó, em chỉ nằm viện hai tuần. Khi trở về nhà, em thấy một vết thâm tím trên đầu em trai, và vài vết máu khô trên chiếc áo khoác nhỏ của nó. Nó bảo rằng lúc em ở trong bệnh viện, bố nổi điên lên đánh nó vì một lý do hết sức vớ vẩn. Ngày hôm đó, người cha bệnh hoạn của em đã điên cuồng ép ghì thân thể em – vẫn ốm yếu đến bất lực – vào người ông ta và thì thầm rằng ông ta nhớ em đến chết đi được!
Em không thể nín khóc. Đây là cha em ư? Ông ta có con chỉ để thỏa mãn dục vọng thú vật của mình thôi sao? Ông ta sinh ra em để làm gì cơ chứ?
Kinh nghiệm ở bệnh viện đã chỉ cho em cách để tiếp tục sống. Đối với em, những mũi tiêm, những viên thuốc và những lần thử máu còn sung sướng hơn là sống với cha. Thế nên em bắt đầu tự làm mình ốm, hết lần này tới lần khác. Mùa đông, em ngâm mình trong nước lạnh, rồi đứng bên ngoài trên băng dưới tuyết; mùa thu, em ăn thức ăn ôi thiu; một lần, trong cơn tuyệt vọng, em đã giơ cánh tay ra hứng một miếng sắt đang rơi để nó cắt vào cổ tay trái của mình (Nếu không nhờ một thanh gỗ mềm ở bên dưới thì chắc chắn mình đã mất bàn tay). Lần đó, em đã giành được cả thảy sáu mươi đêm an toàn. Do tự làm bản thân bị thương rồi lại phải uống thuốc, càng ngày em càng gầy thảm hại.
Hơn hai năm sau, mẹ được thuyên chuyển công tác và tới sống với cha con em. Việc bà chuyển tới không làm suy suyển dục vọng bẩn thỉu của cha đối với em. Ông ta bảo thân thể mẹ em đã già nua teo tóp, và em là vợ bé của ông ta. Mẹ không có vẻ gì là nhận ra sự tình cho tới một hôm vào cuối tháng Hai, khi cha đánh em vì không mua thứ gì đó đúng ý ông, lần đầu tiên trong đời em hét vào mặt ông ta, hòa lẫn cả đau khổ và giận dữ: “Ông là ai chứ? Ông thích đánh ai thì đánh, ông thích bậy bạ với ai thì bậy bạ!”
Mẹ em, lúc ấy đang đứng ngoài nhìn, hỏi em nói thế nghĩa là sao. Em vừa mở miệng, cha đã trừng mắt hăm dọa, “Đừng có nói linh tinh!”
Em đã chịu đựng đủ lắm rồi, nên em nói với mẹ toàn bộ sự thật. Em có thể thấy mẹ đau khổ tột cùng. Nhưng chỉ vài giờ sau, người mẹ “hiểu nhẽ” ấy bảo với em rằng, “Để cả nhà này yên ổn, con phải chịu đựng điều đó. Nếu không, tất cả chúng ta sẽ làm gì được đây?”
Hy vọng của em hoàn toàn sụp đổ. Chính mẹ đẻ của em đang thuyết phục em cam chịu để cho cha em, chính là chồng bà ấy lạm dụng – lẽ công bằng ở đâu trong chuyện này?
Đêm đó em sốt tới 40 độ. Em lại được đưa vào viện, rồi ở luôn tới tận bây giờ. Lần này em không cần phải làm gì để tự làm mình ốm nữa. Đơn giản là em suy sụp, vì trái tim em suy sụp. Em không hề có ý định quay trở lại cái nơi được gọi là nhà ấy nữa.
Ngọc Long thân, đó chính là lý do vì sao em không muốn gặp cha mình. Ông ta là loại cha gì chứ? Em vẫn im lặng là vì em trai và mẹ (dù bà ấy chẳng hề yêu thương em); không có em họ vẫn là một gia đình như trước.
Tại sao em vẽ con ruồi, và tại sao em lại vẽ nó đẹp đến thế?
Bởi vì em khao khát có một người mẹ và người cha thực sự. Một gia đình thực sự nơi em được là con, được khóc trong vòng tay mẹ cha; nơi em có thể an toàn ngủ trên giường trong nhà mình; nơi những bàn tay yêu thương sẽ vỗ về mái đầu, an ủi em sau một giấc mơ đáng sợ. Từ thuở bé xíu, chưa bao giờ em cảm nhận được thứ tình yêu đó. Em hy vọng, em ao ước có được nó, nhưng em chưa bao giờ có được, và giờ thì sẽ chẳng bao giờ có được nữa, vì chúng ta chỉ có một cha một mẹ mà thôi.
Một con ruồi nhỏ đáng yêu từng một lần cho em thấy sự đụng chạm của những bàn tay yêu thương.
Ngọc Long thân, em không biết sẽ phải làm gì tiếp theo đây. Có lẽ em sẽ tới để tìm chị, và giúp đỡ chị bằng cách nào đó. Em có thể làm được nhiều việc, mà em cũng không ngại khó ngại khổ đâu, miễn là em được ngủ yên bình. Chị có ngại không nếu em tới? Hãy viết thư báo cho em biết nhé.
Em thực sự muốn biết dạo này chị ra sao. Chị vẫn ôn luyện tiếng Nga chứ? Chị có còn thuốc không? Lại sắp sang đông rồi, chị nhớ phải giữ gìn sức khỏe đấy.
Em mong chị hãy cho em cơ hội để hàn gắn và làm việc gì đó cho chị. Em không còn gia đình nào nữa, nhưng em hy vọng sẽ được trở thành em gái của chị.
Chúc chị vui khỏe!
Nhớ chị.
Hồng Tuyết, 23 tháng Tám 1975.»
Lá thư làm tôi bàng hoàng sâu sắc, và cảm thấy khó giữ được sự điềm tĩnh trong suốt buổi phát thanh tối hôm đó. Sau đó, nhiều thính giả đã gửi thư đến hỏi thăm xem có phải tôi bị ốm không.
Sau khi chương trình kết thúc, tôi gọi cho một người bạn để nhờ họ chạy qua nhà tôi xem con trai tôi và người giữ trẻ có ổn không. Rồi tôi ngồi lại trong phòng làm việc vắng tanh và xếp lại các mảnh giấy theo đúng trật tự. Kết quả là tôi đọc được nhật ký của Hồng Tuyết.
• 27 tháng Hai – Tuyết rơi dày đặc
Hôm nay mình thấy vui làm sao! Điều ước của mình đã thành sự thật lần nữa: Mình lại được vào viện! Lần này không khó lắm, nhưng mình đã chịu đựng quá nhiều rồi!
Mình không muốn nghĩ ngợi thêm chút nào nữa. “Mình là ai? Mình là cái gì?” Những câu hỏi đó thật vô dụng, giống như tất cả mọi thứ của mình: Đầu óc, tuổi trẻ, sự nhanh trí và những ngón tay lanh lẹ. Giờ mình chỉ muốn có một giấc ngủ sâu, và dài.
Mình mong tối nay các bác sĩ và y tá sẽ lơi lỏng một chút, không kiểm tra các phòng bệnh quá mẫn cán theo lịch như mọi khi nữa.
Phòng bệnh này thật ấm áp, và dễ chịu biết bao để ngồi viết.
• 2 tháng Ba – Nắng
Tuyết tan nhanh thật. Sáng qua tuyết còn trắng xóa; hôm nay khi mình chạy ra ngoài, chút tuyết còn sót lại đã thành màu vàng ố, lem nhem như những ngón tay của bệnh nhân cùng phòng với mình, bà già Vương hút thuốc như ống khói.
Mình thích trời có tuyết rơi dày đặc. Bốn bề trắng xóa và sạch tinh; gió lần theo những đường viền trên mặt tuyết, những chú chim lách chách để lại vết chân mảnh dẻ, và cả con người nữa, cũng vô tình để lại những dấu chân đẹp đẽ. Hôm qua mình đã lẻn ra ngoài mấy lần. Bác sĩ Lưu và cô y tá trưởng quở trách: “Cháu điên mất rồi, đang sốt cao thế mà lại chạy ra ngoài! Cháu định tự sát đấy phỏng?” Mình không để bụng những lời họ nói. Mình biết họ chỉ ác khẩu thế thôi, chứ họ cũng dễ mủi lòng lắm.
Tiếc là mình không có máy ảnh. Chụp được một bức ảnh khung cảnh đất trời ngập trong tuyết trắng thì hay biết mấy.
• 17 tháng Tư – Nắng rực rỡ (rồi sẽ có gió?)
Ở viện có thêm một bệnh nhân mới tên là Ngọc Long: Bệnh thấp khớp mãn tính khiến chị ấy phải nhập viện mỗi năm vài lần. Y tá Cao luôn tặc lưỡi thương cảm, tự hỏi không hiểu tại sao một cô gái xinh xắn, thông minh nhường ấy lại mắc phải căn bệnh khó chịu này.
Ngọc Long coi mình như cô em gái thân thiết. Khi ở đây, chị ấy luôn rủ mình ra chơi ở khoảnh sân nhỏ bất cứ khi nào mình được phép ra khỏi phòng (bệnh nhân không được phép sang các phòng bệnh khác. Họ sợ bọn mình sẽ truyền bệnh cho nhau hoặc gây ảnh hưởng đến việc điều trị). Bọn mình chơi bóng chuyền, cầu lông hoặc cờ vua, và trò chuyện. Chị ấy chẳng bao giờ để mình cô đơn. Có món gì ngon hay trò gì vui là chị ấy lại chia cho mình hay rủ mình chơi cùng.
Một lý do khác nữa khiến mình quý Ngọc Long là vì chị ấy rất xinh. Hồi xưa mình nghe ai đó bảo rằng bạn bè sau một thời gian trông sẽ giống nhau. Chỉ cần xinh bằng nửa Ngọc Long thôi là mình cũng đã thấy đủ lắm rồi. Không chỉ mình quý Ngọc Long, mọi người đều thế. Nếu chị ấy cần làm việc gì, mọi người đều sẵn lòng giúp một tay. Chị ấy cũng có được sự ủng hộ đặc biệt mà những người khác không có được. Chẳng hạn, khăn trải giường của Ngọc Long được thay hai lần mỗi tuần chứ không phải một, chị ấy được phép tiếp khách trong phòng, và chị ấy không bao giờ phải chờ được y tá chú ý đến. Các y tá nam luôn tìm lý do để qua lại phòng chị ấy. Mình chắc là Ngọc Long cũng được ăn đồ ngon hon.
Mình thực sự ghen với chị ấy – như bà già Vương nói, nhìn mặt cũng đủ thấy số chị ấy sướng. Tuy vậy, bà Vương không thích Ngọc Long. Bà bảo chị ấy giống như con hồ ly tinh hay mê hoặc khiến đàn ông phải chết trong truyền thuyết.
Mình bí mật trở dậy để viết, nhưng bác sĩ Du bắt gặp mình trong phiên đi kiểm tra ban đêm của cô. Bác sĩ hỏi mình có đói không, và mời mình bữa ăn đêm nhẹ. Cô ấy bảo ăn no sẽ giúp mình ngủ được.
Trong phòng trực, y tá Cao bật lò sưởi lên và bắt đầu nấu mì với hành tươi phi giòn. Đột nhiên mất điện, nguồn ánh sáng duy nhất là từ cái bếp. Bác sĩ Du vội vã cầm đèn pin đi kiểm tra bệnh nhân. Y tá Cao tiếp tục nấu mì. Có vẻ như cô đã quen làm việc trong bóng tối, và rất nhanh, mùi hành phi thơm nức cả căn phòng. Y tá Cao tốt bụng biết mình thích ăn hành phi giòn, nên đã múc hai thìa đầy bỏ riêng ra cho mình. Lát sau có điện trở lại và bác sĩ Du quay về rồi cả ba cùng ngồi xuống ăn. Trong khi mình đang nhấm nháp nốt thìa hành thứ hai, mình bảo bác sĩ Du là cô y tá Cao đã chiều hư mình biết mấy khi lấy riêng hành ra cho mình.
Đột nhiên, bác sĩ Du hẩy cái thìa của mình đi và hỏi gấp gáp: “Cháu đã nuốt chút nào chưa đấy?”
Mình gật đầu, không hiểu gì cả: “Đây là thìa thứ hai.”
Y tá Cao cũng ngạc nhiên. “Có chuyện gì sao? Sao chị làm bọn em sợ vậy?”
Bác sĩ Du lo lắng chỉ vào đám hành vương vãi trên sàn nhà. Giữa đám hành lá là vô số xác ruồi, bị đốt cháy xoăn tít. Lũ ruồi đã bị hơi ấm và ánh sáng của cái bếp lò thu hút ra khỏi nơi ẩn náu. Bị cái rét mùa đông làm cho đuối sức, chúng rơi vào trong nồi. Trong bóng tối, không ai nhận ra điều đó.
Bác sĩ Du và y tá Cao nhanh chóng tìm thuốc. Mỗi người họ uống hai viên còn mình uống bốn viên. Uống với dung dịch đường glucô. Món mì thơm ngào ngạt, bị đổ hét vào nhà vệ sinh. Họ cố trấn an mình rằng sẽ không bị đau bụng.
Trong đầu mình toàn hình ảnh lũ ruồi mình đã nuốt vào bụng ấy. Mình có nhai gẫy xương và nghiền nát thân thể chúng không? Hay là mình đã nuốt chửng chúng rồi? Có trời mới biết! Nhưng mình đã viết một câu chuyện hài hước!
• 21 tháng Tư – Mưa lất phất
Mình quyết định sẽ giữ một chú ruồi con làm vật nuôi.
Chủ nhật trước mình không phải truyền dịch, nên mình được ngủ ngon cho tới khi bị cảm giác buồn buồn, nhồn nhột trên da đánh thức. Mắt nhắm mắt mở, mình cảm thấy ngại nhúc nhích, bèn nằm đó đoán xem cảm giác ấy là do đâu. Dù là cái gì thì nó vẫn cứ ở đó, bò lên bò xuống chân mình, nhưng nó không quấy rầy hay làm mình sợ chút nào. Mình cảm giác như có một đôi bàn tay bé tí xíu đang nhẹ nhàng ve vuốt mình. Mình thấy biết ơn đôi bàn tay tí hon đó, và muốn biết nó thuộc về ai. Mình mở mắt ra và nhìn.
Một con ruồi! Thật kinh khủng làm sao! Ruồi dính đầy rác rưởi và vi trùng!
Nhưng chưa bao giờ mình biết rằng chân của một con ruồi lại mang đến cảm giác mềm mại và dịu dàng đến thế, dù chúng rất bẩn. Trong vài ngày, mình chờ đợi “những bàn tay tí hon” đó, nhưng chúng không trở lại.
Trong lúc chụp X-quang sau khi uống chất cản tia X sáng hôm đó, đột nhiên mình nhớ lại cái lần mình tới phòng nghiên cứu mẫu vật ở bệnh viện, và những con vật nhỏ các bác sĩ nuôi để làm thi nghiệm y học. Mình có thể nuôi một chú ruồi sạch sẽ! Đúng thế, mình sẽ tìm một chú ruồi con và nuôi trong màn.
• 25 tháng Tư – u ám
Thật khó kiếm nổi một chú ruồi con. Xung quanh toàn ruồi to, vo ve khắp nơi, đậu vào những chỗ bẩn thỉu nhất, hôi thối nhất, nhưng mình không dám đụng vào chúng. Mình thực sự muốn hỏi ý kiến của bác sĩ Chung; chú ấy là chuyên gia sinh vật học, và chắc chắn sẽ biết phải tìm ruồi con ở đâu. Nhưng mình mà hỏi không khéo chú ấy lại tưởng mình ấm đầu mất.
• Tháng Năm – Nắng lên
Mình mệt quá, mệt lắm lắm.
Hai ngày trước, cuối cùng mình cũng tóm được một chú ruồi con. Nó nhỏ xíu. Nó đang vật vã trong cái mạng nhện trên cây táo nhỏ trong đám bụi cây sau căng tin. Mình gói cả cái mạng nhện lẫn chú ruồi trong cái túi gạc làm bằng khẩu trang rồi đem về phòng. Khi đi qua phòng điều trị, y tá Trương hỏi mình vừa bắt được cái gì đấy. Mình thốt ra thứ đầu tiên xuất hiện trong đầu, rằng đó là một con bướm, rồi chạy nhanh về phòng và chui tọt vào màn. Vừa chui vào bên trong, mình liền từ từ mở chiếc túi ra. Lạ thay, sợi gạc đã khiến cái mạng nhện không dính vào nhau nữa, và chú ruồi con có thể di chuyển tự do trong đó. Mình nghĩ hẳn là nó phải mệt và đói lắm sau khi bị dính vào cái mạng nhện bao nhiêu lâu, nên mình chạy vù vào phòng trực, lấy trộm một mẩu gạc nhỏ, đổ nước đường glucô lên đó. Rồi mình chạy vào bếp lấy một mẩu thịt trong chiếc chậu đựng thức ăn thừa. Khi mình trở về màn, chú ruồi con có vẻ như không động đậy nữa, đôi cánh tí hon của nó vẫy vẫy yếu ớt; trông nó có vẻ mệt mỏi và đói. Mình đặt mẩu thịt xuống lớp gạc tẩm đường, rồi nhẹ nhẹ đẩy nó lại gần chú ruồi con. Vừa lúc ấy mình nghe thấy tiếng xe đẩy chở thuốc. Đã đến giờ trị liệu buổi chiều. Mình phải tìm thứ gì đó để giấu chú ruồi đi, không thể để người khác phát hiện ra nó được. Mình thích sưu tập những chai hộp nhỏ, nên dễ dàng tìm được một cái hộp với cái nắp nhựa trong để cho chú ruồi và “cái tổ” bằng gạc của nó vào. Mình vừa làm xong thì y tá Trương đẩy chiếc xe vào phòng.
Chú ấy bảo, “Thế con bướm của cháu sao rồi? Cho chú xem nó có đẹp không nào?”
“Cháu… cháu thấy nó cũng không đẹp lắm, nên cháu thả nó đi rồi,” mình lắp bắp nói dối.
“Không sao, lần sau chú sẽ bắt cho cháu một con đẹp,” chú ấy an ủi.
Mình nói cảm ơn chú, nhưng chỉ mong chú làm nhanh nhanh lên rồi đi. Mình thấy lo cho ruồi con bé bỏng.
Nuôi một chú ruồi con khó hơn nhiều so với nuôi mèo con. Mọi người đều thích mèo con, nên nếu có một con, nhiều người sẽ giúp bạn. Nhưng chẳng ai thích ruồi cả. Mình sợ ai đó sẽ giết nó mất, hoặc nó sẽ trốn đi. Mấy hôm nay, mình không dám ra ngoài tập thể dục vì sợ nhỡ có chuyện gì xảy ra với ruồi con. Tối đến mình ngủ không yên vì lo các bác sĩ và y tá sẽ đuổi ruồi con đi. Mình lắng nghe tiếng bước chân của họ, và thò tay ra khỏi màn trước khi họ bước vào, để họ có thể bắt mạch và đo nhiệt độ của mình mà không cần vén màn lên. Ngày nào cũng vậy, suốt mấy hôm. Mình thực sự rất mệt.
Tuy vậy, như thế này vẫn còn tốt chán so với ngủ ở nhà. Hơn nữa, giờ thì ruồi con của mình trông đã khá hơn nhiều rồi. Nó lớn chậm lắm, hầu như không to hơn là mấy. Nhưng thế cũng được, mình không thích mấy con ruồi to đầu xanh lét chút nào. Ruồi con lúc nào cũng đậu vào người mình: Mình thích cái cảm giác êm dịu, đôi lúc buồn buồn trên da. Mình cũng thích lắm khi nó nghịch chơi trên má mình, nhưng không khi nào mình để nó thơm môi mình cả.
• Tháng Năm – Nắng
Mấy ngày nay mình chưa phải truyền lần nào. Bác sĩ Chung bảo họ sẽ giữ mình lại thêm mấy ngày để theo dõi thêm, và điều trị theo phương pháp mới. Mình không bận tâm họ sẽ làm gì, miễn là được ở lại đây mà không phải về nhà.
Chú ruồi con của mình thật tuyệt.
Mình vừa làm cho nó một cái nhà, ở trong đó nó được an toàn và di chuyển thoải mái: Đó là một cái vỏ bọc bằng gạc, loại dùng đậy điệm thức ăn trong căng tin. Bác bếp trưởng cho mình vì mình bảo mình phải truyền dịch hàng ngày, không thể ăn đúng giờ và muốn có cái gì để ngăn ruồi bọ đậu vào thức ăn. Bác bếp trưởng tốt bụng thật. Bác ấy đồng ý ngay, thậm chí còn khâu một chiếc túi nhỏ bằng gạc dành riêng cho mình để bọc bát đũa cho sạch sẽ. Vì thế chú ruồi con của mình có một ngôi nhà riêng đặc biệt, nhưng quan trọng nhất là ở đây nó rất an toàn. Chẳng ai ngờ rằng có một chú ruồi trong một cái túi chống ruồi cả. Hơn nữa mình cũng không còn phải chạy vào căng tin lấy thức ăn cho nó nữa: Nó có thể cùng ăn cơm và rau với mình.
Mình có thể ngủ ngon trở lại rồi.
Hôm nay trời nắng đẹp. Mình cho ruồi con vào trong ngôi nhà của nó ở dưới chân giường, và mượn bà già Vương cái kính phóng đại để xem nó ăn đường.
Chú ruồi trông như một ông già nhỏ xíu dưới kính lúp, khắp người nó toàn lông lá! Trông nó kinh quá, mình phải bỏ cái kính xuống ngay tức khắc. Mình không muốn nó trông xấu xí như thế. Nhìn bằng mắt thường thì nó lúc nào cũng đáng yêu: Thân mình nhỏ xíu, chẳng thể đoan chắc là nó màu xám, nâu hay đen (có lẽ còn có hoa văn nữa); đôi cánh của nó lấp lánh dưới ánh nắng như hai viên kim cương bé tí; những cái chân của nó mảnh đến mức làm mình nghĩ tới chân của các vũ công; mắt của nó trông như hai quả cầu thủy tinh nhỏ. Mình chưa bao giờ thấy được con ngươi của nó; cứ như thể nó chẳng bao giờ nhìn cái gì cả.
Chú ruồi con của mình trông thực sự ngộ nghĩnh trên miếng gạc tẩm đường: mấy cái chân trước của nó lúc nào cũng huơ huơ lên, tiến tiến lui lui, xoa xoa vào nhau, cứ như người ta rửa tay vậy.
• Tháng Sáu – Nhiều mây, sau lại quang đãng
Mấy ngày gần đây mình thấy người rất oải, nhưng khi kiểm tra hàng ngày, mình lại không bị sốt cao, và huyết áp cũng không thấp lắm. Hôm nay, khi chơi cầu lông với chị Ngọc Long, mình hầu như chẳng nhìn thấy quả cầu đâu; có một lần, suýt nữa mình sụm xuống khi cố đỡ quả phát cầu của chị ấy. Mắt mình mờ đi, mọi vật cứ nhòe nhoẹt. May thay, hôm nay là phiên trực của bác sĩ Chung. Khi mình kể với chú ấy về tình trạng này, chú ấy bảo mình nên quay lại bệnh viện trung tâm để thử máu.
Thôi, mình sẽ không viết gì nữa vậy. Mình nhìn một hóa hai rồi.
Mình cũng không thể thấy ruồi con rõ ràng được nữa. Nó quá nhỏ bé. Hôm nay, mình nhìn như có hai chú ruồi con vậy.
Y tá Trương bảo hôm nay chú ấy sẽ cho mình một thứ gì đó đẹp lắm, nhưng bây giờ mình sắp đi ngủ mà chú ấy vẫn chưa đến. Chú ấy hẳn đang trêu mình đây. Hôm nay mình sẽ không viết gì cả, mình buồn ngủ díp cả mắt rồi. Chúc ngủ ngon, nhật ký thân yêu.
• Tháng Sáu – ?
Mình mới chỉ vừa ngừng khóc. Không ai biết tại sao mình khóc, các bác sĩ, y tá và những bệnh nhân khác đều nghi là minh sợ chết. Thực ra là mình không sợ chết. Bà già Vương bảo, “Sống và chết chỉ cách nhau một đường tơ.” Mình nghĩ điều đó hẳn là đúng. Chết chắc là chỉ giống như ngủ; mình thích ngủ thiếp đi rồi rời xa thế giới này. Hơn nữa, nếu mình chết đi, mình sẽ không còn phải lo bị trả về nhà nữa. Mình mới mười bảy, nhưng mình nghĩ chết ở tuổi này là được rồi. Mình sẽ mãi mãi là một thiếu nữ, và không bao giờ trở thành bà già như bà già Vương, mặt hằn sâu những nếp nhăn.
Mình khóc bởi vì ruồi con của mình đã chết.
Tối hôm kia, mình vừa mới viết được vài dòng nhật ký thì bỗng cảm thấy sây sẩm mặt mày đến mức không viết nổi nữa. Mình trở dậy ra nhà vệ sinh, rồi, khi chuẩn bị quay về giường, mình thấy một cặp mắt ma quái nhìn chằm chằm vào mình từ chỗ đầu giường. Mình sợ quá thét lên rồi ngất xỉu.
Bác sĩ Lưu bảo mình mê sảng mất nửa ngày, lúc nào miệng cũng la hét về ruồi, ma quỷ và những cặp mắt. Bà già Vương kể với tất cả các bệnh nhân cùng phòng rằng mình bị ma ám, nhưng cô y tá trưởng đã bảo bà ấy đừng có nói linh tính.
Bác sĩ Chung biết nguyên nhân khiến mình ngất xỉu, và chú ấy đã mắng y tá Trương thậm tệ vì chuyện đó. Y tá Trương đã mất mấy tiếng đồng hồ để đi tìm bắt một con bướm hoa to đùng làm quà cho mình. Chú ấy cài con bướm vào đầu giường, hy vọng sẽ làm mình ngạc nhiên thích thú, chứ chẳng bao giờ nghĩ rằng mình lại bị nhát đến mức hồn xiêu phách lạc đến thế.
Trong lúc mê sảng, mình không chăm sóc cho ruồi con được. Khi ấy, có người đã đặt đồ lên chiếc bàn cạnh giường đè bẹp ruồi con trong chiếc túi gạc. Phải khó khăn lắm mình mới tìm ra nó, nhưng thân thể tí hon của nó đã khô xác ra rồi.
Tội nghiệp ruồi con, nó đã chết trước khi kịp lớn.
Mình nhẹ nhàng đặt ruồi con vào một cái hộp diêm để dành từ lâu. Mình đã lôi ra một mẩu bông trắng trong lõi chăn và lót dưới đáy hộp. Mình muốn ruồi con được ngủ êm ái một chút.
Ngày mai, mình sẽ chôn ruồi con trên đồi cây phía sau bệnh viện. Có ít người đến, nên nơi ấy rất thanh bình.
• Tháng Sáu – Trời u ám, sau nhiều mây
Sáng nay trời sầm sì và u ám. Phòng bệnh cũng một màu xám xịt; trông mọi vật y như tâm trạng của mình. Lúc nào mình cũng chực khóc, và luôn nghĩ tới ruồi con, nó không bao giờ chơi đùa với mình được nữa.
Bác sĩ Chung bảo lượng bạch cầu của mình quá thấp, và đó là lý do mình thấy người uể oải. Kể từ hôm nay mỗi lần mình phải truyền tới ba chai thuốc mới; mỗi chai 500ml phải mất hai giờ truyền, ba chai mất gần sáu giờ. Nằm ở đây một mình, đếm từng giọt thuốc thật khó quá. Mình sẽ nhớ ruồi con.
Buổi trưa, trời hưng hửng nắng, nhưng mặt trời vẫn lẩn khuất sau đám mây. Không biết có phải nó đang nghịch ngợm mà chơi trò trốn tìm hay không nữa, hay là do nó quá ốm hoặc lười biếng đến mức không chịu chiếu sáng. Hay phải chăng nó cũng đang đau buồn vì ruồi con, và âm thầm than khóc?
Mãi tận sau bữa chiều mình mới truyền xong, nhưng chẳng thấy đói lắm. Mình muốn chôn cất ruồi con của mình khi trời vẫn còn sáng.
Mình gói hộp diêm vào chiếc khăn tay yêu thích và đi vòng xa ra để tránh khỏi phòng trực, lẻn ra khỏi bệnh viện chạy vào rừng cây nhỏ trên đồi. Mình chọn được một chỗ bên một cạnh tảng đá mà đứng dưới chân đồi cũng nhìn thấy được, định sẽ chôn cất ruồi con ở đó. Mình muốn dùng tảng đá làm bia mộ, như thế mình có thể dễ dàng nhìn thấy nó từ cửa sau bệnh viện. Nền đất rất cứng – dùng tay đào không ăn thua. Mình thử dùng một cành cây con nhưng vẫn rất chật vật, nên mình quyết định tìm một cành cây to hơn. Mình để chiếc hộp lên tảng đá, và trèo lên cao hơn tìm kiếm.
Đột nhiên, mình nghe thấy ai đó thở dốc và một tiếng rên rỉ lạ lùng. Ngay sau đó, mình nhìn thấy một đôi nam nữ đang cuộn tròn lấy nhau trên đám cỏ trong rừng. Mình không nhìn rõ lắm, nhung có vẻ như họ đang vật lộn. Tiếng thở nghe như những vùng vẫy cuối cùng của một người sắp chết vậy.
Mình bắt đầu run lên vì sợ. Mình không biết phải làm gì nữa: mình từng thấy cảnh như thế này trong phim, nhưng chưa bao giờ trong đời thực cả. Mình biết mình rất yếu, và chẳng đủ sức giúp người phụ nữ kia, nói gì tới chuyện ngăn cản người đàn ông đó. Mình nghĩ tốt hơn là nên đi gọi người giúp. Mình vội vàng chộp lấy cái hộp diêm – không thể để ruồi con của mình ở lại đây một mình được – và chạy về bệnh viện.
Người đầu tiên mình gặp khi xuống tới chân đồi là cô y tá trưởng, cô ấy đang tìm mình ở chỗ cổng bệnh viện: mình quá mệt, thở hổn hển nên chẳng nói thành lời, nhưng mình rối rít chỉ về phía ngọn đồi. Bác sĩ Chung vừa xong ca trực và rời bệnh viện, liền chạy tới hỏi có chuyện gì.
Mình không biết phải nói thế nào cho họ hiểu. “Cháu nghĩ là có người sắp chết!”
Bác sĩ Chung vội chạy lên đồi còn cô y tá trưởng thì cho mình thở oxy. Mình mệt đến độ ngủ gật luôn lúc ấy.
Khi tỉnh dậy, mình tới phòng trực. Mình muốn biết liệu người phụ nữ trong rừng đó có được cứu không, và cô ấy thế nào rồi.
Thật lạ, cô Cao, y tá trực, không nói với mình gì cả. Cô chỉ vỗ vỗ vào đầu mình và nói, “Ồi, cháu thật là…!”
“Cháu làm sao cơ ạ?” Mình thấy thật bối rối. Mình vẫn chẳng hiểu nổi có chuyện gì xảy ra.
• Tháng Sáu – Nắng
Mình vừa tìm được một chỗ an toàn cho ruồi con: chiều nay có cô y tá cho mình một hộp đựng sôcôla rượu mùi. Mình khoái sôcôla rượu mùi lắm: mình thích dùng kim chọc hai cái lỗ trên thỏi sôcôla, rồi mút rượu mùi trong đó (không mút được nếu chỉ có một lỗ). Hôm nay, trong khi mình đang làm vậy, đột nhiên mình nảy ra một ý tưởng mới mẻ. Mình có thể đặt ruồi con vào một thỏi sôcôla rượu mùi rỗng, rồi cho vào tủ lạnh trong phòng trực (cô y tá trưởng bảo mình có thể cất thức ăn ở đó mà). Và thế là mình đặt ruồi con vào một thỏi sôcôla, chắc chắn là nó thích ăn lắm. Như thế, mình cũng có thể thăm nó thường xuyên.
Mình thật là thông minh, phải không? Đúng rồi! Ít ra là mình thấy vậy.
• 23 tháng Sáu – Nóng và gió
Ngọc Long sẽ bị buộc ra viện vào ngày mai – mình không muốn chị ấy đi. Đương nhiên, ra viện thì tốt cho chị ấy.
Mình nên tặng Ngọc Long cái gì làm quà chia tay đây?
• 24 tháng Sáu – Nóng và ẩm
Ngọc Long đi rồi – minh không đi tiễn được vì đang phải truyền dịch. Ngay trước khi đi chị ấy xin phép tới phòng mình chia tay. Chị ấy dịu dàng vuốt ve bàn tay đang tua tủa kim châm cứu của mình, và nói với mình thật tình cảm. Chị ấy bảo mình đừng rửa tay bằng nước lạnh mà hãy ngâm trong nước nóng, để mạch máu liền lại nhanh hơn.
Ngọc Long còn tặng mình một đôi găng tay chị ấy đã đan riêng cho mình. Lúc đầu chị ấy định để dành khi mùa đông tới mới tặng mình cơ. Chị ấy đi quanh phòng mình nhìn ngắm, xếp lại các thiết bị y tế, và khen mình biết giữ đồ sạch sẽ ngăn nắp.
Mình hỏi chị ấy có biết chuyện gì xảy ra với người phụ nữ trên đồi không. Ngọc Long không biết mình nói về chuyện gì nên mình kể lại cho chị ấy nghe chuyện mình thấy. Chị ấy im lặng và mắt ngân ngấn nước.
Mình tặng Ngọc Long bức tranh mình vẽ một chú ruồi con xinh xắn, mình đã đóng khung nó bằng miếng cao su cũ, giấy bóng kính và bìa cứng. Ngọc Long bảo chị ấy chưa bao giờ nhìn thấy hình vẽ con ruồi nào đẹp như thế, chị ấy cũng khen cái khung của mình rất độc đáo.
Mình chúc Ngọc Long lên đường may mắn, nhưng vẫn thầm mong chị ấy sẽ trở lại viện sớm để bầu bạn với mình.
• 16 tháng Bảy – Mưa
Mình chưa bao giờ, không bao giờ tưởng tượng nổi rằng chính mình là người đã phá hoại cuộc đời của Ngọc Long.
Hôm nay mình nhận được một lá thư Ngọc Long gửi từ làng chị ấy:
Hồng Tuyết thân!
Em vẫn khỏe chứ? Em có còn phải truyền dịch nữa không? Gia đình em không thể chăm sóc cho em, nên em phải tự học cách chăm sóc lấy bản thân mình nhé. Cũng may là các bác sĩ và y tá ở bệnh viện đều yêu mến em, các bệnh nhân khác cũng thế. Tất cả mọi người đều mong em sớm được về nơi mà lẽ ra em nên ở, giữa người thân và bạn bè của em.
Chị đã bị đuổi khỏi học viện quân sự và áp giải trở về làng: mọi người trong làng đều bảo chị đã làm tiêu tan mọi hy vọng của họ.
Chị chưa kể với em rằng chị mồ côi. Cha mẹ chị nối nhau qua đời – người thì vì bệnh tật người thì có lẽ là chết đói – không lâu lắm sau khi chị được sinh ra. Dân làng thương chị côi cút nên thay nhau cưu mang chị. Chị ăn nhờ, mặc nhờ thức ăn, quần áo của hàng trăm gia đình. Làng chị nghèo lắm. Dân làng để con họ nhịn ăn nhịn mặc để đưa chị tới trường: chị là đứa con gái đầu tiên trong làng được đi học. Bốn năm trước, học viện quân sự tới quê chị để tuyển tân sinh viên từ nông dân và công nhân. Bí thư Đảng bộ quê chị đã cùng chị đi ròng rã suốt đêm tới doanh trại quân đội trên huyện để xin các lãnh đạo nhận chị. Ông ấy nói đây là mong mỏi tha thiết nhất của mọi người trong làng. Các lãnh đạo nêu chuyện của chị với các cộng sự, và cuối cùng chị đã được đặc cách tham dự khóa huấn luyện thực tế, và sau đó là vào học viện quân sự.
Ở học viện, chị học tiếng Nga và Thông tin liên lạc trong Quân đội, hầu hết các bạn cùng lớp đều từ nông thôn ra. Vì yêu cầu quan trọng nhất để được nhận vào là phải có lý lịch chính trị trong sạch, nên có hàng loạt khác biệt về trình độ học vấn. Chị là học sinh khá nhất lớp vì chị đã từng được học một năm sơ trung. Thêm vào đó, có vẻ như chị còn có khiếu ngoại ngữ nữa, vì điểm tiếng Nga của chị luôn rất cao. Các giáo viên trong khoa đều bảo chị có tố chất của một nhà ngoại giao, hoặc ít nhất là chị sẽ không khó khăn gì để trở thành một thông dịch viên. Chị học rất chăm, và không khi nào ngừng học vì bệnh thấp khớp mà chị mắc từ nhỏ. Chị muốn đáp lại lòng tốt của dân làng đã nuôi chị khôn lớn.
Hồng Tuyết ạ, một năm trước, chị đã không thể trốn tránh thực tế rằng chị đã lớn, và chị khổ sở lắm khi nhận thức được là mình đã trở thành một người phụ nữ trưởng thành. Giờ thì em chưa hiểu nổi, nhưng vài năm nữa em sẽ hiểu thôi.
Em gái, chị chính là người phụ nữ em muốn “cứu” trên ngọn đồi đằng sau bệnh viện đó. Chị không bị xâm hại, chị cùng với người yêu…
Bác sĩ Chung và mấy người khác đã đưa bọn chị về Phòng Kỷ Luật Quân đội. Người yêu chị bị nhốt lại tra hỏi, rồi chị bị gửi trả lại bệnh viện quản thúc vì chị cần phải chữa bệnh. Đêm đó, người yêu chị, một người rất tự trọng, đã tự sát. Hôm sau, các cán bộ Phòng Kỷ Luật Quân đội, Cục Công An – và các cơ quan khác nữa, có lẽ vậy – tới bệnh viện để điều tra. Họ bảo chị đã cung cấp cho người yêu chị “phương tiện để phạm tội với Đảng và những người khác mãi mãi bằng cách tự giết mình” (họ bảo tự sát là phạm tội). Chị không chịu nói là đã bị cưỡng bức mà chỉ thề sống chết mãi mãi yêu anh ấy.
Cái giá chị phải trả cho tình yêu của mình là bị trả về ngồi làng nghèo khó này để làm nông dân. Giờ đây, dân làng đều xa lánh chị, chị không biết liệu có còn chốn nào cho chị ở đây nữa không.
Người yêu chị là một người tốt, chị yêu anh ấy nhiều lắm.
Chị không viết thư để trách móc em dù chỉ là chút xíu. Chị biết em vẫn còn nhỏ, em chỉ cố cứu người vì lòng tốt mà thôi. Hứa với chị là đừng buồn khổ vì chuyện này nhé. Nếu không, cái giá chị phải trả sẽ còn cao hơn nữa đấy.
Cuối cùng, em gái à, em đã chuẩn bị tinh thần để trả lời những câu hỏi này chưa:
— Sao em lại không muốn gặp lại cha mình?
— Điều gì khiến em nghĩ tới chuyện vẽ một con ruồi, và tại sao em lại vẽ nó đẹp thế?
Chị mong em vui vẻ và chóng khỏe.
Nhớ em!
Ngọc Long
Bên ngọn nến, đêm, 30 tháng Sáu 1975.
Giờ mình đã hiểu vì sao dạo này nhiều người cứ lảng tránh mình. Họ đều biết kết cục bi thảm của Ngọc Long, và mình chính là thủ phạm, kẻ gây ra nỗi bất hạnh của chị ấy.
Ngọc Long, em đã gây ra cho chị một chuyện không thể cứu vãn được rồi.
Ai có thể tha thứ cho em đây?
• 30 tháng Bảy – Oi bức trước cơn bão
Mình không ra ngoài mấy suốt vài ngày liền. Mình không muốn gặp ai. Mọi lời lẽ trong thư của Ngọc Long đã khắc sâu vào trí não mình. Những câu hỏi của chị ấy cứ bám riết không buông.
Sao em không muốn gặp cha mình?
Điều gì khiến em nghĩ tới chuyện vẽ một con ruồi, và tại sao em lại vẽ nó đẹp thế?
Để trả lời Ngọc Long, mình phải nhớ lại, và trở về địa ngục. Nhưng chính mình cũng đã đẩy Ngọc Long xuống địa ngục rồi còn gì. Thế cho nên mình phải chấp nhận chuyến hành trình đó thôi. Mình không thể từ chối chị ấy được.
Ruồi con vẫn ngủ trong lòng thỏi sôcôla nhân rượu mùi; không gì còn có thể quấy rầy nó nữa,
Hôm nay, khi tới thăm nó, mình đã rất ghen tỵ.
• 8 tháng Tám – Nóng
Nửa cuối tháng này, trời cứ nóng và ẩm suốt. Chẳng hiểu cái gì đang kéo đến trên trời kia mà khiến con người dưới này cứ vã mồ hôi như tắm thế không biết.
Mình cần phải can đảm lên, can đảm để nhớ lại. Mình cần phải mạnh mẽ, và mình cần sức mạnh ý chí.
Vất vả lội ngược dòng ký ức, nỗi đau cứ dính lấy như bùn lầy; lòng căm ghét, vốn đã phai dần trong màu trắng của thế giới toàn bệnh tật này, đột nhiên ào về như thác lũ.
Mình muốn viết thư trả lời Ngọc Long, nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu. Mình không biết phải trả lời chị ấy thế nào cho rõ ràng mạch lạc cả. Chỉ biết đó hẳn phải là một lá thư rất dài.
Ba ngày nay, mình không dám ghé qua thăm ruồi con. Trong mơ mình thấy nó bảo… ôi, trời nóng quá đi mất!
• 18 tháng Tám – Mát mẻ
Cuối cùng thì trời cũng đã trút được cảm xúc của mình. Bầu trời mùa thu cao vút và không khí vừa trong lành vừa tinh khôi. Mọi người đều có vẻ như vừa trút được một tiếng thở dài nhẹ nhõm, và tống khứ sự ảm đạm của bao ngày qua. Các bệnh nhân, bị ngột ngạt trong bệnh viện, sợ cái nóng, giờ đều tìm cớ để đi ra ngoài.
Mình không muốn đi đâu cả. Mình phải viết thư cho Ngọc Long. Sáng nay mình đã cho ruồi con vào trong hộp diêm rồi đi tản bộ nửa tiếng. Nhưng vì sợ thỏi sôcôla bị chảy ra và làm đau ruồi con, nên mình phải trả nó về tủ lạnh càng sớm càng tốt.
Hôm qua, bác sĩ Chung cảnh cáo mình khi chú ấy đi kiểm tra trong phiên trực. Chú bảo rằng mặc dù kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh thiếu máu của mình không trầm trọng lắm, nhưng máu của mình vẫn không phải là bình thường do sốt cao tái diễn liên tục cũng như tác dụng phụ của thuốc. Nếu mình không an dưỡng đúng cách, rất có thể mình sẽ bị nhiễm trùng máu. Y tá Cao dọa mình rằng nhiễm trùng máu là chết. Cô ấy cũng chỉ ra rằng sau mười tiếng đồng hồ truyền dịch, mình không nên ngồi vào bàn viết mà không nghỉ ngơi hay tập thể dục gì cả. Y tá Trương thì nghĩ mình viết một bài khác cho Quân Đội Nhân Dân Tự Do hay tạp chí Thanh Niên Trung Quốc và hào hứng hỏi mình đang viết gì. Mình đã có vài bài được đăng và chắc có lẽ y tá Trương là độc giả nhiệt thành nhất của minh.
• Tháng Tám – Nắng
Hôm nay mình gửi thư chuyển phát có ký nhận cho Ngọc Long. Lá thư rất dày nên mình đã phải tiêu nhẵn số tiền nhuận bút của một trong những bài viết được đăng trước đó để trả bưu phí.
Trước đây, mình thường mơ rằng nỗi đau của mình bằng cách nào đó có thể bị xóa bỏ, nhưng mình có thể xóa bỏ được cuộc đời mình không? Mình có thể xóa bỏ được quá khứ và tương lai của mình không?
Mình thường soi mặt mình rất kỹ trong gương. Trông nó có vẻ trơn láng vì sức trẻ, nhưng mình biết nó đã có vết hằn bởi những điều mình phải trải qua: lơ là trang điểm, nên hai nếp hằn thường xuyên xuất hiện, đó là dấu hiệu của nỗi sợ hãi mà mình cảm thấy đêm ngày. Mắt mình không có chút láng ướt hay vẻ xinh đẹp của một cô gái trẻ, trong đáy sâu của nó là một trái tim đang vật vã. Đôi môi thâm khao khát cháy bỏng được cảm nhận mặt đất; đôi tai, bị yếu đi vì phải luôn luôn cảnh giác, đã không thể mang dù chỉ là một đôi gọng kính; tóc xác xơ vì lo âu, trong khi lẽ ra nó phải bóng loáng khỏe mạnh.
Đó có phải là gương mặt của một cô bé mười bảy?
Vậy chính xác thì đàn bà là gì? Liệu có nên xếp đàn ông vào cùng loại với đàn bà không? Tại sao họ lại khác nhau đến thế?
Sách vở phim ảnh hay nói làm đàn bà thì tốt hơn, nhưng mình không tin được. Chưa bao giờ mình thấy điều đó đúng, không bao giờ.
Sao con ruồi to vào đây vo ve cả buổi chiều này cứ đậu trên bức tranh mình vừa vẽ thế? Liệu nó biết ruồi con trong tranh không nhỉ? Mình xùy đuổi nó đi nhưng nó chẳng sợ gì cả. Thay vào đó, mình lại sợ – nhỡ đây là mẹ ruồi con thì sao?
Thật nghiêm trọng – mình phải…
• Tháng Tám – Nắng
Hôm qua lúc đèn tắt mình chưa viết xong.
Hôm nay con ruồi to đó vẫn ở trong phòng mình. Nó rất khôn. Mỗi khi có ai vào, nó lại trốn mất, mình chẳng biết ở đâu. Ngay khi bốn bề vắng lặng nó lại đậu vào bức tranh hoặc vo ve quanh mình. Mình không biết nó đang làm gì cả. Mình có cảm giác hình như nó không muốn rời xa mình.
Buổi chiều, bác sĩ Chung bảo nếu tình trạng của mình ổn định thì chứng tỏ việc điều trị có hiệu quả, và mình sẽ được cho ra viện về nhà dùng thuốc để hồi phục sức khỏe. Y tá trưởng bảo họ sẽ thiếu nhiều giường bệnh khi mùa thu tới, cho nên những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính đều sẽ rời viện.
Về nhà ư? Thật kinh khủng! Mình phải nghĩ cách để ở lại.
• Tháng Tám – Âm u
Mình gần như thức trắng đêm. Mình nghĩ tới nhiều cách, nhưng tất cả đều không thể thực hiện được. Làm sao bây giờ?
Có lẽ cách nhanh nhất là làm cho mình nhiễm bệnh, nhưng những phòng bệnh truyền nhiễm đều bị cách ly hết sức nghiêm ngặt.
Hôm nay đầu mình rối bời nghĩ đủ cách để ở lại đến mức mình bước hụt một bậc ở cầu thang căng tin. Một chân dẫm vào không khí và mình ngã chổng kềnh. Đùi mình thâm một vết to tướng còn cánh tay rách một vết sâu. Khi giao ca, bác sĩ Du bảo y tá chấm thêm một ít thuốc mỡ lên tay mình.
Cô ấy bảo thể trạng mình yếu ớt và rất dễ bị nhiễm trùng máu, và dặn dò cô y tá coi chừng ruồi muỗi khi thay băng cho mình, bảo rằng ruồi mang đầy mầm bệnh.
Tối hôm ấy, y tá trực bảo trong phòng mình có ruồi và chú ấy muốn xịt thuốc giết nó.
Mình không muốn ruồi to bị giết nên mình nói với chú ấy rằng mình dị ứng với thuốc xịt ruồi. Chú ấy bảo mai sẽ đập ruồi cho mình vậy. Mình không biết ruồi to trốn ở đâu. Mình định để mở cửa sổ khi ngủ để nó trốn đi. Mình không biết liệu làm thế có cứu được nó không nữa.
• Tháng Tám – Mưa phùn
Mình không cứu được ruồi to. Lúc 6 giờ 40 sáng, bác sĩ Du vào kiểm tra phòng và đập nó bẹp gí trên bức tranh của mình. Mình bảo rằng mình muốn giữ lại bức tranh nên ngăn được bác sĩ Du vứt ruồi to đi, và đưa nó vào tủ lạnh với ruồi con. Không biết tại sao, nhưng mình luôn cảm thấy chúng có mối quan hệ đặc biệt.
Mình nghĩ vết thương trên cánh tay mình đã hơi nhiễm trùng. Nó đã trở thành một vết sưng đỏ tấy to tướng, và mình cảm thấy rất không thoải mái khi viết. Nhưng mình bảo cô y tá thực tập thay băng cho mình rằng nó sẽ lành thôi và không cần phải bôi thêm thuốc mỡ nữa. Lạ thật, cô ấy tin mình! Chiếc áo bệnh nhân dài tay che kín mít cả cánh tay mình.
Mình hy vọng cách này sẽ hiệu quả.
“Ruồi mang theo ổ vi trùng.” Câu nói của bác sĩ Du gợi ý cho mình, và mình đã quyết định thử một phen. Mình chả thèm bận tâm đến hậu quả, thà chết còn hơn phải về nhà.
Mình định ép xác ruồi to vào vết thương trên cánh tay.
• 30 tháng Tám – Nắng
Thành công rồi! Hai ngày nay mình càng lúc càng sốt cao. Mình thấy rất mệt, nhưng sung sướng. Bác sĩ Chung rất sửng sốt trước tình trạng xấu đi của mình; chú ấy định làm thêm một xét nghiệm máu toàn diện cho mình.
Mấy hôm nay, mình chưa đi thăm ruồi con thương mến của mình. Mình cảm thấy như thể vừa bị chuột rút khắp người.
Ruồi con ơi, tao xin lỗi.
• Tháng Chín
Tối qua mình vừa được đưa vào bệnh viện chính.
Mình rất mệt và buồn ngủ. Mình nhớ ruồi con lắm, thật đấy.
Mình không biết Ngọc Long đã trả lời thư mình chưa…”
Tôi đọc xong tập nhật ký khi tia nắng đầu tiên ló ra ở đằng Đông, và tiếng mọi người đến làm việc ở những văn phòng quanh đó bắt đầu rộn rịp. Hồng Tuyết đã chết vì nhiễm trùng máu. Giấy chứng tử cũng được để trong chiếc hộp đó, ghi ngày 11 tháng Chín năm 1975.
Ngọc Long ở đâu? Cô ấy có biết Hồng Tuyết đã chết không? Người đàn bà tầm bốn mươi tuổi đã đem chiếc hộp tới cho tôi là ai? Liệu những bài viết đăng báo của Hồng Tuyết có hay như những trang nhật ký trong cái hộp này không? Khi biết con gái mình tự sát, liệu cha Hồng Tuyết có cảm thấy hối hận không? Liệu mẹ Hồng Tuyết, người đã đối xử với con gái của mình như một vật hy sinh, có nhận thức ra được điều gì từ bản năng của người mẹ không?
Tôi không biết câu trả lời cho những câu hỏi ấy. Tôi không biết đã có bao nhiêu cô gái bị bạo hành tình dục đang khóc giữa hàng nghìn linh hồn còn mơ màng trong thành phố sáng hôm đó.