Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hảo Nữ Trung Hoa

Chương 10: Người đàn bà chờ đợi bốn mươi lăm năm

Tác giả: Hân Nhiên

Đặc điểm của người Trung Quốc hiện đại là hoặc có gia đình mà không có tình cảm hoặc có tình cảm mà không có gia đình. Điều kiện sống buộc giới trẻ biến việc làm và nơi ở thành điều kiện tiên quyết đối với hôn nhân. Cha mẹ họ, sống giữa thời buổi chính trị biến động, từng xem sự an toàn và đáng tin cậy làm chỗ dựa để xây dựng gia đình. Với cả hai thế hệ, việc thu xếp cho thực tế luôn luôn là cái đi trước còn tình cảm gia đình là cái phát triển về sau. Điều mà hầu hết mọi phụ nữ tìm kiếm và ao ước có được là một gia đình hình thành từ nền tảng tình cảm. Đó là lý do tại sao bạn có thể đọc thấy quá nhiều câu chuyện tình yêu bi thảm trong lịch sử Trung Quốc – những câu chuyện không đơm hoa kết trái.

Năm 1994, cha tôi đi dự lễ kỷ niệm tám mươi lăm năm ngày thành lập trường Đại Học Thanh Hoa – một trong những trường đại học tốt nhất Trung Quốc. Khi trở về, ông kể cho tôi nghe về cuộc tái ngộ của hai người bạn cùng lớp, Tĩnh Di và Cố Đại, một đôi yêu nhau hồi sinh viên. Sau khi tốt nghiệp đại học, họ bị phân đi những vùng khác nhau ở Trung Quốc để đáp ứng yêu cầu của cách mạng, và mất liên lạc hoàn toàn trong suốt cơn ác mộng Cách Mạng Văn Hóa kéo dài hàng thập kỷ. Người phụ nữ, Tĩnh Di, đã chờ đợi và đi tìm người yêu suốt bốn mươi lăm năm. Trong cuộc tái ngộ lớp đại học này, họ gặp lại nhau lần đầu tiên, nhưng Tĩnh Di đã không thể ngã vào lòng người yêu bà được nữa: vợ Cố Đại đang đứng cạnh ông. Tình Di cố gắng mỉm cười, bắt tay và chào hỏi họ một cách nhã nhặn, nhưng rõ ràng là bà run lẩy bẩy, vì thế bà rời khỏi cuộc họp mặt sớm.

Những bạn học cũ khác chứng kiến cuộc gặp gỡ đau đớn đó thấy mắt mình đỏ lên và sống mũi cay cay vì thương cảm. Tĩnh Di và Cố Đại từng là một mối tình tuyệt đẹp trong lớp; mọi người đều biết họ yêu nhau sâu sắc suốt bốn năm đại học. Họ nhớ lại Cố Đại đã đi kiếm cho Tĩnh Di những quả táo gai tẩm đường giữa cơn bão tuyết ở Bắc Kinh, và cô đã thức suốt mười đêm để chăm sóc anh khi anh bị viêm phổi. Cha tôi buồn rầu khi kể lại chuyên đó, và thở dài trước định mệnh và sự trôi chảy của thời gian.

Tôi hỏi cha tôi cô Tĩnh Di đã lấy chồng chưa. Ông bảo tôi bà ấy vẫn chưa lấy chồng, mà chờ đợi người yêu suốt ngần ấy năm ròng. Vài người bạn cùng lớp bảo bà thật ngốc nghếch khi quá đắm đuối với mối tình quá khứ: làm sao một người lại có thể ấp ủ hy vọng như thế suốt ngần ấy năm biến động chính trị khốc liệt? Trước sự hoài nghi của họ, bà chỉ mỉm cười và tiếp tục im lặng. Tôi bảo cha tôi rằng bà giống như một bông sen, mọc lên từ bùn mà vẫn thanh khiết. Ngồi nghe bên cạnh, mẹ tôi nói chêm rằng sen thì tàn nhanh hơn bất kỳ một loài hoa nào khác một khi đã lìa cành. Tôi rất muốn biết cô Tĩnh Di đã “lìa cành” hay chưa.

Tôi tìm thấy tên cơ quan và địa chỉ của Tĩnh Di trong danh sách các bạn đại học của bố, nhưng không có điện thoại hay địa chỉ nhà riêng. Đơn vị của bà là một nhà máy quân sự dành cho các dự án thử nghiệm nằm sâu trong vùng núi, nơi điều kiện sống chỉ ở mức cơ bản và thu xếp phương tiện giao thông để tới đó cũng khá khó khăn. Tôi gọi điện đường dài tới nhà máy, nhưng được báo rằng bà vẫn còn ở Bắc Kinh chưa về. Người ta còn nhờ tôi hỏi lại để xác nhận xem bà đã rời Bắc Kinh chưa. Tôi đồng ý và cũng nhờ đồng nghiệp của bà cử người tới tìm bà. Vài tuần sau đó, tôi tìm hiểu thông qua các bạn bè đại học của Tĩnh Di xem bà có liên lạc với họ hoặc bạn bè người thân khác nào không, nhưng không thấy dấu vết nào của bà. Đơn vị của Tĩnh Di gọi báo cho tôi biết bà đã gọi điện từ Bắc Kinh để xin đi nghỉ, nhưng chưa gọi lại để xem đề nghị đã được chấp nhận chưa. Tôi thắc mắc liệu có phải bà đang ở với người yêu cũ Cố Đại không, nhưng khi tôi gọi cho ông ở một nhà máy quân sự quy mô lớn tại Giang Tô ở Đông Nam Trung Quốc thì ông chỉ có thể hỏi tôi một cách bất lực, “Chuyện gì đã xảy ra vậy, bà ấy đang ở đâu?”

Suốt mấy tuần, Tĩnh Di trở thành chủ đề của những cuộc điện thoại giữa tôi và gia đình. Chúng tôi vô cùng lo lắng, nhưng chẳng làm được gì cả. Bà đã biến mất đâu đó trên đất nước Trung Quốc này.

Một buổi tối, tôi nhận được cuộc gọi từ một thính giả xưng là nhân viên một khách sạn ở cạnh Thái Hồ ở Vô Tích. Cô kể với tôi về một người khách nữ kỳ quặc đang ở trong khách sạn. Người này không bao giờ rời khỏi phòng và cũng không cho phép nhân viên dọn dẹp vào. Khách sạn biết bà vẫn còn sống chỉ vì bà vẫn trả lời điện thoại. Cô gái có vẻ lo lắng, và hy vọng tôi có thể giúp người khách kỳ lạ nọ.

Sau buổi phát thanh, tôi gọi cho khách sạn đó và đề nghị tổng đài nối máy cho tôi với người phụ nữ ẩn dật. Bà trả lời điện thoại ngay, nhưng rõ ràng không sẵn sàng nói chuyện. Bà hỏi tôi làm cách nào mà lại biết được về bà. Khi tôi trả lời rằng nhiều người trong khách sạn đang lo lắng cho bà, bà nhờ tôi chuyển lời cảm ơn tới họ. Tôi ngạc nhiên rằng bà ta lại nhờ một người ở xa đến thế cảm ơn những người ở ngay cạnh mình. Theo kinh nghiệm của tôi, kiểu lảng tránh giao tiếp cá nhân này báo hiệu sự mất niềm tin vào cuộc đời. Bà nói bà chưa nghe chương trình của tôi bao giờ và cũng không có ý định nghe. Cuộc nói chuyện đầu tiên của chúng tôi ngắn ngủi, nhưng tôi kiên trì gọi cho bà sau chương trình mỗi tối, coi những cuộc gọi như là chiếc dây cứu đắm. Sau vài cuộc nói chuyện, một tín hiệu chấp nhận lọt vào giọng nói của bà, và thỉnh thoảng bà lại hỏi tôi về chính tôi chứ không chỉ lạnh lùng trả lời những câu hỏi của tôi nữa.

Hai tuần sau, bà không trả lời điện thoại của tôi nữa. Hốt hoảng, tôi ngay lập tức gọi cho nhân viên khách sạn nhờ họ gõ cửa phòng bà, và thở phào nhẹ nhõm khi họ bảo tôi rằng bà vẫn trả lời từ bên trong. Trong vài ngày tiếp theo bà không nhận cuộc gọi của tôi nữa, nhưng hàng ngày tôi vẫn biểu lộ sự quan tâm như cũ.

Một dịp tình cờ, không lâu sau đó tôi được cử đi công tác ở Vô Tích. Mặc dù chủ đề đưa tin của tôi là cuộc sống của công an giao thông ở Vô Tích, tôi vẫn có thể tận dụng cơ hội để tới thăm người phụ nữ xa lánh cuộc đời đó.

Tôi báo với giám đốc đài là sẽ lên đường đi Vô Tích ngay khi kết thúc chương trình buổi tối. Ông ta lấy làm khó hiểu: “Cô điên rồi sao? Nếu đi vội đi vàng lúc đêm khuya như thế cô sẽ không tới được Vô Tích trước lúc sáng bảnh đâu, và sẽ không có ai ở đó đón cô cả.” Kinh nghiệm đã dạy tôi rằng không nên giải thích nhiều làm gì.

Người lái xe được phân công đưa tôi đi công tác Vô Tích ghét phải lái xe vào lúc giao thông ken đặc ban ngày, và tỏ ra khá hài lòng khi tôi đề nghị anh ta chở tôi tới khách sạn bên bờ Thái Hồ vào ban đêm. Chúng tôi tới đó lúc bốn giờ sáng, nhân viên lễ tân đều đang ngủ gà ngủ gật và lờ đờ hết cả. Người lái xe, vốn hay sốt ruột, lớn tiếng quát nạt họ. “Dậy đi nào! Đây là Hân Nhiên. Cô ấy đã ngồi xe tới thẳng đây ngay sau khi kết thúc chương trình lúc nửa đêm, và phải bắt đầu bản tin của mình vào lúc tám giờ sáng đó. Các anh chị có thể làm quàng lên mấy cái thủ tục được không hả?”

“Gì cơ, Hân Nhiên? Hân Nhiên của chương trình Khinh Phong Dạ Thoại ư? Tôi vừa mới nghe chương trình của cô mấy giờ trước mà.”

“Đúng vậy, là cô ấy đấy. Cô ấy mệt rồi, giải quyết cho chúng tôi nhanh lên!”

“Cô là Hân Nhiên thật ư? Đúng rồi! Tôi đã thấy ảnh cô trên báo, được gặp cô ngoài đời vui quá. À, để tôi đi gọi các đồng nghiệp…” Cô nhân viên lễ tân nói trong khi hấp tấp đi ra.

“Đừng lo,” tôi vội ngăn cô ta lại. “Tôi còn ở đây vài ngày nữa. Đừng làm phiền các đồng nghiệp của cô đang nghỉ ngơi, tôi thực sự mệt lắm rồi.”

“Ồ, xin lỗi, xin lỗi. Tôi sẽ mở một phòng nhìn ra hồ cho cô ngay.” Cô lễ tân quay sang người lái xe. “Anh cũng sẽ được phục vụ y như vậy, đừng lo sẽ bị bỏ quên.”

“Cảm ơn cô vì đã không bực mình,” anh ta nói.

“Không sao mà, anh chỉ khẩu xà tâm phật thôi, đúng không? Mà với tôi thì mọi chuyện cứ vào tai này rồi lại ra tai kia ấy thôi.”

Khi cô lễ tân đưa tôi lên phòng, tôi hỏi cô có biết về người phụ nữ khác thường đang ở trong khách sạn không.

“Tôi nghe nói có một bà khách ở tòa nhà số bốn khá là kỳ quặc,” cô ta nói. “Bà ấy có lẽ đã ở đây được vài tuần rồi, nhưng tôi không chắc lắm. Ngày mai vào buổi họp giao ban, tôi sẽ hỏi trưởng nhóm hộ cô”.

“Cảm ơn cô, tôi đang trút lên cô một đống rắc rối đấy.”

“Ồ, không, cô là người đã nhận lấy nhiều rắc rối vì bao nhiêu thính giả, nhưng có bao nhiêu người trong số chúng tôi có thể nói lời cảm ơn với riêng cô?”

Người Trung Quốc nói rằng bàn tay của người đàn ông và lời nói của người phụ nữ là hai thứ đáng sợ, nhưng có vẻ như tôi đang được nếm trải khía cạnh dịu dàng trong lời nói của người phụ nữ này.

Khi đã ở trong phòng tôi quyết định không ngủ ngay mà đi tắm qua rồi lên kế hoạch cho buổi phỏng vấn ngày mai. Tôi vừa cởi đồ thì chuông điện thoại reo.

“A lô, cô Hân Nhiên phải không? Tôi là người trực tổng đài của khách sạn. Cô lễ tân ở tòa nhà chính báo với tôi rằng cô vừa tới. Tôi xin lỗi đã quấy quả cô, nhưng tôi nghe nói cô đang hỏi về một vị khách đặc biệt. Bà ấy đã gọi cho tôi tối nay, không lâu lắm sau khi chương trình của cô phát sóng, và hỏi tôi có nghe không. Tôi bảo với bà ấy là tôi có, và hỏi xem bà ấy cần gì không, nhưng bà ấy cúp máy luôn. Từ phòng trực của tôi có thể nhìn thấy phòng của bà ấy; tuần này tôi trực ca đêm và tôi nhìn thấy bà ấy ngồi cạnh cửa sổ nhìn ra hồ suốt đêm. Có lẽ bà ấy đã ngủ cả ngày nhỉ?”

“Xin lỗi, tôi cắt ngang một chút được không? Tôi có thể hỏi là cô có nhìn thấy bà ấy lúc này không? Bà ấy vẫn đang nhìn ra hồ chứ?”

“Ờ… Tôi đang nhìn đây. Vâng, bà ấy vẫn ở đó… Tôi có thể thấy bà ấy rất rõ… hình như bà ấy chẳng bao giờ buông rèm xuống cả.”

“Cảm ơn cô rất nhiều. Tôi có thể hỏi số phòng của bà ấy là bao nhiêu không?”

“Bà ấy ở… ở phòng 4209, tầng hai tòa nhà số bốn.”

“Cảm ơn cô. Tôi có thể làm gì cho cô không nhỉ?”

“Không, không… À, cô cho tôi xin chữ ký được không?”

“Được chứ, có lẽ ngày mai tôi sẽ thu xếp thời gian để tới thăm cô, thế nhé?”

“Thật sao? Thế thì tuyệt quá! Chào cô.”

“Chào cô.” Vừa nói tôi vừa mặc quần áo trở lại, quyết định tới thăm người khách nữ đó ngay lập tức, vì thời gian rất quý giá.

Đứng trước cửa phòng bà ta, tôi bỗng thấy luống cuống, và do dự mất vài phút trước khi gõ cửa và gọi, “Xin chào, tôi là Hân Nhiên đây. Tôi tới đây từ đầu bên kia của cuộc điện thoại. Bà làm ơn mở cửa cho tôi với.”

Không có tiếng đáp lại và cánh cửa vẫn đóng im ỉm. Tôi không gõ hay gọi lần nữa mà đứng chờ, đoán chắc rằng bà ta đã nghe thấy tiếng mình trong tĩnh lặng của buổi sớm. Tôi chắc rằng bà ta đang đứng ngay sát cánh cửa và chúng tôi có thể cảm thấy sự hiện diện của nhau. Chừng mười phút sau, giọng bà vọng qua cửa.

“Hân Nhiên, cô còn đó không?”

“Có, tôi đang chờ bà mở cửa,” tôi trả lời nhẹ nhàng nhưng chắc nịch.

Cánh cửa khẽ mở, và một người phụ nữ lo lắng, trông có vẻ kiệt quệ gật đầu ra hiệu bảo tôi vào. Căn phòng gọn gàng ngăn nắp và dấu hiệu duy nhất cho thấy có người ở là chiếc túi du lịch to để cạnh tường. Tôi nhẹ cả người khi thấy những gói mì ăn liền trong đó – ít ra thì bà ấy cũng không tuyệt thực.

Tôi ngồi xuống gần bà, nhưng vẫn im lặng, nghĩ rằng nói gì cũng sẽ bị cự lại. Tôi định chờ bà nói, nhưng cho tới khi bà sẵn sàng làm vậy tôi sẽ cố tạo ra một bầu không khí khơi gợi tâm sự. Chúng tôi ngồi đó lắng nghe tiếng nước vỗ nhè nhẹ vào bờ, và những ý nghĩ của tôi lang thang ra hồ và vùng xung quanh.

Thái Hồ là hồ nước ngọt lớn thứ ba ở Trung Quốc, nằm ở phía Đông tỉnh Giang Tô và phía Bắc tỉnh Chiết Giang. Đây là địa điểm đẹp có tiếng ở đồng bằng sông Dương Tử. Quanh hồ có những vườn hoa có nhiều ao và suối. Thái Hồ cũng nổi tiếng với loại trà Bích Loa Xuân được sản xuất tại đây. Truyền thuyết kể rằng có một người con gái xinh đẹp tên Bích Loa đã dùng máu của chính mình tưới lên cây non và pha trà cho người yêu đang lâm bệnh nặng bằng những chiếc lá mềm mại của nó. Cô làm vậy hết ngày này qua ngày khác cho tới khi chàng trai trẻ cuối cùng cũng bình phục, nhưng chính Bích Loa lại lâm bệnh và qua đời. Tôi ngẫm nghĩ về câu chuyện đó và những câu chuyện tình yêu bi kịch khác trong giai điệu êm ái của tiếng nước vỗ trong khi im lặng ngồi bên cạnh người phụ nữ. Dù chiếc đèn ngủ vẫn bật, ánh sáng của nó không còn rõ rệt nữa trong ánh bình minh. Ánh sáng buổi sớm dần dần truyền vào sự im lặng của chúng tôi một tính chất mới.

Chuông điện thoại phá vỡ sự đồng cảm của chúng tôi. Cuộc điện thoại là của tôi. Đã bảy giờ kém mười lăm và người lái xe phải đưa tôi tới Vô Tích cho cuộc hẹn với Phòng Tuyên Truyền Công An Giao Thông vào lúc 8 giờ 30.

Tôi bắt tay từ biệt người phụ nữ nhưng không nói gì nhiều, chỉ nói: “Hãy ăn thêm một chút coi như cho cả tôi nữa, và hãy nghỉ ngơi nhé.”

Trên đường tới Vô Tích tôi ngủ gật trên băng ghế sau. Người lái xe tốt bụng không đánh thức tôi khi tới nơi hẹn, mà đỗ lại và tự đi tìm những người ở Phòng Tuyên Truyền Công An Giao Thông Vô Tích. Chưa ai tới cả, vì vậy tôi được ngủ thêm một giờ nữa mà không bị quấy rầy. Khi tôi thức dậy, tôi thấy những người tôi phải gặp đang đứng bên ngoài xe nói chuyện trong khi chờ tôi. Một anh công an giao thông trêu tôi, “Hân Nhiên, nếu đi tới đâu mà cô cũng ngủ như thế thì sẽ béo lắm đấy.”

Ngày mở ra với nhịp điệu chóng mặt quen thuộc đối với một nhà báo: tôi thu thập tư liệu từ vài nơi khác nhau, và thảo luận về nội dung của phóng sự tôi đang thực hiện. May thay, thời gian đi xe cũng khá nhiều, thế nên tôi cũng tranh thủ được vài lần chợp mắt.

Khi trở về khách sạn vào buổi tối, tôi thấy trên giường có một danh sách các nhân viên khách sạn muốn xin chữ ký. Tôi bỏ nó sang một bên, đi tắm, và tới thăm người phụ nữ ở phòng 4209 lần nữa. Mặc dù bà ta không muốn nói gì, tôi nghĩ rằng ngồi bên cạnh bà cũng giúp được gì đó. Bà hẳn đã đứng bên cạnh cánh cửa chờ tôi, vì cửa được mở ra ngay khi tôi dừng lại trước nó.

Người phụ nữ gượng mỉm cười với tôi, nhưng vẫn im lặng. Một lần nữa, chúng tôi ngồi trước cửa sổ, nhìn ra hồ dưới ánh trăng. Mặt hồ tĩnh lặng, và chúng tôi bầu bạn với nhau trong bầu không khí thanh bình ấy.

Rạng sáng, tôi ra hiệu rằng mình phải đi làm, và bà bắt tay tôi yếu ớt, nhưng với cảm xúc mãnh liệt. Tôi về phòng, hối hả lật giở mấy cái ghi chú chuẩn bị trước mà tôi phải mang theo và viết lời cảm ơn người trực tổng đài điện thoại. Tôi đã quen mang theo danh thiếp theo để ký tặng các thính giả nhiệt tình mà tôi tình cờ gặp. Tôi ký vào một vài tấm danh thiếp tặng cho các nhân viên khách sạn và đưa cho người phục vụ tầng tôi ở.

Chuyến đi ngắn ngủi của tôi diễn ra với một lịch trình đều đặn: ban ngày phỏng vấn ở Vô Tích, ban đêm thì ngồi im lặng bên cạnh người phụ nữ đó, nhìn ra Thái Hồ. Sự im lặng của chúng tôi có vẻ như càng lúc càng sâu hơn và khiến chúng tôi càng nhiều cảm xúc hơn vào ban ngày.

Vào buổi tối cuối cùng, tôi nói với người phụ nữ đó rằng hôm sau tôi sẽ đi, nhưng sẽ gọi điện cho bà. Bà không nói gì, mỉm cười mệt mỏi và bắt tay tôi yếu ớt. Bà đưa cho tôi một tấm ảnh đã bị xé mất một nửa, tấm ảnh chụp một người trông giống như bà khi còn là sinh viên vào những năm 1940. Cô gái trong ảnh trông rực rỡ đầy tuổi trẻ và hạnh phúc. Đằng sau tấm ảnh là một phần của một câu nét mực đã mờ: Nước không thể… Một câu khác bằng thứ mực đậm hơn có vẻ như đã thêm vào gần đây: Đàn bà giống như nước, đàn ông giống như núi. Tôi đoán rằng người trong nửa ảnh bị xé kia hẳn đã gây nên nỗi đau cho người phụ nữ này.

Tôi rời khỏi khách sạn bên bờ Thái Hồ, nhưng không có cảm giác là mình đã rời đi. Trở về Nam Kinh, tôi đi thẳng tới thăm bố mẹ để biếu họ vài món đặc sản của Vô Tích – tượng đất sét và món sườn ít đạm. Khi người lái xe mở cánh cửa ra cho tôi, anh ta nói, “Hân Nhiên, nếu cô đi chuyến nào như thế này nữa thì đừng tới tìm tôi nhé. Tôi ở trên xe buồn đến chết mất: cô chỉ muốn ngủ thôi. Nhờ có cô mà tôi chẳng có ma nào để nói chuyện nữa!”

Khi tôi đến thì trời đã về khuya và bố mẹ tôi đã đi ngủ. Tôi quyết định lẻn vào phòng dành cho khách và gặp họ vào sáng hôm sau. Mẹ tôi gọi vọng ra trong phòng ngủ, “Mọi chuyện ổn chứ con?” và tiếng ngáy như sấm của bố tôi mách cho tôi biết rằng với họ mọi chuyện đều ổn.

Ngày hôm sau, mới sớm tinh mơ cha tôi, vốn là người hay dậy sớm, đã đánh thức tôi bằng cơn hắt hơi không nín được. Sáng nào ông cũng vậy – có lần tôi đếm được đúng hai mươi tư cái hắt hơi suốt một tràng liền. Đang lơ mơ và mệt đến kiệt sức, tôi ngủ tiếp, nhưng được một chốc lại bị đánh thức bởi tiếng gõ cửa ầm ĩ, và cha tôi gọi, “Dậy đi, nhanh lên, có việc gấp!”

Chuyện gì vậy? Chuyện gì xảy ra vậy? Tôi bồn chồn vì căn nhà hưu trí của cha mẹ tôi vốn dĩ rất thanh tĩnh.

Cha tôi đứng ngoài phòng ngủ, cầm tấm ảnh bị xé trên tay. Tôi đã để tấm ảnh trên bàn phòng khách tối hôm trước. Ông xúc động hỏi tôi, “Con lấy tấm ảnh này ở đâu ra vậy? Đây chính là bà ấy!”

“Sao cơ? Nghĩa là sao ạ?”

“Đây là Tĩnh Di, bạn học của bố. Cái cô đã đợi người yêu suốt bốn mươi lăm năm ấy!” Cha tôi đầy vẻ coi thường sự chậm hiểu của tôi.

“Thật sao? Bố có chắc là đúng người không? Nhỡ đâu bố già rồi nên mắt kèm nhèm thì sao? Đã bốn mươi lăm năm rồi, và đây lại là một tấm ảnh cũ.” Tôi hầu như không dám tin ông.

“Bố không thể nhầm được. Bà ấy trước là hoa khôi của lớp mà, lũ con trai đứa nào cũng thích bà ấy và nhiều người theo đuổi bà ấy.”

“Cả bố nữa à?”

“Suỵt! Nói nhỏ thôi. Mẹ mà nghe thấy thì lại nghĩ linh tinh đấy. Nói thực với con, bố cũng có thích Tĩnh Di, nhưng bố không thuộc nhóm của bà ấy,” cha tôi nói, trông mặt có vẻ thẹn.

“Không ở trong nhóm của bà ấy? Không thể thế được! Bố vẫn luôn khoe hồi trẻ bố có giá lắm cơ mà!” Tôi bỡn cợt ông trong khi lại đóng gói đồ đạc.

“Sao con đi sớm thế?” Cha tôi nhìn tôi và hỏi.

“Con sẽ trở lại Vô Tích ngay. Con đã mất bao công sức tìm kiếm cô Tĩnh Di, và bây giờ con tình cờ gặp đúng cô ấy.”

Cha tôi rầu rĩ đáp, “Biết vậy bố đã không đánh thức con dậy rồi.”

Một trong các lãnh đạo đài phát thanh sống gần nhà cha mẹ tôi nên tôi vội chạy tới nhà ông ta xin phép nghỉ gấp. Tôi nói dối rằng một người bà con tới chơi, và tôi phải dẫn bà ấy đi thăm thú vài ngày. Tôi ghét phải nói dối vì tôi tin nó sẽ làm người ta tổn thọ, nhưng tôi còn sợ ông giám đốc nọ biết sự thật hơn. Được ông ta cho phép, tôi gọi điện cho phát thanh viên phụ trong chương trình của tôi để nhờ cô ấy đảm đương thay tôi trong một vài ngày tới.

Tôi nhỡ chuyến tàu trưa đi Vô Tích và phải chờ đến tối, đầu quay cuồng với những câu hỏi về cô Tĩnh Di, cáu kỉnh và sốt ruột. Thời gian dường như kéo dài lê thê.

Vào khoảng thời gian phát sóng chương trình của tôi theo thường lệ, chừng mười giờ tối, tôi quay trở lại khách sạn bên bờ Thái Hồ. Cô lễ tân nhận ra tôi và hỏi, “Ôi, cô vẫn chưa đi sao?”

“Không, đúng vậy,” tôi nói, không muốn mất thời gian giải thích.

Đứng trước cửa phòng số 4209, những câu hỏi tràn ngập trong tâm trí tôi đột nhiên biến mất, và tôi lại thấy ngại ngần. Tôi giơ tay ra rồi lại hạ xuống hai lần trước khi rốt cuộc cũng gõ cửa.

“Cô Tĩnh Di, cháu là Hân Nhiên đây,” tôi gọi to. Tôi cảm thấy muốn khóc; tôi đã ngồi bên bà bao đêm mà không biết một điều gì. Tôi hình dung bà đã ngồi trong im lặng suốt bốn mươi lăm năm mà ngực thắt lại.

Trước khi tôi kịp trấn tĩnh lại thì cánh cửa đã mở ra. Bà đứng đó ngạc nhiên và hỏi, “Chẳng phải cô đã đi rồi sao? Sao cô biết tên tôi?”

Tôi kéo bà ra ngồi bên cửa sổ, nhưng lần này tôi không im lặng nữa. Tôi nhẹ nhàng kể với bà những gì tôi biết về bà từ cha tôi. Cô Tĩnh Di bật khóc khi nghe tôi kể, và cứ để mặc nước mắt tuôn rơi. Những câu hỏi dâng lên khiến tôi cảm thấy nghẹt thở, nhưng tôi chỉ hỏi được mỗi một câu: “Giờ cô có nghĩ tới ông Cố Đại nửa không?”

Tới đây, bà ngất xỉu. Tôi sợ quá liền gọi tổng đài nhờ gọi xe cấp cứu. Người trực tổng đài ngần ngại. “Cô Hân Nhiên, giờ đang là nửa đêm…”

“Người ta không phân biệt ngày hay đêm khi đang sắp chết đâu. Cô có nỡ nhìn thấy người phụ nữ này chết trước mắt cô không?” Tôi kích động hỏi.

“Được rồi, đừng lo. Tôi gọi ngay đây.”

Người trực tổng đài làm việc rất hiệu quả. Một loáng sau tôi đã nghe thấy ai đó trong tòa nhà gọi to, “Hân Nhiên đâu?”

Tôi đáp nhanh, “Tôi đây!”

Khi người lái xe cấp cứu nhìn thấy tôi, anh ta kinh ngạc. “Cô là Hân Nhiên à? Nhưng cô hoàn toàn bình thường mà!”

“Tôi không sao.” Tôi bối rối nhưng đoán rằng người trực tổng đài đã sử dụng tiếng tăm của tôi để gọi xe cấp cứu tới.

Tôi đi theo xe cùng Tĩnh Di tới một bệnh viện của quân đội. Các nhân viên y tế không cho phép tôi vào khi họ khám cho bà, vì thế tôi chỉ có thể nhìn bà qua ô cửa bé tin hin trên cánh cửa phòng cấp cứu. Bà nằm bất động giữa màu trắng xóa của căn phòng, và tôi càng lúc càng lo lắng khi nghĩ tới khả năng xấu nhất. Tôi không thể ngăn mình nức nở kêu lên, “Cô Tĩnh Di, tỉnh dậy đi nào!”

Một ông bác sĩ vỗ vào vai tôi. “Cô Hân Nhiên, đừng lo, bà ấy ổn rồi. Bà ấy chỉ yếu thôi. Hình như bà ấy bị suy sụp ghê gớm lắm, nhưng kiểm tra các chức năng sống cho thấy không có gì tệ quá đâu. Ở tuổi bà ấy mà còn được thế là tốt đấy. Bà ấy sẽ khỏe lại khi ăn uống đủ chất hơn”.

Sau khi nghe những lời chẩn đoán đó, tôi bắt đầu bình tĩnh hơn, dù vẫn cảm nhận được một cách sâu sắc nỗi đau khổ của Tĩnh Di. Tôi thì thầm một cách bất lực với ông bác sĩ, “Bà ấy hẳn đã phải chịu đựng nhiều lắm. Tôi không biết làm thế nào mà bà ấy vượt qua được hơn mười lăm nghìn đêm như thế…”

Ông bác sĩ cho phép tôi nghỉ lại phòng trực. Đầu quay cuồng với những ý nghĩ bất chợt, tôi chìm vào một giấc ngủ mệt mỏi. Tôi mơ thấy những người phụ nữ khóc và vật lộn, và thức giấc mà không tươi tỉnh hơn chút nào.

Ngày hôm sau tôi tới thăm bà Tĩnh Di bốn hay năm lần gì đó, nhưng bà vẫn ngủ. Bác sĩ nói bà ấy sẽ ngủ trong vài ngày nữa, vì bà ấy kiệt sức lắm rồi. Tôi đặt một chiếc giường tập thể trong nhà khách của bệnh viện. Tôi không mang đủ tiền để thuê phòng riêng – mặt khác tôi hầu như không sử dụng tới nó. Không muốn bà Tĩnh Di phải ở một mình, tôi thức bên bà suốt đêm, chỉ nghỉ ngơi một chút vào ban ngày. Vài ngày trôi qua bà vẫn bất tỉnh, chỉ một chút giật giật ở mí mắt là dấu hiệu cử động duy nhất.

Vào lúc nhá nhem tối ngày thứ năm, bà Tĩnh Di cuối cùng cũng tỉnh lại. Có vẻ như bà không nhận ra mình đang ở đâu, và cố vật lộn để nói. Tôi đặt một ngón tay lên môi bà và nhẹ nhàng kể cho bà nghe chuyện gì đã xảy ra. Trong khi lắng nghe, bà vươn tay ra nắm lấy tay tôi tỏ vẻ biết ơn, và cố nói được những lời đầu tiên: “Cha cô vẫn khỏe chứ?”

Con đập vỡ tràn, và câu chuyện của bà Tinh Di tuôn chảy khi bà nằm trên chiếc gối bệnh viện màu trắng tối đó. Bà kể cho tôi nghe câu chuyện của mình bằng giọng đều đều.

Năm 1946, bà Tĩnh Di đỗ kỳ thi vào Đại Học Thanh Hoa. Ngày nhập trường, bà gặp ông Cố Đại lần đầu tiên. Trong số các sinh viên, Cố Đại không có gì nổi trội về hình thức cũng như không có thành tích xuất sắc nào cả. Khi Tĩnh Di gặp ông lần đầu, ông chỉ lặng lẽ giúp những người khác khuân hành lý, và trông giống người khuân vác ở trường đại học. Tĩnh Di và Cố Đại được xếp học cùng lớp, trong đó nhiều thanh niên bắt đầu theo đuổi Tĩnh Di vì bà xinh đẹp và dịu dàng. Không giống họ, Cố Đại thường ngồi một mình một góc trong lớp hay sâu trong vườn hoa của trường để đọc sách. Ngoài việc thấy ông là một con mọt sách ra, Tĩnh Di không chú ý đến ông lắm.

Tĩnh Di hồi ấy một cô gái vui vẻ, và thường đề xướng những hoạt động sôi nổi mà các bạn trong lớp cô rất thích. Một ngày mùa đông quang đãng sau đợt tuyết rơi dày đặc, các sinh viên phấn khích muốn đi ra ngoài để nặn một chú người tuyết. Tĩnh Di đề nghị làm hai người tuyết, dùng quả táo gai tẩm đường làm mũi cho chúng. Họ phân làm các nhóm nam và nhóm nữ, rồi lần lượt bịt mắt hôn hai người tuyết. Người nào may mắn sẽ hôn trúng và được ăn quả táo tẩm đường còn những người khác thì phải ngậm một mồm đầy tuyết.

Vào lúc đó, các phương tiện giao thông công cộng và xe đạp chưa phổ biến lắm. Cách duy nhất để có táo tẩm đường cho trò chơi đó là đi bộ vài giờ trong tuyết tới tận khu trung tâm của Bắc Kinh – hồi đó được gọi là Bắc Bình. Các sinh viên nam thường ngày vốn tranh giành nhau để được Tĩnh Di chú ý không ai dám đảm nhận việc đó, một số còn lặng lẽ lẩn về phòng ký túc xá. Tĩnh Di thất vọng khi thấy họ chẳng có chút khiếu vui vẻ nào, nhưng cũng không nài ép thêm để đề nghị của mình được thực hiện.

Ngày hôm sau, tuyết rơi dày hơn, phủ trắng xóa mặt đất một lớp dày và hầu hết sinh viên đều dành thời gian để đọc sách trong phòng học. Tới khoảng giữa buổi học tối, dưới ánh sáng lờ mờ của những ngọn đèn bàn, một người con trai người phủ đầy tuyết bước vào. Anh đi tới bên Tĩnh Di, hơi loay hoay một chút, lôi hai thanh kẹo táo tẩm đường Bắc Bình từ trong túi ra. Chúng đã đông thành tảng. Trước khi mọi người kịp xem anh chàng bị đóng băng đó là ai, anh ta đã quay người ra khỏi phòng.

Tĩnh Di lúc đó đang sửng sốt đã nhận ra người đó chính là Cố Đại. Trong khi các bạn vui vẻ tán gẫu xem ngày mai sẽ chơi trò chơi của cô như thế nào, Tĩnh Di đứng ngây người ra, tâm trạng rối bời, hết nhìn vào hai thanh kẹo lại nhìn ra tuyết rơi ngoài trời, hình dung cảnh Cố Đại đã phải đi bộ trong trời tuyết rơi như thế.

Ngày hôm sau, Cố Đại không tham gia vào trò chơi. Các bạn cùng phòng nói rằng anh ngủ li bì, cứ như bị uống phải bùa mê thuốc lú vậy. Tĩnh Di lo rằng anh đã bị ốm vì kiệt sức. Nhưng vào buổi học tối hôm đó, cô thở phào khi thấy anh xuất hiện và ngồi trong góc của mình đọc sách như trước. Cuối buổi học, Tĩnh Di dừng lại trên đường đi ra ngoài để cảm ơn anh. Cố Đại mỉm cười bẽn lẽn và nói, “Có gì đâu. Tớ là con trai mà.”

Câu trả lời không chút màu mè của Cố Đại khiến Tĩnh Di cảm động. Đó là lần đầu tiên cô được cảm nhận sự rắn rỏi và mạnh mẽ của người đàn ông; cô bắt đầu thấy mình như một nhân vật nữ trong sách, và cứ thế thao thức suốt đêm.

Tĩnh Di bắt đầu quan sát Cố Đại kỹ hơn. Tính ít nói của anh khiến cô phải phỏng đoán đủ kiểu, và cô nghĩ về hành động của anh mãi không thôi. Ngoại trừ lần mang cho cô hai thanh kẹo táo tẩm đường, Cố Đại có vẻ chẳng để ý đến cô chút nào, khá là khác so với những chàng trai khác đang hăm hở theo đuổi cô. Cô bắt đầu mong đợi anh chú ý tới mình một chút, và tìm cớ bắt chuyện với anh. Anh trả lời một cách thụ động, không hề tỏ ra chú ý đặc biệt trong cả lời nói lẫn cách hành xử. Sự dè dặt của Cố Đại không những không dập tắt được hy vọng của Tĩnh Di mà còn thúc đẩy cô hơn nữa.

Việc Tĩnh Di thích Cố Đại khiến nhiều ứng cử viên theo đuổi cô bực tức. Họ chế giễu Cố Đại vì cách xử sự cứng như gỗ của anh, bảo anh là đũa mốc mà chòi mâm son, và kết tội anh đùa cợt với tình cảm của Tĩnh Di. Không một lời bình phẩm nào được nói ra trước mặt Tĩnh Di, nhưng một người bạn gái cùng lớp sau này kể lại với cô như vậy, bảo rằng “Cố Đại hẳn phải là gỗ đá”. Anh ta chỉ đáp rằng: “Chỉ người trong cuộc mới hiểu đâu là đúng đâu là sai”.

Tĩnh Di hâm mộ sự điềm tĩnh của Cố Đại trước những lời chế nhạo của bạn cùng lớp, nghĩ rằng điều đó thể hiện phẩm chất của một người đàn ông đích thực. Đồng thời, cô không khỏi bực mình khi Cố Đại cứ lãnh đạm với cô quá lâu như vậy.

Sát kỳ thi cuối kỳ, Cố Đại không đi học hai ngày liền; các bạn cùng phòng ký túc với anh bảo rằng anh đang ngủ. Tĩnh Di không tin anh chỉ đơn giản là đang ngủ, nhưng cô không được phép sang thăm anh vì có quy định ngăn cách giới tính nghiêm ngặt. Tuy vậy, vào ngày thứ ba, cô lén ra khỏi lớp học trong khi những người khác đang chăm chú ôn bài, và đi tới phòng ký túc của Cố Đại. Cô nhẹ nhàng đẩy cửa, thấy Cố Đại nằm ngủ. Mặt anh đỏ phừng phừng. Khi cô nhẹ nhàng nhấc bàn tay anh lên để cho vào trong chăn, cô thấy nó nóng giãy. Dù đó là thời kỳ mà sự đụng chạm thân thể giữa những người không phải là vợ chồng hãy còn bị cấm, cô vẫn không ngần ngại sờ lên trán và mặt Cố Đại. Chúng cũng nóng ran. Tĩnh Di gọi to tên anh, nhưng không thấy Cố Đại đáp lời.

Tĩnh Di chạy về phòng học, gọi người giúp. Mọi người giật mình trước sự hoảng hốt của cô và nhanh chóng túa ra các ngả đi tìm một giảng viên hay bác sĩ. Về sau, vị bác sĩ đó nói rằng may mà Cố Đại được phát hiện kịp thời: thêm nửa ngày không được chữa trị thuốc men thì có lẽ anh đã chết vì viêm phổi cấp. Lúc đó, khu trường xá của trường Thanh Hoa không có thiết bị y tế gì. Bác sĩ kê chừng khoảng mười đến hai mươi loại thảo dược, và nói rằng tốt nhất là nên có người nhà đến chăm sóc cho Cố Đại, chườm khăn lạnh và chà đá lạnh lên tay chân anh.

Cố Đại chưa bao giờ nhắc đến người thân hay bạn bè nào ở Bắc Bình. Gia đình anh ở tận miền Nam, nhưng lúc đó đường xe lửa lại bị chặn, nên không có cách nào để liên lạc với gia đình anh cả. Mà dù thế nào, họ cũng sẽ không thể đến kịp để chăm sóc anh qua giai đoạn nguy kịch. Khi sắp sửa ra về, vị bác sĩ nhận ra mình đang gặp phải một tình thế khó xử: ông không chắc là Cố Đại sẽ sống được dưới sự chăm sóc của những thanh niên trẻ thiếu kinh nghiệm này. Trong khi các sinh viên sốt sắng thảo luận, Tĩnh Di đi tới chỗ vị bác sĩ nói khẽ, “Cháu sẽ chăm sóc anh ấy. Cố Đại là chồng chưa cưới của cháu.”

Thầy trưởng khoa là người tốt bụng. Ông đã thu xếp cho các nam sinh cùng phòng với Cố Đại sang phòng khác để Cố Đại có thể nghỉ ngơi yên tĩnh và Tĩnh Di có thể ở bên cạnh anh. Cô bị nghiêm cấm không được ngủ lại trong phòng ký túc đó.

Suốt mười ngày, Tĩnh Di đặt khăn lạnh lên trán Cố Đại, rửa ráy và bón cho anh ăn, rồi sắc thuốc cho anh uống. Đèn sáng suốt đêm trong phòng của Cố Đại, mùi thuốc bắc lan tỏa trong không khí cùng giọng hát yếu ớt của Tĩnh Di. Cô hát những bài hát phương Nam, hết bài này tới bài khác, nghĩ rằng sẽ giúp Cố Đại tỉnh lại được bằng những giai điệu của quê hương. Các bạn cùng lớp, đặc biệt là đám con trai, thở dài mỗi khi nghĩ đến cô nàng Tĩnh Di yếu ớt đang chăm sóc Cố Đại không biết mệt mỏi.

Nhờ sự chăm sóc cực nhọc của Tĩnh Di, Cố Đại đã khỏe lại. Bác sĩ bảo anh đã xuống địa ngục rồi lại vòng trở về.

Tình yêu của họ gắn bó như keo sơn – không ai có thể đố ky sau những hy sinh của họ dành cho nhau. Tuy vậy, một số người vẫn nói riêng với nhau rằng Tĩnh Di yêu Cố Đại giống như hoa nhài cắm bãi cứt trâu.

Suốt bốn năm tiếp theo ở trường đại học, Tĩnh Di và Cố Đại giúp đỡ nhau trong học hành cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi ngày qua đi là một minh chứng về tình yêu của họ – tình yêu đầu của cả hai, thắm thiết không chút thay đổi. Trung thành với lý tưởng, họ cùng nhau gia nhập Tổ Chức Đảng Cộng Sản bí mật và mơ ước về một kỷ nguyên mới và một cuộc sống mới, tưởng tượng về những đứa con họ sẽ có với nhau, và nói về lễ kỷ niệm đám cưới vàng của họ.

Khi họ tốt nghiệp cũng là lúc nước Trung Hoa mới thành lập, và vị thế chính trị mới được tiết lộ của họ đã khiến họ rất được nể trọng trong xã hội. Họ được mời tới những cuộc phỏng vấn riêng của quân đội. Họ đều học chế tạo máy, và Tổ Quốc mới ở thuở khai sinh, cần tri thức của họ cho công tác quốc phòng. Đó là thời kỳ mọi thứ đều rất nghiêm túc: người ta đảm nhận mọi việc với ý thức đó là nhiệm vụ, và mọi chuyện xảy ra rất nhanh chóng. Kinh nghiệm của Tĩnh Di và Cố Đại ở tổ chức Đảng bí mật đã dạy họ rằng họ có nhiệm vụ phải nhận mọi sứ mệnh và thực hiện nó tới cùng. Mọi chuyện, kể cả chia ly, đều phải chấp nhận vô điều kiện.

Tĩnh Di được cử đến một căn cứ quân sự ở Tây Bắc còn Cố Đại tới một đơn vị ở Mãn Châu. Trước khi chia tay, họ dự định sẽ tái hợp ở vườn hoa Đại Học Thanh Hoa, nơi họ có thể kể cho nhau nghe về thành tựu của mỗi người, rồi họ sẽ tới trung tâm Bắc Kinh để mua vài xâu táo tẩm đường. Sau đó, họ sẽ xin phép Đảng cho kết hôn, rồi về quê Cố Đại bên bờ Thái Hồ ở miền Nam, định cư ở đó để dựng nên một gia đình. Lời hứa này Tĩnh Di đã khắc sâu vào trong tâm khảm.

Trái với mọi mong đợi, họ bị giữ lại đơn vị cả năm tiếp theo, cho tới khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Năm thứ ba sau khi chia tay, Tĩnh Di lại bị tạm chuyển đến một đơn vị nghiên cứu và phát triển quân sự đặc biệt ở bình nguyên miền Trung, không được phép gặp gõ bạn bè hay gia đình. Tới năm thứ tư xa nhau, Cố Đại bị thuyên chuyển đến một căn cứ không quân ở miền Đông. Những địa chỉ luôn thay đổi trong hộp đựng thư tình của Tĩnh Di cũng đủ chứng tỏ Tĩnh Di và Cố Đại là những con người cần thiết đến thế nào cho yêu cầu cấp bách của đất nước Trung Hoa mới và nền công nghiệp quân sự của nó.

Sự miễn cưỡng của họ khi phải xa nhau thể hiện rõ trong những lá thư, càng ngày họ càng khó sắp xếp một cuộc gặp mặt. Nghĩa vụ với Đảng đã gây ra vô số lần trì hoãn những cuộc gặp mặt theo dự định, và thường khiến việc trao đổi thư từ của họ bị đứt quãng. Trong tình hình hỗn loạn của các phong trào chính trị vào cuối những năm 50, Tĩnh Di bị thẩm vấn vì thành phần gia đình, và bị đưa tới Thiểm Tây để rèn luyện và cải tạo. Vào lúc đó, thậm chí nhiệm vụ quan trọng là xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia cũng bị xem là thứ yếu so với cuộc đấu tranh giai cấp. Tĩnh Di mất hết tự do cá nhân và không thể nào liên lạc hay đi lại theo ý muốn của mình. Cô gần như để mất người thương, song những người nông dân có nhiệm vụ giám sát việc cải tạo đã từ chối giúp cô. Họ không thể làm trái mệnh lệnh của Mao Chủ Tịch mà cho phép Tĩnh Di đi: cô có thể trở thành điệp viên hoặc liên hệ với những phần tử phản cách mạng. Sau này, một cán bộ tử tế đã gợi ý cho cô cách trốn ra ngoài: Tĩnh Di có thể thay đổi vị thế của mình và có được tự do bằng cách lấy một anh nông dân. Vẫn còn quá yêu Cố Đại, Tĩnh Di cảm thấy ý nghĩ đó thật khó chấp nhận nổi.

Tĩnh Di phải lao động chín năm trời trong ngôi làng ở tỉnh Thiểm Tây đó. Bờ sông vừa là đường giao thông vừa là nơi hội họp không chính thức của mọi người, nơi người ta trao đổi những chuyện thị phi và tin tức ngoài mặt trận. Tĩnh Di coi dòng nước là cách thức duy nhất để có thể liên lạc với Cố Đại. Hầu như đêm nào cô cũng ngồi bên bờ sông lặng lẽ thể hiện nỗi khao khát hướng tới anh, mong dòng nước chảy xiết kia sẽ đưa những tình cảm của mình tới chỗ người yêu. Nhưng dòng sông chẳng mang lại cho Tinh Di tin tức gì về thế giới bên ngoài.

Năm tháng trôi qua, dân làng dần dần quên mất Tĩnh Di có gì đặc biệt; bà dần dần giống với một phụ nữ nông dân điển hình. Bà chỉ khác họ ở một điểm: bà là người phụ nữ duy nhất ở độ tuổi đó mà chưa lấy chồng.

Cuối thập kỷ sáu mươi, một quan chức địa phương xuống làng gặp Tĩnh Di để đưa cho bà lệnh của chính quyền yêu cầu bà chuẩn bị rời đi. Mệnh lệnh đó là phải hiểu được cách mạng và tiếp tục sản xuất. Chiến dịch chống Liên Xô đã bắt đầu.

Vừa trở về căn cứ quân sự cũ, Tĩnh Di phải bắt tay vào thực hiện hai việc. Thứ nhất, bà phải chứng minh được về cơ bản bà vẫn không thay đổi. Những năm lao động trên đồng ruộng đã khiến bà già nua và biến đổi nhan sắc của bà kinh khủng. Lúc đầu, các đồng nghiệp của bà không dám công nhận bà, họ không thể tin nổi bà vẫn còn giữ được năng lực như trước. Họ cho bà làm bài kiểm tra và thực hiện thí nghiệm, yêu cầu bà phải phân tích các vấn đề và mô tả các sự việc đã diễn ra trước đó. Sau một tuần, họ kết luận rằng tài năng của bà vẫn không hề suy suyển.

Việc thứ hai, nhưng quan trọng hơn đối với cá nhân Tĩnh Di là bà phải bắt liên lạc lại với Cố Đại. Các đồng nghiệp cảm động trước sự hy sinh của bà đối với Cố Đại, ai cũng đề nghị được giúp đỡ bà. Sau ba tháng tìm kiếm, họ chỉ biết là Cố Đại đã bị bắt giam ngay khi Cách Mạng Văn Hóa nổ ra vì bị nghi là phần tử phản động và mật thám của Quốc Dân Đảng. Bà liên lạc với tất cả các nhà tù mà ông có thể bị giam cầm nhưng kết quả thật buồn lòng: Cố Đại hình như đã đi qua tất cả các nhà tù đó nhưng không ai biết sau đó ông đi đâu. Tĩnh Di thất vọng, nhưng không bỏ cuộc. Miễn là chưa có tin Cố Đại đã chết thì vẫn còn hy vọng, và thế là cuộc sống của bà còn ý nghĩa.

Trong những năm tiếp theo của Cách Mạng Văn Hóa, Tĩnh Di may mắn hơn hầu hết các đồng nghiệp và bạn học cũ. Bà được bảo vệ đặc biệt nhờ tài năng của mình; các lãnh đạo của căn cứ quân sự đã nhiều lần khôn ngoan giấu nhẹm bà khỏi con mắt của Hồng Vệ Binh. Bà hiểu mối họa lớn lao mà các lãnh đạo đó phải đối mặt khi bảo vệ bà, nên bà đã cống hiến một số thành tựu quan trọng để trả mối hàm ơn với họ.

Tĩnh Di không bao giờ ngừng tìm kiếm Cố Đại. Bà tới tất cả các ngôi làng và thị trấn mà ông có thể đã từng sống, thậm chí còn tới tận Thái Hồ, nơi họ từng mơ về. Với sự giúp đỡ của bạn bè, bà dành hai tuần đi khắp vùng ven hồ đề tìm Cố Đại, nhưng không có dấu vết gì của ông cả.

Những năm 1980, sau Cải Cách Và Mở Cửa, cuối cùng người dân cũng thức dậy khỏi cơn ác mộng bất tận của những biến động chính trị xã hội, và sắp xếp lại tất cả những gì đã bị ném vào một mớ hỗn độn. Tĩnh Di là một trong vô số người đi tìm gia đình và bạn bè bị thất lạc qua thư từ, điện thoại và hỏi han mọi người. Sự thiết tha tìm kiếm của bà thường không được những người khác xem trọng: Cố Đại là người yêu của Tĩnh Di chứ đâu phải của họ. Cách Mạng Văn Hóa đã khiến nhiều người chai lì cảm xúc, họ đều nhận được bài học cay đắng là phải đặt các nhu cầu vật chất cơ bản và an toàn chính trị của bản thân lên trên sự cảm thông hay tình cảm.

Khi Tĩnh Di nhận được bản danh sách những người sẽ tham dự lễ kỷ niệm thành lập trường Đại Học Thanh Hoa vào năm 1994, bà háo hức tìm tên của Cố Đại, nhưng không thấy trong đó. Khi tới Bắc Kinh để tham gia sự kiện này, bà mang theo hàng chục lá thư nhờ giúp đỡ đã viết sẵn theo mẫu, để phát cho các bạn học cũ.

Vào ngày đầu tiên của lễ kỷ niệm, cựu sinh viên từ khắp mọi miền của Trung Quốc tụ họp trong khuôn viên trường Thanh Hoa. Những người trẻ hơn hân hoan chào đón nhau: thời gian chưa làm họ thay đổi nhiều lắm. Những người già hơn có vẻ ngần ngại; với hầu hết bọn họ, phải đến tận khi bước vào phòng dành riêng cho khóa học và lớp của mình, họ mới hơi nhận ra các bạn cùng lớp. Không ai nhận ra Tĩnh Di trong đám đông lộn xộn lúc đầu, và bà cũng không thể nhận ra ai. Một nhân viên của trường đưa bà vào phòng dành cho khóa và lớp của bà. Khi bà bước vào, ngay lập tức bà nhìn thấy một người đàn ông quay lưng lại phía bà, người đàn ông mà hình dáng không bao giờ có thể xa lạ đối với bà, bất kể những khó nhọc gian khổ của cuộc đời đã biến đổi nó ra sao – Cố Đại. Tĩnh Di mất hết tự chủ; bà run lên, mạch đập loạn nhịp và bà bắt đầu thấy lả đi. Anh nhân viên trẻ đỡ lấy tay bà và lo lắng hỏi xem bà làm sao; bà có tiền sử bệnh tim không? Bà không nói nổi nên lời, bà vẫy tay ra hiệu rằng mình khỏe, đồng thời chỉ vào Cố Đại.

Bà cố gượng bước về phía ông, nhưng tim bà nghẹn lại đến mức bà cảm thấy không thể bước nổi. Bà sắp sửa gọi ông thì bà nghe thấy ông nói, “Đây là vợ tôi Lâm Chân, con gái lớn của chúng tôi Niệm Hoa, con gái thứ hai Tĩnh Hoa và con gái thứ ba Di Hoa. Vâng, vâng, chúng tôi vừa mới tới…”

Tĩnh Di cứng đờ cả người.

Ngay lúc đó Cố Đại xoay qua và đờ người ra trước hình ảnh của Tĩnh Di. Ông ngớ người há hốc miệng. Lo lắng, người vợ liền hỏi ông có chuyện gì vậy. Ông đáp bằng một giọng run run: “Đây… đây là Tĩnh Di.”

“Tĩnh Di? Không thể nào…” Vợ ông đã nghe nhắc tới tên bà.

Ba người lớn đều mất tự chủ, và im lặng mất một lúc đấu tranh với những cảm xúc của mình. Nước mắt lưng tròng, vợ của Cố Đại cuối cùng nói với Tĩnh Di rằng ông chỉ lấy vợ sau khi nghe tin bà đã qua đời. Rồi bà đứng dậy rời đi để Cố Đại và Tĩnh Di ở lại riêng với nhau, nhưng Tĩnh Di đã giữ người phụ nữ ấy lại.

“Đừng… đừng đi. Những gì chúng ta có đều là quá khứ rồi, khi chúng ta còn trẻ, nhưng chị đang có một gia đình toàn vẹn trong hiện tại. Đừng làm tổn thương gia đình mình; biết rằng Cố Đại hạnh phúc đã là một niềm an ủi lớn lao lắm rồi.”

Tĩnh Di không thực sự nghĩ như những gì bà nói, nhưng bà nói một cách chân thành. Khi cô con gái út biết Tĩnh Di là ai, cô bảo, “Những chữ đầu tiên của tên cháu và tên các chị cháu ghép lại thành Niệm Tĩnh Di – Nhớ Tĩnh Di. Bố mẹ cháu bảo là để nhớ đến cô. Cách Mạng Văn Hóa đã ném cuộc đời của quá nhiều người vào vòng loạn lạc. Xin cô hãy rộng lòng mà bỏ quá cho bố mẹ cháu.”

Tĩnh Di bỗng cảm thấy bình tĩnh hơn, bà thu sức để đứng thẳng người dậy và bắt tay vợ Cố Đại, nói, “Cảm ơn chị vì đã nhớ tới tôi, cảm ơn chị vì đã cho anh ấy một gia đình hạnh phúc. Từ hôm nay tôi sẽ hạnh phúc hơn vì tôi đã bớt đi được một nỗi lo. Nào, chúng ta vào phòng họp mặt với mọi người thôi.”

Mọi người đều theo lời Tĩnh Di bước thẳng tới thính phòng. Khi họ đã yên vị tại chỗ ngồi dành cho mình, Tĩnh Di trốn ra rồi quay trở lại khách sạn, đốt hết những lá thư nhờ giúp đỡ mà bà mang theo. Cùng với đống giấy đó, những hy vọng ấp ủ từ lâu và sự bình tĩnh tạm thời của bà tan theo làn khói.

Vài ngày sau bà gắng gượng gọi điện cho đơn vị xin nghỉ thêm vài ngày nữa. Đồng nghiệp của bà nói rằng có một bức điện từ một người tên là Cố Kiếm gửi cho bà, yêu cầu bà liên lạc lại với ông ta càng sớm càng tốt. Tĩnh Di hiểu ra, vì lẽ gì bà cũng không rõ, rằng Cố Đại đã đổi tên thành Cố Kiếm – vì lẽ đó mà những cuộc tìm kiếm của bà không thành công.

Tĩnh Di lên một chuyến tàu về miền Nam đến Thái Hồ, lên kế hoạch tìm một căn nhà cho chính mình như căn nhà mà bà và Cố Đại đã từng mơ ước. Bà không đủ sức lực cũng như tiền bạc để thực hiện điều đó, do vậy bà chuyển tới khách sạn bên hồ này. Bà không muốn gặp gỡ ai, và sống bằng mì gói trụng nước sôi trong khi nghĩ ngợi suốt cả ngày lẫn đêm.

Tĩnh Di sắp kết thúc câu chuyện. Bà giơ một bàn tay ra yếu ớt vẽ một vòng tròn trong không khí.

“Bốn mươi lăm năm mong chờ ông ấy đã khiến nước mắt tôi chảy thành một hồ mong nhớ. Ngày ngày tôi chờ đợi bên cái hồ đó với lòng tin yêu. Tôi tin rằng người yêu tôi sẽ bước ra khỏi hồ và đón tôi vào vòng tay ông ấy – nhưng rốt cuộc khi ông ấy xuất hiện, một người đàn bà khác lại ở bên ông ấy. Những bước chân đã khuấy động mặt hồ phẳng lặng của tôi. Những gợn sóng phá hủy hình ảnh phản chiếu của mặt trời và mặt trăng – và hy vọng của tôi tan biến.

Để tiếp tục sống, tôi cần gạt Cố Đại và những cảm xúc của mình ra khỏi tâm trí. Tôi đã hy vọng Thái Hồ sẽ giúp đỡ tôi, nhưng bốn mươi lăm năm dễ gì dứt bỏ.”

Tôi lắng nghe sự trống rỗng trong giọng nói của cô Tĩnh Di, đau đớn và vô vọng. Không một sự đồng cảm nào có thể lấp đầy.

Tôi phải trở về với Phan Phan và công việc của mình, nhưng vì không muốn để cô Tĩnh Di lại một mình nên tối hôm đó tôi gọi điện cho cha tôi để hỏi xem liệu bố mẹ tôi có thể tới Vô Tích làm bạn với bà một vài ngày không. Hôm sau họ tới. Lúc tiễn tôi ở bệnh viện, mẹ tôi nói, “Hồi trẻ hẳn Tĩnh Di phải đẹp lắm.”

Một tuần sau, cha mẹ tôi trở về Nam Kinh. Cha tôi bảo tôi rằng, được bà đồng ý, ông đã liên lạc với đơn vị của bà. Họ đang tìm bà, và ngay lập tức cử người tới Vô Tích để chăm sóc bà khi nhận được tin. Cha tôi nói ông đã giấu Tĩnh Di kể sơ câu chuyện của bà qua điện thoại. Người đàn ông giọng cộc cằn bên kia đầu dây đã bật khóc và nghẹn ngào nói, “Chúng tôi đều biết Tĩnh Di đã phải chịu đựng thế nào khi đi tìm người yêu, nhưng chẳng ai diễn tả nổi bà ấy nặng tình nhường nào.”

Cha tôi đã tìm hiểu được vì sao Cố Đại lại đổi tên, và kể cho Tĩnh Di nghe những gì ông biết. Lãnh đạo Hồng Vệ Binh ở nhà tù thứ hai nơi Cố Đại bị chuyển tới trùng tên với ông, vì vậy Cố Đại bị buộc phải đổi sang tên khác. Hồng Vệ Binh tự ý đổi tên ông thành Cố Kiếm trên tất cả giấy tờ. Cố Kiếm đã đấu tranh với các nhà chức trách địa phương để giành lại tên cũ nhưng họ chỉ bảo, “Có quá nhiều việc làm sai trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa – ai mà cải chính được tất cả những chuyện đó cơ chứ?” Sau này, có người nói với Cố Đại rằng Tĩnh Di, người ông tìm kiếm nhiều năm, đã qua đời trong một tai nạn ô tô hơn hai mươi năm trước, thế là ông cũng quyết định để cái tên Cố Đại chết theo luôn.

Tĩnh Di nói rằng Đàn bà như nước, đàn ông như núi, đó có phải là một sự so sánh hợp lý không? Tôi đặt câu hỏi này cho các thính giả, và nhận được gần hai trăm câu trả lời trong một tuần. Trong số đó, hơn mười câu trả lời là từ các đồng nghiệp của tôi. Lý Đại viết: “Đàn ông Trung Quốc cần phụ nữ để tạo nên bức tranh của chính họ – vì núi in hình trên sông. Nhưng sông chảy xuống từ núi. Vậy đâu mới là bức tranh đích thực?”

Bình luận
× sticky