Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hảo Nữ Trung Hoa

Chương 3: Cô sinh viên

Tác giả: Hân Nhiên

Hồng Tuyết ám ảnh tôi. Như thể cô bé cứ nhìn tôi đăm đăm bằng đôi mắt mong mỏi và bất lực, như thể muốn cầu xin tôi hãy làm điều gì đó. Một sự việc xảy ra vài ngày sau đó đã củng cố mạnh mẽ quyết tâm của tôi tìm mọi cách để chương trình phát thanh giúp đỡ được cho phụ nữ nhiều hơn.

Khoảng mười giờ sáng hôm đó, tôi vừa đạp xe đến đài thì một đồng nghiệp đang rời nhiệm sở sau ca sớm chặn tôi lại. Cô bảo tôi rằng một đôi vợ chồng già đã tới đài, giận dữ lớn tiếng nói rằng sẽ tính sổ với tôi.

“Vì sao?” Tôi hỏi, kinh ngạc.

“Tôi không rõ. Hình như họ bảo cô là kẻ giết người.”

“Giết người? Họ nói vậy là sao?”

“Tôi không rõ, nhưng tôi nghĩ tốt hơn cả là cô nên tránh mặt họ. Khi một số thính giả dở chứng thì không việc gì phải tranh luận đúng sai với họ.” Cô ta ngáp dài. “Xin lỗi, không nhịn được. Tôi phải về nhà ngủ đây. Phải đến cơ quan lúc bốn rưỡi sáng để làm bản tin sớm đúng là một sự tra tấn. Tạm biệt.”

Tôi đờ đẫn vẫy tay chào.

Tôi nôn nóng muốn biết có chuyện gì xảy ra, nhưng phải chờ Văn Phòng Đối Ngoại xử lý vụ việc này đã.

Lúc chín giờ tối đó, văn phòng cuối cùng cũng đưa lại lá thư mà cặp vợ chồng già kia gửi cho họ. Người đồng nghiệp chuyển nó cho tôi bảo đó là lá thư tuyệt mệnh của đứa con duy nhất của họ, một cô gái mười chín tuổi. Sợ rằng mình sẽ bị rối trí trong lúc lên sóng sau khi đọc nó, tôi để lá thư vào túi áo khoác.

Khi tôi rời khỏi phòng thu thì đã hơn một rưỡi sáng. Tới lúc ngả lưng xuống giường ở nhà, tôi mới dám mở lá thư ra. Nó nhòe nhoẹt nước mắt.

Hân Nhiên thân mến!

Tại sao cô không trả lời thư cháu? Chẳng lẽ cô không hề biết rằng cháu đang phải quyết định sống hay chết sao?

Cháu yêu anh ấy, nhưng cháu chưa từng làm chuyện gì xấu xa cả. Anh ấy chưa bao giờ đụng đến người cháu, nhưng một người hàng xóm thấy anh ấy hôn lên trán cháu, và bảo với mọi người rằng cháu là đồ gái hư. Bố mẹ cháu rất xấu hổ.

Cháu yêu bố mẹ cháu lắm. Từ khi còn nhỏ, cháu đã mong sao bố mẹ sẽ được tự hào vì cháu, sung sướng vì có được một đứa con gái thông minh, xinh đẹp hơn là cảm thấy thua kém những người khác vì không có con trai.

Giờ cháu đã khiến họ mất cả hy vọng lẫn thể diện. Nhưng cháu không hiểu cháu đã làm gì sai. Chắc chắn tình yêu không phải là vô đạo đức hay là thương phong bại tục đúng không cô?

Cháu đã viết thư hỏi cô xem cháu nên làm gì. Cháu nghĩ cô sẽ giúp cháu giải thích mọi chuyện với bố mẹ. Nhưng ngay cả cô cũng quay lưng lại.

Không một ai bận tâm. Chẳng còn lý do gì để sống nữa.

Tạm biệt, Hân Nhiên. Cháu yêu cô và cũng hận cô.

Một thính giả trung thành trong đời.

Tiểu Ngọc.

Ba tuần sau, lá thư cầu cứu đầu tiên của Tiểu Ngọc mới tới. Tôi cảm thấy bị nghiền nát bởi sức nặng của thảm kịch này. Tôi ghét phải nghĩ về các cô gái trẻ Trung Quốc đã phải trả giá bằng mạng sống cho những tò mò tuổi trẻ của họ. Làm sao có thể đánh đồng tình yêu với sự vô đạo đức và thương phong bại tục được chứ?

Tôi muốn đưa câu hỏi này ra cho thính giả của tôi và hỏi giám đốc xem tôi có thể nhận các cuộc gọi về chủ đề này trên sóng phát thanh được không.

Ông ta lo lắng. “Cô định dẫn dắt và điều khiển cuộc đối thoại đó như thế nào?”

“Thưa giám đốc, chẳng phải chúng ta đang tiến hành công cuộc Cải Cách Mở Cửa hay sao? Sao chúng ta không thử một lần xem?” Tôi cố viện đến những lý lẽ rút từ vốn từ vựng mới mẻ đang thịnh hành về mở cửa và đổi mới. Cải cách không phải là cách mạng, mở cửa không phải là tự do. Chúng ta là cơ quan phát ngôn của Đảng, chúng ta không thể phát sóng bất cứ cái gì chúng ta thích. Nhận thấy tôi không chịu bỏ cuộc, cuối cùng ông ta khuyên tôi nên thu trước một chương trình về chủ đề này. Thế có nghĩa là kịch bản và bất kỳ cuộc phỏng vấn được ghi âm nào đều được hiệu đính cẩn thận trước tại phòng thu và chương trình cuối cùng, đã qua biên tập được gửi tới phòng kiểm định trước khi phát sóng. Vì mọi chương trình thu âm trước đều phải qua khá nhiều khâu biên tập và thẩm định nên chúng được coi là tuyệt đối an toàn. Với những chương trình phát thanh trực tiếp, sự kiểm tra ngay tại chỗ ít hơn nhiều. Mọi việc đều dựa trên thủ thuật và khả năng lái cuộc thảo luận ra khỏi những lĩnh vực nhạy cảm của người dẫn chương trình. Ban giám đốc thường xuyên nghe những chương trình như thế với tâm trạng phấp phỏng, vì mắc sai lầm có thể khiến họ bị mất chức, hoặc thậm chí mất cả tự do.

Tôi lấy làm thất vọng vì không thể nhận cuộc gọi trực tiếp trên sóng phát thanh. Phải mất thời gian gấp đôi, nếu không nói là gấp ba để làm một chương trình thu trước như vậy. Tôi bắt tay vào thu âm một loạt các cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Trái với mong đợi của tôi, khi chương trình được phát sóng, cộng đồng gần như không có phản ứng. Thậm chí còn có một lá thư chỉ trích rất hằn học, tất nhiên là nặc danh:

Trước kia, các chương trình phát thanh chẳng có gì hơn ngoài một chuỗi các khẩu hiệu và những từ ngữ quan liêu. Cuối cùng cũng có được một giọng điệu khác đi chút ít, có chút gì đó nhân văn, vậy tại sao lại thoái lui như thế chứ? Chủ đề này đáng để điều tra, nhưng người dẫn chương trình lại né tránh trách nhiệm bằng cách ứng xử xa cách, lạnh lùng của cô ta. Không ai muốn nghe một kẻ dạy khôn từ xa như thế cả. Đây là một chủ đề để thảo luận, tại sao mọi người lại không được phép nói tự do? Tại sao người dẫn chương trình lại không dũng cảm gọi điện phỏng vấn trực tiếp một thính giả?

Sự xa cách mà người thính giả bất bình này mô tả là kết quả của một quá trình biên tập dài dằng dặc. Các giám sát viên, do từ lâu đã quen làm việc theo một cung cách nhất định, đã cắt bỏ tất cả các phần trong đó tôi cố đưa vào bình luận của mình giọng điệu đậm chất cá nhân hơn là trong kịch bản. Họ giống như những người đầu bếp trong một khách sạn lớn: họ chỉ làm một món ăn duy nhất và điều chỉnh mọi giọng điệu về “khẩu vị” quen thuộc của họ.

Ông Trần biết tôi cảm thấy bị tổn thương và phẫn uất

“Hân Nhiên này, giận dữ chẳng ích lợi gì cả. Hãy dẹp nó qua một bên. Khi cô đi qua những cánh cổng của cái đài phát thanh này, lòng can đảm của cô bị giam lại. Cô sẽ trả thành hoặc người quân tử hoặc kẻ tiểu nhân hèn nhát. Bất kể người khác có nói gì hay chính cô nghĩ gì thì cũng thế thôi: cô chỉ có thể là một trong hai loại đó. Cô nên đối diện với thực tế đi.”

“Vậy thì ông là loại người nào?” tôi hỏi.

“Tôi là cả hai. Đối với mình, tôi là quân tử, đối với người khác tôi là thằng tiểu nhân. Nhưng ở sâu bên trong, sự phân loại luôn rất phức tạp. Cô đang thảo luận về mối quan hệ giữa tình yêu, truyền thống và đạo đức. Làm sao chúng ta có thể phân biệt rạch ròi ba thứ đó đây? Mỗi người, với văn hóa và nhạy cảm khác nhau, lại nhận thức về chúng khác nhau. Đàn bà được nuôi dạy trong một môi trường ứng xử hết sức truyền thống thì sẽ thẹn đỏ mặt khi nhìn thấy ngực một người đàn ông. Ngược lại, trong những hộp đêm, có những cô gái trẻ lại phô ra thân hình gần như lõa lồ của mình.”

“Thế có hơi cường điệu quá không?”

“Cường điệu ư? Thế giới thực của đàn bà đầy rẫy những sự đối lập còn kinh khủng hơn thế nhiều. Nếu muốn hiểu sâu hơn nữa về thế giới phụ nữ thì cô nên tìm cách ra khỏi đài phát thanh mà quan sát cuộc sống. Ngồi trong văn phòng và phòng thu suốt cả ngày thì chẳng ích gì đâu.”

Ông Trần tác động mạnh đến tôi. Ông nói đúng. Tôi phải quan sát cuộc sống của những người phụ nữ bình thường nhiều hơn nữa thì quan điểm của tôi mới chín chắn hơn. Nhưng, vào cái thời buổi mà việc đi lại bị hạn chế ngay cả với cánh nhà báo, điều đó quả không dễ chút nào. Tôi bắt đầu tạo ra cơ hội bất cứ khi nào có thể, thu thập thông tin về những người phụ nữ trong các chuyến công tác, thăm viếng bạn bè và gia đình, đi nghỉ. Tôi cài thêm những thông tin này vào chương trình phát thanh của tôi và chú ý tới những phản ứng nó gây ra với thính giả.

Một hôm, tôi đang vội về đài phát thanh từ trường đại học tôi được mời tới thỉnh giảng. Vào giờ ăn trưa, Khu trường học như một tổ ong tấp nập, và tôi phải dắt xe lách qua đám đông các sinh viên. Đột nhiên, tôi nghe thấy mấy thiếu nữ đang nói chuyện gì đó hình như liên quan đến tôi:

“Cô ta bảo phụ nữ Trung Quốc rất truyền thống. Mình không đồng ý. Đúng là phụ nữ Trung Quốc có một quá khứ, nhưng họ cũng có cả tương lai nữa chứ. Bây giờ có bao nhiêu người theo truyền thống nữa nào? Mà truyền thống là gì? Áo bông cài ở bên sườn? Tóc búi tó? Giày thêu? Giấu mặt đi khi đứng trước đàn ông à?”

“Tớ nghĩ truyền thống mà cô ấy nói tới chắc là một khái niệm, những quan niệm truyền lại từ thời ông bà tổ tiên, hay đại loại thế. Tớ không nghe chương trình phát thanh đó tối qua nên mình không chắc lắm.”

“Tớ không bao giờ nghe các chương trình dành cho phụ nữ, tớ chỉ nghe những chương trình có ca nhạc thôi.”

“Mình thì nghe rồi, mình thích nghe chương trình của cô ấy lúc đi ngủ. Cô ấy bật nhạc hay và giọng cô ấy rất truyền cảm. Nhưng mình không thích cái cách cô ấy cứ nói đi nói lại về sự hiền lành của phụ nữ. Chắc cô ấy không có ý bảo là đàn ông thì hung dữ chứ?”

“Tớ nghĩ là có đấy, một chút. Cô ta hẳn là loại phụ nữ cư xử như bà chúa đỏng đảnh trong vòng tay chồng.”

“Ai biết được? Biết đâu cô ta lại là loại đàn bà khiến cho lão chồng già quỳ dưới chân để trút giận thì sao.”

Tôi điếng người. Tôi không hề biết đám con gái trẻ bây giờ lại ăn nói thế. Vì đang vội, tôi không thể dừng lại để hỏi ý kiến chúng như thường lệ, nhưng tôi quyết định sẽ dành chút thời gian nói chuyện với các sinh viên. Vì thỉnh thoảng tôi cũng được mời tới trường đại học làm giáo sư thính giảng nên tôi cũng khá dễ dàng tiến hành phỏng vấn ở đó mà không gặp những rắc rối về mặt thủ tục. Cách mạng luôn bắt đầu từ đám sinh viên; chính những con người trẻ tuổi này đang leo lên đỉnh ngọn sóng đổi mới trong nhận thức của người Trung Quốc hiện đại.

Một số người kể với tôi về một cô gái trẻ là thành viên tiếng tăm của “nhóm ưu tú” trong trường đại học, nổi tiếng vì những sáng kiến, ý tưởng và quan niệm tân tiến. Nghe tên mà đoán người: Kim Soái, “tướng quân vàng”. Tôi mời cô gái đến gặp mình một quán trà.

Kim Soái trông giống một giám đốc PR hơn là một sinh viên. Dù các nét không nổi bật lắm, cô vẫn khiến người khác phải chú ý. Cô mặc một bộ vest lính thủy cắt may rất chuẩn làm nổi phom người, một chiếc áo sơ mi thanh nhã và đôi bốt da cao cổ trông thật quyến rũ. Mái tóc dài để xõa.

Chúng tôi nhấm nháp trà Long Tĩnh trong chiếc tách tráng men đỏ son.

“Vậy, Hân Nhiên, chị có hiểu biết như người ta vẫn đồn đại không nhỉ?”

Kim Soái ngay lập tức đảo ngược vai trò của chúng tôi bằng cách đặt câu hỏi đầu tiên.

Hăm hở muốn gây ấn tượng với cô gái, tôi điểm vài cuốn sách về lịch sử và kinh tế mà mình đã đọc.

Kim Soái không bị ấn tượng chút nào. “Những bộ sách cũ rích khô khan đó thì có thể dạy người ta cái gì về nhu cầu và khát vọng của con người chứ? Chúng chỉ lải nhải mãi những lý thuyết rỗng tuếch. Nếu chị muốn đọc những cuốn sách hữu ích cho mình, hãy thử Quản Lý Thương Mại Hiện Đại, Nghiên Cứu Về Những Quan Hệ Cá Nhân, hay Cuộc Sống Của Một Doanh Nhân xem. Ít ra chúng cũng giúp chị kiếm tiền được. Tội nghiệp, chị có bao nhiêu là mối quan hệ quan trọng, chưa kể đến những thính giả, vậy mà vẫn phải làm việc suốt ngày đêm để kiếm một đồng lương còm cõi. Chị đã lãng phí quá nhiều thời gian để đọc những thứ sách đó thành ra lỡ mất cơ hội của mình rồi.”

Tôi phản ứng. “Không, mọi người đều có những lựa chọn cho cuộc đời mình…”

“Ấy, đừng cáu thế. Chẳng phải nghề của chị là trả lời các câu hỏi thính giả đó sao? Để tôi hỏi chị thêm chút nữa nhé. Phụ nữ có nhân sinh quan gì không? Thế nào là hạnh phúc đối với một người phụ nữ? Và điều gì làm nên một người phụ nữ tốt?” Kim Soái uống một hơi cạn tách trà.

Tôi quyết định trao quyền kiểm soát cuộc nói chuyện cho Kim Soái, hy vọng cô sẽ bộc lộ suy nghĩ thực. “Tôi muốn nghe điều em nghĩ,” tôi nói.

“Tôi ư? Nhưng tôi là một sinh viên ngành khoa học tự nhiên, tôi không biết gì về khoa học xã hội cả.” Kim Soái bỗng trở nên nhũn nhặn một cách kỳ lạ, tôi nghi ngờ không biết mình có thể dùng các kỹ thuật phỏng vấn để cô tiếp tục hay không.

“Nhưng những ý kiến của em đâu chỉ giới hạn trong khoa học,” tôi khơi gợi.

“À, đúng, tôi cũng có một vài ý kiến.”

“Không chỉ một vài đâu. Em nổi tiếng vì những ý kiến mà.”

“Cảm ơn.” Lần đầu tiên cô nói với giọng tôn trọng mà lúc trước tôi cứ tưởng sinh viên nào cũng nói vậy.

Tôi tóm ngay lấy cơ hội để đặt câu hỏi cho Kim Soái. “Em thông minh, trẻ trung và hấp dẫn. Vậy, em có nghĩ mình là một người phụ nữ tốt không?”

“Tôi ư?” Cô lưỡng lự một chút, rồi khẳng định chắc nịch, “Không.”

Nỗi tò mò trỗi dậy trong tôi. “Tại sao?” Tôi hỏi.

“Phục vụ, làm ơn cho thêm hai tách Long Tĩnh nữa.” Sự tự tin trong cách Kim Soái gọi đồ uống cho thấy hoàn cảnh khá giả của cô. “Tôi không hiền dịu và tận tụy như người ta cần tôi phải thế. Người phụ nữ Trung Quốc tốt là phải biết cư xử dịu dàng, nhu mì, và họ mang theo cả cái cách cư xử đó lên giường. Kết quả là các đức lang quân ca thán rằng họ chẳng gợi tình chút nào, thế là người phụ nữ phải chịu áp bức, tin rằng lỗi là ở họ. Họ phải chịu đựng nỗi đau đớn mỗi khi đến kỳ kinh hay sinh nở và phải làm việc như đàn ông để duy trì gia đình khi chồng họ không kiếm đủ tiền. Đàn ông treo tranh ảnh đàn bà đẹp trên đầu giường để thấy kích thích, trong khi vợ họ tự buộc tội mình vì thân thể tàn tạ. Dù sao chăng nữa, trong mắt đàn ông, không tồn tại cái gọi là đàn bà tốt”

Tôi thắc mắc. Kim Soái không cần khích lệ để nói ra.

“Khi hoóc môn của đàn ông trỗi dậy, họ thề thốt một tình yêu vĩnh cửu. Cái đó làm cho những tập thơ ca cứ ngày một dày lên qua bao đời nay: tình sâu tựa biển hay đại loại như thế. Nhưng đàn ông như thế chỉ có trong tiểu thuyết. Đàn ông ngoài đời bào chữa rằng họ chưa gặp một người đàn bà nào xứng đáng với tình cảm đó cả. Đàn ông là chuyên gia về thủ đoạn lợi dụng sự mềm yếu của đàn bà để điều khiển họ. Một vài lời yêu đương hay khen ngợi có thể khiến một số phụ nữ hạnh phúc rất lâu, nhưng đó chẳng qua chỉ là ảo tưởng mà thôi.”

“Hãy nhìn những đôi vợ chồng già gắn bó với nhau hàng mấy chục năm xem. Người ta cứ nghĩ ông chồng chắc phải mãn nguyện lắm đấy, phải không nào, nhưng cứ thử cho ông ta một cơ hội xem, ông ta sẽ bỏ phắt bà vợ già để cưới ngay một cô nàng trẻ trung hơn cho xem. Lý do mà chắc chắn ông ta sẽ đưa ra là vì bà vợ của ông ta không được tốt. Trong mắt của những người đàn ông có bồ, phụ nữ tốt lại còn hiếm hoi hơn nữa. Những người đó đơn giản chỉ xem phụ nữ như đồ giải trí. Họ khinh miệt các cô bồ của họ, nếu không họ đã cưới mấy cô đó từ lâu rồi.”

Kim Soái ngừng lại, và trở nên nghiêm nghị. “Chị có biết đàn ông muốn loại đàn bà nào không?”

“Tôi không phải là chuyên gia,” tôi thành thực trả lời.

Kim Soái nói với vẻ sành sỏi. “Đàn ông muốn một người đàn bà vừa là người vợ đức hạnh, vừa là người mẹ tốt và có thể làm mọi việc nhà như một nữ tỳ. Ra ngoài, cô ta cần phải hấp dẫn, có văn hóa và làm anh ta nở mặt nở mày. Trên giường, cô ta phải là một kẻ cuồng dâm. Còn gì nữa, đàn ông Trung Quốc cũng cần đàn bà của họ vừa biết quản lý tiền bạc vừa kiếm ra thật nhiều tiền, thế họ mới có thể gia nhập vào giới giàu có và quyền lực. Đàn ông Trung Quốc bây giờ than phiền về chính sách cấm đa thê. Ông Cô Hồng Minh cuối đời Thanh đã nói rằng ”Một người đàn ông tốt nhất là có bốn người đàn bà, giống như một ấm trà có bốn cái chén là hợp nhất vậy.“ Và đàn ông Trung Quốc hiện đại thì muốn có thêm một cái chén nữa để rót tiền vào. Vậy chị thử nói xem, có bao nhiêu phụ nữ Trung Quốc đáp ứng nổi tất cả các đòi hỏi đó? Theo những tiêu chuẩn đó, thì mọi phụ nữ đều xấu cả.”

Hai người đàn ông ở bàn bên thỉnh thoảng lại quay sang nhìn Kim Soái. Cô vẫn tiếp tục không hề sợ hãi.

“Chị đã nghe câu Con mình, vợ người chưa?”

“Rồi,” tôi đáp, cảm thấy thoải mái vì cuối cùng cũng có thể nói rằng mình biết thứ gì đó.

Kim Soái trầm ngâm, “Tôi từng đọc một cuốn sách viết về tình yêu thế này: Con sư tử đang đói sẽ ăn một con thỏ nếu không còn thứ gì tử tế hơn, nhưng một khi giày nát con thỏ, nó sẽ vứt đi để đuổi theo một con ngựa vằn… Điều bi thảm là có quá nhiều phụ nữ chấp nhận để đàn ông coi mình là đàn bà xấu.”

Cảm thấy Kim Soái đang tính cả mình vào đám người đó, tôi hơi đỏ mặt. Cô không hề nhận thấy điều đó.

“Hân Nhiên, cô có biết chính những người đàn bà xấu xa thực sự mới là những kẻ may mắn không? Tôi tin câu Tiền làm đàn ông trở nên xấu xa; sự xấu xa làm đàn bà có tiền. Chớ tưởng tất cả sinh viên chúng tôi ở đây đều nghèo cả. Nhiều cô gái trẻ trong chúng tôi sống sành điệu mà chẳng nhận một xu từ gia đình. Có những cô khi mới nhập trường không có tiền để mua thịt trong nhà ăn, nhưng giờ họ choàng khăn cashmere và đeo đồ trang sức. Đi đâu họ cũng gọi taxi và ở trong khách sạn. Nhưng đừng hiểu lầm, những cô gái đó không nhất thiết phải đi bán thân.”

Kim Soái nhận ra tôi đang choáng váng và nói tiếp, mỉm cười.

“Ngày nay, những người đàn ông giàu có càng ngày càng đòi hỏi khắt khe người phụ nữ của mình hơn. Họ muốn phô ra một thư ký riêng hay người tháp tùng có học thức. Trong tình trạng thiếu người tài ở Trung Quốc hiện nay, chỗ nào có thể cung cấp ngần ấy thư ký riêng, ngoài trường đại học? Một người đàn bà không bằng cấp sẽ chỉ hấp dẫn được một vài doanh nhân nhỏ thôi; càng có học thức, chị càng có cơ hội câu được doanh nhân cỡ bự. Thư ký riêng chỉ làm việc cho một người, người tháp tùng làm việc cho nhiều người. Có ba cấp độ quan hệ: cấp độ thứ nhất là theo đàn ông đến nhà hàng, hộp đêm, và quán karaoke. Cấp độ thứ hai đi xa hơn, đến những nơi khác nữa như nhà hát, rạp chiếu phim, vân vân; chúng tôi gọi kiểu quan hệ này là bán nghệ không bán thân. Tất nhiên, để những người đàn ông đó sờ soạng bên ngoài quần áo là một phần trong thỏa thuận. Cấp độ thứ ba là hoàn toàn phục tùng người đàn ông, gọi lúc nào phải tới lúc đó, kể cả tình dục. Nếu là loại thư ký riêng này, chị sẽ không ngủ trong ký túc xá sinh viên, trừ những dịp hiếm hoi ông sếp của chị về nhà. Ngay kể cả lúc đó, đa phần là người đàn ông sẽ để chị ở lại phòng khách sạn ông ta thuê, để có thể dễ dàng tìm thấy chị khi ông ta quay lại. Là một thư ký riêng, mọi bữa ăn, quần áo, tiền phòng và chi phí đi lại đều được lo chu toàn. Không ai dám qua mặt chị khi chị gần gũi sếp đến thế. Chị ở dưới một người nhưng trên muôn người! Nếu thông minh, chị sẽ sớm giành được chút quyền lực nào đó, và nếu chị thực sự khôn ngoan sắc sảo, chị sẽ không bao giờ phải lo lắng về tiền bạc.”

Kim Soái tự rót thêm trà cho mình.

“Chẳng phải người ta vẫn nói Thời thế tạo anh hùng đó sao? Thư ký riêng ở Trung Quốc là sản phẩm của Chính Sách Cải Cách Mở Cửa của Đặng Tiểu Bình. Ngay khi Trung Quốc mở cửa, mọi người đều lao theo đồng tiền; ai ai cũng muốn thành sếp. Rất nhiều người mơ trở nên giàu có, nhưng rất ít người thành công. Chị có để ý thấy chức danh trên danh thiếp của tất cả mọi người đều là Tổng Giám Đốc hay Giám Đốc không? Bất chấp quy mô công việc làm ăn của họ, công ty của họ không thể không có một cái tên thật hoành tráng.

“Và làm sao tất cả những người đàn ông đó mở công ty được nếu không có thư ký – chẳng phải họ sẽ mất thể diện sao? Nhưng một thư ký chỉ làm tám tiếng một ngày thì chưa đủ, cần có ai đó ở đó để xử lý mọi việc mọi lúc. Theo Định Luật Hấp Dẫn Giới Tính, cơ hội cho những cô gái trẻ hấp dẫn nhan nhản khắp nơi. Những cô gái trẻ ăn mặc hợp mốt cứ nườm nượp qua lại giữa những khu văn phòng chính phủ ngột ngạt và làm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc.

“Ngoài ra những người nước ngoài đang tranh nhau tuyên bố quyền sở hữu với nền kinh tế nước ta cũng cần đến thư ký riêng nữa. Họ không hiểu những điều cơ bản về Trung Quốc và phong tục của nó. Nếu không có sự trợ giúp của các thư ký, các quan tham Trung Quốc chẳng đã băm chả họ từ lâu rồi. Có điều, muốn trở thành thư ký của ông chủ nước ngoài, chị còn phải biết nói ngoại ngữ.

“Hầu hết các thư ký riêng đều khá thực tế về viễn cảnh của mình. Họ biết rằng các ông sếp sẽ chẳng bao giờ từ bỏ gia đình. Chỉ có kẻ ngốc mới nhầm tưởng những lời đường mật của họ là tình yêu. Tuy nhiên vẫn có một số kẻ khờ khạo, và tôi không cần phải nói chị cũng có thể hình dung kết cục.”

Tôi há hốc miệng ngồi nghe Kim Soái tiết lộ về thế giới của những người tháp tùngthư ký riêng. Tôi không thể tưởng tượng nổi là tôi và cô gái này đang sống trong cùng một thế kỷ, nói gì là trong cùng một đất nước. “Chuyện này thực thế sao?” Tôi lắp bắp hỏi.

Kim Soái sửng sốt trước sự mù tịt của tôi.

“Đương nhiên rồi! Để tôi kể cho chị một câu chuyện có thật. Tôi có một người bạn tốt, Anh Nhi, một cô gái đáng yêu, chu đáo, mảnh mai cao ráo, gương mặt dịu dàng và giọng nói ngọt ngào. Anh Nhi là một sinh viên tài năng ở trường nghệ thuật. Cô ấy có thể hát và chơi bất kỳ loại nhạc cụ nào, nên cô ấy mang âm nhạc, niềm vui và tiếng cười tới khắp nơi. Cả đàn ông lẫn phụ nữ đều thích làm bạn với cô. Hai năm trước, Anh Nhi đang học năm thứ hai, cô ấy gặp một tay giám đốc họ Ngô người Đài Loan ở sàn nhảy. Anh ta trông ưa nhìn và thông minh; công ty bất động sản anh ta điều hành ở Thượng Hải đang làm ăn rất tốt, vì thế anh ta muốn mở thêm chi nhánh ở Nam Kinh. Nhưng khi tới thành phố này, anh ta thấy khó mà hiểu được hết những quy định thương mại ở đây. Anh ta đã bỏ ra hàng nghìn đô la Mỹ, nhưng sau sáu tháng vẫn chưa tiến tới thành lập được chi nhánh.

Anh Nhi thấy thương hại tay họ Ngô. Bằng tài xoay xở, cách cư xử dễ chịu và những mối quan hệ tốt của mình, cô ấy đã tìm ra giải pháp đối với thói quan liêu của cục thương mại, phòng thuế, hội đồng thành phố và ngân hàng. Văn phòng chi nhánh nhanh chóng đi vào hoạt động. Tay giám đốc họ Ngô vô cùng biết ơn Anh Nhi. Anh ta thuê cho cô ấy một phòng suite trong khách sạn bốn sao, và bao toàn bộ phí tổn khác. Anh Nhi là người phụ nữ từng trải, nhưng cô ấy lại bị cách hành xử lịch lãm của họ Ngô đốn gục. Anh ta không cư xử như mấy tay có của, nghĩ rằng tiền bạc có thể mua được mọi thứ. Anh Nhi quyết định không tháp tùng những người đàn ông khác nữa và lao vào giúp tay họ Ngô trong công việc làm ăn của anh ta ở Nam Kinh.

Một hôm, khoảng ba giờ sáng, Anh Nhi gọi cho tôi, nghe có vẻ cực kỳ hạnh phúc:

“Lần này là sự thật. Nhưng đừng hốt hoảng, mình chưa nói với anh ấy mình cảm thấy thế nào. Mình biết anh ấy có vợ rồi. Anh ấy bảo cô ta là một người phụ nữ tốt. Anh ấy còn cho mình xem cả ảnh cưới nữa: trông họ thật đẹp đôi. Mình không muốn làm gia đình anh ấy tan nát, chỉ cần anh ấy tốt với mình là đủ. Anh ấy thật đáng yêu; khi mình buồn bực hoặc cáu giận, anh ấy không nổi giận với mình. Khi mình hỏi sao anh ấy lại kiên nhẫn đến thế, anh ấy bảo: “Làm sao một thằng đàn ông tự xưng mình là nam nhi đại trượng phu nếu anh ta nổi giận với một người phụ nữ đang đau khổ?” Cậu đã từng nghe điều gì êm ái như vậy chưa? Rồi rồi, mình không làm phiền cậu lâu thêm nữa, chỉ là mình không muốn giấu cậu điều gì cả thôi. Ngủ ngon nhé, bạn yêu.”

Tôi trằn trọc hồi lâu, tự hỏi liệu thứ tình yêu lý tưởng giữa đàn ông và đàn bà có thực sự tồn tại hay không. Tôi hy vọng Anh Nhi sẽ chứng minh được điều đó, và cho tôi một tia hy vọng.

Mấy tháng sau đó, tôi không gặp Anh Nhi vì cô ấy đang mải mê với hạnh phúc. Khi chúng tôi gặp lại nhau, tôi đã bị sốc trước vẻ tiều tụy và u sầu của cô ấy. Anh Nhi kể với tôi rằng vợ của tay họ Ngô kia đã viết thư cho anh ta, yêu cầu anh ta lựa chọn giữa ly dị và từ bỏ Anh Nhi. Anh Nhi ngây thơ tin rằng anh ta sẽ chọn mình vì dường như anh ta không thể sống thiếu cô ấy được. Hơn nữa, tài sản của anh ta lớn đến mức nếu có chia ra thì cũng chẳng ảnh hưởng gì mấy đến công việc kinh doanh cả. Tuy nhiên, khi đối mặt với cô vợ bên Đài Loan sang, anh ta tuyên bố không thể bỏ cả vợ lẫn tài sản, và yêu cầu Anh Nhi ra khỏi cuộc đời mình. Vợ chồng ông ta trả cho Anh Nhi 10.000 đôla để tỏ lòng biết ơn vì sự giúp đỡ của cô đối với việc làm ăn của họ ở Nam Kinh.

Anh Nhi suy sụp, cô ấy yêu cầu gặp riêng tay họ Ngô để hỏi ba câu. Cô ấy hỏi quyết định của anh ta đã chắc chắn chưa. Họ Ngô bảo chắc chắn. Cô ấy lại hỏi những lời yêu anh ta nói trước đó có nghĩa lý gì không. Tay họ Ngô ta bảo có. Cuối cùng, Anh Nhi hỏi làm sao tình cảm của anh ta lại có thể thay đổi như thế. Anh ta trơ trẽn đáp rằng cuộc sống luôn thay đổi, rồi tuyên bố ba câu hỏi của cô đã xong.

Anh Nhi trở lại cuộc sống của một người tháp tùng, tin chắc rằng tình yêu đích thực không tồn tại. Năm nay, chưa đầy hai tháng sau khi tốt nghiệp đại học, cô ấy đã lấy một người Mỹ. Trong lá thư đầu tiên cô ấy gửi cho tôi từ Mỹ, cô ấy viết: Đừng bao giờ xem người đàn ông là cái cây mà cậu có thể nghỉ ngơi dưới bóng râm của nó. Phụ nữ chỉ là phân bón, rữa ra tan vào đất để cái cây khỏe mạnh… Không có tình yêu chân chính đâu. Những cặp tình nhân nhìn có vẻ thắm thiết ở bên nhau chỉ vì lợi ích cá nhân, tiền, vì quyền hoặc thế lực.

“Tiếc là Anh Nhi nhận ra điều đó quá muộn.”

Kim Soái chìm vào im lặng, như thể xúc động trước số phận của cô bạn.

“Kim Soái, em có định lấy chồng không?” Tôi tò mò hỏi.

“Tôi chưa nghĩ nhiều tới chuyện đó. Tôi vẫn chưa biết tình yêu là gì. Bọn tôi có một ông thầy lạm dụng quyền hạn của mình để quyết định điểm số. Ông ta gọi các cô học trò có chút nhan sắc đến để tâm sự; họ nói chuyện với nhau trên đường tới khách sạn. Đó là một bí mật mở, ai cũng biết, trừ vợ ông ta. Bà ta nói vẻ mãn nguyện về việc chồng đã làm hư bà ta thế nào: ông ta mua mọi thứ bà ta muốn và làm tất tật việc nhà, bảo rằng không thể chịu nổi khi thấy vợ phải làm việc. Cô có thể tin nổi ông thầy dâm đãng và ông chồng tận tụy ấy chỉ là một không?

“Người ta bảo Nữ trọng tình, nam trọng sắc. Nếu kết luận này là đúng, vậy thì tại sao phải lấy chồng? Những người đàn bà ở bên người chồng không chung thủy của mình thật ngu ngốc.”

Tôi nói phụ nữ thường là nô lệ của tình cảm, và kể cho Kim Soái nghe câu chuyện về một giảng viên đại học tôi biết. Vài năm trước, chồng người phụ nữ ấy, cũng là một học giả, thấy nhiều người kiếm bộn tiền bằng cách tách ra làm ăn riêng. Anh ta tức mình bỏ việc làm theo. Cô vợ bảo anh ta không có kỹ năng kinh doanh và quản lý để cạnh tranh, và nhắc nhở anh ta rằng chuyên môn của anh ta là: dạy học, nghiên cứu và viết lách. Anh chồng kết tội cô ta coi thường mình, và hùng hổ lao vào chứng minh cho vợ mình biết là cô ta đã sai. Công việc làm ăn của anh ta thất bại thảm hại: anh ta tiêu tán toàn bộ số tiền tiết kiệm của nhà và chẳng còn lại gì mà chứng minh nữa. Cô vợ trở thành người duy nhất kiếm tiền nuôi cả nhà.

Anh chồng thất nghiệp lại không chịu làm việc nhà. Khi cô vợ nhờ chồng giúp làm việc nhà, anh ta cự nự bảo mình là đàn ông, không thể bị bắt đi làm ba cái việc của đàn bà thế được. Cô vợ phải đi sớm về muộn, loạng choạng vì kiệt sức. Chồng cô ta, vốn chẳng bao giờ ra khỏi giường trước một giờ chiều, cả ngày ngồi xem ti vi, lại còn kêu ca rằng anh ta kiệt sức bởi áp lực của tình trạng thất nghiệp. Anh ta ngủ không ngon và chán ăn, nên anh ta cần đồ ăn ngon, bổ dưõng để phục hồi sức khỏe.

Cô vợ tận dụng mọi thời gian rảnh rỗi đi dạy thêm kiếm thêm tiền, rốt cuộc còn bị chồng chê bai vì để mình tàn tạ. Anh ta không thèm nghĩ xem gia đình họ nhờ đâu mà có cái ăn cái mặc. Không dám dùng tiền để mua đồ trang điểm hay diện quần áo mới cho mình nhưng cô giảng viên đó lại không bao giờ để chồng đi đâu mà không đánh bộ vest xịn, giày da tề chỉnh. Anh ta chẳng những không biết ơn vợ đã gắng sức vì mình mà lại còn than phiền rằng vợ mình không ăn mặc tử tế và thanh lịch như xưa, so sánh cô đầy vẻ chê bai với những cô gái trẻ hấp dẫn. Bất chấp là đã được học hành đến mức ấy, anh ta vẫn chẳng khác nào anh nông dân lo lắng sao để chứng tỏ quyền lực và địa vị đàn ông của mình.

Các đồng nghiệp ở trường đại học của cô vợ trách cô đã làm hư chồng mình. Một số sinh viên còn tỏ thái độ phản đối. Họ hỏi cô tại sao cô lại phải bắt mình phải chịu đựng nhiều đến thế vì một người đàn ông không xứng đáng như vậy. Người phụ nữ ấy trả lời đầy bất lực: “Trước kia anh ấy rất yêu tôi.”

Kim Soái nổi giận trước câu chuyện của tôi, nhưng nhận ra rằng đó là tình huống rất phổ biến.

“Tôi nghĩ hơn một nửa số gia đình Trung Quốc cấu thành từ những người phụ nữ lao lực quá độ và những người đàn ông chỉ ngồi thở dài vì tham vọng bất thành của họ, rồi buộc tội vợ và nổi cơn tam bành. Thêm vào đó, nhiều đàn ông Trung Quốc cứ nghĩ rằng nói vài lời yêu đương với vợ là hạ thấp giá trị của mình. Tôi không thể hiểu nổi. Lòng tự trọng của gã đàn ông sống dựa vào một người đàn bà yếu đuối mà không thấy cắn rứt lương tâm như thế ở đâu cơ chứ?”

“Cô nói nghe như một nhà nữ quyền ấy,” tôi đùa bỡn.

“Tôi không phải nhà nữ quyền – chỉ là tôi chưa thấy một người đàn ông Trung Quốc nào đáng mặt nam nhi cả. Nói tôi biết, có bao nhiêu người phụ nữ viết thư đến chương trình của chị bảo rằng họ hạnh phúc với người đàn ông của mình nào? Và có bao nhiêu đàn ông Trung Quốc bảo chị đọc lá thư trong đó họ thú nhận mình yêu vợ đến mức nào trên sóng phát thanh? Tại sao đàn ông Trung Quốc lại nghĩ rằng nói câu Anh Yêu Em với vợ là hủy hoại vị thế đàn ông của họ?”

Hai người đàn ông ngồi bàn kế bên đang chỉ trỏ về phía chúng tôi. Tôi tự hỏi không biết họ nghĩ gì về biểu hiện dữ dội của Kim Soái.

“Ờ, thì đó là câu đàn ông Phương Tây nói vì nền văn hóa của họ thế.” Tôi cố gắng chống đỡ cho cái sự thật là tôi chưa từng nhận được một bức thư nào như vậy cả.

“Sao cơ? Chị cho rằng đó là do khác biệt văn hóa à? Không, nếu người đàn ông không đủ can đảm để nói những lời đó với người phụ nữ mình yêu trước cả thế giới thì chị có thể gọi anh ta là đàn ông không? Theo tôi biết, ở Trung Quốc chẳng có ai là đàn ông cả.”

Tôi im lặng. Đối diện với trái tim của một phụ nữ còn trẻ nhưng đã đóng băng lại rồi, tôi có thể nói gì đây? Nhưng Kim Soái lại phá lên cười.

“Bạn bè tôi bảo rốt cuộc Trung Quốc cũng đã theo được với phần còn lại của thế giới khi nó nhận thức được ra những chủ đề mà chúng ta đang nói tới đây. Khi chúng ta không còn phải lo lắng về chuyện thiếu ăn thiếu mặc nữa, chúng ta sẽ bàn đến quan hệ giữa đàn ông và đàn bà. Nhưng tôi nghĩ chủ đề đàn ông và đàn bà còn phức tạp hơn nữa ở Trung Quốc. Chúng ta phải đấu tranh với hơn năm mươi dân tộc, vô sô biến động chính trị và những tập tục lâu đời quy định cách ứng xử, chịu đựng và ăn mặc dành cho phụ nữ. Thậm chí chúng ta còn có tới hơn mười từ khác nhau để gọi người vợ.”

Trong khoảnh khắc, Kim Soái trông giống một cô gái vô tư, ngây thơ. Sự nhiệt tình hợp với cô hơn là lớp vỏ của một cô gái làm PR và tôi thấy ưa cô hơn.

“À, Hân Nhiên, chúng ta có thể nói về những câu danh ngôn gắn với phụ nữ không nhỉ? Ví dụ như: Gái chính chuyên chỉ có một chồng. Trong lịch sử Trung Quốc, đã có bao nhiêu người phụ nữ góa chồng thậm chí không bao giờ nghĩ tới chuyện tái giá để bảo vệ thanh danh cho gia đình? Có bao nhiêu người phụ nữ đã bị hoạn mất bản năng giống cái của mình vì thể diện? Ồ, tôi biết hoạn không phải là từ dùng cho phụ nữ, nhưng tình trạng đó đúng là như vậy. Ở nông thôn bây giờ vẫn còn những người phụ nữ như thế. Và còn có câu về cá…”

“Cá gì?” Tôi chưa từng nghe kiểu nói như thế bao giờ và nhận thấy mình hẳn có vẻ rất ngờ nghệch trong con mắt của giới trẻ thời nay.

Kim Soái thở dài một cách phô trương và gõ gõ mấy cái đầu móng tay sơn màu xuống mặt bàn. “Ôi, tội nghiệp Hân Nhiên. Chị thậm chí còn chẳng biết đến cách phân loại đàn bà. Làm sao chị có thể hy vọng hiểu nổi đàn ông cơ chứ? Để tôi nói chị hay. Khi rượu vào đàn ông mới buột ra một loạt các định nghĩa về phụ nữ. Tình nhân là Cá kiếm, ngon lành nhưng xương nhọn hoắt. Thư ký riêngCá chép, hầm càng lâu mùi vị càng ngon. Vợ người là Cá nóc Nhật Bản, thử một miếng có thể tiêu ngay, nhưng liều mạng thì anh ta sẽ vênh váo được với đời.”

“Thế còn vợ họ thì sao?”

“Cá tuyết muối.”

“Cá tuyết muối. Là sao?”

“Vì cá tuyết muối giữ được lâu. Khi không còn thứ nào khác, cá tuyết muối vừa rẻ vừa tiện, thêm cơm nữa là thành bữa… Nào, giờ thì tôi phải đi Làm. Lẽ ra chị không nên nghe tôi huyên thuyên quá lâu như thế. Sao nãy giờ chị không nói gì cả?”

Tôi im lặng, bị ám ảnh bởi sự so sánh đáng kinh ngạc giữa vợ với cá tuyết muối.

“Đừng quên trả lời ba câu hỏi của tôi trong chương trình của chị đấy: Phụ nữ có nhân sinh quan gì không? Với phụ nữ thế nào là hạnh phúc? Và điều gì làm nên một người phụ nữ tốt?”

Kim Soái uống hết tách trà, cầm lấy túi xách và đi.

Tôi ngẫm nghĩ về ba câu hỏi của cô rất lâu, nhưng tôi nhận ra rằng mình không biết câu trả lời. Dường như có một cái hố ngăn cách khổng lồ giữa hai thế hệ chúng tôi. Suốt mấy năm sau đó, tôi đã có cơ hội được gặp gỡ nhiều sinh viên hơn nữa. Khí chất, quan điểm và cách sống của thế hệ phụ nữ Trung Quốc mới lớn lên trong thời kỳ Cải Cách Mở Cửa hoàn toàn khác với bố mẹ họ. Nhưng dù họ có đủ các loại lý thuyết màu mè về cuộc đời, vẫn có một tầng trống rỗng phía sau suy nghĩ của họ.

Họ có đáng trách vì điều đó không? Tôi không nghĩ vậy. Quá trình trưởng thành của họ thiếu mất điều gì đó, khiến họ thành ra thế. Họ không được lớn lên trong một môi trường bình thường, thân ái.

Sau giai đoạn xã hội mẫu quyền thuở xa xưa, địa vị của người phụ nữ Trung Quốc luôn luôn ở mức thấp nhất. Họ bị xem như đồ vật, như một phần tài sản, bị chia sẻ cùng với lương thực, công cụ và vũ khí. Sau này, họ được phép gia nhập thế giới đàn ông, nhưng họ chỉ được tồn tại dưới chân của đàn ông – hoàn toàn phụ thuộc vào sự tốt xấu của người đàn ông. Nếu học về kiến trúc của Trung Hoa, bạn sẽ thấy rằng phải mất bao nhiêu năm ròng một bộ phận nhỏ phụ nữ mới được phép rời khỏi chái nhà ở sân trong (nơi cất dụng cụ làm việc và để gia nhân ngủ) để chuyển ra căn buồng bên cạnh gian chính (nơi chủ gia đình và các con trai của ông ta sống).

Lịch sử Trung Hoa rất dài, nhưng thời điểm người phụ nữ có cơ hội được là chính mình và đàn ông bắt đầu hiểu họ thì lại rất muộn. Vào những năm 1930, khi phụ nữ Phương Tây đang đấu tranh đòi bình đẳng giới, phụ nữ Trung Quốc mới chỉ bắt đầu phản đối xã hội phụ quyền, không còn tự nguyện bó chân, hay để cho bề trên sắp đặt chuyện hôn nhân của họ. Tuy nhiên, họ vẫn không hiểu được trách nhiệm và quyền lợi của người phụ nữ là gì; họ không biết làm thế nào để đấu tranh giành lấy thế giới riêng. Họ ngây ngô tìm kiếm câu trả lời trong không gian chật hẹp của chính họ, và trong một đất nước mà cả nền giáo dục do Đảng chỉ đạo. Hậu quả gây ra cho thế hệ trẻ thật đáng lo ngại. Để tồn tại trong thế giới khắc nghiệt này, nhiều phụ nữ trẻ như Kim Soái phải khoác lên người chiếc áo giáp cứng rắn và đè nén tình cảm thực của mình.

Bình luận