Sao Mộc Lan
Ấn tượng sâu sắc nhất với tôi chính là hình ảnh Kha Ái trong chiếc váy đỏ, xinh đẹp dịu dàng như mảnh lụa mềm. Khi đó, tôi thường chạy sau lưng chị, gọi lớn: “Ái Ái, Ái Ái!” Chị sẽ dừng lại, cười nhìn tôi: “Em trai, em trai, theo sát chị nhé!”
Tôi gật đầu rối rít: “Dạ!”
Chúng tôi cùng nhau lên núi bắt sâu, cùng nhau trồng cây trước nhà ông nội, cùng nhau đeo cặp đến trường… Hai chúng tôi cực kỳ giống nhau. Thỉnh thoảng, hai chúng tôi sẽ đóng giả làm đối phương, tráo đổi thân phận một ngày. Chỉ có mình ông nội nhận ra sự khác biệt, còn người khác nếu không nhìn kỹ, kiểu gì cũng sẽ nhận nhầm.
Kha Ái là thần tượng của tôi. Chị luôn phóng khoáng, lạc quan, lúc nào cũng hoạt bát nói cười. Chị là lớp trưởng kiêm lớp phó học tập, được tất cả bạn bè và thầy cô yêu quý. Còn tôi… tôi giống như chiếc đuôi nhỏ bám theo chị. Chỉ cần được đứng chung một chỗ với chị là tôi đã thỏa mãn lắm rồi.
Cô giáo nói: “Kha Thiển giống con gái, Kha Ái mới giống con trai, còn nhỏ tuổi đã biết chăm lo cuộc sống cho cả hai chị em rồi. Không dễ chút nào.” Tôi rất tự hào vì có một người chị như vậy. Rất nhiều người ghen tị với tôi. Ai bảo họ không có chị chứ?
Lúc ấy, tôi vẫn chưa nghe đến câu nói “Một phiên bản khác của tôi trên thế giới”. Sau này, tôi xem phim Nhật mới biết được. Nhìn dòng chữ này mà nước mắt tôi suýt tuôn rơi. Có lẽ ngay từ phút giây ấy, tôi đã yêu thích cuồng nhiệt những thứ huyền ảo, xinh đẹp, nhiệt huyết và ấm áp kia. Trong thế giới cosplay, tôi chính là diễn viên xuất sắc, là vị vua không ngai. Tôi có thể hóa thân thành người chị mà mình đã đánh mất: Kha Ái.
Người họ hàng giàu có đến chọn con nuôi khi chúng tôi học lớp Ba. Ngày đó, tôi không biết mục đích của họ, chỉ thấy họ cứ quấn quýt nói chuyện với chị, hỏi Kha Ái có phải là đội trưởng đội Thiếu niên, có phải luôn đứng nhất khối hay không. Chị sợ sệt gật đầu. Họ bảo chị biểu diễn gì đó, chị bèn múa một điệu Tân Cương khiến họ vui tươi hớn hở.
Lúc đó, ông nội đã già lắm rồi. Ông nheo mắt ngồi một góc hút thuốc. “Mỗi đứa đều có số mạng của riêng mình. Chỉ cần chúng đều sống tốt là được.” Rồi ông liếc mắt nhìn tôi đầy thâm ý. Tôi không hiểu ánh mắt của ông nghĩa là gì, nhưng cảnh tượng ấy đã khắc sâu vào tâm trí tôi rất nhiều năm về sau.
Sau đó, họ lại đến nói chuyện với tôi. Tôi trốn phía sau chị, cảnh giác nhìn họ. Khi tay họ chạm đến góc áo, tôi hoảng hốt chạy vào nhà, không nghe rõ tiếng họ trao đổi gì đó với nhau.
Một thời gian sau, tối nào tôi cũng thấy chị lén khóc một mình. Tôi bèn hỏi: “Chị, sao chị khóc? Có phải họ bắt nạt chị không?” Bởi vì mấy ngày đó, họ luôn dẫn chị đi chơi nhưng không dẫn tôi theo.
“Không có…” Chị nức nở. “Họ đối với chị tốt lắm, mua cho chị rất nhiều thứ, còn mua rất nhiều đồ tẩm bổ cho ông. Mấy thứ đó đắt lắm.”
“Em chẳng thèm quan tâm.” Tôi lẩm bẩm.
Chị lại sụt sùi. “Kha Thiển, nếu một ngày nào đó chị rời đi, em phải cố gắng học tập, chăm sóc tốt cho ông nội, biết không?”
Tôi nắm chặt lấy tay chị: “Em không muốn rời xa chị đâu!”
Ngày chị đi, tôi không hề hay biết. Khi tôi và ông nội đi mua gạo và dầu trở về, đồ đạc của chị trong nhà đã được dọn sạch sẽ. Chị để lại lá thư cho tôi:
“Kha Thiển!
Chị không biết mình lựa chọn như vậy có đúng không. Nhưng trước khi mẹ mất đã dặn chị phải chăm sóc hai chị em và ông thật tốt. Cô chú rất dư dả nhưng không có con, họ muốn có một đứa con.
Ông nội sắp dùng hết tiền để dành rồi. Tiền bố mẹ để lại cũng chẳng còn bao nhiêu. Họ bảo ông nội không thể nuôi nổi cả hai chúng ta. Chị là con cả thì nên san sẻ giúp gia đình. Nếu họ bằng lòng dẫn em sang Mỹ, chị sẽ càng vui hơn. Nhưng bây giờ không còn cách nào khác, họ chỉ muốn đưa chị đi thôi.
Bố từng nói một câu: “Bảo kiếm phải qua tôi luyện”. Tương lai, chúng ta phải thi đỗ vào trường đại học thật tốt, kiếm được thật nhiều tiền mới có thể mang lại cuộc sống hạnh phúc cho gia đình ba người chúng ta. Mà ở Mỹ có rất nhiều, rất nhiều tiền.
Chị đi đây, đừng hận chị, cũng đừng lo cho chị. Chị nhất định sẽ trở về. Chị xin thề bằng sinh mạng của mình.
Kha Ái.”
Đó là lần ly biệt đầu tiên trong cuộc đời của tôi và Kha Ái. Lần đó, tôi đã rất tức giận, không ăn cơm cũng không để ý đến ai mấy ngày liền, đến mức ông nội lôi tôi ra đánh mắng: “Kha Ái có thể đến Mỹ là phúc ba đời của nó. Nếu không một mình lão già như ông nuôi hai đứa con, làm sao có được tương lai gì?”
Tôi bật khóc nức nở. Nhưng tôi có thể giận chị bao lâu chứ? Tôi lại bắt đầu ngày ngày ngóng trông điện thoại và thư từ của chị, nhưng mãi vẫn chẳng thấy gì.
Cô chủ nhiệm thấy tôi mỗi ngày đều chạy đến hòm thư trong trường bèn an ủi: “Con à, chị con sang Mỹ, chưa quen với cuộc sống bên đó. Một đứa trẻ như thế sao có thể tìm được chỗ gửi thư hay gọi điện thoại đường dài cho con chứ? Đừng đợi nữa.”
“Dạ.”
Khi đó, tôi nào biết rằng cuộc chia ly này lại lâu đến vậy.
Lúc tôi thi đỗ đại học thì ông nội qua đời. Tôi chỉ mang một ba lô hành lý đơn giản đến thành phố Bắc Kinh rộng lớn này. Tình hình có khác đôi chút so với tưởng tượng của tôi. Khi tôi ngẩng đầu đối mặt và cười với bạn cùng phòng, họ nhìn quần áo cùng chiếc ba lô thô kệch của tôi, chỉ nở nụ cười xã giao, không lạnh nhạt cũng chẳng nhiệt tình.
Cảm giác của tôi khi đó tựa như một con sâu róm, luôn dè dặt vươn râu dưới ánh mặt trời. Người khác chán ghét né tránh, còn tôi lập tức co rúc vào bóng râm dưới lá cây.
Bốn năm đại học, tôi chưa bao giờ thân thiết với ba người bạn cùng phòng. Tôi cảm thấy mình và họ không phải kiểu người cùng chung chí hướng. Đôi khi họ tụ tập nhậu nhẹt, ăn uống, xem đá bóng cũng không hề gọi tôi. Tôi chỉ ở trong phòng ôn bài hoặc hóa trang với bộ cosplay nữ mới mua. Họ không thích tôi, tôi cũng không thích họ.
Tôi thật sự chán ghét cảm giác bị cô lập, nhưng luôn bị người ta xa lánh. Tôi lấy nước nóng cho ba người họ mỗi sáng, quét dọn phòng ký túc xá điểm danh hộ khi họ trốn học, cho họ chép bài trong mỗi kỳ thi. Tôi đã ngây thơ nghĩ rằng những điều đó sẽ đánh đổi được sự tôn trọng của họ dành cho tôi.
Thành lập câu lạc bộ Anime Nguyệt Ảnh là do một cơ duyên. Bạn cùng trường Tưởng Học Nhiễm đề nghị với tôi: Kha Thiển, tôi từng xem nhiều bài biểu diễn của cậu rồi. Cậu là cosplayer giỏi nhất tôi từng gặp. Chúng tôi định thành lập một câu lạc bộ, muốn mời cậu gia nhập nhóm thành viên sáng lập. Cậu có hứng thú không?”
Lúc đó, tôi thấy khó tin vô cùng, trong lòng rạo rực vui sướng trước thiện ý vừa nhận được.
“Ồ, được, được.” Tôi đồng ý ngay tức khắc. “Tôi bằng lòng tham gia.”
“Vậy…” Tưởng Học Nhiễm ngập ngừng. “Cậu có ý kiến và yêu cầu gì không?”
Tôi lập tức đáp: “Tôi không có bất kỳ yêu cầu gì cả.”
Tôi thoáng thấy ánh mắt Tưởng Học Nhiễm phía sau cặp kính lóe lên chút ranh ma. Nhưng khi đó, làm sao tôi nhìn thấu được lòng người?
Câu lạc bộ hoàn toàn mới, các thành viên có cùng sở thích, tôi còn là một trong những người sáng lập. Những điều này tựa như thế giới đã mở ra cánh cửa sáng ngời ngay trước mắt tôi. Vì thế, tôi dốc toàn bộ tinh lực vào câu lạc bộ Nguyệt Ảnh. Chúng tôi thuê một căn phòng giá rẻ, tôi ở đó 24/24, suy nghĩ nên trang trí thế nào cho đẹp. Mỗi tấc giấy dán tường đều là tự tay tôi dán. Cả tuần tôi chỉ ăn mì gói để mua vật trang trí hình hòa thượng nhỏ mà tôi cực kỳ thích nhưng không dám mua ngày trước.
Tôi cho rằng mình đã có được tất cả, nhưng không ngờ bọn họ chẳng khác gì những người khác. Bọn họ lười biếng, tham lam, cãi nhau ầm ĩ chỉ vì chút tiền thưởng, phải dựa vào tôi mới đạt giải nhưng vô cùng miễn cưỡng khi thừa nhận điều này.
Tôi cố gắng chuẩn bị trang phục biểu diễn cho từng người, thắt lưng buộc bụng để mua được một bộ đạo cụ mới, chăm chỉ quét dọn từng ngóc ngách trong Studio. Thậm chí, khi bọn họ sai bảo tôi đi mua đồ ăn sáng, chạy vặt… tôi đều đáp ứng.
Tôi chỉ muốn nỗ lực hết mình để giữ câu lạc bộ này đừng tan rã. Nhưng có ích gì đâu? Dần dà, bọn họ càng lúc càng lười đến câu lạc bộ, càng lúc càng thô lỗ với tôi. Sau này, tôi mới hiểu được, vấn đề không phải ở bọn họ, không phải ở người khác, mà là ở tôi.
Tất cả đều như vậy thì nhất định là do tôi có vấn đề rồi. Giống như Văn Hiểu Hoa nói, tôi đắm chìm trong ảo tưởng, trốn tránh hiện thực, quá e dè nhu nhược, đúng không?
“Không, A Thiển, vấn đề không phải ở em. Đó là sai lầm của họ.” Chị đã nói với tôi như thế bằng ngữ điệu dịu dàng và kiên nhẫn. “Có ước mơ, nghiêm túc, nỗ lực, đối xử tử tế với mọi người thì có gì sai? Là họ không biết quý trọng một người tốt như em.”
Tôi nức nở ngẩng đầu nhìn chị. Giống như ngày trước, chị vẫn là Kha Ái xuất sắc, xinh đẹp, luôn trìu mến và âu yếm nhìn tôi. Chị thật sự đang ở trước mắt tôi rồi.
Chị thật khờ, cứ luôn miệng xin lỗi. Làm sao tôi có thể trách chị cơ chứ? Trong lòng tôi, chị và tôi chính là một thể.
Ba tháng đó là quãng thời gian tôi sống vui vẻ nhất. Kha Ái rất tuyệt vời, vừa tốt bụng vừa thông minh. Chị lấy hết tiền để dành và phần tiền bố mẹ nuôi ủng hộ để tôi lập nghiệp. Tôi chỉ muốn ở cùng chị, dõi theo chị, quan sát từng cử chỉ hành động của chị. Chị thật sự quá hoàn mỹ. Thậm chí, buổi tối một mình ở trong căn nhà gỗ, tôi lại không kìm lòng được đóng giả làm chị. Có khi giống như lúc còn bé, tôi quấn lấy chị đòi đổi quần áo, hoán đổi thân phận, thậm chí còn đi học thay chị một buổi nữa. Tôi trang điểm, giả giọng, học cách ăn nói của chị. Bạn học chị không ai nhận ra cả.
Tôi cũng thử hóa trang, thay trang phục cosplay cho chị. Chị vô cùng xinh đẹp, còn đẹp hơn cả tôi.
Tôi sợ mọi người nghĩ nhiều nên không nói số tiền kia là của chị. Tôi nghĩ một nhà đầu tư thiên thần nhất định sẽ khiến bọn họ có lòng tin hơn. Chiều hôm đó, dường như họ cũng dao động khi nghe những lời tôi nói.
Tôi cho rằng, tất cả sẽ phát triển theo chiều hướng tốt. Tôi cho rằng, rốt cuộc có thể sống cuộc đời chỉ cần theo đuổi lý tưởng của mình.
Đêm đó tôi đứng ngoài cửa sổ khóc suốt. Tôi nhìn Kha Ái nằm bất động trên sàn nhà, nhìn họ bỏ chị vào túi dệt mang đi chôn. Tôi chỉ cảm thấy hai mắt mình không còn nhìn rõ sao trên trời hay mặt đất dưới chân nữa. Tại sao cuộc đời lại bất công như vậy? Tại sao con người lại ác độc đến vậy?
Kha Ái, Kha Ái, cô gái thuần khiết, tốt đẹp biết bao! Tại sao chị lại mất đi sinh mạng trong một đêm tầm thường và tịch mịch như thế?
Tôi cảm giác cả người như đang trong cõi mộng. Nhưng tôi lại quá nhát gan, chỉ biết trơ mắt nhìn bọn họ khiêng xác Kha Ái đi xa. Bởi vì tôi biết, nếu mình xuất hiện thì chỉ có con đường chết.
Hóa ra hại chết một người là chuyện đơn giản như thế. Nó ở ngay bên cạnh ta, nằm trong dục vọng xâu xa của mỗi người.
Tôi dùng máu heo và sốt cà chua cọ rửa sàn nhà hết lần này đến lần khác đến khi lau sạch vết máu của Kha Ái. Cuối cùng, tôi cắt ngón tay nhỏ máu ở rất nhiều chỗ trong phòng.
Sau đó, tôi ra quán cắt tóc, đưa mái tóc trong tay ra trước mặt anh thợ.
Anh ta giật bắn người: “Làm gì vậy?”
“Nối tóc.”
Sắc mặt anh ta hơi khó coi, nhưng vẫn nhận số tiền lớn tôi đưa rồi tỉ mỉ nối từng lọn.
Tôi nhìn người trong gương, tóc đen phủ kín vai tựa như nỗi nhớ trải dài. Tôi kẻ chân mày và thoa son giống chị rồi ngẩng đầu cười với thợ làm tóc. Anh ta nhìn đến ngây người.
Bên ngoài trời đổ cơn mưa rả rích. Tôi thay quần áo nữ, quấn khăn che lấp nửa gương mặt. Gót giày lộc cộc bước đi trên đường, nước mưa uốn lượn bên cạnh chân tôi như dòng suối nhỏ, nhìn tôi dáng vẻ thướt tha, nhìn tôi trong thân phận mới, nhìn tôi ôm hận báo thù…
Rốt cuộc tôi không còn thấp hèn nữa. Những khát vọng trong thế giới này sớm đã tan biến cả rồi. Tôi ngẩng đầu nhìn bầu trời xanh trong sau cơn mưa, mỉm cười hạnh phúc…
Kha Thiển, chị là Kha Ái, chị trở về rồi.