Cảnh Vạn Chung vốn biết Hoa Vạn Tử tuy còn nhỏ tuổi nhưng thông minh hơn người. Hắn thấy nàng không lo về kiếm thật hay kiếm giả thì chắc là có điều gì quan trọng lắm. Hắn liền sững sốt hỏi:
-Vậy sư muội lo điều chi?
Hoa Vạn Tử đáp:
-Chúng ta đã không giữ được người thì tiểu muội e rằng khó lòng giữ vững được hai thanh bảo kiếm của họ. Chúng ta chẳng lạ gì họ quý hai thanh kiếm này chẳng kém gì tính mạng.
Cảnh Vạn Chung giật mình hỏi lại:
-Theo ý Hoa sư muội thì có thể xảy ra chuyện gì?
Hoa Vạn Tử đáp:
-Tiểu muội nhớ năm ngoái có một hôm tiểu muội ngồi rỗi nói chuyện với Bạch sư tẩu có đề cập đến bảo đao cùng bảo kiếm trong thiên hạ. Lúc ấy thằng giặc non Thạch Trung Ngọc cũng đứng bên hớt lẻo. Gã khoe song thân gã là Hắc bạch song kiếm có một món lợi khí vào bậc nhất thiên hạ. Gã còn nói, song thân gã cho gã lên học nghề ở núi Ðại Tuyết Sơn này ba năm không nhìn thấy thì còn được. Chứ đối với cặp kiếm đó thì song thân gã không bao giờ chịu rời một ngày. Cảnh huynh! Con người ta ở đời còn gì yêu quý cho bằng con ruột? Thế mà vợ chồng Thạch trang chúa coi bảo kiếm hơn cả con mình. Bây giờ họ chịu giao bảo kiếm vào tay chúng ta thì biết đâu chỉ trong vòng mấy bữa bằng cách này hay cách khác họ phải lấy cắp cho bằng được. Họ lấy cặp kiếm rồi mới đến thành Lăng Tiêu đòi chúng ta thì thiệt khó mà trả lời được.
Kha Vạn Quân nóng nảy đáp:
-Bọn anh em mình bảy người lúc nào cũng giương mắt ra mà nhìn thì hai thanh bảo kiếm kia có mọc cánh cũng không bay đi nổi.
Cảnh Vạn Chung trầm ngâm một lúc rồi nói:
-Lời Hoa sư muội không phải là quá đáng. Thạch Thanh là nhân vật phi thường.
Chúng ta phải gia tâm đề phòng mới được, không thì có lúc bị ngã bổ chửng với họ đó.
Vương Vạn Nhân cũng nói:
-Ðề phòng cẩn thận là chuyện rất đúng. Bắt đầu từ hôm nay, bọn trai chúng mình sáu người phải luân lưu mà trông nom gìn giữ bảo kiếm, chớ để xảy chuyện bất trắc.
Vương Vạn Nhân ngừng một chút rồi hỏi:
-Cảnh sư ca! Vợ chồng thằng cha họ Thạch đó bây giờ xuống thành Biện Lương. Chúng mình có nên đi không?
Cảnh Vạn Chung lấy làm khó nghĩ. Nếu mình nói rằng không đi thì tỏ ra khiếp nhược. Ðã xuống Trung Nguyên mà không vào thành Biện Lương thì thật vô lý, chẳng khác chi qua cửa mà không vào nhà. Sau này anh em nhắc tới chuyện này thì thật là mất mặt. Nhưng gã biết rõ vợ chồng Thạch Thanh hiện ở thành Biện Lương mà mình cứ đem bảo kiếm vào thành thì thật nguy hiểm vô cùng.
Cảnh Vạn Chung còn đang trầm ngâm chưa quyết, bỗng nghe có tiếng quát tháo om sòm.
Trên đường lớn, một đội quan binh đi tới. Trong đám này có bốn tên kiệu phu khiêng một cổ kiệu lớn rèm xanh. Ðúng là kiệu quan sở tại rồi.
Cảnh Vạn Chung ngó thấy một xác chết còn nằm lăn ra đó liền nghĩ ngay:
-Ðây là một chứng cớ rất có thể phiền phức cho bọn mình đối với quan nha.
Hắn liền đưa mắt nhìn mọi người rồi nói:
-Chúng ta đi thôi!
Bảy người toan lánh đi cho mau thì một tên sai nha đã lớn tiếng la:
-Quân cường đạo giết người kia đừng chạy nữa! Các bạn hãy bắt lấy bọn cường đạo này.
Cảnh Vạn Chung không thèm nói gì với bọn sai nha, vẩy tay cho đồng bọn đi mau.
Bỗng lại nghe tiếng sai nha la lên:
-Hung thủ giết người là Bạch Tự Tại, chính là thằng cha chưởng môn bất tử của phái Tuyết Sơn. Hắn là một đứa vô oai vô đức chỉ chuyên cướp của giết người. Thế mà mang tên Bạch Tự Tại, sao không biết thẹn?
Bọn đệ tử phái Tuyết Sơn nghe vậy thì vừa kinh hãi vừa tức giận.
Ta nên biết rằng Uy Ðức tiên sinh Bạch Tự Tại chính là sư phụ bọn này. Bây giờ bị một tên sai nha địa vị nhỏ bé dám mở miệng nói những gì vô uy vô đức cùng là chuyên cướp của giết người thì họ còn nín nhịn làm sao được.
Vương Vạn Nhân rút thanh trường kiếm ra khỏi vỏ đánh soạt một cái, thét lớn:
-Gã cẩu quan vô lễ kia! Sao mi dám khinh người? Ta phải xẻo lưỡi mi đi rồi sẽ tính.
Cảnh Vạn Chung vội cản ngăn:
-Vương sư đệ hãy khoan! Bọn quan nha làm gì biết được ngoại hiệu cùng danh húy sư phụ? ta chắc sau lưng chúng còn có người sai khiến.
Hắn nói vậy rồi băng mình tiến ra chắp ty hỏi:
-Không hiểu đại giá vị quan trưởng nào tới đây?
Ðột nhiên véo một tiếng! Từ trong kiệu bay ra một trái ám khí bắn trúng vào huyệt Phục chấn bên đùi Cảnh Vạn Chung.
Aùm khí này rất nhỏ bé mà luồng lực đạo cực kỳ mãnh liệt.
Cảnh Vạn Chung vừa bị ám khí bắn trúng chân đã mềm nhủn, ngã lăn ra. Nhưng hắn là một tay cao đồ dưới trướng phái Tuyết Sơn thì không thể mới bị chiêu đã mất hết sứ chống chọi.
Tuy hắn ngã rồi, nhưng tay vẫn rút trường kiếm ra liệng vào trong kiệu đánh vù một tiếng.
Chiêu này kêu bằng Hạc phi cửu thiên vừa độc địa lại vừa trúng đích. Thanh trường kiếm xuyên qua rèm kiệu đâm vào, hiển nhiên đã trúng người vừa phóng ám khí.
Cảnh Vạn Chung mừng thầm trong bụng. Hắn thấy bốn tên kiệu phu vẫn khiêng kiệu như bay.
Bỗng thấy một chiếc roi ngựa từ trong kiệu tung ra quét vào chân Vương Vạn Nhân giựt mạnh một cái. Người Vương Vạn Nhân bị hất tung đi. Thanh Hắc kiếm ở trong tay gã bị roi ngựa cuốn mất.
Hoa Vạn Tử la lên hỏi:
-Có phải Trang chúa đó không?
Nàng rút thanh Bạch kiếm ra khỏi vỏ để khều lấy roi ngựa.
Bỗng véo một tiếng vang lên! Từ trong kiệu lại bay ra một hạt ám khí đánh vào cổ tay nàng.
Hoa Vạn Tử cổ tay tê nhức, đánh rớt thanh Bạch kiếm xuống đất. Một gã sư huynh đồng môn liền đưa chân ra đạp lên thanh kiếm.
Ðột nhiên trong kiệu lại bay ra một vật chụp lấy đầu gã này. Gã giật mình kinh hãi, mắt tối sầm lại. Gã vội co chân nhảy lùi lại phía sau. Ðồng thời thò tay lên đầu lột vật đó ra liệng xuống đất. Gả ngó lại thì đó là một cái chóp mũ của quan binh.
Chiếc roi ngựa lại từ trong kiệu vung ra cuốn lấy thanh Bạch kiếm vào trong kiệu.
Bọn Kha Vạn Quân hô nhau rượt theo. Trong kiệu lại liệng ra vô số ám khí. Bọn đệ tử phái Tuyết Sơn kẻ bị ám khí liệng trúng mặt, người bị trúng lưng, không ai tránh thoát.
Những thứ ám khí này tuy không trúng vào huyệt mạch trọng yếu đến chết người, nhưng họ cũng bị đau đớn vô cùng. Mọi người ngó lại món ám khí đó thì không khỏi thộn mặt ra vì toàn là khuy áo bằng đồng mà hiển nhiên vừa mới tháo
ở áo ra.
Các đệ tử phái Tuyết Sơn biết rõ võ công người ngồi trong kiệu còn cao thâm hơn bọn mình nhiều lắm. Dù có đuổi theo động thủ thì đến vỡ mặt sứt mày, chưa chắc đã ăn thua gì. Họ đều nghi cho Thạch Thanh đã dở trò này.
Kha Vạn Quân tính nón như lửa. Gã tức quá thét lên:
-Thằng cha họ Thạch thiệt là một đứa tiểu nhân vô liêm sĩ! Hắn vừa giao binh khí để làm tin mà mới chớp mắt đã cướp lại rồi.
Vương Vạn Nhân cũng trỏ tay về phía sau lưng bọn quan nha thóa mạ:
-Quân chó đẻ! Phương đê tiện!
Cảnh Vạn Chung liền lên tiếng:
-Vụ này mà đồn đại ra ngoài thì anh em mình chẳng đẹp mặt gì đâu. Chúng ta im đi là hơn. Bây giờ hãy quay về bẩm rõ với sư phụ rồi sẽ tính.
Cổ kiệu kia đi được mấy dặm rồi liền rẽ vào con đường nhỏ.
Bọn phu khuân kiệu chạy trối chết. Chúng mệt nhoài nhưng hể hơi đi thong thả lại một chút là liến bị roi ngựa từ trong kiệu vung ra veo véo đập vào lưng. Tên nào sau lưng cũng rướm máu chảy đầm đìa, chằng chịt vết roi. Hai tên phu kiệu đàng trước càng sợ hơn phải thục thân mà chạy, không dám trùng trình chút nào.
Hai tên khiêng đằng sau cũng phải liều mạng chạy theo.
Từ lúc rẽ vào đường nhỏ rồi, bọn phu kiệu lại chạy thêm bốn năm dặm nữa, thì người trong kiệu lên tiếng bảo chúng:
-Hay lắm! Các ngươi dừng lại đã!
Bốn tên phu kiệu nghe lệnh này ban ra thì chẳng khác gì được nhà vua ban lệnh đại xá. Chúng thở hồng hộc hạ kiệu xuống.
Rèm kiệu vừa vén lên một lão già tay dắt gã ăn xin bước ra. Lão chính là Tạ Yên Khách, chủ nhân Huyền Thiết Lệnh.
Tạ Yên Khách nhìn mấy tên sai quan lớn tiếng quát:
-Các ngươi quay về bảo cho lão cẩu quan là vụ hôm nay không được phao đồn ra ngoài. Nếu lão gia mà thấy các ngươi đồn đại về vụ này thì cái đầu của bọn ngươi sẽ không còn ở trên cổ nữa. Lão gia còn lấy cả ấn tín của lão cẩu quan đó liệng xuống sông Hoàng Hà.
Mấy tên sai nha lạy như tế sao luôn miệng kêu van:
-Dạ! Dạ! bọn tiểu nhân không dám rỉ răng. Dù có bị quan ôn Hà bá tra khảo cũ ng đành chịu chết chứ chẳng dám cung khai, xin lão gia cứ yên lòng thủng thẳng mà đi, đừng e ngại chi hết.
Tạ Yên Khách cười khà khà nói:
-Những tên chó má này gớm thật! Bọn ngươi xui ta đi thong thả để rồi kêu quan binh đến tróc nã ta phải không?
Bọn sai nha vội đáp:
-Không dám! Không dám! Dù ông cha bọn tiểu nhân có sống lại xui giục, bọn tiểu nhân cũng không dám.
Tạ Yên Khách quắc mắt lên hỏi chúng:
-Ta dặn bọn mi về nói gì với lão cẩu quan bọn mi đã nhớ chưa?
Bọn sai nha đáp ngay:
-Bọn tiểu nhân đã thuộc lòng rồi. Bây giờ bọn tiểu nhân về trình quan là đã chính mắt mình trông thấy lão lưng gù bán bánh nướng tại Hầu Giám Tập bị một lão già tên gọi Bạch Tự Tại giết chết. Hung khí là thanh đơn đao hãy còn vết máu.
Nhân chứng và tang vật hãy còn đủ cả. Chắc quan huyện không còn hỏi vào đâu được nữa.
Bọn sai nha kể ra những hung khí cùng nhân chứng là cốt ý để lấy lòng Tạ Yên Khách.
Bọn sai nha này đã bị lão Tạ Yên Khách đánh đau trước lúc hành sự nên chúng sợ vỡ mật, không dám hổn hào với lão. Cả đến thanh đao mà bọn chúng định dùng làm hung khí cũng do bọn sai nha lại trong huyện đưa ra hết.
Tạ Yên Khách cười hỏi:
-Nhưng lão họ Bạch kia lại sử kiếm chứ không dùng đao?
Sai nha đáp ngay:
-Dạ! Dạ! hung phạm tay cầm một cây kiếm thanh cương. Bọn tiểu nhân sẽ lấy một thanh kiếm đâm vào lưng lão gù ở Hầu Gíám Tập và nói là mọi người trông thấy rõ ràng.
Tạ Yên Khách thấy bộ điệu của bọn sai nha thì không khỏi cười thầm trong bụng. Lão lẩm bẩm:
-Uy Ðức tiên sinh Bạch Tự Tại muốn giết Ngô Ðạo Nhất bằng thứ binh khí gì ta cũng cóc cần.
Lão không lý gì đến bọn sai nha nữa. Một tay lão dắt gã ăn xin, một tay cầm đôi Hắc Bạch song kiếm của vợ chồng Thạch Thanh băng mình đi luôn, vẻ mặt ra chiều đắc ý.
Nguyên Tạ Yên Khách từ lúc đem gã ăn xin đi rồi, trong lòng lão vẫn áy náy và đem lòng ngờ vực vợ chồng Thạch Thanh cùng bọn đệ tử phái Tuyết Sơn sẽ ngấm ngầm bày mưu thiết kế để làm điều bất lợi cho mình.
Lão đi được mấy dặm thì điểm huyệt gã ăn xin rồi giấu vào trong bụi cỏ rậm.
Ðoạn lão theo dõi bọn kia để lén nghe xem họ bàn định những gì.
Võ công Tạ Yên Khách so với vợ chồng Thạch Thanh cũng cao thâm hơn nhiều,chứ không cần nói đến bọn đệ tử phái Tuyết Sơn.
Lão đứng nấp sau một gốc cây mà Thạch Thanh và Mẫn Nhu đều là những tay khinh công hơn đời cũng không phát giác ra, thì bọn Cảnh Vạn Chung biết thế nào được.
Tạ Yên Khách thấy Thạch Thanh giao song kiếm cho Cảnh Vạn Chung liền nảy ra quyết tâm đoạt hai thanh kiếm này, một là để vợ chồng Thạch Thanh mất bảo kiếm thì cũng chẳng khác gì người bị chặt tay, hai là để gieo mối nghi ngờ giữa vợ chồng họ với bọn đệ tử phái Tuyết Sơn.
Tạ Yên Khách vừa quyết định chủ ý xong quay lại bụi rậm giải khai huyệt đạo cho gã ăn xin, rồi dắt gã ra đi, thì may gặp đúng lúc viên tri huyện dẫn sai nha đến mở cuộc điều tra về vụ án mạng xảy ra tại Hầu Giám Tập.
Lão liền hất quan huyện ra, uy hiếp bọn sai nha và bắt buộc những tên kiệu phu khiêng lão cùng gã ăn xin đi đoạt song kiếm.
Bọn Cảnh Vạn Chung không nhìn thấy mặt Tạ Yên Khách thì cho ngay đây là thủ đoạn của vợ chồng Thạch Thanh.
Tạ Yên Khách dắt gã ăn xin tìm một nơi vắng vẻ. Lão ra đến bờ một con sông nhỏ thấy bốn bề vắng vẻ chẳng có một ai, liền đặt gã ăn xin xuống. Lão cầm thanh Bạch kiếm của Mẫn Nhu kề vào cổ gã, lớn tiếng quát hỏi:
-Mi đã chịu sai khiến của ai? Phải nói thật, nếu sai ngoa nửa lời là lão sẽ giết mi ngay tức khắc.
Lão nói xong vung thanh Bạch kiếm lên đánh vù một tiếng chặt vào một gốc cây nhỏ.
Một tiếng chát chúa vang lên! Cái cây lập tức đứt thành hai khúc. Nửa ngọn có cả cành lá rớt xuống sông đánh rầm một cái rồi theo dòng nước trôi đi.
Gã ăn xin sợ cuống quýt, miệng nói lắp bắp:
-Cháu… cháu… cái gì.. sai khiến..
Tạ Yên Khách lấy tấm Huyền Thiết Lệnh ra hỏi:
-Ai giao cho mi cái này?
Gã ăn xin sợ líu lưỡi lại đáp:
-Cháu.. cháu.. ăn bánh.. lòi ra…
Tạ Yên Khách tức quá xoay tay trái lại nhắm đánh xuống mặt gã. Nhưng cườm tay chưa chạm tới thì đột nhiên lão nhớ tới lời thề độc ngày trước là quyết không bao giờ dùng chưởng, chỉ đánh chết người nào đã giao tấm Huyền Thiết Lệnh vào tay mình. Lão vội ngừng tay lại quát hỏi:
-Mi nói hươu nói vượn gì thế? làm sao mà ăn bánh lại lòi miếng sắt này ra?
Lão dằn từng tiếng hỏi tiếp:
-Ta hỏi mi cái này ai đã giao cho mi?
Gã ăn xin đáp:
-Cháu lượm tấm bánh ở dưới đất lên cắn ăn. Suýt nữa, cháu cắn phải nó, cơ hồ gãy cả hàm răng.
Tạ Yên Khách tâm cơ cực kỳ linh mẫn liền nghĩ thầm:
-Chẳng lẽ Ngô Ðạo Nhất lại đem lệnh bài này nhét vào trong tấm bánh nướng?
Rồi lão tự hỏi:
-Sao thiên hạ lại có chuyện quái dị đến thế? Thằng cha Ngô Ðạo Nhất nắm được tấm lệnh bài này thì hắn phải quý hơn cả tính mạng mới đúng. Có lý đâu lại nhét vào trong tấm bánh nướng?
Lão có hiểu đâu gặp tình trạng khẩn cấp, Ngô Ðạo Nhất thấy bọn người ngựa trại Kim Ðao kéo đến một cách đột ngột vây kín cả bốn mặt tám phương Hầu Giám Tập, hắn cuống quýt không còn đủ thì giờ để giấu diếm cho cẩn thận, nên mới nhét vội vào trong tấm bánh nướng như đã nói ở trên.
Tạ Yên Khách lại nghĩ rằng:
-Dù gặp lúc cấp bách không kịp trở tay, Ngô Ðạo Nhất vội vàng quá nhét bừa vào tấm bánh nướng rồi liệng vào bụi cỏ, góc tường hay bất luận một chổ nào cũng không còn được, vì bọn trại chúng trại Kim Ðao đã bửa ra từng tấm một để khám xét.
Tạ Yên Khách nghĩ vậy liền tìm cách dò hỏi cẩn thận lại gã ăn xin. Lão quắc mắt lên nhìn gã lớn tiếng quát:
-Tên tuổi mi là chi?
Gã ăn xin đáp:
-Cháu.. cháu tên là Cẩu Tạp Chủng.
Tạ Yên Khách rất lấy làm kỳ hỏi:
-Sao tên mi là Cẩu Tạp Chủng ư?
Rồi lão bật lên tràng cười ha hả nói luôn:
-Trong thiên hạ sao lại có thứ tên tuổi gì mà kỳ vậy?
Gã ăn xin đáp:
-Ðúng đấy! má cháu vẫn kêu cháu là Cẩu Tạp Chủng.
Tạ Yên Khách vốn là con người thâm hiểm độc địa. Quanh năm lão bận tâm lo mưu này bày kế khác, nét mặt lúc nào cũng lầm lỳ đăm chiêu, hay cáu kỉnh, chả mấy khi lão bật lên tiếng cười. Bửa nay một là lão đã thu về được tấm Huyền Thiết Lệnh cuối cùng, hai là lão nghe gã ăn xin nói vậy thì không nhịn được phải ôm bụng mà cười.
Lão nghĩ bụng:
-Ở đời lắm người tin nhảm thường đặt con nít lúc mới sinh những cái tên xấu xa bần tiện. Họ cho rằng có như thế thì đứa nhỏ mới không bị ma quỷ ám ảnh quấy nhiễu và mạnh khoẻ hay ăn chóng lớn. Ðó cũng chẳng có chi là lạ. Những cái tên như A Cẩu, A Ngưu, Trư Xỉ, Xư Miêu, mình thường nghe thấy luôn. Nhưng thằng nhỏ này tên là Cẩu Tạp Chủng mới thật là kỳ lạ hơn nữa lại là chính má má gã đã đặt tên cho.
Tạ Yên Khách cười ngặt nghẹo. Gã ăn xin chẳng hiểu gì, thấy lão cười rộ cũng bộ mặt ngớ ngẩn ra mà cười hì hì.
Tạ Yên Khách hết cơn cười rồi lại, hỏi:
-Vây gia gia mi tên họ là gì?
Gã ăn xin lắc đầu đáp:
-Gia gia cháu ư? Cháu làm gì có gia gia?
Tạ Yên Khách lại hoi:
-Trong nhà mi có những ai?
Gã ăn xin đáp:
-Nhà cháu có cháu là một, má cháu là hai và A Hoàng nữa là ba.
Tạ Yên Khách hỏi:
-A Hoàng là người thế nào?
Gã ăn xin đáp:
-A Hoàng có phải là người đâu. Nó là con chó vàng. Má cháu đi rồi không thấy về. Cháu phải đi tìm má, thì A Hoàng cũng đi theo. Sau chắc nó đói quá đi đâu kiếm cái gì ăn rồi mất hút. Cháu tìm quanh tìm quẩn mải mà không thấy nó đâu nữa.
Tạ Yên Khách hỏi:
-Mi muốn yêu cầu ta.
Lão toan hỏi: Mi muốn cầu ta điều gì nhưng mới nói nửa câu thì đột nhiên dừng lại vì lão nghĩ thầm:
-Nếu mình hỏi gã yêu cầu cần điều gì, biết đâu thằng lỏi ngớ ngẩn này lại chẳng bắt mình tìm má nó hay tìm A Hoàng cho nó thì biết đầu mà tìm kiếm. Má má nó chắc là đã đi theo ai rồi. Còn con A Hoàng có khi bị người ta giết ăn thịt rồi
cũng chưa biết chừng. Mình tội gì mà rước lấy cái khó nhọc vào thân. Chẳng thà gã bảo mình đi hạ sát mươi tay cao thủ võ lâm còn dể hơn là đi kiếm má má nó hay con A Hoàng.
Tạ Yên Khách trầm ngâm một lúc sực nghĩ ra một kế liền nói:
-Hay lắm! Ta nói rõ cho mi biết bất luận là ai có tra hỏi giữa mi với ta đã nói chuyện gì với nhau thì mi cũng không được kể lại. Nếu mi tiết lộ một câu gì giữa chúng ta đây thì ta sẽ chặt đầu mi đó. Mi có biết không?
Ta nên nhớ lại rằng vụ gã ăn xin giao tấm Huyền Thiết Lệnh lại cho Tạ Yên Khách chẳng bao lâu đã đồn đại khắp võ lâm, khách giang hồ đều biết tiếng. Lão sợ có người bày mưu cho gã ăn xin cầu khẩn lão một việc nan giải mà lão không thể khước từ được, vì đã có lời thề ngày trước.
Gã ăn xin thấy Tạ Yên Khách hăm dọa mình liền gật đầu đáp:
-Xin vâng!
Tạ Yên Khách vẫn chưa yên lòng, lại hỏi:
-Mi đã nhớ chưa? Ta dặn mi thế nào thử nhắc lại cho ta nghe!
Gã ăn xin đáp ngay:
-Ông bảo hể có ai hỏi cháu đã nói chuyện với ông những gì thì cháu không được mở miệng. Cháu chỉ nói một câu là ông giết ngay lập tức.
Tạ Yên Khách nói:
-Phải rồi! Thằng lỏi này tuy ngây ngô nhưng không đến nổi ngu ngốc. Nếu ngươi quả là đứa si ngốc thì khó mà nhớ được. Bây giờ mi hãy theo ta!
Dứt lời, lão dời khỏi nơi hẻo lánh trở lại đường quan lộ. Hai người đi chẳng mấy chốc thì đến một quán bán bánh bên đường.
Tạ Yên Khách mua hai tấm bánh bò rồi há miệng ra cắn ăn, tỏ vẻ ngon lành.
Ðồng thời lão liếc mắt nhìn gã ăn xin thử xem gã có mở miệng xin mình cho ăn không?
Tạ Yên Khách vừa ăn vừa khen ngon luôn miệng. Một tay lão cầm bánh ăn, còn tay nữa lão với lấy thêm một tấm bánh bò thứ hai đưa qua đưa lại trước mặt gã ăn xin, nghĩ thầm trong bụng:
-Thằng lỏi này đi ăn xin đã quen rồi. Gã thấy mình ăn bánh bò, có lý đâu gã không thèm đến chảy nước miếng? Gã mà mở miệng xin mình tấm bánh này là mình đã giữ trọn lời thề đối với tấm Huyền Thiết Lệnh và từ đây mình sẽ được tiêu
dao tự tại, không còn phải băn khoăn về vụ này nữa.
Lão nghĩ đến chuyện thu tấm Huyền Thiết Lệnh về là một việc vô cùng trọng đại mà chỉ mất tấm bánh bò để giải quyết thì thật dể như trò đùa.
Lão chắc mẩm đối với một gã ăn xin thì chỉ một tấm bánh nướng hay thỏi bánh bò là xong việc.