Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hiệp Khách Hành

Hồi 10 – Cảm Lòng Tri Kỷ Tặng Hình Nhân

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Ðại Bi lão nhân bản tính cổ lậu nên trong đời lão ít gặp bạn tri kỷ. Bây giờ lão thấy gã thiếu niên này với mình chưa từng quen biết, mà quyết tâm liều mạng để hộ vệ cho mình, nhất là gã chẳng hiểu chút võ công nào thì trong lòng lão xiết bao
cảm kích! Lão liền nói:
-Chú em ơi! Chú liều mình với họ thì chỉ uổng mà thôi. Trình mỗ đã đến tuổi già mà còn được kết giao bằng hữu với chú em thì đời ta thật không phải là uổng phí. Chú em nên tránh đi thôi. Ta dù nhắm mắt xuống suối vàng cũng vẫn ghi nhớ trong lòng có người bạn nhỏ.
Gã ăn xin nghe lão nói những gì đời ta chẳng uổng phí, gã chẳng hiểu ra sao hết.
Gã thấy lão thúc giục mình tránh đi liền lớn tiếng nói:
-Lão bá là người tốt, cháu quyết không để bọn người xấu này giết chết lão bá.
Trong bọn ba người kia thì gã cao nghệu là người tinh minh hơn hết, gã nghĩ thầm:
-Thằng nhỏ này thật là kỳ quái, mình chẳng hiểu người đứng núp sau gốc cây kia có phải là Tạ Yên Khách hay không, nhưng mình cũng chẳng nên kết thêm nhiều mối oan cừu. Nhưng nếu vì thằng lỏi con mới nói có mấy câu mà mình đã bỏ qua thì chăng hóa ra Bang Trường Lạc mình hể thấy người là sợ ư?
Gã nghĩ vậy liền giơ thanh quỷ đầu đao lên bảo gã ăn xin:
-Này thằng nhỏ kia! Bây giờ ta tỉ thí với mi. Ta chém luôn 36 đao nếu mi vẫn đứng yên không nhúc nhích thì ta mới chịu phục. Nếu mi sợ chết thì cút đi là hơn, chứ đừng bướng bỉnh vô ích.
Gã ăn xin đáp:
-Ngươi chém đến 36 đao liền thì ai mà không sợ?
Gã cao nghệu cười nói:
-Ngươi biết sợ thế là phải. Vậy thì mi tránh đi!
Gã ăn xin nói:
-Trong lòng ta tuy sợ thiệt nhưng ta không chịu bỏ đi đâu.
Gã cao nghệu giơ ngón tay cái lên nói:
-Này! Mi có giỏi thì hãy coi lưỡi đao của ta đây!
Véo một tiếng! Thanh đao hớt qua đỉnh đầu gã ăn xin.
Tạ Yên Khách đứng sau gốc cây nhìn ra rất rõ. Lão thấy gã cao nghệu vung lưỡi đao phạt ngang. Thế đao nhẹ nhàng vô cùng, gã chỉ dùng kình lực ở cổ tay để ra chiêu. Ðó là lối vận đao theo kiếm thuật. Tuy lão không biết chiêu thức đó tên là gì, nhưng thấy thanh Quỷ đầu đao rất nặng mà tay gã xử dụng coi nhẹ như không.
Nhát đao này lướt qua sát đỉnh đầu gã ăn xin và hớt đứt một mảng tóc. Nhưng gã ăn xin rất gan dạ. Người gã vẫn đứng thẳng, không nhúc nhích.
Tiếp theo ánh đao lấp loé tựa hồ như con rắn quanh đi co lại thè lưỡi ra rồi lại rụt vào. Tay đao của gã quét tả chém hữu mà nhát nào cũng gần sát đỉnh đầu gã ăn xin. Tóc gã bị lưỡi đao hớt đứt rớt xuống tới tấp.
Gã cao nghệu chém 32 đao rồi, bây giờ lưỡi đao từ trên bổ thẳng xuống.
Soạt một tiếng! Tay áo mé hữu của gã ăn xin bị đứt một miếng. Kế tiếp tay áo bên trái cũng mất một mảng. Tiếp theo là ống quần bên trái, ống quần bên phải chỉ trong nháy mắt đều bị cắt đứt.
Gã cao nghệu thu đao về. Chuôi đao tiện đà thích vào huyệt Ðản Trung trước ngực Ðại Bi lão nhân một cái thật mạnh.
Ðoạn gã cười ha hả nói:
-Thằng nhỏ kia! Mi thật là một đứa gan dạ!
Tạ Yên Khách thấy gã cao nghệu sử đao bằng kiếm pháp cả thảy 36 chiêu vận chuyển liên miên không ngớt mà không chút sơ hở nào thì không khỏi khen thầm trong bụng. Nhưng đến lúc gã dùng chuôi đao điểm vào tử huyệt Ðại Bi lão nhân thì lẩm bẩm:
-Thằng cha này hạ thủ thiệt là thâm độc!
Gã ăn xin lúc trước đầu bù tóc rối bây giờ bị gã cao nghệu quét liền 32 đao thì đầu gã trọc lóc chẳng khác gì chú tiểu.
Gã ăn xin bị gã cao nghệu vung đao quét liền ba mươi mấy nhát mà gã không nhúc nhích thì một phần dĩ nhiên là gã ráng sức thi gan để bảo vệ sinh mạng cho Ðại Bi lão nhân. Còn một phần vì sợ quá mà gã đứng ngây người ra. Có thể nói là không phải gã không thèm cử động, thực ra gã không biết đường nào mà cử động.
Gã chờ cho gã cao nghệu thi triển xong 36 đao mới sờ lên đầu thấy còn nguyên chưa đứt, gã thở phào một cái nhẹ nhõm.
Ðạo nhân cùng Xú hán tử thấy đao pháp của gã cao nghệu cực kỳ thần diệu đều bật tiếng hoan hô:
-Mễ hương chủ! Kiếm pháp của Hương chủ thật là thần diệu!
Gã cao nghệu tươi cười khiêm nhượng nói:
-Cái đó chẳng bỏ làm trò cười cho hai vị. Tại hạ xin đề nghị. Vì tấm lòng gan dạ của chú nhỏ đây mà bữa nay chúng ta nên nhượng bộ một chút. Bây giờ chúng tay đi thôi.
Ðạo nhân cùng Xú hán tử thấy Ðại Bi lão nhân đã bị nếm một chuôi đao cực kỳ trầm trọng. Bây giờ lão còn thoi thóp thở, chỉ một lát nữa là lão chết hẳn, liền rút lấy binh khí rồi rảo bước ra đi.
Gã cao nghệu vung tay phóng ra một chưởng. Thanh trường kiếm đâm sâu vào cành cây hơn một thước bị chưởng lực của gã rung động bật ra ngay. Lưỡi kiếm còn dính đầy máu tươi ở trên vai Ðại Bi lão nhân chảy ra.
Gã cao nghệu đưa tay ra đón lấy thanh kiếm cười vang lên một lúc rồi bỏ đi, không thèm để mắt nhìn đến Tạ Yên Khách đứng sau gốc cây lần nào nữa.
Tạ Yên Khách chau mày lẩm bẩm:
-Té ra gã cao nghệu này họ Mễ và là một hương chủ ở bang Trường Lạc. Gã thi triển mấy thủ pháp sau này hiển nhiên là để cho mình trông thấy. Về kiếm pháp của gã tuy mau lẹ và hiểm độc nhưng chẳng có gì đáng kể chỉ có gã vung chưởng cho rung động cành cây mà làm bật được lưỡi kiếm ra thì thật không phải tầm thường.
Gã ăn xin day lại hỏi Ðại Bi lão nhân:
-Lão bá! Lão bá để cháu buộc vết thương cho nhé.
Gã vừa nói vừa lượm mấy mảnh áo mà gã cao nghệu đã hớt đứt định buộc vết thương trên vai cho Ðại Bi lão nhân.
Ðại Bi lão nhân nhắm mắt cày cạy, gắng gượng đáp:
-Không, không cần nữa. Trong túi áo ta có một bầy tượng đất nhỏ. Ta cho ngươi đó.
Lão nói xong ngoẹo đầu ra mà chết. Thân hình cao lớn của lão từ từ tuột xuống gốc cây.
Gã ăn xin gọi luôn mấy tiếng:
-Lão bá bá! Lão bá bá!
Gã đưa tay ra tưởng nâng đỡ cho lão, nhưng người Ðại Bi lão nhân co rúm lại không nhúc nhích được nữa.
Tạ Yên Khách bây giờ mới ra khỏi gốc cây chạy đến bên gã ăn xin hỏi:
-Lúc lão này chết đã bảo gì ngươi?
Gã ăn xin đáp:
-Lão bá bá nói là trong túi lão có tượng đất gì đó và lão bảo để cho cháu.
Tạ Yên Khách nghĩ ngay:
-Ðại Bi lão nhân là một tay quái kiệt võ lâm. Bản lãnh của lão chẳng kém gì ta.
Không chừng cái vật lão đem theo bên mình đó có điều gì rất quan hệ cũng nên.
Tuy lão nghĩ vậy, hnưng bản tính cao ngạo, quyết không thèm móc túi người chết để lấy trộm đồ vật, dù lão biết rõ trong mình Ðại Bi lão nhân có vật kỳ trân hiếm thấy ở đời.
Lão nghĩ vậy rồi không nhìn đến bỏ đi ra chổ khác. Bỗng lão dừng chân quay lại dặn gã ăn xin:
-Lão đã cho ngươi thì ngươi thu lấy!
Gã ăn xin hỏi lại:
-Của lão bá đây cho mà cháu lấy có phải là thằng ăn cắp không?
Tạ Yên Khách cười đáp:
-Như thế không phải là thằng ăn cắp!
Gã ăn xin thò tay vào túi áo Ðại Bi lão nhân lấy ra một cái hộp gỗ, mấy đỉnh bạc cùng 7, 8 mũi ám khí. Ngoài ra còn có mấy phong thư, một bức họa dường như là tấm địa đồ.
Tạ Yên Khách muốn ngó xem trong thư viết gì và bức vẽ đó chỉ chổ nào?
Nhưng lão lại nghĩ rằng: mình mà thò tay vào đó là mất hết địa vị một cao nhân trên chốn giang hồ.
Lão lại thấy gã ăn xin mở hộp gỗ ra, trong hộp có nhét bông và ba hàng đồ chơi nặn bằng đất. Mỗi hàng có sáu cái, tổng cộng là 18 cái. Thứ đồ chơi này chế tạo rất tinh xảo, mỗi cái là hình một người đàn ông trần truồng bên ngoài có bôi phấn trắng và vẽ những vạch đỏ.
Tạ Yên Khách vừa nhìn thấy đã biết ngay là món đồ chơi này vẽ đồ phổ của hạng nội công thượng thặng. Ðại khái nó là những bí quyết về nội công của phái Bạch kinh. Ðại Bi lão nhân đem lòng cảm kích thằng nhỏ liều mạng hộ vệ cho
mình, dù chẳng thành công cũng là cử chỉ của bậc anh hùng nên tặng cho gã hết.
Tạ Yên Khách nghĩ thầm:
-Lão Ðại Bi này lúc chết còn nói chuyện ân tình vơ vẩn. Dù lão chẳng cho gã thì gã sờ vào tử thi có cái gì mà gã chả lấy chơi.
Nhưng Tạ Yên Khách đoán thế là sai. Gã ăn xin này nào phải như kẻ khác. Gã có tính ghi nhớ những lời dặn của người lớn. Tỷ như mẫu thân gã dặn đừng xin ai cái gì là gã một mực tuân theo. Vừa rồi Tạ Yên Khách đã bảo gã cái gì người ta không cho mà lấy là ăn cắp. Nếu Ðại Bi lão nhân đã không ngỏ lời cho gã thì dù trước nay gã sinh vào một gia đình cùng khổ chẳng biết đồ chơi là gì, gã cũng quyết không thiện tiện lượm lấy làm của mình. Từ nhỏ đến lớn gã chỉ ở chốn thâm sơn. Lần đầu tiên gã xuống núi đã được nhìn thấy tượng đất rất đẹp, đừng nói là những pho tượng linhhoạt như người sống mà cả đến những pho tượng thô sơ gã cũng thích lắm. Gã thấy mấy pho tượng nhỏ xíu thì thích quá, luôn miệng trầm trồ:
-Hay quá, hay quá! Sao người lại chẳng có áo quần gì thế này? Nhưng đẹp lắm!
Tạ Yên Khách nghĩ thầm:
-Ðại Bi lão nhân với mình tuy có điều xích mích. Dù sao lão cũng là một nhân vật lừng danh trong võ lâm, mình chẳng nên để lão phơi thây ngoài nội.
Tạ Yên Khách thấy gã ăn xin ngắm nghía nhưng hình nhân nặn bằng đất mà vui mừng lộ ra ngoài mặt, liền bảo:
-Ông bạn già của ngươi chết rồi mà ngươi không đem đi mai táng ư?
Gã ăn xin vội đáp:
-Dạ dạ! Nhưng mai táng thế nào đây?
Tạ Yên Khách hững hờ đáp:
-Nếu mi có sức khoẻ thì đào một cái lổ đặt lão xuống lấp đất đi. Nếu mi yếu đuối không đủ sức thì khuân đá che kín người lão thành một đống cao lên cũng được.
Gã ăn xin hỏi:
-Ở đây chẳng có mai cuốc gì không thể đào lổ được.
Rồi gã đi bóc đất cùng khuân đá và lượm cành cây lá cây lấp lên thi thể Ðại Bi lão nhân.
Gã tuổi nhỏ sức yếu, phải cực nhọc mới lấp xong xác chết. Gã mệt quá mồ hôi toát ra đầm đìa. Tạ Yên Khách đứng bên thủy chung vẫn không ra tay giúp gã. Lão chờ cho gã chật vật lấp xong xác chết rồi bảo:
-Chúng ta đi thôi!
Gã ăn xin hỏi:
-Ði đâu bây giờ? Cháu mệt lắm rồi không đi với lão bá nữa.
Tạ Yên Khách hỏi:
-Sao mi lại không đi với ta nữa?
Gã ăn xin đáp:
-Cháu còn phải đi kiếm mẫu thân và a Hoàng.
Tạ Yên Khách băn khoăn trong dạ nghĩ thầm:
-Thằng lỏi này đến bây giờ vẫn chưa mở miệng xin mình một điều gì. Nếu nó không chịu đi theo mình nữa thì thật là một điều nan giải cho mình. Mình không thể dùng sức mà cưỡng bách gã đi được.
Lão tần ngần một lúc rồi lẩm bẩm:
-Ðược rồi! Ngày trước mình phát thệ chỉ nói ra miệng là khi có người trao Huyền Thiết Lệnh cho mình, mình không được dùng cường lực để bức bách người đó, nhưng mình đâu có phát thệ không được lừa người. Vậy bây giờ ta đành lừa gã là xong.
Quyết định rồi, lão nói:
-Mi cứ đi với ta. Ta đưa mi đi tìm má má và con a Hoàng.
Gã ăn xin cả mừng đáp:
-Bản lãnh lão bá rất cao, nhất định là sẽ tìm thấy má cháu cùng con a Hoàng.
Tạ Yên Khách nghĩ thầm:
-Nói lắm vô ích, may ở chổ gã cưa chính thức yêu cầu mình đi kiếm mẫu thân gã và con chó kia. Giả tỷ gã mở miệng khẩn cầu thì thật là một việc rất khó cho mình.
Tạ Yên Khách nắm lấy thằng nhỏ rồi bảo gã:
-Chúng ta đi lẹ lên!
Gã ăn xin vừa đáp một tiếng vâng thì chợt thấy người mình như bay bổng lên không, gã không tự chủ được để mặc tình cho Tạ Yên Khách xách mình lơ lửng, chân không chấm đất mà đi rất mau. Miệng gã không ngớt la lên:
-Thích quá! Thích quá!
Nguyên Tạ Yên Khách thi triển khinh công, vận nội lực xô đẩy gã đi rất nhanh.
Gã ăn xin thấy gió htổi vào mặt mát lạnh. Cây hai bên đường vèo vèo chạy lùi lại phía sau. Gã trầm trồ khen ngợi:
-Lão bá giỏi quá! Lão bá giỏi quá! Lão bá dắt cháu chạy nhanh thế này thì ghê thực!
Hai người đi cho đến lúc trời tối mà chẳng hiểu đã chạy được bao nhiêu đường đất.
Ðây là một khu rừng núi âm u.
Tạ Yên Khách vừa buông tay, gã ăn xin cảm thấy cặp giò mình nhủn ra, người gã loạng choạng rồi ngồi phệt xuống đất.
Gã vừa ngồi xuống một lát thì hai chân đau đớn vô cùng. Một lúc sau chân lại sưng lên đỏ ửng.
Gã kinh hãi la lên:
-Lão bá! Hai chân cháu sưng lên rồi!
Tạ Yên Khách nói:
-Nếu ngươi xin ta chữa cho thì lập tức chân ngươi khỏi sưng và hết đau ngay.
Gã ăn xin đáp:
-Lão bá chịu chữa cho cháu khỏi, tự nhiên cháu biết ơn.
Tạ Yên Khách chau mày hỏi:
-Có thật từ trước tới nay ngươi chưa chịu mở miệng xin ai cái gì không?
-Nếu lão bá muốn chữa thì hà tất cháu còn phải yêu cầu. Nếu lão không muốn thì xin xỏ cũng vô ích.
Tạ Yên Khách hỏi:
-Sao lại vô ích?
Gã ăn xin đáp:
-Lão bá đã không muốn chữa thì dù cháu có khóc lên lão bá cũng không chữa mà còn làm cho lão bá khó chịu là khác.
Tạ Yên Khách hắng giọng nói:
-Ta chẳng lấy gì làm khó chịu hết. Thôi bây giờ ngủ lại đây đi.
Bạn đọc! Chàng thiếu niên này đã không chịu mở miệng xin người mà gọi y bằng gã ăn xin thì thật không hợp lý, vậy từ đây trở xuống ta kêu y bằng chàngthiếu niên cho xứng đáng.
Chàng thiếu niên tự vào gốc cây. Tuy hai chân chàng đau đớn, nhưng chàng ta đã chạy hàng nửa ngày mệt nhoài nên chẳng bao lâu chàng ngủ thiếp đi, quên cả đói khát.
Tạ Yên Khách nhảy lên ngọn cây mà ngủ. Lão chỉ mong nửa đêm có mãnh thú đến ăn thịt chàng thiếu niên này đi để giải quyết vấn đề rắc rối giùm lão. Ngờ đâu suốt đêm cả con thỏ nội cũng không thấy bò ra chứ đừng nói đến chuyện mãnh thú.
Tạ Yên Khách nghĩ thầm:
-Ta đành đem gã đến Ma Thiên Lãnh. Nếu gã mở miệng xin ta một việc dễ dàng thì may cho ta. Bằng không thì ta sẽ tìm cách kết quả tính mạng gã đi là xong. Có lý đâu một thằng lỏi con mà mình cũng không phát lạc xong thì còn xưng
là Ma Thiên cư sĩ thế nào được?
Sáng sớm hôm sau Tạ Yên Khách dắt tay chàng thiếu niên đưa đi. Chàng mới đi được mấy bước thì chân tựa hồ có hàng ngàn mũi kim nhọn đâm vào. Chàng đau quá không nhịn được phải kêu lên.
Tạ Yên Khách hỏi:
-Ngươi làm sao vậy?
Lão đã chắc mẩm là chàng sẽ yêu cầu mình ngồi nghỉ lại. Không ngờ chàng lại đáp:
-Không sao hết. Chân cháu chỉ hơi đau mà thôi. Chúng ta đi đi!
Tạ Yên Khách không biết làm thế nào. Lão tức quá lôi chàng chạy như bay.
Tạ Yên Khách đi luôn một hồi chân không ngừng bước. Lúc đi qua thị trấn, tiện tay liền thò vào hàng bánh hàng cơm bốc bánh bốc thịt đem theo vừa đi vừa ăn.
Chàng thiếu niên được lão đưa cho cái gì ăn cái ấy mà không cho thì thôi, chứ chàng không xin xỏ lần nào, luôn mấy bữa như vậy.
Ðến ngày thứ sáu, gặp phải nơi toàn núi non hiểm trở, lão vẫn tiếp tục đi luôn.
Lạ thay! Chàng thiếu niên tuy không hiểu võ công, nhưng Tạ Yên Khách dắt chàng tới đâu chàng vẫn đi tới đó được. Càng chạy nhiều tinh thần chàng càng tăng tiến, thậm chí về sau chàng không thấy đau chân nữa.
Hai người lại đi thêm một ngày, đường rừng núi cực kỳ gian nan chàng thiếu niên không trèo lên được. Tạ Yên Khách đành cõng chàng lên lưng. Dù gặp vách núi dựng thẳng hay sườn đồi cheo leo, lão vẫn trèo lên một cách dễ dàng. Chàng thiếu niên thấy vậy kinh hãi vô cùng. Lắm chổ nguy hiểm quá, chàng phải nhắm mắt lại không dám nhìn đến.
Hôm ấy vào giờ Ngọ, Tạ Yên Khách gặp phải chổ vách núi dựng đứng, liền đưa tay ra nắm lấy một khúc dây sắt từ trên đỉnh núi bỏ thỏng xuống để trèo lên.
Nguyên đây là một núi trọc, sườn núi lại trơn tuột không có chổ đặt chân. Nếu không có sợi dây sắt này, thì dù vĩ công Tạ Yên Khách có cao thâm đến đâu cũng không thể trèo lên được.
Lên đến đỉnh núi rồi, Tạ Yên Khách đặt chàng thiếu niên xuống nói:
-Ðây là Ma Thiên Lãnh. Ngoại hiệu của ta là Ma Thiên cư sĩ. Thế là ta đã lấy tên ngọn núi này để làm danh hiệu. Bây giờ ngươi ở đây với ta.
Chàng thiếu niên đảo mắt nhìn bốn phía thấy địa thế đỉnh núi này rất rộng, mà bốn mặt mây mù bốc lên cuồn cuộn. Chàng tưởng như mình đang đứng ở trong mây, bất giác trong lòng kinh hãi hỏi:
-Lão bá bảo dẫn cháu đi kiếm má má cùng A Hoàng kia mà? Sao lại lên đây ở?
Tạ Yên Khách lạnh lùng đáp:
-Thiên hạ bao la bát ngát lá thế, ta biết đi đâu tìm cho thấy mẫu thân ngươi?
Bây giờ chúng ta hãy chờ ở đây, không chừng mẫu thân ngươi sẽ đến với ngươi.
Chàng thiếu niên tuy còn ấu thơ, chưa biết gì nhưng chàng cũng hiểu là Tạ Yên Khách có ý lừa mình, vì đã vào nơi hoang sơn hẻo lánh này thì mẫu thân biết đâu mà tìm đến và trèo lên đây làm sao được. Bất giác chàng đứng thộn mặt ra không biết nói gì nữa.
Tạ Yên Khách bảo chàng:
-Bao giờ mi muốn xuống núi thì cứ xuống đi!
Lão tự nghĩ:
-Ta không cho mi một thứ gì để ăn. Lúc mi đói rã họng thử xem mi có mở miệng cầu ta không?
Mẫu thân chàng tuy đối với chàng lạnh nhạt, nhưng không hề lừa gạt chàng bao giờ. Ðây là lần đầu tiên chàng bị lừa gạt. Nước mắt chảy quanh n hưng chàng cố giữ cho khỏi trào ra.
Chàng thiếu niên thấy Tạ Yên Khách đi vào trong sơn động. Lát sau khói đen từ trong động bốc lên nghi ngút.
Tạ Yên Khách vào trong động để nấu ăn.
Một lúc lâu, mùi thơm của thức ăn đưa ra ngào ngạt.
Chàng thiếu niên bụng đã đói meo liền đi vào trong động thì thấy sơn động này rất rộng có thể chứa được đến mấy trăm người.
Tạ Yên Khách cố ý bày nồi niêu thức ăn ra trước mặt chàng, khiến chàng thèm thuồng phải cầu xin mình cho ăn.
Ngờ đâu, từ thuở nhỏ chàng ở với mẫu thân, hai người như một. Hễ thấy mẫu thân ăn gì chàng cũng không hỏi xin bao giờ. Bây giờ chàng thấy trên bàn đá đặt một mâm lạp sườn và một nồi cơm nóng. Chàng liền tự mình vào lấy đũa xới cơm rồi ngồi xuống ăn tự nhiên.
Tạ Yên Khách thộn mặt ra nghĩ thầm:
-Trên đường đi, gã đã mời mình nào ăn bánh bò, nào uống rượu cùng ăn cơm xơi thịt, nếu bây giờ mình không cho gã ăn chẳng hóa ra mình vong ân phụ nghĩa ư?
Lão nghĩ vậy, nên mặc chàng thiếu niên muốnăn gì thì ăn. Lão cũng ngồi xuống ăn mà không nói câu nào.
Chàng thiếu niên có thói quen, ăn no rồi liền đi rửa chén, bát, nồi niêu rồi đi kiếm củi. Ðó là những việc thông thường mà chàng vẫn làm trong khi còn ở với mẫu thân.
Hôm ấy, chàng chặt củi toan gánh về sơn động thì đột nhiên nghe trong bụi rậm có tiếng kêu. Một con hươu nhảy ra. Chàng liền giơ búa lên đập xuống đầu nó.
Con vật chết ngay lập tức. Chàng đem con hươu xuống khe suối mổ rửa sạch sẽ rồi đem về sơn động. Chàng chặt con hươu ra làm đôi đem một nửa treo lên hong gió cho khô đi. Còn hai đùi thì chàng chặt bỏ vào nồi nấu.
Tạ Yên Khách ngửi thấy mùi thịt hươu thơm ngon, liền lấy đũa gắp mấy miếng.
Lão cảm thấy phiền muộn tiêu tan.
Nguyên con hươu này thịt nó thơm ngon lắm. So với lão thì cách nấu nướng của chàng thiếu niên còn khéo hơn nhiều.
Tạ Yên Khách nghĩ bụng:
-Mình không ngờ thằng lỏi này là tay sành nấu nướng. Mình có gã ở đây lại được ăn ngon.
Nhưng lão nghĩ tới gã mà biết săn bắn nấu nướng thì gã không cần lão đưa xuống núi nữa, biết làm thế nào?
Nguyên chàng thiếu niên này ở với mẫu thân, chàng học được cách nấu nướng sạch sẽ thơm tho, tính bà ta lại nóng nảy và lười biếng. Mười bữa ăn thì có hết mười, ba kêu chàng thổi nấu. Khi chàng làm cơm canh không được ngon ngọt mà
bà vui vẻ trong lòng thì chỉ bảo cho. Nếu gặp lúc giận thì bà lại đánh mắng.
Chàng thiếu niên ở trên Ma Thiên Lãnh được mấy bữa rồi, chàng chăng lưới giăng bẫy bắt chim cùng bắt dã thú. Về nghề này chàng khá thạo, ngày nào cũng bắt được chim đồng thỏ nội về nấu cùng ăn với Tạ Yên Khách. Ăn không hết thì chàng lại đem thịt ra phơi khô hoặc ướp muối. Nghề nấu nướng của chàng thật có chổ độc đáo, dù rằng ở nơi núi thẳm rừng sâu mà vẫn được ăn uống ngon lành.
Tạ Yên Khách vừa ăn vừa khen ngợi. Có lúc lão hỏi đến cách nấu nướng thì chàng cũng nói là do mẫu thân dạy bảo. Tạ Yên Khách nghĩ thầm:
-Mẹ con gã này đã biết cách nấu nướng giỏi như vậy thì tất là hạng người thông minh lắm.

Chọn tập
Bình luận
× sticky