Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Lịch Sử Vạn Vật

Chương 6. KHOA HỌC TRONG NHỮNG CHIẾC RĂNG VÀ XƯƠNG HÀM

Tác giả: Bill Bryson

Năm 1787, một người nọ ở New Jersey – chính xác là ai thì dường như giờ đây chúng ta không thể xác định được – tìm được phần xương đùi khổng lồ nhô lên từ một bờ suối tại vùng Woodbury Creek. Phần xương đùi này rõ ràng chẳng thuộc loài động vật nào vẫn còn đang sống. Từ những gì chúng ta biết được chút ít vào ngày nay, chúng ta nghĩ rằng nó thuộc loài harrosaur, một loài khủng long mỏ vịt lớn. Khi ấy, không ai biết đến khủng long cả.

Phần xương đùi này được gửi đến cho Tiến sĩ Caspar Wistar, nhà phân tích hàng đầu của Mỹ, chính ông là người đã mô tả nó tại cuộc họp Hội khoa học Hoa Kỳ tại Philadelphia vào mùa Thu năm đó. Thật đáng tiếc, Wistar không thể hoàn toàn xác định được ý nghĩa của phần xương này và chỉ có được kết luận tẻ nhạt rằng nó là một loại xương phi thường. Vì thế ông đã bỏ qua cơ hội, trước mọi nhà khoa học khác nửa thế kỷ, để trở thành nhà khám phá khủng long. Thật thế, phần xương này chẳng có được sự quan tâm lớn lao nào nên nó đã bị cất vào nhà kho và cuối cùng hoàn toàn biến mất. Thế nên phần xương khủng long được tìm thấy lần đầu tiên cũng là phần xương khủng long đầu tiên bị đánh mất.

Chính phần xương bị đánh mất này lại tạo ra không ít bối rối khi nó xuất hiện trong các câu chuyện phiếm về một loài vật to lớn cổ xưa. Nguyên nhân của các câu chuyện phiếm này là do lời xác nhận lạ lùng của nhà tự nhiên học người Pháp tên là Comte de Buffon – ông là người có liên quan đến các quả cầu được nung nóng trong chương trước – ông khẳng định rằng các động vật ở Tân thế giới này thua xa về mọi mặt so với các động vật tồn tại ở Cựu thế giới. Buffon đã viết trong cuốn sách dày và giá trị của mình, cuốn Histoire Naturelle, rằng: châu Mỹ là vùng đất có nguồn nước tù đọng, là vùng đất không màu mỡ, và điều này khiến các loài vật to lớn bị suy nhược và kém phát triển thể chất do bởi “hơi ẩm độc hại” từ các đầm lầy và các khu rừng thiếu ánh nắng. Trong một môi trường như thế, ngay cả người bản xứ Anh-điêng cũng thiếu sự rắn rỏi. “Họ không có râu hoặc lông trên cơ thể”, Buffon nói, “và thiếu sự sôi nổi của con cái”. Cơ quan sinh sản của họ “nhỏ và yếu ớt”.

Những quan sát của Buffon nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tác giả khác, đặc biệt là những người có quan điểm không mấy phức tạp vì đã quá quen thuộc với đất nước này. Một người Hà Lan tên là Comeille de Pauw đã loan báo trong cuốn sách nổi tiếng của mình Recherches Philosophiques sur Les Americains rằng nam giới ở châu Mỹ không những yếu ớt về khả năng sinh sản mà còn “thiếu nam tính đến mức trong vú họ có sữa”. Những suy nghĩ như thế tồn tại khá lâu và được lặp di lặp lại ở châu Âu mãi đến gần cuối thế kỷ mười chín.

Chẳng có gì ngạc nhiên, những lời phỉ báng như thế đã gặp phải sự phản đối phẫn nộ ở châu Mỹ. Thomas Jefferson trình bày lời phản đối của mình trong cuốn Notes on the State of Virginia, và thuyết phục bạn của mình tại vùng New Hampshire là Tướng John Sullivan gửi hai mươi lính đến cánh rừng Bắc Mỹ, tìm một con nai sừng tấm để gửi đến cho Buffon làm bằng chứng cho thấy sự mạnh mẽ và oai phong của động vật châu Mỹ. Họ mất hai tuần lễ để tìm được một con vật như ý. Con nai này, khi bị bắn, không may bị gãy mất cặp sừng oai phong của nó, nhưng Sullivan đã cho gửi kèm theo cặp sừng của một con nai đực khác để thay thế. Dù sao thì, ở nước Pháp có ai biết được điều này?

Trong khi đó ở Philadelphia – thành phố Wistar – các nhà tự nhiên học đã bắt đầu lắp ghép các mảnh xương của một sinh vật to lớn như một con về sau được xác định khá chính xác là loài voi mamut. Mảnh xương đầu tiên trong bộ xương này được tìm thấy tại nơi được gọi là Big Bone Lick ở Kentucky, nhưng sau đó các mảnh xương khác xuất hiện khắp nơi. Điều này cho thấy rằng, châu Mỹ đã từng là nơi trú ẩn của một loài sinh vật to lớn – điều này rõ ràng bác bỏ những lý lẽ ngớ ngẩn của Buffon ở xứ Gôloa.

Trong quá trình chứng minh kích cỡ và đặc tính của sinh vật lạ này, các nhà tự nhiên học châu Mỹ dường như đã đi quá xa. Họ đánh giá quá cao kích cỡ của nó gấp sáu lần và xác định nó có móng vuốt đáng sợ. Đặc biệt, họ tự thuyết phục mình rằng sinh vật này có sự “nhanh nhẹn và hung dữ của loài cọp”, và mô tả nó trong các bức họa khi nó đang vồ mồi với dáng uyển chuyển của một con mèo. Khi người ta phát hiện ra những chiếc răng, nó được gắn vào đầu con vật ở những vị trí mà họ có thể nghĩ ra được. Một chuyên gia phục chế nọ đã gắn những chiếc răng này chĩa xuống từ hàm trên, giúp nó có vẻ hung hăng theo trí tưởng tượng của họ. Một nhà phục chế khác lại gắn những chiếc răng này theo vòng cung hướng về sau với quan điểm rằng sinh vật này là loài sống dưới nước và khi nó ngủ thì nó gắn chặt bộ răng của mình, giống như một chiếc neo, vào một gốc cây. Tuy nhiên, có một suy đoán chính xác về sinh vật lạ này là nó dường như đã tuyệt chủng – Buffon xác định được bằng chứng về sự thoái hóa của nó.

Buffon qua đời năm 1788, nhưng sự tranh cãi vẫn tiếp diễn. Năm 1795, một bộ xương được đưa đến Paris, tại đây nó được một chuyên gia cổ sinh vật học khảo sát, đây là một chàng trai trẻ thuộc dòng giống quý tộc tên là Georges Cuvier. Cuvier khiến mọi người phải ngạc nhiên bởi khả năng sắp xếp các đoạn xương thành một hình dáng hợp lý. Người ta kể rằng ông có thể mô tả hình dáng và bản tính của một con vật chỉ qua một chiếc răng hoặc một mảnh xương hàm, và còn có thể xác định được chủng loài lẫn giới tính của nó. Khi biết rằng không ai ở châu Mỹ nghĩ đến việc viết một bản mô tả chính thức về sinh vật này, Cuvier quyết định làm việc này, và từ đó ông chính thức trở thành người khám phá đầu tiên về việc này. Ông đặt tên cho tài liệu này là Mastodon.

Được truyền cảm hứng qua các cuộc tranh luận, năm 1796 Cuvier viết bài thuyết trình Note on the Species of Living and Fossil Elephants, trong bài thuyết trình này lần đầu tiên ông trình bày học thuyết chính thức về sự tuyệt chủng. Ông tin rằng trái đất không ngừng trải qua những tai biến toàn cầu, qua những tai biến này một số loài động vật bị xóa sổ khỏi trái đất. Đối với những người mộ đạo, kể cả Cuvier, ý tưởng này khiến họ cảm thấy khó chịu vì nó cho thấy sự tùy tiện của Thượng đế. Chúa trời tạo ra các loài vật để làm gì trong khi lại tẩy trừ chúng? Ý tưởng này mâu thuẫn với niềm tin về Great Chain of Being, niềm tin này nói rằng thế giới được xếp đặt cẩn thận và rằng mọi loài vật trên trái đất đều có nơi để sống và đóng một vai trò quan trọng riêng. Jefferson không thể chịu được tư tưởng cho rằng toàn bộ chủng loài động vật nào đó có thể hoàn toàn biến mất. Thế nên khi người ta nói với ông rằng có thể có giá trị về mặt khoa học và chính trị trong việc gởi đi một đoàn thám hiểm nội địa châu Mỹ thì ông ta nắm ngay lấy ý tưởng này, với hy vọng rằng các nhà thám hiểm gan dạ sẽ tìm được một đàn voi răng mấu khỏe mạnh và các sinh vật quá khổ. Thư ký riêng của Jefferson và một người bạn tin cậy của ông là Meriwether Lewis đã được chọn làm người dẫn đầu và là nhà tự nhiên học chính của cuộc viễn chinh này. Người được chọn làm cố vấn cho ông không ai khác hơn là Caspar Wistar.

Cũng trong năm đó – thực ra là cũng trong tháng đó – Cuvier nổi danh thuộc dòng giống quý tộc đã đề xuất học thuyết về sự tuyệt chủng của mình tại Paris, ở bờ bên kia của kênh đào nước Anh là một nhóm người Anh không mấy tiếng tăm đang tìm hiểu về giá trị của các hóa thạch. William Smith là người giám sát xây dựng kênh Somerset Coal. Tối ngày 5 tháng 1 năm 1796, ông đang ngồi tại một quán trọ ở Somerset thì ông tìm ra một khái niệm mới, chính khái niệm này về sau giúp ông trở nên nổi tiếng. Để hiểu được các loại đá, chúng ta cần phải có sự tương quan, một cơ sở để bạn có thể nói rằng đá Cacbon thuộc kỷ devon trẻ hơn các loại đá thuộc kỷ cambri từ xứ Wales. Sự sáng suốt của Smith ở đây là ông ta hiểu được rằng câu trả lời là ở các mẫu hóa thạch. Mỗi thay đổi nơi vỉa (địa tầng) đá đều dẫn đến việc một số loại hóa thạch nào đó biến mất trong khi các loại hóa thạch khác tiếp tục xuất hiện. Qua sự nhận biết được loại hóa thạch nào xuất hiện tại vỉa nào, bạn có thể xác định được độ tuổi tương đối của đá dù chúng xuất hiện ở đâu. Với những hiểu biết của mình, Smith lập tức bắt tay vào việc vẽ một biểu đồ về các vỉa đá của Anh quốc, biểu đồ này được phát hành sau nhiều thử nghiệm vào năm 1815 và trở thành cơ sở của địa chất học hiện đại. (Toàn bộ câu chuyện này được trình bày trong tác phẩm nổi tiếng của Simon Winchester, cuốn The Map That Changed the World).

Thật đáng tiếc, sau khi có được những hiểu biết này, không hiểu sao Smith lại không quan tâm đến việc tìm hiểu xem tại sao đá lại sắp xếp theo trật tự như thế. Ông nói, “Tôi đã không còn bối rối về nguồn gốc của các vỉa đá và tôi cảm thấy hài lòng với chính mình về việc này”.

Khám phá của Smith về các vỉa đá tạo ra tình trạng khó xử liên quan đến vấn đề tuyệt chủng. Trước tiên, nó xác nhận rằng Thượng đế đã xóa bỏ các chủng loài động vật không phải là đôi khi mà là rất thường xuyên. Điều này khiến Người trở thành một nhân vật bất cẩn và nhận được sự thù địch từ các giống loài động vật. Nó cũng khiến chúng ta khó có thể giải thích được tại sao một số chủng loài bị tuyệt chủng trong khi các loài động vật khác vẫn tồn tại suốt nhiều thiên niên kỷ. Rõ ràng trong quá khứ đã xảy ra nhiều sự tuyệt chủng chứ không phải chỉ riêng cơn Đại hồng thủy được đề cập đến trong Kinh thánh. Cuvier giải quyết vấn đề để thỏa mãn sự hiếu kỳ của mình bằng cách đề xuất rằng quyển đầu của kinh Cựu ước (Genesis) chỉ áp dụng cho cơn lũ lụt gần đây nhất.

Thế nên vào những năm đầu của thế kỷ mười chín, các hóa thạch mang ý nghĩa quan trọng mà không ai có thể chối bỏ, điều này càng cho thấy rằng việc Wistar không nhận ra được ý nghĩa của xương khủng long là một điều vô cùng đáng tiếc. Vào thời điểm đó, đột nhiên các mảnh xương xuất hiện khắp mọi nơi. Nhiều cơ hội khác xuất hiện với người Mỹ để khẳng định sự khám phá về khủng long nhưng tất cả đều bị bỏ phí. Năm 1806, cuộc thám hiểm của Lewis và Clark đã ghé qua thung lũng Hell ở Montana, (chính tại nơi đây về sau những người săn tìm xương khủng long đã vấp phải xương của chúng) và thậm chí họ còn kiểm tra xem xương khủng long in hằn vào đá như thế nào, nhưng cuối cùng họ thất bại vì chẳng thể kết luận được điều gì cả. Các mảnh xương khác và các dấu chân hóa thạch đã được tìm thấy ở thung lũng sông Connecticut thuộc New England sau khi một cậu bé nông dân tên là Plinus Moody phát hiện các đường rãnh kỳ lạ để lại trên gờ đá tại South Hadley, Massachusetts. Một vài bộ trong số các bộ xương này vẫn còn tồn tại đến ngày nay – đặc biệt là xương của một con khủng long Anchisaurus, hiện nó là bộ sưu tập của viện bảo tàng Peabody tại Yale. Được tìm thấy năm 1818, chúng là các mảnh xương khủng long đầu tiên được khảo sát và bảo tồn, nhưng đáng tiếc là không ai nhận ra được ý nghĩa của chúng mãi đến năm 1855. Cũng trong năm đó, 1818, Caspar Wistar qua đời, nhưng tên tuổi của ông vẫn được lưu danh khi một nhà thực vật học tên là Thomas Nuttall đặt tên cho một loài dây leo theo tên ông. Ngày nay một số nhà thực vật học thuần túy vẫn khăng khăng rằng nó cần phải được gọi là wistaria.

* * *

Tuy nhiên, lúc này làn sóng cổ sinh vật học đã lan tràn đến Anh quốc. Năm 1812, tại Lyme Regis, trên bờ biển Dorset, một đứa bé tên gọi Mary Anning – mười một, mười hai, hoặc mười ba tuổi, tùy thuộc vào việc bạn đọc sách nào – tìm thấy một con quái vật biển hóa thạch, dài mười bảy foot (đơn vị đo chiều dài Anh, 1 foot = 0,3048m) và ngày nay được biết là loài thằn lằn cá (ngư long), bị hằn trong một vách đá dọc theo kênh đào Anh.

Đó là điểm khởi đầu cho một công việc phi thường. Anning đã trải qua ba mươi lăm năm sưu tập các mẩu hóa thạch, cô bán các mẩu hóa thạch này cho các du khách. Cô cũng là người đầu tiên tìm thấy vết tích của thằn lằn đầu rắn (xà đầu long), một loài quái vật biển khác, kể cả thằn lằn ngón cánh. Mặc dù xét cho cùng thì các sinh vật này hoàn toàn không phải là loài khủng long, điều đó cũng chẳng hề hấn gì vì khi ấy không ai biết được khủng long là gì.

Anning không chỉ giỏi về việc tìm kiếm các hóa thạch – dù không ai sánh bằng cô ấy trong việc này

– mà còn có thể khai thác chúng mà không gây bất kỳ thiệt hại gì cho chúng. Nếu bạn có cơ hội tham quan đại sảnh trưng bày loài bò sát biển cổ tại Viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, bạn sẽ cảm nhận được nét đẹp của những gì cô ấy đã làm việc tích cực để có được bằng các công cụ hết sức thô sơ và trong điều kiện làm việc khắc nghiệt nhất. Chỉ riêng con thằn lằn đầu rắn (xà đầu long) cũng khiến cô phải mất mười năm khai quật trong sự kiên nhẫn. Dù không được đào tạo chuyên nghiệp, Anning vẫn có thể cung cấp các hình ảnh và thông tin mô tả chi tiết chính xác cho các học giả. Nhưng dù rất giỏi trong lĩnh vực này, những khám phá quan trọng xuất hiện rất hiếm hoi và cô đã trải qua cả đời trong sự nghèo túng.

Thật khó có thể tìm được người nào nổi bật hơn Mary Anning trong lĩnh vực cổ sinh vật học, nhưng thực ra còn có một nhân vật nổi bật khác. Tên ông ta là Gideon Algernon Mantell và là một bác sĩ địa phương ở Sussex.

Mantell là một người có nhiều thiếu sót – kiêu ngạo, chỉ quan tâm đến mình, khinh khỉnh, không quan tâm đến gia đình – nhưng chưa từng có ai tận tụy với cổ sinh vật học như ông. Ông cũng may mắn có được một người vợ tinh ý và tận tụy như thế. Năm 1822, trong khi ông đang gọi điện cho một bệnh nhân ở vùng ngoại ô Sussex, Bà Mantell đi dạo trên một con đường mòn gần đó và trong đống đá sắp được dùng để lấp một hốc sâu bà tìm thấy một vật khá lạ – một viên đá màu nâu với dáng cong, kích cỡ bằng quả óc chó nhỏ. Biết rằng chồng mình quan tâm nhiều đến các mẩu hóa thạch, và nghĩ rằng đây có thể là một mẩu hóa thạch, bà đem về cho ông. Mantell lập tức nhận ra đây là một chiếc răng hóa thạch, và sau một lúc nghiên cứu ông có thể khẳng định đó là răng của một loài động vật ăn cỏ, giống bò sát, cực lớn – dài hàng chục foot (đơn vị đo chiều dài Anh, 1 foot = 0,3048m) – và xuất hiện từ kỷ phấn trắng (kỷ creta). Ông đã nói đúng về mọi mặt, nhưng đây chỉ là những kết luận trơ trẽn vì trước đó chẳng ai nhìn thấy hay có thể hình dung ra bất kỳ thứ gì như thế.

Biết rằng những khám phá của mình có thể làm thay đổi mọi hiểu biết về quá khứ, và được người bạn là Linh mục William Buckland khuyên không nên quá hấp tấp, Mantell dành ba năm khó nhọc để tìm kiếm bằng chứng nhằm chứng minh những kết luận của mình. Ông gửi chiếc răng này đến cho Cuvier ở Paris để hỏi xin ý kiến, nhưng người Pháp vĩ đại này đã bác bỏ nó vì cho rằng đó là chiếc răng của một con hà mã. (Về sau Cuvier đã cáo lỗi cùng Mantell vì sơ sót này). Một hôm nọ, trong khi đang nghiên cứu tại viện bảo tàng Hunterian ở London, Mantell trao đổi cùng một đồng nghiệp, người này nói với ông rằng chiếc răng này trông giống như chiếc răng của loài vật mà mình vừa nghiên cứu, loài cự đà Nam Mỹ. Họ đem ra so sánh thì thấy rằng chúng tương đương với nhau. Và thế nên sinh vật mà Mantell vừa khám phá là một con thằn lằn răng giông Iguanodon.

Mantell chuẩn bị một bản thuyết trình để gửi đến Hội Hoàng gia. Thật đáng tiếc là trước đó người ta đã tìm được một con khủng long khác tại một mỏ đá ở Oxfordshire và nó đã được chính thức mô tả

– bởi Linh mục Buckland, chính là người đã khuyên Mantell không nên làm việc quá hấp tấp. Đó là con khủng long Megalosaurus, đây là cái tên mà bạn ông là Tiến sĩ James Parkinson đã đề cập với Buckland (Parkinson là người khám phá hội chứng Parkinson). Buckland, chúng ta có thể nhớ lại, trước đó là một nhà địa chất, và ông đã trình bày nó trong tác phẩm của mình nói về loài khủng long Megalosaurus. Trong bản báo cáo của mình, ông nhấn mạnh rằng răng của loài động vật này không hề gắn trực tiếp với xương hàm giống như ở loài thằn lằn mà lại được gắn vào các hốc giống như ở loài cá sấu. Dù hiểu rõ điều này, Buckland vẫn không biết được ý nghĩa của nó: khủng long Megalosaurus hoàn toàn là loài sinh vật mới. Vì vậy dù bản báo cáo của ông chỉ trình bày một vài hiểu biết, nó vẫn là bản báo cáo về khủng long được phát hành đầu tiên, lẽ ra niềm vinh dự này phải thuộc về Mantell mới phải.

Không hề biết rằng sự thất vọng sẽ còn tiếp tục đeo đẳng mình, Mantell tiếp tục tìm kiếm các mẩu hóa thạch – ông tìm được một bộ xương khổng lồ của khủng long Hylaeosaurus vào năm 1833 – và mua các mẩu xương khác từ các công nhân mỏ đá và các nông dân mãi đến khi ông ta có được bộ sưu tập hóa thạch lớn nhất ở Anh quốc. Mantell là một bác sĩ xuất sắc và cũng là người săn tìm hóa thạch tài ba nhất, nhưng ông không thể nuôi dưỡng được cả hai tài năng này của mình. Khi máu đam mê sưu tập của ông nổi lên, ông bỏ qua mọi bận tâm về y khoa của mình. Chẳng bao lâu sau các mẩu hóa thạch được chất đầy trong nhà ông ở Brighton và tiêu tốn gần hết tổng số thu nhập của ông. Phần thu nhập còn lại ông dành để mua bảo hiểm và xuất bản các tác phẩm của mình. Cuốn Illustrations of the Geology of Sussex, xuất bản năm 1827, chỉ bán được năm mươi bản và khiến ông mất hết 300 bảng Anh – một khoản tiền lớn vào thời điểm đó.

Trong cơn tuyệt vọng Mantell lóe lên ý tưởng biến ngôi nhà của mình thành một viện bảo tàng và thu tiền vé tham quan, sau đó ông muộn màng nhận ra rằng một hành động hám lợi như thế sẽ đốt cháy danh tiếng của ông vốn là người quyền quý xưa nay, đó là chưa nói đến vai trò là nhà khoa học của ông, và vì vậy ông để mọi người vào tham quan miễn phí. Hàng trăm người kéo đến, hết tuần lễ này sang tuần lễ khác, quấy nhiễu công việc và đời sống gia đình của ông. Cuối cùng ông buộc phải bán hầu hết những gì mình sưu tập được để trả nợ. Chẳng bao lâu sau, vợ ông rời bỏ ông, dẫn theo bốn đứa con.

Thật lạ, dường như rắc rối của ông chỉ mới bắt đầu.

Tại quận Sydenham thuộc Nam London, tại nơi được gọi là công viên Crystal Palace, có một cuộc triển lãm lạ: mô hình khủng long với kích cỡ thật. Ngày nay ít người đến đó tham quan, nhưng đã từng có lúc đó là một trong những điểm thu hút khách tham quan nhiều nhất ở London – thực ra, theo lời Richard Fortey, đó là công viên mô hình đầu tiên của thế giới. Hầu hết những mô hình này không hoàn toàn giống thật. Ngón chân của con thằn lằn răng giông đã được gắn vào mũi của nó, và nó đứng trên bốn chân vững chắc, điều này làm nó trông có vẻ vụng về như một con chó quá khổ. (Thực tế, loài thằn lằn răng giông chỉ có hai chân). Ngày nay khi trông thấy những mô hình kỳ quặc này chắc bạn không nghĩ rằng chúng đã từng khiến người ta hoảng sợ, nhưng chúng đã từng khiến người ta hoảng sợ đấy. Có lẽ không gì trong lịch sử tự nhiên có thể khiến người ta hoảng sợ bằng những sinh vật cổ đại được gọi là khủng long.

Vào thời điểm xây dựng các mô hình này, Sydenham vẫn còn là vùng ven của London và công viên rộng rãi của nó được xem là nơi lý tưởng để tái dựng cung điện Crystal, công trình kiến trúc thép và thủy tinh đã từng là tâm điểm của cuộc triển lãm Great Exhibition năm 1851, và từ đây một công viên mới ra đời với tên gọi là Crystal Palace. Những con khủng long, được xây dựng bằng bê tông, là một trong những yếu tố thu hút khách tham quan. Vào ngày cuối cùng của năm 1853 một cuộc liên hoan dành cho hai mươi nhà khoa học lỗi lạc nhất được tổ chức bên trong một con thằn lằn răng giông vẫn chưa được hoàn tất. Gideon Mantell, người đã khám phá và xác định được thằn lằn răng giông, không có mặt trong số hai mươi nhà khoa học này. Người ngồi ở đầu bàn là nhà cổ sinh vật học trẻ nổi tiếng. Tên ông là Richard Owen và cho đến thời điểm này ông đã dành nhiều năm để biến cuộc sống của Gideon Mantell thành địa ngục.

Owen lớn lên ở Lancaster, thuộc miền Bắc nước Anh, tại đây ông được đào tạo chuyên ngành y khoa. Ông là người có tài phẫu thuật và rất tận tụy với những nghiên cứu của mình, đôi khi ông (trái phép) mượn các chi, các cơ quan, và các phần của các tử thi về nhà để nghiên cứu trong thời gian rảnh rỗi. Một dạo nọ trong khi đang mang một bao tải trong đó chứa đầu của một thủy thủ người da đen mà ông mới vừa cắt rời thì ông bị trượt chân trên phố, té nhào vào cánh cửa đang mở của một ngôi nhà nọ, khiến chiếc đầu người này lăn lông lốc trên sàn nhà.

Năm 1825, khi mới hai mươi mốt tuổi, Owen chuyển đến London và sau đó được nhận vào Đại học Y dược Hoàng gia để giúp sắp xếp các mẫu xét nghiệm theo trật tự. Hầu hết các mẫu xét nghiệm này đều được để lại cho Học viện bởi John Hunter, ông là một chuyên gia phẫu thuật tài ba và là người không mệt mỏi trong việc nghiên cứu y khoa, nhưng các mẫu xét nghiệm này chưa bao giờ được phân loại và sắp xếp trật tự vì các tài liệu giải thích ý nghĩa của các mẫu xét nghiệm này đã bị đánh mất sau khi Hunter qua đời.

Owen nhanh chóng khẳng định được khả năng sắp xếp và suy luận của mình. Đồng thời ông cũng thể hiện được rằng mình là một chuyên gia phẫu thuật vô song với khả năng tái dựng ngang tầm với Cuvier ở Paris. Ông trở thành một chuyên gia phẫu thuật động vật, ông giành được quyền ưu tiên có được xác của những con vật chết tại vườn sinh thái London, và ông luôn mang những thứ này về nhà để nghiên cứu. Một lần nọ vợ ông quay về nhà thì nhận thấy xác một con tê giác đang nằm sóng soài ở hành lang trước. Ông nhanh chóng trở thành chuyên gia phẫu thuật hàng đầu đối với mọi loài động vật còn tồn tại hay đã tuyệt chủng – từ rái mỏ vịt, thú lông nhím, và các loại thú có túi mới được khám phá, cho đến chim cưu và các loài chim khổng lồ tuyệt chủng được gọi là moas, loài này đã từng xuất hiện ở New Zealand mãi đến khi bị săn bắn đến tuyệt chủng bởi người Maori. Ông là người đầu tiên mô tả loài chim thủy tổ sau cuộc khám phá ở Bavaria năm 1861 và là người đầu tiên chính thức viết về loài chim cưu. Tổng cộng ông đã viết hơn sáu trăm luận án về phẫu thuật, đây là một con số khá lớn.

Nhưng người ta nhớ đến Owen qua công việc của ông đối với loài khủng long. Ông phát minh ra từ ngữ dinosauria vào năm 1841. Nó có nghĩa là “thằn lằn khủng khiếp” và đây là một cái tên không thích hợp đến mức kỳ lạ. Khủng long, như ngày nay chúng ta đã biết, hoàn toàn chẳng kinh khủng chút nào – một số loài không lớn hơn loài thỏ và có lẽ cực kỳ nhút nhát – và có một điều rất rõ ràng là chúng không thuộc loài thằn lằn, loài thằn lằn là loài cổ xưa hơn rất nhiều (cách đây ba mươi triệu năm). Ngoài ra, một sai sót có thể thông cảm (vì khi ấy những khám phá về loài này rất hiếm hoi) là khủng long không chỉ có một giống mà gồm có hai giống: chim hóa thạch và bò sát hóa thạch.

Owen không phải là người hấp dẫn, cả về ngoại hình lẫn cá tính. Một bức ảnh của ông khi ông đang ở độ tuổi trung niên cho thấy rằng ông là người khá hốc hác và có vẻ dữ tợn, giống như một nhân vật phản diện trong kịch mêlô thuộc triều đại Victoria, với mái tóc dài thả rũ và đôi mắt lồi – một gương mặt có thể gây hoảng sợ cho các em bé. Về tính cách, ông là người lãnh đạm và độc đoán, và ông cũng là người thiếu thận trọng trong quá trình tìm cách đạt được tham vọng của mình. Ông là người duy nhất bị Charles Darwin căm ghét. Thậm chí con của Owen (về sau tự sát) cũng nhận xét về cha mình là một “người có trái tim lạnh giá đến mức đáng thương”.

Năm 1857, nhà tự nhiên học T. H. Huxley đang đọc ấn bản mới của Danh mục y khoa của Churchill thì ông nhận thấy rằng Owen được xếp hàng Giáo sư của khoa giải phẫu và khoa chức năng sinh lý tại học viện Government School of Mines, Huxley cảm thấy ngạc nhiên với vị trí này của Owen. Khi tìm hiểu xem tại sao Churchill lại có nhầm lẫn cơ bản như thế, ông được thông báo rằng những thông tin mà ông đang có được là do chính Tiến sĩ Owen cung cấp. Một số người tố cáo Owen về việc mượn các mẫu xét nghiệm, Owen thậm chí còn có cuộc tranh cãi gay gắt với nha sĩ của Nữ hoàng về một học thuyết có liên quan đến chức năng sinh lý của răng.

Ông không ngại quấy rầy những người mình không thích. Ngay từ khi mới theo đuổi sự nghiệp này ông đã dùng ảnh hưởng của mình tại Hội động vật học để bỏ phiếu chống lại một chàng trai trẻ tên là Robert Grant chỉ với tội danh là đã thực hiện lời hứa nhân danh một nhà giải phẫu. Grant ngạc nhiên khi biết rằng mình đột nhiên bị cấm không được tiếp cận với các mẫu vật giải phẫu mà ông cần phải tiến hành nghiên cứu. Vì không thể theo đuổi sự nghiệp của mình, ông mất hết nhuệ khí và sống một đời cơ cực.

Nhưng không ai chịu nhiều đau khổ bởi sự thiếu tử tế của Owen bằng Gideon Mantell bất hạnh. Sau khi mất vợ, con, sự nghiệp y tế, và hầu hết các sưu tập hóa thạch của mình, Mantell chuyển đến sống ở London. Ở đó vào năm 1841 – năm định mệnh mà Owen có được danh tiếng lẫy lừng nhất về việc đặt tên và xác định các loài khủng long – Mantell gặp tai nạn khủng khiếp. Trong khi di chuyển qua vùng Clapham Common trên một chiếc xe ngựa, không biết vì sao ông bị trượt ngã và bị kéo lê trên mặt đất bởi những con ngựa chạy nhanh vì hoảng sợ. Tai nạn này khiến ông bị què quặt với cơn đau đớn kinh niên và bị chấn thương cột sống nghiêm trọng đến mức không thể chữa trị.

Lợi dụng sự không may của Mantell, Owen rắp tâm xóa tên Mantell khỏi danh sách những người góp phần cho môn cổ sinh vật học, đổi tên các chủng loài mà trước đây Mantell đã đặt tên và khẳng định rằng đó là những chủng loài do chính mình khám phá. Mantell vẫn tiếp tục thực hiện các nghiên cứu chính thức nhưng Owen dùng ảnh hưởng của mình tại Hội Hoàng gia để bác bỏ mọi tài liệu của Mantell. Năm 1852, vì không thể chịu được thêm bất kỳ sự đau đớn hoặc ngược đãi nào, Mantell tự kết liễu đời mình. Cột sống biến dạng của ông được tách rời và gửi đến Đại học Y dược Hoàng gia, tại đây – thật trớ trêu – nó chịu sự trông nom bảo quản của Richard Owen, giám đốc bảo tàng Hunterian Museum của trường.

Nhưng sự lăng mạ vẫn chưa kết thúc. Sau cái chết của Mantell một bản cáo phó nghiệt ngã xuất hiện trong tờ Literary Gazette. Trong bản cáo phó này Mantell được mô tả là một nhà giải phẫu xoàng xĩnh với những đóng góp nhỏ nhoi đối với bộ môn cổ sinh vật học. Bản cáo phó này còn lấy khám phá của Mantell về loài thằn lằn răng giông để gán cho Cuvier và Owen, kể cả nhiều khám phá khác. Mặc dù bản cáo phó này không để tên người viết, nhưng văn phong rõ ràng là của Owen và không ai trong thế giới khoa học tự nhiên nghi ngờ về thân phận của tác giả.

Tuy nhiên, đến lúc này Owen bắt đầu phải trả giá cho những tội lỗi của mình. Sự suy thoái của ông bắt đầu khi một hội đồng của Hội Hoàng gia – hội đồng mà ông làm chủ tọa – quyết định tưởng thưởng ông bằng danh hiệu cao quý nhất, Huy chương Hoàng gia, về một luận án mà ông đã viết về một động vật thân mềm đã bị tuyệt chủng được gọi là con tên đá. “Tuy nhiên”, theo lời Deborah Cadbury trong cuốn sách lịch sử nổi tiếng của cô, Terrible Lizard, “bản thuyết trình này không phải là nguyên bản”. Mọi việc hóa ra là, con tên đá được khám phá trước đó bốn năm bởi một nhà tự nhiên học nghiệp dư tên Chaning Pearce, và khám phá này trước đó đã được trình bày đầy đủ tại cuộc họp của Hội địa chất. Owen cũng đã có mặt tại cuộc họp đó, nhưng lại giả vờ như là mình chưa bao giờ tham gia cuộc họp đó. Sự thật là ông đã sao chép lại khám phá của Chaning Pearce và đặt lại tên cho con tên đá là Belemnites owenii gắn liền với tên tuổi của mình. Sau sự kiện này, mặc dù Owen vẫn được phép giữ Huy chương Hoàng gia, đây là vết nhơ mãi mãi trong thanh danh của ông, ngay cả trong lòng những người ủng hộ ông.

Cuối cùng Huxley đã buộc Owen phải trả giá cho những gì Owen đã làm với nhiều người khác: Huxley buộc Owen phải rút lui khỏi Hội Sinh vật học và Hội Hoàng gia. Kết quả cuối cùng Huxley trở thành Giáo sư mới tại Đại học Y dược Hoàng gia.

Owen về sau không thực hiện bất kỳ nghiên cứu quan trọng nào, nhưng nửa sự nghiệp về sau của ông được dành cho một theo đuổi mà tất cả chúng ta đều chịu ơn ông. Năm 1856 ông trở thành người đứng đầu của bộ phận Lịch sử tự nhiên tại Bảo tàng Anh quốc, trong cương vị này ông góp phần tạo dựng Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London.

Trước thời Owen, các bảo tàng thường được thiết kế chủ yếu để phục vụ việc nghiên cứu. Vào những ngày đầu thành lập Bảo tàng Anh quốc, du khách đến tham quan phải viết một đơn xin và trải qua một cuộc phỏng vấn ngắn gọn để xác định xem họ có được phép vào tham quan không. Sau đó họ phải quay trở lại lần nữa để nhận vé – vé này dùng để xác nhận rằng họ đã vượt qua cuộc phỏng vấn – và cuối cùng họ quay lại lần thứ ba để tham quan các hiện vật của bảo tàng. Thậm chí khi ấy họ phải tham quan theo từng nhóm và không được nấn ná ở đó quá lâu. Kế hoạch của Owen là chào đón tất cả mọi người, thậm chí ông còn khuyến khích các công nhân đến tham quan vào buổi tối, và dành toàn bộ không gian của bảo tàng để trưng bày. Ông thậm chí còn đề xuất, rất cơ bản, dán nhãn vào các hiện vật để khách tham quan tiện theo dõi. Trong việc này, khá bất ngờ, ông bị T. H. Huxley phản đối, Huxley tin rằng bảo tàng chỉ nên là nơi chủ yếu dành để nghiên cứu. Qua việc biến Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên thành một học viện dành cho mọi người, Owen đã thay đổi hoàn toàn hình ảnh của các bảo tàng từ đó.

Tuy nhiên, nhìn chung hành động vị tha này của ông vẫn không giúp ông giảm bớt thái độ thù nghịch riêng tư. Một trong những hành động chính thức cuối cùng của ông là phản đối lời đề nghị dựng tượng đài tưởng niệm Charles Darwin. Sự phản đối của ông thất bại. Ngày nay tượng đài của Owen có thể được nhìn thấy từ cửa chính của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, trong khi tượng đài của Darwin và T. H. Huxley lại hơi bị che khuất bởi cửa hàng thức uống của Bảo tàng.

Chúng ta có thể suy nghĩ hợp lý rằng thái độ ganh đua nhỏ nhen của Richard Owen là bước trầm lạc của bộ môn cổ sinh vật học thế kỷ mười chín, nhưng thực ra điều tệ hại hơn nữa sắp xuất hiện, lần này nó đến từ bên kia đại dương. Ở châu Mỹ vào những thập niên cuối thế kỷ mười chín xuất hiện sự đua tranh thậm chí còn khốc liệt hơn. Sự đua tranh này diễn ra giữa hai người xa lạ, Edward Drinker Cope và Othniel Charles Marsh.

Họ có nhiều điểm chung. Cả hai đều ganh đua, ích kỷ, hay tranh cãi, hay ghen tỵ, đa nghi, và luôn sống cùng sự bực tức. Họ đã thay đổi thế giới cổ sinh vật học.

Họ bắt đầu là bạn của nhau và là người ngưỡng mộ nhau, thậm chí họ còn đặt tên của nhau cho những hóa thạch mà họ khám phá được, và trải qua một tuần lễ vui vẻ bên nhau vào năm 1868. Tuy nhiên, sau đó mâu thuẫn bắt đầu xuất hiện giữa họ – không ai biết rõ điều này – và ngay năm sau họ phát sinh thái độ thù địch dành cho nhau, sự thù địch này tồn tại suốt ba mươi năm sau. Chúng ta có thể nói rằng trong thế giới khoa học tự nhiên chưa từng có hai người nào khác lại tỏ thái độ khinh miệt lẫn nhau như thế.

Marsh, lớn hơn Cope tám tuổi, là người ham đọc sách và ít tiếp xúc với mọi người, với bộ râu được cắt tỉa gọn gàng và dáng vẻ sang trọng, ông dành ít thời gian để tìm kiếm nhưng hiếm khi tỏ ra giỏi giang trong việc này. Trong lần đến cánh đồng khủng long nổi tiếng Como Bluff, thuộc Wyoming, ông vẫn không thể tìm được các mẩu xương ở đó, theo lời của một nhà sử học nọ thì “xương khủng long xuất hiện mọi nơi giống như những khúc gỗ”. Nhưng ông có khả năng mua gần như bất kỳ thứ gì ông muốn. Dù ông xuất thân từ một gia đình giản dị – cha ông là nông dân ở vùng nông thôn phía Bắc New York – chú ông là người cực kỳ giàu có và là nhà tài phiệt vô cùng khoan dung George Peabody. Khi Marsh thể hiện sự thích thú đối với lịch sử tự nhiên, Peabody cho xây dựng một bảo tàng tại Yale và cung cấp tài chính để Marsh trang bị cho bảo tàng, từ đó Marsh có thể mua gần như bất kỳ thứ gì mình thích.

Cope được sinh ra trong sự may mắn – cha ông là một thương gia giàu có ở Philadelphia – và thích phiêu lưu mạo hiểm hơn so với Marsh. Mùa Hè năm 1876 tại Montana, trong khi George Armstrong Custer và quân đội của ông đang bị bao vây tại Little Big Horn, khi ấy Cope đang săn tìm các mẩu xương gần đó. Khi được thông báo rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để tìm kiếm kho báu từ vùng đất của người Anh-điêng, Cope suy nghĩ một lúc rồi quyết định tiếp tục công việc. Ông đã có một mùa thu hoạch khá tốt. Có lúc ông phải đối mặt với nhóm người Anh-điêng, nhưng ông đã xoay xở chiến thắng họ bằng cách liên tục chuyển động hàm răng giả của mình.

Suốt khoảng thời gian mười năm, sự thù hằn giữa Marsh và Cope chủ yếu diễn ra trong im lặng, nhưng vào năm 1877 nó bắt đầu bùng nổ. Vào năm đó một giáo viên vùng Colorado tên là Arthur Lakes tìm được các mẩu xương gần Morrison trong khi ông đang cuốc bộ với một người bạn. Biết rằng các mẩu xương này xuất nguồn từ một loài “thằn lằn khổng lồ”, Lakes cẩn thận gửi vài mẩu đến cho cả Marsh và Cope. Cope vui mừng gửi cho Lakes một trăm Đô-la và yêu cầu Lakes đừng nói với bất kỳ ai về khám phá của mình, đặc biệt là Marsh. Bối rối, lúc này Lakes yêu cầu Marsh chuyển các mẩu xương sang cho Cope. Marsh đã làm thế, nhưng đây là sự lăng mạ mà ông không bao giờ quên.

Đó cũng là sự khởi đầu của cuộc chiến giữa hai người, cuộc chiến này về sau leo thang đến mức cay đắng, nham hiểm, và lố lăng. Đôi khi họ chia làm hai nhóm để ném đá vào nhau. Đã từng có lúc Cope bị bắt quả tang khi đang dùng xà beng nạy các thùng vật liệu của Marsh. Họ lăng mạ nhau trên sách báo và khinh rẻ kết quả làm việc của nhau. Hiếm khi nào – có lẽ chưa bao giờ – khoa học lại có sự hiềm khích mạnh mẽ như thế. Trong suốt nhiều năm tiếp theo, hai người này đã nâng con số các chủng loài khủng long được tìm thấy từ 9 lên đến gần 150. Gần như mọi loài khủng long mà một người bình thường có thể gọi tên – stegosaurus, brontosaurus, diplodocus, triceratops – đều được tìm thấy bởi một trong hai người này. [1] Thật đáng tiếc, họ làm việc quá vội và và khinh suất đến mức họ thường không nhận ra rằng một khám phá mới là thứ mà người ta đã từng biết đến. Họ đã từng “khám phá” loài khủng long được gọi là Uintatheres anceps không ít hơn hai mươi hai lần. Phải mất nhiều năm người ta mới có thể phân loại được mớ hỗn độn mà họ đã khám phá. Mãi đến nay vẫn còn một số không thể phân loại được.

Trong hai người này, di sản khoa học của Cope có phần ý nghĩa và phong phú hơn nhiều. Trong sự nghiệp siêng năng của mình, ông đã viết khoảng 1.400 bài thuyết trình và mô tả gần 1.300 chủng loài hóa thạch mới (mọi loài, không chỉ riêng gì khủng long) – hơn gấp đôi so với năng suất của Marsh trong cả hai trường hợp. Lẽ ra Cope có thể làm được nhiều hơn thế, nhưng đáng tiếc là ông từ bỏ sự nghiệp quá sớm. Khi được thừa kế một gia tài lớn vào năm 1875, ông đầu tư thiếu cân nhắc vào việc khai thác bạc và cuối cùng mất hết mọi thứ. Ông sống những năm cuối đời trong một căn phòng lẻ loi trong ngôi nhà ván ở Philadelphia, trong phòng chất đầy sách vở, tài liệu, và các mẩu xương. Marsh, ngược lại, trải qua những ngày cuối đời tại một biệt thự sang trọng ở New Haven. Cope qua đời năm 1897, hai năm sau Marsh qua đời.

Trong những năm cuối đời, Cope mắc phải một nỗi ám ảnh thú vị khác. Ông muốn được mọi người công nhận là mẫu vật của loài người Homo sapiens – có nghĩa là, cấu trúc xương của ông sẽ là bộ xương chuẩn mực chính thức của loài người. Thường thì, mẫu vật của một chủng loài được mặc định là bộ xương đầu tiên được khám phá, nhưng vì không có bộ xương đầu tiên nào của Homo sapiens tồn tại, mẫu vật này bị bỏ trống, và Cope muốn mình trở thành mẫu vật này. Đây là một mong muốn kỳ quặc và kiêu căng, nhưng không ai có thể nghĩ ra bất kỳ cơ sở nào để phản đối nó. Với kết quả đó, Cope hiến xương của mình cho Học viện Wistar, một Hội khoa học ở Philadelphia thuộc sự quản lý của hậu duệ của Caspa Wistar. Thật không may, sau khi xương của Cope được chuẩn bị và lắp ráp, người ta nhận thấy rằng nó có dấu hiệu mắc phải bệnh giang mai, đây là đặc điểm mà không ai muốn bảo tồn trong vai trò là mẫu vật của loài người. Thế nên lời thỉnh cầu và bộ xương của Cope được âm thầm cất vào tủ. Ngày nay chúng ta vẫn chưa có mẫu vật của loài người hiện đại.

Về phần các nhân vật khác trong vở kịch này, Owen qua đời năm 1892, vài năm trước khi Cope hoặc Marsh qua đời. Buckland sống những năm cuối đời trong tình trạng quẫn trí và được đưa đến bệnh viện tâm thần ở Clapham, không xa nơi Mantell gặp tai nạn dẫn đến tình trạng què quặt. Cột sống biến dạng của Mantell vẫn được trưng bày tại bảo tàng Hunerian Museum suốt gần một thế kỷ trước khi bị hủy diệt bởi một quả bom của Đức trong một trận oanh tạc. Những gì còn lại trong bộ sưu tập của Mantell sau khi ông qua đời được truyền lại cho con cái của ông và hầu hết những thứ này đều được đưa đến New Zealand bởi con trai ông là Walter, Walter di cư đến đó vào năm 1840. Walter trở thành một người New Zealand vĩ đại, cuối cùng giành được chức Bộ trưởng Bộ nội vụ. Năm 1865 ông hiến những mẫu vật quý giá trong bộ sưu tập của cha mình, gồm cả chiếc răng của con thằn lằn răng giông nổi tiếng, cho bảo tàng Colonial Museum (ngày nay là bảo tàng New Zealand) ở Wellington, và chúng được bảo quản ở đây mãi đến ngày nay. Chiếc răng của con thằn lằn răng giông – được cho là chiếc răng quan trọng nhất trong bộ môn cổ sinh vật học – hiện không còn được trưng bày nữa.

Dĩ nhiên việc săn tìm khủng long vẫn không kết thúc bởi sự qua đời của những người săn tìm hóa thạch nổi tiếng của thế kỷ mười chín. Thật thế, dường như mọi việc chỉ mới bắt đầu. Năm 1898, năm rơi vào giữa hai cái chết của Cope và Marsh, một vật quý giá hơn bất kỳ thứ gì đã được tìm ra trước đó đã được tìm thấy – thật thế – tại một nơi được gọi là Bone Cabin Quarry, chỉ cách vài dặm từ khu săn bắn của Marsh tại Como Bluff, Wyoming. Ở đó, hàng trăm mẩu xương hóa thạch được tìm thấy tại các ngọn đồi. Thực ra, chúng rất nhiều, nhiều đến mức người ta có thể dùng nó để dựng lên được một căn phòng. Chỉ trong hai mùa, 100.000 pound (đơn vị đo lường của Anh Mỹ, 1 pound = 0,454 kg) xương hóa thạch được khai quật từ khu vực này, và hàng chục ngàn pound khác được khám phá sau mỗi mười năm sau đó.

Kết quả cuối cùng là, vào cuối thế kỷ mười chín các nhà cổ sinh vật học đã có được hàng chục tấn xương hóa thạch, vấn đề ở đây là họ vẫn chưa biết được những mẩu xương này cổ đến mức nào. Tệ hơn nữa, độ tuổi của trái đất mà người ta công nhận vẫn không thể giúp họ xác định được các niên kỷ, thời đại và kỷ nguyên của quá khứ. Nếu trái đất chỉ có hai mươi triệu năm tuổi, theo sự quả quyết của Lord Kenvin, thì toàn bộ trình tự của các sinh vật cổ ắt hẳn đã xuất hiện và biến mất tại cùng thời điểm biến đổi của địa chất. Điều này không thuyết phục.

Các nhà khoa học khác ngoại trừ Kevin tập trung tìm hiểu về vấn đề này để rồi cuối cùng chỉ dừng lại với sự hoài nghi. Samuel Haughton, một nhà địa chất nổi tiếng tại Đại học Trinity ở Dublin, đã công bố độ tuổi tương đối của trái đất là khoảng 2.300 triệu năm – đây là điều mà trước đó chưa ai nghĩ đến. Khi mọi người tỏ ý nghi ngờ, ông tính toán lại các số liệu và đưa ra kết quả là 153 triệu năm. John Joly, cũng của Đại học Trinity, quyết định vận dụng ý tưởng của Edmond Halley về lượng muối ở các đại dương, nhưng phương pháp của ông được đặt trên các cơ sở còn quá nhiều sai lạc nên ông chẳng đi được đến đâu cả. Ông tính toán rằng trái đất có độ tuổi là 89 triệu năm – độ tuổi gần bằng với độ tuổi mà Kelvin đã tính toán nhưng đáng tiếc đó vẫn chưa phải là con số thật.

Với sự bối rối này vào cuối thế kỷ mười chín, tùy thuộc vào việc bạn tham khảo tài liệu nào, bạn có thể nhận thấy rằng người ta đã tính toán rằng khoảng thời gian giữa sự tồn tại của chúng ta và sự khởi đầu của đời sống phức hợp ở kỷ cambri là 3 triệu, 18 triệu, 600 triệu, 794 triệu, hoặc 2,4 tỷ năm. Vào khoảng năm 1910, một trong những nhận định nhận được sự ủng hộ nhiều nhất, bởi một người Mỹ tên là George Becker, cho rằng độ tuổi của trái đất là 55 triệu năm.

Khi vấn đề ngày càng trở nên quá phức tạp, một cậu trai hiền lành và thông minh ở New Zealand tên là Ernest Rutherford đã trình bày những bằng chứng khá thuyết phục cho thấy rằng trái đất có độ tuổi ít nhất là hàng trăm triệu năm, hoặc có thể nhiều hơn thế.

Đáng chú ý, bằng chứng của anh được đặt trên cơ sở là thuật giả kim – tự nhiên, thanh thoát, đáng tin, đậm tính khoa học, và hoàn toàn không huyền bí, nhưng là thuật giả kim. Hóa ra Newton hoàn toàn chẳng hề sai lạc. Và dĩ nhiên mọi việc đã diễn biến ra sao lại là một câu chuyện khác.

____________

[1] Ngoại trừ loài khủng long Tyrannosaurus rex, được khám phá bởi Barnum Brown năm 1902.

Bình luận