Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Lịch Sử Vạn Vật

Phần VI – CHẶNG ĐƯỜNG CHÚNG TA ĐÃ QUA: Chương 27. CÁC THỜI KỲ BĂNG HÀ

Tác giả: Bill Bryson

“Có nguồn gốc từ loài khỉ không đuôi! Lạy Chúa, chúng ta hãy hy vọng rằng không phải thế, nhưng nếu đó là sự thật, chúng ta hãy cầu nguyện rằng càng ít người biết sự thật này càng tốt.”. – Gửi đến vợ Giám mục Worcester sau khi bà được giải thích về thuyết tiến hóa của Darwin. Tôi đã mơ, đó không hoàn toàn là một giấc mơ.

Ánh dương tắt lịm, và các vì sao lang thang…

– Byron, “Bóng tối”

Năm 1815 tại đảo Sumbawa thuộc Indonesia, một dãy núi dài yên tĩnh tên là Tambora đột nhiên nổ tung và giết chết một trăm nghìn người với các đợt sóng thần dữ dội. Đó là vụ nổ núi lửa lớn nhất trong suốt mười nghìn năm qua – mạnh gấp 150 lần so với vụ nổ núi lửa tại đỉnh St. Helens, tương đương sáu mươi nghìn quả bom nguyên tử tại Hiroshima.

Ngày ấy tin tức không được lan truyền nhanh như ngày nay. Tại London, trên tờ The Times chỉ xuất hiện một mẩu truyện nhỏ – thực ra là một lá thư từ một thương gia – bảy tháng sau khi sự kiện này xảy ra. Nhưng đến lúc này thì người ta có thể cảm nhận được ảnh hưởng của vụ nổ Tambora. Ba mươi sáu vuông khói, tro, bụi, và đá mạt đã khuếch tán trên bầu khí quyển, che khuất tia mặt trời và khiến trái đất trở nên giá lạnh.

Mùa Xuân không đến và mùa Hè không ấm áp hơn: năm 1816 trở thành một năm không có mùa Hè. Mùa màng mọi nơi đều bị ảnh hưởng. Tại Ireland nạn đói kém và dịch thương hàn giết chết sáu mươi lăm nghìn người. Tại New England, một nghìn tám trăm người chết vì cóng. Sương giá xuất hiện mọi nơi mãi đến tháng Sáu và gần như không đồng ruộng nào có thể đơm hoa kết trái. Vì thiếu cỏ khô nên vật nuôi chết hoặc bị giết thịt sớm. Xét mọi góc độ thì đây là một năm đầy chết chóc – rõ ràng đây là thời điểm tệ hại nhất đối với các nông dân trong thời hiện đại. Tuy nhiên, nhiệt độ toàn cầu chỉ giảm xuống 1,5 độ F. Máy điều nhiệt tự nhiên của trái đất, theo lời các nhà khoa học, là một thiết bị vô cùng nhạy cảm.

Thế kỷ mười chín là khoảng thời gian giá lạnh. Suốt hai trăm năm châu Âu và Bắc Mỹ đã trải qua những gì chúng ta gọi là các thời kỳ băng hà, điều này giúp các hoạt động mùa Đông xuất hiện – chẳng hạn hội chợ sương giá tại sông Thames và các đường đua trượt tuyết dọc theo kênh Dutch – ngày nay các hoạt động đó là điều không thể. Thế nên chúng ta có thể thông cảm với các nhà khoa học thế kỷ mười chín khi tỏ ra chậm chạp trong việc nhận biết rằng thời đại mà họ đang sống trở nên lạnh lẽo hơn so với các thời đại đã qua.

Họ biết rằng có điều gì đó kỳ quặc đang diễn ra. Phong cảnh châu Âu bị xả rác bởi các dị vật – xương của loài tuần lộc Bắc cực tại miền Nam nước Pháp, các tảng đá cuội khổng lồ trồi lên khỏi mặt đất tại một số nơi ngẫu nhiên – và họ thường đưa ra những lời giải thích không hoàn toàn hợp lý. Nhà tự nhiên học người Pháp tên là de Luc, cố gắng giải thích tại sao các tảng đá granit lại xuất hiện tại các sườn núi đá vôi của dãy Jura, cho rằng có lẽ chúng đã bị bắn đến đó bởi luồng không khí nén trong các hang động, giống như chiếc nút bần được bắn ra từ họng súng của trẻ con.

Tuy nhiên, các nông dân địa phương, không bị ảnh hưởng bởi khoa học chính thống, lại biết rõ hơn. Nhà tự nhiên học Jean de Charpentier kể về việc vào năm 1834 ông đang dạo bước tại vùng quê cùng một thợ đẵn gỗ người Thụy Sĩ thì ngẫu nhiên họ nói về các tảng đá cuội dọc theo con đường mòn này. Người thợ đẵn gỗ nói rằng các tảng đá này đến đây từ Grimsel, một khu vực có nhiều đá granite cách đó khá xa. “Khi tôi hỏi anh ta rằng làm cách nào để các tảng đá đó đến được đây, anh ta trả lời không ngần ngại: ‘Dòng sông băng Grimsel đưa chúng đến hai bên bờ thung lũng, vì trước đây dòng sông băng đó trải dài mãi đến thị trấn Bern”’.

Charpentier rất vui mừng. Chính ông cũng đã tận mắt quan sát mọi việc, nhưng khi ông trình bày ý tưởng này tại cuộc họp khoa học thì nó bị bác bỏ. Một trong số những người bạn thân của Charpentier cũng là một nhà tự nhiên học người Thụy Sĩ, Louis Agassiz, thoạt tiên tỏ ra hoài nghi giả thiết này nhưng về sau lại tỏ ra rất tin tưởng.

Trước đó Agassiz đã nghiên cứu khoa học tại Paris và cho đến thời điểm này ông là Giáo sư Lịch sử Tự nhiên tại Đại học Neuchatel thuộc Thụy Sĩ. Một người bạn khác của Agassiz, nhà thực vật học tên là Karl Schimper, là người đầu tiên tạo ra từ ngữ thời kỳ băng hà vào năm 1837, và là người khẳng định rằng có bằng chứng cụ thể cho thấy rằng băng tuyết đã từng có lúc tồn tại lâu dài tại dãy Alps, hầu hết châu Âu, châu Á, và Bắc Mỹ.

Về phần mình, Agassiz tham gia tìm hiểu động lực học của sự đóng băng, ông tìm đến khắp mọi nơi

– những khe đá nguy hiểm nhất và những đỉnh cao hiểm trở của dãy Alphine, thường thì ông không ý thức được rằng ông và đồng đội của mình là những người đầu tiên đặt chân đến những nơi như thế. Gần như mọi nơi Agassiz đều gặp phải sự phản đối khi ông trình bày các giả thiết của mình. Humboldt khuyên ông hãy từ bỏ công việc này và quay lại với công việc chuyên môn của mình – cá hóa thạch – nhưng Agassiz vẫn không từ bỏ ý tưởng này.

Giả thiết của Agassiz thậm chí còn nhận được ít sự tán thành hơn khi ông đến Anh quốc, tại đây các nhà tự nhiên học chưa bao giờ thấy một dòng sông băng. William Hopkins, một Giáo sư tại Cambridge và là thành viên đứng đầu của Hội Địa chất, cho rằng ý niệm rằng băng tuyết có thể cuốn đi các tảng đá cuội là “điều ngớ ngẩn”.

Không nản lòng, Agassiz vẫn tiếp tục lên đường để thuyết phục mọi người về giả thiết của mình. Năm 1840 ông đọc một bài thuyết trình tại cuộc họp của Hội Khoa học Anh quốc, tại đó ông bị Charles Lyell phê bình thẳng thắn về lý luận này. Một năm sau Hội Địa chất Edinburgh soạn một nghị quyết thừa nhận rằng có thể lý luận này là đúng đắn nhưng rõ ràng lý luận này không thể áp dụng cho Scotland.

Cuối cùng Lyell cũng thay đổi quan điểm khi ông nhận thấy rằng lớp băng tích, một loạt các tảng đá, gần nhà ông tại Scotland – ông đã từng đi ngang qua các tảng đá này hàng trăm lần – chỉ có thể được giải thích nếu chúng ta chấp nhận giả thiết rằng băng tuyết đã cuốn nó đến đó. Nhưng sau khi thay đổi quan điểm, Lyell trở thành người quẫn trí và rút lui khỏi lĩnh vực khoa học. Đây là khoảng thời gian khó khăn của Agassiz. Cuộc hôn nhân của ông tan vỡ, Schimper kịch liệt tố cáo ông về tội ăn cắp ý tưởng của mình, và Charpentier quay lưng với ông.

Năm 1864 Agassiz đến Hoa Kỳ tham gia công tác giảng dạy, tại đây ông tìm được sự quý mến mà ông hằng mong đợi. Trường Đại học Harvard phong ông làm Giáo sư và xây dựng cho ông một bảo tàng hạng nhất, Bảo tàng Đối chứng Động vật. Sáu năm sau, cuộc viễn chinh của ông đến Greenland giúp ông khám phá rằng gần như nửa lục địa này bị bao phủ bởi một tảng băng giống như tảng băng cổ đại mà trước đó ông đã hình dung trong giả thiết của mình. Cuối cùng giả thiết của ông cũng được mọi người chấp nhận. Khuyết điểm lớn nhất trong giả thiết của ông là ông không nêu được nguyên nhân tạo ra thời kỳ băng hà này.

Vào thập niên 1860, các tập san và các sách báo tại Anh quốc bắt đầu nhận được các bài thuyết trình về thủy tĩnh học, điện, và các đề tài khoa học khác từ James Croll của Đại học Anderson tại Glasgow. Một trong số các bài thuyết trình này, nói rằng sự biến đổi của quỹ đạo trái đất có thể đã tạo ra thời kỳ băng hà, đã được xuất bản trong tạp chí Philosophical Magazine năm 1846 và lập tức được công luận nhìn nhận công trình vĩ đại nhất, về sau mọi người phải ngạc nhiên, và có lẽ khá bối rối, khi biết rằng Croll không phải là viện sĩ tại Đại học này mà chỉ là người trông coi tại đây.

Sinh năm 1821, Croll lớn lên trong một gia đình nghèo khó, và ông phải ngừng học khi mới mười ba tuổi. Ông tham gia nhiều công việc khác nhau – thợ mộc, nhân viên bảo hiểm, quản lý khách sạn – trước khi đến trông coi tại Đại học Anderson (ngày nay đã đổi thành Đại học Strathclyde) tại Glasgow. Bằng cách nào đó ông thuyết phục anh mình làm hộ hầu hết công việc được giao, nhờ đó ông có thời gian để tham gia các khóa học ban đêm và tự mình nghiên cứu vật lý học, động lực học, thiên văn học, thủy tĩnh học, và các môn khoa học khác, và cuối cùng ông tạo ra hàng loạt các bài thuyết trình, đặc biệt ông chú trọng đến sự chuyển động của trái đất và tác động của nó đến khí hậu.

Croll là người đầu tiên đề xuất rằng những thay đổi tuần hoàn nơi quỹ đạo của trái đất, từ hình elip cho đến hình tròn rồi lại quay về với hình elip, có thể giải thích sự xuất hiện và biến mất của các thời kỳ băng hà. Trước đó chưa ai từng nghĩ rằng lời giải thích liên quan đến thiên văn có thể giải thích được sự biến đổi thời tiết của trái đất. Khi tài năng của ông được nhìn nhận, ông được giao một công việc tại Hội Địa chất Scotland và được ca ngợi công khai: ông trở thành một thành viên của Hội Hoàng gia Anh quốc và của Hội Khoa học New York và được trao tặng bằng khen từ Đại học St. Andrews.

Agassiz tìm được các chứng cứ về các dòng sông băng gần như mọi nơi ông đến, kể cả các khu vực gần xích đạo. Cuối cùng ông tin chắc rằng băng tuyết đã từng có lúc bao phủ toàn bộ trái đất, hủy diệt mọi sự sống, về sau Thượng đế tái tạo lại cuộc sống. Mọi bằng chứng ông nêu ra đều không ủng hộ ý tưởng này. Tuy nhiên, tại quê hương mình danh tiếng của ông ta ngày một lan xa và ông được xem như một vị Thánh. Khi ông qua đời vào năm 1873 Harvard phải bổ nhiệm ba giáo sư khác để thay thế chức vị của ông.

Một phần rắc rối ở đây là, các tính toán của Croll cho thấy rằng thời kỳ băng hà gần thời điểm đó nhất đã xảy ra trước đó tám mươi nghìn năm, trong khi đó các bằng chứng địa chất cho thấy rằng khoảng thời gian này ngắn hơn nhiều. Nếu không có lời giải thích hợp lý về nguyên nhân tạo ra thời kỳ băng hà thì toàn bộ giả thiết này sẽ bị bỏ ngỏ. Đầu những năm 1900, một viện sĩ người Serbia tên là Milutin Milankovitch, ông hoàn toàn không có nhiều kiến thức về thiên văn học – ông là một nhà toán học – tỏ ra rất quan tâm đến vấn đề này. Milankovitch nhận thấy rằng vấn đề đối với giả thiết của Croll không phải là nó sai lạc mà là nó quá đơn giản.

Khi trái đất di chuyển trong không gian, nó không những bị biến dạng về độ dài và hình dạng của quỹ đạo, mà còn thay đổi nhịp nhàng tùy thuộc vào góc độ của nó so với mặt trời – độ nghiêng, độ dốc, và sự lung lay của nó – tất cả đều ảnh hưởng đến độ dài và cường độ của tia mặt trời chiếu lên bất kỳ khu vực nào trên trái đất, đặc biệt là ba thay đổi về vị trí – độ xiên, sự tiến động, và độ lệch tâm trong suốt khoảng thời gian dài. Milankovitch tự hỏi liệu có mối tương quan nào giữa các chu kỳ phức tạp này với sự đến và đi của thời kỳ băng hà hay không. Khó khăn ở đây là những chu kỳ phức tạp này có độ dài chênh lệch nhau khá lớn – xấp xỉ 20.000, 400.000, và 100.000 năm, ngoài ra còn có vài trường hợp lên đến vài nghìn năm – điều này có nghĩa là việc xác định điểm giao nhau giữa chúng trong suốt khoảng thời gian dài đồng nghĩa với việc tính toán gần như bất tận. Về cơ bản Milankovitch phải xác định được góc và khoảng thời gian tồn tại của tia mặt trời đến tại mỗi vĩ độ trên trái đất, trong mọi mùa, suốt hàng triệu năm, chịu sự tác động của ba biến số không ngừng thay đổi.

Rất may đây là công việc tính toán lặp đi lặp lại mà Milankovitch rất hào hứng. Suốt hai mươi năm liền, ông làm việc không mệt mỏi với các con số – một công việc mà ngày nay có thể được giải quyết chỉ sau một hoặc hai ngày trên máy tính. Mọi tính toán của ông đều được thực hiện trong thời gian rảnh rỗi, nhưng năm 1914 khi Thế chiến I xảy ra, ông bị bắt giam vì ông là lính dự bị của quân đội Serbia. Lúc này, bốn năm trong nhà giam, ông có nhiều thời gian hơn để làm công việc tính toán của mình. Sau đó ông làm việc tại thư viện của Hội Khoa học Hungary. Có lẽ ông là tù binh chiến tranh hạnh phúc nhất trong lịch sử.

Cuối cùng, năm 1930, cuốn Mathematical Climatology and the Astronomical Theory of Climatic Changes của ông được xuất bản. Milankovitch đã đúng khi nói rằng có mối quan hệ giữa thời kỳ băng tuyết với sự lung lay của địa cầu, dù rằng giống như mọi người ông cho rằng chính sự gia tăng chầm chậm của các mùa đông khắc nghiệt đã dẫn đến sự lạnh lẽo này. Chính nhà khí tượng học người Nga gốc Đức, Wladimir Koppen – bố vợ của nhà kiến tạo Alfred Wegener – là người xác định được rằng quá trình này diễn ra tinh vi hơn thế.

Nguyên nhân tạo ra các thời kỳ băng hà, Koppen xác định, có thể xuất hiện vào mùa hè, chứ không phải chỉ vào mùa đông. Nếu không khí mùa hè quá mát nên không thể làm tan chảy băng tuyết tại một khu vực nào đó, ánh mặt trời sẽ dễ dàng bị dội lại hơn bởi sự phản chiếu bề mặt, làm tăng hiệu ứng không khí lạnh và khiến tuyết rơi nhiều hơn nữa. Kết quả là chúng ta có hiện tượng “tự duy trì”. Khi tuyết tích lũy thành các tảng băng, khu vực đó sẽ trở nên lạnh hơn, điều này càng khiến băng tuyết hội tụ nhiều hơn. Theo lời chuyên gia nghiên cứu băng hà Gwen Schultz thì: “Không phải lượng băng tuyết tạo ra các tảng băng mà điều quan trọng chính là khoảng thời gian tồn tại lâu dài của băng tuyết”. Phần băng tuyết còn lại bức xạ nhiệt và làm gia tăng hiệu ứng lạnh. “Đây là quá trình tự khuếch trương, không thể chặn lại được, và một khi băng tuyết phát triển đủ lớn mạnh thì nó sẽ di chuyển”, McPhee nói. Các dòng sông băng và thời kỳ băng hà đang chờ đợi bạn phía trước.

Vào thập niên 1950, do kỹ thuật tính toán chưa được hoàn thiện, các nhà khoa học không thể xác định chính xác thời điểm xảy ra các thời kỳ băng hà trong quá khứ, thế nên Milankovitch và các tính toán của ông bị bỏ ngỏ. Ông qua đời năm 1958, không thể chứng minh được rằng các chu kỳ của mình là đúng. Mãi đến thập niên 1970, khi người ta đã hoàn thiện được phương cách tính toán kali–agon nhằm xác định độ tuổi của các trầm tích dưới lòng biển, các giả thiết của ông mới được xác nhận.

Chỉ riêng các chu kỳ của Milankovitch vẫn chưa đủ để giải thích được các chu kỳ xuất hiện của các thời kỳ băng hà. Nhiều yếu tố khác liên quan đến việc này – đặc biệt là cách bố trí của các lục địa – nhưng chúng ta vẫn chưa hiểu được những nét đặc trưng của các yếu tố này. Tuy nhiên, người ta cho rằng nếu bạn dịch chuyển vùng Bắc Mỹ, khu vực giữa châu Âu và châu Á, và Greenland hướng về phía bắc ba trăm dặm thì chúng ta sẽ có các thời kỳ băng hà vĩnh viễn. Dường như chúng ta rất may mắn khi có được thời tiết tốt. Chúng ta thậm chí còn không hiểu hết các chu kỳ của các thời kỳ băng hà, thường được gọi là các gian băng (interglacial).

Thực ra chúng ta vẫn đang ở trong thời kỳ băng hà; chỉ có điều là mức độ khắc nghiệt của nó đã được giảm thiểu. Tại đỉnh điểm của thời kỳ băng hà cách đây khoảng hai mươi nghìn năm, khoảng 30 phần trăm bề mặt trái đất bị phủ dưới lớp băng tuyết. Hiện nay vẫn còn 10 phần trăm bề mặt trái đất bị phủ dưới lớp băng tuyết – và hơn 14 phần trăm khác ở trạng thái đóng băng vĩnh cữu. Hiện nay ba phần tư nước ngọt trên trái đất bị đóng băng, và chúng ta có những núi băng khổng lồ tại cả hai cực – có lẽ đây là tình huống vô song trong lịch sử trái đất. Việc trời đổ tuyết vào những mùa đông tại hầu hết các khu vực trên thế giới và sự xuất hiện các sông băng tồn tại lâu dài tại những nơi chẳng hạn New Zealand dường như là điều khá bình thường, nhưng thực ra đây là hiện tượng bất thường nhất trong lịch sử trái đất.

Hầu hết lịch sử của trái đất cho thấy rằng trái đất luôn ấm và không nơi nào có băng tuyết vĩnh cữu. Thời kỳ băng hà gần đây nhất bắt đầu cách nay khoảng bốn mươi triệu năm, đã thay đổi từ mức độ cực kỳ nguy hại cho đến hoàn toàn không nguy hại gì. Các thời kỳ băng hà thường quét sạch bằng chứng về các thời kỳ băng hà trước đó. Thực ra chúng ta đã trải qua ít nhất mười bảy thời kỳ băng hà trong suốt lịch sử 2,5 triệu năm qua. Ấn Độ đã từng có lúc là một hòn đảo, nó đã trôi dạt hơn hai nghìn kilomet và sáp nhập vào châu Á trong suốt bốn mươi lăm triệu năm qua, tạo thành dãy Himalaya và cao nguyên Tây Tạng. Giả thuyết cho rằng các khu vực cao nguyên không những có khí hậu mát mẻ hơn mà còn làm trệch hướng gió khiến chúng trôi dạt về phía Bắc, hướng đến Bắc Mỹ. Cách đây khoảng năm triệu năm, Panama trồi lên từ đại dương, lấp đầy khoảng trống giữa Bắc và Nam Mỹ, gián đoạn các dòng nước ấm giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, và thay đổi lượng mưa của ít nhất một nửa thế giới. Một trong những hậu quả ở đây là nó khiến châu Phi bị hạn hán, điều này khiến loài khỉ không đuôi phải rời bỏ các ngọn cây và tìm kiếm một lối sống mới tại các thảo nguyên.

Cuối cùng, các đại dương và các lục địa được bố trí như hiện nay, dường như băng tuyết sẽ là một phần gắn liền với chúng ta từ nay về sau. Theo lời John McPhee, chúng ta sẽ phải đón nhận khoảng năm mươi thời kỳ băng hà nữa, mỗi thời kỳ này sẽ kéo dài khoảng một trăm nghìn năm, trước khi chúng ta có được thời tiết ấm áp lâu dài.

Trước đây năm mươi triệu năm, trái đất gần như không hề trải qua các thời kỳ băng hà. Một đợt giá rét khắc nghiệt đã xảy ra cách đây khoảng 2,2 tỷ năm, sau đó là một tỷ năm ấm áp. Tiếp theo đó lại là một thời kỳ băng hà thậm chí còn khắc nghiệt hơn thời kỳ băng hà trước đó – khắc nghiệt đến mức ngày nay các nhà khoa học gọi là thời kỳ đông lạnh, hay siêu băng hà. Giả thuyết cho rằng do bởi sự bức xạ mặt trời giảm khoảng 6 phần trăm và sự giảm sút hiệu ứng nhà kính, trái đất mất khả năng duy trì nhiệt của chính nó. Nhiệt độ giảm xuống khoảng 80 độ F. Toàn bề mặt hành tinh rơi vào trạng thái bị đóng băng, đại dương đóng băng dày nửa dặm ở các khu vực thuộc vĩ tuyến cao và dày mười mét ngay tại khu vực xích đạo.

Nếu trái đất bị đóng băng hoàn toàn như thế, thật khó có thể giải thích được tại sao nó lại có thể ấm áp trở lại. Theo lẽ tự nhiên, một hành tinh đóng băng sẽ đóng băng mãi mãi. Dường như sự cứu nguy đến từ bên trong lòng đất. Người ta cho rằng chính núi lửa đã cứu chúng ta, núi lửa bùng nổ và tỏa ra nhiệt lượng lớn nung chảy băng tuyết và tái tạo bầu khí quyển. Thật thú vị, sự kết thúc thời kỳ băng tuyết cường điệu này được đánh dấu bởi sự xuất hiện của kỷ Cambri. Thực ra mọi việc không diễn ra êm đẹp như thế. Khi trái đất ấm lên, thời tiết khắc nghiệt xuất hiện, với các cơn cuồng phong đủ mạnh để đẩy sóng biển lên cao bằng các tòa nhà chọc trời và các cơn mưa mạnh đến mức ngoài trí tưởng tượng.

So với thời kỳ đông lạnh này, các thời kỳ băng hà gần đây hơn dường như ít khắc nghiệt hơn nhiều, nhưng dĩ nhiên chúng cũng rất mạnh mẽ so với bất kỳ thứ gì. Tảng băng Wisconsian, bao phủ phần lớn châu Âu và Bắc Mỹ, có độ dày hai dặm và di chuyển với vận tốc khoảng bốn trăm foot mỗi năm. Nếu các tảng băng như thế này còn tiếp tục di chuyển, chúng ta không có vũ khí nào có thể ngăn cản sự tiến động của chúng. Năm 1964, vùng Prince William Sound thuộc Alaska, một trong những khu vực đóng băng rộng lớn nhất tại Bắc Mỹ đã bị tấn công bởi trận động đất dữ dội nhất được ghi nhận trong lịch sử của lục địa này. Người ta đo được cường độ của nó tại tâm chấn là 9,2 độ Richter. Tại điểm xảy ra sự chấn động, mặt đất nhô cao lên đến hai mươi foot. Sự rung động xảy ra mạnh đến mức nước bắn ra khỏi các hồ nước tại Texas.

Có một giả thuyết cho rằng dòng chảy (từ lượng băng tuyết tan chảy) vào các đại dương làm giảm độ mặn (tỷ trọng) của các đại dương phía bắc, khiến vịnh Stream xê dịch về phía nam, giống như một người lái xe cố gắng tránh sự va chạm. Vì thiếu hơi ấm của vịnh Stream, các khu vực thuộc vĩ tuyến phía bắc bắt đầu lạnh dần. Nhưng điều này không giải thích được tại sao một nghìn năm sau, khi trái đất bắt đầu ấm trở lại, vịnh Stream lại không xê dịch theo hướng ngược lại. Thay vì thế, chúng ta lại có khoảng thời gian yên bình được gọi là Holocene, khoảng thời gian mà chúng ta đang sống ngày nay.

Chẳng có lý do nào để có thể khẳng định rằng sự ổn định thời tiết như hiện nay sẽ tồn tại lâu hơn. Thật ra, một số nhà khoa học tin rằng chúng ta tồn tại trong một giai đoạn thậm chí còn tồi tệ hơn những gì đã xảy ra trước đây. Tuy nhiên, theo lời Kolbert, khi bạn đối mặt với điều kiện khí hậu thay đổi thất thường và khó đoán, “điều cuối cùng bạn muốn thực hiện là đối mặt trực diện và trải nghiệm cùng nó”. Người ta cho rằng thời kỳ băng hà có thể xuất hiện do sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Sự ấm lên toàn cầu sẽ khiến tốc độ bốc hơi nước tăng cao và làm gia tăng mật độ mây bao phủ trái đất, điều này khiến các khu vực ở vĩ tuyến cao tích lũy nhiều băng tuyết hơn. Thật vậy, sự ấm lên toàn cầu có thể dẫn đến tình trạng giá rét cục bộ tại vùng Bắc Mỹ và Bắc Âu.

Khí hậu là kết quả của nhiều biến số – mức độ cacbon gia tăng hoặc giảm, sự dâng cao của các lục địa, hoạt động của hệ mặt trời, sự dao động của chu kỳ Milankovitch – thật khó có thể căn cứ vào những gì đã diễn ra trong quá khứ để dự đoán về tương lai. Dường như mọi việc đều nằm ngoài khả năng của chúng ta.

Không kém phần thú vị ở đây là sự tồn tại của các loài khủng long. Nhà địa chất học Stephen Drury nói rằng các khu rừng ở vĩ tuyến 10 độ Bắc bán cầu từng là nơi tồn tại của các loài thú to lớn, kể cả loài khủng long Tyrannosaurus. “Thật kỳ lạ”, ông viết, “ở những nơi vĩ tuyến cao như thế thì ban đêm kéo dài đến ba tháng”. Ngày nay có bằng chứng cho thấy rằng những nơi ở vĩ tuyến cao thường có mùa đông khắc nghiệt hơn. Phương pháp đo lường đồng vị oxy cho thấy rằng khí hậu quanh vùng Fairbanks, Alaska, hiện nay giống với khí hậu tại đây ở kỷ Creta. Vậy thì loài khủng long Tyrannosaurus làm gì ở đó? Hoặc chúng di cư đến đó theo mùa, vượt qua một khoảng cách cực lớn, hoặc chúng trải qua phần lớn thời gian trong bóng tối của các hang tuyết. Tại Australia vào thời ấy thì việc tìm kiếm những khu vực ấm áp hơn là điều không thể. Không ai có thể biết chính xác làm thế nào loài khủng long có thể tồn tại ở đó, ngoại trừ việc ước đoán.

Xét cho cùng thì, thật bất ngờ, các thời kỳ băng hà hoàn toàn không phải là tin xấu đối với hành tinh này. Chúng nghiền nhỏ các tảng đá và tạo ra phù sa cho đất trồng, tạo ra các hồ nước ngọt cung cấp nguồn thực phẩm dồi dào cho hàng trăm chủng loài động thực vật. Chúng khuyến khích sự di trú và giúp hành tinh này luôn sống động. Theo lời Tim Flannery thì: “Chỉ có một câu hỏi bạn cần đặt ra để xác định vận mệnh của các sinh vật trên hành tinh này là: ‘Bạn đã trải qua một thời kỳ băng hà tốt?’”. Sau đây chúng ta hãy tìm hiểu về một loài khỉ không đuôi đã trải qua một thời kỳ băng hà tốt.

Bình luận
× sticky