Tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London bạn có thể tìm thấy vài cánh cửa bí ẩn – ít nhất cũng bí ẩn vì đằng sau những cánh cửa đó chẳng có gì thu hút sự chú ý của du khách.
Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London chứa khoảng bảy mươi triệu mẫu vật từ mọi lĩnh vực đời sống và từ mọi ngóc ngách trên hành tinh này, cùng hàng trăm nghìn bộ sưu tập được bổ sung qua mỗi năm. Những chiếc tủ và ngăn kéo đặt dọc theo các căn phòng chứa hàng chục nghìn các con vật được ngâm rượu trong các lọ thủy tinh. Ngoài ra còn có hàng triệu côn trùng, động vật thân mềm, xương sọ khủng long, vô số các loại thực vật được ép ngay ngắn. Chỉ riêng đại sảnh cũng chứa mười lăm nghìn chiếc kệ, trên những chiếc kệ này là những chiếc lọ thủy tinh chứa các động vật được bảo tồn trong cồn pha metanola.
Tại đây có các mẫu vật được thu thập bởi Joseph Banks tại Australia, Alexander von Humboldt tại Amazonia, Darwin trong cuộc hành trình Beagle, và các mẫu vật khác hoặc quý hiếm hoặc có ý nghĩa quan trọng hoặc cả hai. Nhiều người muốn chạm tay vào các mẫu vật này. Một số người đã thực sự có được vinh dự này. Năm 1954 bảo tàng này có được bộ sưu tập chim nổi tiếng do Richard Meinertzhagen tặng, ông là tác giả cuốn Birds of Arabia. Trước đó Meinertzhagen thường xuyên lui tới bảo tàng này nhiều năm trời để tìm tư liệu nhằm hoàn tất các cuốn sách và chuyên đề nổi tiếng của mình.
“Tôi nghĩ rằng ở đây không có thứ gì mà bất kỳ một ai đó không thèm muốn”, Richard Fortey nói khi ông dắt tôi tham quan từng khu vực của bảo tàng. Chúng tôi đến một gian nhà mà tại đó người ta vây quanh một chiếc bàn lớn để chăm chú nghiên cứu loài chân đốt, các loại cây lá lược, và những chiếc hộp có chứa các mẩu xương màu vàng. Tôi có cảm giác họ đang làm một việc gì đó đòi hỏi sự nỗ lực tuyệt vời, không một chút khinh suất, không hề vội vã. Năm 1967, bảo tàng này đã phát hành bản báo cáo của nó về cuộc hành trình của John Murray tại Ấn Độ Dương, bốn mươi năm sau khi cuộc hành trình này kết thúc. Đây là một thế giới mà mọi loài đều hoạt động theo đúng nhịp độ của chúng. Fortey và tôi trò chuyện thân mật cùng một người trông có vẻ uyên bác.
Khi ông ấy bỏ đi, Fortey nói với tôi: “Đó là một người đáng mến tên là Norman, ông ấy đã trải qua hai mươi hai năm để nghiên cứu chỉ một loài thực vật, cỏ St. John, ông ấy đã nghỉ hưu vào năm 1989, nhưng vẫn đến đây mỗi tuần”.
“Sao ông ấy có thể trải qua hai mươi hai năm chỉ để nghiên cứu duy nhất một loài thực vật?”, tôi hỏi.
“Thật phi thường, đúng không?”, Fortey tán thành.
Khi Emerson làm một bài thơ có nội dung rằng rêu thường phát triển ở phần phía Bắc trên thân cây (“Rêu mọc trên phần thân cây hướng về phương Bắc, vì sao Bắc đẩu xuất hiện ở phương Bắc”), thực ra ông muốn nói đến loài địa y, vì vào thế kỷ mười chín người ta vẫn chưa phân biệt được đâu là rêu và đâu là địa y. Rêu luôn mọc trên phần thân cây hướng về phương Bắc, thế nên chúng là một chiếc la bàn tự nhiên đáng tin cậy. Ngoài ra rêu chẳng đem lại điều tốt lành nào khác. “Có lẽ không loài thực vật nào vô dụng như loài rêu”, Henry S. Conard viết. Tuy nhiên, chúng sinh sản rất nhanh. Ngay tại những nơi loài địa y không sống được, rêu vẫn có thể phát triển tốt lên đến hàng chục nghìn loài thuộc bảy trăm giống. Cuốn Moss Flora of Britain and Ireland của tác giả A. J. E. Smith nói về rêu dày đến bảy trăm trang, và rõ ràng Britain và Ireland không phải là nơi thích hợp nhất cho sự phát triển của rêu. “Vùng nhiệt đới là nơi thích hợp nhất cho sự phát triển của rêu”, Len Ellis nói với tôi. Ông vốn là người ít nói, đã làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên từ năm 1990. “Bạn có thể tìm đến các khu rừng nhiệt đới ở Malaysia và bạn sẽ phải ngạc nhiên trước sự đa dạng của chúng. Chính tôi đã từng đến đó và đã từng gặp một loài rêu chưa một tài liệu nào nói đến”.
“Thế chúng ta không biết có tổng cộng bao nhiêu chủng loài chưa được khám phá sao?”.
“Không. Không biết”.
Cũng có nhiều điều bí ẩn liên quan đến rêu, ông nói. Trong một trường hợp nọ, một loài rêu hiếm hoi được gọi là Hyophila Stanfordensis, được khám phá tại khuôn viên Đại học Stanford thuộc California và sau đó người ta tìm thấy chúng phát triển bên cạnh một lối mòn tại Cornwall, thuộc đỉnh tây nam nước Anh, nhưng không hề xuất hiện tại khu vực trung gian nối liền hai điểm này. Người ta vẫn băn khoăn tại sao nó có thể xuất hiện tại hai khu vực chẳng có chút liên hệ nào như thế này. “Ngày nay người ta gọi nó là loài Hennediella stanfordensis”, Ellis nói.
Khi một loài rêu mới được khám phá, nó cần được so sánh với các loài rêu khác để đảm bảo rằng nó hoàn toàn là loài mới mẻ. Sau đó bạn phải viết một bản mô tả chính thức và minh họa đầy đủ, sẵn sàng cho việc đăng tin trên một tạp chí nào đó. Toàn bộ quá trình này phải ngốn mất của bạn ít nhất sáu tháng. Thế kỷ hai mươi không phải là thời đại dành cho việc phân loại rêu. Hầu hết công việc của thế kỷ hai mươi dành cho việc gỡ rối những nhầm lẫn, mâu thuẫn, và những sai lạc do thế kỷ mười chín để lại.
Thể kỷ mười chín là thời đại vàng son cho việc sưu tập các loài rêu. (Bạn có thể nhớ lại rằng cha của Charles Lyell là nhà sưu tập rêu nổi tiếng). Một người thông minh tên là George Hunt đã săn tìm các loài rêu ở Anh, ông làm việc siêng năng đến mức có lẽ ông đã góp phần khiến vài loài rêu đứng bên bờ tuyệt chủng. Nhưng nhờ những nỗ lực phi thường như thế mà bộ sưu tập rêu của Len Ellis mới trở thành một trong những bộ sưu tập toàn diện nhất trên thế giới. Tổng cộng 780.000 mẫu vật của ông được ép trong những cuốn album dày, có những mẫu rất cũ kỹ được bao bọc bằng các trang giấy to trên đó có những chữ viết nguệch ngoạc được viết từ triều đại Nữ hoàng Victoria. Theo chúng tôi được biết, một số mẫu có lẽ đã từng có lúc thuộc quyền sở hữu của Robert Brown, nhà thực vật học trứ danh thuộc triều đại Nữ hoàng Victoria, người khám phá sự chuyển động Browian và hạt nhân nguyên tử, ông cũng là người đã thành lập Bảo tàng thực vật tồn tại suốt ba mươi mốt năm đến lúc ông qua đời vào năm 1858. Mọi mẫu vật được giữ gìn cẩn thận trong các ngăn kéo được làm bằng gỗ dái ngựa.
Và đó chỉ là thực vật. Ngoài ra còn có quần thể động vật – chuột túi, chim cánh cụt, gấu trúc, linh miêu, muỗi, và vô số các loài động vật khác ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Thế giới cần có một hệ thống phân loại thực tế. Rất may là chúng ta đã có một người Thụy Điển sẵn sàng cung cấp cho chúng ta hệ thống này.
Tên ông là Carl Linné (về sau đổi thành một cái tên khác nghe có vẻ quý phái hơn von Linné), nhưng ngày nay người ta thường nhớ đến ông với tên gọi Carolus Linnaeus. Ông sinh năm 1707 tại làng Rashult thuộc miền nam Thụy Điển, là con trai của một gia đình nghèo theo truyền thống Lu–ti, khi còn bé ông là một học sinh biếng nhác nên bố ông quyết định cho ông đi học nghề chữa giày. Hoảng sợ trước viễn cảnh chẳng mấy tốt đẹp của một thợ chữa giày, ông xin cha cho ông thêm một cơ hội và ông đã được toại nguyện, từ đó trở đi ông luôn là học sinh xuất sắc trong mọi môn học. Lớn lên ông nghiên cứu y học tại Hà Lan, dù rằng ông rất dam mê thế giới tự nhiên. Đầu thập niên 1730, lúc này ông chỉ mới hơn hai mươi tuổi, ông xuất bản danh mục liệt kê các chủng loài thực vật và động vật trên thế giới, vận dụng hệ thống phân loại của chính mình, và danh tiếng của ông ngày càng lan rộng.
Ông vẫn chưa hài lòng với danh tiếng của chính mình, ông dành hầu hết thời gian rảnh rỗi để ca ngợi chân dung của chính mình, ông phát biểu rằng “xưa nay chưa từng có nhà nghiên cứu thực vật và động vật nào tuyệt vời hơn tôi”, và hệ thống phân loại của ông là “thành tựu vĩ đại nhất trong lĩnh vực khoa học”. Ông đề nghị rằng bia mộ của ông phải được khắc dòng chữ “Ông Hoàng thực vật học”.
Một phẩm chất khác của ông là sự ngoan cố – đôi khi người ta gọi ông là một người “ấm đầu” – luôn bận tâm đến vấn đề giới tính và quan hệ sinh sản. Ông phân loại thực vật dựa vào cơ quan sinh sản của chúng. Ông mô tả các loài hoa bằng những từ ngữ chẳng hạn như “quan hệ bừa bãi”, “người vợ lẽ hiếm muộn”, và “giường cưới”.
Ông đặt tên cho một loài thực vật nọ là Âm vật. Chẳng gì phải ngạc nhiên, ông nổi tiếng là người kỳ quặc. Nhưng hệ thống phân loại của ông thật thú vị. Trước phát minh của ông, thực vật thường được đặt tên dựa vào nhiều yếu tố khác nhau. Hoa anh đào thường được gọi là Physalis amno ramosissime ramis angulosis glabris foliis dentoserratis. Linnaeus sửa tên này lại thành Physalis angulata, hiện nay người ta vẫn dùng tên gọi này. Tên các loài thực vật cũng bị nhầm lẫn với nhau. Một chuyên gia thực vật vẫn không thể chắc chắn liệu Rosa sylvestris alba cum rubore và Folio glabro có phải là tên của cùng một loài thực vật mà người ta thường gọi là Rosa sylvestris inodora seu canina hay không. Linnaeus giải quyết vấn đề bằng cách đặt lại một tên mới đơn giản hơn: Rosa canina. Để có được những cái tên ngắn gọn súc tích như thế này đòi hỏi Linnaeus phải xác định được những phẩm chất nổi bật của từng chủng loài.
Hệ thống đặt tên và phân loại của Linnaeus được xây dựng hợp lý đến mức chúng ta khó có thể hình dung một hệ thống khác có thể thay thế, các hệ thống phân loại trước đó thường hay thay đổi nhưng từ khi hệ thống phân loại này ra đời thì nó tồn tại vững chắc mãi đến nay. Động vật được phân chia thành loại hoang dã và loại được thuần hóa, loại sống trên cạn và loại sống dưới nước, loại lớn và loại nhỏ. Buffon sắp xếp động vật dựa vào mức độ hữu ích của chúng đối với con người. Linnaeus sắp xếp lại dựa vào đặc điểm thể chất của chúng.
Việc này mất rất nhiều thời gian, dĩ nhiên. Ấn bản hệ thống phân loại đầu tiên của ông, Systema Naturae, phát hành năm 1735, chỉ dày mười bốn trang. Nhưng nó ngày một phát triển mãi đến ấn bản lần thứ mười hai – ấn bản cuối cùng trước khi Linnaeus qua đời – dày 2.300 trang được chia thành ba tập. Tổng cộng ông ghi nhận và đặt tên khoảng 13.000 loài thực vật và động vật. Các tác phẩm khác có vẻ toàn diện hơn – 3 tập Historia Generalis Plantarum của John Ray tại Anh quốc, được hoàn tất trước đó một thế hệ, chỉ riêng thực vật cũng có đến hơn 18.625 loài. Nhưng nét nổi bật nơi hệ thống phân loại của Linnaeus là sự gọn gàng, ngăn nắp, đơn giản, và hợp thời. Dù tác phẩm của Linnaeus đề ngày tháng từ những năm 1730 nhưng phải mãi đến những năm 1760 nó mới được phổ biến rộng rãi tại Anh quốc, biến ông thành cha đẻ của bộ môn tự nhiên học.
Ngoài ra Linnaeus còn xác định được rằng cá voi thuộc loài có vú giống như bò, chuột, và nhiều loài sống trên cạn khác, đây là điều trước đó không ai làm được.
Linnaeus chia thế giới động vật thành sáu phạm trù: động vật có vú, bò sát, chim, cá, côn trùng, và “vermes”, hay còn gọi là sâu bọ, là mọi loài còn lại không thuộc 5 phạm trù đầu tiên. Ngay từ đầu, rõ ràng việc xếp tôm vào loại sâu bọ là việc không thỏa đáng, thế nên các phạm trù mới đã được bổ sung chẳng hạn loài nhuyễn thể và loài giáp xác. Đáng tiếc là hệ thống phân loại mới này không được áp dụng thống nhất giữa các quốc gia. Trong một nỗ lực nhằm tái thiết trật tự, năm 1842 Anh quốc công bố tập hợp các quy tắc phân loại mới được gọi là Stricklandian Code, nhưng người Pháp xem đây là sự cậy quyền, và Hội động vật học của Pháp trả đũa bằng cách đưa ra tập hợp các quy tắc phân loại khác. Trong khi đó, Hội nghiên cứu tự nhiên Hoa Kỳ, một số lý do nào đó, vẫn sử dụng hệ thống phân loại ấn bản 1758 Systema Naturae. Mãi đến năm 1902, tại cuộc họp của Hội động vật học Quốc tế, các nhà tự nhiên học mới thể hiện tinh thần thỏa hiệp và đi đến việc sử dụng chung một hệ thống phân loại quốc tế.
Nguyên tắc phân loại đôi khi được xem là một môn khoa học đôi khi được xem là một môn nghệ thuật, nhưng thực ra nó là một chiến trường. Thậm chí ngày nay, sự mất trật tự trong hệ thống phân loại này còn lớn hơn trước. Hãy lấy ví dụ về một số loài chúng ta thường biết đến, chẳng hạn loài thân mềm (trai và ốc sên), động vật chân đốt (côn trùng và tôm cua), và động vật có cột sống (con người và mọi động vật có cột sống khác). Ngoài ra người ta còn phân chia chúng thành những nhánh nhỏ chẳng hạn Gnathostomulida (sâu bọ ở biển), Cnidaria (sứa và san hô), và Priapulida (loài sâu bọ có dương vật). Dù bạn có quen thuộc với cách phân loại này hay không thì đây vẫn là các phân nhánh cơ bản của chúng. Tuy nhiên vẫn có nhiều bất đồng trong việc phân nhánh như thế này. Hầu hết các nhà sinh vật học đồng ý rằng tổng cộng gồm có hơn ba mươi phân nhánh, một số khác lại cho rằng con số này chỉ độ trên dưới hai mươi, trong khi Edward O. Wilson trong cuốn The Diversity of Life lại xác định con số này lên đến tám mươi chín.
Việc phân loại chủng loài thậm chí còn có nhiều sự bất đồng hơn. Việc một loài cỏ nọ nên được gọi là Aegilops incurva, Aegilops incurvata, hay Aegilops ovata có thể là việc vô nghĩa đối với một người không quan tâm đến thực vật học, nhưng lại là nguồn tạo ra sự tranh cãi quyết liệt giữa các nhà thực vật học. Vấn đề ở đây là, có đến năm nghìn loài cỏ và đa số chúng trông rất giống nhau ngay cả khi bạn là người rất sành sỏi về các loại cỏ. Kết quả là, một số loài được khám phá và được đặt tên ít nhất hai mươi lần, và dường như không có loài nào được đặt trên dưới hai lần. Hai tập sách Manual of the Grasses of the United States dành hai trăm trang để nói về các từ đồng nghĩa mà các nhà thực vật học vô tình tạo ra. Và đó mới là các loài của một quốc gia duy nhất.
Các cuộc tranh luận và bổ sung dường như xuất hiện ở mọi bộ phận khác liên quan đến sự sống, thế nên việc kiểm tra tổng quát không phải là việc dễ dàng như bạn nghĩ. Kết quả là, chúng ta gần như không biết – “thậm chí còn không hiểu được các đặc điểm quan trọng nhất của chúng”, theo lời Edward O. Wilson – con số các loài vật sống trên hành tinh này. Người ta chỉ có thể ước đoán con số này từ 3 triệu đến 200 triệu. Đặc biệt hơn, theo bản báo cáo trong tạp chí Economist, khoảng 97 phần trăm các loài động vật và thực vật vẫn đang chờ chúng ta khám phá.
Trong số các sinh vật chúng ta thực sự biết về chúng, hơn 99 phần trăm chỉ được mô tả sơ sài – “tên khoa học, các mẫu vật tại bảo tàng, vài mô tả hời hợt”, theo cách Wilson nói đến kiến thức của chúng ta về sinh vật. Trong cuốn The Diversity of Life, ông ước đoán tổng số các chủng loài chúng ta biết đến – thực vật, côn trùng, vi khuẩn, tảo, mọi loài – là 1,4 triệu, nhưng ông lưu ý rằng đó chỉ là sự ước đoán. Các tác giả khác cho rằng con số này là 1,5 triệu đến 1,8 triệu. Tóm lại, chúng ta không thực sự biết những gì mình nghĩ rằng mình thực sự biết.
Nhìn chung bạn cần phải tìm đến từng chuyên gia về từng lĩnh vực, bạn hỏi xem có bao nhiêu chủng loài trong lĩnh vực kiểm soát của họ, sau đó bạn cộng tất cả những con số này lại. Nhiều người đã làm thế. Vấn đề ở đây là các dữ liệu họ thu thập được thường mâu thuẫn. Một số nguồn cho rằng số loài nấm là 70.000, một số nguồn khác cho ra con số 100.000. Bạn có thể nhận thấy một số chuyên gia khẳng định rằng số loài giun đất là 4.000 và đồng thời một số chuyên gia khác cũng cam đoan rằng số loài giun đất là 12.000. Đối với côn trùng, con số này dao động từ 750.000 đến 950.000. Đối với thực vật, con số này là từ 248.000 đến 265.000.
Việc tổng hợp các dữ liệu không phải là việc dễ dàng. Đầu thập niên 1960, Colin Groves của Đại học quốc gia Australia thực hiện một cuộc điều nghiên chính thức về hơn 250 loài động vật có vú phát triển cao nhất. Ông phải mất bốn mươi năm mới có thể gỡ rối được mọi việc. Kết quả cho thấy chúng ta có khoảng 20.000 loài địa y, 50.000 loài động vật thân mềm và 400.000 loài bọ cánh cứng.
Chúng ta chỉ có thể chắc chắn một điều: vẫn còn rất nhiều loài chưa được khám phá. Và thập niên 1980, Terry Erwin của Học viện Smithsonian cho phun xịt thuốc trừ sâu tại mười chín khu rừng nhiệt đới ở Panama, sau đó ông thu gom mọi thứ rơi vào trong lưới của mình. Ông xác định được 1.200 loài bọ cánh cứng. Dựa vào sự phân phối bọ cánh cứng ở các nơi khác, số các loài cây khác ở những nơi khác, số các khu rừng trên thế giới, vân vân, và ông ước đoán tổng cộng thế giới có khoảng 30 triệu loài côn trùng – về sau ông cho rằng con số này quá khiêm tốn. Các chuyên gia khác sử dụng cùng một số liệu đó và ước đoán tổng số loài côn trùng lên đến 13 triệu, 80 triệu, hoặc 100 triệu.
Theo tập san Wall Street, thế giới có “khoảng 10.000 nhà phân loại” – không phải là một con số lớn nếu bạn đem so với vô số các chủng loài trên trái đất. Nhưng, tập san này nói, do bởi chi phí cao (khoảng 2.000 đô–la/chủng loài) và công việc sổ sách, chỉ chừng mười lăm nghìn chủng loài mới được ghi nhận mỗi năm.
Koen Maes, Giám đốc Bảo tàng Quốc gia Kenya nói, “Chúng ta đang gặp khủng hoảng về các nhà phân loại. Chúng ta cần có nhiều nhà phân loại hơn. Tại Ivory Coast chỉ có một nhà phân loại, nhưng tôi nghĩ rằng ông ấy đã nghỉ hưu”. Phải mất tám năm mới có thể đào tạo được một nhà phân loại, nhưng không ai muốn đến châu Phi cả. Chính ông cũng sắp rời khỏi châu Phi. Sau bảy năm làm việc tại Kenya, hợp đồng của ông đã hết. “Không có khoản tài trợ nào cả”, Maes giải thích.
Vậy thì tại sao kiến thức của chúng ta về các chủng loài lại nghèo nàn đến thế? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chúng ta không thể tính đếm được số chủng loài động vật và thực vật tồn tại trên hành tinh này, nhưng sau đây là vài nguyên nhân chính:
Hầu hết các vật sống đều có kích cỡ nhỏ và dễ dàng bị bỏ sót. Trong thực tế, đây không phải lúc nào cũng là điều xấu. Bạn có thể mất ngủ nếu bạn biết rằng chiếc nệm của bạn là nơi cư trú của khoảng hai triệu con bét cực nhỏ, chúng ở đó để hút lấy dầu bã nhờn được thải ra từ cơ thể bạn và ăn các vảy da bong ra từ cơ thể bạn. Chỉ riêng chiếc gối của bạn cũng chứa bốn mươi nghìn con bét như thế này. (Với chúng thì đầu bạn là một chiếc kẹo dầu nhờn khổng lồ). Và bạn đừng bao giờ nghĩ rằng một chiếc gối sạch có thể tạo ra sự khác biệt. Thật thế, nếu chiếc gối của bạn đã được dùng suốt sáu năm – đây là tuổi thọ trung bình của một chiếc gối – người ta ước đoán rằng một phần mười trọng lượng của nó là trọng lượng của “vảy da, bét sống, bét chết, và phân bét”, theo lời Tiến sĩ John Mauder của Trung tâm Y tế Anh, chính ông đã thực hiện những đo lường như thế này. (Nhưng ít ra thì đó cũng là những con bét của bạn, đó là chưa nói đến những khi bạn dùng chăn gối của khách sạn). [1] Những con bét này đã tồn tại cùng chúng ta từ ngàn xưa, nhưng mãi đến năm 1965 người ta mới phát hiện ra nó.
Nếu mãi đến khi chúng ta phát minh ra truyền hình màu chúng ta mới nhận ra được sự tồn tại của các sinh vật có liên hệ gần gũi với con người, chẳng có gì phải ngạc nhiên khi biết rằng chúng ta chỉ hiểu biết rất ít về thế giới của các vi sinh vật. Bạn hãy vào rừng – bất kỳ khu rừng nào – cúi xuống và moi lên một nhúm đất, trong nhúm đất này có chứa ít nhất 10 tỷ vi khuẩn, hầu hết chúng đều rất xa lạ với khoa học hiện đại. Trong nhúm đất này cũng chứa khoảng một triệu men, 200.000 nấm (còn gọi là mốc), 10.000 sinh vật đơn bào (trong số này thì amip là loài chúng ta hiểu rõ nhất), trùng bẹt, trùng tròn và các vi sinh vật khác được xếp vào loại ẩn.
Cuốn sách toàn diện nhất nói về vi sinh vật, cuốn Bergey’s Manual of Systematic Bacteriology, trình bày khoảng 4.000 loài vi khuẩn. Vào thập niên 1980, hai nhà khoa học Na Uy là Jostein Goksoyr và Vigdis Torsvik đã thu gom một gam đất từ một rừng sồi gần phòng thí nghiệm của họ tại Bergen và cẩn thận phân tích các loại vi khuẩn trong mẩu đất này. Họ xác định rằng trong mẩu đất này chứa khoảng 4.000 đến 5.000 chủng loài vi khuẩn khác nhau, nhiều hơn số loài vi khuẩn được trình bày trong cuốn Bergey’s Manual of Systematic Bacteriology. Sau đó họ tìm đến khu vực ven biển cách đó vài dặm, thu gom một gam đất tại đó, và xác định rằng trong mẩu đất mới này có chứa 4.000 đến 5.000 chủng loài vi khuẩn khác. Theo lời Edward O. Wilson thì: “Nếu có hơn 9.000 loài vi khuẩn tồn tại trong hai mẩu đất tại hai khu vực của Na Uy, vậy thì có bao nhiêu loài vi khuẩn tại những nơi khác đang chờ chúng ta khám phá?”. Theo một ước đoán nọ thì con số này có thể lên đến 400 triệu.
Chúng ta không tìm đúng nơi. Trong cuốn The Diversity of Life, Wilson mô tả hình ảnh các nhà thực vật học trải qua vài ngày lang thang trong khu rừng nhiệt đới rộng mười hecta tại Borneo và khám phá hàng nghìn chủng loài hoa mới – nhiều hơn con số được tìm thấy tại toàn vùng Bắc Mỹ. Không khó để tìm kiếm các loài hoa này, chỉ có điều là trước đó chưa ai tìm đến đây. Koen Maes của Bảo tàng Quốc gia Kenya nói với tôi rằng ông đã đến một khu rừng phú đầy mây trắng, một khu rừng trên đỉnh núi tại Kenya, và chỉ trong nửa giờ đồng hồ ông đã tìm thấy bốn chủng loài động vật nhiều chân mới. Các khu rừng phủ mây thường xuất hiện tại các cao nguyên và đôi khi bị bỏ hoang suốt hàng triệu năm. “Chúng cung cấp môi trường sống lý tưởng cho các sinh vật và hầu như chưa được nghiên cứu”, ông nói.
Rừng nhiệt đới chiếm chỉ khoảng 6 phần trăm bề mặt trái đất, nhưng lại là nơi ở của hơn một nửa số động vật trên trái đất và khoảng hai phần ba các loài hoa, và chúng ta gần như chẳng biết gì về đời sống sinh vật ở đây. Rõ ràng đại đa số các sinh vật tồn tại ở đây có giá trị cao. Ít nhất 99 phần trăm các loài hoa tại đây chưa bao giờ được nghiên cứu về tiềm năng chữa bệnh của chúng. Vì các loài hoa không có khả năng trốn chạy khỏi sự tấn công của động vật nên chúng phải phát triển khả năng tự vệ bằng các chất hóa học. Ngay cả ngày nay gần một phần tư các loại thuốc men chữa bệnh được chế biến từ bốn mươi loài thực vật, mười sáu phần trăm khác được chế biến từ các loài động vật và vi sinh vật.
Tuy nhiên việc khám phá những điều chưa biết không phải là việc đơn giản. Trong cuốn Life: An Unauthorised Biography, tác giả Richard Fortey nói đến việc một loại vi khuẩn cổ đã được tìm thấy trên một bức tường của một quán rượu tại một vùng quê “nơi mà các bợm nhậu đã tiểu tiện suốt nhiều năm trời”.
Không có đủ chuyên gia. Con số những sinh vật cần phải được khám phá, tìm hiểu và ghi nhận vượt xa con số các nhà khoa học sẵn sàng làm việc đó. Hãy lấy ví dụ về vi sinh vật Bdelloid Rotifer. Chúng có thể sống sót qua mọi điều kiện. Khi điều kiện sống khó khăn, chúng cuộn mình lại thành hình đĩa, ngưng mọi hoạt động trao đổi chất, và chờ đợi thời điểm tốt hơn. Trong trạng thái này bạn có thể vất chúng vào nước sôi hoặc đông lạnh chúng ở mức dưới không độ C – đây là nhiệt độ mà ngay cả các nguyên tử cũng khó tồn tại – và sau đó, khi mọi khó khăn qua đi, chúng lại duỗi thẳng người ra và tiếp tục sống cứ như thể chẳng có gì xảy ra. Đến nay đã có khoảng 500 loài (một số nguồn cho rằng 360 loài) vi sinh vật như thế này được khám phá, nhưng không ai biết tổng cộng có bao nhiêu loài như thế. Suốt nhiều năm trời, hiểu biết của chúng ta về vi sinh vật này là nhờ bởi một người tên là David Bryce, ông nghiên cứu chúng mỗi khi nhàn rỗi. Bạn có thể tìm thấy chúng khắp nơi trên thế giới, nhưng bạn có thể mời mọi chuyên gia về sinh vật này đến nhà bạn dùng bữa tối mà không cần phải mượn chén đĩa của hàng xóm.
Ngay cả loài nấm vốn là loài có ý nghĩa quan trọng và xuất hiện khắp nơi cũng chỉ thu hút được rất ít sự chú ý từ các chuyên gia. Nấm xuất hiện mọi nơi và xuất hiện ở mọi hình thức – nấm bẹt, nấm tròn, men, mốc, vân vân – và chúng xuất hiện với số lượng lớn. Nếu bạn thu gom tất cả nấm tại một đồng cỏ rộng một hecta, bạn sẽ có được khoảng 1.135kg nấm. Đây không phải loài sinh vật được trồng trọt. Nếu không có nấm thì khoai tây không bị nhiễm bệnh, không có các bệnh da liễu, nhưng đồng thời chúng ta cũng không có sữa chua, bia, hoặc pho mát. Tổng cộng có khoảng 70.000 loài nấm đã được xác định, nhưng người ta ước đoán rằng con số thật của nó có thể lên đến 1,8 triệu.
Thế giới thực sự là một nơi rộng lớn. Với sự phát triển của ngành hàng không và các hình thức liên lạc hiện đại, chúng ta có ảo giác rằng thế giới là một nơi không quá lớn, nhưng thực ra thế giới này là một nơi rất rộng lớn – đủ lớn để chứa đựng nhiều điều bất ngờ. Loài hươu đùi vằn, họ hàng với loài hươu cao cổ, ngày nay chúng ta biết rằng chúng sống tại nhiều khu rừng nhiệt đới ở Zaire – tổng số lượng lên đến ba mươi nghìn – tuy nhiên mãi đến đầu thế kỷ hai mươi chúng ta mới xác định được sự tồn tại của chúng. Loài chim không biết bay tại New Zealand được gọi là Takahe được xác định là đã tuyệt chủng hai trăm năm trước khi chúng được khám phá là vẫn còn tồn tại ở South Island. Năm 1995 một nhóm các nhà khoa học Anh và Pháp tại Tây Tạng, họ lạc đường trong một trận bão tuyết tại một thung lũng xa xôi, tình cờ bắt gặp một loài ngựa được gọi là Riwoche, trước đó người ta xác định rằng chúng chỉ tồn tại qua các bức họa lưu lại từ thời tiền sử.
Cư dân tại thung lũng này tỏ ra ngạc nhiên khi biết rằng loài ngựa này được xem là loài quý hiếm trong thế giới hoang dã.
Nhưng ngay cả khi chúng ta tập hợp hàng nghìn chuyên gia và phái họ đến từng ngóc ngách xa xôi trên toàn thế giới thì điều đó vẫn chưa đủ, vì sự sống xuất hiện tại bất kỳ nơi nào có khả năng nuôi dưỡng nó. Để nghiên cứu được toàn sự sống trên hành tinh này, bạn phải xới tung mọi ngóc ngách trên hành tinh này. Dù có làm thế bạn cũng vẫn không thể xác định được mọi loài tồn tại trên hành tinh này. Vào thập niên 1980, các chuyên gia khảo sát hang động bước vào một hang động sâu tại Romanian, hang động này đã bị cách ly khỏi thế giới suốt một khoảng thời gian dài, tại đó họ tìm thấy ba mươi ba loài côn trùng và các sinh vật nhỏ khác – nhện, rết, rận – tất cả đều đui mù, xanh xao, và mới mẻ đối với khoa học.
Chỉ trong một cuộc hành trình kéo dài hai năm, Alfred C. Kinsey di chuyển suốt 2.500 dặm và thu thập được 300.000 con côn trùng. Nhưng điều khiến tôi bối rối nhất là làm thế nào để chúng ta có được những người kế vị trong việc nghiên cứu thế giới tự nhiên này. Rõ ràng không có nhiều tổ chức sẵn sàng hỗ trợ kinh phí cho việc nghiên cứu này. Khi chúng tôi chia tay tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên tại London, tôi hỏi Richard Fortey rằng làm thế nào để khoa học đảm bảo được rằng khi một chuyên gia nghiên cứu tự nhiên về hưu thì sẽ có ngay một chuyên gia khác kế vị.
Ông mỉm cười trước câu hỏi ngây ngô của tôi, “Tôi e rằng việc này không giống như việc bạn ngồi chờ sau cánh gà đến lượt mình bước ra sân khấu. Khi một chuyên gia về hưu, hoặc chẳng may qua đời trong khi đang nghiên cứu một về tài nào đó, đề tài đó lập tức bị đóng cửa, đôi khi đóng cửa suốt một khoảng thời gian rất dài”.
“Và tôi nghĩ rằng đó là lý do tại sao ông lại đánh giá cao một người nào đó trải qua bốn mươi bốn năm để nghiên cứu riêng một chủng loài nào đó, ngay cả khi việc đó chẳng đem lại kết quả gì mới mẻ?”.
“Chính xác”, ông nói, “chính xác”.
____________
[1] Đôi khi việc vệ sinh càng làm cho vấn đề thêm tệ. Tiến sĩ Mauder tin rằng việc giặt tẩy ở nhiệt độ thấp sẽ giúp rệp dễ dàng sinh sôi nảy nở. Theo lời ông thì: “Nếu bạn giặt rửa quần áo nhiễm rận ở nhiệt độ thấp, bạn sẽ có được những con rệp sạch sẽ hơn”.