Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Lịch Sử Vạn Vật

Chương 28. ĐỘNG VẬT HAI CHÂN BÍ ẨN

Tác giả: Bill Bryson

Trước Giáng sinh 1887, một bác sĩ trẻ người Hà Lan với một cái tên không hề mang dáng dấp Hà Lan, Marie Eugene Francois Thomas Dubois, tìm đến Sumatra, thuộc vùng lân cận Ấn Độ phía đông Hà Lan, với ý định khám phá những tàn tích về nguồn gốc loài người trên trái đất. [1]

Nhiều điều thú vị đã xảy ra trong cuộc khám phá này. Trước đó chưa ai từng trông thấy các mẩu xương của loài người cổ đại. Cho đến thời điểm này thì mọi thứ tìm được chỉ là do tình cờ. Dubois là nhà phân tích không được đào tạo chuyên môn về cổ sinh vật học. Và cũng không có lý do đặc biệt nào cho thấy rằng khu vực lân cận Ấn Độ phía đông Hà Lan là nơi còn sót lại tàn tích của loài người cổ đại. Nếu suy nghĩ hợp lý, nếu người cổ đại được tìm thấy thì cũng chỉ được tìm thấy tại một khu vực rộng lớn, chứ không phải chỉ tại một quần đảo nhỏ như thế này. Dubois tìm đến khu vực lân cận Ấn Độ phía đông Hà Lan cũng chỉ vì linh cảm, vì ích lợi của công việc này, và vì biết rằng Sumatra có nhiều hang động, rằng các hóa thạch đã từng được phát hiện tại đây. Điều phi thường hơn tất cả – gần như kỳ diệu – là ông đã tìm được thứ mình muốn tìm.

Vào thời điểm Dubois lập kế hoạch này, chúng ta có rất ít hóa thạch về lịch sử loài người: năm bộ xương không đầy đủ về giống người Neanderthal, một phần xương hàm không xác định rõ lai lịch, và nửa tá bộ xương người thuộc thời kỳ băng hà được tìm thấy bởi các công nhân ngành đường sắt tại một hang động bên vách đá Cro–Magnon gần Les Eyzies, Pháp. Trong số các mẫu vật về giống người Neanderthal, cái tốt nhất được bảo tồn tại London. Nó đã được tìm thấy bởi các công nhân khi họ khai thác mỏ đá tại Gibraltar vào năm 1848, nhưng đáng tiếc là không ai hiểu hết ý nghĩa của nó. Sau khi được mô tả ngắn gọn tại cuộc họp của Hội khoa học Gibraltar, nó được chuyển đến bảo tàng Hunterian Museum tại London, tại đó không ai đả động gì đến nó suốt nửa thế kỷ. Tài liệu đầu tiên chính thức mô tả nó được viết vào năm 1907, và sau đó là tài liệu mô tả của nhà địa chất học William Sollas.

Nhiều người không chấp nhận rằng các mẩu xương về giống người Neanderthal là các mẩu xương cổ. August Mayer, một Giáo sư tại Đại học Bonn và là người có ảnh hưởng lớn, khẳng định rằng các mẩu xương này chỉ là các mẩu xương của lính Cô–dắc Mông Cổ, họ đã bị thương trong khi chiến đấu cùng quân Đức năm 1814 và bò vào các hang động để chết. Nghe nói như thế, T. H. Huxley tại Anh quốc lập tức tranh luận rằng làm sao những người lính đã bị thương như thế lại có thể leo lên một vách đá cao sáu foot, cởi bỏ quần áo, đóng chặt cửa hang động, và tự chôn mình dưới lớp đất dày hai foot!?

Chính vì hoàn cảnh này mà Dubois quyết định lên đường tìm kiếm xương của người cổ đại. Ông không tự chôn vùi chính mình, thay vì thế ông nhờ chính quyền Hà Lan cho ông mượn năm mươi tù nhân để phụ giúp ông làm việc này. Họ làm việc tại Sumatra suốt một năm trời, sau đó họ chuyển đến Java. Và tại đó vào năm 1891, Dubois – nói đúng ra là nhóm của Dubois – đã tìm thấy một chiếc đầu sọ của loài người cổ, ngày nay gọi là xương sọ Trinil. Dù đây không phải là mẩu xương sọ hoàn hảo, nó cho thấy rằng người này mang những đặc điểm không giống con người hiện đại mà lại có một bộ não lớn hơn so với bất kỳ loài khỉ không đuôi nào. Dubois gọi nó là Anthropithecus errectus (về sau vì một số lý do kỹ thuật nên đổi thành Pithecanthropus errectus) và công bố rằng nó là sợi dây liên kết giữa loài khỉ không đuôi và loài người. Sau đó người ta biết đến nó qua tên gọi “người Java”. Ngày nay chúng ta gọi nó là Homo erectus.

Sang năm sau các công nhân của Dubois tìm thấy một chiếc xương đùi gần như nguyên vẹn trông rất giống với loại xương đùi hiện đại. Thật vậy, nhiều nhà nhân loại học nghĩ rằng nó là chiếc xương đùi hiện đại, và không liên quan gì đến người Java. Nếu nó là mẩu xương erectus, thì trông nó chẳng giống bất kỳ mẩu xương erectus nào khác được tìm thấy trước đó. Tuy nhiên Dubois đã dùng mẩu xương này để suy luận – rất chính xác, hóa ra là thế – rằng Pithecanthropus đã bước đi trong tư thế thẳng đứng. Chỉ với một chiếc răng và một mảnh xương sọ, ông cũng tạo ra mô hình một chiếc xương sọ hoàn chỉnh, hóa ra mô hình cũng hoàn toàn chính xác.

Năm 1895, Dubois quay về châu Âu, mong đợi sự đón chào trong niềm vui khải hoàn. Thế nhưng, ông phải đối mặt với sự phản đối từ phía mọi người. Hầu hết các nhà khoa học đều không thích những kết luận cũng như thái độ kiêu ngạo của ông. Mẩu xương sọ này, họ nói, là của loài khỉ không đuôi, cũng có thể là loài vượn, chứ không phải là của loài người cổ đại. Để biện minh cho những kết luận của mình, năm 1897 Dubois cho phép một nhà phân tích nổi tiếng của Đại học Strasbourg, Gustav Schwalbe, quan sát mẩu xương sọ này. Trước sự bất ngờ của Dubois, Schwalbe lập tức viết một bài thuyết trình nọ, bài thuyết trình này nhận được nhiều sự cảm thông hơn so với bất kỳ bài thuyết trình nào của Dubois trước đó. Sau đó Schwalbe thuyết trình trước công chúng và nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt cứ như thể chính Schwalbe là người tìm ra được mẩu xương sọ này. Quá cay đắng, Dubois rút lui và quay về với vị trí Giáo sư địa chất tại Đại học Amsterdam, suốt hai thập niên sau đó ông không để bất kỳ ai quan sát những hóa thạch quý báu của mình, ông qua đời năm 1940 trong sự chán nản.

Trong khi đó, cách đó nửa vòng trái đất, cuối năm 1924 Raymond Dart, trưởng khoa giải phẫu tại Đại học Witwatersrand thuộc Johannesburg, nhận được một chiếc xương sọ nguyên vẹn của một đứa bé, với gương mặt không biến dạng, và một chiếc xương hàm dưới, từ mỏ khai thác đá Taung ven sa mạc Kalahari. Dart có thể lập tức xác định rằng chiếc xương sọ Taung này không phải của loài Homo erectus giống như mẩu xương sọ người Java của Dubois, mà là của một sinh vật giống khỉ tồn tại trước cả loài Homo erectus. Ông xác định rằng nó có độ tuổi khoảng hai triệu năm và đặt tên cho nó là Australopithecus africanus, hay còn gọi là “người khỉ nam châu Phi”. Trong một bản báo cáo gửi đến tập san Nature, Dart gọi chiếc xương sọ này là “loài người phi thường” và đề xuất rằng đó là một chủng loài hoàn toàn mới, Homo Simiadae (“người khỉ”).

Các cơ quan chức năng dường như không quan tâm đến những khám phá của Dart. Gần như mọi thứ về giả thuyết của ông đều khiến họ cảm thấy phiền phức. Ông cho thấy rằng mình là người tự tin đến mức đáng thương khi tự mình tiến hành các phân tích thay vì kêu gọi sự trợ giúp từ các chuyên gia ở châu Âu. Ngay cả tên gọi mà ông đặt ra, Australopithecus, cũng cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp (kết hợp hai từ gốc Hy Lạp và La Tinh). Trên hết, những kết luận của ông dường như không nhận được sự tán thành của bất kỳ ai. Khi ấy người ta cho rằng loài người và loài khỉ không đuôi đã tách rời nhau trước đó ít nhất mười lăm triệu năm ở châu Á. Nếu loài người xuất nguồn từ châu Phi, thì lẽ ra chúng ta phải là người da đen chứ! Việc đó cũng chẳng khác nào việc một ai đó nói rằng anh ta đã tìm được xương tổ tiên của loài người tại, ví dụ, Missouri. Điều đó không phù hợp với kiến thức trước đó của các nhà khoa học.

Người duy nhất ủng hộ những ghi nhận của Dart là Robert Broom, một nhà vật lý học kiêm cổ sinh vật học vốn là người lập dị sinh tại Scotland. Ví dụ, Broom có thói quen làm việc ngoài trời trong trạng thái khỏa thân mỗi khi thời tiết ấm áp. Người ta cũng biết đến ông qua những thử nghiệm giải phẫu đáng ngờ được thực hiện trên các bệnh nhân của ông. Khi các bệnh nhân chết, điều này xảy ra khá thường xuyên, đôi khi ông chôn họ trong vườn nhà mình để về sau có thể khai quật lên và tiếp tục nghiên cứu.

Broom là nhà cổ sinh vật học thành công, và vì khi ấy ông cũng sống tại Nam Phi nên ông có thể trực tiếp nghiên cứu chiếc xương sọ Taung. Ông có thể lập tức xác định được tầm quan trọng của nó giống như những gì Dart đã nghĩ và phát biểu mạnh mẽ ủng hộ ý kiến của Dart, nhưng vẫn không đem lại kết quả nào. Suốt năm mươi năm sau người ta vẫn cho rằng chiếc xương sọ Taung là của một con khỉ không đuôi. Hầu hết các sách giáo khoa thậm chí còn không đề cập đến nó. Dart dành năm năm để viết một chuyên khảo đồ sộ, nhưng không tìm được ai để phát hành tài liệu này. Cuối cùng ông từ bỏ ý định phát hành tài liệu này (dù rằng ông vẫn tiếp tục săn tìm các hóa thạch). Suốt nhiều năm trời, chiếc xương sọ này – ngày nay được xem là một trong những tài sản quan trọng nhất của nhân loại học – ngủ yên như một chiếc chặn giấy trên bàn.

Tại thời điểm Dart thực hiện những công bố của mình năm 1924, người ta chỉ biết đến bốn chủng người cổ đại – Homo heidelbergensis, Homo rhodesiensis, Neanderthal, và người Java của Dubois – nhưng tất cả đều sắp thay đổi mạnh mẽ.

Trước tiên, tại Trung Quốc, một nhà nghiên cứu không chuyên tài năng người Canada tên là Davidson Black bắt đầu tìm kiếm tại một nơi, đồi Dragon Bone, đó là nơi nổi tiếng tại địa phương về việc săn tìm các mẩu xương cổ. Đáng tiếc là thay vì bảo tồn các mẩu xương này để nghiên cứu, người Trung Quốc lại dùng chúng để chế biến các loại thuốc uống. Trước khi Black đến, khu vực này đã bị khai quật trần trụi, nhưng ông vẫn tìm được một mẩu răng hàm hóa thạch và chỉ với mẩu xương này ông công bố khám phá của mình về chủng người Sinanthropus pekinensis, về sau được gọi là người Bắc Kinh.

Với sự khuyến khích của Black, người ta tiếp tục khai quật khu vực này và tìm được nhiều mẩu xương khác. Đáng tiếc là tất cả đều bị thất lạc sau khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng năm 1941.

Trong khi ấy, tại Java, một nhóm được dẫn đầu bởi Ralph von Koenigswald tìm thấy các di tích về một họ người cổ đại khác được đặt tên là người Polo vì những khám phá của họ được thực hiện tại sông Polo thuộc Ngandong. Lẽ ra những khám phá của Koenigswald đã tạo ấn tượng mạnh mẽ hơn nếu không có một sai lầm đáng tiếc. Ông tặng các cư dân địa phương 10 xu mỗi khi họ tìm thấy một mẩu xương cổ nào đó, về sau ông khám phá ra rằng họ đã cố ý đập vỡ những mẩu xương lớn thành nhiều mảnh nhỏ để tăng thu nhập.

Suốt những năm sau đó, người ta tìm được nhiều mẩu xương cổ khác và được nhận dạng bằng nhiều tên gọi khác nhau – Homo aurignacensis, Australopithecus transvaalensis, Paranthropus crassidens, Zinjanthropus boisei. Vào thập niên 1950, con số các chủng người cổ đại đã lên đến hơn một trăm. Hơn nữa, mỗi chủng người còn được chia làm nhiều phân loại nhỏ. Thế nên người Polo được chia thành Homo soloensis, Homo primigenius asiaticus, Homo neanderthalensis loloensis, Homo sapiens soloensis, Homo erectus erectus, và Homo erectus.

Để thiết lập trật tự cho lĩnh vực này, năm 1960 F. Clark Howell của Đại học Chicago, theo lời đề nghị của Ernst Mayr và các nhà khoa học khác của thập niên trước, đề xuất phân loại người cổ đại thành hai họ duy nhất – Australopithecus và Homo – và hợp lý hóa các giống còn lại. Người Java và người Bắc Kinh thuộc họ Homo erectus. Nhưng trật tự này không tồn tại lâu. [2]

Sau một thập niên tương đối yên lặng, cổ sinh vật học bước vào một giai đoạn mới với nhiều khám phá quan trọng, đến nay giai đoạn này vẫn chưa kết thúc. Thập niên 1960 tạo ra chủng Homo habilis, một số chuyên gia cho rằng nó là chủng nối liền giữa khỉ không đuôi và loài người, nhưng một số chuyên gia khác lại cho rằng đây không phải là một chủng hoàn toàn độc lập. Sau đó nhiều chủng khác xuất hiện Homo ergaster, Homo louisleakeyi, Homo rudolfensis, Homo microcranus, Homo antecessor, A. afarensis, A. praegens, A. ramidus, A. walkeri, A. anamensis, và nhiều chủng khác. Ngày nay tổng cộng có khoảng hai mươi chủng người được xác nhận.

Thật nghịch lý, một vấn đề lớn ở đây là: chúng ta thiếu bằng chứng cụ thể. Kể từ thuở khai thiên lập địa, nhiều tỷ người (hoặc sinh vật giống người) đã tồn tại trên trái đất này. Với con số khổng lồ này, mọi sự hiểu biết của chúng ta chỉ đặt trên cơ sở là những tàn tích nghèo nàn, phân mảnh, của khoảng năm nghìn đối tượng. “Bạn không thể lấp đầy thùng xe tải bằng toàn bộ các mẩu vật này”, Ian Tattersal, nhà nhân loại học thân thiện của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên tại New York, đáp lời khi tôi hỏi ông về các mẩu xương được tìm thấy liên quan đến lịch sử loài người.

Nếu các mẩu xương này được phân bổ đồng đều theo thời gian và không gian thì chúng ta đâu gặp sự khan hiếm như thế, nhưng dĩ nhiên sự thật không phải thế. Chúng xuất hiện ngẫu nhiên theo cách trêu ngươi. Homo erectus tồn tại trên trái đất suốt một triệu năm và sống từ khu vực ven Đại Tây Dương của châu Âu đến bờ Thái Bình Dương của Trung Quốc, nhưng nếu bạn thu thập xương của mọi thành viên Homo erectus thì chúng tôi có thể cam đoan rằng bạn không thể lấp đầy một chiếc xe buýt. Homo habilis thậm chí còn tồn tại với số lượng ít hơn thế: chỉ hai bộ xương không hoàn chỉnh và một số xương chi rời rạc.

“Tại châu Âu”, Tattersall nói, “chúng ta có các mẩu xương sọ họ người tại Georgia tồn tại cách nay 1,7 triệu năm, nhưng phải trải qua gần một triệu năm sau trước khi chủng người mới xuất hiện tại Tây Ban Nha, ngay bờ bên kia của lục địa này, và sau đó phải trải qua 300.000 năm sau trước khi chủng người Homo heidelbergensis xuất hiện tại Đức – và các chủng người này trông hoàn toàn không giống nhau”. Ông mỉm cười. “Dựa vào các mảnh vụn này bạn cố gắng xác định lịch sử của các chủng loài. Đó là một nhiệm vụ quá nặng nề. Thực ra chúng ta biết rất ít về mối quan hệ giữa các chủng người cổ xưa. Có lẽ có một số chủng không đáng để được xem là một chủng độc lập”.

Chính những ghi nhận chắp vá này khiến mỗi người có một cách nhìn nhận riêng về toàn bộ sự việc. Nếu chúng ta có hàng nghìn bộ xương phân bổ đều theo thời gian thì có lẽ hiểu biết của chúng ta về việc này sẽ được cụ thể hơn. Một chủng người mới không thể xuất hiện đột ngột, dựa vào những khám phá của chúng ta về các hóa thạch, nó chỉ xuất hiện chầm chậm từ chủng người đang tồn tại. Với kiến thức không trọn vẹn như thế, các nhà khoa học thường đưa ra những giả định hay nói đúng ra là sự phỏng đoán.

Minh họa tốt nhất cho sự mâu thuẫn ở đây là chủng người Homo habilis. Nói đơn giản là, các mẩu xương của chủng người Homo habilis chẳng có ý nghĩa gì. Khi được sắp xếp theo thứ tự, chúng cho thấy rằng con đực và con cái tiến hóa với tốc độ khác nhau theo những hướng khác nhau – con đực trở nên ít giống khỉ hơn và giống con người hiện đại hơn theo thời gian, trong khi con cái lại trở nên giống khỉ hơn và ít giống con người hiện đại hơn. Tattersall và đồng nghiệp Jeffrey Schwartz xem nó là chủng loài vô nghĩa.

Cuối cùng, nhưng có lẽ quan trọng nhất, bản chất con người là kết quả của toàn bộ quá trình này. Các nhà khoa học thường có khuynh hướng diễn giải các khám phá theo hướng ủng hộ quá trình tiến hóa của con người. Hiếm khi nào một nhà cổ sinh vật học thông báo rằng họ đã tìm được rất nhiều xương của loài người cổ đại, nhưng họ thường nói rằng họ chẳng có gì thú vị để trình diễn trước mọi người. Hoặc theo lời John Reader trong cuốn Missing Links, “Đáng ghi nhận là những diễn giải đầu tiên về những bằng chứng mới thường có nội dung củng cố những định kiến xuất hiện trước đó trong cùng lĩnh vực”. Dĩ nhiên, điều này dẫn đến nhiều tranh cãi, và không ai thích tranh cãi hơn các nhà cổ sinh vật học.

Thế nên chúng ta cần ghi nhớ rằng chúng ta hiểu biết rất ít về thời tiền sử của con người. Những gì chúng ta nghĩ rằng mình biết rằng mình là ai và mình đến từ đâu đại thể là thế này:

Hết 99,99999 phần trăm lịch sử của chúng ta là sinh vật, chúng ta có cùng tổ tiên với tinh tinh. Chúng ta gần như không biết gì về tiền sử của loài tinh tinh, nếu chúng xuất nguồn từ đâu thì chúng ta cũng xuất nguồn từ đó. Và cách nay khoảng bảy triệu năm một điều gì đó đặc biệt đã xảy ra. Một nhóm sinh vật mới xuất hiện tại các khu rừng nhiệt đới ở châu Phi và bắt đầu di chuyển đến các thảo nguyên.

Đây là họ Australopithecus, suốt năm triệu năm sau đấy là chủng người thống trị của thế giới. (Austral theo tiếng La–Tinh có nghĩa là “thuộc miền nam”, và không liên hệ gì đến lục địa Australia). Australopithecus xuất hiện với hình dáng khá đa dạng, một số trông có vẻ mảnh khảnh, chẳng hạn đứa bé Taung của Raymond Dart, một số trông có vẻ cường tráng hơn, nhưng tất cả đều có khả năng bước đi trong tư thế thẳng đứng. Một số loài tồn tại suốt hàng triệu năm, một số khác chỉ tồn tại vài trăm nghìn năm, nhưng chúng ta cần nhớ rằng ngay cả loài ít thành công nhất trong họ Australopithecus cũng tồn tại lâu hơn so với khoảng thời gian chúng ta đã tồn tại.

Họ người nổi tiếng nhất tồn tại trên thế giới là họ Australopithecus xuất hiện cách nay 3,18 triệu năm được tìm thấy tại Hadar thuộc Ethiopia vào năm 1974 bởi một nhóm dẫn đầu là Donald Johanson. Được đặt tên chính thức là A.L. 288–1, bộ xương này thường được gọi thân mật là Lucy, đặt tên theo bài hát của nhóm Beatles “Lucy in the Sky with Diamonds”. Johanson chưa bao giờ nghi ngờ về ý nghĩa của Lucy. “Cô ấy là tổ tiên cổ xưa nhất của chúng ta, phần nối liền giữa khỉ không đuôi và loài người”, ông nói thế.

Lucy có kích cỡ khá nhỏ – cao chỉ 3,5 foot. Cô ấy có thể bước đi, dù kỹ năng bước đi của cô vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Cô cũng có khả năng leo trèo tốt. Xương sọ của cô hoàn toàn bị thất lạc, thế nên chúng ta không thể khẳng định gì về kích cỡ não bộ của cô, dù rằng các mảnh vụn xương sọ cho thấy rằng nó khá nhỏ. Hầu hết các sách đều mô tả bộ xương của Lucy còn nguyên vẹn 40 phần trăm, một số khác cho rằng gần 50 phần trăm, và có một cuốn được xuất bản bởi Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ nói rằng bộ xương của Lucy còn nguyên vẹn hai phần ba. Chương trình truyền hình BBC Ape Man gọi nó là “một bộ xương nguyên vẹn” dù rằng trông nó không hề nguyên vẹn chút nào.

Cơ thể con người có tất thảy 206 xương, nhưng đại đa số các xương được lặp đi lặp lại. Nếu vất bỏ các mẩu xương bị lặp đi lặp lại, bạn chỉ còn lại 120 mẩu – đây được gọi là một nửa bộ xương. Lucy chỉ có 28 phần trăm của một nửa bộ xương (và chỉ khoảng 20 phần trăm còn nguyên vẹn). Dù sao thì, chúng ta thường nghĩ rằng mình hiểu nhiều về Lucy nhưng thực ra chúng ta chỉ biết rất ít. Thậm chí chúng ta còn không biết liệu Lucy có phải là một cô gái hay không. Giới tính của cô chỉ được ước đoán dựa vào kích cỡ nhỏ bé của cô.

Hai năm sau khám phá về Lucy, tại Laetoli thuộc Tanzania, Mary Leakey phát hiện nhiều dấu chân còn sót lại của hai người từ – người ta cho rằng thế — cùng một họ người. Những dấu chân này được tạo ra khi hai cá nhân thuộc họ người Australopithecus bước đi trên lớp tro nhão sau một vụ phun trào núi lửa. Sau đó lớp tro này rắn lại, lưu lại dấu chân của họ suốt hai mươi ba mét.

Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ tại New York có một bức tranh tầm sâu hấp dẫn. Nó mô tả hình ảnh một đôi nam nữ đang dạo bước bên nhau tại vùng đồng bằng châu Phi. Trông họ giống loài tinh tinh và có nhiều lông, nhưng có phong thái và dáng đi giống loài người. Đặc điểm nổi bật nhất ở đây là con đực choàng cánh tay trái quanh vai con cái để bảo vệ nó. Đây là cử chỉ tình cảm dịu dàng, khiến người xem nghĩ đến mối quan hệ gần gũi giữa hai người.

Bức họa này được thực hiện dựa vào những ước đoán từ những dấu chân được tìm thấy tại Laetoli. Hầu hết các đặc điểm bên ngoài của hai nhân vật này – sự rậm lông, nét mặt (mũi người hay mũi tinh tinh), biểu lộ tình cảm, màu da, kích cỡ và hình dáng hai vú của con cái — tất cả đều dựa vào sự ước đoán. Chúng ta thậm chí không thể nói rằng họ là một đôi. Con cái có thể là con của con đực. Chúng ta cũng không thể khẳng định rằng họ thuộc họ người Australopithecus. Họ được xem là họ người Australopithecus vì không còn khả năng suy đoán nào khác.

Mãi đến gần đây người ta mới thừa nhận rằng chúng ta có tổ tiên từ Lucy và các sinh vật Laetoli, nhưng ngày nay nhiều chuyên gia vẫn không khẳng định điều này. Dù họ có một số đặc điểm thể chất (răng, ví dụ) cho thấy khả năng liên hệ với chúng ta, vẫn còn đó nhiều đặc điểm không tương quan. Trong cuốn Extinct Humans, Tattersall và Schwartz nói rằng phần trên xương đùi của chúng ta rất giống với phần trên xương đùi của loài khỉ không đuôi nhưng không giống với phần trên xương đùi của họ người Australopithecus; thế nên nếu Lucy là loài nối liền giữa khỉ không đuôi và loài người hiện đại, điều đó có nghĩa là chúng ta đã sở hữu phần trên xương đùi của họ người Australopithecus suốt hàng triệu năm, sau đó lại quay lại với phần trên xương đùi của khỉ không đuôi khi chúng ta bước vào giai đoạn phát triển kế tiếp. Thực ra, người ta tin rằng Lucy không những không phải là tổ tiên của chúng ta mà còn có khả năng không thể bước đi trong tư thế thẳng đứng.

“Lucy không thể di chuyển theo cách của loài người hiện đại”, Tattersall khẳng định. “Chỉ khi các họ người này phải di chuyển giữa nhánh cây này với nhánh cây khác họ mới bước đi bằng hai chân”. Trong khi đó Johanson lại nói, “Cách bố trí xương hông và cơ khung xương chậu của Lucy sẽ khiến Lucy gặp khó khăn trong việc leo trèo giống như loài người hiện đại”.

Vấn đề càng thêm rối rắm vào năm 2001 và 2002 khi bốn chủng người mới được tìm thấy. Chủng người do Meave Leakey khám phá tại hồ Turkana thuộc Kenya được gọi là Kenyanthropus platyops đã tồn tại cùng thời điểm với Lucy và khiến mọi người nhận định rằng có khả năng đây là tổ tiên của chúng ta và Lucy là một chi nhỏ không thành công. Đồng thời được khám phá vào năm 2001 là chủng người Ardipithecus ramidus kadabba, xuất hiện cách nay khoảng 5,2 đến 5,8 triệu năm, và chủng người Orrorin tugenensis xuất hiện cách nay khoảng 6 triệu năm, đây là họ người cổ xưa nhất được khám phá – nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Mùa hè 2002 một nhóm người Pháp làm việc tại hoang mạc Djurab thuộc Chad (trước đó chưa ai tìm được các mẩu xương cổ tại đây) tìm thấy một họ người xuất hiện cách nay gần 7 triệu năm, họ đặt tên là Sahelanthropus tchadensis. (Một số chuyên gia cho rằng đó không phải là loài người, mà chỉ là loài khỉ không đuôi và thế nên cần được đặt tên là Sahelpithecus).

Việc di chuyển bằng hai chân là việc khó khăn và nguy hiểm, đòi hỏi khung xương chậu phải có nhiều thay đổi quan trọng. Để duy trì được sức mạnh cần thiết, cơ quan sinh sản phải trở nên tương đối hẹp. Điều này dẫn đến hai hậu quả nghiêm trọng tức thì và một hậu quả lâu dài. Trước tiên, việc sinh sản sẽ gây nhiều đau đớn và tăng khả năng tử vong của cả mẹ lẫn con. Hơn nữa, để đầu em bé có thể lọt qua khoảng không gian hẹp như thế thì nó phải được sinh ra khi đầu nó còn khá nhỏ – và trong khi em bé vẫn chưa có khả năng gì. Điều này đồng nghĩa với việc phải chăm sóc em bé lâu dài, dẫn đến mối quan hệ bền vững giữa con đực và con cái.

Dĩ nhiên việc một em bé chào đời với kích cỡ não bộ bằng một quả cam [3] là việc vô cùng mạo hiểm.

Vậy thì tại sao Lucy và đồng loại lại có thể bước xuống từ các nhánh cây và thoát ra khỏi các khu rừng? Có lẽ họ không còn chọn lựa nào khác. Sự xuất hiện của eo đất Panama đã cắt ngang dòng chảy từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương, làm chệch hướng các dòng nước ấm và tạo ra thời kỳ băng hà khắc nghiệt tại khu vực thuộc vĩ tuyến Bắc bán cầu. Tại châu Phi, điều này tạo ra sự khô hạn, dần dần biến các khu rừng nhiệt đới thành các thảo nguyên. “Không hẳn là Lucy và đồng loại đã rời bỏ các khu rừng”, John Gribbin viết, “mà là các khu rừng đã rời bỏ họ”.

Loài đứng thẳng bằng hai chân có thể quan sát tốt hơn, nhưng đồng thời cũng dễ bị phát hiện hơn. Ngay cả ngày nay chúng ta cũng dễ rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm hơn khi bước vào thế giới hoang dã. Gần như mọi động vật lớn mà bạn có thể nghĩ ra luôn là loài mạnh mẽ hơn, nhanh nhẹn hơn, và có nhiều răng hơn so với chúng ta. Khi đối mặt với sự tấn công, loài người hiện đại chỉ có hai lợi thế. Họ có bộ não tốt hơn, điều này giúp chúng ta có thể vạch ra các kế hoạch, và có đôi tay để múa may hoặc vận dụng vũ khí. Chúng ta là sinh vật duy nhất có thể gây hại cho đối phương từ khoảng cách xa. Thế nên chúng ta cũng có nhiều nhược điểm về thể chất.

Suốt ba triệu năm Lucy và đồng loại thuộc họ người Australopithecus dường như không hề thay đổi. Não bộ của họ không phát triển và không có dấu hiệu nào cho thấy rằng họ có thể sử dụng các công cụ dù đơn giản nhất. Lạ hơn nữa là, ngày nay chúng ta biết rằng suốt một triệu năm họ tồn tại song song với các họ người khác biết sử dụng công cụ nhưng họ vẫn không thể tận dụng được các kỹ năng này.

Tại thời điểm nào đó cách nay khoảng 2 đến 3 triệu năm, có lẽ đã có đến sáu họ người cùng tồn tại ở châu Phi. Tuy nhiên, chỉ một họ người có thể tồn tại lâu dài: Homo, họ người này xuất hiện cách nay khoảng hai triệu năm. Không ai biết rõ mối quan hệ giữa họ người Australopithecus và họ người Homo, nhưng chúng ta biết rằng họ đã cùng tồn tại song song suốt hơn một triệu năm trước khi toàn bộ họ người Australopithecus, dù mảnh khảnh hay cường tráng, biến mất một cách bí ẩn, và có lẽ khá đột ngột, cách nay hơn một triệu năm. Không ai biết tại sao họ lại biến mất. “Có lẽ”, Matt Ridley nói, “chúng ta đã ăn thịt họ”.

Theo quy ước, họ người Homo bắt đầu bằng chủng Homo habilis, một sinh vật mà chúng ta gần như chẳng biết gì về họ, và kết thúc là chúng ta, Homo sapiens (có nghĩa là “loài người biết suy nghĩ”). Giữa hai chủng này là hàng tá các chủng khác: Homo ergaster, Homo neanderthalensis, Homo rudolfensis, Homo heidelbergensis, Homo erectus, và Homo antecessor.

Homo habilis (“người khéo tay”) được đặt tên bởi Louis Leakey và các đồng nghiệp vào năm 1964 và được gọi như thế vì họ là chủng người đầu tiên biết sử dụng công cụ, dù là những công cụ rất thô sơ. Đó là một sinh vật rất cổ, giống tinh tinh hơn giống người, nhưng não bộ của nó lớn hơn 50 phần trăm so với não bộ của Lucy. Chưa có lý do thuyết phục nào cho thấy rằng tại sao não bộ của họ lại phát triển đột ngột như thế cách nay hai triệu năm.

“Hiện nay chúng ta vẫn chưa có lý do thuyết phục nào để giải thích về việc tại sao não bộ của con người lại phát triển lớn như vậy”, Tattersall nói. Não bộ lớn đòi hỏi phải có nhiều cơ quan: chúng chiếm 2 phần trăm tổng trọng lượng cơ thể, nhưng lại tiêu thụ 20 phần trăm năng lượng của cơ thể. Chúng cũng khá kén chọn nguồn nhiên liệu. Nếu bạn không ăn chất béo, não bộ của bạn sẽ không hề phàn nàn gì vì nó không cần thứ này. Thay vì thế nó muốn glucoza. Guy Brown nói: “Cơ thể luôn có nguy cơ kiệt sức bởi não bộ tham lam, nhưng nó không thể để não bộ đói vì điều đó sẽ nhanh chóng dẫn đến cái chết”.

Tattersall nghĩ rằng sự xuất hiện của não bộ lớn có lẽ chỉ là sự tình cờ trong quá trình tiến hóa. Ông và Stephen Jay Gould tin rằng nếu bạn xem lại cuộn băng ghi hình về sự sống – ngay cả khi bạn quay lại thời điểm loài người mới xuất hiện – rất có khả năng là bạn cũng chỉ trông thấy hình ảnh loài người xuất hiện một cách đột ngột mà thôi.

“Một trong những ý tưởng mà loài người khó chấp nhận nhất là”, ông nói, “chúng ta không phải là loài tột đỉnh. Chẳng có điều gì chắc chắn về sự có mặt của chúng ta ở đây. Chúng ta thường tỏ ra kiêu căng khi nghĩ rằng chính sự tiến hóa đã tạo ra chúng ta. Thậm chí cả những nhà nhân loại học cũng nghĩ thế mãi đến thập niên 1970”.

Theo các tác giả của cuốn Java Man thì Homo erectus là một đường thẳng phân cách: mọi chủng người trước đó đều có đặc điểm giống loài khỉ không đuôi; mọi chủng người sau đó đều có đặc điểm giống loài người. Homo erectus là chủng người đầu tiên biết săn bắt, biết dùng lửa, biết tạo ra các công cụ phức tạp, biết đánh dấu địa điểm, biết bảo vệ và chăm sóc những con yếu hoặc con cái. So với mọi chủng người xuất hiện trước đó, Homo erectus có hình dáng và cách cư xử rất giống loài người hiện đại, các thành viên của chủng này có chân tay dài và khỏe mạnh (khỏe hơn nhiều so với loài người hiện đại), và có khả năng phát triển trên diện rộng. So với các chủng người khác, Homo erectus là chủng khỏe mạnh, nhanh nhẹn, và có khả năng. Homo erectus là “loài nhanh nhẹn bậc nhất vào thời đó”, theo lời Alan Walker của Đại học Penn State và một trong các chuyên gia hàng đầu thế giới. Cũng theo lời của Walker, nó có cơ thể của một người trưởng thành nhưng não bộ của một đứa bé.

Dù Homo erectus đã được biết đến suốt một thế kỷ, kiến thức của chúng ta về nó chỉ là những phân mảnh được lắp ghép – thậm chí chúng ta vẫn chưa thu thập đủ một bộ xương nguyên vẹn. Thế nên mãi đến thập niên 1980, khi chúng ta có được khám phá phi thường tại châu Phi, chúng ta mới hiểu ý nghĩa của nó – tiền thân của loài người hiện đại. Ngày nay thung lũng xa xôi của hồ Turkana (trước đây được gọi là hồ Rudolf) tại Kenya là một trong những khu vực tồn tại nhiều di tích về loài người cổ đại nhất, nhưng suốt một khoảng thời gian dài trước đây không ai nghĩ đến việc tìm kiếm tại đây. Richard Leakey cùng nhóm người của mình là những người đầu tiên khám phá khu vực này, nhưng thoạt tiên họ chẳng tìm thấy gì cả. Rồi một chiều nọ, Kamoya Kimeu, người có duyên săn tìm hóa thạch nhất của nhóm này, tìm thấy một mảnh xương hàm nhỏ của một chủng người trên một ngọn đồi cách xa hồ. Những nơi như thế thường không có nhiều tiềm năng, nhưng khi khai quật ngọn đồi này họ phải sửng sốt khi phát hiện một bộ xương gần như trọn vẹn của chủng người Homo erectus. Đó là bộ xương của một cậu bé độ 9-12 tuổi đã qua đời cách nay khoảng 1,54 triệu năm. Bộ xương này có “đầy đủ cấu trúc xương của loài người hiện đại”, Tattersall nói. Cậu bé Turnaka “rõ ràng là một trong những thành viên của chúng ta”.

Cũng tại hồ Turnaka, Kimeu tìm thấy KNM-ER 1808, một phụ nữ cách nay 1,7 triệu năm, điều này giúp các nhà khoa học có được những manh mối đầu tiên rằng chủng người Homo erectus là chủng người phức tạp hơn và thú vị hơn so với những gì họ nghĩ trước đó. Các mẩu xương của phụ nữ này đã bị biến dạng và trở nên khá thô, đây là kết quả của triệu chứng gây đau đớn được gọi là thừa vitamin A, triệu chứng này chỉ có thể xuất nguồn từ việc ăn gan của một động vật ăn thịt. Trước tiên điều này cho chúng ta thấy rằng Homo erectus là loài ăn thịt. Nghiên cứu sâu hơn cho thấy rằng phụ nữ này đã sống nhiều tuần lễ thậm chí nhiều tháng với chứng bệnh này. Có một ai đó đã chăm sóc cô ấy. Đó là dấu hiệu đầu tiên về tính nhân hậu nơi con người.

Người ta cũng khám phá rằng não bộ của Homo erectus có (hoặc có thể có) khu vực được gọi là Broca’s, một khu vực thuộc thùy trước của não bộ liên quan mật thiết đến việc vận dụng ngôn ngữ. Tinh tinh không có đặc điểm này. Alan Walker nghĩ rằng đường xoắn ốc này không có đủ kích cỡ và sự tinh vi để có thể cấu thành ngôn ngữ, rằng có lẽ Homo erectus chỉ liên lạc với nhau theo cách của loài tinh tinh hiện đại. Một số chuyên gia khác, đặc biệt là Richard Leakey, tin chắc rằng Homo erectus có thể nói được.

Suốt một khoảng thời gian dài, Homo erectus là chủng người duy nhất tồn tại trên trái đất. Các bằng chứng hóa thạch cho thấy rằng một số thành viên của chủng người này cũng xuất hiện tại Java khi, hoặc trước khi, họ rời bỏ châu Phi. Điều này khiến các nhà khoa học nghĩ rằng có thể loài người hiện đại không phải xuất nguồn từ châu Phi mà là từ châu Á. Nếu loài người xuất nguồn từ châu Á thì chúng ta phải giải thích được tại sao người Java lại có thể tìm đến châu Phi nhanh như thế.

Ngày nay một số chuyên gia không tin rằng những khám phá tại Turkana là chủng người Homo erectus. Theo lời Tattersall và Jeffrey Schwartz trong cuốn Extinct Humans, bộ xương Turkana “không thể đem so với bất kỳ bộ xương nào khác vì không có bộ xương nào giống thế”. Bộ xương Turkana, họ nói, không giống với bất kỳ bộ xương chủng người Homo erectus nào được tìm thấy tại châu Á và không thể được xem là chủng người Homo erectus ngoại trừ việc đó là bộ xương của loài người hiện đại. Một số chuyên gia khác khẳng định rằng phải gọi bộ xương Turkana (và bất kỳ xương nào khác trong cùng thời kỳ) là Homo ergaster. Tattersall và Schwartz không chịu dừng lại ở đó. Họ tin rằng chính Homo ergaster “hoặc họ hàng với Homo ergaster” đã di cư đến châu Á từ châu Phi, tiến hóa thành Homo erectus, và sau đó tuyệt chủng.

Chúng ta chỉ có thể chắc chắn rằng cách nay hơn một triệu năm, một số sinh vật tương đối hiện đại có dáng đi thẳng đứng bằng hai chân đã rời bỏ châu Phi và tìm đến hầu hết mọi nơi trên địa cầu. Họ có thể di chuyển bình quân hai mươi lăm dặm/năm, vượt qua các dãy núi, sông suối, hoang mạc, và những trở ngại khác, thích nghi với điều kiện khí hậu và nguồn thực phẩm của từng vùng. Có điều bí ẩn là: làm thế nào họ có thể vượt qua được bờ tây của Biển đỏ, một khu vực ngày nay nổi tiếng khô cằn, trước kia còn khô cằn hơn thế.

Và tôi e rằng chúng ta phải kết thúc tại đây. Những gì xảy ra trong giai đoạn phát triển kế tiếp của loài người lại là một cuộc tranh luận dài, như những gì chúng ta sẽ thấy ở chương sau.

____________

[1] Dù là người Hà Lan, Dubois quê ở Eijsden, một thị trấn giáp ranh với khu vực nói tiếng Pháp thuộc Bỉ.

[2] Loài người được xếp vào họ Hominidae. Các thành viên của nó, theo truyền thống được gọi là các chủng người, gồm bất kỳ sinh vật nào (kể cả các sinh vật đã tuyệt chủng) có quan hệ gần gũi với chúng ta hơn so với các loài tinh tinh còn sống. Trong khi đó, khỉ không đuôi được xếp vào một họ được gọi là Pongidae. Nhiều chuyên gia tin rằng tinh tinh và khỉ đột nên được xếp vào họ này, với con người và tinh tinh trong phân họ được gọi là Hominiae. Cuối cùng, các sinh vật được gọi là hominid trở thành hominin. Hominoidea là tên của liên họ khỉ không đuôi, kể cả chúng ta.

[3] Kích cỡ chính xác của não bộ không mang nhiều ý nghĩa – đôi khi mang ý nghĩa rất quan trọng. Loài voi và cá voi có não bộ lớn hơn nhiều so với não bộ của chúng ta, nhưng bạn có thể dễ dàng đánh lừa được chúng.

Bình luận
× sticky