MẬT MÃ 1: Người Do Thái sùng đạo hiểu và sống theo lề luật của Chúa trong Kinh Torah
Ông Moses triệu tập toàn thể dân Israel đến và nói với họ: “Hỡi Israel, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định mà hôm nay tôi nói cho anh em nghe; anh em phải học cho biết những điều ấy và lo đem ra thực hành. ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, đã lập một giao ước với chúng ta tại núi Horeb… ĐỨC CHÚA đã phán trước mặt anh em trên núi, từ trong đám lửa.
Ông Moses triệu tập toàn thể dân Israel đến và nói với họ: “Hỡi Israel, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định mà hôm nay tôi nói cho anh em nghe; anh em phải học cho biết những điều ấy và lo đem ra thực hành. ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, đã lập một giao ước với chúng ta tại núi Horeb… ĐỨC CHÚA đã phán trước mặt anh em trên núi, từ trong đám lửa.
– Đnl 5, 1-2,4
Trong suốt 250 năm, các thông điệp từ trời hiếm khi được ban xuống. Kể từ khi Thiên Chúatạo ra Adam cho đến khi tiết lộ Kinh Torah (Ngũ kinh đầu tiên của Kinh Thánh) với Moses là khoảng hơn 250 năm. Sau khi Adam bị đuổi khỏi vườn Eden thì đó là lần cuối cùng Thiên Chúa trò chuyện trực tiếp với loài người. Chính vì vậy, từ đó Thiên Chúa thường tiết lộ kế hoạch của Người thông qua một giấc mộng hay giấc mơ. Và cuộc gặp đầu tiên đến từ một giấc mộng đã được ghi lại trong Kinh Thánh là trong sách Sáng Thế Ký chương 15 câu: “… lời của Thiên Chúa đến với Abram trong một giấc mơ.” Sau đó, Chúa đã nói chuyện với con cháu của Tổ phụ Abraham trong những giấc mơ và đôi khi là các thiên sứ ghé thăm (St 31,10; 37,5). Từ Adam đến Moses, loài người được mặc khải qua ngôi lời của Thiên Chúa, ngoại trừ một sự cố được sử gia Do Thái Flavius Josephus ghi lại. Sử gia cổ đại này đã ghi lại lời mặc khải tiên tri mà Adam đã nhận được, và lời mặc khải đó được truyền lại cho đến đời con của ông Seth. Khi nói về những đứa con trai của Seth, Josephus đã viết:
Bức tranh tường Creation of Adam trên trần nhà nguyện Sistina, thành Vatican (Michelangelo)
Họ cũng là nhà phát minh ra hiểu biết đặc biệt có liên quan đến các thiên thể và thứ tự của chúng. Quả thật những phát minh của họ đã không thể bị mất đi trước khi chúng được nhận thức đầy đủ, vào lúc dự báo của Adam cho rằng thế giới sẽ có lúc bị phá hủy bởi sức mạnh của lửa, và có lúc bởi bạo lực và nước, họ đã làm hai trụ cột, một trụ bằng gạch, và một trụ bằng đá: họ đã ghi lại những khám phá của họ lên cả hai trụ, phòng trường hợp trụ cột bằng gạch bị phá hủy do lũ lụt, thì trụ cột bằng đá có thể vẫn còn. Nó sẽ trình bày những phát hiện của họ cho nhân loại, và cũng là để thông báo rằng họ cũng đã dựng nên một trụ khác bằng gạch. Và những trụ cột này vẫn còn ở vùng đất Siriad cho đến ngày nay.
Dự đoán về hai thảm họa toàn cầu này là một trong những lời tiên tri đầu tiên được biết đến bằng văn bản. Trước đó trải qua 10 thế hệ từ Adam đến Noah, các thông tin đều được truyền bằng miệng hoặc lời nói. Trước trận lụt Đại hồng thủy, loài người thường sống rất thọ – khoảng giữa 365 và 969 năm (St 5,23,27) và điều này đem lại cho họ khả năng truyền lại thông tin từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và đã có hơn mười thế hệ được truyền lại thông tin như vậy, từ Shem – con trai của Noah cho đến Abraham. Trải qua hai mươi thế hệ sau thất bại của Adam, Thiên Chúa đã chọn Abraham để xây dựng một quốc gia mới và trở thành đại diện giao ước của Thiên Chúa trên trái đất. Chính vì vậy, con cái của Abraham được xem là những người Israel đầu tiên, mang tên trẻ em của Israel và sau này trên toàn thế giới xác định là người Do Thái.
Abraham được gọi là người Hebrew lần đầu tiên trong sách Sáng Thế Ký chương 14 câu 13. Khi bắt đầu được đề cập đến trong Kinh Thánh, Abraham xuất hiện như một người đã trưởng thành, đầy vinh quang với tên gọi “Avraham Ha-Ivri” có nghĩa là “Abraham – người Thiên Chúa tuyển chọn “ám chỉ rằng Thiên Chúa đã mang Abraham từ Ur (phía bên kia của sông Euphrates) đến Miền Đất Hứa. Khi Abraham 100 tuổi và lúc đó bà Sarah 90 tuổi đã sinh con trai duy nhất tên là Isaac (St 21,5). Isaac có tên tiếng Hebrew là Yitzchak có nghĩa là “tiếng cười” và ông kết hôn ở tuổi bốn mươi (St 25,20), và vợ của ông là bà Rebekah, đã hạ sinh một cặp song sinh tên là Esau và Jacob (St 25,25-26). Sau đó, Thiên Chúa đã đổi tên của Jacob thành Israel. Mười hai con trai của Jacob kết hôn và phát triển thành mười hai bộ tộc, trở thành quốc gia của Israel.
Để tồn tại khi nạn đói hoành hành, gia đình Jacob phải tị nạn sang Ai Cập và định cư tại một khu vực ở Ai Cập được gọi là Goshen (St 45,10). Sau vài trăm năm, Israel từ những người di dân nay phát triển thành hàng trăm ngàn người, điều này trở thành mối lo ngại cho vị vua mới của Ai Cập, người luôn lo ngại rằng những người Hebrew có thể phá hủy đế chế Ai Cập. Chính vì vậy, người Hebrew bị buộc phải làm nô lệ để xây dựng các thành làm kho lương thực cho người Ai Cập (Xh 1,11).
Nhưng khi thời cơ đến, Thiên Chúa đã đưa họ ra khỏi Ai Cập và tìm đến Miền Đất Hứa. Như vậy là cùng với ơn gọi của Moses! Khi còn là một đứa trẻ sơ sinh, ông đã sống sót khi đương đầu với mối đe dọa sinh tử của những đứa con trai đầu lòng người Hebrew nhờ được giấu trong một cái thúng cói. Và chính con gái của Pharaoh đã phát hiện ra chiếc thúng trong những đám lau sậy bên bờ sông Nile. Bà đã coi đứa bé như là con của mình và đặt tên là Moses. Moses lớn lên trong cung điện của Pharaoh, được dạy về nghệ thuật và quân sự Ai Cập trong suốt 40 năm. Mặc dù ông mặc trên mình bộ trang phục của Ai Cập nhưng lại mang trong mình trái tim người Hebrew, minh chứng cho điều này là ông đã giết chết một người lính Ai Cập khi họ đang đánh đập một nô lệ người Hebrew (Xh 2,11-12). Lo sợ bị người Ai Cập trả thù, Moses đã chạy trốn khỏi Ai Cập sang sa mạc Midian. Và đứa trẻ cố gắng sống sót trong một chiếc thúng bấy giờ đã 40 tuổi!
Sau bốn mươi năm chăn chiên cho bố vợ, Moses đã nhận được mặc khải tại một bụi cây đang cháy (Xh 3,2). Được lớn lên ở Ai Cập nên Moses đã quen thuộc với Ra – thần mặt trời của Ai Cập; Apis – thần bò của sự sáng tạo và quyền lực; Amun, Ptah; Khnum; Aten và nhiều vị thần và nữ thần khác của Ai Cập. Khi Đấng Toàn Năng nói chuyện với Moses từ bụi gai, Moses hỏi: “Ngươi là ai?”. Trước khi hết ngày, Moses đã gặp Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Jacob. Người phán: Hãy đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập trở về Miền Đất Hứa.
Trở về Ai Cập, Moses và anh trai của mình, Aaron đã chứng kiến mười tai họa, đó chính là một cuộc tấn công chống lại mười vị thần chính của Ai Cập. Vào ngày thứ mười lăm của tháng Nissan (Tháng 1), Moses huy động sáu trăm ngàn người đàn ông và ước tính khoảng 1,5 triệu người bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, vượt qua Biển Đỏ đến nơi hoang dã. Cuộc di cư này là sự khởi đầu của Thiên Chúa chuẩn bị cho một dân tộc và chuẩn bị hé lộ lần đầu tiên một thông điệp từ trời xuống sẽ được ghi lại cho tất cả mọi người đọc và xem thấy.
Hầm mộ Julius II, tại Nhà thờ thánh Pietro ở Vincoli, Rome, làm bằng đá cẩm thạch, hoàn thành năm 1545 (Michelangelo)
Sau khi rời Ai Cập được 50 ngày, Moses lên đến đỉnh núi Sinai trong sa mạc Ả Rập, sau đó ông ở trên núi 40 ngày và nhận được ngôn từ trực tiếp và khải thị thiêng liêng nhất từ Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại (Xh 24,16-18). Những ngôi lời Thiên Chúa nói ra được khắc trên bia đá rất chi tiết và cụ thể. Sau đó, lời Chúa được các học giả viết lại bằng cách sử dụng những miếng da động vật lớn. Đó được gọi là Kinh Torah (có nghĩa là “giảng dạy”), đây chính là cuốn sách quy tắc nước trời, tiết lộ cho người Hebrew.
Ðức Chúa phán với ông Moses: “Hãy lên núi với Ta và ở lại đó; Ta sẽ ban cho ngươi những bia đá: luật và mệnh lệnh Ta đã viết ra để dạy dỗ dân chúng.”
— Xuất hành 24,12
Kinh Torah (gọi là Ngũ kinh trong tiếng Hy Lạp) bao gồm năm cuốn sách đầu tiên trong Kinh Thánh, do ông Moses viết trong suốt 40 năm hành trình của ông với dân Israel. Cuộn Kinh Torah được viết bằng tay chứa 79.847 từ và 847.304.805 chữ cái Hebrew riêng biệt. Chủ đề của Ngũ kinh đó là:
Sáng thế là sách mở đầu cho Cựu Ước nói riêng cũng như Kinh Thánh nói chung. Cuốn sách là lịch sử của vũ trụ, nhân loại và đặc biệt là dân tộc Israel cho đến khi con trai thứ 12 của Jacob và gia đình sang Ai Cập.
Xuất hành là tiếng gọi của Moses, giải thoát khỏi Ai Cập, và thiết lập chức linh mục và nhà tạm.
Lêvi là phần nối tiếp của Xuất hành, viết tiếp cụ thể về các lề luật, quy định, nghi lễ và đạo đức phải tuân giữ để cụ thể hóa việc làm “dân riêng” của Thiên Chúa. Trọng tâm của quyển sách này cũng nói về vai trò của hàng tư tế (các thầy Lêvi) trong dân tộc Israel nên người ta đã lấy tên Lêvi để đặt cho nó.
Dân số là cuộc điều tra dân số của mười hai dân tộc và những thất bại của các quốc gia khi vâng lời Chúa trong sa mạc.
Đệ nhị luật là một bản Dân luật và luật Tôn giáo, bản tóm tắt về những chuyến đi của Israel, hướng đi mới và những lời tiên tri về tương lai của dân Israel.
Kinh Torah chứa đựng lịch sử, chủ yếu là hướng dẫn cụ thể và hướng dẫn tinh thần, xã hội và lối sống đạo đức, sự hiến tế cùng các ứng dụng nghi lễ. Những hướng dẫn của Thiên Chúa trong Torah thường được chia thành bốn loại: pháp luật, điều răn, lề luật và phán xét. Những nhà nghiên cứu Kinh Thánh thường hợp nhất bốn phần thành một và gọi nó là Luật Moses hay còn gọi là Luật của Thiên Chúa. Đây chính là luật Thiên Chúa ban cho Moses nhưng quan trọng hơn, đó là sự mặc khải của Đấng Tạo Hóa nhằm giúp con người cách sinh sống, cách cư xử, cách ăn uống và suy nghĩ và cách để thành công trong hành trình của đời người. Đây chính là ý nghĩa của Bộ luật Thiên Chúa.
Cuộn kinh Do Thái cổ xưa
Levi – một trong số các bộ tộc của các con trai Jacob, đã được Chúa lựa chọn để giảng dạy bộ luật và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Levi là con trai thứ ba của ông Jacob và vợ Leah, tên của ông có nghĩa là “sự gắn bó”. (Ðức Chúa thấy rằng bà Leah không được yêu, nên Người cho bà sinh đẻ, bà Leah có thai và sinh con trai. Bà nói: “Lần này, chồng tôi sẽ gắn bó với tôi vì tôi đã sinh cho ông ba đứa con trai”, vì thế bà đặt tên cho nó là Levi. (St 29,34). Levi đã trở thành một “người kết nối” giúp đỡ người Do Thái liên kết với Thiên Chúa. Khi nhà tạm của Moses được xây dựng, người thuộc chi tộc Levi là các mục sư chuyên trách, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của linh mục cao nhất Aaron và con trai của ông, tất cả đều là người thuộc chi tộc Levi. Đây là chi tộc duy nhất mang gen của Thiên Chúa, điều này đã được chứng minh trong một xét nghiệm ADN gần đây. ADN của loài người được gọi là một cuốn sách di truyền của cuộc sống, mã hóa thông tin chi tiết liên quan đến sự phát triển thể chất của con người. Ngoại hình, tính cách, điểm mạnh hay các dị tật của bạn và nhiều hơn nữa đều được mã hóa trong ADN của bạn. Một số người Do Thái sống ở Israel đã thực hiện một thử nghiệm di truyền đặc biệt và đã chứng minh họ là từ dòng dõi của linh mục Hebrew cổ đại. Các xét nghiệm gen được một nhà di truyền học người Mỹ phát triển năm 1997. Nhà di truyền học đã bắt đầu nghiên cứu những biến đổi trong nhiễm sắc thể Y từ 306 người Do Thái, trong đó có 106 nhiễm sắc thể đã xác nhận là của người Kohanim từ Israel, Canada, và Anh.
Trong tiếng Hebrew, từ dành cho các linh mục là Kohanim. Giả sử nếu một người Do Thái có họ Levi, Levee, hoặc Levin, điều đó cho thấy họ liên quan đến các chi tộc Levi. Nếu họ của người Do Thái là Cohen, Kahn, Kane, hoặc một biến thể tương tự, thì chứng tỏ họ có một mối liên hệ với các linh mục xưa, mặc dù không phải tất cả những người có tên họ như vậy đều là Kohanim. David Goldstein cho biết trong số mười bảy thử nghiệm bộ tộc Kohanim ở Israel, thì có mười ba xét nghiệm dương tính với gen linh mục này. Các nhà nghiên cứu cũng đã thử nghiệm ba ngàn người Do Thái từ một bộ lạc ở Ấn Độ và một nhóm khác ở châu Phi. Một số người trong mỗi nhóm có kết quả dương tính với gen ADN linh mục.
Sự thành công đáng kinh ngạc của những người Do Thái đã trở thành điều bí ẩn và được nghiên cứu qua nhiều thế hệ. Cũng có nhiều cuốn sách và bài báo được viết, nhưng có nhiều cuốn đã bỏ qua vấn đề trọng tâm của tất cả Do Thái giáo đó là – học tập, đọc sách, và làm theo Bộ luật Torah. Kinh Torah hé lộ thông tin cụ thể giúp bạn kéo dài cuộc sống, tăng cường sức khỏe thể chất, mang lại sự ổn định tinh thần, xây dựng gia đình vững mạnh, và cung cấp sự khôn ngoan cho các cơ hội làm giàu khi chúng ta tuân giữ các điều luật trong đó.
Bạn sẽ không thể làm theo những gì bạn không thể nhìn thấy, hay không thể nghe những gì bạn chưa bao giờ nghe nói, và không thể tuân theo những gì bạn không biết. Những người Do Thái chính thống và trẻ em của người Do Thái giáo được dạy cách đọc, học hỏi và theo dõi Kinh Torah cùng với Kinh Talmud. Từ khi còn nhỏ, trẻ em đã quen thuộc với các nghi lễ, nghi thức, và giới luật trong bộ Luật Torah. Hầu hết các cộng đồng Kitô giáo không phải Do Thái vẫn không hiểu rõ các vấn đề liên quan những khám phá và nguyên tắc tuyệt vời trong cuộc sống thực tế được viết trong Kinh Torah. Hầu hết các tín hữu đi nhà thờ đều lắng nghe Lời Chúa từ sách Phúc âm hoặc sách Tân Ước. Thỉnh thoảng, các mục sư cũng rao giảng từ trong sách Sáng thế hoặc đề cập đến sách Xuất hành, nhưng họ ít khi trình bày chi tiết về những hướng dẫn đạo đức và xã hội hàng ngày được tìm thấy trong sách Lêvi, sách Dân số và sách Đệ nhị luật.
Ngay cả các tài liệu sáng lập của nước Mỹ, trong đó có Tuyên ngôn Độc lập, Hiến pháp và Tuyên ngôn Nhân quyền, đều là những tài liệu quốc gia có nguyên tắc đạo đức dựa trên Kinh Torah. Như vậy, những người sáng lập nước Mỹ và các nhà lãnh đạo thuở ban đầu cũng đã nhận thức rất rõ được hậu quả của việc không tuân theo Lời Chúa. Do đó, những điều quan trọng đều được ghi trong các điều răn của Đức Chúa Trời trong năm cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh. Nhưng không phải vì người Kitô giáo học từ Tân Ước, hoặc Giao Ước Mới, mà Thiên Chúa sẽ thay đổi điều răn đạo đức của Người để phù hợp với những nhà tư tưởng tự do của các thế hệ tương lai. Nói cách khác, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu cầu tuân giữ các điều răn của Người, mặc dù chúng có nguồn gốc từ trong Cựu Ước.
Đầu tiên: “Tất cả Kinh Thánh đều do Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích để dạy dỗ, để biện bác, để tu chỉnh, để giáo huấn trong sự công chính” (2 Tim 3,16.). Một số Kitô hữu không biết nhiều về số lần mà người viết Tân Ước trích dẫn trực tiếp từ sách Tanakh – Kitô giáo gọi là Cựu Ước. Khi bốn sách Phúc Âm, sách Công vụ tông đồ và Thư đề cập đến “Kinh Thánh” thì họ đang đề cập đến sách Torah, sách tiên tri, và bài viết của Cựu Ước (Xem Lc 24,27; Cv 17,2; 2 Tm 3,15). Hai mươi bảy cuốn sách của Tân Ước không được biên soạn thành sách cho đến thế kỷ thứ tư. Ngày nay có sáu mươi sáu cuốn sách là bản dịch tiếng Anh của Kinh Thánh. Tuy nhiên “tất cả Kinh Thánh” – cả kinh Tanakh (Cựu Ước) và Tân Ước đều được Chúa soi dẫn.
Một số Kitô hữu tự do từ chối toàn bộ Cựu Ước, đặc biệt là Kinh Torah, bởi vì họ nghĩ đó là những tài liệu nguyên thủy đã lỗi thời. “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Moses hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. (18) Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm nhỏ trong lề luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” (Mt 5,17-18).
Chúa Giêsu không bãi bỏ Luật Moses mà Ngài thực hiện những dự đoán, hình thức và dấu vết đã được ẩn trong lề luật của Đấng Cứu Thế. Người là “Chiên Thiên Chúa, đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29), Người bị đóng đinh ở gần thời điểm Lễ Vượt qua và hoàn thành hình ảnh của con chiên Vượt Qua đã được nêu ra trong sách Xuất hành 12. Chúa Giêsu Kitô đã bị treo trên thập giá giữa trời và đất, như con rắn của Moses đã bị giương cao trong sa mạc, Con người cũng sẽ phải bị giương cao như vậy trong sách Dân số 21 (Ga 3,14). Việc hiến tế của con bò cái tơ được sử dụng trong nghi lễ cổ xưa này trong số sách Dân số 19 đã đề cập đến cây hương nam, chùm kinh giới và màu đỏ sậm. Tất cả ba vật phẩm này chính là một phần của cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu 1500 năm sau đó (Xem Ga 19,17,29; Mt 27,28).
Như vậy, làm sao để một người có thể xem việc hoàn thành Tân Ước như là một phần của Kinh Torah với các giới răn luân lý và xã hội thực tế mà chúng ta cần tiếp tục tuân giữ ngày nay? Việc hiểu được ba bộ luật của Kinh Torah giúp chúng ta hiểu được những gì được thực hiện thông qua Chúa Giêsu và những gì vẫn còn nguyên vẹn.
Bộ luật Torah có thể được chia thành ba loại chính:
Bộ luật hiến tế
Bộ luật thánh lễ
Bộ luật điều răn
Nghi thức dâng tiến động vật được bắt đầu sau thất bại của Adam. Ðức Chúa là Thiên Chúa đã lấy da từ hai động vật, làm cho Adam và Eva những chiếc áo bằng da và mặc cho họ để họ có trang phục. (St 3,21). Ông Noah, Abraham, và Jacob đã xây dựng những bàn thờ bằng đá để dâng lên vật hiến tế trong suốt cuộc đời của họ. Vào thời Moses, các nghi lễ hiến tế được dùng để chuộc lỗi của các linh mục và dân Israel. Hiến tế máu có ý nghĩa rất quan trọng vì “mạng sống của xác thịt thì ở trong máu” (Lv 17,11). Một nạn nhân vô tội sẽ được dâng tiến để thay cho những kẻ phạm tội. Mỗi lễ vật chính là vật hiến tế trước của hy tế cuối cùng, hy tế chu tất quy trình chuộc tội cho họ và cho loài người.
Trong Lễ Vượt qua, người Hebrew đã phát hiện ra sức mạnh bảo vệ và cứu chuộc trong máu của con chiên (Xh 12). Và người Hebrew đã bôi máu lên trên cánh cửa bên ngoài của ngôi nhà để ngăn thần chết xâm nhập vào nhà. Vì nhờ máu con chiên đồng thể thức với máu Thiên Chúa và Chúa Giêsu sẽ chiến thắng thần chết và sức mạnh của sự chết (Kh 12,11).
Nghi lễ dâng tiến gồm một con chiên vào buổi sáng và một con vào buổi tối, ngoài ra còn hiến tế bò, cừu, dê, chim cu gáy và chim bồ câu như lễ dâng lên Người những tội lỗi, sự xúc phạm, tạ ơn và chuộc tội của loài người. Rõ ràng những yêu cầu dâng tiến động vật trong Kinh Torah đã được thực hiện thông qua sự đau khổ của Chúa Kitô. Cái chết của Người chính là sự tha thứ cho mọi tội lỗi và xúc phạm của chúng ta. Chúa Giêsu đã thực hiện hiến tế qua việc Ngài đổ máu và chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại. Ngày nay, lễ tế không cần máu chiên vì Thánh lễ trên bàn thờ mà các vị có chức linh mục dâng chính là lễ tế đầy đủ trọn vẹn mà Chúa Giêsu đã dâng trên bàn thờ thập giá (Dt 9,11-12). Vì vậy, những bí mật của nghi lễ hiến tế đã được mở khóa thông qua cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô.
Phần thứ hai trong điều luật Moses là phân chia các nghi thức lễ. Trong năm sẽ có bảy ngày lễ được xem là bảy ngày lễ trọng. Bảy ngày lễ trọng trong năm là:
Lễ Vượt qua
Lễ Bánh không men
Lễ Trái đầu mùa
Lễ Hiện xuống
Lễ Loan báo tin mừng
Lễ Chuộc tội
Lễ Tạ ơn
Bảy ngày lễ trọng này sẽ tổ chức vào những khoảng thời gian cụ thể trong năm theo lịch Do Thái. Ngoài những ngày lễ này còn có một số ngày lễ trọng khác như ngày Sabbath (Xh 20,10), dịp Lễ Lều (Tv 81,3) và Lễ Toàn xá (Lv 25,9-52). Theo thời gian, những sự kiện chính trong lịch sử Do Thái được ghi nhớ và bổ sung thêm các ngày lễ trong năm.
Paul đã viết những ngày lễ thánh duy nhất này là tất cả những báo trước (hình bóng) của những điều sắp tới về Đấng Cứu Thế và dân tộc của Người.
Vậy đừng ai xét đoán anh em về chuyện đồ ăn thức uống, hay liên quan đến các ngày lễ, ngày đầu tháng, hay ngày Sabbath. Tất cả những cái đó chỉ là hình bóng những điều sắp tới, nhưng thực tại là thân thể Đức Kitô.
– Cl 2,16-17
Bảng dưới đây sẽ cho thấy Lễ Vượt qua trong Xuất hành báo trước chi tiết về những gì sẽ xảy ra 1.500 năm sau về hình ảnh Chúa bị đóng đinh trên cây thập giá.
Lễ Hiện xuống được xác định dựa trên khoảng thời gian khi ông Moses nhận được các điều luật trên núi Sinai và dân chúng Israel đã hợp nhất với Thiên Chúa. Lễ Hiện xuống đầu tiên phản ánh ngày Lễ Hiện xuống trong tương lai khi Chúa Thánh Thần xuống và xây dựng hội thánh ở Jerusalem.
Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá vào Lễ Vượt qua và Người được đặt trong ngôi mộ trong suốt Lễ Bánh không men và Người đã sống lại trong Lễ Trái đầu mùa. Và Hội Thánh đã được thiết lập vào ngày Lễ Hiện xuống (Cv 2,1-4). Nhiều học giả cho rằng ba thánh lễ trọng mùa thu là để chuẩn bị dọn đường cho Chúa đến, cho cuộc khổ nạn và sự hiển trị của Đức Kitô 1.000 năm sau (Kh 20,4).
Sự xuất hiện đầu tiên của Thiên Chúa được thực hiện qua ba thánh lễ mùa xuân và giáo hội được thiết lập vào thánh lễ thứ tư, lễ Chúa hiện xuống. Sự trở lại của Người là để thực hiện lời tiên tri của 3 thánh lễ mùa thu. Như vậy, khía cạnh thánh lễ trong luật Moses đã cho thấy việc thực hiện một phần để dọn đường cho Chúa đến và sẽ được hoàn tất khi Người trở lại.
Điều luật đạo đức trong Kinh Torah cho thấy quy tắc ứng xử đạo đức và cư xử liên quan đến gia đình, hàng xóm, chính quyền dân sự và trong buôn bán kinh doanh. Các điều răn và hướng dẫn về xã hội và đạo đức thường thảo luận về trách nhiệm phải tuân theo, ơn lành cho những ai vâng phục, và có hình phạt nếu vi phạm các điều luật này. Và trong điều luật gia đình sẽ cho phép mọi người hiểu rõ về tình dục, hôn nhân và nuôi dạy con cái. Ví dụ những điều luật sau:
Ngươi không được phép nhìn khi các thành viên gia đình hay họ hàng ngươi ở trần (Lv 18,6-18).
Ngươi không được quan hệ tình dục ngoài quan hệ hôn nhân (Lv 18,20).
Ngươi không được lấy đứa nào trong con cái ngươi mà nhượng lại cho thần Mô-léc và không được xúc phạm đến danh của Thiên Chúa ngươi. Ta là Ðức Chúa (Lv 18,21).
Đàn ông không được phép quan hệ với đàn ông hay con vật nào. Đó là điều ô uế và quái đản (Lv 18,22-23).
Mỗi người trong các ngươi phải kính sợ cha mẹ. Các ngươi phải giữ những ngày Sabbath của Ta. Ta là Ðức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi (Lv 19,3).
Khi các ngươi gặt lúa trong đất của các ngươi, (các) ngươi không được gặt cho tới sát bờ ruộng; lúa gặt sót, (các) ngươi không được mót. Vườn nho của (các) ngươi, (các) ngươi không được hái lại, những trái rớt, (các) ngươi không được nhặt, (các) ngươi sẽ bỏ lại cho người nghèo và ngoại kiều. Ta là Ðức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi (Lv 19,9-10).
Các ngươi không được trộm cắp, không được nói dối, không được lừa gạt đồng bào mình (Lv 19,11).
Ngươi không được bóc lột đồng loại, không được cướp của; tiền công người làm thuê, ngươi không được giữ lại qua đêm cho đến sáng (Lv 19,13).
Ngươi không được rủa người điếc, đặt chướng ngại cho người mù vấp chân, nhưng phải kính sợ Thiên Chúa của ngươi. Ta là Ðức Chúa (Lv 19,14).
Thấy người đầu bạc, ngươi phải đứng lên, ngươi phải kính trọng người già cả, như vậy là ngươi kính sợ Thiên Chúa của ngươi. Ta là Ðức Chúa. Khi có ngoại kiều cư ngụ với (các) ngươi trong xứ các ngươi, các ngươi đừng bức hiếp nó. (Các) ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như với một người bản xứ, một người trong các ngươi; (các) ngươi phải yêu nó như chính mình, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Ai Cập. Ta là Ðức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi (Lv 19,32-34).
Các ngươi phải nhớ những năm thánh vào ngày thứ bảy, năm thứ bảy và bảy lần bảy năm (Lv 25,1-55).
Anh (em) phải đặt cho các chi tộc của anh (em) những thẩm phán và ký lục trong mọi thành mà Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em) ban cho anh (em); họ sẽ xét xử một cách công minh (Đnl 16,18).
Anh (em) không được làm sai lệch công lý, không được thiên vị ai và không được nhận quà hối lộ, vì quà hối lộ làm cho những kẻ khôn ngoan hoá ra đui mù và làm hỏng việc của những người công chính (Đnl 16,19).
Căn cứ vào lời của hai nhân chứng hay ba nhân chứng mà người đáng chết sẽ bị xử tử; người ấy sẽ không bị xử tử nếu chỉ căn cứ vào lời của một nhân chứng (Đnl 17,6).
Nếu các điều luật trên có vẻ quen thuộc, thì chúng ta nên tuân theo và gìn giữ. Hệ thống pháp luật ở các tiểu bang, liên bang, và địa phương ở Mỹ đều có nguồn gốc từ Kinh Torah. Khi người Kitô giáo đưa ra rằng: “Điều luật đã được xóa bỏ trong Đức Kitô”, họ hiểu sai rằng các hướng dẫn và cấm đoán về đạo đức Thiên Chúa đưa ra trong thời Moses không bao giờ bị thay thế hoặc được thay đổi bởi Chúa Kitô. Chúng ta có thể thấy ngoại tình và thông dâm bị cấm trong cả Tân Ước và Cựu Ước (Xh 20,14; Rm 13,9). Nói dối, gian lận và làm chứng dối bị cấm trong cả Tân Ước và Cựu Ước. Tôn vinh và thờ phượng Thiên Chúa mỗi tuần và dành riêng một thời gian không làm việc khác (ngày Sabbath) có trong cả Tân Ước và Cựu Ước. Tuân theo những hướng dẫn đạo đức của Thiên Chúa sẽ tạo ra các cộng đồng không tội phạm, gia đình hòa thuận yêu thương nhau, tin tưởng và tôn thờ một Thiên Chúa.
Để chứng minh các định luật đạo đức đã được tiếp tục trong thời kỳ Tân Ước, hãy so sánh mười điều răn trong Kinh Torah với các hướng dẫn liên quan đến các Kitô hữu phải giữ mình như thế nào được các tông đồ Tân Ước viết thông qua bảng dưới đây:
Vì các quốc gia khác xung quanh Israel có tập quán dâm dục, sùng bái tà thần, hiến tế trẻ em, và sống ô uế, vì vậy Thiên Chúa đã tỏ ra điều luật của nước trời trong Kinh Torah, nhằm hướng dẫn và giảng dạy cho trẻ em để Israel tách mình khỏi tập quán và thói quen của các quốc gia ngoại đạo. Họ là dân thánh hiến của Chúa, được Chúa lựa chọn giữa muôn dân làm dân của Người. Các quốc gia khác cũng có ngày lễ và hiến tế nhưng dân Do Thái đã có một bộ luật đạo đức chứng minh họ là dân tộc của Chúa. Theo giao ước mới, nếu chúng ta yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của chúng ta, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu người thân cận như chính mình thìchúng ta sẽ tiếp tục nắm giữ những hướng dẫn đạo đức của Đấng Toàn Năng (Mt 22,34-40).
Tại sao từ 4.000 năm trước, Chúa không xây dựng một quốc gia hay bộ tộc đã có làm dân riêng của Người? Bởi vì hầu hết các dân tộc đều khởi đầu từ việc tôn thờ một vị thần và là một hỗn hợp của các cuộc hôn nhân cùng nhóm giữa các quốc gia ngoại giáo. Thiên Chúa khao khát một dân tộc của những người tôn sùng một vị thần duy nhất và họ sẽ duy trì sự trong sạch của bộ tộc bằng cách kết hôn với những người cùng niềm tin tôn giáo trong dân tộc của họ và tuân theo các điều luật của Đấng Tạo Hóa.
Nhà tạm đầu tiên được xây dựng do sự mặc khải thiêng liêng về sự thật mà Chúa đã nói với Moses và sau đó được người Hebrew xây dựng trên sa mạc. Nhà tạm này được gọi là Tabernacle, cấu trúc của nhà tạm này được tạo ra do chính con người, những người đang xây dựng trên trái đất những gì mà Thiên Chúa đã xây dựng ở nước trời. Đó chính là mô hình đền thánh nước trời và chính là nơi các linh mục cao nhất sẽ trò chuyện cùng với Chúa hàng năm trong những giờ phút thiêng liêng của ngày Lễ Chuộc tội.
Tại sao lại là người Do Thái? Ông Paul viết:
Vậy thì người Do Thái được gì hơn? Phép cắt bì có ích lợi gì? Nhiều lắm chứ! Về mọi mặt! Trước hết, họ đã được Thiên Chúa giao phó lời Người cho họ.
– Rm 3,1-2
Thiên Chúa đã giao phó cho người Do Thái trách nhiệm ghi lại, sao chép và đọc lời Chúa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điều này đã cho phép họ duy trì dòng giống thanh sạch từ thời tổ phụ Abraham đến Đấng Cứu Thế (Mt 1,1-25, Lc 3,23-38). Vâng lời và tuân theo Kinh Torah đã giúp những người Do Thái sùng đạo duy trì sự thanh sạch và liêm chính dân tộc trong gia phả của họ.
Những điều luật này của Thiên Chúa có trong Kinh Torah đã được các ông bố Do Thái truyền lại cho con trai họ hơn 40 thế hệ. Việc duy trì kết nối việc đọc sách, học hỏi và hướng dẫn của mỗi thế hệ đã mang đến cho họ sự thành công trong cuộc sống tinh thần và xã hội, cá nhân và dân tộc.
Tuy nhiên, phải có những chiếc chìa khóa đặc biệt mới mở được cánh cửa ra vào hoặc nền tảng thành lập mà xã hội Do Thái giáo đã xây dựng. Khi kiểm tra Kinh Torah, người ta phát hiện một trong những chìa khóa quan trọng đó là – hiểu biết thông điệp, ý nghĩa và hiện hình của việc có được một giao ước với Thiên Chúa. Giao ước của Tổ phụ Abraham là ngọn suối nuôi dưỡng dòng sông, là dầm bảo vệ cho nhà ở, hay đơn giản là bí mật để khám phá lý do tại sao người Do Thái đã phải chịu đựng sự ngược đãi đáng kinh ngạc qua nhiều thế kỷ và phát triển nơi họ di cư đến.
Sau sự sa ngã của Adam thì tội lỗi đã được di truyền qua ADN tâm hồn của nhân loại. Nhân loại đã có khuynh hướng tội lỗi, khiến họ phải chịu sự cám dỗ và ham muốn xác thịt gây ô nhiễm tâm trí họ, làm hư hỏng tinh thần của họ và cuối cùng là phá hủy thân xác. Nhưng nếu họ vâng lời và tuân theo các điều luật, điều răn, quy định và sự trừng phạt trong KinhTorah, thì gia đình họ sẽ hòa thuận và yêu thương nhau, thành công trong kinh doanh, buôn bán và giúp họ duy trì sức khỏe thể chất, tinh thần.
Quốc gia Do Thái hiểu rằng sự an lành của sức khỏe, sự giàu có và thịnh vượng là phụ thuộc vào việc tuân giữ lời Chúa có trong điều luật và giao ước. Bằng cách tuân theo lề luật của Thiên Chúa, họ được Thiên Chúa hứa hẹn ban ơn phước lành và ủng hộ cho tất cả những việc họ làm. Chỉ vì một lần phá vỡ các điều luật và giao ước, họ đã phải trải qua những thảm họa thiên nhiên, mùa màng thất bại, và sự rối loạn trong cuộc sống của họ. Tất cả những lời hứa và ơn phước lành của Thiên Chúa đã trở thành động lực để họ bước đi trong sự vâng phục lời Người. Nếu các ngươi chịu nghe lời Ta, các ngươi sẽ được hưởng dùng hoa mầu trong xứ (Is 1,19).
Các Kitô hữu phải biết rằng các điều luật luân lý, đạo đức và tư pháp được viết trong Kinh Torah không bị loại bỏ thông qua giao ước mới. Trong khi Chúa Kitô thực hiện một số nghi lễ và hiến tế của điều luật, thì các nguyên tắc tương tự trong Kinh Torah cho cuộc sống hàng ngày đã được thực hiện và trau chuốt trong hội thánh thế kỷ thứ nhất, đó là nơi khởi nguồn của nhóm tông đồ người Do Thái có trong sách Công vụ tông đồ chương 2. Bằng cách tìm kiếm Kinh Thánh, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn và kết nối các khái niệm của Kinh Torah với sự mặc khải của giao ước mới. Nguồn gốc của Kitô giáo là minh chứng của đức tin, bắt đầu là giao ước với Abraham, Kinh Torah và các tiên tri. Paul dạy rằng dân ngoại quốc là cành của cây ôliu dại được ghép vào cây ô liu Do Thái và tất cả chúng ta đều nhận được dinh dưỡng từ gốc rễ của cây. Mà gốc đó chính là Kinh Torah, lời tiên tri, và chúng ta cần phải kiểm tra gốc để thưởng thức trái ngọt Do Thái (Rm 11).