Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Mật Mã Do Thái

Chương 4: Tên Của Trẻ Sẽ Hé Lộ Định Mệnh Của Chúng

Tác giả: Perry Stone
Thể loại: Văn Hóa - Tôn Giáo

MẬT MÃ 4: Ý nghĩa tên của trẻ

Và Người nói: “Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Jacob nữa, mà là Israel, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và người ta; ngươi đã thắng.”

Và Người nói: “Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Jacob nữa, mà là Israel, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và người ta; ngươi đã thắng.”

– St 32,28

Từ thời Abraham, khi một đứa trẻ Do Thái được sinh ra, điều quan trọng nhất trong sự kiện này chính là ý nghĩa tên gọi của đứa trẻ mà ông bà hoặc cha mẹ đặt cho. Phép cắt bì cho thấy sự liên hệ trong lời giao ước Do Thái, còn tên của đứa trẻ lại chứa đựng lời tiên tri định mệnh của đứa bé hoặc sứ mệnh mà Thiên Chúa đã đặt cho nó. Những cái tên có thể liên quan tới một sự kiện đặc biệt trong cuộc đời cha mẹ đứa trẻ hoặc một hoàn cảnh đặc biệt khi sinh đứa trẻ. Ý nghĩa của những cái tên rất quan trọng với người Do Thái cổ đại và nó vẫn mang ý nghĩa đặc biệt với các gia đình Do Thái ngày nay.

Jacob có hai người vợ là Rachel và Leah. Rachel không thể có con còn Leah lại có khả năng này. Khi Leah chưa sinh con, người nữ tỳ của Leah và người nữ tỳ của Rachel được chọn để có những đứa con. Đây giống như một cuộc thi xem người vợ nào sẽ phù hợp với những đứa trẻ được sinh ra. Cuối cùng, cuộc thi kết thúc với 12 người con của Jacob và tất cả đều được đặt một cái tên ý nghĩa mà cái tên đó đã xác định và tiên tri về cuộc đời chúng.

CÁC CON CỦA JACOB

Mỗi người con đều có một cái tên được đặt theo hoàn cảnh được sinh ra hoặc lời cầu nguyện từ mẹ mình.

Hồ sơ cá nhân của một đứa trẻ phát triển từ ADN được truyền lại từ cha mẹ và tổ tiên. Tuy nhiên, hệ thống giá trị, tự đánh giá bản thân và những lời nhận xét tạo nên khuôn mẫu cho đứa trẻ nghĩ về bản thân, cách trẻ đối xử với mọi người và phát triển từ sự dạy dỗ của cha mẹ cùng các thành viên trong gia đình trong nhiều năm. Ở Do Thái, điều này được hiểu là lòng trung thành và tin tưởng vào Kinh Thánh. Cha mẹ có ba trách nhiệm trong việc đặt tên và rèn luyện đứa trẻ.

Cha mẹ phải đặt tên cho con cái. Tên con cái phải mang ý nghĩa tinh thần để chúng có thể tự hào về tên của mình.

Thường xuyên khích lệ và động viên con cái trong quá trình giáo dục chúng.

Xác định những quy tắc phù hợp để rèn luyện con cái dựa vào tính cách của từng đứa trẻ.

Trong nhiều nền văn hóa, trước khi đứa trẻ được sinh ra, cha mẹ đã chọn một cái tên đặc biệt cho con cái mình. Những đứa trẻ thường được đặt tên theo tên của một thành viên mà gia đình yêu quý, một người họ hàng, một người bạn đặc biệt hay một người nổi tiếng. Còn những người Kitô giáo thường chọn một tên thánh như Abigail, Sarah, Martha hay Mary cho những bé gái hoặc Timothy, Peter, Paul, Mark hay Luke cho những bé trai. Trong danh sách tên thánh có nhiều tên thể hiện những ngày lễ trọng, những câu chuyện đặc biệt hay những nhân cách đạo đức lớn. Hiếm khi, thậm chí là chưa từng có người nào đặt tên thánh là Judas, Ichabod hay Bathsheba vì những việc xấu trong cuộc đời họ.

Mọi tên gọi đều có ý nghĩa. Có nhiều lần trong Kinh Thánh khi Thiên Chúa sắp đặt định mệnh tương lai cho một con người, Người liền thay đổi tên của người đó. Tên của Abram đổi thành Abraham, tên của Sarai đổi thành Sarah (St 17,5-15). Người hầu của Moses tên là Oshea đổi tên thành Joshua (Ds 13,16). Chúa Giêsu đã đổi tên của Simon thành Peter và tên của Saul thành Paul (Mt 16,18; Cv 13,9). Một trong những cái tên đáng chú ý nhất là khi Thiên Chúa đổi tên Jacob thành Israel. Israel có nghĩa là “người chiến thắng hoặc người sẽ cai trị cùng Thiên Chúa” ám chỉ Jacob đã thành công trong việc chiến đấu chống lại các thiên thần (St 32).

Những cái tên đã bị thay đổi ý nghĩa bởi vì nó xác định họ như một con người trong lời giao ước đặc biệt với Thiên Chúa hoặc tiết lộ một lời tiên tri mà Thiên Chúa đã ban cho cuộc đời họ.

Trong sách Sáng thế chương 35 đã chứng minh cho ý nghĩa tiên tri trong tên của những đứa trẻ. Người vợ mà Jacob yêu thương, Rachel, đã mất khi bà đang sinh con. Theo mong muốn của bà trước khi lâm chung, bà muốn đặt tên con mình là Ben-oni nghĩa là “nỗi buồn của con trai tôi”. Người cha đã bỏ tên này và đặt tên cho đứa trẻ là Benjamin nghĩa là “con trai cánh tay phải của ta”. Jacob không muốn người con trai cuối cùng của mình lại mang theo nỗi buồn về người mẹ đã mất trong suốt thời thơ ấu của nó.

Có một lần, Thiên Chúa đã có sự liên quan trực tiếp tới việc đặt tên của một đứa trẻ. Trong sách Luke 1, Thiên sứ Gabriel đã nói với linh mục của một đền thờ là Zacharias rằng ông sẽ có một đứa con trai được đặt tên là John. Chín tháng sau người ta đặt tên cho đứa trẻ mới sinh theo cha đứa nhỏ. Zacharias đã từ chối và mong muốn được đặt tên cho đứa con trai duy nhất của mình theo tên mà thiên sứ đã nói John (Lc 1,59-63). John có nguồn gốc từ chữ Yochanan trong tiếng Do Thái có nghĩa là “Thiên Chúa là đấng từ nhân”. Trong giấc mơ của mình, Maria cũng được truyền dạy đặt tên con là Giêsu, trong tiếng Do Thái là Yeshua (Lc 1,31) nghĩa là “Đấng cứu chuộc”.

Tác phẩm điêu khắc Pietà, 1499, đặt tại Basilica di San Pietro, Vatican, làm bằng đá cẩm thạch, cao 174 cm (Michelangelo)

Trong thời Israel cổ đại, những đứa trẻ sinh ra trong lúc quốc gia đang gặp tai họa hoặc thiên tai thì tên của những đứa trẻ thường nhắc về bi kịch đó. Khi Eli làm linh mục thượng tế, hòm bia giao ước bị chiếm giữ và hai người con trai của Eli là Hophni và Phinehas đã tử trận (1 Sm 4,11). Vợ của Phinehas trở dạ và sinh con sau khi nghe tin dữ này. Bà đã đặt tên con trai là Ichabod nghĩa là vinh quang của Thiên Chúa đã rời khỏi nơi này bởi vì lúc này hòm bia giao ước của Thiên Chúa đã bị chiếm mất (1 Sm 4,21).

Khi lựa chọn một cái tên cho con mình, cha mẹ nên hiểu ý nghĩa của cái tên đó. Sau khi sinh con, tôi và vợ đã quyết định đặt tên cho con trai của mình là Jonathan nghĩa là “Thiên Chúa đã ban tặng”. Tên đệm của con trai tôi là Gabriel để gợi nhớ về thiên sứ đã thông báo về sự sinh ra của Chúa Giêsu (chúng tôi đưa con trai về nhà đúng vào ngày Lễ Giáng sinh). 12 năm trước khi con gái tôi sinh ra, tôi đã thấy con gái mình trong giấc mơ và con bé nói với tôi tên của nó. Tên nó là Amanda nghĩa là “người con gái phải được yêu thương”. Đây cũng chính là cái tên chúng tôi đặt cho con bé vào ngày 2 tháng 8 năm 2001, đó là ngày con gái tôi chào đời – sau giấc mơ 12 năm trước của tôi.

Tên của tôi do cha tôi đặt, Perry Stone Sr. Ông nội tôi đã nói cái tên Perry với cha tôi và tên đệm Fred được đặt bởi một vị bác sĩ. Cha tôi nói “Khi bác sĩ Hatfield cưỡi ngựa suốt sáu dặm dưới lớp tuyết dày 2 feet thì tôi chào đời. Bác sĩ nói: “Vì tất cả những khó khăn mà tôi đã gặp nên tôi muốn đặt tên đệm là Fred giống như tên của một diễn viên mà tôi yêu thích”. Một lần tôi tìm hiểu về tên Perry và tôi thấy nó trong một đoạn văn tiếng Do Thái trong sách Cựu Ước. Perry được đánh vần là periy và có nghĩa là hoa trái (Cn 11,30). Tên của tôi chính là định mệnh của tôi bởi vì đoàn linh mục chúng tôi đang ngày càng phát triển rộng rãi và chúng tôi tìm kiếm hoa trái cho thiên triều của Thiên Chúa.

Quan niệm về việc nhận một cái tên mới không tách biệt với lịch sử Kinh Thánh. Một lời chúc lành tương lai của những tín hữu là điều mà tất cả các tín hữu sẽ nhận được trên chốn Thiên đàng “… một bánh manna được giấu kỹ… một viên sỏi trắng… và một cái tên mới” (Kh 2,17). Khi Chúa Giêsu trở lại là vua của các vua thống trị trời đất thì Người cũng sẽ nhận được một cái tên mà “khi viết ra sẽ chẳng ai biết được ngoại trừ chính Người” (Kh 19,12). Chúng ta sẽ bước vào thời đại trị vì hàng ngàn năm của Đấng Cứu Thế với một cái tên mới.

Lựa chọn một cái tên thích hợp phải phù hợp với lời cầu nguyện, mong muốn, và được cha mẹ đứa trẻ đồng ý. Những chứng cứ trong Kinh Thánh đã thể hiện rõ ràng rằng người Do Thái hoàn toàn hiểu được ý nghĩa của cái tên và họ rất cẩn thận trong việc lựa chọn tên cho con cái mình. Trong bảng bên dưới, tôi đã liệt kê ra tên trong Kinh Thánh và ý nghĩa của chúng cho cả con trai và con gái. Một số tên rất phổ biến với những người Kitô giáo và một số tên lại phổ biến trong cộng đồng Do Thái. Như bạn thấy, tất cả những tên này đều mang ý nghĩa tích cực.

Sự quả quyết của một đứa trẻ rất quan trọng đối với sự phát triển về tình cảm và tinh thần của chúng. Sự quả quyết xác nhận đứa trẻ sẽ học hành, đưa ra những quyết định đúng đắn và làm theo những chỉ dẫn thích hợp. Sự quả quyết xuất hiện qua lời nói của bạn. Theo như các ví dụ trong Kinh Torah, khi một lời chúc lành được nói qua miệng của một người công minh chính trực thì lời chúc lành có thể bị đảo ngược nếu người (hoặc dân tộc đó) đi vào con đường tội lỗi hay không vâng nghe lời Thiên Chúa. Ví dụ như khi Balak, vua của Moab, thuê nhà tiên tri Balaam nói lời nguyền rủa với Israel, Balaam đã mở miệng nói lời nguyền rủa nhưng một lời tiên tri chúc lành của Thiên Chúa đã được nói ra từ miệng ông. Khi Balak yêu cầu Balaam đảo ngược lại lời chúc lành thì nhà tiên tri đã nói rằng:

Này, Chúa bắt tôi phải chúc phúc, tôi sẽ chúc phúc mà không tiếc lời.

– Ds 23,20

Balaam và những người khác đã nhận ra rằng, ta không thể chúc lành cho điều mà Thiên Chúa đã nguyền rủa cũng như không thể nào nguyền rủa điều mà Thiên Chúa đã chúc lành. Sách Châm ngôn chương 18 câu 21 nói với chúng ta: “sự sống và cái chết nằm nơi miệng lưỡi con người”. Solomon đã đề cập đến miệng lưỡi 19 lần trong sách Châm ngôn. Ông chỉ ra rằng những lời bổ ích, lành mạnh là sự sống và lời chúc lành còn những lời gian dối sẽ làm đau đớn và phá hủy tâm hồn con người (Cn 26,28).

Trong Tân Ước chúng ta được dạy rằng hãy nói có nếu đó là có và hãy nói không nếu đó là không hoặc giống như ngày nay chúng ta thường nói, hãy giữ câu trả lời của bạn đơn giản chỉ là có hoặc không (Gb 5,12). Khi một người hỏi ý kiến của bạn, thì thông thường bạn sẽ nói mọi thứ mà bạn biết về một người hay một tình huống nào đó. “Bạn đã từng nghe về…” hay “Bạn có biết về…” hay “Bạn có nghe điều gì về…” là những câu hỏi phổ biến giữa các linh mục khi họ cùng ngồi uống một tách cà phê. Cách đây nhiều năm tôi đã nghe chuyện về một linh mục đã yếu lòng trong một giây phút và dẫn đến hành động vi phạm đạo đức linh mục. Bởi vì chúng tôi được phong chức trong cùng một tôn giáo nên tôi biết tên tuổi của ông sẽ bị đem ra giữa nhiều nhóm linh mục. Chúa Thánh Thần đã nói với tôi rằng: “Ta không muốn con nói bất kỳ một điều gì về người đàn ông này… đừng nói chuyện về người đàn ông đó. Người này đã cầu xin ta sự tha thứ và ông ta cũng đã thức tỉnh trở lại. Hãy để chuyện này là vấn đề giữa ta và người đó”. Từ giây phút đó, tôi đã từ chối nghe, lặp lại hay nói về người linh mục đó. Lương tâm của tôi rõ ràng đang hướng về Thiên Chúa và người đàn ông đó.

Châm ngôn chương 22 câu 1 nói: “Lắm của cải đâu quý bằng danh thơm tiếng tốt, vàng với bạc nào trọng bằng được mến được thương”.

Solomon nói: “Một danh tiếng tốt còn hơn cả thuốc mỡ quý hiếm và ngày mà ta chết còn hơn cả ngày ta được sinh ra (Gv 7,1).” Tính cách, lời nói, hành động, việc làm đạo đức và cách chúng ta đối nhân xử thế sẽ làm nên danh tiếng của chính chúng ta. Khi tôi nghe tên Judas, tôi nghĩ về một tên phản bội. Cái tên Korah lại gợi nhớ về một cuộc nổi loạn và cái tên Jezebel lại vẽ ra bức tranh về một người phụ nữ tự tư tự lợi.

Bữa tiệc ly – The Last Supper (Leonardo da Vinci)

Bằng việc gìn giữ hành động và lời nói, chúng ta có thể bảo vệ danh tiếng của mình. Bằng việc đặt cho con mình một cái tên ý nghĩa, bạn có thể đặt chúng vào một tương lai với những mong muốn và hy vọng.

Ý nghĩa của mỗi cái tên rất quan trọng với Thiên Chúa và định mệnh của một đứa trẻ có thể liên quan đến ý nghĩa cái tên của nó. Ông Joseph có hai người con ở Ai Cập là Ephraim và Manasseh. Cái tên Manasseh được đặt bởi vì Thiên Chúa đã cho Joseph quên hết đi mọi cực nhọc, khó khăn của mình. Còn Ephraim nghĩa là “Thiên Chúa đã cho tôi được đầy đủ” (St 41,51-52). Vì vậy những người con trai này đã cho thấy một tương lai mới của Joseph. Tên của những tín hữu sẽ được viết trong một cuốn sách nơi Thiên đường và Thiên Chúa hứa sẽ ban một tên mới cho chúng ta ở trên thiên đường (Kh 2,17). Nếu những cái tên là điều quan trọng với Thiên Chúa thì tên và ý nghĩa của tên cũng rất quan trọng với chúng ta.

Người Do Thái chính thống hiểu tầm quan trọng trong việc đặt một cái tên ý nghĩa cho con cái họ. Theo truyền thống, tên của con trai không được phép tiết lộ cho đến ngày đứa bé chịu phép cắt bì. Khi tên của đứa bé được thông báo cho gia đình và bạn bè thì đó chính là khoảnh khắc được mong đợi, xúc động và hạnh phúc nhất.

Kinh Thánh đã chỉ ra rằng chúng ta nên đặt tên phù hợp cho con trẻ, dạy dỗ chúng theo đường lối của Chúa, cầu nguyện và chúc lành cho chúng bằng lời nói của mình khi đặt tay lên chúng. Quá trình này là quá trình gieo trồng hạt giống tinh thần trong tâm trí con cái chúng ta. Khi chúng trưởng thành, chúng sẽ không rời xa chúng ta, không rời xa nơi đã gieo mầm hạt giống trong chúng.

Bình luận