Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Những kẻ xuất chúng

Lời Giới Thiệu

Tác giả: Malcolm Gladwell

Bí ẩn Roseto

“NHỮNG NGƯỜI NÀY QUA ĐỜI VÌ TUỔI CAO.  CÓ VẬY THÔI.”

Roseto Valfortore nằm cách thành Rome khoảng một trăm dặm về phía đông nam dưới chân đồi Apennine, thuộc tỉnh Foggia của Italia. Cũng giống như những ngôi làng mang phong cách trung cổ, thị trấn này quây quần xung quanh một quảng trường trung tâm rộng lớn. Đối diện với quảng trường là Palazzo Marchesale − lâu đài của dòng họ Saggese, từng có thời là lãnh chúa giàu có ở vùng này. Một lối đi có mái vòm bắt đầu từ một mé hướng thẳng ra nhà thờ Madonna del Carmine. Những bậc thang đá hẹp chạy dọc lên sườn đồi, áp liền hai bên là những căn nhà xây bằng đá lợp ngói đỏ san sát thành cụm với nhau.

Trong suốt nhiều thế kỷ, những nông dân của Roseto làm việc ở các mỏ đá hoa cương trong những quả đồi xung quanh, hay cấy cày trồng trọt trên các thửa ruộng ở thung lũng phía dưới, cuốc bộ bốn hay năm dặm đường xuống núi mỗi sớm mai và rồi lại cần mẫn đi hết quãng đường dài trở về khu đồi khi chiều muộn. Cuộc sống thật gieo neo. Cư dân thị trấn không hề biết chữ, nghèo tả tơi và chẳng có mấy hy vọng được cải thiện về mặt kinh tế cho đến khi tin tức về mảnh đất của vận hội bên kia bờ đại dương chợt đến với Roseto hồi cuối thế kỷ XIX. 

Tháng Giêng năm 1882, một nhóm 11 người Roseto − mười người đàn ông và một cậu trai − dong buồm đến New York. Đêm đầu tiên họ ngủ ngay trên sàn quán Little Italia ở đường Mulberry, khu Manhattan. Sau đó họ liều thử vận may đi về phía tây, cuối cùng đã tìm được việc làm trong một mỏ đá ác-đoa cách mười chín dặm về phía tây thành phố New York, gần thị trấn Bangor, bang Pennsylvania. Trong năm tiếp sau, mười lăm người Roseto rời Italia để đến với nước Mỹ, vài người trong đó cũng dừng chân ở Bangor, sát cánh với những người đồng hương trong mỏ đá ác-đoa. Những người nhập cư ấy báo tin cho quê hương Roseto về miền đất hứa ở vùng Tân Thế Giới và rất nhanh chóng hết nhóm người Roseto này theo chân nhóm người khác gói ghém đồ đạc túi dết thẳng tiến tới Pennsylvania, cho tới khi lạch nguồn nhập cư ban đầu trở thành một cơn lũ cuốn. Chỉ tính riêng năm 1894, khoảng một nghìn hai trăm người gốc Roseto đã xin hộ chiếu nhập cảnh Hoa Kỳ, để lại tất cả lối phố nơi làng quê cũ của mình hoang liêu.

Người Roseto bắt đầu mua lại đất đai trên sườn đồi lổn nhổn đá nối với Bangor bằng một con đường xe súc vật kéo mòn vẹt và dốc thoai thoải. Họ xây dựng những căn nhà bằng đá hai tầng san sát thành cụm với mái lợp đá ác đoa trên những con đường hẹp chạy ngoằn ngoèo lên xuống sườn đồi. Họ dựng lên một nhà thờ, gọi nó là Madonna del Carmine và đặt tên con phố chính nơi nhà thờ tọa lạc là Đại lộ Garibaldi − tên một vị đại anh hùng thống nhất nước Italia. Thuở ban đầu, họ gọi thị trấn của mình là Tân Italia. Nhưng rất nhanh sau đó họ đổi lại thành Roseto − cái tên dường như thích hợp nhất để biểu thị rằng hầu hết họ đều đến từ cùng một ngôi làng ở Italia.

Vào năm 1896, Cha Pasquale de Nisco một mục sư trẻ tuổi năng động tiếp quản công việc tại nhà thờ Madonna del Carmine. Cha De Nisco tạo dựng những cộng đồng tôn giáo và tổ chức các dịp lễ lạt. Ông khuyến khích cư dân thị trấn làm sạch đất đai, trồng hành tây, đậu đũa, khoai tây, dưa chuột và các cây hoa quả trong những mảnh vườn phía sau nhà họ. Ông phân phát hạt giống và hành củ. Cả thị trấn bừng bừng sinh khí. Người dân Roseto bắt đầu nuôi lợn ở sau vườn và trồng nho để ủ rượu tại gia. Vài trường học, một công viên, một tu viện và một nghĩa trang được xây dựng. Các cửa tiệm và hàng bánh ngọt, nhà hàng và quán bar mở cửa dọc theo Đại lộ Garibaldi. Hơn một tá nhà xưởng bung ra sản xuất áo choàng cho ngành may mặc. Thị trấn Bangor láng giềng đa phần là người xứ Wales và Anh quốc, thị trấn kế bên chủ yếu là người gốc Đức − dựa vào mối quan hệ căng thẳng giữa người Anh với người Đức cũng như người Italia trong những năm tháng ấy − rõ ràng thị trấn Roseto chỉ gồm toàn cư dân Roseto sinh sống mà thôi. Nếu bạn dạo bước ngược xuôi những con phố Roseto − bang Pennsylvania trong một vài thập niên sau năm 1900, bạn sẽ chỉ nghe thấy tiếng Italia, mà không phải là thứ tiếng Italia nào khác ngoài loại phương ngữ miền Nam Foggia chuẩn xác vốn được sử dụng ở Roseto. Roseto nằm trong lòng bang Pennsylvania là một thế giới nhỏ bé riêng biệt tự cấp tự túc − tất cả, nhưng lại không hề được những cộng đồng xung quanh biết tới − và có lẽ mọi việc sẽ vẫn duy trì như thế nếu không xuất hiện một người đàn ông có tên Stewart Wolf.

Wolf vốn là một bác sĩ. Ông nghiên cứu về hệ tiêu hóa và dạ dày, dạy học tại trường Y thuộc Đại học Oklahoma. Ông trải qua mùa hè tại một nông trại ở Pennsylvania, không xa Roseto là mấy – dù có thế đương nhiên điều đó chẳng ghê gớm gì, bởi Roseto quá đắm đuối trong thế giới biệt lập của riêng mình đến mức dù ai đó sống ở ngay thị trấn kế bên cũng chẳng hay biết gì nhiều về nó. “Một lần tôi về đó nghỉ hè − có lẽ là hồi cuối những năm 1950 − Tôi được mời đến nói chuyện tại một hội Y tế địa phương,” nhiều năm sau đó Wolf kể lại trong một cuộc phỏng vấn. “Sau khi cuộc nói chuyện kết thúc, một vị bác sĩ địa phương mời tôi đi làm một chầu bia. Trong khi chúng tôi uống, anh ta nói, “Anh biết đấy, tôi đã hành nghề được mười bảy năm. Bệnh nhân của tôi đến từ khắp mọi nơi, thế mà hầu như tôi chưa gặp một trường hợp người Roseto nào dưới sáu lăm tuổi mắc bệnh tim.”

Wolf sửng sốt thực sự. Đó là vào hồi những năm 1950, nhiều năm trước khi xuất hiện các loại biệt dược làm giảm cholesterol cũng như những biện pháp tích cực hòng ngăn ngừa bệnh tim mạch. Những cơn đau tim là một thứ bệnh dịch ở nước Mỹ. Chúng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với người ở độ tuổi dưới 65. Nói theo cách thông thường là, không thể có chuyện anh làm bác sĩ mà lại chưa gặp ca bệnh tim nào hết.

Wolf quyết định điều tra. Ông tranh thủ sự trợ giúp từ một số sinh viên và đồng nghiệp ở Oklahoma. Họ tập hợp các giấy chứng tử của cư dân trong thị trấn, lần ngược trở lại tối đa số năm mà họ có thể. Họ phân tích các ghi chép y khoa. Họ xem xét lịch sử bệnh lý và xây dựng các phả hệ gia đình. “Chúng tôi bận túi bụi,” Wolf nói. “Chúng tôi quyết định tiến hành nghiên cứu sơ bộ. Chúng tôi bắt đầu vào năm 1961. Vị thị trưởng đã nói, 'Tất cả các chị em gái của tôi sẽ giúp đỡ các anh.' Ông ta có bốn chị em gái. Ông tiếp, 'Các anh có thể sử dụng phòng họp của Hội đồng thị trấn.' Tôi hỏi lại, 'Thế các ông sẽ họp hội đồng ở đâu?' Ông đáp lời, 'À vâng, chúng tôi sẽ hoãn lại một chút.' Các bà các cô mang bữa trưa tới cho chúng tôi. Chúng tôi có những căn lều nhỏ để lấy máu và làm điện tâm đồ (EKGs). Sau đó tôi trò chuyện với nhà chức trách. Họ cho chúng tôi sử dụng trường học trong mùa hè. Chúng tôi mời toàn bộ dân Roseto tới kiểm tra.

Kết quả thật đáng choáng váng. Ở Roseto, rõ ràng không có ai dưới độ tuổi 55 bị chết do đau tim hay có bất cứ dấu hiệu nào của bệnh tim. Với những người trên 65 tuổi, tỉ lệ tử vong do bệnh tim ở Roseto chỉ khoảng bằng một nửa so với tỷ lệ chung của nước Mỹ. Tỉ lệ tử vong do mọi nguyên nhân ở Roseto, trên thực tế còn thấp hơn 30 đến 35% so với dự tính.

Wolf lại mời tới một người bạn tên là John Bruhn − một nhà xã hội học ở Oklahoma, để giúp đỡ ông. “Tôi thuê các sinh viên chuyên ngành y khoa và các sinh viên xã hội học đã tốt nghiệp đến đây tiến hành phỏng vấn. Chúng tôi đến từng nhà, trò chuyện với tất cả cư dân từ 21 tuổi trở lên,” Bruhn nhớ lại. Việc ấy đã xảy ra hơn năm mươi năm về trước, thế mà trong giọng nói của Bruhn vẫn đượm vẻ kinh ngạc khi ông miêu tả những gì họ phát hiện được. “Không hề có tự tử, không nghiện rượu, không nghiện ma túy và rất ít tội phạm. Không có ai phải sống dựa vào phúc lợi. Sau đó chúng tôi xem xét đến các vết loét trong hệ tiêu hóa. Họ cũng chẳng hề mắc phải chút nào. Những người này nếu chết đều do tuổi cao. Có vậy thôi.”

Những người trong giới y khoa của Wolf có một cái tên để gọi những nơi như Roseto − một nơi nằm ngoài những trải nghiệm hàng ngày, nằm ngoài những quy luật thông thường. Roseto là một Kẻ xuất chúng.

 

Suy nghĩ đầu tiên của Wolf là người Roseto hẳn phải tuân thủ nghiêm ngặt những thói quen ăn kiêng theo lối Cựu Thế Giới khiến họ khỏe khoắn hơn hẳn những người Mỹ khác. Nhưng ông thấy ngay rằng điều đó không có căn cứ. Người Roseto sử dụng mỡ lợn để nấu nướng thay vì dùng loại dầu ô-liu lành mạnh hơn nhiều mà họ vốn vẫn sử dụng ở Italia. Pizza ở Italia là cùi bánh mỏng với muối, dầu và có thể thêm chút cà chua, cá trống hay hành tây. Pizza ở Pennsylvania là bánh bột mỳ nhào cộng thêm xúc xích, hạt tiêu, xúc xích Italia, thịt xông khói và đôi khi cả trứng nữa. Những loại đồ ngọt như bánh biscottitarralli thường được dành cho dịp Giáng sinh và Lễ Tạ ơn; nhưng ở Roseto họ dùng chúng quanh năm suốt tháng. Khi Wolf nhờ các chuyên gia về dinh dưỡng phân tích thói quen ăn uống điển hình của người Roseto, họ phát hiện ra con số ghê gớm là 41% lượng calori trong khẩu phần ăn của người Roseto có nguồn gốc từ chất béo. Đây cũng không phải là một thị trấn mà người dân thức dậy từ tinh mơ để tập yoga hay chạy bộ quãng đường sáu dặm liền. Người Roseto ở Pennsylvania nghiện thuốc rất nặng và nhiều người phải vật lộn với bệnh béo phì.

Nếu chế độ ăn kiêng và tập luyện không giải thích được cho những phát hiện về sức khỏe, vậy nguồn gốc di truyền thì sao? Người Roseto là một nhóm gắn bó khăng khít đến từ cùng một vùng đất của nước Italia, và suy nghĩ tiếp theo của Wolf là tự hỏi xem liệu những người này có phải thành viên trong cả một dòng tộc khỏe mạnh dạn dày khác thường bảo vệ họ khỏi tật bệnh hay không. Nghĩ vậy nên ông đã truy dấu họ hàng thân thích của người Roseto sống rải rác ở những vùng khác của nước Mỹ để xem liệu họ có cùng chung hưởng thứ sức khỏe tráng kiện đáng nể như những người anh em ở Pennsylvania hay không. Họ không hề.

Tiếp theo ông xem xét đến khu vực địa lý mà người Roseto sinh sống. Liệu có khả năng nào việc sinh sống ở vùng chân đồi phía đông Pennsylvania lại có thứ gì đó tốt cho sức khỏe của họ không? Hai thị trấn gần kề Roseto nhất là Bangor, chỉ xuôi phía dưới khu đồi và Nazareth, cách đó vài dặm. Cả hai thị trấn đều có quy mô cỡ như Roseto và dân chúng đều là người châu Âu nhập cư làm lụng chăm chỉ tương tự nhau. Wolf sục sạo tất cả ghi chép y khoa của cả hai thị trấn. Ở lứa tuổi trên 65, tỉ lệ tử vong do bệnh tim ở cả Nazareth và Bangor đều cao gấp ba lần so với Roseto. Lại sa vào ngõ cụt.

Điều Wolf bắt đầu ngộ ra là bí mật của Roseto không nằm ở chế độ ăn kiêng hay tập luyện hay di truyền hay địa thế. Đó phải là chính bản thân Roseto. Khi Bruhn và Wolf dạo bộ quanh thị trấn, họ đã phát hiện ra nguyên cớ tại sao. Họ chính mắt trông thấy cách người Roseto thăm hỏi nhau, dừng lại trò chuyện bằng tiếng Italia trên đường phố, hay nấu nướng giúp nhau ngay trong vườn sau nhà. Họ đã hiểu về hệ thống đại gia đình nâng đỡ cả cấu trúc xã hội của thị trấn. Họ chứng kiến các gia đình với ba thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà cũng như các bậc ông bà được tôn kính đến thế nào. Họ đến chỗ đám đông tụ tập ở nhà thờ Madonna del Carmine và cảm nhận được hiệu ứng của sự thống nhất và bình an của nhà thờ. Họ đếm được hai mươi hai tổ chức dân sự khác nhau tồn tại trong một thị trấn chỉ vỏn vẹn hai nghìn dân. Họ để mắt tới đặc tính bình quân chủ nghĩa nổi bật của cộng đồng, ngăn cản những kẻ giàu có phô trương và giúp cho những người kém thành công che giấu bớt thất bại.

Trong quá trình di thực văn hóa dân cư vùng nam Italia đến khu đồi miền đông Pennsylvania, người Roseto đã sáng tạo nên cả một cấu trúc xã hội vững chãi và kiên cố đủ khả năng cô lập họ khỏi những áp lực đến từ thế giới hiện đại. Người Roseto khỏe khoắn bởi chính nơi họ xuất thân, bởi chính thế giới mà họ đã sáng tạo nên cho mình ngay trong khu thị tứ nhỏ bé giữa vùng đồi núi. 

“Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên đặt chân tới Roseto, bạn sẽ trông thấy ngay những bữa ăn của các gia đình ba thế hệ chung sống, những tiệm bánh mỳ, người dân dạo bước qua lại trên đường phố, ngồi ở hàng hiên trò chuyện với nhau, những phân xưởng may mặc nơi phụ nữ miệt mài làm việc cả ngày dài, trong khi đàn ông làm việc trong những mỏ đá ác-đoa,” Bruhn nói. “Thật kỳ diệu!”

Khi Bruhn và Wolf lần đầu tiên công bố những phát hiện của mình trước giới y học, bạn có thể tưởng tượng ra ngay thái độ hoài nghi mà hai người bọn họ phải đối mặt. Họ bước vào những phòng hội thảo nơi các đồng sự đã bày sẵn hàng dãy dằng dặc số liệu sắp vào những bảng biểu phức tạp liên quan đến loại gene này hay quy trình sinh lý học khác, và chính bản thân những người đó lại phát ngôn thay vì được nghe nói về những tác dụng kỳ lạ và thần diệu của việc người ta dừng bước để trò chuyện với nhau trên đường phố hay ba thế hệ gia đình cùng chung sống dưới một mái nhà. Để có một cuộc sống trường thọ, trí tuệ tập thể khi đó khẳng định rằng, việc đó xét trên phạm vi rộng phụ thuộc vào cái chúng ta là ai − đúng thế, chính là mã di truyền (gene). Nó tùy thuộc vào những quyết định chúng ta đưa ra − về việc chúng ta lựa chọn ăn thức gì, chúng ta lựa chọn tập tành bao nhiêu, và cả việc hệ thống y tế điều trị hiệu quả tới mức nào. Không một ai quen với việc suy nghĩ về sức khỏe trên khía cạnh cộng đồng.

Wolf và Bruhn phải thuyết phục giới y khoa suy nghĩ về sức khỏe và các bệnh tim mạch theo một phương cách hoàn toàn mới mẻ: hai người buộc phải chỉ cho bọn họ thấy rằng sẽ không thể hiểu được tại sao một người nào đó lại khỏe mạnh nếu tất cả những gì người đó làm chỉ là nghĩ về những lựa chọn hay hành động của một cá nhân riêng rẽ biệt lập. Họ buộc phải nhìn rộng hơn, ra ngoài cá thể đó. Họ buộc phải hiểu về nền văn hóa mà anh ta/cô ta là một phần cấu thành trong đó, hiểu xem bè bạn và gia đình của người đó ra sao, xem nơi chốn mà họ xuất thân thế nào. Người trong giới y học sẽ phải coi trọng ý tưởng rằng những giá trị của thế giới mà chúng ta đang sinh sống cũng như những người vây bọc quanh ta có tác động sâu sắc đến việc định hình nên mỗi chúng ta.

Trong cuốn sách Những kẻ xuất chúng này, tôi muốn lý giải về thành công giống như cách Stewart Wolf đã lý giải cho chúng ta về sức khỏe.

Bình luận