Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Những kẻ xuất chúng

Chương 8: Những Ruộng Lúa Nước Và Bài Kiểm Tra Toán

Tác giả: Malcolm Gladwell

“NGƯỜI CÓ KHẢ NĂNG THỨC DẬY TRƯỚC BÌNH MINH SUỐT BA TRĂM SÁU MƯƠI NGÀY MỘT NĂM CHẮC CHẮN CÓ THỂ LÀM CHO GIA ĐÌNH MÌNH TRỞ NÊN SUNG TÚC.”

Con đường dẫn vào khu trung tâm công nghiệp của miền Nam Trung Quốc trải dài ngút ngát qua những trảng cỏ rộng mênh mông, xanh ngăn ngắt của đồng bằng Châu Giang. Khu đất được che phủ dưới làn sương khói dày mù mịt. Các xa lộ chen kín xe vận tải kéo hàng. Những đường dây tải điện ngang dọc cắt chéo khung cảnh. Các nhà máy sản xuất máy ảnh, máy vi tính, đồng hồ, ô che mưa nắng và áo phông chen vai thích cánh với các khối căn hộ ken dày giữa các cánh đồng trồng chuối, trồng xoài, mía đường, đu đủ và dứa dành cho thị trường xuất khẩu. Có một số nơi trên thế giới đã biến đổi chóng vánh chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Mới một thế hệ trước, không gian ắt hẳn trong lành hơn và những con đường có lẽ chỉ mới là hai làn. Và một thế hệ trước đó nữa, tất cả những gì bạn có thể nhìn thấy ở đây chắc chắn chỉ là những cánh đồng lúa mà thôi.

Mất hai giờ đi đường, sẽ tới đầu nguồn Châu Giang nơi thành phố Quảng Châu tọa lạc, và tại Quảng Châu − những dấu tích của đất nước Trung Hoa xưa cũ có thể tìm thấy dễ dàng hơn. Chốn thôn dã trở nên xinh đẹp, những dải đồi nhấp nhô được điểm xuyết bởi những tảng đá vôi lồ lộ trên bức nền là dãy núi Lĩnh Nam. Đây đó rải rác những căn lều đắp bằng đất bùn màu xám xanh truyền thống của nông dân Trung Quốc. Trong các thị tứ nhỏ bé, có những khu chợ sầm uất: gà và ngỗng nhốt trong những nơm tre đan vót tỉ mẩn, rau củ bày la liệt trên nền đất, những tảng thịt lợn trên bàn, thuốc lá được bán thành những kiện lớn. Và khắp mọi nơi là lúa, những cánh đồng trải dài hết dặm này sang dặm khác. Vào tiết đông, đồng ruộng khô cong, chỉ còn những gốc rạ trơ lại từ vụ mùa năm ngoái. Sau khi mùa màng được cấy trồng vào tiết đầu xuân, khi những cơn gió nồm ẩm bắt đầu thổi tới, cánh đồng chuyển mình thành một thảm xanh kỳ diệu, cho đến thời điểm đợt thu hoạch đầu tiên, khi hạt thóc đã mây mẩy trĩu đầu cành, cả không gian trở thành một biển vàng trải ra vô tận.

Lúa gạo đã được canh tác ở Trung Quốc từ hàng trăm năm nay. Cũng chính khởi nguồn từ Trung Quốc, các kỹ thuật trồng lúa nước đã lan rộng khắp vùng Đông Nam Á − Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan. Những ghi chép lịch sử cho thấy, hết năm này qua năm khác, người nông dân khắp châu Á tiếp tục những mẫu hình canh tác nông nghiệp không ngơi nghỉ và đầy phức tạp giống như thế.

Những cánh đồng lúa được “xây dựng nên” chứ không đơn thuần là “mở ra” như cách của những cánh đồng lúa mì. Bạn không chỉ đốn sạch cây, rẫy các bụi rậm và đá sỏi rồi cày xới lên. Những thửa ruộng bậc thang bám theo sườn núi, đồi hay được khai khẩn trên các vùng đầm lầy và những nhánh sông. Những thửa ruộng cần được tưới tắm, vậy nên một hệ thống tưới tiêu phức tạp cũng được xây dựng chung quanh. Các kênh rạch phải được đào từ nơi đầu nguồn nước gần đó nhất, và người ta xây dựng các cửa cống ở các rãnh nước để dòng nước có thể cung cấp một lượng vừa đủ cho cây lúa sinh trưởng.

Canh tác lúa nước cần có những điều kiện thổ nhưỡng nhất định. Ruộng lúa phải có lớp nền đất cứng bên dưới bởi nếu không nước sẽ nhanh chóng thấm xuống đất. Nhưng, tất nhiên, cây lúa nước không thể sinh trưởng được trên nền đất khô cứng, vậy nên phía trên của lớp đất nền cứng buộc phải có một lớp bùn dày, xốp. Và nền đất rắn − như tên gọi của nó, phải được xử lý kỹ thuật cẩn thận để có thể chống ngập úng đồng thời giữ cho cây trồng ngập nước ở mức thích hợp. Trong quá trình sinh trưởng, cây lúa cần được bón phân nhiều lần, công đoạn này mang tính kỹ thuật cao. Theo truyền thống, người nông dân sử dụng “phân xanh” (chất thải của người) và một hỗn hợp của phân trộn, phù sa sông, thân cây đậu ủ, thân cây gai dầu đốt lên − và họ phải hết sức cẩn trọng, bởi bón quá nhiều phân, hoặc một lượng vừa đủ nhưng bón sai thời điểm cũng tệ hại như quá ít phân gio vậy.

Đến thời điểm cấy trồng, một người nông dân Trung Quốc sẽ có tới hàng trăm giống lúa khác nhau để lựa chọn. Mỗi giống lúa trong số đó lại có những ưu và nhược điểm khác nhau, ví như, sản lượng và thời gian sinh trưởng, hay khả năng chống chịu ra sao trong điều kiện khô hạn, hay có thể sinh trưởng thế nào trên đất bạc màu. Người nông dân có thể cùng một lúc trồng cả tá giống lúa hoặc hơn thế, điều chỉnh sự kết hợp ấy theo từng mùa để ứng phó với nguy cơ mùa màng thất bát.

Ông ta hay bà ta (hay, chính xác hơn, là cả gia đình, bởi trồng lúa là công việc của cả gia đình) sẽ gieo hạt giống trong một khoảnh ruộng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Sau vài tuần, cây mạ non sẽ được di thực ra cánh đồng, cấy thành hàng cách nhau sáu inch một cách chính xác cẩn thận, và rồi được chăm chút tỉ mẩn.

Việc làm cỏ được thực hiện thường xuyên bởi cây mạ non dễ dàng bị các loài cây cỏ khác lấn át và ăn hết màu. Trong suốt cả quãng thời gian cây lúa lớn lên, người nông dân phải thường xuyên kiểm tra và tái kiểm tra mực nước để đảm bảo rằng nước không bị nóng quá dưới ánh nắng hè chói chang. Khi lúa chín, người nông dân lôi kéo tất cả bạn bè và bà con họ hàng trong một nỗ lực hiệp đồng chung, thu hoạch mùa màng càng nhanh càng tốt để kịp gieo trồng vụ thứ hai trước khi mùa đông khô hanh bắt đầu.

Một bữa sáng ở miền Nam Trung Quốc, ít nhất đối với những ai có thể đảm bảo được, bao gồm cháo − tức cháo gạo trắng, với rau diếp, cá và măng. Bữa trưa thì tăng lượng cháo hơn. Còn bữa tối là cơm gạo tẻ với thức ăn mặn. Gạo là thứ bạn mang bán ở chợ để mua về những thứ nhu yếu phẩm khác của cuộc sống. Đó chính là cách mà sự giàu có và địa vị xã hội được đo lường. Nó chi phối hầu hết mọi khoảnh khắc làm việc hàng ngày. “Lúa gạo là cuộc sống,” nhà nhân chủng học Goncalo Santos, người nghiên cứu về các làng mạc truyền thống ở miền Nam Trung Quốc, nói. “Không có lúa gạo, anh không thể tồn tại. Nếu anh muốn trở thành một ai đó ở miền Nam Trung Quốc, anh sẽ phải có lúa gạo. Nó khiến cho quả đất quay tròn.”

Hãy nhìn vào dãy số sau đây: 4, 8, 5, 3, 9, 7, 6. Đọc to chúng lên. Giờ bạn hãy quay đi và dùng hai mươi giây ghi nhớ thứ tự đó trước khi đọc to chúng một lần nữa.

Nếu bạn nói tiếng Anh, bạn sẽ có khoảng 59% cơ may nhớ được thứ tự đó một cách hoàn hảo. Nếu bạn nói tiếng Trung Quốc thì, bạn gần như chắc chắn ghi nhớ chính xác trong mọi lượt thử. Tại sao lại thế? Bởi chúng ta dung nạp con số vào một mạch trí nhớ kéo dài khoảng hai giây đồng hồ. Chúng ta ghi nhớ bất cứ thứ gì chúng ta có thể nói hoặc đọc một cách dễ dàng nhất trong quãng hai giây đồng hồ ấy. Và những người nói tiếng Trung Quốc nhớ được dãy số 4, 8, 5, 3, 9, 7, 6 chính xác hầu như trong mọi lượt thử bởi không giống như tiếng Anh, ngôn ngữ của họ cho phép họ đặt vừa vặn bảy con số ấy trong khoảng hai giây đồng hồ.

Ví dụ này được trích ra từ cuốn sách The Number Sense (Tạm dịch: Tri giác con số) của tác giả Stanislas Dehaene. Như Dahaene giải thích thì:

Các số đếm trong tiếng Trung ngắn gọn một cách đáng chú ý. Hầu hết chúng đều được phát âm trong khoảng thời gian ngắn hơn một phần tư giây đồng hồ (ví dụ, 4 là “si”- tứ, 7 là “qi”- thất). Những từ tương ứng với chúng trong tiếng Anh là “four,” “seven” − dài dòng hơn: phát âm những từ này mất khoảng một phần ba giây đồng hồ. Khác biệt về trí nhớ giữa người Anh quốc với người Trung Hoa nhìn bên ngoài thì hoàn toàn có nguyên cớ từ sự sai khác về độ dài này. Trong các loại ngôn ngữ đa dạng như tiếng Wales, tiếng Ả Rập, tiếng Trung Quốc, tiếng Anh và tiếng Do Thái, có tồn tại mối tương liên sản sinh từ thời gian đòi hỏi để phát âm các con số trong một ngôn ngữ nào đó với quãng trí nhớ (memory span) của người phát ngôn. Trong lãnh địa này, phần thưởng dành cho tính hiệu quả thuộc về phương ngữ Quảng Đông (Cantonese) của người Trung Quốc, thứ tiếng này ban tặng cho những cư dân Hồng Kông một quãng trí nhớ lên tới khoảng mười con số.

Kết quả là cũng tồn tại sự khác biệt lớn trong việc xây dựng hệ thống gọi tên số giữa ngôn ngữ phương Tây và Á châu. Trong tiếng Anh, chúng ta nói fourteen (14), sixteen (16), seventeen (17), eighteen (18) và nineteen (19), vậy thì đáng lý ra chúng ta cũng sẽ nói oneteen (ý chỉ 11), twoteen (12), threeteen (13) và fiveteen (15). Nhưng không phải thế. Chúng ta sử dụng một hình thức khác: eleven (11), twelve (12), thirteen (13) và fifteen (15). Tương tự như thế, chúng ta có forty (40) và sixty (60), có vẻ giống với những từ chỉ con số mà chúng có liên quan (four-4 và six-6). Nhưng chúng ta cũng nói fifty (50) và thirty (30) và twenty (20), cũng có vẻ giống với five (5) và three (3) và two (2), nhưng không hoàn toàn. Thêm nữa, với các con số trên 20, chúng ta đặt số “hàng chục” lên trước và số hàng đơn vị ở sau, ví dụ: twenty-one (21), twenty-two (22), trong khi với các số “mười mấy” (teen), chúng ta làm ngược lại, ví dụ: fourteen (14), seventeen (17), eighteen (18). Hệ thống số đếm trong tiếng Anh là bất quy tắc cao độ. Nhưng ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc thì không như vậy. Họ có một hệ thống số đếm rất logic. Eleven (11) là mười-một. Twelve (12) là mười-hai. Twenty-four (24) là hai-mươi-tư, v.v…

Khác biệt ấy đồng nghĩa với việc trẻ em châu Á học đếm nhanh hơn nhiều so với trẻ em Mỹ. Những em bé Trung Quốc lên bốn tuổi, tính trung bình có thể đếm tới 40. Trẻ em Mỹ vào lứa tuổi ấy chỉ có thể đếm tới số 15, và hầu hết đều không thể đếm đến 40 cho tới khi các em lên năm tuổi. Tính đến lúc năm tuổi, thì nói cách khác, trẻ em Mỹ đã bị chậm mất một năm so với các bạn đồng trang lứa Á châu xét về kỹ năng toán học căn bản nhất.

Tính quy tắc trong hệ thống số đếm châu Á cũng đồng nghĩa với việc trẻ em châu Á thực hiện các phép tính cơ bản − ví dụ như phép cộng, dễ dàng hơn nhiều lần. Thử yêu cầu một đứa trẻ nói tiếng Anh lên bảy tuổi làm phép tính nhẩm trong đầu: thirty-seven (37) cộng với twenty-two (22), và em bé sẽ phải chuyển đổi từ ngữ sang chữ số (37 + 22). Chỉ sau đó em mới bắt đầu làm phép tính được: 2 cộng 7 là 9, 30 cộng 20 là 50, kết quả ra 59. Yêu cầu một em nhỏ châu Á làm phép tính ba-mươi-bảy cộng với hai-mươi-hai, và rồi tổng số cần thiết đã ngay ở đó, in ngay trong câu nói. Không cần phải có sự chuyển đổi chữ số nào hết: Đó là năm-mươi-chín.

“Hệ thống của châu Á rất sáng rõ,” Karen Fuson, nhà tâm lý học của Đại học Northwestern, một người nghiên cứu rất tỉ mỉ về những nét dị biệt châu Á và phương Tây, phát biểu. “Tôi nghĩ nó làm cho toàn bộ thái độ đối với Toán học trở nên khác biệt. Thay vì chỉ là một thứ học vẹt bình thường, sẽ phải có hẳn một hình mẫu mà tôi có thể tìm ra. Có lý do để mong đợi rằng tôi có thể làm được việc này. Có lý do để mong đợi rằng đó là một điều có thể nhận biết được. Ví dụ như phân số, chúng ta sẽ nói là three-fifths (3/5). Tiếng Trung Quốc chỉ đơn giản là 'trong năm phần, lấy ra ba phần.' Nó đã nói cho bạn biết về mặt nhận thức rằng một phân số là gì. Nó khu biệt giữa mẫu thức và tử thức.”

Cơn ngộ tỉnh đáng kể hơn nhiều về môn Toán với trẻ em phương Tây bắt đầu từ năm học lớp Ba và lớp Bốn, Fuson lập luận rằng có lẽ một phần của sự vỡ mộng này có nguyên do từ việc môn Toán có vẻ không thể hiểu nổi; cấu trúc ngôn ngữ quá lộn xộn; những quy tắc cơ bản của ngôn ngữ có vẻ tùy tiện và phức tạp.

Ngược lại, trẻ em châu Á gần như không cảm thấy những trở ngại tương tự. Chúng có thể nhớ được nhiều con số trong đầu và làm phép tính nhanh hơn, và cách thức diễn đạt các tỷ số trong ngôn ngữ châu Á tương ứng một cách chính xác với bản chất của một tỷ số − và có lẽ chính điều đó khiến cho các em học sinh châu Á có xu hướng thích thú môn Toán, chúng cố gắng thêm một chút, học nhiều giờ Toán hơn và tự nguyện làm bài tập hơn, cứ thế và cứ thế, đó là một kiểu vòng tròn khép kín hoàn hảo.

Khi đề cập đến môn Toán, thì nói một cách khác, người châu Á sở hữu một lợi thế thiết thân. Nhưng đó là một kiểu lợi thế bất bình thường. Suốt bao nhiêu năm trời, các sinh viên đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản − và cả con cái của những người nhập cư gần đây vào Mỹ vốn xuất thân từ các quốc gia này − đã thực sự vượt trội về môn Toán so với bè bạn phương Tây đồng trang lứa, và nhận định khá điển hình là thực tế này có liên quan tới thiên hướng Toán học châu Á bẩm sinh.  Nhà tâm lý học Richard Lynn còn đi xa hơn tới mức đề xuất một học thuyết tiến hóa tinh vi có liên quan đến dãy Himalaya, khí hậu lạnh cóng, các kỹ năng săn bắn tiền hiện đại, kích cỡ não bộ và hệ thống nguyên âm chuyên biệt hóa − tất cả nhằm lý giải nguyên do tại sao người châu Á lại sở hữu mức IQ cao hơn.  Đó là cách chúng ta vẫn nghĩ về môn Toán. Chúng ta cho rằng việc thể hiện cừ khôi ở những mảng như tính toán và đại số là thước đo giản đơn đánh giá xem một người thông minh đến mức nào. Nhưng sự khác biệt giữa hệ thống số đếm của phương Đông và phương Tây lại gợi ra điều gì đó rất khác − rằng việc giỏi Toán có thể bắt nguồn từ văn hóa của một nhóm nào đó.

Trong trường hợp của những người Hàn Quốc, một kiểu di sản bám rễ sâu sắc tồn tại ngay trong cách thức thực hiện công việc hiện đại là điều khiển một chiếc máy bay. Ở đây chúng ta lại có thêm kiểu di sản khác nữa, một kiểu mà cuối cùng lại phù hợp hoàn hảo với những nhiệm vụ của thế kỷ XXI. Những di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng, và một khi chúng ta đã thấy được những hiệu ứng đáng kinh ngạc trong những yếu tố kiểu như khoảng cách quyền lực hay ví dụ về cả một dãy số có thể được đọc ra trong một phần tư giây thay vì một phần ba giây đồng hồ, thì thật khó tránh khỏi tự hỏi rằng có bao nhiêu loại di sản văn hóa khác cũng có tác động đến những công việc liên quan đến trí não của chúng ta trong thế kỷ XXI. Sẽ ra sao nếu việc xuất thân từ một nền văn hóa được định hình bởi nhu cầu trồng cấy lúa gạo cũng khiến cho bạn cừ hơn trong môn Toán? Liệu một thửa ruộng có là nguyên nhân gây ra một sự khác biệt nào đó trong lớp học?

 

Thực tế đáng chú ý nhất về ruộng lúa chính là kích thước của nó − một điều sẽ không bao giờ thực sự được nắm bắt cho tới khi bạn đích thân đứng ngay trên đó. Nó nhỏ bé. Một thửa ruộng điển hình chỉ lớn bằng một căn phòng khách sạn. Một nông trang trồng lúa Á châu điển hình có thể được tạo thành từ hai hay ba thửa ruộng. Một ngôi làng Trung Quốc gồm khoảng một nghìn năm trăm cư dân có thể tự sản tự tiêu hoàn toàn dựa trên 450 héc-ta đất trồng, mà nếu tính ở vùng Trung Tây châu Mỹ thì chỉ bằng kích thước của một nông trại gia đình. Trong phạm vi ấy, với các gia đình gồm năm hay sáu người sống dựa vào một nông trại có kích thước bằng hai phòng khách sạn, nghề nông biến đổi nhanh chóng.

Xét trong lịch sử, nghề nông của phương Tây có xu hướng “cơ giới.” Ở phương Tây, nếu một người nông dân muốn sản xuất hiệu quả hơn hay gia tăng năng suất của mình, anh ta sẽ đưa vào nhiều thiết bị tinh xảo hơn nữa, những thứ cho phép thay thế sức lao động con người bằng sức lao động cơ khí: máy đập lúa, máy đóng kiện cỏ, máy gặt đập liên hợp, máy kéo. Anh ta phát quang những mảnh ruộng mới và mở rộng diện tích, vì giờ đây máy móc đã cho phép anh ta có thể làm việc trên một khoảnh đất rộng lớn hơn chỉ với lượng công sức bỏ ra như xưa. Nhưng ở Nhật Bản hay Trung Quốc, người nông dân không có tiền để mua máy móc thiết bị − và, quan trọng hơn, đương nhiên là không thể có bất cứ tấc đất dư dôi nào có thể dễ dàng chuyển đổi thành diện tích trồng cấy mới. Vì vậy để nâng cao sản lượng, người nông dân phải có kỹ năng canh tác thuần thục hơn, quản lý thời gian tốt hơn và đưa ra những lựa chọn khôn ngoan hơn. Như nhà nhân chủng học Francesca Bray tổng kết, nền nông nghiệp trồng lúa “có xu hướng kỹ năng”: nếu anh tự nguyện làm cỏ siêng năng hơn một chút, thành thạo trong công đoạn bón phân và dành thêm chút thời gian điều chỉnh mực nước, xử lý nền đất cứng thêm chút cho bằng phẳng hoàn toàn và tận dụng từng xăng-ti-mét đất đai trên các thửa ruộng của mình, anh sẽ gặt hái được mùa màng bội thu hơn. Xuyên suốt lịch sử, không có gì đáng ngạc nhiên, chính những người nông dân trồng lúa nước làm việc cần cù hơn hầu hết mọi loại hình nông dân khác.

Câu khẳng định cuối cùng có vẻ hơi lạ lùng, vì chúng ta luôn có cảm giác rằng tất cả mọi người trong thế giới kỷ nguyên tiền hiện đại đều phải làm lụng vô cùng cực nhọc. Nhưng điều ấy không hoàn toàn đúng. Tất cả chúng ta đều có nguồn gốc từ tổ tiên săn bắn − hái lượm, và rất nhiều người làm nghề săn bắn-hái lượm hưởng thụ cuộc sống cực kỳ nhàn nhã. Thổ dân !Kung vùng sa mạc Kalahari (Hạ Sahara) ở Botswana là một ví dụ. Họ là một trong những tộc người cuối cùng còn áp dụng lối sống đó trên trái đất, vẫn sinh sống trên một khu vực sinh thái phong phú bao gồm đủ loại hoa quả, dâu dại, vỏ rễ cây và các loại quả hạch − đặc biệt là quả hạch mongongo, một loại thức ăn giàu protein đến mức phi thường và nhiều bạt ngàn, chất đống trên mặt đất. Họ không phải trồng trọt gì hết, mà trồng trọt thì lại tốn nhiều thời gian − nào là chuẩn bị, trồng cấy, làm cỏ, thu hoạch, trữ vào kho. Họ cũng không nuôi gia cầm gia súc. Thi thoảng đàn ông tộc !Kung cũng săn bắn, nhưng chủ yếu là để thể thao giải trí. Tổng cộng, đàn ông và đàn bà !Kung làm việc không quá mười hai đến mười chín tiếng một tuần, khoảng thời gian còn lại dành cho nhảy nhót hát hò, vui chơi và thăm viếng họ hàng bạn bè. Vậy nên tối đa họ cũng chỉ có khoảng một ngàn giờ làm việc một năm. (Khi một người thổ dân được hỏi tại sao không làm nghề nông, anh ta tỏ vẻ đầy nghi hoặc và nói, “Tại sao chúng tôi phải trồng trọt trong khi đã có sẵn quá nhiều quả hạch mongongo trên trái đất này?”).

Hay thử xem xét cuộc sống của một bần nông ở châu Âu hồi thế kỷ XVIII. Đàn ông và phụ nữ thời bấy giờ hầu như làm việc quần quật từ tinh mơ cho tới ban trưa suốt hai trăm ngày một năm, tính ra là khoảng một nghìn hai trăm giờ mỗi năm. Trong suốt thời kỳ thu hoạch hoặc gieo trồng vụ xuân, ngày dường như dài hơn. Vào mùa đông thì ngắn hơn nhiều. Trong cuốn Discovery of France (Tạm dịch: Khám phá nước Pháp), nhà sử học Graham Robb đã khẳng định rằng đời sống bần nông ở một đất nước như Pháp − tận tới thế kỷ XIX, về cơ bản vẫn chỉ là những công việc thời vụ ngắn ngủi nối tiếp những khoảng thời gian lê thê nông nhàn.

Ông viết: “Chín mươi chín phần trăm hoạt động của con người được miêu tả ở đây và trong những tài liệu khác (về đời sống nông thôn Pháp), đều diễn ra trong khoảng thời gian từ cuối mùa xuân đến lúc chớm thu.” Trên dãy Pyrenees và dãy Alps, toàn bộ làng mạc về cơ bản đều ngủ vùi từ thời điểm có trận tuyết rơi đầu tiên vào tháng Mười một, kéo dài tận đến tháng Ba hay tháng Tư. Ở những vùng khí hậu ôn hòa hơn trên nước Pháp, nơi nhiệt độ về mùa đông hiếm khi hạ xuống dưới mức đóng băng, hình mẫu tương tự cũng diễn ra. Robb tiếp tục:

Những cánh đồng của người nông dân Pháp bị bỏ hoang hầu như cả năm. Một báo cáo chính thức về vùng Nièvre vào năm 1844 đã miêu tả sự biến đổi kỳ lạ của những người làm việc công nhật khi mùa màng đã thu hoạch xong xuôi và những gốc cây đã được đốt bỏ: “Sau khi làm xong các công việc sửa chữa dụng cụ cần thiết, những người năng nổ ấy giờ đây dành trọn thời gian trên giường ngủ, cuộn chặt người lại để giữ ấm và ăn ít đồ hơn. Họ tự làm yếu mình một cách có chủ ý.”

Ngủ đông ở con người là một nhu cầu cấp thiết cả về sinh lý và kinh tế. Hạ thấp tỉ lệ trao đổi chất sẽ ngăn cơn đói vắt kiệt những nguồn cung cấp chất dinh dưỡng… Người ta lê bước và la đà, kể cả vào mùa hè. Sau cách mạng, ở vùng Alsace và Pas-de-Calais, các lãnh đạo địa phương phàn nàn rằng những người làm rượu và nông dân tự do, thay vì đảm trách “một nghề gì đó yên bình và có thể ngồi làm” trong những mùa thưa việc, thì lại “bỏ mặc bản thân trong sự nhàn tản xuẩn ngốc.”

Nếu bạn là một nông dân nghèo ở miền Nam Trung Quốc thì ngược lại, bạn sẽ không ngủ vùi suốt cả mùa đông. Trong đợt nghỉ ngơi ngắn ngủi đánh dấu bởi mùa khô, từ tháng Mười Một tới tháng Hai, bạn bận rộn xoay xỏa với những việc lặt vặt. Bạn đan rổ hay mũ bằng nan tre và đem ra bán ở chợ. Bạn tu sửa hệ thống hào rãnh trên thửa ruộng của mình và trát thêm bùn lên căn lều của mình. Bạn gửi một trong số những cậu con trai của mình đi làm thuê cho người bà con ở xóm làng nào lân cận. Bạn làm đậu phụ và những bánh đậu khô, bắt rắn (chúng quả là thức thời trân) và bẫy côn trùng. Đến tiết Lập Xuân, bạn quay trở lại ruộng đồng mỗi lúc hừng đông. Làm việc trên cánh đồng lúa đòi hỏi sức lao động gấp mười đến hai mươi lần so với làm việc trên một cánh đồng ngô hay lúa mỳ với diện tích tương tự. Một vài nghiên cứu đưa ra con số ước tính thời lượng lao động của một nông dân trồng lúa nước ở châu Á vào khoảng ba nghìn giờ đồng hồ một năm.

Thử nghĩ một lát về cuộc sống của một người nông dân trồng lúa vùng đồng bằng Châu Giang sẽ như thế nào. Ba nghìn giờ đồng hồ mỗi năm là một khối lượng thời gian lao động ghê gớm, đặc biệt nếu như rất nhiều giờ trong số đó đổ vào việc khom lưng dưới trời nắng gắt, cấy trồng và làm cỏ trên một thửa ruộng lúa.

Tuy nhiên, thứ đền bù cho cuộc sống của một người nông dân trồng lúa chính là bản chất của công việc ấy. Nó rất giống với nghề may mặc mà những người Do Thái nhập cư vào New York làm. Nó có ý nghĩa. Trước tiên, có một mối quan hệ rõ ràng giữa nỗ lực và tưởng thưởng trong nghề trồng lúa. Anh càng làm việc chăm chỉ trên cánh đồng, nó càng mang lại thu hoạch tốt hơn. Thứ hai, đó là công việc phức tạp. Người nông dân trồng lúa không chỉ đơn giản là gieo trồng vào mùa xuân và thu hoạch vào mùa thu. Ông/bà ta phải điều hành hiệu quả cả một kiểu doanh nghiệp nhỏ, huy động nguồn lực gia đình, đối phó với rủi ro trong suốt quá trình lựa chọn hạt giống, xây dựng và quản lý một hệ thống tưới tiêu tinh vi và phối hợp cả quy trình phức tạp: thu hoạch vụ mùa đầu tiên trong khi đồng thời chuẩn bị cho vụ mùa thứ hai.

Và, trên hết, đó là một công việc tự quản. Nông dân nghèo châu Âu về cơ bản làm việc như những nô lệ chi phí thấp dưới tay một địa chủ quý tộc mà chẳng mấy khả năng quyết định vận mệnh của mình. Nhưng Trung Quốc và Nhật Bản không bao giờ phát triển một hệ thống phong kiến áp bức ngột ngạt như thế, bởi vì chế độ phong kiến đơn giản là chẳng thể phát huy tác dụng trong một nền kinh tế lúa gạo. Trồng lúa quá phức tạp và rắc rối đối với một hệ thống vốn bắt ép và đe nẹt người nông dân phải đi ra ruộng làm việc mỗi sớm ban mai. Đến thế kỷ XIV và XV, địa chủ ở vùng trung và nam Trung Quốc đã có một mối quan hệ gần như hoàn toàn không can thiệp với những người mướn đất: địa chủ sẽ thu lại một phần địa tô cố định và để người nông dân tự xoay xỏa với công ăn việc làm của mình.

“Điều đáng nói về việc trồng cấy lúa nước là, không những bạn cần đổ vào đó một khối lượng lao động phi thường, mà nó còn đòi hỏi rất kiên trì,” nhà sử học Kenneth Pomerantz nói. “Bạn phải chăm chút từng li. Sẽ là vấn đề khi mực nước ruộng lúa đã hoàn hảo mà bạn lại tháo nước vào ngập ngụa. Đạt đến sát mức yêu cầu nhưng chưa hẳn chính xác cũng sẽ gây ra một sự khác biệt lớn trong sản lượng của bạn. Mức nước xâm xấp mặt ruộng vào đúng thời điểm cũng rất quan trọng. Và có sự khác biệt lớn giữa việc cấy mạ ở khoảng cách chính xác với việc cấy lộn xộn bừa bãi không thành hàng lối. Nó không giống với việc bạn vãi ngô lên đất vào giữa tháng Ba và chỉ cần những cơn mưa rơi xuống vào cuối tháng, thế là ổn thỏa. Bạn đang kiểm soát tất cả các yếu tố đầu vào bằng một phương cách rất trực tiếp. Và khi bạn có một công việc đòi hỏi nhiều bận tâm đến thế thì vị lãnh chúa sẽ phải có một cách thức nào đó đưa ra những khuyến khích rằng nếu như mùa màng thu hoạch tốt, người nông dân sẽ có được phần chia lớn hơn. Đó là nguyên do tại sao bạn có mức địa tô cố định, nơi những tay địa chủ nói rằng tôi lấy hai mươi giạ lúa, bất kể mùa màng ra sao, và nếu nó thuận lợi tốt lành, anh lấy phần dư. Một vụ mùa không thể bội thu nếu áp dụng chế độ lao động kiểu nô lệ hay trả công. Vì thật dễ dàng để cho cửa cống điều tiết nước tưới tiêu mở toang quá vài giây đồng hồ và thế là đi tong cả đồng lẫn ruộng.”

Nhà sử học David Arkush có lần đã so sánh tục ngữ của nông dân Nga với Trung Quốc, và sự khác biệt là rất rõ rệt. “Nếu Chúa không đem nó tới, mặt đất cũng sẽ không ban tặng nó” là một tục ngữ dân gian Nga điển hình. Đó là kiểu đặc trưng thuyết định mệnh và bi quan chủ nghĩa của một hệ thống phong kiến có xu hướng đàn áp, nơi người dân nghèo không có nguyên cớ gì để tin tưởng vào tính hiệu quả trong lao động của riêng mình. Còn ở phía kia, Arkush viết, tục ngữ Trung Hoa lại rất nổi bật ở niềm tin rằng “lao động chăm chỉ, toan tính khôn ngoan và tự thân vận động hoặc phối hợp với một nhóm nhỏ sẽ được đền đáp kịp thời.”

Dưới đây là một số điều mà những bần nông nghèo nàn xơ xác sẽ nói với nhau khi họ làm việc suốt ba nghìn giờ đồng hồ một năm dưới cái nắng như thiêu và không khí nóng ẩm trên những thửa ruộng lúa nước Trung Hoa (cũng cần nói thêm rằng ở đó bạt ngàn đỉa):

“Chẳng lương thực nào có được mà không phải đổ máu và mồ hôi.”

“Nông dân tất bật; nông dân tất bật; nếu nông dân không tất bật, lúa gạo tích cho mùa đông biết lấy đâu ra?”

“Tiết đông giá, kẻ lười nhác lạnh cóng đến chết.”

“Đừng trông vào ông trời để có lương thực, mà chính hai bàn tay anh phải đón lấy gánh nặng.”

“Hỏi han về mùa màng chẳng có ích lợi gì, tất cả tùy thuộc vào làm lụng chăm chỉ và phân gio.”

“Nếu con người làm việc chăm chỉ, đất đai cũng sẽ chẳng biếng lười.”

Và, thuyết phục nhất trong tất cả phải là: “Người có khả năng thức dậy trước bình minh suốt ba trăm sáu mươi ngày một năm chắc chắn có thể làm cho gia đình mình trở nên sung túc.” Thức dậy trước lúc bình minh? 360 ngày một năm? Đối với những thổ dân !Kung nhàn nhã gom nhặt quả hạch mongongo hay những người nông dân Pháp ngủ vùi cho qua mùa đông, hay bất cứ ai sống nhờ vào sinh kế nào đó không phải là nghề trồng lúa nước, câu tục ngữ ấy sẽ là không thể hiểu nổi.

Tất nhiên, đây không phải thứ quan sát lạ lùng về văn hóa châu Á. Bước chân đến bất cứ khuôn viên trường đại học, cao đẳng phương Tây nào, bạn cũng sẽ phát hiện ra ngay rằng các sinh viên châu Á luôn nổi tiếng là ở lì trong thư viện rất lâu sau khi mọi người đã về hết. Đôi khi những người có nguồn gốc Á châu tức giận khi nền văn hóa của họ bị miêu tả theo lối đó, bởi họ nghĩ rằng khuôn mẫu ấy đã bị sử dụng như một hình thức làm mất thể diện. Nhưng niềm tin vào công việc lại có thể chính là một biểu hiện đẹp đẽ. Rõ ràng là tất cả những câu chuyện thành công chúng ta đã thấy trong cuốn sách cho tới lúc này đều có liên quan tới một người hoặc một nhóm người nào đó làm việc cần mẫn hơn những người cùng trang lứa. Bill Gates đã mắc nghiện chiếc máy vi tính từ hồi còn là đứa trẻ. Bill Joy cũng vậy. Ban nhạc Beatles trải qua hàng nghìn giờ luyện tập ở Hamburg. Joe Flom đã làm việc cật lực trong nhiều năm trời, hoàn thiện tài nghệ trong các thương vụ thôn tính trước khi có được cơ hội của mình. Làm việc thực sự chăm chỉ chính là thứ những người thành công thực hiện, và tinh thần của nền văn hóa hiện hình trên những thửa ruộng lúa ấy chính là làm việc chăm chỉ đem lại cho những người bươn bải trên ruộng đồng một phương cách để tìm thấy ý nghĩa ngay giữa bộn bề rủi ro cùng nghèo đói. Bài học ấy đã mang lại lợi ích cho người châu Á trong rất nhiều nỗ lực nhưng hiếm khi đến mức hoàn hảo như trong trường hợp môn Toán. 

Vài năm về trước, Alan Schoenfeld − một giảng viên toán tại trường Berkeley đã ghi lại một băng hình về người phụ nữ tên Renee khi cô cố gắng giải một đề toán. Renee lúc đó ở vào khoảng giữa lứa tuổi hai mươi, tóc đen dài và đôi kính gọng bạc mắt tròn. Trong băng hình, cô đang thao tác với một phần mềm được thiết kể để giảng dạy môn đại số. Trên màn hình là một trục x và một trục y. Chương trình yêu cầu người sử dụng nhập vào tọa độ và tiếp theo là vẽ đường nối từ những tọa độ đó trên màn hình. Lấy ví dụ, khi cô đánh số 5 trên trục y và số 5 trên trục x, máy tính sẽ thực hiện thế này:

 

Đến lúc này, tôi đoán chắc rằng ít nhiều ký ức mơ hồ về môn đại số cấp trung học đang quay trở lại với bạn. Nhưng đảm bảo là, bạn không cần phải nhớ lại bất cứ kiến thức nào để hiểu được ý nghĩa trong ví dụ về Renee. Thực tế là, khi bạn lắng nghe Renee trò chuyện trong vài đoạn tiếp sau đây, đừng tập trung vào những gì cô ấy nói mà vào cách cô ấy nói và tại sao cô ấy lại nói năng theo lối ấy.

Điểm cốt yếu của chương trình máy tính mà Schoenfeld sáng tạo nên là để dạy cho học sinh cách tính toán hệ số góc của một đường thẳng. Hệ số góc − như tôi chắc rằng bạn vẫn nhớ (chính xác hơn, tôi cá rằng bạn không nhớ; đương nhiên tôi cũng không nhớ) − tính bằng tung độ chia cho hoành độ. Hệ số góc của đường thẳng trong ví dụ là 1, bởi tung độ là 5 và hoành độ là 5.

Và Renee ở đó. Cô đang ngồi trước bàn phím, cô đang gắng sức tìm ra xem phải nhập những con số nào nhằm khiến cho máy tính vẽ ra một đường hoàn toàn thẳng đứng, chính xác là chồng khít lên trên trục y. Giờ đây, những ai trong số các bạn đã nhớ ra môn toán hồi cấp 3 sẽ biết rằng thực tế việc đó là bất khả thi. Một đường thẳng thẳng đứng có hệ số góc không xác định. Tung độ của nó là vô hạn: bất cứ điểm nào trên trục y cũng bắt đầu từ không và đi đến vô cùng. Hoành độ của nó nằm trên trục x, trong khi đó lại bằng 0. Vô hạn chia cho 0 không phải là một con số. 

Nhưng Renee không nhận ra rằng những gì cô đang cố gắng làm sẽ không thể thực hiện được. Đúng hơn là cô đang bị kiềm chặt bởi cái mà Schoenfeld gọi là “nhận thức sai lầm vẻ vang,” và lý do mà Schoenfeld muốn trưng ra cuộn băng hình đặc biệt này bởi nó là một minh chứng hoàn hảo về việc làm thế nào một nhận thức sai như thế cuối cùng lại đưa ra lời giải.

Reene là một y tá. Cô không phải một người đặc biệt hứng thú với môn toán trong quá khứ. Nhưng bằng cách nào đó cô đã có được phần mềm và mải mê với nó.

“Bây giờ, cái tôi muốn làm là vẽ được một đường thẳng với công thức này, song song với trục y,” cô bắt đầu. Schoenfeld ngồi ngay cạnh cô. Cô nhìn ông lo lắng. “Đã năm năm rồi tôi không động đến mấy thứ này.”

Cô bắt đầu nghịch ngợm vớ vẩn với chương trình, đánh vào những con số khác nhau.

“Bây giờ nếu tôi thay đổi hệ số góc theo cách ấy… Âm 1 (-1)… giờ cái tôi định là làm cho đường này đi thẳng lên.”

Khi cô nhập các số vào, đường thẳng hiện trên màn hình thay đổi.

“Ối. Không phải như thế rồi.”

Cô tỏ ra lúng túng.

“Cô đang cố gắng làm gì vậy?” Schoenfeld hỏi.

“Việc tôi đang cố gắng làm là vẽ ra một đường thẳng song song với trục y. Tôi phải làm gì đây? Tôi nghĩ cái tôi cần là thay đổi chỗ này một chút.” Cô chỉ vào chỗ nhập số cho trục y. “Đấy là một thứ tôi đã phát hiện ra. Rằng khi anh chuyển từ 1 sang 2, có một sự thay đổi khá lớn. Nhưng giờ nếu anh muốn làm được thế kia thì anh phải tiếp tục thay đổi.”

Đây chính là nhận thức sai lầm vẻ vang của Renee. Cô để ý rằng tung độ y cô nhập vào càng lớn thì đường thẳng càng trở nên dốc đứng. Vậy nên cô nghĩ chìa khóa để tạo ra một đường thẳng đứng chỉ là làm cho tung độ y đủ lớn.

“Tôi đoán là 12 hay 13 có thể được rồi. Có thể thậm chí phải lớn đến 15.”

Cô cau mày. Cô và Schoenfeld trao đi đổi lại. Cô hỏi ông vài câu. Ông gợi ý cho cô đi đúng hướng một cách nhẹ nhàng. Cô cứ thử và thử, hết cách này đến cách khác.

Đến một thời điểm, cô nhập vào số 20. Đường thẳng lại dốc đứng hơn một chút.

Cô nhập vào số 40. Đường thẳng vẫn dốc thêm một chút nữa.

 

“Tôi thấy có một mối liên hệ ở đây. Nhưng tại sao, tôi không hiểu… Nếu như tôi nhập vào 80? 40 đã mở cho tôi một nửa đường, vậy thì chắc là 80 sẽ mở cho tôi cả con đường đến trục y chứ nhỉ. Vậy nên thử xem chuyện gì xảy ra.”

Cô nhập vào 80. Đường thẳng dốc đứng hơn. Nhưng nó vẫn không thẳng đứng hoàn toàn.

“Ôi. Nó là vô hạn, đúng không? Sẽ không bao giờ làm thế được.” Renee đã đến gần đích. Nhưng rồi cô vẫn trở lại với nhận thức sai lầm ban đầu.

“Thế thì tôi cần cái gì nhỉ? 100? Mỗi lần anh gấp đôi con số lên, anh lại đi thêm được nửa đường gần tới trục y. Nhưng nó sẽ không bao giờ chạm tới đó được…”

Cô đánh vào số 100.

“Nó rất gần. Nhưng vẫn chưa chạm đến đó.”

Cô bắt đầu nói to suy nghĩ của mình ra. Rõ ràng là cô đang cận kề phát hiện ra điều gì đó. “Ồ, tôi biết điều này… nhưng… Tôi biết nó. Cứ mỗi lần số tăng lên, nó lại chệch đi nhiều như thế. Nhưng tôi vẫn thắc mắc tại sao…”

Cô ngừng lại, chú mục vào màn hình.

“Tôi đang bị lúng túng quá. Hệ số góc là 0,1 rồi. Nhưng tôi không muốn nó…”

Và rồi cô đã nhìn thấy.

“Ồ! Tử thức có thể là bất cứ số nào, nhưng mẫu thức bằng không. Là bất cứ số nào chia cho 0!” Khuôn mặt cô bừng sáng. “Một đường theo phương thẳng đứng chính là bất cứ số nào chia cho 0 − và là một số không xác định. Ồ. Ổn rồi. Giờ thì tôi hiểu rồi. Hệ số góc của một đường thẳng đứng là không xác định. À. Giờ thì nó hợp lý rồi. Tôi sẽ không quên đâu!”

 

Trong suốt sự nghiệp của mình, Schoenfeld đã ghi hình vô số sinh viên khi họ xử lý các vấn đề Toán học. Nhưng băng hình của Renee là một trong những cuốn ưa thích của ông chính bởi nó minh họa đẹp đẽ biết bao cho thứ mà ông coi là bí quyết học Toán. Hai mươi hai phút trôi qua kể từ thời điểm Renee bắt đầu thử chương trình máy tính cho đến khoảnh khắc cô cất lời, “À. Giờ thì nó có nghĩa gì đấy rồi.” Đó là một khoảng thời gian dài. “Đây là toán lớp Tám,” Schoenfeld nói. “Nếu tôi đặt một học sinh lớp tám thông thường vào vị trí hệt như Renee, tôi đoán là sau vài lần thử đầu tiên, các em ắt sẽ nói, 'Em không hiểu nổi. Em muốn thầy giải thích cho em.'’’ Schoenfeld có lần hỏi một nhóm học sinh trung học xem các em sẽ xoay xỏa với một câu hỏi bài tập về nhà trong bao lâu trước khi kết luận rằng nó quá khó để có thể giải quyết được. Câu trả lời của các em dàn trải từ ba mươi giây cho tới năm phút, và câu trả lời trung bình là hai phút.

Nhưng Renee thì kiên trì. Cô thử nghiệm. Cô quay trở lại cùng một vấn đề hết lượt này tới lượt khác. Cô nói to suy nghĩ của mình. Cô thử và thử. Cô đơn thuần không bỏ cuộc. Ở một chừng mực lờ mờ nào đó cô biết rằng có điều gì đó không ổn với lý thuyết của mình về cách vẽ một đường theo phương thẳng đứng, và cô không dừng lại cho đến lúc cô hoàn toàn chắc chắn rằng cô đã hiểu đúng nó.

Renee không phải một thiên tài toán học. Những khái niệm phức tạp như “hệ số góc” và “vô hạn” rõ ràng không đến với cô một cách dễ dàng. Nhưng cô đã gây ấn tượng mạnh với Schoenfeld .

“Có cả một ý chí thấu hiểu vấn đề thúc đẩy những gì cô hành động,” Schoenfeld nói. “Cô sẽ không chấp nhận một thứ nông cạn bề mặt kiểu 'À vâng, anh đúng rồi' và bước đi. Đó không phải là tính cách của cô. Và điều đó thật khác thường.” Schoenfeld tua lại cuộn băng và chỉ vào khoảnh khắc khi Renee phản ứng với thái độ kinh ngạc thành thực với thứ gì đó trên màn hình.

“Nhìn kìa,” ông nói. “Cô làm hai lượt. Rất nhiều học sinh sẽ chỉ để nó vụt qua. Thay vào đó, cô nghĩ, 'Nó không phù hợp với bất cứ thứ gì mình đang suy nghĩ. Mình không hiểu nó. Điều đó rất quan trọng. Mình muốn có một cách lý giải.' Và rút cuộc khi cô tìm ra cách lý giải, cô nói, 'À, nó trùng khít.'’’

Ở Berkeley, Schoenfeld giảng dạy một khóa học về giải quyết vấn đề, toàn bộ mục đích của nó là làm cho sinh viên gạt bỏ những thói quen Toán học mà các em tích lũy trên suốt chặng đường tới bậc đại học. “Tôi nhặt ra một đề bài mà tôi không biết làm thế nào để giải,” ông nói. “Tôi bảo với các sinh viên, 'Các em sẽ có một bài kiểm tra đem về nhà làm trong hai tuần. Tôi biết rõ thói quen của các em. Các em sẽ chẳng làm gì hết trong suốt tuần đầu tiên và bắt đầu vào tuần thứ hai, và tôi muốn cảnh báo các em ngay bây giờ: Nếu các em chỉ dành một tuần cho bài tập này, các em sẽ không thể giải quyết nổi đâu. Còn nếu bắt đầu làm đúng vào hôm tôi giao bài thi giữa kỳ, các em sẽ nản lòng đấy. Các em sẽ đến chỗ tôi vào nói rằng, ‘Không thể làm được đâu.' Tôi sẽ nói: Cứ tiếp tục làm đi, và đến tuần thứ hai, các em sẽ nhận ra rằng mình đã có được tiến bộ rõ rệt.”

Đôi khi chúng ta vẫn nghĩ về việc giỏi môn Toán như một năng lực thiên bẩm. Hoặc bạn có “nó” hoặc không bao giờ. Nhưng đối với Schoenfeld, năng lực không chiếm phần nhiều bằng thái độ. Bạn thành thạo môn toán nếu bạn tự nguyện cố gắng. Thành công là kết quả của sự kiên định, ngoan cường và tự nguyện làm việc chăm chỉ trong suốt hai mươi hai phút đồng hồ để hiểu được điều gì đó mà hầu hết mọi người sẽ từ bỏ ngay sau ba mươi giây. Đưa một nhóm người kiểu Renee vào lớp học, cho họ không gian và thời gian để tự khám phá môn toán và bạn có thể vượt qua một chặng đường dài. Hãy thử tưởng tượng một đất nước mà tinh thần ngoan cường của Renee không phải là biệt lệ mà là một đặc trưng văn hóa, khắc sâu hệt như nền văn hóa danh dự ở vùng Cao nguyên Cumberland. Giờ đây hẳn đó sẽ là một quốc gia giỏi toán.

 

Cứ mỗi bốn năm, một nhóm các nhà giáo dục quốc tế lại tổ chức một bài kiểm tra toán học và khoa học toàn diện dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên khắp thế giới. Đó chính là TIMSS (cũng là bài kiểm tra bạn đã đọc đầu sách, trong phần thảo luận về sự khác biệt giữa các học sinh lớp Bốn sinh cận ngày “ngắt ngọn” bắt đầu đi học và những em sinh ở đầu mút bên kia so với ngày ngắt ngọn), và mục đích của TIMSS là nhằm so sánh thành tựu giáo dục của quốc gia này với quốc gia khác.

Khi các học sinh làm bài kiểm tra TIMSS, họ còn phải điền vào một bảng câu hỏi. Nó hỏi các em đủ thứ trên đời, ví như trình độ giáo dục của cha mẹ các em như thế nào, quan điểm của các em về môn toán ra sao, bạn bè của các em thế nào. Đó không phải là một bài tập lặt vặt. Nó bao gồm khoảng 120 câu hỏi. Thật ra, nó lê thê rườm rà và đòi hỏi khắt khe đến mức rất nhiều học sinh để trống khoảng mười hay hai mươi câu hỏi.

Giờ thì, đã đến phần thú vị. Kết quả là, con số trung bình các câu được trả lời trong bản thăm dò ấy khác biệt giữa nước này so với nước khác. Trên thực tế, có thể xếp hạng các quốc gia tham dự dựa vào số lượng các phần mà học sinh nước đó trả lời trong bảng hỏi. Bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu so sánh xếp hạng bảng câu hỏi với xếp hạng môn toán trong danh sách TIMSS? Chúng hoàn toàn giống hệt nhau. Nói cách khác, những nước mà học sinh tự nguyện tập trung và ngồi đủ lâu, chuyên chú vào trả lời từng câu trong bản thăm dò miên man bất tận cũng chính là những quốc gia có học sinh làm tốt nhất việc giải quyết các vấn đề toán học.

Người khám phá ra thực tế này là một nhà nghiên cứu giáo dục tại Đại học Pennsylvania tên là Erling Boe, ông phát hiện ra điều đó một cách tình cờ. “Nó như từ trên trời rơi xuống vậy,” ông nói. Boe chưa thể công bố những phát hiện của mình trên bất cứ một chuyên san khoa học nào, bởi, như ông nói, nó có phần hơi kỳ quặc. Hãy nhớ rằng, ông không hề nói khả năng hoàn thành bảng câu hỏi và khả năng giải quyết xuất sắc bài kiểm tra toán là liên quan đến nhau. Ông chỉ nói rằng chúng giống nhau: nếu bạn so sánh hai bảng xếp hạng, chúng hệt như nhau.

Hãy nghĩ về điều này theo cách khác. Tưởng tượng xem hàng năm, có một kỳ Olympic Toán học tại một thành phố lớn nào đó trên thế giới. Và mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ đều đem đến đội tuyển gồm một nghìn học sinh lớp Tám. Quan điểm của Boe là chúng ta có thể dự đoán chính xác thứ tự bảng thành tích đạt được ở kỳ Olympic Toán mà không cần phải đưa ra một câu hỏi Toán nào. Tất cả những gì chúng ta phải làm chỉ là đưa ra một nhiệm vụ nào đó để đo lường xem các em tự nguyện làm việc cần mẫn đến đâu. Trên thực tế, chúng ta thậm chí không cần phải giao cho các em nhiệm vụ nào. Chúng ta có thể dự đoán những quốc gia nào giỏi môn toán nhất đơn giản bằng cách nhìn xem mức độ nỗ lực và làm việc chăm chỉ của nước nào cao nhất. 

Vậy thì, những quốc gia và vùng lãnh thổ nào ở vị trí cao nhất trong cả hai danh sách? Câu trả lời sẽ không khiến bạn ngạc nhiên: Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Nhật Bản. Hiển nhiên có một điểm chung là những nền văn hóa đó được định hình bởi truyền thống nông nghiệp lúa nước và công việc có ý nghĩa.  Đó là nơi chốn trong suốt hàng trăm năm qua, những người nông dân nghèo khó lao động quần quật trên những cánh đồng lúa tới ba nghìn giờ một năm, bảo ban nhau bằng những lời kiểu như: “Không người nào có khả năng thức dậy trước lúc bình minh suốt ba trăm sáu mươi ngày một năm lại thất bại trong việc làm cho gia đình mình trở nên sung túc.”  

Bình luận