Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Những kẻ xuất chúng

Chương 3: Mối Phiền Phức Với Các Thiên Tài

Tác giả: Malcolm Gladwell

Phần I:

BIẾT VỀ CHỈ SỐ IQ CỦA MỘT CẬU BÉ CŨNG CHẲNG GIÚP ÍCH GÌ MẤY NẾU BẠN PHẢI ĐỐI MẶT VỚI CẢ MỘT NHÓM NHỮNG CẬU BÉ THÔNG MINH.

Số thứ Năm của loạt chương trình trò chơi truyền hình Mỹ mang tên Đấu trường 100 (1 vs. 100) năm 2008 đã đón chào vị khách đặc biệt của mình − một người đàn ông có tên Christopher Langan.

Đấu trường 100 là một trong rất nhiều chương trình truyền hình bung nở theo gót thành công mang tính hiện tượng của game show Ai là triệu phú? (Who Wants to Be a Millionaire?). Trong chương trình có một lô cố định gồm một trăm khán giả bình thường đóng vai “đám đông” (mob). Mỗi tuần, họ đọ trí thông minh với một khách mời đặc biệt. Tiền thưởng lên tới một triệu đô-la. Khách mời cần phải đủ thông thái để trả lời chính xác nhiều câu hỏi hơn một trăm đối thủ của anh ta/cô ta − và với tiêu chuẩn ấy, có vẻ chẳng mấy người có điều kiện xuất sắc như Christopher Langan.

“Đêm nay đám đông khán giả sẽ phải đối mặt với cuộc đấu cam go nhất từ trước tới nay,” lời người dẫn chương trình bắt đầu vang lên. “Đụng độ Chris Langan − được nhiều người mệnh danh là nhân vật thông minh nhất nước Mỹ.” Máy quay quét chậm qua một người đàn ông bè bè, vạm vỡ ở lứa tuổi ngũ tuần. “Một người bình thường có chỉ số IQ khoảng 100,” giọng thuyết minh tiếp tục. “Einstein là một trăm năm mươi. Chris có chỉ số IQ ở mức một trăm chín mươi lăm. Hiện giờ anh đang tập trung bộ não cỡ bự của mình vào một lý thuyết về vũ trụ. Nhưng liệu hộp sọ ngoại cỡ của anh có đủ hạ gục đám đông khán giả để giành được một triệu đô-la hay không? Hãy tìm câu trả lời ngay bây giờ trong chương trình Đấu trường 100”.

Langan bước lên khán đài trong tiếng vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt.

“Anh không nghĩ là anh cần phải có trình độ học vấn cao để chơi tốt trong chương trình Đấu trường 100 sao?” người dẫn chương trình Bob Saget hỏi Chris. Saget nhìn vào Chris đầy tò mò, như thể anh giống một kiểu vật mẫu trong phòng thí nghiệm vậy.

“Thực lòng mà nói, tôi nghĩ đó có thể là một trở ngại,” Langan đáp lời. Anh có một giọng nói thâm trầm, thản nhiên. “Sở hữu chỉ số IQ cao, bạn có xu hướng chuyên biệt hóa, tư duy sâu. Bạn bỏ qua những chi tiết lặt vặt. Nhưng giờ đây tôi phải đối mặt với những khán giả này” − anh liếc nhìn đám đông, vẻ hài hước lóe lên trong mắt hé lộ rằng anh cảm thấy tất cả những gì đang diễn ra nực cười tới mức nào − “Tôi nghĩ là tôi sẽ chơi tốt.”

Suốt trong thập kỉ trước đó, Chris Langan đã gặt hái được thứ danh tiếng kỳ lạ. Anh trở thành gương mặt thiên tài của công chúng trong đời sống Mỹ, một trong những kẻ xuất chúng. Anh nhận được lời mời từ các chương trình tin tức và được đưa tiểu sử trên các tờ tạp chí, anh trở thành chủ đề trong một phim tài liệu thực hiện bởi nhà làm phim Errol Morris, tất cả chỉ bởi một não bộ bất ngờ thách thức mọi mô tả thông thường.

Chương trình tin tức truyền hình 20/20 có lần đã mời một chuyên gia tâm lý học thần kinh đưa ra cho Langan một bài trắc nhiệm IQ riêng biệt bởi điểm số của Langan thực sự vượt khỏi mọi bảng biểu đánh giá − quá cao để có thể đo đạc chính xác. Một lần khác, Langan thực hiện một bài kiểm tra IQ được thiết kế riêng cho những người quá thông minh trong những bài kiểm tra IQ thông thường. Anh trả lời đúng tất cả chỉ trừ một câu hỏi.  Biết nói hồi mới sáu tháng tuổi. Khi lên ba, Langan nghe radio vào các ngày Chủ nhật khi phát thanh viên đọc to những câu chuyện rẻ tiền, thì cậu cứ thế đọc theo một mình cho đến lúc tự dạy mình biết đọc. Lúc năm tuổi, Langan bắt đầu hỏi ông mình về sự tồn tại của Chúa trời − và đã rất thất vọng với những câu trả lời nhận được.

Ở trường, Langan có thể bước vào một giờ kiểm tra của lớp ngoại ngữ mà không cần phải học hành gì trước đó, và nếu có được hai hay ba phút trước khi giáo viên vào lớp, anh có thể lướt qua sách giáo khoa và hoàn thành xuất sắc bài kiểm tra. Vào tuổi thiếu niên, trong khi làm việc như một công nhân nông trường, anh bắt đầu mở rộng việc tìm hiểu các khái niệm của lĩnh vực vật lý lý thuyết. Đến tuổi mười sáu, anh tự mình nghiền ngẫm một kiệt tác uyên thâm nổi tiếng của Bertrand Russell và Alfred North Whitehead − Nguyên lý Toán học (Principia Mathematica). Anh đạt được kết quả hoàn hảo trong kỳ thi SAT  dù anh ngủ quên một lúc trong giờ thi. 

“Chris làm toán suốt một tiếng đồng hồ,” cậu em trai tên Mark nói về thói quen mùa hè của Langan hồi trung học. “Rồi anh ấy học tiếng Pháp một tiếng. Rồi học tiếng Nga một tiếng. Rồi anh ấy đọc triết học. Chris cứ làm thế đều đặn, hàng ngày.”

Một người anh em khác của Langan, Jeff thì kể “Bạn biết không, khi Christopher mười bốn, mười lăm tuổi, anh ấy vẽ vời mọi thứ cho vui, và tác phẩm thì trông cứ như một bức ảnh vậy. Mười lăm tuổi, anh ấy có thể khớp với ngôi sao nhạc Rock Jimi Hendrix từng nhịp một trên cây guitar. Boom. Boom. Boom. Một nửa thời gian Christopher không hề đến trường. Anh chỉ có mặt vào các giờ kiểm tra và họ chẳng thể bắt bẻ gì về việc đó được. Đối với chúng tôi, điều đó thật vui nhộn. Chris có thể tóm lược đống giáo trình ngang với cả một học kỳ chỉ trong hai ngày, tập trung vào bất cứ thứ gì anh ấy phải để ý đến, rồi sau đó quay trở lại với những công việc anh ấy đang làm dở trước đó.”  

Trong cuộc chơi Đấu trường 100, Langan thật đĩnh đạc và tự tin. Giọng anh trầm sâu. Đôi mắt nhỏ và sáng. Anh không lòng vòng về các chủ đề, tìm ra ngay cụm từ đúng. Tương tự như thế, Langan không nói ừm hay à hay sử dụng bất cứ lối xoa dịu đối thoại nào hết: các câu nói của anh cứ thế thốt ra, câu sau tiếp câu trước, lịch sự và quả quyết, hệt như các anh lính ở vị trí duyệt binh. Mọi câu hỏi Saget đặt ra với anh, Langan đều dẹp sang một bên, như thể nó chỉ là thứ gì vặt vãnh tầm phào. Khi số tiền thắng cuộc lên tới 250.000 đô-la, Langan đột nhiên thực hiện một tính toán trong đầu rằng mối nguy cơ thua trắng ở thời điểm đó to lớn hơn những lợi ích tiềm năng của việc ở lại. Bất ngờ, Langan dừng cuộc chơi. “Tôi sẽ lấy tiền,” anh nói. Anh bắt tay Saget thật chặt và kết thúc − ra khỏi sân khấu khi ở đỉnh cao hệt như cách các thiên tài vẫn làm − chúng ta thường nghĩ vậy.

 

Sau Thế Chiến, Lewis Terman − một giảng viên tâm lý học tại Đại học Stanford gặp được một cậu bé rất đáng chú ý có tên Henry Cowell. Cowell vốn được nuôi dạy trong cảnh nghèo khó và hỗn loạn. Cậu bé không theo kịp những đứa trẻ khác, và năm lên bảy tuổi cậu không được đến trường nữa. Cậu nhận việc trông nhà cho một lớp học riêng lẻ không xa khuôn viên trường Stanford, và suốt cả ngày, Cowell luôn tìm cách lẻn vào chơi cây đàn dương cầm của trường. Những giai điệu mà cậu chơi tuyệt đẹp.

Chuyên môn của Terman vốn là trắc nghiệm trí thông minh. Bản kiểm tra IQ tiêu chuẩn mà hàng triệu người trên khắp thế giới thực hiện trong năm mươi năm tiếp sau đó − có tên Stanford Binet − chính là sáng tạo của Terman. Vậy nên ông quyết định trắc nghiệm IQ của Cowell. Ông suy luận: thằng bé ắt phải thông minh lắm, và ông tin chắc về điều đó. Cowell có chỉ số IQ trên 140. Terman bị mê hoặc. Ông tự hỏi: Còn bao nhiêu viên kim cương thô chưa được khám phá như thế nữa?

Ông bắt đầu kiếm tìm những người khác. Ông tìm thấy một cô bé thuộc chữ cái từ hồi chín tháng tuổi, một bé khác đọc Dickens và Shakespeare lúc mới lên bốn. Ông còn gặp được một chàng trai bị đuổi khỏi trường luật bởi giáo viên của cậu không tin trên đời có chuyện một con người bằng xương bằng thịt lại có thể sao chép chính xác các đoạn dài dằng dặc những phán quyết của tòa án chỉ dựa vào trí nhớ.

Đến năm 1921, Terman quyết định biến nghiên cứu về thiên tài trở thành sự nghiệp cả cuộc đời ông. Được nhận một khoản trợ cấp lớn từ Quỹ Thịnh vượng chung (Commonwealth Foundation), ông tập hợp một đội chuyên viên nghiên cứu điền dã và cử họ về các trường tiểu học tại California. Giáo viên tại các trường đó được yêu cầu tiến cử những em học sinh xuất sắc nhất trong lớp. Những học sinh ấy nhận được một bài kiểm tra trí tuệ. Các em nằm trong nhóm 10% đạt điểm số cao nhất sẽ nhận được một bài trắc nghiệm IQ, rồi những em đạt điểm số trên 130 trong bài kiểm tra ấy sẽ lại có một bài trắc nghiệm IQ thứ ba, từ một bộ kết quả ấy Terman chọn ra những em xuất sắc và thông minh nhất. Đến thời điểm Terman kết thúc điều tra, ông đã xếp loại khoảng 250.000 học sinh tiểu học và trung học, từ đó nhận diện được 1.470 trẻ em có IQ trung bình hơn 140 và cao dần tới mức 200. Nhóm thần đồng ấy dần được biết tới với tên gọi “Nhóm Mối” (Termites) và các em chính là đối tượng của một công trình về sau đã trở thành nghiên cứu tâm lý học quan trọng bậc nhất trong lịch sử.

Trong suốt phần đời còn lại, Terman trông coi những tài năng của mình hệt như gà mẹ vậy. Các em được theo dõi và kiểm tra, đo lường và phân tích. Các thành tích giáo dục được ghi lại, tình hình hôn nhân được theo sát, ốm bệnh được lập bảng kê, sức khỏe tâm lý học được dựng biểu đồ và mỗi động thái thăng tiến hay thay đổi công ăn việc làm đều được ghi chép lại đầy cẩn trọng. Terman viết cho họ các thư tiến cử công việc và đơn đăng ký chương trình sau đại học. Ông hào phóng ban phát không ngừng nghỉ những khuyên răn, dạy bảo, liên tục ghi chép phát hiện của mình vào những tập hồ sơ dày màu đỏ có tựa đề Genetic Studies of Genius (Tạm dịch: Nghiên cứu di truyền về thiên tài).

“Không có điều gì thuộc về một cá nhân quan trọng bằng IQ của anh ta, có lẽ chỉ ngoại trừ nhân cách của anh ta mà thôi,” Terman có lần đã nói vậy. Và đối với những người sở hữu mức IQ rất cao, Terman tin rằng “Chúng ta buộc phải kiếm tìm phương cách sản xuất ra các nhân vật lãnh đạo thúc đẩy tiến bộ khoa học, nghệ thuật, nhà nước, giáo dục và phúc lợi xã hội nói chung.” Khi những đối tượng nghiên cứu đã cứng tuổi hơn, Terman công bố những thông tin cập nhật về quá trình của họ, ghi chép những thành công phi thường. Terman đã viết đầy bàng hoàng: “Gần như tất cả các bài báo tường thuật bất kỳ sự kiện thi đấu hoặc hoạt động nào ở California có trẻ em tham gia đều xuất hiện các thành viên trong nhóm tài năng của chúng tôi trong danh sách các quán quân….” Ông lấy các mẫu bài viết của một vài đối tượng có đầu óc nghệ sĩ nhất và đưa cho các nhà phê bình văn chương đem ra so sánh với những chấp bút đầu tiên của các tác gia nổi tiếng. Họ không thể tìm ra điều gì khác biệt. Ông nói: Tất cả các dấu hiệu đều chỉ ra một nhóm người với tiềm năng trở thành “tượng đài anh hùng.” Terman tin tưởng rằng Nhóm Mối của ông đã được định đoạt trở thành tầng lớp tinh hoa tương lai của nước Mỹ.

Ngày nay, rất nhiều ý tưởng của Terman vẫn duy trì vai trò trọng tâm trong cách chúng ta suy nghĩ về thành công. Các trường học có riêng chương trình dành cho “thần đồng.” Những trường đại học danh giá thường đòi hỏi sinh viên phải trải qua bài kiểm tra trí tuệ (ví như bài thi SAT) trong kỳ tuyển sinh. Những tập đoàn công nghệ cao như Google hay Microsoft còn cẩn thận đo lường các năng lực có liên quan đến nhận thức của nhân viên tương lai xuất phát từ niềm tin tương tự: họ bị thuyết phục rằng những người ở đỉnh cao nhất của thang IQ sẽ có tiềm năng lớn nhất. (Hãng Microsoft vốn nức tiếng với truyền thống các ứng viên bị hỏi một lô lốc câu hỏi vốn thiết kế riêng nhằm kiểm tra trí thông minh của họ, bao gồm cả những câu kinh điển kiểu như: “Tại sao nắp cống lại tròn?” Nếu bạn không biết câu trả lời là gì, bạn không đủ thông minh để làm việc ở Microsoft đâu ).

Nếu tôi có trong tay quyền năng thần diệu và gợi ý sẽ tăng IQ của bạn lên 30 điểm, bạn sẽ nói Đồng ý − phải không nào? Bạn cho là điều đó sẽ giúp bạn tiến xa hơn trong thế giới này. Và khi chúng ta nghe về ai đó như Chris Langan, phản ứng trong tiềm thức của chúng ta cũng giống phản ứng trong tiềm thức của Terman khi ông gặp Henry Cowell gần một thế kỉ trước đây. Chúng ta thấy kính sợ. Các thiên tài chính là những kẻ xuất chúng tột cùng. Ắt hẳn chẳng có thứ gì có thể kìm chân những người như vậy.

Nhưng có thật thế không?

Tính đến lúc này trong cuốn Những kẻ xuất chúng, chúng ta đã thấy rằng thành công phi thường dính dáng đến tài năng ít hơn là cơ hội. Trong chương này, tôi muốn thử đào sâu hơn vào giải thích tại sao lại như vậy thông qua việc quan sát một mẫu hình kẻ xuất chúng trong dạng hình thuần khiết và tinh túy nhất của nó − thiên tài. Biết bao lâu nay, chúng ta vẫn hành xử theo lối những người như Terman gợi ý khi đụng tới vấn đề thấu hiểu về tầm quan trọng của mức trí tuệ siêu việt. Nhưng như chúng ta sẽ thấy, Terman đã mắc sai lầm. Ông đã sai lầm về Nhóm Mối của mình, và nếu như ông gặp phải trường hợp chàng trai trẻ Chris Langan tự tìm hiểu về Nguyên lý Toán học hồi mới mười sáu tuổi, ông cũng sẽ sai lầm về Langan với nguyên do tương tự. Terman không hiểu một kẻ xuất chúng thực sự là như thế nào, và đó cũng là sai lầm mà chúng ta vẫn tiếp tục mắc phải tới tận ngày nay.

 

Một trong những bài trắc nghiệm trí tuệ được sử dụng rộng rãi nhất có tên là Raven's Progressive Matrices (Tạm dịch: Ma trận tăng tiến Raven). Nó không đòi hỏi kỹ năng ngôn ngữ hoặc dạng đặc thù nào của những kiến thức đã tích lũy được. Nó là một thứ thước đo các kỹ năng suy luận trừu tượng. Một bài trắc nghiệm Raven điển hình bao gồm bốn mươi tám câu, mỗi câu lại khó hơn câu trước đó, và IQ được tính toán dựa trên số câu trả lời chính xác.

Dưới đây là một câu hỏi, điển hình cho loại được sử dụng trong bài trắc nghiệm Raven.

Bạn nhận ra không? Tôi đoán là hầu hết các bạn đều làm được. Câu trả lời đúng là C. Nhưng giờ thì hãy thử câu này. Nó là một dạng câu hỏi thực sự khó nhằn xuất hiện ở phần cuối bài trắc nghiệm Raven.

 

Câu trả lời đúng là A. Tôi phải thú thực là tôi cũng không tài nào phát hiện ra, và tôi đoán là hầu hết các bạn cũng không làm được. Dù sao thì, gần như chắc chắn Chris Langan làm tốt. Khi chúng ta nói những người như Langan thật là thông minh, chúng ta có ý rằng họ sở hữu thứ trí não có thể giải được những câu đố kiểu như câu hỏi cuối cùng vừa rồi.

Bao nhiêu năm qua, một khối lượng lớn các nghiên cứu đã được thực hiện với nỗ lực xác định làm thế nào sự thể hiện của người nào đó trong một trắc nghiệm IQ kiểu như bài test Raven lại có thể chuyển thành thành công trong đời thực. Những người nằm ở mức đáy − với IQ dưới 70 − bị coi là thiểu năng trí tuệ. Mức điểm 100 là bình thường; chắc chắn bạn cần phải đạt trên mức đó để có thể xử trí với chương trình đại học. Để lọt vào và thành công với chương trình sau đại học với mức độ cạnh tranh vừa phải đồng nghĩa với việc bạn chắc chắn cần phải đạt IQ 115 là ít nhất. Nói chung, càng đạt mức cao, bạn sẽ càng được thụ hưởng giáo dục cao hơn, bạn có khả năng kiếm được nhiều tiền hơn, và − dù tin hay không − bạn cũng sẽ trường thọ hơn.

Nhưng có một cái bẫy ở đây. Mối quan hệ giữa thành công và IQ chỉ có tác dụng đến một ngưỡng nào đó mà thôi. Khi người nào đó đã đạt mức IQ vào khoảng 120 điểm, thì có thêm vài điểm IQ phụ trội nữa dường như cũng chẳng chuyển hóa thành bất cứ ưu thế nào đo đếm được trong cuộc sống thực tế. 

“Việc ai đó có chỉ số thông minh là 170 điểm có khả năng tư duy tốt hơn người chỉ có IQ 70 đã được minh chứng đầy đủ,” nhà tâm lý học người Anh Liam Hudson đã viết, “và điều này vẫn chính xác khi mức độ so sánh gần hơn − giữa hai mức IQ 100 và 130. Nhưng mối liên quan này dường như gẫy đổ khi ai đó so sánh hai người đều có mức IQ tương đối cao… Một nhà khoa học với mức IQ 130 có nhiều khả năng giành giải Nobel tương đương một người có IQ là 180.”

Điều Hudson nói chính là IQ có rất nhiều điểm giống với môn bóng rổ. Liệu một người có chiều cao khoảng một mét sáu tám có cơ hội nào thực tế để chơi bóng rổ nhà nghề không? Không chắc. Bạn cần phải cao ít nhất là mét tám hoặc mét tám ba để chơi bóng rổ ở trình độ đó, và, tất cả mọi thứ đều rất sòng phẳng, chắc chắn là một mét tám sáu hay hơn là một mét tám ba, và một mét tám chín lại tốt hơn một mét tám sáu. Nhưng vượt qua một điểm nhất định nào đó, chiều cao không còn đóng vai trò quan trọng đến thế. Một tuyển thủ với chiều cao hơn hai mét lại không chắc đã giỏi hơn ai đó thấp hơn anh ta năm phân. (Michael Jordan − tuyển thủ bóng rổ vĩ đại nhất trong lịch sử cũng chỉ cao có một mét chín tám mà thôi.) Một cầu thủ bóng rổ chỉ cần đủ cao − và điều đó cũng chính xác với trí thông minh. Trí thông minh có một cái ngưỡng.

Phần giới thiệu của chương trình Đấu trường 100 đã chỉ ra rằng Einstein có IQ là 150 điểm còn Langan là 195. IQ của Langan cao hơn 30% so với Einstein. Nhưng điều đó không có nghĩa là Langan thông minh hơn Einstein 30%. Thật nực cười. Tất cả những gì chúng ta có thể nói là khi phải tư duy về những lĩnh vực thực sự phức tạp như môn vật lý, thì rõ ràng cả hai người đều đủ thông minh.

Tôi nhận ra là: ý tưởng cho rằng IQ có một ngưỡng nhất định đi ngược lại trực giác của chúng ta. Ví như, chúng ta vẫn nghĩ là những người giành giải Nobel trong các môn khoa học sẽ phải sở hữu mức IQ cao nhất có thể; rằng họ ắt hẳn là kiểu người đạt điểm số hoàn hảo trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học, giành được tất cả các loại học bổng sẵn có, và chắc phải có bảng thành tích siêu sao ở bậc trung học tới mức họ được các trường đại học hàng đầu trong nước bứng lên bằng được.

Nhưng hãy xem hai mươi lăm người Mỹ giành được giải Nobel Y Dược gần đây nhất, bắt đầu từ năm 2007 – tốt nghiệp từ những trường đại học nào

Trường Antioch

Đại học Brown

Trường Berkeley

Đại học Washington

Đại học Columbia

Học viện Công nghệ Case

Học viện Công nghệ Massachusettes

Caltech

Đại học Harvard

Trường Hamilton

Đại học Columbia

Đại học Bắc Carolina

Đại học DePauw

Đại học Pennsylvania

Đại học Minnesota

Đại học Notre Dame

Đại học Johns Hopkins

Đại học Yale

Trường Union, Kentucky

Đại học Illinois

Đại học Texas

Holy Cross

Trường Amherst

Trường Gettysburg

Trường Hunter

Không ai nói rằng bản danh sách này tiêu biểu cho những lựa chọn trường đại học, cao đẳng của những học sinh trung học giỏi nhất nước Mỹ. Yale, Columbia và MIT đều có trong danh sách, nhưng DePauw, Holy Cross và trường Gettysburg cũng góp mặt. Đây chỉ là danh sách những trường tốt mà thôi.

Vẫn cùng mạch đó, dưới đây là trường đại học của hai mươi lăm người Mỹ giành giải Nobel Hóa học gần 

đây nhất

Đại học New York

Đại học New York

Đại học Stanford

Đại học Dayton, Ohio

Đại học Rollins, Florida

MIT

Đại học Grinnell

MIT

Đại học McGill

Học viện công nghệ Georgia

Đại học Ohio Wesleyan

Đại học Rice

Trường Hope

Đại học Brigham Young

Đại học Toronto

Đại học Nebraska

Trường Dartmouth

Đại học Harvard

Đại học Berea

Đại học Augsburg

Đại học Masachusettes

Đại học Washington State

Đại học Florida

Đại học California, Riverside

Đại học Harvard

Để trở thành một người đoạt giải Nobel, đương nhiên, bạn buộc phải đủ thông minh để bước chân vào một trường đại học chí ít cũng phải ổn như Notre Dame hay Đại học Illinois. Vậy đấy.  

Đây phải chăng là một ý kiến cực đoan? Giả sử đứa con gái bé bỏng của bạn phát hiện ra rằng cháu đã được nhận vào hai trường − Đại học Harvard và Đại học Georgetown, ở Washington DC. Bạn muốn con bé vào đâu? Tôi đoán là Harvard, bởi Harvard là trường “tốt hơn”. Học sinh của trường đạt điểm cao hơn 10-15% trong kỳ thi tuyển sinh.

Nhưng với những gì chúng ta được biết về trí thông minh, ý tưởng rằng các trường cũng có thể được phân hạng, như các tay đua trên đường chạy − chẳng có ý nghĩa gì hết. Sinh viên của trường Georgetown có thể không thông minh ở mức áp đảo như sinh viên của Harvard. Nhưng rõ ràng là tất cả các em đều đủ thông minh, và những người thắng giải Nobel tương lai đến từ những trường như Georgetown hệt như từ trường Harvard thôi.

Nhà tâm lý học Barry Schwartz gần đây đã đề xuất rằng những trường ưu tú nên từ bỏ quy trình tuyển sinh phức tạp của mình đi và chỉ đơn giản tổ chức một cuộc xổ số cho tất cả những ai đạt trên mức ngưỡng. “Sắp xếp mọi người vào hai nhóm,” Schwartz nói. “Đủ giỏi và không đủ giỏi. Những người đủ giỏi đội chung một mũ. Những ai không đủ giỏi thì bị từ chối.” Schwartz thừa nhận rằng ý tưởng của ông chắc chắn không được chấp nhận. Nhưng ông hoàn toàn đúng. Như Hudson viết (hãy nhớ rằng Hudson đã thực hiện nghiên cứu của mình ở những trường nội trú dành cho nam sinh hàng đầu của Anh quốc hồi những năm 1950 và 1960), “Biết về IQ của một cậu bé cũng chẳng giúp ích gì mấy nếu bạn phải đối mặt với cả một nhóm những cậu bé thông minh.” 

Để tôi đưa cho bạn một ví dụ về hiệu ứng của ngưỡng đối với hành động. Trường luật thuộc Đại học Michigan − giống như nhiều cơ sở đào tạo danh tiếng khác của Hoa Kỳ, đã sử dụng chính sách hành động tích cực  đối với những thí sinh xuất thân từ hoàn cảnh thiệt thòi. Khoảng 10% tổng số sinh viên trường Michigan tuyển vào mỗi mùa thu là thành viên của các sắc tộc thiểu số, và nếu trường luật không nới lỏng rõ rệt những yêu cầu tuyển sinh đối với các sinh viên ấy − chấp nhận họ với thành tích bậc đại học cũng như điểm số của các bài kiểm tra tiêu chuẩn thấp hơn những người khác − thì tỉ lệ ước tính chỉ đạt dưới 3% mà thôi. Hơn nữa, nếu chúng ta so sánh thành tích học tập mà các sinh viên thuộc nhóm sắc tộc thiểu số và nhóm bình thường đạt được trong trường luật, chúng ta thấy rằng các sinh viên da trắng nhỉnh hơn. Chẳng có gì ngạc nhiên: nếu một nhóm nào đó có được thành tích bậc đại học và điểm số các bài kiểm tra cao hơn, gần như chắc chắn cũng sẽ có được thành tích tốt hơn ở trường luật. Đây là một lý do giải thích vì sao chương trình hành động tích cực lại gây tranh cãi đến thế. Thực ra, gần đây một cáo buộc về chương trình hành động tích cực của Đại học Michigan đã được chuyển lên Tòa án tối cao Hoa Kỳ. Với rất nhiều người, việc một cơ sở đào tạo tinh hoa lại đón vào những sinh viên kém tiêu chuẩn hơn các bạn đồng lứa thật đáng phiền lòng.

Vài năm trước, Đại học Michigan đã quyết định quan sát kỹ càng xem các sinh viên thuộc nhóm thiểu số của trường luật sinh sống ra sao sau khi tốt nghiệp. Họ kiếm được bao nhiêu tiền? Họ tiến xa đến đâu trong công việc? Họ hài lòng tới mức nào với sự nghiệp của mình? Họ có những đóng góp gì cho xã hội và với cộng đồng? Họ giành được những thành tựu gì? Đại học Michigan xem xét tất cả những gì có thể là tiêu chí cho thành công trong cuộc đời thực. Và những gì phát hiện ra đã khiến họ ngạc nhiên.

“Chúng tôi đã tìm hiểu và rồi biết rằng các sinh viên thiểu số của mình, rất nhiều trong số đó, sống rất ổn,” Richard Lempert, một trong số các tác giả tiến hành đề tài nghiên cứu của trường Michigan đã nói. “Dự tính của chúng tôi chỉ là sẽ tìm ra một nửa hoặc hai phần ba cốc nước đầy, vì cho rằng các sinh viên thiểu số hẳn sẽ không ổn bằng những bạn bè da trắng, thế mà rất nhiều người đã thực sự thành công. Kết quả thật đáng kinh ngạc. Chúng tôi phát hiện ra rằng họ chẳng kém cạnh gì. Chúng tôi không nhận ra bất kỳ sự tồn tại khác biệt ghê gớm nào.”

Điều Lempert đang nói chính là chỉ qua một thước đo duy nhất mà trường luật thực sự quan tâm − các sinh viên tốt nghiệp ra sao trong cuộc sống thực − thì sinh viên thiểu số không hề bị thua kém. Họ cũng thành công hệt như những sinh viên da trắng vậy. Và tại sao? Bởi vì cho dù những chứng chỉ học tập của các sinh viên thiểu số tại trường Michigan không tốt bằng các bạn bè da trắng, chất lượng của sinh viên ở trường luật nói chung vẫn đủ cao để tất cả họ đều đứng ở mức trên ngưỡng. Họ đủ thông minh. Biết về điểm số kiểm tra của một sinh viên luật chẳng có mấy tác dụng nếu bạn đang đối mặt với cả một lớp học gồm toàn những sinh viên luật thông minh.

4.

Hãy cùng đẩy ý tưởng về ngưỡng xa thêm một bước nữa. Nếu trí thông minh chỉ giữ vai trò quan trọng đến một điểm nút nào đó, vậy thì vượt qua điểm nút ấy, những thứ khác − những thứ không liên quan gì đến trí thông minh − sẽ phải bắt đầu thể hiện vai trò nhiều hơn. Lại giống như môn bóng rổ: một khi ai đó đã đủ cao, thì tiếp theo chúng ta sẽ bắt đầu quan tâm đến tốc độ và cảm giác trận đấu, sự lanh lẹ, kỹ năng cầm bóng và nhạy cảm ghi bàn.

Vậy thì, những yếu tố khác ấy có thể là gì đây? Thế này nhé, giả sử thay bằng việc đo chỉ số IQ của bạn, tôi sẽ đưa cho bạn một loại bài trắc nghiệm hoàn toàn khác.

Hãy viết ra tất cả các công dụng mà bạn có thể nghĩ tới cho những vật thể dưới đây:

1. Một viên gạch

2. Một cái chăn

Đây là một ví dụ cho cái gọi là “trắc nghiệm phân kì” (để đối lập với một bài trắc nghiệm kiểu Raven, đòi hỏi bạn lựa chọn qua một danh sách các khả năng và đồng quy về đúng câu trả lời chính xác). Nó đòi hỏi bạn phải sử dụng trí tưởng tượng của mình và đưa trí óc mình đi theo càng nhiều phương hướng càng tốt. Với một bài trắc nghiệm phân kì, hiển nhiên là không chỉ có một câu trả lời chính xác duy nhất. Điều mà người ra đề tìm kiếm chính là số lượng và tính độc đáo trong các câu hồi đáp của bạn. Và thứ mà bài trắc nghiệm này đo lường không phải là trí thông minh phân tích, phải là điều gì đó khác biệt sâu sắc − điều gì đó gần gụi hơn với sức sáng tạo. Các bài kiểm tra phân kì cũng thách thức chẳng kém gì so với trắc nghiệm đồng quy, và nếu bạn không tin như vậy, tôi khuyến khích bạn nên dừng lại để thử câu hỏi gạch-và-chăn ngay bây giờ.

Dưới đây là những câu trả lời cho trắc nghiệm “công dụng của các vật thể” được Liam Hudson thu thập được từ sinh viên tên Poole tại một trường trung học hàng đầu Anh quốc. Theo Poole:

(Gạch). Dùng để cướp phá cửa hiệu. Giúp cả căn nhà không bị đổ ụp. Sử dụng trong một trò chơi cò quay của Nga nếu bạn muốn có được sức mạnh ngay lập tức (gạch đi mười bước, quay lại và ném − không hành động lẩn tránh nào được phép). Để cố định một cái chăn lông vũ trên giường bằng cách đặt mỗi góc một cục gạch. Để đập vỡ những cái chai Coca-Cola hết sạch.

(Chăn). Để sử dụng trên giường. Để che đậy cuộc mây mưa lén lút trong rừng. Như một cái lều. Để tạo ra ám hiệu bằng khói. Làm thành buồm cho một con tàu, xe đẩy hai bánh hoặc xe trượt tuyết. Như một cách thay thế cho khăn bông. Như một cái bia tập ném cho người cận thị. Như một thứ để đỡ người nhảy ra từ những tòa nhà chọc trời đang cháy.

Không khó để đọc những câu trả lời của Poole và cảm nhận xem trí não của cậu hoạt động ra sao. Cậu vui nhộn. Cậu hơi nổi loạn và dâm đãng. Ở cậu có sự thính nhạy với những thứ kích thích cảm giác mạnh mẽ. Trí óc của cậu nhảy từ hình ảnh bạo lực sang tình dục, từ những người nhảy ra từ các tòa nhà chọc trời đang cháy sang những vấn đề rất thực tế, ví như làm thế nào để giữ chặt một cái chăn lông vũ trên giường. Cậu mang lại cho chúng ta ấn tượng rằng nếu cho cậu thêm mười phút nữa, cậu sẽ đưa ra thêm hai chục công dụng khác nữa.  

Bây giờ, nhằm mục đích so sánh, hãy xem xét các câu trả lời từ một sinh viên khác trong mẫu của Hudson. Tên của cậu là Florence. Hudson cho biết Florence là một nhân vật phi thường với mức IQ vào loại cao nhất trường.

(Gạch). Xây dựng các thứ, để ném.

(Chăn). Giữ ấm, dập lửa, buộc vào cây và ngủ trong đó (như một cái võng), cáng dùng tạm.

Óc tưởng tượng của Florence ở đâu? Cậu chỉ nhận diện những công dụng thông thường và phổ biến nhất của gạch và chăn rồi đơn giản là dừng lại. IQ của Florence cao hơn Poole. Nhưng điều đó chẳng có nghĩa gì nhiều, bởi cả hai học sinh đều ở mức trên ngưỡng. Điều thú vị hơn là trí óc của Poole có thể nhảy từ hình ảnh bạo lực sang tình dục tới những người nhảy ra từ các tòa nhà chọc trời đang cháy mà không hề vấp váp gì, nhưng trí óc của Florence không thể làm thế. Giờ thì bạn nghĩ ai trong số hai sinh viên này phù hợp hơn để thực hiện loại công việc thông minh, giàu óc tưởng tượng để đoạt giải thưởng Nobel?

Đó là nguyên do thứ hai giải thích việc những người đoạt giải thưởng Nobel cũng đến từ trường Holy Cross như Harvard vậy, bởi Harvard không tuyển lựa sinh viên của mình dựa trên nền tảng họ thực hiện bài kiểm tra “các công dụng của viên gạch” tốt đến mức nào − và có lẽ trắc nghiệm “các công dụng của viên gạch” lại là thứ tiên báo hay hơn cho khả năng đoạt giải Nobel. Đó cũng là lý do thứ hai mà Trường Luật Michigan không thể tìm ra sự khác biệt giữa các em trong chương trình hành động tích cực với những cựu sinh viên khác của trường. Trở thành một luật sư thành đạt phụ thuộc vào nhiều điều hơn là IQ đơn thuần. Nó đòi hỏi phải có trí não phong phú như Poole vậy. Và các sinh viên thiểu số của trường Michigan đạt thành tích thấp hơn trong các bài trắc nghiệm đồng quy không có nghĩa là ở họ không dồi dào những đặc điểm then chốt khác.

 

Đây là sai lầm của Terman. Ông quá yêu chuộng một thực tế rằng Nhóm Mối của mình chiếm lĩnh những đỉnh cao tuyệt đối trên thang bậc học thức − đỉnh của đỉnh (99% của 99%) − mà không hề nhận ra rằng sự thực dường như phi thường ấy lại chẳng có ý nghĩa gì mấy.

Khi Nhóm Mối đến tuổi trưởng thành, sai lầm của Terman sẽ lộ ra rõ ràng. Một vài thần đồng của ông lớn lên và xuất bản sách, công bố các bài viết mang tính học thuật hay phát đạt trong công việc kinh doanh. Một số thì điều hành các công sở, có hai người trở thành thẩm phán tòa án tối cao bang, một thẩm phán tòa án thành phố, hai nghị sĩ bang California, một quan chức liên bang được trọng vọng. Nhưng chẳng mấy trong số các thiên tài của Terman trở thành các nhân vật nức tiếng toàn quốc. Họ có xu hướng kiếm sống tốt − nhưng không đặc biệt tốt. Phần lớn sở hữu một sự nghiệp chỉ có thể coi là bình thường, và một phần đáng ngạc nhiên trong đó cuối cùng chỉ đạt được thứ sự nghiệp mà Terman coi là thất bại. Cũng không có bất cứ ai đoạt giải Nobel trong nhóm thiên tài mà Terman đã tuyển lựa thấu đáo ấy. Những chuyên viên nghiên cứu điền dã của Terman thực ra đã từng kiểm tra hai học sinh sơ học mà sau này đã giành được giải Nobel − William Shockley và Luis Alvarez − và đã loại bỏ cả hai người này. Chỉ bởi IQ của họ không đủ cao.

Trong một bài báo với giọng điệu chỉ trích gay gắt, nhà xã hội học Pitirim Sorokin đã chỉ ra rằng nếu Terman chỉ đơn giản gom vào một nhóm trẻ em được lựa chọn ngẫu nhiên từ những hoàn cảnh gia đình tương tự như Nhóm Mối − và bỏ qua chuyện kiểm tra chỉ số IQ − chắc ông rút cục cũng sẽ có trong tay một nhóm làm được hầu hết những việc ấn tượng như nhóm thiên tài mà ông dụng công chọn lựa. “Không suy rộng những tưởng tượng hay các tiêu chuẩn về thiên tài,” Sorokin kết luận, “thì đây đơn thuần là ‘nhóm tài năng’ gồm toàn những người ‘tài năng’, vậy thôi.” Cho đến lúc Terman công bố tập thứ tư của Nghiên cứu di truyền về thiên tài, từ “thiên tài” đã hoàn toàn biến mất. “Chúng tôi đã nhận thấy,” Terman kết luận, với thái độ còn hơn cả thất vọng, “rằng trí tuệ và thành công không hề tương ứng với nhau.”

Nói cách khác, điều tôi nói với bạn ngay từ đầu chương này về trí thông minh siêu phàm của Chris Langan chẳng có mấy tác dụng nếu chúng ta muốn hiểu về những cơ hội thành công trong cuộc đời thực. Đúng thế, Chris Langan là một người với trí não có một không hai cùng khả năng tự tìm hiểu về Nguyên lý Toán học hồi mới mười sáu tuổi. Và cũng đúng, các câu trả lời của anh cứ thế thốt ra, câu sau tiếp câu trước, lịch sự và quả quyết, hệt như các anh lính ở vị trí duyệt binh. Như thế thì đã sao chứ? Nếu chúng ta muốn hiểu về khả năng trở thành một Kẻ xuất chúng thực sự của Chris Langan, chúng ta phải biết nhiều hơn thế về anh.

Bình luận