Cây Polygonum Baldschuanicum –
Phòng ăn gồm một tủ lớn và nặng, và một cái bàn rộng có thể mười người cùng ngồi. Trên tường treo những bức tranh từ thời Nữ hoàng Victoria, giá trị nghệ thuật bình thường.
Bữa ăn có món thịt cừu và khoai tây rán, tiếp theo là mứt mận.
Cô Marple kể chuyện về đoàn tham quan, những chuyện vặt xẩy ra trên đường. Clotilde hỏi:
– Ông Rafiel chắc là bạn lâu năm của cô?
– Không hẳn. Tôi gặp ông trong một chuyến đi du lịch ở Antilles, ông ta cũng đến đó dưỡng bệnh.
– Phải, sức khoẻ ông kém sút đã nhiều năm, Anthea nói:
– Tôi rât khâm phục ý chí, lòng can đảm của ông. Hằng ngày, ông vẫn đọc cho thư ký viết thư; gửi điện đi khắp nơi, không hề nản chí.
– Ông ấy không thuộc loại người dễ nản. Anthea công nhận.
– Những năm về sau, chúng tôi không gặp ông, bà Glynne nói, nhưng ông vẫn có thư đều vào dịp Giáng Sinh.
– Cô Marple, cô ở London?
– Không. Tôi sống ở thôn quê, một làng nhỏ giữa Loomouth và Market Basing. Ông Rafiel thì ở London. Eaton Square hay Belgrave, tôi không nhớ rõ. Tôi biết là do đọc địa chỉ trên sổ đăng ký của khách sạn.
– Ở vùng Kent, ông có một nhà nghỉ ở vùng nông thôn, hay tiếp khách ở đó, phần lớn là giới kinh doanh và người nước ngoài, nhưng chúng tôi chưa ai đến đó.
– Ông ấy thật tử tế khi đề nghị bà và hai cô mời tôi ở đây. Ông bận trăm việc, không ngờ lại quan tâm đến cả việc này.
– Nhiều lần chúng tôi đã đón các bà bạn tham gia các chuyến đi như thế này. Họ tổ chức rất tốt, song với người cao tuổi thì khá mệt. Nếu cô đi hôm nay chắc sẽ thắm thía. Ngày mai hình như sẽ thăm mỗt hòn đảo. Mà vùng này, biển đôi khi sóng dữ.
– Tham quan các Lâu đài lịch sử, vào thăm từng phòng cũng rất mệt, lẽ ra tôi không nên đi, nhưng lòng lại cứ muốn xem thật nhiều; nhà cửa, đồ đạc, và những bức họa bậc thầy.
– Và vườn hoa nữa, Anthea nói thêm. Cô rất yêu vườn hoa, có phải không?
– Đúng. Và tôi rất muốn được thăm ngay những vườn hoa kể trong sách hướng dẫn.
Câu chuyện diễn ra hết sức tự nhiên, nhưng cô Marple không hiểu tại sao cứ thấy trong lòng bồn chồn. Ngôi nhà này chứa đựng một cái gì kỳ quặc. Dù cô không muốn, ba chị em vẫn làm cô liên tưởng đến ba mụ phù thủy của Macbeth, dù không có gì để so sánh họ với những nhân vật của Shakespeare. Cô ngước mắt nhìn Anthea. Tại sao cô có vẻ âu sầu như vậy?
– Có thể mình lại tưởng tượng, cô nghĩ thầm. Phải bớt cái cái thói ấy đi mới được.
Sau bữa ăn, Anthea mời cô cùng đi thăm khu vườn. Vườn có dáng dấp của thời Victoria, với lùm cây thấp và một lối đi hai bên trồng trúc đào. Trước đây chắc đã có một bãi cỏ với những luống hoa đẹp, cả vườn rau nữa. Nhưng bây giờ cỏ dại đã chiếm gần hết. Đi dọc một lối đầy cỏ , hai người tới một chỗ như là mo đất, tận cuối vườn, sát tường.
– Đây là nhà kính của chúng tôi đấy. Anthea giới thiệu, vẻ buồn bã.
– Hồi trước ở đây có giàn nho, phải không?
– Phải. Và một cây vòi voi rất đẹp. Nhưng nhà không người ở đã lâu, nhà kính sụp đổ, không có tiền xây lại. Mà dù có tiền để xây lại, cũng không có sức duy trì.
– Cây dây leo trùm khắp kia là cây gì?
– Một thứ cây thông thường, tên bắt đầu bằng chữ P. Poly … gì đó.
– Tôi biết rồi! Cây polygonum Baldschuanicum. Nó mọc rất nhanh, rất tiện khi cần che một bức tường hoặc cả một ngôi nhà đã cũ.
Mô đất bị cây hoàn toàn che phủ, không cây nào khác có thể sống. Cô Marple tiếp:
– Cái nhà kính này chắc to lắm.
Anthea đáp, đau khổ:
– Vâng; bên trong có đào, có mận….
– Bây giờ vẫn còn đẹp, với hàng ngàn hoa polygonum bé tí.
– Tôi chớ trước đây còn có một bồn hoa rất đẹp. Nhưng cũng rất khó giữ được. Cái gì cũng khó. Cái gì cũng không như xưa.
Anthea đi nhanh vào một lối hẹp, sát mảnh tường bên phải. Nhanh đến mức cô Marple không theo kịp. Dường như cô ta muốn mau đi khỏi khu nhà kính cũ và bắt bà khách đi theo.
– Cứ như là chạy trốn, cô Marple nghĩ bụng.
Rồi cô chú ý đến một cái chuồng lợn, cũng trong cảnh hoang tàn.
– Ông trẻ của tôi nuôi lợn, Anthea giải thích. Bây giờ thì chẳng ai thích làm việc đó nữa. Gần nhà, chúng tôi trồng loại hồng Floribunda. Trồng loại này lợi lắm.
– Đúng thế.
Cô Marple kể thêm tên vài loại hoa hồng mà gần đây người ta đã sáng tạo, nhưng cô có cảm tưởng Anthea chẳng biết chút gì về những loại hoa mới ấy.
– Cô có hay đi du lịch như thế này không?
– Ồ không, vì rất tốn kém. Ngay chuyến đi này, tôi đi được là nhờ lòng tốt của ông Rafiel đấy chứ.
– Nhưng cô đã từng đi Antilles và những nơi khác …
– Chuyến du lịch Antilles là do thằng cháu tôi chịu tiền. Đôi khi bọn trẻ cũng tỏ ra tử tế, quan tâm người già. Bà Glynne, chị cô, có con cái gì không?
– Không. Chưa từng có. Và như thế, có khi lại hơn.
Và trên suốt đường quay về nhà, cô Marple suy nghĩ mãi về ý nghĩa câu trả lời đó.