Tai Nạn (2)
–
Đôi khi tôi giữ vai trò cố vấn trong một số việc của Bộ Nội Vụ, nên có tiếp xúc với nhiều cơ quan, trong đó có những nơi giam giữ một số loại tội phạm. Thường sau khi xảy ra án mạng, họ mời tôi đến để hỏi ý kiến. Nhung cũng có khi , tôi được chính giám đốc những nơi ấy mời đến để tham khảo. Một trong những người đó, đồng thời cũng alé bạn cũ, mới đây đã gọi đến tôi. Ông ta trình bày sự lo lắng do một tù nhân gây ra cho ông. tên này, lúc xảy ra vụ việc cách đây nhiều năm, còn rất trẻ. Và ông kia lúc đó chưa làm giám đốc. Song, thời gian càng trôi, ông càng nghi hoặc. Tay thanh niên thì rõ ràng là không tốt …. gọi hắn là gì cũng được, không thiếu từ tồi tệ, khinh miệt. Là tội phạm, điều ấy thì rõ: hắn đã tham gia băng đảng, đã ăn cắp, biển thủ, lừa đảo, làm giấy tờ giả. Tóm lại, ai là cha một đứa như thế thì vô cùng thất vọng.
– Có lẽ tôi hiểu ông.
– A? Cô hiểu?
– Có phải ông định nói con trai ông Rafiel?
– Cô đoán không sai. Cô biết gì về ông ta?
– Không. Đến hôm qua tôi mới biết ông Rafiel có con trai như thế. Chắc là đứa duy nhất.
– Phải. Nhưng ông còn hai đứa con gái. Cô thứ nhất chết năm mười bốn tuổi, cô thứ hai lấy chồng nhưng không có con. Vợ ông Rafiel mất lúc còn trẻ, hẳn ông rất buồn, tuy không bao giờ để lộ ra. Ông yêu quý các con đến mức nào? Tôi không biết. Nhưng vì chúng, ông ta có thể làm mọi thứ có thể làm . Nhưng đó là một con người khó hiểu, chỉ nghĩ đến kiếm tiền. Dù sao thì với anh con trai, ông đã cố hết sức. Ngay lúc còn học ở trường, anh ta đã được bố can thiệp, thoát khỏi nhiều rắc rối. Sau này, ông bố cũng mấy lần cứu con khỏi bị truy tố. Nhưng cuối cùng, anh ta đã bị bắt và bị kết án tù vì tội cưỡng hiếp. Sau đó, một vụ thứ hai nữa, nghiêm trọng hơn, anh ta lại ra tòa.
– Tôi nghe nói anh ta đã giết một cô gái.
– Anh ta bắt cóc cô, và một thời gian sau, người ta mới tìm thấy xác. Bị bóp cổ, rồi bị đập nát mặt, để không ai nhận ra.
– Kinh khủng . Tôi chúa ghét loại tội phạm này, và nếu ông định kể để tôi thương hại hắn, thì không bao giờ. Tôi không thể chịu được những kẻ hèn hạ đang tâm làm những việc dã man như thế.
– Cô nói vậy, tôi rất đồng tình. Nhưng, trong trường hợp đặc biệt này, ông giám đốc nhà tù – một người có kinh nghiệm – lại đi đến kết luận: hắn không phải kẻ giết người. Ông ấy công nhận hắn là một kẻ xấu lỳ lợm, không thể cứu chữa. Nhưng đống thời, ông cho rằng bản án dành cho hắn là rất sai lầm. Ông không tin hắn đã giết cô gái, và đã xem kỹ lại các báo cáo của cảnh sát. Cậu ta quen biết nạn nhân. Thấy họ đi với nhau nhiều lần, có thể cô ta là người yêu nữa. Xe của cậu ta đậu gần đấy, bản thân cậu ta bị người ta nhận mặt. Vụ việc như thế, xem như đã rõ. Song, bạn tôi không hài lòng, ông muốn nghe không chỉ ý kiến cảnh sát, mà cả của thầy thuốc. Vì thế ông ta khẩn khoản yêu cầu tôi gặp và nói chuyện với cậu ta….
– Và ông đã nhận lời ….
– Vâng. Tôi đã gặp đối tượng, đã nói chuyện, lúc nhẹ lúc sẵng để xem hắn phản ứng thế nào, đã bàn với hắn rằng hiện nay luật pháp có một số thay đổi, có thể nhờ luật sư xem xét lại một số điểm có lợi cho hắn. Cuối cùng, tôi đã bắt hắn làm một số trắc nghiệm như ngày nay chúng tôi thường làm.
– Và đến kết luận ra sao?
– Theo tôi, bạn tôi có lý. Tôi nghĩ Michael Rafiel không giết người.
– Thế còn cái vụ đầu tiên hắn phạm trước đó?
– Đúng là vụ ấy đã làm hại hắn. Đã có tiền sự thì dễ bị tòa thành kiến. Phần tôi, đã có điều tra riêng. Hắn đã tấn công một cô gái, thậm chí cưỡng hiếp, nhưng hắn không định bóp cổ chết. Hơn nữa, qua kinh nghiệm nhiều vụ tương tự, tôi không cho là không có chuyện cưỡng hiếp. Cô lạ gì, con gái thời nay hay dùng từ ấy để chỉ một việc hoàn toàn tự nguyện! Mà cô gái ấy còn đi với nhiều đứa con trai khác, chắc không chỉ trong giới hạn của tình bạn.
– Rồi ông làm gì?
– Tôi liên hệ với ông Rafiel, yêu cầu được gặp để nói về đứa con trai. Tôi nói lại tất cả, song cũng chỉ rõ là hiện nay chúng tôi không có bằng chứng gì, nên không thể đòi tòa xử lại. Nhưng tôi cũng không giấu giếm ý nghĩ của tôi cho rằng đây là một vụ xử oan. Tôi gợi ý ông nên cho tiến hành một cuộc điều tra, tốn tiền đấy, nhưng chỉ có thế mới làm rõ được một số tình tiết mới.
– Và tình cảm của ông ấy đối với con trai thế nào?
– Tôi phải nói rằng ông ấy tỏ ra hết sức thẳng thắn, trung thực, dù rằng ….
– Dù rằng ông ấy tàn nhẫn.
– Vâng, đúng thế. Ông ấy tàn nhẫn, nhưng công bằng, chính trực. Ông ấy nói đại khái như sau: ” Từ lâu tôi biết rõ bản chất thằng con tôi, và tôi không cố gắng để nó thay đổi, vì biết là không thể được. Đó là một thằng tồi tệ, xấu xa và bất lương, và không ai có thể uốn nó đi theo đường ngay. Do đó tôi cũng ngán và mặc kệ nó, dù về mặt pháp lý tôi vẫn chú ý. Khi nào có thể được, tôi đều làm hết sức để bênh vực nó. Giờ đây, sức tôi đã yếu, nhưng nếu đúng là nó bị kết án sai, thì nó phải được trả lại tự do. Nếu là một kẻ khác giết cô gái đó, tôi muốn vấn đề phải được làm sáng tỏ, và công lý phải lên tiếng. Nhưng tôi đang yếu, sống chẳng còn bao lâu, có khi chỉ tính bằng tháng, bằng tuần.” Tôi liền đề nghị ông nên thuê luật sư, nhưng ông cắt lời, nói ngay: ” Ông có nhờ họ thì nhờ, nếu ông muốn, nhưng họ chẳng làm gì được đâu. Có lẽ thời gian ngắn ngủi còn lại, tôi phải dự tính một cái gì vậy. Tôi ủy quyền hoàn toàn cho ông, và để giúp ông, tôi sẽ thử nhờ đến sự cộng tác của một người”. Ông ấy đưa tôi một số tiền để chi phí khi cần, và viết tên cô lên tờ giấy. ” Tôi không cho ông địa chỉ của cô Marple, ông nói tiếp, vì tôi muốn ông làm quen với cô ấy trong những hoàn cảnh do tôi chọn lựa”. Rồi ông nói đến chuyến du lịch này, bảo sẽ giữ cho tôi một suất. Ông nói thêm:” Cô Marple cũng sẽ đi chuyến này, ông sẽ làm quen, coi như gặp gỡ tình cờ”. Tôi phải tự chọn lúc nào thích hợp để tự giới thiệu với cô. Nhưng tôi cũng có thể không lộ mặt nếu tôi thấy làm thế có lợi hơn. Tôi liền yêu cầu ông kể nhiều hơn về cô, nhưng ông từ chối. Ông chỉ nói là cô biết đánh giá con người và có năng khiếu nhận biết đâu là cái ác.
Cô Marple ngỡ ngàng một lúc. Giáo sư hỏi:
– Cô có thấy là ông ấy nói đúng?
– Cũng có thể. Giống như một số người có mũi thính, ngửi thấy được mùi khí lạ từ rất xa. Tôi có một bà cô, cô ấy tự cho mình có tài biết ai nói dối, ai không.
Cô Marple kể lại tất cả những gì diễn ra từ lúc cô gặp các luật sư của ông Rafiel, cho đến hôm cô về nghỉ tại Lâu đài Cổ.
– Bà Glynne cùng cô chị và cô em có vẻ là những người rất bình thường – cô nói – không có gì đặc biệt. hình như họ không biết nhiều về ông Rafiel. Tôi đã chuyện trò với họ, nhưng không đạt được điều gì.
– Vậy cô không biết thêm gì trong thời gian ở Lâu đài ?
– Tôi chỉ biết đúng những điều ông vừa nói nói, nhưng là do bà vú già nói. Bà ấy nói đến cô gái bị ám sát, và nói thêm cảnh sát tin chắc là con ông Rafiel là thủ phạm, và còn cho rằng anh ta còn phạm nhiều tội trước nữa.
– Cô có cho rằng ba chị em – hoặc ít nhất một trong ba người – có dính dáng đến vụ đó?
– Không. Clotilde là người đỡ đầu cô gái, cô gái ấy rất yêu nó.
– Có thể họ biết còn có một anh con trai khác.
– Nếu vậy, thì ta phải tỉm ra anh chàng đó.
– Thời gian cô ở đó, không xảy ra chuyện gì bất thường?
– Không hẳn. Cô út tự cho mình là giỏi vườn tược, thực ra không thuộc tên tất cả các loại cây và hoa. Tôi đã thử gài bẫy cô ta, nên biết chắc như vậy. và điều … Ông có để ý hai cô Cooke và Barrow?
– Hai bà cô già cùng đi với nhau, phải không?
– Phải. Tôi phát hiện một điều lạ ở cô Cooke – nếu đúng đó là tên cô ấy.
– Cô ấy còn có tên khác?
– Có vẻ như thế. Một hôm cô ta đi qua nhà tôi, ở Sainte- Marie – Mead, trong lúc tôi thơ thẩn ngoài vườn, cô ấy chào tôi, nói mấy câu, rằng cô ấy ở nhà bà Hastings – mà tôi chưa nghe tên bao giờ – rằng cô làm vườn cho bà ấy. Nhưng chắc chắn đó là những lời nói dối, vì cô ấy không biết gì về vườn tược.
– Theo cô, tại sao cô ấy đến Sainte – Marie – Mead?
– Tôi không biết. Chỉ biết rằng, cô ta để tóc mỗi lúc mỗi khác, trước đây tóc đen chứ không vàng, và lúc đó tự xưng là Barlett. Lúc tôi gặp lại trong xe, tôi không nhận ra ngay, chỉ thấy khuôn mặt quen quen. Sau đó tôi mới nhớ ra. Cô ta nhận có đến Sainte – Marie – Mead, nhưng chối là không biết tôi. Nhưng tôi thì có thay đổi gì đâu.
– Qua đó cô rút ra kết luận gì?
– Cô ấy đi qua lúc đó cốt để trông thấy tôi, nhằm sau này sẽ nhận được mặt tôi.
– Nhưng để làm gì?
– Nào tôi biết. Tôi chỉ thấy hai khả năng, trong đó một không lấy gì làm vui.
Hai người im lặng một lúc lâu, rồi giáo sư Wanstead cất tiếng:
– Tai nạn xảy ra với cô Temple cũng rất đáng ngờ. Trong khi đi đường, cô đã chuyện trò gì chưa?
– Rồi. Và tôi định phải gặp cô nữa, khi cô ấy khá hơn. Hy vọng cô sẽ cung cấp nhiều chi tiết khác về cô gái bị giết, vì cô này đã từng là học trò của cô Temple.
Trong lúc chăm chú chuyện trò với giáo sư, cô Marple vẫn nhìn ra ngoài phố, dọc khách sạn.
– Kìa, kia là cô Anthea – cái người cầm một bọc to ấy. Chắc cô ra bưu điện.
– Cô ấy trông có vẻ kỳ lạ, với bộ tóc bù xù xõa xuống đầu.
– Đúng. Lúc mới gặp; tôi liên tưởng ngay đến một Ophélie đang về già.