Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ổ Buôn Người

Chương 32

Tác giả: Giản Tư Hải

Với nguồn thông tin do Long cung cấp, các đối tượng tham gia vụ bắt cóc lần lượt bị cảnh sát hình sự Hải Phòng bắt gọn. Long khá hài lòng với thành tích bất ngờ đó. Cho đến tận lúc này anh mới dám tin bức thư nặc danh kia là có cơ sở và chắc chắn phải từ một thành viên bí mật nào trong hàng ngũ tội phạm. Vì sự an toàn nên họ đã giấu kín tung tích. Thành công này chắc chắn sẽ phản hồi đến hắn ta và biết đâu sẽ có những bức thư khác. Cứ cách này tổ chức buôn người quốc tế sẽ bị nhổ tận rễ. Một ngày nào đó nhân vật bí ẩn kia sẽ tự động lộ diện. Được nghỉ hai ngày về với vợ nhưng trớ trêu thay chiều nay Thu Hương sẽ theo đoàn sang Campuchia hội thảo trao đổi văn hóa giữa trường đại học Xã Hội Pnompenh và đại học Văn Lang. Vợ đi vắng cũng có cái hay của nó. Long nhủ thầm. Đã lâu rồi anh chưa có những ngày tự do đến thế. Một đêm không bị ai tra khảo, chất vấn. Công việc thuận lợi. Những chiến công bất ngờ sẽ kéo anh lên đỉnh cao quyền lực trong tương lai gần. Đêm nay anh là người tự do. Anh sẽ chơi một đêm cho hết mình, nhưng vấn đề là chơi cái gì đây. Long khoan thai vào nhà tắm ngâm mình trong trong làn nước ấm. Xong xuôi, anh lại chiếc tủ nhỏ xinh xắn lấy ra một chai Whisky mà người bạn đi du lịch về tặng.

Mình phải gọi cho mấy chiến hữu tìm một chỗ nào kha khá ngồi mới được. Long ngồi trên ghế bành, hai chân duỗi ra trên bàn. Anh đang lên danh sách những thằng bạn thân thích. Chợt nhận tra phía trước cửa phòng khách có một mảnh giấy nhỏ. Long ngạc nhiên vì cách đó nửa giờ không có. Nhất định ai đó đã luồn vào khe cửa khi anh đi tắm. Một bức thư nặc danh nữa thật sao? Sao dạo này lắm vụ bắt cóc thế? Anh từ từ tiến lại cúi xuống ngó kĩ trước khi nhặt lên.

Đúng là thư nặc danh giống hệt lần trước. Lại một nạn nhân nữa rồi. Long thận trọng mở ra rồi mang lại chiếc bàn thong thả mở ra đọc.

“Nạn nhân tiếp theo, Vũ Thu Hương. Đại học văn lang, trú tại 12 Thái Thịnh’ . Mắt Long hoa lên nhìn như xuyên tờ giấy. Không đời nào lại thế được.

Long luống cuống bấm máy gọi khẩn cấp cho vợ. Đầu máy bên kia rì rào ngắt quãng:

– Anh Long, em vừa lên máy bay, có việc gì thế anh?

– Em hãy khoan đi! Dừng ngay lại! Hoãn chuyến bay này lại.

– Anh nói gì lạ thế, sắp cất cánh rồi. Không được.

– Vấn đề an ninh. Sẽ nguy hiểm cho em. Anh không thể nói được ở đây nhưng bằng mọi giá em phải hoãn lại chờ anh.

– Chẳng có gì là nguy hiểm đến an ninh cả. Chúng em đi hai người. Em và một chị trưởng khoa nữa. Anh yên tâm. Hẹn với người ta sáng mai có mặt ở Pnompenh rồi. Không thể hoãn vì lí do mơ hồ kia được…

Đầu dây bên kia vang lên tiếng loa thông báo máy bay sắp cất cánh và yêu cầu hành khách tắt máy. Điện thoại bỗng dưng tắt rụp.

Long khoác vội quần áo lôi chiếc “Rebel’’ phi như bay lên sân bay Nội Bài. Đến nơi. Chiếc máy bay đã cất cánh được vài phút. Anh tức tốc lại quầy bán vé:

– Anh ơi! Có chuyến nào đi Sài Gòn đêm nay nữa không?

– Vẫn còn chuyến cuối cùng, nhưng…

– Cho tôi ngay một vé. – Long cuống cuồng

– Anh chờ lát. Hiện nay đã hết vé nhưng có người vừa hủy chuyến. Chúng tôi sẽ thế anh vào. Anh có hành lí không?

– Không có gì đâu. Tôi đi tay không mà.

– Hiện chỉ còn 20 phút. Anh phải mua vé và vào cổng anh ninh ngay. Long móc chiếc ví dày cộp mới lĩnh thưởng, mắt nhìn về phía cửa kiểm tra an ninh đang sắp chốt lại đằng xa.

Mọi việc diễn ra suôn sẻ và mau chóng.

Chiếc A320 hãng Jesta Hà Nội – Sài Gòn cất cánh, tức chỉ sau vợ anh đúng 35 phút. Anh sẽ kịp gặp vợ anh khi cô ta đang lấy hành lí trước khi chuyển máy bay đi Pnompenh. Long nhẩm tính nếu có vụ bắt cóc xảy ra, nó không thể xảy ra tại nơi đông đúc như sân bay. Anh vẫn đến kịp để can thiệp nếu việc xấu xảy ra cho vợ. Ngồi trên máy bay, thời gian 2 tiếng đồng hồ quả là dài hơn cả thế kỉ. Rốt cuộc, chuyến bay đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Khi máy bay chạm xuống đường băng, anh móc chiếc điện thoại gọi ngay cho Thu Hương:

– Em đang ở đâu? Đứng chờ anh ở chỗ lấy hành lí nhé. Không được bỏ đi đâu.

– Anh đùa sao? Anh cũng đi Sài Gòn đêm nay sao? – Thu Hương sửng sốt.

– Anh không hề đùa. Với em anh không bao giờ đùa! Đây là vấn đề nguy hiểm. Em phải tin vào anh. Phải tin vào ngành an ninh chứ. Nghe đây! – Long dõng dạc, anh buộc phải nói ra sự thật tày trời. – Em có thể bị bắt cóc bất cứ lúc nào!

– Trời ơi! Thật sao? Nhưng…

– Không nhưng gì hết, em không hiểu đâu.

– Nhưng chúng em đã chuyển lên máy bay đi Pnompenh rồi. Chuyến bay cuối ngày chuẩn bị cất cánh đấy. Thế thôi cưng nhé. Bye!

– Hả…? – Long đưa máy ra xa rồi trân trối nhìn vào màn hình. Cô ta cúp máy rồi. Điện thoại mất tín hiệu.

Long đứng ngây dại giữa phi trường. Đã quá muộn. Nàng thoắt ẩn thoắt hiện như bị ma bắt. Anh định hỏi nàng rằng bà trưởng khoa đi cùng có phải là tên bắt cóc hay không. Nếu không, khi xuống sân bay nước bạn chắc chắn bọn bắt cóc sẽ xuất hiện. Long nháo nhào tìm ốt bán vé. Nhưng anh không kịp mang hộ chiếu và không có visa. Chỉ có cách đuổi theo vợ bằng đường bộ và tìm cô ta tại Pnompenh, tất nhiên với điều kiện kẻ bắt cóc chưa hành động ngay đêm nay.

Bắt taxi đến cửa khẩu đường biên thì trời đã gần sáng. Campuchia là nước duy nhất phải có thị thực khi nhập cảnh trong cộng đồng Asean. Ai không có thị thực nghiễm nhiên sẽ bị ngăn lại tại cửa khẩu. Anh tìm mọi cách có thể để vượt qua chốt hải quan. Có chiếc xe du lịch dừng lại cho mọi người làm thủ tục, Long trà trộn vào đám du khách đang chen lấn xếp hàng. Anh thấy thật buồn cười khi chỉ hai bàn tay trắng mà đòi xuất ngoại. Mình phải có cách khác. Thay vì tiếp tục xếp hàng trình hộ chiếu, Long lẻn ra ngoài khu nhà hải quan rồi tiến về dãy quán ăn và đổi tiền cách đó một quãng. Phía trước dãy nhà lụp xụp là những người lái xe ôm, taxi và những người đàn bà tay cầm xấp ngoại tệ xởi lởi ra đón khách:

– Ê! đổi tiền không anh ơi? – Cô gái mang cái túi xách trước bụng tiến sát Long.

– Tôi cần qua Campuchia nhưng quên hộ chiếu. – Long nói khẽ.

– Thế thì bó tay rồi.

– Tôi tưởng… sao mấy người đi Casino vẫn đi về thường xuyên ấy?

Tần ngần một lát, cô ta nhìn từ đầu đến chân Long. Bộ quần áo thể thao cũ, giày vải. Mặt mũi sáng sủa. Không biết hắn ta định sang đánh bạc hay nhà báo nhỉ. Chị ta thầm nghĩ.

– Em không thể giúp anh. Như vậy thì nguy hiểm lắm. Anh phải đi chui. Mà người ta chỉ cho anh sang đến Svay Rieng thôi, không vào sâu trong nội địa được. Long hiểu, đi chui tức là vượt biên trái phép. Vi phạm pháp luật. Nếu không may bị bắt còn liên lụy đến cơ quan và nghành. Đến lúc này anh phải đối mặt vấn đề một cách nghiêm túc và buộc phải lựa chọn. Nếu anh vẫn liều lĩnh vượt biên thì hậu quả khôn lường. Nếu anh phó mặc may rủi cho vợ thì sao? Anh có thể sẽ mất nàng mãi mãi. Nguy cơ vợ anh sẽ bị bắt cóc như lá thư nặc danh đã cảnh báo. Hơn ai hết, anh hiểu sự đe dọa đó là có thật. Sau lá thư thứ nhất đúng hai ngày, một ca sỹ bị mất tích ở Hải Phòng nói lên bọn bắt cóc nguy hiểm và liều lĩnh đến mức nào. Vợ anh không có cơ sở nào để tin lời cảnh báo và khước từ mọi lời khuyên của anh. Kể cả rằng anh báo cho cấp trên lúc này cũng đã quá muộn. Trớ trêu thay, nguy cơ này chỉ một mình anh biết và anh phải chịu trách nhiệm tất cả. Tính mạng con người là tối thượng. Bất cứ đâu trên thế gian này, pháp luật sinh ra là để bảo vệ con người mà anh lại đang trên đường thực thi sứ mệnh cao cả đó. Không đắn đo gì nữa, Long nhìn chị ta quả quyết:

– Tôi phải đi. Hãy đưa tôi đi bằng mọi giá.

– OK. Hãy theo tôi.

Cô gái dẫn anh ra phía dãy quán lụp xụp cách xa đó. Một người đàn ông to béo trán hói, tác phong an nhàn hệt một cán bộ về hưu nếu như không có vết xăm nổi trên bắp tay và chiếc nhẫn đính kim cương to như hòn sỏi. Người phụ nữ ghé tai nói nhỏ với ông ta vài câu gì đó. Khuôn mặt ông ta không hề cử động. Người phụ nữ bỏ đi hẳn. Ông ta hất hàm về phía sau vườn, hình như có mấy tay bốc vác ca đêm đang ngủ trên ngững chiếc võng mắc tạm trên những thân cây. Một thanh niên xương xẩu trong bộ đồ công nhân rộng thùng thình bước ra.

– Theo tôi! – Hắn hất hàm nhìn Long.

Không chút lưỡng lự, Long theo hắn.

Vượt qua cánh rừng ngập mặn miền tây rồi lên một dốc núi khá cheo leo, Long tận mắt chứng kiến những người lao động lầm than, không khác đám nô lệ khuân đá xây tường thành trong truyền thuyết là mấy. Những phụ nữ gầy gò mồ hôi nhẽ nhại ngồi thở dốc bên kiện hàng cao lút đầu. Những thiếu niên chỉ trạc tuổi mười lăm gánh những gánh hàng mà cha chú của chúng còn ngắc ngoải. Có cả những ông già râu bạc còng lưng trên những chiếc xe thồ quá tải.

– Họ đi buôn hàng hay vác thuê đấy? – Long lẽo đẽo theo người đàn ông và gợi chuyện cho đỡ mệt.

– Vác thuê cũng có mà tự mua bán cũng có? – Giọng miền tây hơi khó nghe.

– Thế này là phạm pháp hết. Sao công an đâu không bắt?

– Anh không nên nói vậy. Họ là những tay cửu vạn và buôn thúng bán mẹt qua ngày, thậm chí không biết mang gì sau lưng. Lấy hàng và giao hàng đều có người đón chờ. Họ chỉ ăn lương thôi, nếu mất hàng còn phải đền và đánh đập đấy. Anh ta khự người lại kéo ống quần lên để lộ vết sẹo vắt chằng chịt như băng dán trên gối.

– Đấy, công an chống buôn lậu đuổi đấy.

Long khẽ rùng mình.

– Thế có bị bắt không?

– Bắt lại thả ấy mà. Bắt vài người còn được, đằng này cả làng cả xã bắt sao hết.

– Mỗi lần vác hàng, họ trả công anh bao nhiêu?

– Mỗi ngày leo núi từ 8 giờ tối đến 9 giờ sáng hôm sau chỉ 80 ngàn thôi. Nếu bị công an rượt mất toi hàng thì về bị nhừ đòn đấy, vì thế thằng này mới phải dắt người qua biên giới vừa nhàn vừa có ít đồng. Bị cảnh sát truy đuổi chả có gì để mất cả. Long sững lại nhìn hắn:

– Anh nói gì… tôi không phải là hàng của anh sao? Ngộ nhỡ có gì anh bỏ của chạy lấy người à?

Người đàn ông cười khè khè nhìn Long lấp liếm:

– Đi nhanh lên. Nói thế thôi. Yên tâm bọn biên phòng nhẵn mặt thằng này rồi. Gần 1 giờ chiều rồi, sang đến bên kia tối mịt lại khổ. À, mà anh sang bên kia làm gì nhỉ? Mua hàng hay đi chơi? Cần tôi giới thiệu nhà nghỉ bên ấy cho không?

– Tôi qua chơi một hôm rồi về ngay ấy mà.

Đến một chợ cóc sát biên giới nằm trong lãnh thổ Campuchia, người đàn ông chìa đôi thay thô ráp ra bắt rồi chỉ dãy nhà lụp xụp đông nghịt người.

– Thôi đến đây là an toàn rồi. Anh nhớ đi lẫn vào đám người đi chợ kia nhé. Nếu muốn đi sâu vào nội địa, nhớ bắt xe trong bến. Cẩn thận nó soát giấy tờ đấy. Long cảm ơn người cửu vạn, rồi thoắt ẩn vào đám người khuân vác chen lấn trên khu chợ nhỏ vùng biên của người Khmer. Sau chuyến hành trình dài 13 tiếng, anh đã đặt chân lên xứ sở chùa tháp. Bao nhiêu giấy tờ liên quan anh đều đã vứt hết đề phòng bị nhận diện người nước ngoài. Người dân ở đây dùng tiếng khmer và tiếng Việt để giao tiếp. Anh tiến về những chiếc xe bụi bặm đang xếp hàng chờ khách đọc lướt đầu xe và nhận ra chiếc xe Huyndai 45 chỗ to kềnh phía trước có dòng chữ Pnompenh. Khi cửa xe mở, Long cũng trà trộn bước lên. Trong suốt chuyến đi không có cuộc kiểm tra nào như gã cửu vạn cảnh báo. Xe đến Pnompenh lúc 4 giờ 45 phút chiều. Với kĩ năng của một cảnh sát, trong 5 tiếng ngồi trên xe anh vạch ra kế hoạch truy tìm vợ mình một cách nhanh nhất có thể. Kẻ xấu có thể đã ra tay trước khi Long đến Pnompenh. Nàng có thể đã ngồi trong hang ổ của bọn buôn người. Còn nước còn tát.

Bình luận
× sticky