Trên báo chúng ta thường thấy những bài bày cách sống với một số tiền nhất định, và những bài đó gây những cuộc tranh luận sôi nổi, chứng tỏ rằng người ta rất chú ý tới vấn đề. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy một bài tuỳ bút chỉ cách sống 24 giờ một ngày. Vậy mà người ta cứ bảo thời giờ là tiền bạc chứ.
Câu châm ngôn đó chưa đúng hẳn. Thời giờ quý hơn tiền bạc nhiều. Có thời giờ thì bạn có thể kiếm ra được tiền bạc – thường là như vậy. Nhưng dù giàu đến bậc nào, bạn cũng không thể mua lấy được một phút.
Các triết gia đã giảng-nghĩa không gian mà không giảng nghĩa thời gian. Có nó, làm cái gì cũng được; thiếu nó, không làm được việc gì cả. Nghĩ kỹ, ta sẽ thấy việc tạo hoá tiếp tế thời-gian cho ta quả là một phép mầu hiện ra hằng ngày.
Thật lạ lùng! Buổi sáng, bạn thức dậy, thì này, túi bạn đã đầy 24 giờ trong cái chuỗi thời gian của đời bạn. Hai mươi bốn giờ đó là của bạn đấy, không có của cải nào quý hơn.
Xin bạn nhớ; không ai cướp được bảo vật đó của bạn. Không ăn cắp nó được. Mà cũng không ai lãnh nó nhiều hơn hoặc ít hơn bạn.
Thật là một chế độ dân-chủ lý-tưởng. Trong cái xứ sở của thời-gian, giàu nghèo cũng như nhau, khôn dại cũng như nhau. Thiên-tài cũng không được hưởng thêm, dù chỉ là một giờ mỗi ngày.
Và cũng không có hình phạt. Bạn phung-phí thời giờ quí báu của bạn ra sao tuỳ ý, sự tiếp tế cũng không vì vậy mà ngưng lại. Không có một vị thần linh nào bảo: “Người này hoặc là điên, hoặc có óc nô lệ. y không đáng được tiếp tế thời gian, phải khoá công tơ lại cắt thời gian của y đi”.
Nhưng bạn cũng không có thể tiêu non thời gian được. Không thể nào mang nợ! Bạn chỉ có thể tiêu phí thời gian đã qua; không thể tiêu phí được ngày mai, Trời giữ giùm ngày mai cho bạn; không thể tiêu phí được giờ sau, Trời giữ giùm giờ sau cho bạn. Vì vậy tôi bảo là phép mầu, đúng không, thưa bạn?
Bạn phải sống với số thời gian là 24 giờ một ngày. Bạn phải dùng thời gian đó để tạo sức khoẻ, lạc thú, tiền bạc, danh vọng và tu luyện tâm hồn. Dùng thời gian đó cho hợp lý, cho hiệu quả là vấn đề khẩn cấp nhất. vạn sự đều tuỳ thuộc vấn đề đó cả. Hạnh phúc của bạn – cái vật quý ta cố nắm chặt mà nó vãn cứ thoát được ấy – cũng tuỳ thuộc vấn đề đó.
Thật lạ lùng, các nhà báo thường có nhiều ý táo bạo, mới mẻ, hợp thời là vậy, mà chỉ dạy ta cách sống với một số lợi tức nhất định nào đó, chứ không bảo ta cách sống với một số thời gian nhất định. Xét kỹ, ta thấy tiền bạc là vật chất tầm thường nhất. Đầy cả mặt đất, từng đóng ra đấy.
Nếu người ta không có cách nào sống với số tiền người ta có thì có thể kiếm thêm một chút nữa bằng cách này hay cách khác. Chẳng hạn có 10.000.000 đồng một năm mà chi tiêu vẫn thiếu hụt thì đời không vì vậy mà nhất định là phải lúng túng; xắn tay áo lên, gắng sức kiếm thêm thì quỹ chi thu sẽ thăng bằng. Nhưng nếu không thể thu xếp sao cho số vốn 24 giờ một ngày đủ chi phí về thời giờ thì đời ta nhất định phải lúng túng. Sự tiếp tế thời gian mặc dầu rất đều đặn mà lại bị hạn chế một cách khắc nghiệt.
Ai là người trong chúng ta sống 24 giờ một ngày? Tôi nói sống đó, không phải là sống cho có, sống sao cũng được đâu. Ai là người trong chúng ta không tự nhủ rằng: “khi nào có thêm chút thì giờ, sẽ làm việc này, việc nọ”? Chúng ta không bao giờ có thêm chút thì giờ nào đâu. Chúng ta có và luôn luôn đã có tất cả số thì giờ trời cho. Chính vì muốn thực hành chân lý sâu xa thường bị bỏ quên đó (chân lý ấy không phải tôi tự tìm ra đâu) mà tôi đã xem xét một cách thực tế và tỉ mỉ sự tiêu phí thời gian mỗi ngày.