Ta hoàn toàn có thể kiểm soát bộ máy suy nghĩ của ta được. Không có gì xảy ra tới thân thể, tâm hồn ta mà không đi qua bộ óc của ta, ta thấy vui hay buồn cũng nhờ óc, nên kiểm soát trí óc là việc quan trọng nhất. Lẽ ấy tự nhiên, tầm thường nhất, từ đời nào tới giờ ai cũng biết nhưng chứa một chân lý sâu xa mà phần đông chúng ta suốt đời không nhận chân được. Người ta phàn nàn thiếu năng lực tập trung tư tưởng, không ngờ rằng năng lực đó có thể luyện được.
Mà thiếu năng lực ấy – nghĩa là thiếu năng lực ra lệnh cho óc làm việc rồi bắt nó tuân lệnh – thì sống không ra sống. Muốn sống đầy đủ, điều kiện thứ nhất là phải kiểm soát được trí óc.
Vì vậy, theo thiển ý, công việc phải làm trước hết trong ngày là coi chừng bộ óc ta làm việc. Bạn săn sóc thân thể, trong và ngoài; bạn dùng cả một đội quân, từ anh bán sữa đến chú đồ tể để bao tử bạn khoan khoái. Thế thì tại sao bạn không chịu bỏ ra một chút công săn sóc cái bộ máy tế nhị hơn là trí óc, nhất là khi chẳng cần nhờ ai giúp sức cả? Tôi muốn bạn dùng thì giờ đi từ nhà tới sở để làm công việc thuộc về nghệ thuật sống đó.
– Sao? Ông bảo tôi luyện trí óc ngoài đường đông nghẹt người ta ư?
– Thưa, chính vậy. Không có gì giản tiện hơn. Không cần khí cụ. Cũng chẳng cần sách. Nhưng việc không dễ đâu ban nhé.
Khi bạn ở nhà ra đi, bạn tập trung tư tưởng vào một vật nào đó (mới đầu, vào bất cứ vật nào cũng được). Bạn đi chưa được mười bước thì trí óc bạn đã nhảy nhót ra khỏi vật đó, và đương giỡn với vật khác dưới mắt bạn.
Bạn nắm lấy cổ nó, lôi nó về. Trước khi tới bến xe, bạn phải kéo nó về có tới bốn chục lần. Nhưng bạn đừng thất vọng. Cứ tiếp tục đi, cứ tiến tới. Bạn sẽ thành công. Kiên tâm thì không khi nào thất bại. Bảo rằng trí óc bạn không thể tập trung vào một tư tưởng là không có căn cứ. Bạn có nhớ, buổi sáng đó, nhận được một bức thư khiến bạn lo lắng, cân nhắc kỹ lưỡng khi trả lời không. Hãy chú ý hết vào việc hồi âm, không cho óc mình nghỉ ngơi một phút nào suốt cho tới khi tới sở, tới nơi bạn ngồi ngay xuống, lấy giấy trả lời. Đó là trường hợp mà hoàn cảnh buộc bạn phải có năng lực rất cao để tự điều khiển một cách chuyên chế. Bạn không cho phép óc bạn “lơ mơ” được, buộc nó phải làm công việc của nó và nó đã làm xong.
Nhờ tập trung tư tưởng đều đều (muốn vậy chỉ cần kiên nhẫn, ngoài ra chẳng có bí quyết nào khác) bạn có thể sai khiến óc bạn như nhà độc tài, bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu. Dễ tập lắm. Nếu buổi sáng, bạn bước lên xe với cặp tạ để luyện bắp thịt hoặc trọn bộ Bách khoa mười cuốn để học thêm, thì người ta chú ý đến bạn ngay. Còn đi trên đường hoặc ngồi trong góc xe mà tập trung tư tưởng thì ai mà biết được? Có thằng tướng ngu nào cười bạn đâu?
Tôi không cần biết bạn tập trung tư tưởng vào cái gì, miễn bạn chịu luyện cái bộ máy suy nghĩ của bạn là được. Nhưng nhất cử có thể lưỡng tiện thì sao bạn không tập trung vào cái gì hữu ích? Chẳng hạn – đây chỉ là một thí dụ thôi -chẳng hạn tập trung tư tưởng vào một chương của Marc Aurele hay Epictete (hai triết gia La Mã thời cổ đại).
Xin bạn đừng tỏ vẻ mỉa mai khi nghe hai tên ấy. Riêng tôi, tôi nghĩ không có gì hợp thời bằng những tư tưởng của Marc Aurele hay Epictete; sách của hai ông rực rỡ những lý lẽ thông thường, áp dụng được vào đời sống hàng ngày của hạng trung nhân như bạn và tôi. Buổi tối bạn đọc một chương đi – thường ngắn lắm, không dài đâu – rồi sáng hôm sau tập trung tư tưởng vào chương ấy. Bạn sẽ thấy kết quả.
Tôi có thể nghe óc bạn như nghe điện thoại ở nên tai tôi vậy. Tôi biết bạn đương tự nhủ: “Cái anh chàng này, từ đầu sách tới cuối chương trước nghe cũng xuôi xuôi, cũng đã bắt đầu làm cho mình hơi chú ý tới, nhưng bảo mình suy nghĩ ở trong xe và tập trung tư tưởng thì không được rồi. Đối với kẻ nào khác thì như vậy có thể hơi hữu ích, còn đối với mình quả là không hợp”.
Thưa bạn, tôi nhiệt liệt lập lại rằng tôi viết cho bạn đấy. Chính bạn là người tôi muốn khuyên đấy.
Bỏ qua lời tôi là bỏ qua lời khuyên quý báu nhất đấy. Đó không phài là lời khuyên của tôi, mà là lời khuyên của những người khôn nhất, thực tế nhất ở đời. Tôi chỉ nhắc lại cho bạn đấy thôi. Bạn thử theo đi, bạn sẽ thấy phương pháp ấy chữa được phân nửa những bệnh trong đời, nhất là bệnh ưu tư – cái bệnh khốn khổ, có thể tránh được và có thể làm cho ta mắc cỡ.