Nghệ thuật là cao quý, nhưng không phải là cao quý nhất. Điều quan trọng nhất là luôn nhận thấy luật nhân quả, nghĩa là thấy sự phát triển liên tiếp trong vũ trụ, nói một cách khác, là thấy luật biến hóa. Khi óc ta thấm nhần chân lý chủ yếu này là không có gì xảy ra mà không có nguyên nhân thì chẳng những trí óc ta mở-mang thêm mà lòng ta cũng rộng rãi hơn.
Suy nghĩ về lẽ nhân quả, người ta sẽ mất vẻ mặt vô lý, không thấy bực mình hay đau khổ khi gặp nghịch cảnh, người ta sẽ thấy nỗi khổ ở đời giảm đi mà niềm vui thì tăng lên.
Ai mà không hiểu luật biến hóa thì chỉ coi biển là một cảnh vĩ đại buồn chán. Ai đã thấm nhuần các luật tiến hóa, hiểu rằng nhân luôn luôn sinh ra quả, tất sẽ coi biển là một nguyên tố mà hồi xưa là hơi nước, có lúc đã sôi lên và nhất định sẽ có lúc đông lại thành nước đá. Vật gì cũng xét với tinh thần đó thì đâu đâu ta cũng thấy cái đẹp lạ lùng, biến hóa của đời sống.
Lẽ nhân quả bao bọc vũ trụ. Tiền thuê nhà lại tăng nữa. Thế này thì khó chịu thật. Nhưng có gì lạ đâu? Vẫn là luật nhân quả mà. Nhiều người hỏi mướn thì chủ phố phải tăng tiền.
Bạn bỉu môi bảo:
– Giản dị thế.
– Vâng, bất kỳ cái gì cũng giản dị như vậy. Và thưa bạn, có lẽ bạn là một thư kí công ty địa ốc, bạn ghét nghệ thuật, muốn bồi dưỡng tâm hồn bất diệt mà không thể yêu công việc thư ký của bạn được vì nó đáng chán lắm?
Có gì đáng chán đâu? Ngay trong công ty địa ốc cũng có cảnh đẹp lạ lùng, biến hóa của đời sống. Tiền nhà tăng lên bạn không thấy thú sao? Nếu bạn nghiên cứu vấn đề nhà cửa ở Luân Đôn mỗi tuần ba buổi tối, mỗi buổi tối một giờ rưỡi, bạn sẽ thấy hăng hái làm việc hơn và đời bạn sẽ thay đổi hẳn.
Lần lần bạn nghiên cứu những vấn đề khó hơn và bạn sẽ có thể dùng luật nhân quả giảng cho tôi tại sao những con đường thẳng băng ở Luân Đôn lại ngắn như vậy còn ở Paris lại dài hàng mấy cây số. Bạn thừa nhận rằng tôi đã chọn ví dụ đó không phải vì nó có lợi đặc biệt cho thuyết của tôi chứ?
Bạn là một thư ký ngân hàng và chưa đọc tiểu thuyết hấp dẫn của Walter Bagehot nhan đề là “Đường Lombard” ư? Thưa bạn, nếu bạn đọc cuốn đó, đọc kỹ nó một giờ rưỡi ba buổi tối trong tuần, bạn sẽ thấy công việc của bạn say mê tới mức nào.
Bạn bị “nhốt trong châu thành” bạn thích du lãm ở đồng quê, thích nhận xét đời sống của muôn loài? (tiêu khiển đó làm mở mang tâm hồn người ta). Thế thì tại sao bạn lại không rời khỏi nhà, lại cột đèn gần nhất với một cái vợt rồi nhận xét đời sống của các loài bướm đang đập cánh chung quanh ánh sáng, rồi sắp đặt lại những điều tìm được rồi dựng lên một thuyết?
Bạn không nhất định phải chuyên tâm vào nghệ thuật hoặc văn chương mới sống được một cách đầy đủ.
Bạn nào ghét nghệ thuật và văn chương đấy? Tôi đã hứa với bạn xét riêng trường hợp của bạn thì tôi đã xét rồi đấy nhé! Bây giờ đến trường hợp – cũng may là rất thông thường – của những người thực sự “thích đọc sách”.