Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sống 24 giờ một ngày

Chương IX : Tìm hiểu nghệ thuật

Tác giả: Arnold Bennett

Nhiều người tối nào cũng ngồi rồi vì họ nghĩ rằng nếu không ngồi rồi thì chỉ có cách là học văn chương, mà chẳng may họ lại không thích văn chương. Nghĩ vậy là lầm. 

Bạn phải phải phân biệt văn chương và sách nghiên cứu về những đầu đề không phải là văn chương. Sau nầy, có dịp, tôi sẽ nói về văn chương. 

Có những người chưa bao giờ đọc Meredith (1) và dửng dưng khi nghe một cuộc tranh biện về vấn đề Stephan Phillips có phải là thi sĩ không. Họ có lý lẽ của họ. Không yêu văn chương không phải là một tội, cũng không phải là dấu hiệu của sự ngu dốt. 

Tri thức có những khu vực mênh mông, ngoài văn chương và trong những khu vực đó, nếu biết khai thác thì mùa màng sẽ rất tốt. Chẳng hạn khu vực âm nhạc (2). 

Bạn bảo bạn không biết chơi dương cầm, không biết chơi vi-ô-lông và tới băng-giô cũng không biết gảy, tóm lại, chẳng biết chút gì về âm nhạc cả. 

Có sao đâu? Tôi biết rằng bạn thưởng thức được âm nhạc, vì vậy các dàn nhạc mới lựa toàn những bản hay, bỏ hết những bản dở. 

Bạn không biết chơi đàn, nhưng bạn có thể tìm hiểu về cách tổ chức một cuộc tấu nhạc. Có lẽ bạn tưởng rằng tấu nhạc là hợp nhiều nhạc cụ một cách hỗn độn để gây một mớ âm thanh êm đềm. Bạn chưa biết thưởng thức tường tận từng tiếng vì bạn chưa bao giờ luyện tai nghe như vậy. 

Nếu người ta bảo bạn chỉ chỉ tên những nhạc cụ dùng trong khúc đầu bản hòa tấu C thấp thì chắc bạn chỉ không được. Mặc dầu vậy, bạn vẫn tán thưởng bản đó. Nó đã là lòng bạn rung động và sẽ làm lòng bạn rung động. Bạn lại đã hăng hái khen bản đó với một cô – bạn biết tôi nói ai rồi chứ? Và bạn còn có thể tuyên bố rằng bản đó của Beethoven và “mùi rất mực” nữa. 

Nếu bạn đã đọc cuốn “Nghe nhạc cách nào?” của Krehbiel thì lần sau khi nghe nhạc bạn thấy hứng thú tăng lên lạ lùng. 

Đáng lẽ chỉ nghe thấy những thanh âm hỗn độn thì bạn sẽ nhận được rằng bản hòa tấu là cả một tổ chức kỳ diệu mà mỗi nhóm phần tử đều có một chức vụ riêng biệt và cần thiết. Bạn sẽ nhìn kỹ từng nhạc cụ một và nghe thanh âm của nó; bạn sẽ biết một vài nhạc-cụ của Pháp khác của Anh ra sao, sao nhạc công này lãnh lương cao hơn nhạc công kia, mặc dầu nhạc cụ của họ không phải là thứ khó chơi như đàn vi-ô-lông. Thành thử, lần trước bạn tới nghe hòa nhạc, chỉ thấy thích và mê mẩn như một em nhỏ ngó những đồ chơi bóng lán, tóm lại, bạn chỉ có mặt ở đó thôi; còn lần này thì khác, bạn hẳn đã thực là sống. 

Bạn có thể học những điều căn bản để hiểu âm nhạc. Bạn có thể nghiên cứu riêng về một loại âm nhạc nào (như loại hợp tấu chẳng hạn). Mỗi tuần học ba buổi tối rồi thỉnh thoảng đi nghe nhạc thì trong một năm, bạn sẽ biết ít nhiều về âm nhạc. 

Bạn bảo: “Nhưng tôi rất ghét âm nhạc”. 

– Vâng, nếu vậy thì tôi rất quý bạn. 

Nhưng những điều tôi nói về âm nhạc có thể áp dụng vào những nghệ thuật khác. Chẳng hạn bạn có thể đọc cuốn “Xem tranh cách nào?” của Clermont Witt, hay cuốn “Xét các công trình kiến-trúc cách nào?” của Russell Sturgis. Đó là tôi mới kể tên những cuốn nên đọc trong bước đầu để tìm hiểu nghệ thuật thôi. Loại sách để học đó ở Luân Đôn không thiếu gì. 

Bạn lại nói: “Tôi ghét hết thảy các nghệ thuật”. 

– Vâng, nếu vậy tôi trọng bạn hơn nữa, hơn nhiều nữa. 

Tôi sẽ xét trường hợp của bạn trước khi bàn đến văn chương. 

Bình luận
× sticky