Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thép đã tôi thế đấy

Chương IV

Tác giả: Nikolai A.Ostrovsky

Lửa đấu tranh giai cấp gay gắt, ác liệt, bốc cháy cả vùng U-cơ-ren này. Số người cầm súng đánh nhau mỗi ngày một đông, và mỗi lần xung đột lại đẻ ra thêm những người chiến đấu mới.

Đối với người dân, cuộc đời êm đềm năm xưa đã chìm xa vào dĩ vãng.

Giờ đang đùng đùng bão táp, ình oàng tiếng đại bác làm rung chuyển những căn nhà nhỏ ọp ẹp. Và người dân ép mình vào tường hầm ẩm ướt hay rúc xuống những hào trú ẩn đào vội.

Bọn thổ phỉ dưới trướng Pết-lu-ra đủ màu sắc, đủ xu hướng như nước lũ tràn về vùng này: quan lớn, quan nhỏ, đủ các thứ đầu lĩnh kiểu Gô-lúp, Ác-khan- ghen, An-ghên, Goóc-di và hằng hà sa số môn phái thổ phỉ khác.

Bọn quan cũ của Nga hoàng, bọn xã hội cách mạng tả phái, hữu phái xứ U-cơ-ren, bất cứ tên anh chị nào có gan rủ được, một tụi lưu manh giết người nữa theo, là tự xưng ngay làm đầu lĩnh; đôi khi chúng còn kéo cờ vàng xanh da trời, hiệu cờ của quân Pết-lu-ra và cướp lấy chính quyền, tùy tài tùy sức mà chiếm lấy phạm vi tác oai tác quái.

Tên “đầu lĩnh trưởng” Pết-lu-ra mộ quân lập những trung đoàn, sư đoàn của nó chính từ đám thổ phỉ ô hợp ấy được bọn cu-lắc và các trung đoàn người Ga- li-xi thuộc quân đoàn xung kích của tên đầu lĩnh Cô- nô-van nhập bọn vào thêm. Giữa đám bùn nhơ những quân phản cách mạng và bọn cu-lắc, nổi bùng lên những đơn vị du kích đỏ, và đất chuyển dưới hàng trăm ngàn móng ngựa sắt, đất chuyển dưới những bánh xe bò chở súng liên thanh và những chuyến xe lửa chở pháo binh.

Vào tháng Tư của năm 1919 rối bời này, người thường dân ngơ ngác bị nhiều phen kinh hoàng chết khiếp, cứ sớm mai ngủ dậy, chưa kịp dụi mắt, đã hé mở cửa sổ nhà mình, ghé sang lo lắng hỏi người hàng xóm dậy trước:

– Bác Áp-tô-nom Pê-tờ-rô-vích này, chính quyền tỉnh mình hôm nay về quân nào nhỉ?

Áp-tô-nom Pê-tờ-rô-vích vừa xốc quần đùi, vừa lấm lét nhòm chung quanh xem có ai không rồi nói thì thào:

– Không biết, bác A-pha-nắt Ki-ri-lô-vích ạ. Đêm qua có quân nào kéo vào ấy. Đợi tý xem. Nếu quân này mà hành người Do-thái thì đúng cánh Pết-lu-ra rồi. Nếu phải bộ đội “các đồng chí” về thì gặp cái, nghe cách ăn nói là biết ngay thôi. Tôi cũng đang đứng đây rình xem là bọn nào để còn tính treo ảnh gì trong nhà cho tiện, tránh mọi chuyện lôi thôi vào mình. Hôm nọ, bác Ghê-ra-xim, láng giềng nhà tôi, lầm một tí mà bị một vố. Nhìn chưa rõ trắng đen đã vội treo ảnh Lê-nin lên, tưởng lầm là cách mạng đã về. Thì vớ ngay ba thằng ngụy ập vào. Bác tính, ba thằng quân Pết-lu-ra vừa nhìn thấy ảnh đó là xô vào bác ta ngay, cứ roi ngựa nện lấy nện để. Bị đến hai mươi roi. Chúng nói: “Đồ chó, cái thằng cộng sản kia. Ông sẽ róc da xẻo thịt mày chết tươi ngay”. Bác ấy cố kêu xin, cố phân trần với chúng, song vô hiệu.

Trông thấy từng toán lính có súng đi ngoài đường, hàng phố đóng sập cửa sổ, tránh mặt trốn trong nhà.Tai họa đã đến quá nhanh…

Anh em công nhân thì nghiến răng cau mày, căm tức nhìn lá cờ màu vàng xanh da trời của bọn côn đồ dưới trướng Pết-lu-ra. Anh em công nhân, lực lượng còn yếu, không sao chống nổi cơn sóng bài chủng sô- vanh (chỉ tinh thần vị chủng mù quáng, hẹp hòi ) bột phát đó, chỉ trỗi lên mỗi khi có bộ đội đỏ bị quân cờ vàng xanh da trời bao vây, ép phải đánh về chọc sâu vào thành như một mũi dùi xoáy vào thân cây. Lá cờ ruột thịt đỏ chói phấp phới trên nóc tòa thị sảnh, một ngày, hai ngày, nhưng rồi bộ đội lại rút đi, và tình hình trở lại nhá nhem, tranh tối tranh sáng.

Hiện nay, lão quan năm Gô-lúp đang làm chúa ngự trị trong thành này. Lão ta là “vinh dự và kiêu hãnh” của sư đoàn tả ngạn sông Đơ-nhi-ép.

Hôm qua đám quân gồm hai ngàn tên giết người của lão thắng thế kéo vào thành phố. Lão quan năm đi đầu cưỡi con ngựa giống tốt mã. Nắng tháng Tư đã nóng mà lão vẫn khoác áo bành-tô của người vùng Cô-ca-dơ, đội mũ lông xứ Da-pô-rô có đính huy hiệu màu tía, mình mặc quân phục kiểu Séc-kết, lưng đeo đủ bộ: dao găm và kiếm nạm bạc.

Lão quan năm trông bảnh trai, lông mày đen, da mặt tái, hơi rám vàng vì lão hay uống rượu say be bét. Miệng lão ngậm cái píp. Trước cách mạng, lão làm chuyên gia nông học trong những đồn điền trồng củ cải đường của nhà máy làm đường. Cuộc đời ấy mờ tẻ lắm ! Bì sao được với danh vọng đầu lĩnh này. Và anh chàng chuyên gia nông học ngoi lên mặt những dòng nước đục ngầu đang tràn ngập ngựa xứ này. Giờ đây lão ta đường đường là quan nắm đầu lĩnh Gô-lúp.

Rạp hát độc nhất của thành phố đã được trang hoàng để mở dạ hội chào mừng bọn mới đến.

Tất cả “tinh hoa” của giới thượng lưu trí thức thuộc phái Pết-lu-ra đều có mặt: đám giáo học người U-cơ- ren; hai con gái lão cố : con A-nhi-a xinh đẹp và em nó là Di-na, lũ bà nhỏ, bà lớn sở tại, tất cả đám đầy tớ cũ của lão bá tước Pô-tô-ski ngày trước, một dúm tiểu tư sản xưng danh là phái “Cô-dắc tự do”, bọn xã hội cách mạng hậu sinh của xứ U-cơ-ren.

Rạp chật ních. Mặc quần áo địa phương U-cơ-ren sặc sỡ thêu hoa, vòng cổ, dải băng đủ màu sắc, các mụ giáo học, hai con gái lão cố, những mụ trưởng giả được cả một lũ sĩ quan bâu lại, bọn này đeo “cựa gà” lẻng xẻng trông hệt như những bức tranh cổ tả những người cô-dắc Da-pô-rô.

Nhạc binh của trung đoàn đang vang lên inh ỏi. Trên sân khấu hối hả chuẩn bị diễn tích Na-da Stô-đô-li-a.

Điện không có, người ta đã báo đến bộ tham mưu cho lão quan năm biết, lão định thân chinh đến dự buổi dạ hội này cho thêm phần long trọng. Cho nên nghe báo không có điện lão đủng đỉnh hất hàm ra lệnh cho tên quan hầu là Pa-lê-nứt; tên này còn có tên là lão một Pô-li-an-xép.

– Phải có điện. Mày muốn chết thì chết, nhưng phải tìm cho kỹ được một thằng thợ điện và bắt nó chữa cho máy điện chạy.

– Thưa đại tá, xin tuân lệnh.

Pa-lê-nứt không chết và đã tìm được thợ điện. Hai tiếng đồng hồ sau, mấy tên lính ngụy dẫn Pa- ven đến nhà máy điện. Hai bác thợ lắp máy và thợ chữa xe máy cũng bị điệu đến cùng với Pa-ven. Tên quan hầu nói cộc lốc: “Nếu bây giờ tối không có điện, tao sẽ treo cổ tuốt ba đứa bay”. Nó vừa nói vừa chỉ tay lên xà nhà bằng sắt.

Lý lẽ cộc lốc ấy đã có hiệu quả: đúng thời hạn hắn định, điện lại sáng.

Giữa lúc dạ hội đang náo nhiệt, thì lão quan năm đi vào. Lão đi với con đào của lão là con gái nhà hàng lão trọ. Đứa con gái ngực nở núng na núng nính, tóc đen nhạt như màu lúa mạch.

Bố nó là lão chủ quán giàu sụ cho nó đi học ly- xê (trung học) ở tỉnh lỵ. Khi con bé và lão quan đã lên ngồi trên ghế danh dự ngay trước sân khấu thì lão quan năm ra hiệu cho phép bắt đầu. Màn kéo lên ngay. Người xem còn nhìn thấy lưng lão đạo diễn chạy vội vào buồng trò.

Giữa lúc trên sân khấu đang diễn kịch, bọn sĩ quan cùng với đào của chúng ra căn hàng ăn uống thả cửa với nhau, nốc những thứ rượu mạnh mà tên quan hầu Pa-lê-nứt vét khắp mọi nơi về, chén những món thịt chúng tịch thu của dân; đến cuối chầu kịch thì cả lũ chúng nó đã chếnh choáng hơi men rồi.

Tên quan hầu nhảy lên sân khấu, điệu bộ như đóng kịch tuyên bố :

– Thưa các quý ông, quý bà, sắp sửa bắt đầu khiêu vũ.

Mọi người vỗ tay hoan nghênh, rồi đi ra khỏi phòng cho bọn lính ngụy dẹp ghế lấy chỗ nhảy.

Nửa giờ sau là trong rạp đã nhảy loạn lên rồi. Khoái chí, bọn sĩ quan của Pết-lu-ra mặt bừng bừng như lửa, say sưa nhảy những mục khó nhất của vũ Cô- dắc với lũ sư tử cái địa phương má nóng đỏ ửng. Tiếng chân giậm ình ịch làm rung chuyển cả tường rạp hát cũ đã mọt.

Cùng lúc ấy, ở mé cối xay lúa một đội kỵ binh tiến vào thành phố. Vọng gác của quân Gô-lúp đóng ở đầu tỉnh trông thấy hốt hoảng vớ vội lấy súng máy. Tiếng quy-lát lách cách. Tiếng thét lên trong đêm tối:

– Ai? Đứng lại!

Hai bóng đen nổi lên trong đêm tối, một tên lại gần lũ lính gác, giọng ồm ồm trả lơi:

– Đây là đầu lĩnh Pa-vơ-lúc và quân của Người. Các người có phải quân của Gô-lúp không?

Tên đội trưởng ngụy tiến ra trả lời:

– Vâng.

Pa-vơ-lúc hỏi:

– Quân của ta đóng ở đâu được?

– Dạ, để tôi xin gọi điện thoại về bộ tham mưu hỏi xem. – Tên đội trưởng đáp lại, rồi tiến vào căn nhà bên đường. Một lát, hắn chạy lại ra lệnh cho bọn lính gác.

– Quân bay dẹp súng máy bố trí trên đường cái để cho quan đầu lĩnh ngài đi.

Pa-vơ-lúc giật cương ngựa đi và dừng lại trước rạp hát sáng choang, quanh rạp người đang đi lại nhộn nhịp.

Hắn quay lại nới với tên quan ba phụ tá đứng bên cạnh:

– A, a, ở đây họ chơi vui nhỉ. Ta xuống ngựa vào chơi cái đã. Thế nào bọn mình cũng quắp được một vài con mái khau kháu đi. Trong ấy chắc không thiếu giống. Sta-lơ-cô này, ngươi thu xếp chỗ cho quân lính ở nhớ. Còn ta thì dừng lại đây cùng với bọn vệ binh của ta.

Nói rồi, hắn nhảy xuống đất đến phịch một cái, làm con ngựa cũng phải loạng choạng không đứng vững.

Đến cửa rạp hát, hai tên lính Pết-lu-ra vác súng đứng gác, chặn lại hỏi:

– Ngài cho xem giấy mời.

Pa-vơ-lúc khinh khỉnh nhìn bọn lính gác, lấy vai ẩy một thằng ra bên. Mười hai tên hộ vệ cũng ẩy bọn gác và đi theo tên đầu lĩnh bước vào. Ngựa của chúng đã buộc cả ngoài hàng rào.

Bọn mới đến bị để ý ngay, nhất là thân hình đồ sộ của Pa-vơ-lúc. Hắn mặc áo sĩ quan bằng nỉ tốt, quần xanh như quần vệ binh, đầu hắn đội mũ lông cao lêu nghêu. Khẩu Mô-de đeo vắt qua vai, lựu đạn tay thò ra khỏi túi.

– Ai thế nhỉ? – Tiếng hỏi nhau thì thào trong đám người đứng vây quanh bọn đang nhảy nhót. Tên phó của Gô-lúp đang nhẩy rất ham mê điệu Bão tuyết mê cuồng. Hắn nhảy với con gái lớn của lão cố, con này quay tít chẳng giữ ý tứ gì cả, váy tốc lên xòe ra, khiến bọn Pa-vơ-lúc nhìn thấy cả quần đùi lụa bóng. Chúng trố mắt nhìn đầy vẻ khoái trá.

Pa-vơ-lúc lấy vai rẽ đám đông bước vào chính giữa vòng nhảy.

Cặp mắt đục ngầu dán mãi vào chân con gái lão cố, hắn thè lưỡi liếm cặp môi héo, rồi đi qua vòng nhảy đến chỗ dàn nhạc, giơ roi ngựa ra lệnh:

– Chơi bài vũ khúc Cô-dắc !

Tên nhạc trưởng chẳng để ý gì đến mệnh lệnh của hắn.

Pa-vơ-lúc liền vung tay quất roi ngựa vào lưng nhạc trưởng làm hắn nảy người lên như bị chó cắn.

Nhạc im bặt, cả rạp lặng đi.

Con gái lão chủ quán căm tức lắm, cánh tay kẹp chặt khuỷu tay lão quan năm Gô-lúp:

– Thật là đểu cáng! Mình đừng để cho chúng nó láo thế được.

Gô-lúp nặng nề đứng dậy, lấy chân đẩy chiếc ghế trước mặt, tiến lên ba bước, đến gần Pa-vơ-lúc mặt sát mặt. Lão ta nhận ra Pa-vơ-lúc ngay từ đầu. Lão có mối hiềm thù cũ với Pa-vơ-lúc, tay kình địch tranh chấp với lão ngôi chúa tể vùng này.

Mới cách đây một tuần, Pa-vơ-lúc cũng đã chơi khăm lão một vố rất cay.

Giữa lúc đang kịch chiến với một trung đoàn đỏ, một trung đoàn đã nhiều lần làm cho quân Gô-lúp khốn đốn, dáng lẽ phải đưa quân đánh tập hậu vào quân bôn-sê-vích, Pa-vơ-lúc lại bỏ mặc Gô-lúp, quay ra ập vào một thị trấn. Bộ đội đỏ đóng ở đấy có mấy đồn nhỏ, Pa-vơ-lúc dồn họ ra khỏi thị trấn không khó lắm. Lấy xong thị trấn, liền bố trí lính gác ngăn bọn Gô-lúp, rồi cho quân vào tổ chức ăn cướp đàng hoàng. Lẽ tất nhiên, chúng càn dân Do-thái, làm đúng y như một tên bộ hạ “chính tông” của Pết-lu-ra thường làm vậy.

Trong khi ấy thì bộ đội đỏ thừa cơ khuýp cánh quân sườn bên phải của Gô-lúp, nện tơi bời rồi rút mất.

Vậy mà quân kiêu kỳ vị kỷ ấy hôm nay lại ngang nhiên kéo bừa vào rạp hát này và trước mặt lão, đường đường là một vị quan năm đầu lĩnh, dám giơ roi đánh người nhạc trưởng của lão. Không, không thể để cho hắn làm như thế được. Gô-lúp biết nếu không trị ngay lập tức tên đầu lĩnh ngạo mạn này, thì còn gì là uy tín của lão đối với quân lính trong trung đoàn nữa.

Trong mấy giây đồng hồ, hai đứa lặng lẽ gườm mắt nhìn nhau, không nói.

Một tay nắm chắc đốc kiếm, một tay sờ vào khẩu súng trong túi, Gô-lúp quát lên:

– Ai cho phép ngươi dám đánh người của tao, đồ khốn nạn !

Tay Pa-vơ-lúc cũng lần đến bao da khẩu Mô-de.

– Xin ngài hãy từ từ, tướng quân Gô-lúp ạ ! Nếu không thì ngài có thể lộn bật đế giày đấy thôi. Xin ngài đừng trêu vào tôi, kẻo tôi không nén giận được đâu.

Những lời ấy càng làm cho Gô-lúp tức trào lên cổ. Hắn ra lệnh:

– Quân đâu, tống cổ chúng nó khỏi đây cho ta, quật vào mặt chúng nó! Cho mỗi đứa hai mươi nhăm roi đòn cho nhừ tử chúng nó ra!

Lũ sĩ quan Cô-dắc như một đàn chó chạy xô lại, ập vào vây kín lấy bọn Pa-vơ-lúc.

Một tiếng súng nổ giòn tan, như tiếng bóng đèn giáng mạnh xuống đất. Quân hai bên quần nhau như bầy chó dữ cắn lộn. Hai bên cùng điên tiết lên cả, lấy kiếm đâm nhau, nắm lấy tóc nhau, bóp cổ nhau. Đám phụ nữ sợ xanh mắt, rú lên thất thanh như tiếng lợn bột, lủi ra xa bọn đàn ông đang cấu xé nhau.

Mấy phút sau, bọn Pa-vơ-lúc bị tước hết vũ khí, ăn đòn nhừ tử, bị đẩy ra sân, rồi bị vứt ra đường.

Pa-vơ-lúc trong lúc loạn đả bị tuột mất cả mũ lông, mặt mày bê bết máu tím, vũ khí bị tước sạch. Hắn tức lộn ruột, nhảy lên ngựa cùng bộ hạ phi đi thẳng.

Thế là hỏng mất cả buổi dạ hội rồi. Sau chuyện vừa xảy ra, chẳng ai còn bụng dạ nào mà đú đởn nữa. Phụ nữ nhất định không chịu ở lại nhảy, nằng nặc đòi dẫn về nhà. Thấy thế, Gô-lúp phát khùng lên. Hắn ra lệnh:

– Gác lấy cửa, cấm không cho ai ra ngoài.

Tên quan hầu hối hả vâng lệnh. Mọi người kêu ca phản đối, Gô-lúp cứ một mực bắt ở lại:

– Thưa quý bà, quý ông, ta sẽ nhảy đến sáng. Tôi xin nhảy trước bài “van” đầu đây.

Nhạc lại nổi lên, song nhạc chơi chẳng được mấy chốc. Lão quan năm ôm con gái lão cố chưa kịp đi hết một vòng thì lính gác đã đâm bổ vào rạp hát kêu lên:

– Quân Pa-vơ-lúc đã vây rạp hát.

Cửa sổ nhìn xuống đường ở gần sân khấu bị bắn vỡ toang kính rơi tung tóe. Ngay chỗ vỡ há hốc ấy, một khẩu liên thanh thò mõm vào, miệng súng dõi theo những bóng người khiếp đảm đang chạy tán loạn. Để tránh nòng súng ghê sợ, mọi người chạy dồn vào giữa rạp hát. Tên quan hầu của Gô-lúp rút súng bắn vào bóng đèn điện nghìn nến, tiếng nổ như bom, mảnh vỡ tóe ra như mưa rơi rắc lên đầu mọi người.

Tối om om. Bên ngoài có tiếng thét vào: “Đi ra ngoài sân tất cả”! Và tiếng la mắng, tiếng chửi rủa nhao nhao lên.

Tiếng rú thất kinh, mê dại của phụ nữ, tiếng ra lệnh giận dữ của lão Gô-lúp đang tất tả trong phòng, lồng lộn quát tháo ra lệnh, định tập hợp lũ sĩ quan đã mất vía, tiếng súng, tiếng kêu inh ỏi ngoài sân hòa thành một thứ ồn ào náo động ở ngoài như chợ vỡ. Không ai để ý là Pa-lê-nứt đã chuồn ra cửa sau trông ra một phố vắng, chạy như gió về ban tham mưu trung đoàn.

Nửa giờ sau, hai bên đánh nhau ra trò, chiến trận dàn ra giữa phố. Có tiếng súng nổ giòn liên tiếp phá tan yên tĩnh ban đêm, tiếng liên thanh vang rền không ngớt. Dân phố rất đỗi kinh ngạc, vội vàng tụt khỏi giường ngủ yên ấm, chạy ra dán mắt vào cửa sổ nhìn.

Dần dần tiếng súng im đi, chỉ còn ngoài mé ngoại ô xa, có tiếng liên thanh vang lên như chó sủa.

Đánh nhau ngớt dần. Sáng rồi…

Tin dữ vang đi khắp thành phố : người ta đồn sắp sửa có cuộc càn Do-thái. Tin đồn ấy chui vào tận những túp lều Do-thái thấp lè tè, cửa sổ ti hí, bám cheo leo trên bờ dốc bẩn của rãnh nước đổ ra sông. Trong những chiếc hộp gọi là nhà ấy, dân nghèo Do-thái sống chen chúc, khổ sở.

Ở nhà in mà Xéc-gây làm đã được hai năm, phần lớn anh em thợ sắp chữ và thợ máy đều là người Do- thái. Xéc-gây thân với anh em như bà con trong nhà. Mà tất cả thợ in là một nhà thật. Họ đoàn kết nhau lại chống lão chủ Bơ-lum-tanh giàu sụ, vênh váo. Giữa chủ và thợ là một cuộc đấu tranh không ngừng. Lão Bơ-lum-tanh chỉ tìm cách bòn rút cho nhiều sức lao động của thợ, mà tiền lương thì trả ít nhất. Cho nên, nhà in thường có khi đóng cửa hàng tuần lễ: thợ in bãi công. Anh em thợ tất cả mười bốn người. Xéc-gây ít tuổi nhất, cũng phải làm mười hai tiếng một ngày, quay máy in quần quật.

Hôm ấy Xéc-gây để ý thấy anh em có vẻ lo lắng, xôn xao. Đã mấy tháng nay, tình hình nguy ngập, nhà in không có việc làm đều, làm xong món hàng này lại phải đợi món hàng khác. Hiện đang in bản hiệu triệu của “đầu lĩnh trưởng”.

Bác thợ sắp chữ Mên-đen kéo Xéc-gây ra một góc, cặp mắt buồn rầu của bác nhìn Xéc-gây hỏi:

– Chú có biết sắp có càn dân Do-thái ở đây không?

Chú bé nhìn bác ta, ngơ ngác:

– Không, em không biết gì cả.

Bàn tay khô đét, vàng khè của Mên-đen để lên vai Xéc gây và nói đầy tin cẩn như cha nói với con:

– Nó định càn thật đấy. Nó sẽ hành hạ dân Do- thái. Anh hỏi chú nhé, chú có lòng giúp anh em trong lúc hoạn nạn này không?

– Nhất định là giúp chứ! Cháu giúp được gì, cháu xin giúp ngay. Xin bác cứ nói đi.

Anh em thợ cũng lắng tai nghe câu chuyện.

– Chú thảo lắm Xê-ri-ô-gia ạ. Anh em chúng tôi tin ở chú. Ông cụ đẻ ra chú cũng là dân thợ nhà ta cả. Chú chạy ngay về nhà nhé, nói với cụ xem có nhận cho mấy người già với đàn bà con gái trốn tạm lại đằng nhà không. Chúng tôi sẽ chọn trước những người sang lánh bên ấy. Rồi nói thêm với nhà xem có còn nhà ai lánh được nữa nhé. Hiện nay bọn phỉ ấy chưa dám đụng đến người Nga. Chú chạy nhanh về hỏi ngay hộ, gấp lắm rồi.

– Được bác cứ tin ở cháu ! Cháu chạy sang hỏi cả nhà Pa-ven và Cơ-lim-ca nữa. Chắc nhà chúng nó cũng không từ chối đâu.

Xéc-gây xăm xăm chạy đi, nhưng Mên-đen thốt nhiên lo ngại níu lại hỏi thêm:

– Hãy gượm một chút, Pa-ven với Cơ-lim-ca là người thế nào? Chú có hiểu bụng họ không?

Xéc gây gật đầu chắc chắn:

– Bọn nó thế nào ư? Pa-ven con nhà Ca-rơ-sa-ghin đối với cháu như anh em ruột vậy. Anh của Pa-ven là thợ máy.

Mên-đen yên tâm:

– À, nhà Ca-rơ-sa-ghin anh có biết. Trước cùng thuê chung một nhà. Có thể nhờ vả được đấy. Thôi chú đi, chóng về trả lời cho biết nhé.

Xéc-gây nhảy một bước ra đến đường.

*

Sau khi bọn Gô-lúp đánh nhau với bọn Pa-vơ-lúc được hai hôm thì mở ra cuộc càn Do-thái.

Pa-vơ-lúc thua bị đánh bật ra ngoài, liền chiếm lĩnh thị trấn bên cạnh. Trong trận đánh nhau đêm ấy mỗi bên thiệt chừng hai chục mạng.

Xác lính chết đưa vội đến nghĩa địa, chôn ngay hôm ấy, đám tang không kèn, không trống. Vì chết như thế chẳng vinh gì. Hai thằng đầu lĩnh cắn nhau như hai con chó dại đầu đường, làm chết oan lính, nếu tang lễ linh đình thì cũng bất tiện. Kể thì Pa- lê-nứt cũng muốn chôn cất ầm ĩ để kết tội Pa-vơ-lúc là giặc đỏ; song uỷ ban xã hội cách mạng, do lão cố Vát-xi-li cầm đầu không tán thành làm như thế.

Chuyện đánh nhau đêm trước gây bất mãn sâu sắc trong cả đơn vị Gô-lúp, nhất là đại đội vệ sĩ lại càng ấm ức, vì chúng bị sứt mẻ nhất. Để dẹp mối bất bình đó và lấy lại tinh thần cho lính, thằng quan hầu Pa-lê-nứt đề nghị với chủ tướng cho mở “một chầu tươi”. Đấy là tiếng lóng chúng trâng tráo dùng để gọi cái thú nhơ bẩn đi càn Do-thái. Lão quan năm sắp cưới con gái lão chủ hàng cơm, cũng chẳng muốn làm náo động thành phố làm gì, song Pa-lê-nứt tán mãi để lão thấy là phải làm như thế cho lính tráng đỡ bất mãn, nên cuối cùng lão đồng ý.

Thật ra trận càn này cũng làm cho lão quan năm ngài ngại vì lão mới vào Đảng xã hội cách mạng. Vả lại bọn không ưa lão có thể rêu rao lắm chuyện chẳng hay: họ sẽ tung dư luận là lão khát máu Do-thái và thể nào cũng lại ton hót với “đầu lĩnh trưởng” để làm mất uy tín của lão. Nhưng hiện thời Gô-lúp cũng có lệ thuộc chặt gì vào “đầu lĩnh trưởng” Pết-lu-ra đâu mà sợ, vì lão tự kiếm chác lấy để nuôi quân mình, thua được lão chịu cả kia mà. Với lại “đầu lĩnh trưởng” cũng hiểu chán bộ hạ mình thế nào rồi. Hắn đâu có ảo tưởng như là người của hắn có nhân, có đức. Chính hắn nhiều lần cũng ra lệnh cho bộ hạ tịch thu được bao nhiêu thì phải trích một phần gửi lên bộ chỉ huy tiêu dùng, chứ còn nói ai nữa. Còn như tiếng đồn là khát máu Do-thái thì đã hẳn rồi, về khoản ấy danh của Gô-lúp đã vang lừng: chẳng cần thêm thắt gì lắm, đã thành tích chán.

Trận càn bắt đầu lúc mờ sáng.

Một làn sương mờ xám ngoét bao phủ thành phố nhỏ. Phố xá vắng tanh. Đường phố chi chít như một mớ dây vải ướt quấn quanh những khu phố của dân Do-thái mọc lên lộn xộn, và đang im lìm như chết. Những cửa sổ nhỏ đóng kín mít, màn che cửa buông xuống hết, trông những khung cửa như những con mắt người mù.

Đứng ngoài nhìn vào, người ta thấy những khu phố Do-thái dường như đang còn ngủ trưa, say lắm, nhưng thật ra bên trong không ai dám ngủ. Nhà nào nhà ấy đang chờ tai họa giáng xuống. Người nào cũng ăn mặc quần áo sẵn sàng rồi, quây quần trong một căn buồng hẹp, chỉ có những trẻ thơ chưa biết gì mới còn ngủ yên được trên tay mẹ mà thôi.

Sáng hôm ấy, tên đội trưởng vệ sĩ là Xa-lô-mư-ga, da bánh mật, má có sẹo thâm thâm – vết tích một nhát kiếm cũ – lên lay mãi tên quan hầu Pa-lê-nứt.

Tên quan hầu Pa-lê-nứt nặng nhọc thức giấc. Nó còn đắm đuối trong giấc mơ kỳ quặc: con quỷ gù và nhăn như bị cả đêm ám ảnh bây giờ vẫn lấy móng sắc cào cấu cổ họng nó. Nhưng khi ngóc dậy, đầu đau nhức thì hắn mới hiểu: té ra con quỷ ấy là thằng Xa- lô-mư-ga đang lay đầu hắn. Xa-lô-mư-ga lắc vai tên quan hầu:

– Dậy đi thôi, ông thần dịch ơi! Muộn lắm rồi. Đến giờ bắt đầu rồi. Không uống say thêm nữa vào!

Pa-lê-nứt bấy giờ đã tỉnh hẳn, ngồi nhổm dậy; cơn nhức đầu làm hắn nhăn mặt, hắn nhổ bãi nước bọt đắng sè.

– Bắt đầu cái gì? – Hắn trố mắt ngây dại nhìn tên đội trưởng vệ sĩ.

– Còn cái gì nữa? Cái việc tróc bọn Do-thái chứ cái gì nữa. Mày lú lấp rồi sao?

Thật tình, Pa-lê-nứt đã quên khuấy mất cả rồi. Ngày hôm qua, hắn uống rượu chay với Gô-lúp ở dưới ấp. Gô-lúp đem con vợ chưa cưới và lũ bạn rượu của nó về dưới ấy suất thời gian càn này.

Gô-lúp thấy mình vắng mặt trong suốt thời gian càn là rất tiện.

Sau này có sao có thể đổ cho cấp dưới hiểu lầm lệnh trên trong khi chủ tướng vắng mặt. Còn Pa-lê- nứt ở nhà sẽ tha hồ làm tất cả mọi chuyện một cách có ý thức hẳn hoi. Chà, cái món “chầu tươi” ấy thì Pa-lê-nứt là tay thạo có tiếng.

Pa-lê-nứt múc một thùng nước giội lên đầu, thùng nước làm nó tỉnh rượu hẳn. Nó đến ngay ban tham mưu, đi đi, lại lại, ra các mệnh lệnh.

Đại đội vệ sĩ đã lên ngựa. Tên quan hầu tính cẩn thận đã ra lệnh cho lính đứng gác ngăn xóm thợ và nhà ga với trên phố, để tránh mọi phiền phức có thể xảy ra.

Trong vườn nhà Lê-sinh-ski đặt một khẩu súng máy chõ ra đường cái. Nhỡ công nhân có định ập vào cứu thì sẵn sàng quạt đạn chì này.

Chuẩn bị xong đâu đấy, tên quan hầu và Xa-lô- mư-ga lên ngựa. Khi quân sắp sửa tiến thì Pa-lê-nứt mới chợt nhớ ra:

– Dừng lại, tí nữa thì quên… Đánh hai xe ngựa đi theo: ta phải chuẩn bị đồ mừng đại tá lấy vợ. Hô ! hô ! hô…Chiến lợi phẩm hạng nhất thì biếu chủ tướng như thường lệ. Còn tù binh giống cái hạng nhất thì về ta, phó quan của người. Ha, ha, ha… Mày hiểu rồi chứ, thằng đầu gỗ kia?

Tiếng “đầu gỗ” chỉ Xa-lô-mư-ga.

Mắt vàng ệch của tên này sáng lên:

– Rồi ai cũng có phần cả!

Bọn chúng tiến ra đường. Đi đầu là Pa-lê-nứt và Xa-lô-mư-ga, tiếp theo sau là lũ vệ sĩ đi lộn xộn, không hàng ngũ.

Sương sớm tan hẳn rồi. Đến trước nhà hai tầng, có tấm biển hoen gỉ đề “Phúc, cửa hàng tạp hóa và quần áo”, Pa-lê-nứt ghìm cương ngựa lại. Con ngựa cái lông xám của nó chân rất thon, cuồng cẳng gõ móng lên vỉa hè. Pa-lê-nứt nhảy xuống đất ra lệnh:

– Nào, nhờ trời phù hộ, ta bắt đầu từ đây đi thôi.

Nó lại nói thêm với bọn cưỡi ngựa đang đứng bao lấy xung quanh nó:

– Xuống cả đi thôi, bắt đầu biểu diễn rồi. Nghe ta nói, quân bay, giờ có gặp Do-thái cũng đừng bập vào sọ vội: thong thả, rồi hẵng hay. Còn như đối với đàn bà con gái, nếu không thật muốn quá, ta cố kìm lại nhớ, để đến tối.

Một tên vệ sĩ nhe bộ răng bàn cuốc ra hỏi lại:

– Cấp trên nói kìm lại thế nào cơ? Nhỡ bên kia nó bằng lòng mê đi thì sao?

Nghe tên quân kia nói thế, cả lũ chúng nó cười như phá. Pa-lê-nứt nhìn tên quân ấy có vẻ khen ngợi:

– Chuyện! Nếu bên kia nó bằng lòng thì cứ việc! Còn ai mà có quyền cấm chú được nữa.

Nói rồi, nó đến trước hiệu buôn, lấy chân đá mạnh vào cửa đóng kín, cánh cửa gỗ sến cả tấm không rung chuyển một tí nào.

Không vào lối này được, tên quan hầu quay ra góc nhà đi lại cửa bên vào nhà ở của lão chủ. Tay hắn nắm đốc kiếm. Theo sau là Xa-lô-mư-ga.

Trong nhà có ba người. Họ đã nghe rõ tiếng móng ngựa lộp cộp trên vỉa hè, song đến khi nghe tiếng ngựa đứng giậm chân mãi ngoài cửa, tiếng bọn lính qua tường vọng vào trong, thì cả ba đều bay hết hồn vía, đứng ngây ra như chết.

Lão Phúc giàu sụ đã cùng vợ con bỏ thành phố này đi, chuồn khỏi đây từ hôm qua. Hắn giao nhà cửa lại cho người ở là Ri-va trông nom. Ri-va là một cô gái mười chín tuổi, tính hiền, ít nói và nhẫn nhục. Muốn cho Ri-va ở nhà vắng một mình đỡ sợ, lão bảo cô đưa cả bố mẹ già đến ở. Cả ba người phải trông nhà cho đến khi lão về.

Ri-va chực không nhận, song lão nhà buôn quỷ quyệt đó lại dỗ ngon, dỗ ngọt cô con ở dễ bảo: chắc đâu đã có càn. Với lại có gì mà sợ mới được: nghèo thì ai người ta lấy gì của mình. Rồi lão còn làm ra bộ nhân đức, hứa với Ri-va hôm nào lão về sẽ thưởng cho chiếc áo mới.

Cả ba đều lo lắng, nghe ngóng, cố bám lấy hy vọng: nào bọn lính có lẽ sắp sửa bỏ chỗ này đi xa, nào có thể chính là chúng lầm, có thể chúng không dừng lại ở trước cửa nhà này đâu, chẳng qua là tại mình nghe lẫn đấy thôi. Nhưng, như để đập vỡ tan tành những hy vọng đó, tiếng đập thình thình nện vào cửa.

Nghe thấy tiếng giày đá vào cửa, ông cụ Bê-sắc, bố đẻ Ri-va, tóc bạc phơ, mắt xanh hốt hoảng như một đứa trẻ thơ khiếp sợ, đứng bên cửa nhà ngoài, cất tiếng lâm râm cầu nguyện. Ông cụ sùng đạo, mê man cầu xin Thượng đế tối linh phù hộ, cầu Thượng đế che chở cho, để quỹ dữ không gieo tai giáng họa xuống nhà này. Bà cụ, đứng nép bên cạnh, tiếng lâm râm cầu kinh của ông cụ làm bà không nhận ra ngay được những tiếng chân người đang bước tới gần.

Ri-va thì trốn vào buồng trong cùng, nấp sau một cái tủ gỗ sến lớn.

Một tiếng đập mạnh, dữ dội, giáng vào cửa làm hai ông bà già run bắn người.

– Mở cửa! – Tiếng đập cửa nữa ầm ầm, dữ hơn, rồi có tiếng chửi rủa điên giận.

Nhưng tay ông bà già không còn đủ sức nâng then cài nữa. Thế là báng súng từ bên ngoài nện chan chát vào ván cửa. Cánh cửa rung lên bần bật, rồi vỡ toang ra.

Lính cầm súng ập vào nhà, sục sạo các xó. Chúng lại lấy báng súng phá cửa ra nhà ngoài, rồi đi ra nâng then cài mở cửa chính.

Bắt đầu cướp phá vơ vét.

Xa-lô-mư-ga đánh về nhà Gô-lúp hai xe ngựa đầy vải vóc, giày dép và nhiều thứ hàng khác; khi nó trở lại nhà hàng Phúc, thì nghe một tiếng rú ghê rợn.

Để cho quân lính lục lọi ngoài hàng, Pa-lê-nứt đi vào buồng trong. Mắt nó xanh lè và sắc nhìn chòng chọc vào ba người Do-thái khốn nạn, rồi nói với vợ chồng ông già:

– Cút !

Cả hai ông bà già không nhúc nhích.

Pa-lê-nứt bước lên một bước, từ từ rút kiếm ra khỏi vỏ.

– Mẹ ! Mẹ ơi !… – Tiếng Ri-va rú lên như xé. Tiếng rú ghê rợn mà Xa-lô-mư-ga nghe thấy chính là tiếng rú đó.

Bọn lính nghe thấy tiếng rú chạy vào thì Pa-lê- nứt quay lại, chỉ vào hai ông bà già, ra lệnh cộc lốc cho bọn lính:

– Tống cổ hai vợ chồng thằng già này đi!

Khi quân lính đã đẩy được hai vợ chồng ông cụ đi rồi, hắn bảo Xa-lô-mư-ga:

– Mày hãy đợi ngoài ấy đã, ta có tí chuyện cần nói với con bé này.

Nghe tiếng kêu của con gái, ông lão Bê-sắc xô lại phía cửa thì bị ngay một quả tống vào ngực đến uỵch một cái, khuỵu người vào tường. Ông lão bị đau nghẹn sằng sặc. Bà cụ thường lành như bụt, lúc ấy chồm lên như con sói dữ vồ lấy thằng Xa-lô-mư-ga.

– Buông cho tao vào, chúng mày làm gì thế?

Bà cụ cố sức xông vào cửa, Xa-lô-mư-ga không tài nào gỡ được ngón tay bà cụ cứ nắm riết lấy áo hắn. Ông cụ Bê-sắc hồi lại chạy đến cứu vợ.

– Để chúng tao vào, để chúng tao vào, ối trời đất ơi! Con tôi !

Hai vợ chồng ông lão xúm vào đầy được Xa-lô-mư- ga ra ngoài cửa. Tên giặc nổi xung, rút báng súng ngắn nện vào đầu bạc của ông già làm cụ Bê-sắc ngã lăn ra đất, không kêu được một tiếng.

Trong buồng, tiếng Ri-va kêu thét lên.

Bị chúng kéo tuột ra ngoài đường, bà cụ căm uất như điên như dại, tiếng bà la trời thảm thiết và kêu cứu tuyệt vọng vang inh cả phố xá.

Trong nhà tiếng kêu đã tắt. Pa-lê-nứt ở buồng nhốt Ri-va bước ra, Xa-lô-mư- ga lúc đó đã sờ tay vào quả đấm mở cửa, đến lượt hắn chực vào, nhưng Pa-lê-nứt nắm tay hắn lại, quay mặt đi nói:

– Thôi, đừng vào nữa. Nó đi đời nhà ma rồi; tao đã lấy gối phủ lên mặt nó.

Pa-lê-nứt bước qua xác ông cụ Bê-sắc, chân hắn nhúng vào một vũng máu đặc sệt và đen ngòm.

– Mẹ kiếp! Tiền đầu bất lợi!

Miệng lẩm bầm thế, hắn bước ra.

Quân của hắn lặng lẽ kéo đi ra sau, và sàn nhà, bậc cửa bê bết những vết giày dính máu đỏ lòm.

Khắp cả thành phố đâu cũng có cướp phá. Bọn hung hãn tranh cướp nhau mồi ăn, thộp lấy cổ họng nhau như một lũ chó sói. Đây đó, lưỡi kiếm tuốt ra khỏi vỏ lóe sáng khoa lên trời.

Những thùng rượu bằng gỗ sến, to tướng từ trong nhà hàng rượu lăn ra mặt đường cái.

Rồi bọn cướp xông vào phá các nhà.

Không ai chống cự lại. Chúng ập vào các buồng vội lục lọi mọi xó, lúc đi ra thì nặng trĩu tay những của cải cướp bóc được, để lại hàng đống bừa bãi những giẻ rách, những gối và những đệm rách tứ tung, lông rơi lả tả. Ngày đầu mới chỉ có hai người chết: cha con Ri-va! Nhưng đêm đến, tai họa chết chóc mới ghê người hơn nữa.

Đến chập tối, tất cả toán quân đủ loài thú dữ này, đứa nào cũng say máu và say rượu. Bọn lính của Pết- lu ra đầu óc chuếnh choáng hơi men, đã mất cả lương tri rồi, chỉ chở đêm tối đến.

Bóng tối xuống, chúng càng được thả tay hơn. Trong đêm tối càng dễ bóp chết mạng con người. Bọn sói lang cũng ưa bóng tối để dễ cắn xé những người đang hấp hối.

Nhiều người không bao giờ quên được hai đêm và ba ngày khủng khiếp ấy. Bao nhiêu cuộc đời đã bị thương tổn, tan vỡ, bao nhiêu mái tóc xanh đã bạc đi rất nhanh trong những giờ đẫm máu này, bao nhiêu nước mắt đã tuôn rơi ! Và có ai thấu cho chăng: những người còn sống sót có sung sướng hơn đâu! Sung sướng làm sao được khi tâm hồn bị trống trải, khi lòng bị nỗi nhục nhã chưa từng có đến giày vò ghê gớm, tâm tư phiền muộn, tiếc thương những người thân đã mất đi không bao giờ trở lại nữa. Trong các ngõ chật chội của xóm Do-thái, những tấm thân còn trẻ của những người con gái đau thương nằm trơ trơ, hai tay duỗi hất ngược, mình bị đâm, bị chém, bị hành tội, vẫn còn nguyên dấu quằn quại trong cơn giãy giụa, kháng cự.

Mãi ở tận ngoài bờ sông, trong căn nhà nhỏ của người thợ rèn Na-um, bọn hùm beo háu mồi chực hiếp chị vợ anh Na-um, mới gặp phải sức kháng cự dữ nhất. Anh thợ rèn Na-um đang sức trai hăm bốn tuổi, to như lực sĩ, bắp thịt rắn như thép quen quai búa sắt đâu có chịu để vợ mình bị nhục.

Trong cuộc xô xát ngắn ngủi và khủng khiếp, hai chiếc sọ ngụy binh băng đi, vỡ ra từng mảnh như một quả dưa hấu thối. Na-um bừng bừng khí uất của kẻ đằng nào cũng chết, đánh rất dữ để cứu mạng mình và cả mạng vợ nữa. Anh giằng lấy súng bắn lại hồi lâu, tiếng súng giòn giã nhằm vào phía bờ sông có quân lính Gô-lúp thấy nguy đang chạy đến cứu. Na-um bắn hết đạn, viên cuối cùng gửi vào ngực vợ còn mình thì lắp lưới lê vào súng xông thẳng lên trước cái chết. Đạn giặc bắn như mưa. Na-um vừa bước ra thềm đã ngã, tấm thân cao lớn rơi phịch xuống đất.

Người ta thấy mặt bọn phú nông béo núc ở vùng quê gần đấy dắt xe đến. Ngựa của chúng béo tốt. Chúng chất lên xe tất cả những thứ gì chúng thích mắt, chở đi vội vội vàng vàng. Con cái hoặc bà con chúng là ngụy binh cho đầu lĩnh Gô-lúp, giúp chúng chất hàng lên xe. Chúng chở về, rồi lại hối hả đánh xe ra, làm hai, ba chuyến nữa.

Xéc-gây cùng với cha vừa đưa một nửa số anh em thợ in đi ẩn, nhường cho họ hầm nhà và gác xép. Đi qua vườn để trở về nhà. Xéc-gây trông thấy một người đang chạy trên đường.

Đấy là một ông cụ Do-thái vừa chạy vừa thở hổn hển, tay vung vầy, đầu không mũ, người lóng nga lóng ngóng trong chiếc áo dài lòng thòng và vá chằng vá đụp, mặt tái mét vì khiếp sợ. Đằng sau là một tên lính Pết-lu-ra cưỡi con ngựa xám phóng theo. Nó đã đuổi tới gần, người nó chực cúi xuống chém. Nghe tiếng vó ngựa lóc cóc sau lưng, cụ giơ tay lên như để tự vệ. Xéc-gây liền nhảy bổ ra đường phố, xông ra trước con ngựa, lấy người mình che đỡ cho ông cụ già:

– Không được đụng vào cụ già, đồ ăn cướp, đồ chó!

Tên lính ngụy đang đà tay không muốn kìm lại, liền trở sống kiếm đập vào mái đầu trẻ vàng hoe.

Bình luận
× sticky