Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thép đã tôi thế đấy

Phần thứ hai – Chương I

Tác giả: Nikolai A.Ostrovsky

Nửa đêm. Chuyến tàu điện cuối cùng kéo lê thân tàu ọp ẹp chạy qua đã được một lúc lâu rồi. Trăng suông trải lên thành cửa sổ, ánh trăng lọt vào nhà như trải lên mặt giường một tấm màng xanh, bỏ khoảng còn lại của gian phòng trong bóng tối lờ mờ. Trên chiếc bàn ở góc phòng, một vầng ánh sáng loe dưới chao đèn. Ri-ta cặm cụi với tập nhật ký thân thiết.

Đầu bút chì nhọn nguệch ngoạc trên giấy:

“24 tháng Năm,

Lại thử ghi lại cảm nghĩ của mình. Thế là bỏ một khoảng trống nữa trong nhật ký. Sáu tuần qua, không viết một chữ. Đành vậy thôi.

Lấy đâu ra thời giờ ghi nhật ký thân yêu này được. Giờ này, đêm khuya, mình mới có thời giờ viết. Không ngủ được. Đồng chí Xê-gan về công tác ở Trung ương. Tin ấy làm tất cả bọn mình ngao ngán. Xê-gan của chúng mình thật là một người ưu tú. Mãi bây giờ, mình mới thấy rõ tình thân giữa bọn mình và Xê- gan thật quý vô ngần. Cố nhiên, Xê-gan đi là nhóm học tập duy vật biện chứng sẽ tan. Hôm qua bọn mình họp ở nhà anh đến tận khuya để kiểm điểm bước tiến của “các con đỡ đầu” của chúng mình. Đến dự, có A- kim bí thư Tỉnh đoàn thanh niên, và anh chàng trưởng phòng quản lý cán bộ Túp-ta đáng ghét. Không thể nào chịu được hạng người tự phụ “cái gì tôi cũng biết” ấy! Xê-gan thì hớn hở. Người học trò anh là Pa-ven Ca-rơ-sa-ghin đã đập gãy Túp-ta ra trò về môn lịch sử Đảng. Phải, hai tháng qua thật đã không phí. Khi có được những kết quả như thế, người ta chẳng thấy tiếc sức. Có tin Giu-khơ-rai sang công tác ở Ban đặc biệt của Quân khu. Tại sao thế nhỉ? Mình chẳng biết nữa.

Xê-gan đã giao phó người học trò của anh cho mình.

Khi chia tay, anh nói: “Hãy làm cho xong công tác mà tôi đã bắt đầu ở đây nhớ. Đừng bỏ dở nửa đường. Ri-ta ạ, đối với chị cũng như anh ta, cả hai đều có những điều học hỏi lẫn nhau được. Chàng thanh niên ấy, chưa bỏ hẳn được tính bồng bột tự phát. Tình cảm anh ta sôi sục, khiến anh ta không tự chủ được và có thể đẩy anh ta đi chệch con đường đúng. Ri-ta ạ, theo chỗ tôi hiểu chị, chị sẽ là người hướng dẫn thích hợp nhất đối với Pa-ven. Chúc chị may mắn. Đừng quên viết thư về Mát-xcơ-va cho tôi nhé!”

Hôm nay, Trung ương phái Giác-ki đến làm bí thư mới của Quận đoàn Xô-lô-men-ca. Mình quen Giác- ki từ hồi ở bộ đội.

Ngày mai, Đu-ba-va sẽ dẫn Pa-ven đến giới thiệu với mình. Hình dạng anh chàng Đu-ba-va: vóc người tầm thước, khỏe, bắp thịt nở nang. Vào Đoàn thanh niên cộng sản từ 1918, vào Đảng từ 1920. Đấy là một trong số ba người đã bị khai trừ ra khỏi tỉnh đoàn vì thuộc “khối đối lập thợ thuyền”. Giúp Đu-ba-va học tập thật không dễ. Lần nào anh ta cũng phá kế hoạch, phóng ra nhiều câu hỏi quay mình, làm mình nói lạc ra ngoài đề. Giữa Ôn-ga I-u-rê-nê-va, cô học trò thứ hai của mình, và anh chàng Đu-ba-va, hay xảy ra cãi nhau. Ngay tối học đầu tiên, anh ta nhìn Ôn-ga suốt từ đầu đến chân, rồi nhận xét:

– Trang bị của bà không đủ lệ bộ, bà cụ non ơi! Bà thì phải mặc quần da, mang đinh ba, đội mũ kiểu Bu-đi-on-ny đeo kiếm vào, chứ ăn mặc như bà thì thật chẳng ra nạc, cũng chẳng ra mỡ.

Ôn-ga cũng không chịu lép. Mình phải can họ. Nếu mình không lầm thì Đu-ba-va là bạn Pa-ven. Thôi, hôm nay ghi thế này đủ rồi. Đi ngủ”.

*

Nóng như thiêu rang khô kiệt mặt đất. Tay vịn bằng sắt ở cầu bắc vắt ngang qua nhà ga, sờ vào nóng bỏng. Đoàn người dãi nắng mệt lử, uể oải bước lên cầu Họ không phải là hành khách. Phần đông là dân khu nhà bên đường sắt qua cầu sang bên phố.

Đứng trên đầu thang lên cầu, Pa-ven trông thấy Ri-ta. Ri-ta đã tới ga trước Pa-ven và đang nhìn hành khách xuống tàu.

Đến Cách Ri-ta vài ba bước, Pa-ven dừng lại. Ri- ta không trông thấy Pa-ven. Anh đứng ngắm Ri-ta với cặp mắt tò mò khác thường. Ri-ta mặc áo sơ-mi cộc tay kẻ dọc, bận váy xanh ngắn bằng vải thường, chiếc áo khoác ngoài bằng da mềm vắt lên vai, đầu không mũ, mớ tóc ngang ngược bao quanh lấy khuôn mặt rám nắng. Ri-ta đứng hơi ngả đầu về phía sau, nắng chói làm chị nheo mắt lại. Lần đầu tiên Pa-ven nhìn người bạn và người phụ đạo của mình bằng cặp mắt ấy, và cũng lần đầu tiên trong đầu anh nảy ra ý nghĩ: Ri-ta không phải chỉ là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, mà còn là… Giận mình đã có ý nghĩ “tội lỗi”, Pa-ven gọi giật Ri-ta:

– Tôi đứng suốt một tiếng đồng hồ nhìn Ri-ta, thế mà Ri-ta không trông thấy. Đến lúc đi rồi, tàu đã vào ga.

Hai người dẫn nhau đến lối ra ke.

Hôm qua, Tỉnh đoàn đã cử Ri-ta làm đại biểu đi dự hội nghị của một huyện đoàn. Pa-ven được cử đi phụ với Ri-ta. Hôm nay thế nào cũng phải lên xe lửa đi cho bằng được, chuyện đó không phải dễ. Thời buổi hiếm tàu xe đi lại, vào giờ tàu chạy, nhà ga do một ban xếp người lên tàu rất có uy quyền điều khiển, ai không có giấy của ban này không được bước ra ke. Tất cả các cửa ra vào đều có người của ban này đứng chắn. Tàu đầy ắp mà vẫn chỉ mới chở được một phần mười những người cần đi. Không ai muốn ở lại để chờ ngày nọ qua ngày kia, họa ra mới có một chuyến tầu khác. Hàng nghìn người vây các lối ra ke, cố chen ra tới những toa xanh. Nhà ga mấy ngày nay sống trong cảnh bị bao vây thật sự, đôi khi xảy ra ẩu đả. Pa-ven và Ri-ta định chen ra ke, nhưng không sao len được.

Vốn biết hết ngõ ngách ra vào, anh liền dẫn người bạn gái đi qua kho chứa hành lý.

Vất vả lắm, hai người mới đến được toa tàu số bốn. Anh công an đặc biệt, ướt đẫm mồ hôi đứng trước cửa xe, giữ cho đám đông khỏi chen lên. Anh nhắc đi nhắc lại có đến trăm lần:

– Tôi nói với đồng bào là toa chật ních rồi. Còn những chỗ nối toa vào mái tàu, lệnh trên cấm ngặt không được ai trèo lên cả.

Có những người hùng hổ xấn đến chỗ anh công an, ấn vào mũi anh những vé do ban xếp người phát cho họ đi toa số bốn. Trước toa tàu nào cũng có tiếng chửi rủa giận dữ, tiếng kêu la, xô đẩy nhau. Pa-ven hiểu là lên tàu theo lối thường thì không thể nào lên được Mà việc thì cần, không đi được thì hội nghị không thành mất.

Pa-ven kéo Ri-ta ra bên, trình bày kế hoạch hành động của mình. Pa-ven sẽ len vào trong toa, bỏ cửa kính xuống và kéo Ri-ta lên qua cửa sổ. Không có cách nào khác.

– Ri-ta đưa tôi chiếc áo da của Ri-ta, đấy là cái chứng minh thư tốt nhất.

Pa-ven khoác chiếc áo của Ri-ta lên người, nhét súng ngắn vào túi, cố ý để lòi báng súng và dây súng ra ngoài. Anh đặt túi lương ăn xuống chân Ri-ta, rồi lại chỗ toa xe. Pa-ven không nể nang ai, lấy cùi tay chen lấn đám hành khách, với được thành sắt bậc lên tàu.

– Này, đồng chí đi đâu?

Pa-ven ngoảnh lại nhìn người công an béo lùn.

– Tôi là người của Ban đặc biệt Quân khu. Tôi kiểm tra xem hành khách các đồng chí cho lên tàu có đủ vé của ban xếp người không. – Giọng Pa-ven không để cho ai mảy may ngờ vực uy quyền của mình.

Người công an nhìn túi Pa-ven, lấy tay áo lau mồ hôi trán và nói bằng một giọng hờ hững:

– Ừ đồng chí cứ việc vào mà kiểm tra, nếu đồng chí chen vào được.

Pa-ven chen lách bằng tay, bằng vai và có lúc bằng nắm tay, trườn lên vai người khác, rướn tay đánh đu lấy giá ghế trên; tiếng la chửi đổ lên đầu anh như mưa đá; chửi thì chửi, Pa-ven cũng len được vào giữa toa tàu.

“Quỷ tha ma anh đi đâu mà anh chen gớm thế hở cái nhà anh trời đánh thánh vật kia!”. Một mụ béo phị mắng Pa-ven khi anh giẫm chân lên đầu gối mụ ta. Mụ đã thu cái thân hình nặng hơn một tạ vào thành ghế dài ở hàng dưới, hai chân đang kẹp lấy cái bình đựng đầy bơ. Bình đựng nước, hộp đựng sữa, hòm, bao và thùng ngổn ngang các ghế dài. Không khí ngạt thở.

Đáp lời chửi rủa của mụ ta, Pa-ven hỏi:

– Bà cho tôi xem vé của ban xếp người!

Mụ phát khùng với nhà anh soát vé chẳng ai khiến ai cần đó:

– Cái gì?

Một cái đầu du côn từ ghế tầng ba thò xuống, và giọng ồ ồ rống lên:

– Vát-ca, nó là cái thứ gì mà đến đây nhiễu sự? Mày cho nó một vé vào mõm ấy!

Ngay trên đầu Pa-ven nhô ra một tên dáng chừng là Vát-ca: người nó lực lưỡng, ngực đầy lông, giương cặp mắt to như mắt bò mộng nhìn Pa-ven chòng chọc.

– Mày nhiễu sự cái gì với người đàn bà này? Mày hỏi vé gì?

Từ giá ghế bên, bốn đôi chân buông thõng xuống. Bốn tên ngồi sát nhau, thi nhau cắn hạt hướng dương lách tách. Rõ ràng đây là một bọn trộm cắp buôn lậu chợ đen. Pa-ven không có thời giờ gây chuyện với chúng. Phải đưa Ri-ta vào trong toa đã.

Pa-ven chỉ tay vào cái hòm gỗ đặt bên cửa sổ, hỏi một công nhân đường sắt đứng tuổi:

– Hòm này của ai đây?

Bác công nhân chỉ tay về phía hai cái chân to trùng trục, đi tất màu hạt dẻ:

– Của nhà chị này!

Phải kéo cửa kính xuống. Cái hòm chắn mất cửa, không chuyển đi đâu được. Pa-ven nâng hòm lên và đưa cho chủ nó đang ngồi ở giá ghế trên:

– Đồng bào giữ cho một chút để tôi mở cửa sổ.

Khi Pa-ven đặt chiếc hòm lên đùi mụ kia thì nhà mụ mũi tẹt ấy tru tréo lên:

– Cái nhà anh này sao lại mó vào đồ đạc của người ta?

Rồi mụ cầu cứu lão bên cạnh.

– Mốt-ca ơi! Cái nhà anh kia là ai mà đến đây làm nháo cả lên thế!

Tên gọi Mốt-ca ngồi giá ghế trên, chẳng buồn nhổm dậy, lấy chân đi dép nện vào lưng Pa-ven:

– Ê đồ muỗi tép kia! Xéo ngay không ông đập cho vỡ mặt bây giờ!

Pa-ven nín lặng chịu cái đạp. Anh cắn môi mở cửa và nói với bác công nhân đường sắt:

– Đồng chí lùi ra cho một chút.

Pa-ven dẹp một cái thùng ra bên để lấy chỗ, rồi đứng sát ngay cửa sổ. Ri-ta đã chờ ở ngoài, chị nhanh tay đưa cái túi cho Pa-ven. Pa-ven ném cái túi lên đùi mụ đang kẹp bình đựng bơ, rồi cúi xuống nắm tay Ri-ta kéo lên. Đồng chí Hồng quân trong đội tuần tra chưa kịp trông thấy và ngăn việc trái phép đó thì Ri-ta đã ở trong toa rồi. Đồng chí bộ đội chậm chạp ấy không làm sao được, chỉ còn cách càu nhàu bỏ đi. Thấy Ri-ta vào, lũ trộm cắp chợ đen nhao nhao lên, làm cho Ri-ta bối rối và lo ngại. Chị không có chỗ nào đặt chân, đành phải đứng lên mép giá ghế dưới, tay víu lấy chỗ vịn của giá ghế trên. Lời chửi rủa từ mọi chỗ dồn lại. Giọng ồ ồ ở phía trên phì ra:

– Rõ thằng đê mặt, nó đã lên rồi còn tha cả “mèo” lên nữa!

Một tên ngồi khuất đâu trên cao hết lên: “Mốt-ca! Cậu cho nó dăm quả tống cho tối mắt đi!”

Mụ mũi tẹt định đặt cái hòm gỗ lên đầu Pa-ven. Chung quanh toàn những bộ mặt ti tiện, hằn học. Pa-ven tiếc là Ri-ta có mặt ở đây, nhưng thế nào cũng phải thu xếp cho có chỗ ngồi.

– Này anh, cất hộ những bao ở lối đi đi, lấy chỗ cho nữ đồng chí này đứng. – Pa-ven nói với tên mà người ta gọi là Mốt-ca, nhưng nó đã đáp lại một câu thô tục bần thỉu làm cho anh sôi cả người lên. Anh cảm thấy tức tối, đau nhức trên mu mắt phải.

– Được mày chờ một chút, đồ du côn, mày sẽ biết tay tao – Pa-ven cố nén, nói với tên lưu manh như vậy, nhưng vừa dứt lời anh bị liền bị một cái đá vào đầu. Bọn chúng ở bốn chung quanh thét lên ầm ĩ:

– Vát-ca, cứ nện đi, cho nó nảy đom đóm mắt ra !

Bao nhiêu giận dữ từ nãy Pa-ven cố nén trong lòng bây giờ bật ra, và trong những lúc như thế này, cử chỉ của anh bao giờ cũng nhanh và quyết liệt.

– Bọn đầu cơ chó má, chúng mày tưởng có thể trêu được tao đấy phải không? – Pa-ven, tay bíu lấy giá ghế thứ hai, đánh đu lên như lò xo và giáng một quả đấm vào cái mặt đểu giả vênh váo của Vát-ca. Quả đấm mạnh làm tên con buôn đầu cơ ngã bổ nhào lên đầu những đứa khác, rồi lăn kềnh xuống lối đi.

“Bọn khốn nạn ! Bỏ ghế, cút ngay không tao bắn chết cả như chó ấy!” Pa-ven giận dữ quát lên, tay vung khẩu súng ngắn vào mặt bốn tên côn đồ.

Câu chuyện đã xoay ra chiều hướng khác. Ri-ta chăm chú theo dõi, sẵn sàng nổ súng vào bất cứ kẻ nào định chạm đến người Pa-ven. Trong nháy mắt ghế dài tầng trên đã quang hẳn. Lũ gian vội vã chuồn sang toa bên.

Khi Pa-ven đã đưa Ri-ta lên ngồi trên ghế đã quang người anh rỉ tai với Ri-ta:

– Ri-ta ngồi đây nhớ, để tôi đi thanh toán với bọn chúng.

Ri-ta ngăn anh lại:

– Pa-ven định đi đánh nhau với chúng đấy à?

Pa-ven nói cho Ri-ta yên tâm:

– Không, tôi sẽ về ngay.

Pa-ven lại mở cửa sổ và nhảy xuống thềm nhà ga. Vài phút sau, anh đã có mặt ở phòng làm việc của Bua-mây-stơ, cục trưởng Cục công an đặc biệt và là người phụ trách cũ của anh. Đồng chí Bua-mây-stơ là người Lét-tô-ni. Sau khi nghe Pa-ven kể, đồng chí hạ lệnh cho hành khách ra khỏi toa và kiểm tra lại giấy tờ của mọi người.

Bua-mây-stơ lẩm bẩm:

– Tôi nói y như rằng, tàu vào đến ga là đã đầy ắp bọn con buôn đầu cơ rồi.

Một đội công an đặc biệt gồm mười người đến kiểm soát toa tàu. Theo thói quen, Pa-ven giúp việc kiểm tra lại cả chuyến tàu. Tuy thôi công tác ở Cục công an đặc biệt, Pa-ven vẫn đi lại với các bạn mình ở đấy. Khi còn làm bí thư đoàn thanh niên đường sắt, anh đã đưa nhiều đoàn viên thanh niên cộng sản ưu tú vào công tác ở Cục công an đặc biệt. Kiểm tra xong, Pa- ven về chỗ Ri-ta. Toa tàu bây giờ đầy hành khách mới: những cán bộ đi công tác và các chiến sĩ Hồng quân.

Trên ghế tầng ba ở góc toa chỉ đủ chỗ cho Ri-ta thôi. Những bó báo đã choán hết chỗ.

Ri-ta nói:

– Không sao, rồi thế nào cũng thu xếp được chỗ ngồi.

Đoàn tàu chuyển bánh.

Nhìn qua cửa sổ, hai người lại trông thấy mụ lắm điều lúc nãy ngồi trên đống bao bì. Tiếng kêu của mụ vẳng lại: “Man-ca ơi, cái bình toong của tao đâu rồi ?”.

Ri-ta và Pa-ven ngồi ở một chỗ hẹp, những bó báo ngăn cách họ với những người bên cạnh. Hai người giở bánh mì và táo ra ăn một cách ngon lành, vui vẻ ôn lại câu chuyện chẳng lấy gì làm vui lắm vừa qua.

Xe lửa bò chậm chạp. Những toa tàu xộc xệch chở quá nặng, chạy lắc lư, bánh xe khô nghiến ken két và răng rắc, toa rùng mình nảy lên khi bánh lăn qua chỗ đường sắt nối. Trời nhá nhem, cảnh vật bên ngoài chìm trong màu xanh dày đặc. Rồi đêm tối giăng màn đen lên những khoang cửa sổ mở toang. Trong toa cũng tối như bưng.

Ri-ta mệt mỏi thiu thiu ngủ, đầu gối lên túi dết.

Pa-ven ngồi hút thuốc lá ở mép ghế, chân buông thõng xuống. Anh cũng mệt nhoài, nhưng không có chỗ đặt lưng. Gió hiu hiu đưa hơi đêm lạnh mát lọt vào cửa sổ. Tàu lắc mạnh, Ri-ta sực tỉnh. Nhìn thấy chấm đỏ ở đầu điếu thuốc của Pa-ven, Ri-ta nghĩ thầm: “Cậu Pa-ven ngồi mãi thế được cho đến sáng đấy. Đích là anh chàng ngại không muốn làm phiền mình đây”. Ri-ta nói giọng thương mến: “Đồng chí Pa-ven, bỏ những kiểu cách tư sản ấy đi, nằm xuống mà nghỉ!”

Pa-ven ngả mình bên cạnh Ri-ta và khoan khoái duỗi cặp giò đã mỏi tê.

“Mai chúng mình phải làm khối việc. Ngủ đi, ông tướng hay đánh nhau ạ”. Cánh tay Ri-ta ôm chặt lấy người đồng chí một cách tin cậy. Pa-ven cảm thấy làn tóc Ri-ta áp vào má mình.

Đối với anh, Ri-ta là thiêng liêng. Một người bạn thân, người đồng chí cùng chung lý tưởng, giảng viên chính trị của anh. Thế nhưng Ri-ta dù sao cũng vẫn là phụ nữ. Khi ở gần cầu đường sắt, anh cũng đã lần đầu tiên cảm thấy điều đó, cho nên cái ôm của người bạn gái hôm nay mới làm lòng anh xúc động đến thế. Pa-ven nghe thấy hơi thở mạnh và đều của Ri-ta; đôi môi Ri-ta ở đâu đây, gần lắm. Sự gần gũi đó như thúc giục, khêu gợi Pa-ven tìm đến đôi môi hấp dẫn ấy. Cuối cùng, Pa-ven phải dùng hết ý chí để nén lòng mình lại.

Hình như đoán biết tình cảm của Pa-ven, Ri-ta mỉm cười trong tối. Ri-ta đã từng trải qua niềm sung sướng trong tình yêu say đắm, cũng như nỗi kinh sợ khi tổn thất. Ri-ta đã yêu hai người bôn-sê-vích, và những viên đạn của bọn Nga trắng đã cướp mất của Ri-ta cả hai người. Một người to lớn, dũng cảm, tư lệnh một lữ đoàn. Còn người kia là một thanh niên có đôi mắt trong sáng.

Chẳng mấy chốc, tiếng bánh xe lăn đã ru ngủ Pa- ven. Mãi đến sáng, tiếng còi tàu rú lên mới đánh thức anh dậy.

*

Ri-ta khuya mới về nhà. Trong cuốn nhật ký ít khi mở ra, có ghi thêm mấy đoạn ngắn:

“11 tháng Tám,

Xong hội nghị, A-kim, Sum-ski và các đồng chí khác đã đi Khác-cốp để dự hội nghị toàn xứ U-cơ-ren. Mọi công việc hành chính đều trút lên đầu mình. Đu-ba- va và Pa-ven được đề bạt vào Ban chấp hành Tỉnh đoàn. Từ khi Đu-ba-va được phái đi làm bí thư Huyện đoàn Pê-séc thì không đến học tối nữa. Anh ta bận quá. Pa-ven còn cố tiếp tục học, nhưng lúc thì mình không có thời giờ, lúc thì Pa-ven bận đi công tác. Tình hình ngành đường sắt trở nên nghiêm trọng nên bên ấy phải ra lệnh động viên thường xuyên. Hôm qua, Giác-ki đến gặp mình tỏ vẻ không bằng lòng, vì bên mình đã lấy của anh nhiều người, anh ta kêu là số người đó cũng rất cần thiết đối với bên ấy”.

“23 tháng Tám,

Hôm nay, mình đang đi ngoài hành lang thì thấy Pan-cơ-ra-tốp, Pa-ven và một người lạ nữa đứng ở cửa phòng hành chính. Mình lại gần, nghe tiếng Pa- ven đang kể:

– Ở đấy toàn những quân đáng ăn đạn. Chúng dám nói: “Các anh không được phép can thiệp vào quyền hạn sử dụng của chúng tôi. Ở đây là do ủy ban vận chuyển gỗ làm chủ, chứ chẳng biết có đoàn Côm-xô-môn nào cả”. Mồm nó nói thế đấy, các cậu ạ. Lũ ăn hại nó nấp ở những chỗ ấy đấy chứ ở đâu.

Tiếp đó, Pa-ven buông lời chửi rủa rất tục, Pan- cơ-ra-tốp nhìn thấy mình, liền máy Pa-ven. Pa-ven quay lại thấy mình, mặt anh ta tái đi, không dám nhìn thẳng rồi lỉnh đi ngay. Chắc Pa-ven sẽ tránh đến đây gặp mình một dạo lâu cho mà xem. Pa-ven biết là mình không tha thứ cho ai hay nói tục”.

“27 tháng Tám,

Ban thường vụ họp kín. Tình hình trở nên phức tạp. Bây giờ thì chưa thể ghi mọi chuyện vào nhật ký được. Nhỡ lộ bí mật. A-kim ở huyện về, mặt mày buồn bực. Hôm qua, bên Chê-chê-rếp, bọn chúng lại làm trượt một chuyến xe chở lương thực xuống chân đường. Có lẽ đến bỏ không ghi nhật ký. Lâu nay chỉ ghi toàn những mầu chuyện vụn vặt. Đợi Pa-ven. Hôm trước thấy Pa-ven: Pa-ven đang cùng Giác-ki lập công xã năm người”.

*

Đang giữa trưa ở xưởng máy, người ta gọi Pa-ven đến dây nói. Ri-ta báo cho anh biết tối nay Ri-ta rỗi rãi có thể giảng cho xong vấn đề đang nói dở: “Nguyên nhân thất bại của Công xã Pa-ri”.

Tối hôm ấy, Pa-ven đến gần ngôi nhà phố Cơ-rúc U-ni-ve, ngước mắt nhìn lên cửa sổ phòng Ri-ta có ánh đèn. Pa-ven chạy lên thang gác và như mọi lần, lấy nắm tay đập cửa và không chờ trả lời, đã bước vào ngay.

Một cán bộ quân đội đang nằm trên giường Ri-ta; giường này các bạn Ri-ta không một ai được phép ngồi lên dù chỉ một chốc lát. Khẩu súng ngắn, cái xà-cột và chiếc mũ đính sao nằm trên bàn. Ri-ta ngồi bên cạnh, tay ôm chặt lấy người đàn ông kia. Hai người đang nói chuyện gì với nhau, sôi nổi lắm… Pa- ven vào, Ri-ta quay ra nhìn, mặt hớn hở.

Anh cán bộ quân đội gỡ tay Ri-ta ra và đứng dậy.

Ri-ta bắt tay Pa-ven và giới thiệu:

– Đây là…

Người đàn ông đó bắt tay Pa-ven rất chặt và đỡ lời Ri-ta:

– Tôi là Đa-vít Uốt-chi-nô-vích.

Ri-ta vừa cười vừa nói với Pa-ven:

– Anh ấy đến bất ngờ quá. Như hòn ngói rơi xuống đầu mình…

Cái bắt tay của Pa-ven thì lạnh nhạt. Đôi mắt anh ngầm nảy lửa. Anh còn kịp nhận ra trên tay áo cán bộ quân đội của Đa-vit có bốn gạch.

Ri-ta chưa nói, thì Pa-ven cướp lời ngay:

– Tôi chạy đến báo cho Ri-ta biết là hôm nay tôi bận tham gia dỡ gỗ ở ngoài bến. Để Ri-ta khỏi phải chờ tôi… Hơn nữa, hôm nay Ri-ta lại có khách. Thôi, tôi đi kẻo anh em đang đợi ở dưới chân thang.

Pa-ven đến một cách đột ngột và cũng đột ngột biến đi ngay. Tiếng chân anh chạy nhanh thoăn thoắt xuống cầu thang. Cửa đóng lại kêu đánh rầm một cái. Rồi lại im phăng phắc.

Trước cái nhìn ngạc nhiên của Đa-vít, Ri-ta nói một giọng không vững lòng lắm:

– Chắc anh ấy có chuyện gì đây.

…Dưới gầm cầu, chiếc đầu tàu thở hồng hộc, lồng ngực rắn chắc của nó phun ra hàng đàn đom đóm loé vàng. Vòng đom đóm muôn hình, muôn vẻ tung lên và tắt biến đi trong khói cuộn.

Pa-ven đứng dựa lưng vào lan can cầu, nhìn những đèn hiệu nhiều màu nhấp nháy trên ngã ba đường. Anh nhắm mắt lại.

Anh tự mình mỉa mai hỏi mình:

“Đồng chí Pa-ven ơi, dù thế nào đi nữa, không hiểu cớ sao đồng chí lại thấy lòng đau đớn đến như thế khi biết Ri-ta đã có chồng kia chứ? Có khi nào Ri- ta nói với đồng chí là Ri-ta chưa chồng đâu? Mà dù có nói chăng nữa, thì đã sao? Cớ sao đồng chí lại bực dọc? Thôi, xin đồng chí thân mến, đồng chí đã chẳng cho là giữa hai người chỉ có tình bạn, tình đồng chí cùng chung lý tưởng và chỉ có thế thôi đấy ư? Thế thì cớ sao đồng chí lại…? Và nhỡ người đó không phải là chồng Ri-ta? Đa-vít Uốt-chi-nô-vích có thể là anh hay là chú Ri-ta… Nếu như thế thì hóa ra, chàng ngố ạ, anh đã giận oan người ta. Rõ ràng đồng chí cũng chỉ là một đứa nhỏ nhen như những đứa đàn ông khác. Có phải anh Ri-ta hay không, chuyện đó cũng dễ biết thôi. Nhưng nếu là anh hay là chú, thì đồng chí sẽ ăn nói với Ri-ta ra sao về thái độ của mình? Không ! Từ nay trở đi, đừng có đến gặp Ri-ta nữa!”

(Uốt chi-nô-vích là tên họ của Ri-ta. Ở Liên Xô, cha con, anh em, chú cháu, vợ chồng đều lấy một tên họ trùng nhau. Nghe qua tên Đa- vít Uốt chi-nô-vích có thể hiểu là anh hay chú, và cũng có thể là chồng, cho nên Pa-ven thắc mắc)

Còi tàu rú lên, ngắt luồng ý nghĩ của Pa-ven. “Muộn rồi. Nghĩ vẩn vơ mãi ! Đã đến giờ về !”.

*

Ở xóm Xô-lô-men-ca (tên gọi khu công nhân đường sắt ở) năm thanh niên lập nên một tiểu công xã. Xã viên gồm có Giác-ki, Pa-ven, một thanh niên Tiệp tóc hoe, vui tính tên là Cơ-la-vi-sếch, Ô-cu-nhép và đồng chí A-chu-khin, bí thư chi đoàn đoạn đầu máy kiêm nhân viên Ban đặc biệt ngành đường sắt; cách đây không lâu, đồng chí ấy còn là thợ đốt lò ở xưởng trung tu đầu máy.

Họ kiếm được một căn phòng, rồi ba ngày liền, cứ đi làm về là họ lau chùi, quét tước, quét lại vôi. Tiếng xô xách nước loảng xoảng ầm ĩ khiến lắm lúc hàng phố tưởng là chữa cháy. Họ đóng phản nằm, lấy lá khô ngoài công viên nhồi vào bao làm đệm. Sang đến ngày thứ tư thì họ treo lên tường bức chân dung Pê- tơ-rốp-ski( Một cán bộ lâu năm của Đảng hồi đó làm Chủ tịch toàn U-cơ-ren) và một bản đồ lớn. Gian phòng bóng lộn, trắng tinh.

Giữa hai cửa sổ gian phòng là giá xếp đầy sách. Hai hòm gỗ không lót bìa dày thay nệm dùng làm ghế ngồi, hòm nữa to hơn làm tủ. Giữa phòng có kê một bàn bi-a thật rộng, do các xã viên lấy lưng ra khiêng đến: mặt bàn dạ lót màu xanh đã bị bóc đi rồi, bàn ấy ban ngày dùng làm bàn viết, ban đêm là giường ngủ của Cơ-la-vi-sếch. Tất cả của riêng tây của mỗi người đều đem đến đây. Cơ-la-vi-sếch tính rất tỉ mẩn, đã làm bản kiểm kê tài sản của công xã, định treo lên tường, nhưng bị anh em phản đối rầm rầm lại thôi. Trong phòng cái gì cũng thành của chung. Tiền lương tháng, thực phẩm được cấp phát và cả những quà bà con thân thích gửi cho đều đem chia đều. Chỉ có vũ khí thì được coi là của riêng mà thôi. Các xã viên nhất trí quyết nghị: ai vi phạm nội quy tài sản công cộng và bất tín với anh em thì bị khai trừ ra khỏi công xã. Ô-cu-nhép và Cơ-la-vi-sếch còn nèo ghi thêm: và bị đuổi ra khỏi nhà này.

Hôm ăn mừng thành lập công xã, tất cả cán bộ Đoàn ở khu phố công nhân đường sắt đều đến dự. Mượn hàng xóm được một ấm pha chè gộc và cho ra hết cả số đường dự trữ. Anh chị em làm xong tuần trà thì hát đồng ca vang lên.

Thế gian này nước mắt tràn đầyĐời chúng ta nhục nhằn, lao khổ.Nhưng rồi nhất định sẽ đến ngày…

Ta-li-a, nữ công nhân xưởng thuốc lá, chỉ huy ban đồng ca. Khăn trùm sợi đỏ tuột ra bên đầu, chị có đôi mắt của trẻ em tinh nghịch. Chưa ai được ghé sát nhìn gần vào cặp mắt ấy. Cái cười của Ta-li-a làm ai cũng vui lây. Cô thợ làm hộp này nhìn đời qua tuổi trẻ đang nở hoa, nhìn đời trên bậc thang của tuổi mười tám. Tay Ta-li-a đánh nhịp vung lên và điệp khúc vang như tiếng kèn đồng.

Bài ca ta bay xa, bay khắp bốn phươngNgọn cờ ta phấp phới khắp thế gian,Đấy là máu đào của ta rực cháyIn trên cờ đỏ thắm sáng chói…

Khuya lắm họ mới chia tay ra về. Tiếng hát chia tay vang lên rộn rã làm mất giấc hàng phố đang yên ngủ.

Giác-ki choài tay ra với ống nghe dây nói. Trong phòng đồng chí bí thư phụ trách này, anh chị em đoàn viên đứng chật, chuyện ồn ào. Giác-ki phải kêu lên:

– Các cậu ơi! Khẽ một chút, chẳng còn nghe thấy gì cả.

Tiếng chuyện trò hạ thấp hẳn giọng xuống.

– Tôi nghe đây. Đồng chí đấy à? Vâng, vâng. Ngay bây giờ. Chương trình họp à? Vẫn vấn đề ấy: vấn đề dỡ củi ngoài bến? Không, cậu ta không đi công tác đâu cả. Đang ở đây. Có muốn gọi cậu ta không? Được chờ nhé!

Giác-ki vẫy gọi Pa-ven:

– Nữ đồng chí Ri-ta Uốt-chi-nô-vích hỏi cậu.

Và anh chuyển ống nghe cho Pa-ven.

– Ri-ta cứ tưởng là Pa-ven không có đấy. May quá, tối nay Ri-ta không bận. Đến nhé. Hôm trước anh Ri-ta đi qua rẽ vào chơi, anh em đã hai năm nay mới gặp nhau đấy.

Hóa ra là anh Ri-ta!

Pa-ven không còn để tai nghe Ri-ta nói những gì nữa. Anh nghĩ đến buổi tối hôm ấy, nghĩ đến điều mà lòng anh đã quyết định lúc đứng trên cầu. Ừ, ngay hôm nay, phải đến gặp Ri-ta và tuyên bố cắt đứt. Tình yêu bắt phải nghĩ ngợi nhiều và gây ra khá là đau đớn cho lòng. Lúc này không phải là lúc nghĩ đến yêu.

Tiếng bên kia ống nói:

– Sao thế ? Pa-ven không nghe rõ Ri-ta nói phải không?

– Có đang nghe. Đồng ý. Họp xong sẽ đến.

Nói rồi, bỏ ống nói xuống.

*Pa-ven nhìn thẳng vào mắt bạn, tay bám chặt mép chiếc bàn gỗ sên và nói:

– Chắc chắn là tôi không thể tiếp tục đến với Ri- ta được nữa đâu.

Hàng lông mi dày của người bạn gái đập đập vào nhau. Chiếc bút chì trên tay đang lướt trên trang giấy bỗng ngừng lại và ngả xuống nằm yên trên cuốn vở để mở.

– Sao thế ?

– Thời giờ mỗi lúc một khó thu xếp quá. Ri-ta cũng biết đấy: càng ngày công tác càng gay. Bỏ học cũng đáng tiếc lắm, nhưng đành phải gác lại…

Pa-ven cảm thấy lời nói về cuối mình thiếu bề chắc chắn. Anh nghĩ thầm:

“Sao lại nói quanh thế Ra mi chẳng có can đảm lấy tay đấm thẳng một cái vào trái tim mi ư?”

Nghĩ thế, Pa-ven nói tiếp, giọng quả quyết hơn:

– Ngoài ra, từ lâu đã định nói với Ri-ta là Pa-ven nghe Ri-ta giảng thật ra không hiểu lắm đâu. Khi học với Xê-gan thì trong đầu nhớ được hết. Còn với Ri-ta thì Pa-ven học không có kết quả. Cứ mỗi lần nghe Ri-ta giảng xong, Pa-ven lại phải tìm đến hỏi đồng chí Tô-ca-rếp. Đầu óc Pa-ven chẳng chịu làm việc nữa. Ri-ta nên tìm một người học trò vào sáng dạ mà giúp thì hơn.

Và Pa-ven quay đi để tránh cái nhìn chằm chằm của bạn. Anh nói thêm, nhất quyết:

– Cho nên, chúng ta không nên tiếp tục làm mất thì giờ chung của cả hai người.

Pa-ven đứng dậy, chân nhẹ nhàng đẩy lùi chiếc ghế, mắt nhìn xuống đầu Ri-ta đang cúi gục; ánh đèn soi rõ mặt Ri-ta tái nhợt đi. Pa-ven đội mũ cát- két lên đầu:

– Thôi, từ biệt đồng chí Ri-ta nhớ. Tiếc rằng lâu nay đã làm phiền Ri-ta. Đáng lẽ phải nói với Ri-ta ngay từ lâu rồi. Đấy là lỗi của Pa-ven.

Ri-ta đưa tay ra bắt. Vẻ lạnh nhạt không ngờ của Pa-ven làm chị lặng đi. Chị chỉ còn nói được mấy tiếng:

– Pa-ven ạ, Ri-ta không oán trách gì Pa-ven hết. Ri-ta đã không làm cho Pa-ven hiểu Ri-ta, thì Ri-ta đành phải chịu lấy điều xảy ra hôm nay.

Chân Pa-ven bước ra nặng nề. Anh lặng lẽ khép cửa lại, rồi đi ra. Đến cổng, anh đứng lại suy nghĩ:

“Có lẽ nên trở lại chăng? Nói cho Ri-ta hiểu… Nói để làm gì cơ chứ? Để nhận một lời khinh bỉ đốp vào mặt và lại bước ra cổng như thế này ư? Không!”

Trên các ngả đường sắt vào nhà kho đoạn đầu máy, những toa tàu xơ xác, những đầu tàu lạnh ngắt nằm lổng chổng trông y như những bãi tha ma. Gió lùa vào thổi bay mù mạt cưa trong nhà kho chứa gỗ từ nay bỏ trống không.

Bọn phỉ của tên O-rơ-lích đang như thú dữ rình mồi quanh thị trấn. Chúng men theo những khe sâu, men theo các lối mòn trong rừng. Ban ngày lũ phỉ nghỉ chân trong những bản lân cận, náu mình trong nhà của bọn chủ trại nuôi ong giàu có, đêm đến chúng mò ra các ngả đường sắt, lấy nanh vuốt cào cấu bóc đi từng mảng đường ray; khi đã làm xong cái trò ghê tởm ấy, chúng lại bò về thu mình trong sào huyệt.

Thường có những chuyến tàu bị lăn nhào xuống chân dốc nền đường, những toa xe bật tung lên vỡ tan tành, đè bẹp gí những hành khách còn đang ngon giấc; những hạt lúa mì quý đổ vãi ra mặt đường, trộn lẫn với máu và đất.

Bọn phỉ tấn công những thị trấn thanh bình trong tổng. Đàn gà mái hoảng sợ, kêu quang quác, chạy túa ra khắp ngả. Một tiếng súng nổ vang trước ngôi nhà trắng của trụ sở Xô-viết tổng, nghe như những cành khô kêu răng rắc dưới chân người. Bọn phỉ cưỡi những con ngựa béo tốt, chạy sục sạo khắp bản làng, gặp người là chém ngay. Chúng vung kiếm vun vút, chém như bổ củi. Súng nổ thưa thớt: chúng còn để dành đạn.

Lũ phỉ hiện ra rất nhanh, rồi cũng biến đi rất nhanh. Bọn chúng có tai mắt rình mò khắp nơi. Những cặp mắt cú vọ ấy đã nhìn như xoáy vào trụ sở Xô-viết tổng mà lão thầy tu và bọn cu-lắc thường rình mò. Có những đường dây liên lạc vô hình từ đấy đến tận đám rừng rậm. Đạn dược, những súc thịt lợn tươi, những chai rượu mạnh xanh xanh đều được lén lút chở vào đấy. Cả tin tức cũng thậm thụt thì thầm truyền đến tai những tên tiểu đầu lĩnh, rồi qua một mạng lưới thông tin phức tạp hơn, đến tận tai tên trùm O-rơ-lích.

Đám phỉ này tất cả chỉ gồm vẻn vẹn độ hai ba trăm tay chuyên môn chặt đầu người, nhưng chia ra đến mấy toán hoạt động cùng một lúc ở hai ba huyện. Ta vẫn chưa tóm được chúng vì không sao theo dõi được chúng. Ban đêm, nó làm phỉ, ban ngày nó lại khoác áo nông dân hiền lành, loay hoay làm lụng ở sân, cho ngựa ăn và kéo tẩu thuốc. Đứng trước thềm nhà chúng nhếch mép cười thầm, đưa mắt lấm lét nhìn theo những đội kỵ binh tuần tra đi lùng dõi chúng.

Pu-dư-rếp-ski lâu nay mất cả nghỉ, mất cả ngủ: đồng chí đã chỉ huy cả trung đoàn của mình phi ngựa lùng khắp ba huyện. Đồng chí không biết mệt, kiên tâm lùng riết lũ giặc, đôi khi đã nắm được đuôi của bọn chúng.

Trong vòng một tháng tên phỉ O-rơ-lích phải rút bọn lâu la của nó ra khỏi hai huyện. Nó bị ép trong một vòng vây khép chặt đang giãy giụa.

Trong thành phố, dòng đời cứ trôi xuôi như thường lệ. Khắp năm khu chợ người lúc nhúc đông nghìn nghịt, tiếng huyên náo rào rào, ầm ĩ. Hai xu hướng ngự trị ở nơi đây: kẻ bán muốn bán giá cắt cổ, người mua muốn mua giá hời nhất. Bọn bịp bợm đủ loại tha hồ mà trổ tài đánh xoáy. Có đến hàng trăm dứa lùi lùi rình mò như một đàn rệp, cử chỉ nhanh thoăn thoắt, cứ nhìn mắt chúng, người ta có thể biết được đủ mọi tính tình, trừ bản chất làm ăn lương thiện. Cả lũ cặn bã của thành phố đều tụ tập ở đây như bu vào một đống phân với mục đích duy nhất: “xoay” của những ai lớ ngớ mới đến. Những chuyến tàu thưa chạy đến như khạc ra bên đường hàng đám người tay xách, lưng đeo nặng trĩu những bao với bị. Bọn họ đều đi đến các ngả chợ này.

Chiều tối, chợ nào cũng vắng tanh. Những phố buôn bán, những dãy cửa hàng tối om, trông chẳng khác gì những phố hoang. Họa hoằn mới có những tay cứng bóng vía ban đêm dám mạo hiểm đi vào khu phố chết này, nơi đây mỗi căn phố lặng ngắt đều như có quân bất lương nấp sẵn và sắp sửa xồ ra hăm dọa. Đêm đêm lại hay có tiếng súng nổ đánh đẹt một cái nghe như tiếng búa đập vào mảnh tôn, rồi có tiếng người kêu ú ớ, máu sặc trong họng. Và chờ cho đến lúc mấy anh công an ở các đồn gần đấy cùng chạy đến (họ không dám đi từng người một) thì ngoài cái xác người còn đang giãy chết ra chẳng còn thấy bóng một ai. Bọn giết người đã đi xa rồi và tiếng nổ làm những người còn đi chơi đêm lánh cho xa khu phố chợ. Phía trước là rạp chiếu bóng “Ô-ri-ông” ánh điện dãi trên đường phố và vỉa hè, công chúng đang chen chúc nhau ở đấy.

Trong rạp máy chiếu phim lẹt xẹt. Trên màn ảnh, những cặp tình nhân bất hạnh giết lẫn nhau, và mỗi lần phim đứt, người xem lại la ó dữ dội.

Ở khu trung tâm và ở các ngoại ô, cuộc sống xem ra như không đi chệch vết xe cũ, và ngay ở Tỉnh ủy, nơi đầu não của chính quyền cách mạng này, mọi sự vẫn trôi theo dòng thường lệ. Song đấy chỉ là vẻ yên tĩnh bề ngoài.

Cơn bão táp đang chín mùi, sắp nổ ra giữa thành phố.

Có nhiều kẻ biết cơn bão táp sắp đến: chúng là những kẻ từ các nơi kéo lên tỉnh, giấu không kín khẩu súng trường trong tà áo dài nông dân. Chúng còn là những đứa giả dạng làm bọn con buôn đầu cơ lương thực ngồi trên mái các toa xe lửa đến đây, đáng lẽ đi tới chợ, lại mang những bao bị ấy đến những địa chỉ mà chúng nhớ như in trong óc.

Bọn chúng thì biết rõ, còn các xóm thợ và ngay cả những người bôn-sê-vích thì lại không hay gì về cơn giông tố đang kéo đến gần.

Trong thành phố, chỉ có năm người bôn-sê-vích là nắm vững tình hình chuẩn bị làm loạn của lũ phản động.

Tàn quân Pết-lu-ra bị Hồng quân đuổi chạy sang nước Ba Lan trắng đã câu kết chặt chẽ với các phái đoàn nước ngoài ở Vác-xô-vi, chuẩn bị tham gia vào cuộc nổi loạn đã dự định.

Số tàn dư của các trung đoàn Pết-lu-ra được bí mật lập thành đội xung kích.

Bọn đầu sỏ phiến loạn của chúng cũng có bộ phận ở Sê-pê-tốp ca nữa, gồm bốn mươi bảy tên, phần lớn là những tên tích cực phản cách mạng mà trước đây ủy ban đặc biệt địa phương vì cả tin, nên đã tha bổng chúng.

Tổ chức này đo lão cố Vát-xi-li, lão chuẩn úy Vin- ních và lão võ quan của bọn Pết-lu-ra là Cu-mên-cơ cầm đầu. Hai đứa con gái lão cố, em và bố tên Vin- ních và cả lão Xa-mô-tư-nha đã len lỏi được vào ủy ban hành chính sở tại làm chân thư ký chép công văn, tiến hành do thám lượm tin cho chúng.

Bọn phiến loạn đã quyết định trong đêm khởi sự sẽ ném lựu đạn vào phân đồn công an biên phòng đặc biệt, đánh tháo tù và nếu có thể được thì chiếm nhà ga.

Giữa khu phố lớn, trung tâm của cuộc nổi loạn sắp tới chúng đang hết sức bí mật tập trung bọn sĩ quan lại. Trong khi đó thì bầy thổ phỉ cũng tụ tập ở những khu rừng lân cận ngoại ô. Từ những khu rừng ấy, chúng phái những tay chân tin cậy của chúng sang Ru-ma-ni và đến tận nơi báo cáo với đích thân Pết-lu-ra.

*Giu-khơ-rai làm việc ở ủy ban đặc biệt quân khu chống phản cách mạng. Đêm này nữa là sáu đêm ròng anh thức trắng chưa hề nhắm mắt lấy một phút. Anh là một trong năm người bôn- sê-vích biết rõ mọi chuyện. Giu-khơ-rai có cảm giác như người đi săn đã dõi thấy vết chân con thú dữ giữa lúc nó sắp nhảy xổ ra cắn.

(Ủy ban đặc biệt, một cơ quan vừa là công an, vừa là tình báo còn được gọi là công an đặc biệt nữa)

Song biết mà không thể kêu lên, không thể báo động được. Phải đập chết con ác thú. Có đập chết tươi nó, mới có thể yên ổn làm ăn được, đi đâu khỏi phải nơm nớp nhìn từng bụi rậm. Cần nhất đừng làm cho con thú dữ kia kinh động. Trong trận tử chiến này, chiến sĩ phải có trí sáng suốt, lòng kiên tĩnh và cánh tay vững mạnh mới đảm bảo được thắng lợi.

Ngày ấy, giờ ấy sắp đến nơi rồi.

Tại một nơi nào đó ở thành phố, trong ngóc ngách của tổ chức bí mật của chúng, bọn chúng đã họp kín với nhau quyết định: đêm mai.

Nhưng năm người bôn-sê-vích biết chuyện đã trù tính chặn trước. Không, phải ra tay ngay hôm nay, ngay đêm nay.

Lúc tối, một chuyến xe lửa bọc sắt lặng lẽ không kéo còi, từ từ chạy ra khỏi nhà ga, và xe vừa ra khỏi, cổng lớn nhà kho khép ngay lại, im ắng như không.

Các đường dây điện báo trực tiếp hối hả truyền những bức mật điện; những hàng chữ số đó bay đến đâu là bộ đội biên phòng ở đấy quên cả ngủ, tróc cho tiệt ổ thú dữ.

A-kim gọi dây nói cho Giác-ki.

– Các hội nghị chi bộ đã triệu tập xong chưa? Thế nào? Tốt. Đồng chí cùng với đồng chí bí thư Đảng ủy khu phố lại họp ngay nhớ. Vấn đề tiếp tế củi thế mà trầm trọng hơn ta tưởng đấy. Đến đây ta sẽ bàn – Giác-ki nghe xong câu nói nhanh, với giọng quả quyết của A-kim, vừa đặt ống nói xuống vừa càu nhàu:

– Vẫn vấn đề củi. Còn là điên đầu với nó.

Hai người bí thư Đảng và Đoàn từ trong chiếc xe của anh lái Lít-kê bước ra. Lên đến tầng hai, họ hiểu ngay không phải vấn đề củi.

Một khẩu súng máy “Mác-xim” nằm trên bàn giấy đồng chí phụ trách. Các chiến sĩ súng máy của đơn vị đặc công đang tíu tít chung quanh. Ngoài hành lang, những đảng viên và đoàn viên trung kiên của thành phố lặng lẽ đứng gác. Trong phòng làm việc của đồng chí bí thư Tỉnh ủy, cuộc họp bất thường của ban thường vụ sắp sửa kết thúc.

Đường dây từ ngoài phố mắc qua cửa sổ con nối với hai máy nói kiểu dùng khi hành quân.

Người ta thì thầm nói chuyện với nhau. Giác-ki gặp A-kim, Ri-ta và Mi-khai-lô ở trong phòng. Ri-ta mặc quân phục, như hồi còn làm chính trị viên đại đội: mũ Bu-đi-on-ny, váy ka-ki, thắt lưng đeo súng “Mô-de” nặng trĩu.

Giác-ki sửng sốt hỏi:

– Thế này nghĩa là thế nào?

Ri-ta nói cho anh biết:

– Tập báo động đấy, Giác-ki ạ. Chốc nữa, tất cả sẽ đến khu phố đồng chí. Có hiệu lệnh là tập hợp ở Trường Lục quân thứ năm. Anh chị em họp chi bộ xong thì cứ đến thẳng đấy ngay. Chủ yếu là tập hợp thế nào cho không ai để ý đến mình.

Im lặng bao trùm khu rừng “Học sinh quân”.

(Thời trước ở đây có trường “Học sinh quân” của chính phủ Nga hoàng nên gọi là rừng “Học sinh quân”)

Hàng cây sên đại thụ đứng yên không lay động. Mặt nước ao tù phủ đầy những mảng bèo đang yên ngủ. Những lối đi rộng kín cỏ. Giữa rừng, sau bức tường trắng cao là những tòa nhà của trường “Học sinh quân” trước kia, ngày nay là Trường Lục quân thứ năm của Hồng quân. Đêm đã khuya. Từng nhà trên không thắp đèn sáng. Đứng ngoài trông vào có vẻ tịch mịch lắm. Ai qua đây cũng tưởng trong mấy tòa nhà này mọi người đang ngủ say. Song nếu ngủ thì tại sao hai cánh cửa đúc bằng gang nặng trình trịch lại mở toang ra và ngoài của có hai đống đứng lù lù như hai con cóc khổng lồ thế ? Người ở khắp các ngả trong khu công nhân đường sắt kéo đến đều biết rằng có báo động đêm thì trong trường chẳng ai ngủ đâu. Từ những cuộc họp chi bộ Đảng, sau khi được nghe chỉ thị vắn tắt, họ liền đi thẳng đến đây, lẳng lặng, không trò chuyện. Họ đi từng người một hay từng đội, nhưng không quá ba người, trong túi người nào cũng có chứng minh thư trên đề “Đảng cộng sản bôn-sê-vích” hoặc “Đoàn thanh niên cộng sản U-cơ- ren”. Có chìa một trong hai giấy chứng nhận đó mới qua được hai cánh cửa đúc bằng gang này.

Trong phòng họp lớn, người đã đông. Gian phòng này thắp đèn sáng. Vải bạt che kín các cửa sổ. Những người bôn-sê-vích họp mặt ở đây nói đùa nhau rằng cách tập báo động này có vẻ công thức. Họ thản nhiên hút thuốc như không có chuyện gì xảy ra. Không ai cảm thấy có biến cả. Ai cũng tưởng tập hợp lại như thế chỉ là để kiểm tra tinh thần kỷ luật của các đơn vị công tác đặc biệt mà thôi. Song những cựu chiến binh dày kinh nghiệm hơn, vừa bước chân vào cổng trường Lục quân, đã cảm thấy ngay có một cái gì hoàn toàn không phải là tập báo động cả. Mọi việc đều tiến hành một cách quá lặng lẽ. Theo tiếng hô khe khẽ, từng trung đội học viên sĩ quan im lặng xếp thành hàng ngũ , và súng máy xách tay, họ tiến ra ngoài đường. Ở ngoài nhìn vào, không một ngôi nhà nào có chút ánh đèn.

Pa-ven đến gần Đu-ba-va, khẽ hỏi:

– Có gì nghiêm trọng không, Đu-ba-va?

Đu-ba-va đang ngồi ở thành cửa sổ, cạnh một cô con gái mà Pa-ven chỉ mới thoáng gặp ở nhà Giác-ki hôm kia. Nghe hỏi, Đu-ba-va vỗ vai Pa-ven nói đùa:

– Thế ra cậu lo mất hồn rồi à? Chẳng ngại gì đâu! Rồi chúng mình sẽ dạy cậu đánh nhau. À, cậu không quen cô này hay sao? – Đu-ba-va hất đầu chỉ về phía thiếu nữ kia: – Đây là cô An-na. Họ gì, mình không biết, còn chức vụ: phụ trách cơ sở tuyên truyền.

Thiếu nữ nghe lời giới thiệu tinh nghịch của Đu- ba-va, đưa mắt nhìn kỹ Pa-ven. Cô vuốt lại mái tóc tuột ra ngoài khăn quàng màu hoa cà.

Cặp mắt cô bạn mới bắt gặp mắt Pa-ven. Nhìn nhau không nói mấy giây. Đôi mắt cô bạn đen xanh, ánh lên, hơi kiêu kỳ dưới hàng mi dày mượt. Pa-ven quay sang nhìn Đu-ba-va. Cảm thấy mặt mình đỏ lên, Pa- ven bực mình cau mày và cố nhếch mép mỉm cười, hỏi cô bạn mới:

– Vậy thì trong hai đồng chí, ai là người đang tuyên truyền thuyết phục ai?

Giữa lúc ấy, trong phòng họp có tiếng ồn ào. Đại đội trưởng trèo lên ghế, hô lớn:

– Các đảng viên cộng sản thuộc đại đội thứ nhất! Sắp đội ngũ trong phòng này ! Mau lên, các đồng chí, mau lên !

Vừa lúc ấy, Giu-khơ-rai, đồng chí chủ tịch Ban chấp hành tỉnh và A-kim bước vào. Cả ba vừa mới tới đây. Gian phòng chật ních người đứng sắp thành hàng. Đồng chí chủ tịch bước lên chỗ đặt khẩu súng máy thường ngày dùng để tập, giơ tay lên, cất tiếng nói:

– Các đồng chí, hôm nay chúng ta họp nhau ở đây vì một công việc rất khẩn trương. Việc đó đòi hỏi một tinh thần trách nhiệm cao. Bây giờ thì tôi có thể nói ra điều mà hôm qua chưa thể nói được, vì đấy là một bí mật quân sự quan trọng. Đêm mai, trong thành phố này và các thành phố khác của U-cơ-ren sẽ nổ ra cuộc nổi loạn của bọn phản cách mạng. Thành phố đã đầy rẫy bọn võ quan trắng. Lũ phỉ đã tập trung quanh thành. Một bộ phận của bọn phiến loạn ấy đã chui vào tiểu đoàn thiết giáp của ta làm chân lái xe. Ủy ban đặc biệt của ta đã khám phá ra vụ này và hôm nay, chúng tôi huy động tất cả tổ chức Đảng và Đoàn thanh niên cộng sản tới đây để vũ trang đi dẹp phiến loạn. Tiểu đoàn cộng sản thứ nhất và thứ hai sẽ cùng phối hợp hành động với các đơn vị học sinh sĩ quan và Ban đặc biệt đã từng quen chiến đấu. Học viên sĩ quan đã đi trước rồi. Giờ đến lượt các đồng chí. Các đồng chí có mười lăm phút để nhận vũ khí và xếp đội ngũ cho xong. Đồng chí Giu-khơ-rai đây sẽ chỉ huy chiến đấu. Các đội trưởng sẽ nhận chỉ thị cụ thể ở đồng chí Giu-khơ-rai. Tôi thiết tưởng không cần nói nhiều với tiểu đoàn cộng sản ta đây về tính chất nghiêm trọng của giờ phút này. Cuộc phiến loạn sắp nổ ngày mai, chúng ta phải bóp chết nó ngay hôm nay.

Mười lăm phút sau, toàn tiểu đoàn đã vũ trang đầy đủ đội ngũ chỉnh tề đứng trong sân trường. Giu-khơ-rai đưa mắt nhìn những hàng người đứng im.

Đứng trước, cách hàng ba bước, hai người nai nịt gọn gàng: tiểu đoàn trưởng Mê-nhay-lô, vóc người to lớn, vốn làm nghề thợ đúc ở U-ran, và bên cạnh là A-kim làm chính ủy. Bên trái, những trung đội thuộc đại đội thứ nhất. Trước đại đội hai bước là đồng chí đại đội trưởng và đồng chí chính trị viên. Sau lưng họ, những hàng quân im lặng của tiểu đoàn cộng sản. Ba trăm tay súng.

Giu-khơ-rai ra hiệu lệnh:

– Đến giờ rồi! Tiến lên, bước!

Ba trăm chiến sĩ tiến bước vào các ngả phố vắng tanh.

Thành phố đang ngủ yên.

Tiểu đoàn dừng chân tại phố Lơ-vốp, ngay chỗ đối diện với phố Đi-cai. Bắt đầu hành động từ địa điểm này.

Các khối nhà đều bị bao vây một cách lặng lẽ. Cơ quan tham mưu đóng ngay trên thềm một cửa hiệu. Một chiếc ô-tô từ khu trung tâm đổ xuống, xuôi dọc con đường Lơ-vốp, đèn pha rọi lên hè phố. Chiếc xe đỗ xịch trước cơ quan tham mưu.

Anh thanh niên Guy-gô, con trai Lít-kê, lẩn này lái xe đưa cha tới. Cha anh là tư lệnh đơn vị bảo vệ thành phố. Ông nhảy xuống đường nói với con mấy câu vắn tắt bằng tiếng Lét-tô-ni. Chiếc xe lại nhảy chồm lên phía trước và trong nháy mắt đã biến vào lối rẽ sang phố Đơ-ni-tơ-rép. Guy-gô mắt nhìn không chớp, hai tay như gắn chặt vào tay lái, ngoặt sang phải, ngoặt sang trái.

Cái tính lái xe táo bạo của Guy-gô thế mà cũng có lúc được việc! Chẳng ai còn có ý muốn bắt phạt giam anh hai đêm vì cái tội cầm lái điên cuồng này nữa.

Và Guy-gô bay khắp phố phường như một trận cuồng phong.

Guy-gô đưa Giu-khơ-rai thoắt từ đầu này thành phố, trong nháy mắt đã vụt đến đầu kia thành phố, làm cho Giu-khơ-rai cũng phải khen:

– Guy-gô ạ, nếu đêm nay không chẹt phải ai thì mai cậu sẽ được thưởng một chiếc đồng hồ vàng.

Guy-gô mừng quýnh, đáp lại bằng giọng Lét-tô- ni lơ lớ của anh:

– Em thì cứ tưởng là em đến phải ngồi tù mười ngày vì cái tội lái bạt mạng này mất.

Những đòn đầu tiên nhằm giáng vào tổng hành dinh bọn phiến loạn. Những tên bị bắt và những tài liệu thu được đưa ngay đến Ban đặc biệt.

Trên phố Di-cai, ở ngõ cũng mang cái tên lạ lùng ấy tại nhà số 1 có một đứa tên là Xuy-béc. Căn nhà nó ở có cửa sổ nhìn ra một khu vườn, vườn này chỉ cách có bức tường ngăn với ngôi nhà trước kia là nhà tu kín. Lúc quân ta đến thì căn nhà không có ai ở đấy. Láng giềng nói là hôm ấy Xuy-béc không về nhà. Khám trong nhà thì thấy có một hòm lựu đạn cùng với bản danh sách có kèm địa chỉ. Đồng chí Lít-kê hạ lệnh phục kích sẵn ở những địa chỉ ấy, còn mình thì đứng lại bên bàn một phút xét qua những tài liệu tìm được.

Người đứng gác ở trong công viên là một học viên sĩ quan trẻ tuổi. Cậu ta trông thấy rõ cửa sổ có ánh sáng. Đứng ở trong góc này, có một mình thôi, chẳng thú tí nào; cậu thấy ngài ngại. Người ta ra lệnh cho cậu gác bức tường bao phủ khu vườn. Nhưng từ chỗ tường đến chỗ ánh sáng yên ổn ở cửa sổ kia còn xa lắm. Hơn nữa, mặt trăng quái ác kia lại cứ bị mây che mờ luôn. Trong bóng tối, bụi cây nào cũng như có người trong ấy. Cậu học viên sĩ quan lấy lưỡi lê dò dẫm quanh mình: chẳng có gì cả.

“Sao lại đặt mình gác ở đây? Tường cao thế thì ai mà leo vào được kia chứ. Thôi mình lại gần cửa sổ ngó vào xem cái đã !”. Nghĩ thế, cậu ta nhìn đầu tường cao chót vót một lần nữa, rồi bước khỏi góc tối sặc mùi ẩm mốc ấy. Cậu dừng lại bên cửa sổ một lát. Đồng chí Lít-kê thu nhặt nhanh những giấy tờ và định bước ra khỏi phòng. Giữa lúc đó trên đầu tường hiện ra một bóng đen. Bóng đen đó từ trên tường nhìn thấy rõ người đứng gác trước cửa sổ và cả người đang đứng ở trong phòng. Nhẹn như một con mèo, nó chuyền sang một ngọn cây rồi bò xuống đất, rón rén đến chỗ anh lính gác, tay nó vung lên và anh học viên sĩ quan quỵ xuống. Lưỡi đoản kiếm cắm phập vào cổ người gác lút đến tận cán.

Tiếng súng nổ giữa khu vườn đập vào tai các chiến sĩ đang vây quanh khu phố như một luồng điện giật.

Sáu người lộp cộp chạy đến.

Đồng chí Lít-kê đã chết, xác ngã trong chiếc ghế bành, đầu đẫm máu gục trên bàn. Kính cửa sổ vỡ toang. Kẻ địch không có thời giờ lấy lại tài liệu.

Tiếng nổ tới tấp vang lên ở chân tường khu nhà tu kín. Hung thủ đã nhảy ra phố và chuồn về khoảng đất trống ở đường Lu-ki-an, vừa chạy hắn vừa bắn trở lại. Nhưng thoát sao được: một viên đạn của ta đã bắn theo trúng.

Khám xét suốt đêm. Hàng trăm người không có tên trong danh sách hộ khẩu, nhưng có vũ khí và những tài liệu khả nghi trong người, đã bị giải đến Ban đặc biệt, ở đây có bộ phận chuyên môn tra xét.

Ở một vài chỗ bọn phiến loạn đã dùng vũ trang kháng cự. Ở phố Gi-liên, đồng chí An-tô-sa bị chúng bắn chết giữa lúc ta đang khám xét một nhà.

Tiểu đoàn Xô-lô-men-ca đêm ấy mất đi năm chiến sĩ. Ban đặc biệt mất đồng chí Lit-kê, lão đồng chí bôn-sê-vích, người lính gác trung thành và mẫn cán của nước cộng hòa.

Âm mưu phiến loạn đã bị chặn đứng.

Cũng đêm ấy Ở Sê-pê-tốp-ca, lão cố Vát-xi-li, hai con gái và cả bè lũ nhà hắn đã bị bắt.

Tình thế nguy ngập đã dịu dần.

Song một kẻ thù mới lại đe dọa thành phố : thiếu củi, đường xe lửa bị tê liệt, và tiếp sau đó là giặc đói và giặc rét.

Bánh mì và củi sẽ quyết định tất cả.

Bình luận