Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thép đã tôi thế đấy

Chương III

Tác giả: Nikolai A.Ostrovsky

Tô-nhi-a đứng trước cửa sổ mở rộng. Cô đưa cặp mắt chán ngán nhìn xuống vườn nhà, nhìn những cây bạch dương quanh vườn mảnh dẻ rung rinh trong gió nhẹ. Cái vườn trông quen thuộc quá. Cô khó mà tưởng được mình xa nhà thế mà đã một năm rồi. Cô có cảm tưởng như mình mới từ giã những nơi quen biết từ thuở bé này chỉ mới hôm qua thôi và sáng nay lại đi tàu sớm trở về nhà.

Không có gì thay đổi cả: những khóm dâu tây vẫn tỉa xén kỹ, lối đi trong vườn vẫn thẳng tắp, như lấy thước mà kẻ, hai bên vẫn trồng giống hoa tử lan mà mẹ Tô-nhi-a rất ưa. Chỗ nào cũng nhìn thấy bàn tay thích bày vẽ rởm của nhà kiểm lâm uyên bác. Và Tô- nhi-a nhìn những lối đi kẻ thẳng sạch trơn quá ấy thấy chán mắt.

Tô-nhi-a lấy quyển truyện đọc dở, mở cửa thông ra hàng hiên, đi qua vườn, đẩy cánh cửa nhỏ có quét sơn, rồi lững thững đi về phía hồ nhà ga gần cột chứa nước.

Qua cái cầu nhỏ, cô đi ra đường cái đẹp như một lối đi trong vườn. Bên phải là hồ, quanh bờ trồng dương liễu và một vườn thùy liễu rậm rạp. Bên trái bắt đầu khu rừng.

Tô-nhi-a định đến chỗ mỏ đá cũ, nhưng, chợt nhìn thấy một chiếc cần câu đang rung rung mé dưới một lùm cây ven hồ, cô liền dừng bước.

Leo lên đứng níu một cây liễu cong, cô lấy tay vạch cành liễu ra thì thấy một cậu da mặt rám nắng, chân đi đất quần xắn quá đầu gối. Bên cạnh có một hộp đựng mồi bằng sắt tây gỉ. Cậu ta mải câu cá, không để ý đến Tô-nhi-a đang nhìn chằm chặp vào mình:

– Ở đây cũng có cá cơ à?

Pa-ven bực mình quay lại.

Một cô gái không quen biết, đứng níu lấy thân cây liễu đang cúi sát xuống mặt nước. Cô ta mặc áo trắng kiểu lính thủy, cổ viền xanh có vạch trắng, váy ngắn màu xám sáng, tất kẻ sọc khít vào đôi gót chân thon nhỏ rám nắng, giày xinh xinh màu hung. Làn tóc màu hạt dẻ tết thành búi trong chiếc mũ cói to vành.

Tay Pa-ven cấm cần câu hơi run lên, cái phao bằng lông ngỗng chúi đầu một cái, làm nổi nhũng làn sóng khoanh tròn chạy tỏa ra trên mặt nước gờn gợn. Tiếng ai ở phía sau kêu lên hồi hộp:

– Cắn câu rồi ! Anh trông, cá cắn câu…

Pa-ven luống cuống giật mạnh cần câu. Nước bắn tung tóe mà chỉ thấy lưỡi câu quay quay với cái mồi không.

“Chà ! Bữa nay đi câu xúi quầy. Quỷ xui con bé đến ám mình !” Pa-ven phát cáu nghĩ vậy, và để giấu nỗi lúng túng, cậu lại ném câu ra xa, giữa hai đám bèo tai trâu, chính chỗ ấy lại không nên ném câu vào vì lưỡi câu dễ mắc vào rễ cây.

Pa-ven không buồn quay lại, môi mím chặt, nói càu nhàu về phía cô gái đang ngồi ở trên kia:

– Cô đứng trên nói léo nhéo cái gì thế ? Làm chạy hết cá của người ta.

Câu trả lời đốp ngay xuống có vẻ chế giễu:

– Nhưng cá nó chạy từ lâu rồi. Cái bộ anh câu thế cũng đủ làm nó chạy hết. Với ai lại đi câu cá giữa trưa như thế này? Không biết câu cũng đòi câu!

Từ nãy đến giờ Pa-ven cũng định giữ mồm giữ miệng cho lịch sự, song bây giờ không nhịn được nữa. Cậu đứng vùng dậy, kéo sụp mũ xuống trán, tính cậu hễ cáu là làm như thế, rồi cố chọn những tiếng nhã nhặn nhất:

– Cô làm ơn ra chỗ khác đứng cho ạ.

Mắt Tô-nhi-a hơi nheo lại, thoáng nụ cười tinh nghịch:

– Tôi làm rầy anh lắm có phải không?

Giọng nói nghe không có vẻ chế nhạo nữa mà thân mật muốn làm lành. Pa-ven đang sắp sửa nói cục cằn với “cô ả” không biết từ đâu đến này, nghe cô ta nói thế cũng khống cáu được nữa.

– Thôi, cô muốn xem thì cứ xem, chỗ rộng ai muốn đứng đâu thì đứng.

Pa-ven ngồi xuống, và lại nhìn phao. Bấy giờ phao cứ quanh quẩn trong đám bèo: chắc là mồi móc vào rễ bèo rồi. Cậu do dự không dám kéo lên.

“Nếu mắc thì không còn cách nào rút về nữa. Chắc con bé kia thế nào cũng sẽ lại cười mình. Mình chỉ mong nó xéo đi cho rảnh”.

Pa-ven nghĩ bụng thế. Nhưng Tô-nhi-a đã ngồi gọn trên thân liễu cong đang lắc lư, đặt sách lên gối, rồi bắt đầu chăm chú nhìn cậu bé mắt đen, da rám nắng kia. Cậu ta đã tiếp đón cô chẳng niềm nở mấy và bây giờ lại làm ra bộ không chú ý gì đến cô cả.

Pa-ven nhìn xuống mặt nước, thấy in rõ bóng người con gái đang ngồi. Cô ta cứ đọc sách còn Pa-ven từ từ gỡ dây câu bướng bỉnh về. Chiếc phao chìm dưới nước: dây mắc rễ kéo không ra. “Lưỡi câu khốn kiếp lại mắc mất rồi?”. Pa-ven liếc nhìn thấy dưới mặt nước hơi gợn sóng có bóng người mỉm cười chế nhạo.

Hai gã thanh niên, học trò lớp bảy, đi qua cầu, cạnh cột nước. Một đứa là con lão kỹ sư quản đốc sở đầu máy xe lửa tên là Xu-khác-cô; hắn năm nay mười bảy tuổi, to xác nhưng ngô nghê và nổi tiếng vì tính đểu giả. Tóc hắn hơi vàng hoe, mặt đầy tàn nhang. Ở trường, bạn bè thường gọi chế hắn là thằng “Sua- ca rỗ mặt”. Đi bên cạnh hắn là thằng Vích-to, con lão Lê-sinh-ski, õng ẹo y như con gái. Thằng Xu-khác- cô tay cầm một chiếc cần câu rất sang, miệng phì phèo thuốc lá. Hắn ghé vào tai thằng Vích-to vừa nói, vừa nháy:

– Tao vẫn bảo mày là con bé nó ngon như một thứ nho hộp ấy, ở đây cấm con nào bì với nó được. Rất lãng mạn nhớ. Nó học lớp sáu ở Ki-ép. Hiện về nghỉ hè ở nhà ông cụ làm chánh kiểm lâm. Bạn chơi với con Li-da em gái tao. Tao đã gửi cho nó một mẩu thư, văn rất kêu. Đại khái: “Yêu em say đắm, anh tha thiết chờ đợi thư em trả lời”. Tao lại nhét vào đấy mấy câu thơ thuổng được ở một bài thơ của thi sĩ Nát-xôn rất ăn giọng, mày ạ.

Vích-to tò mò hỏi:

– Thế rồi kết quả ra sao?

Xu-khác-cô hơi lúng túng, đáp:

– Ừ, nó cũng làm cao, màu mè bảo tao “đừng viết thư làm gì cho phí giấy”. Song con gái đứa nào mới đầu chẳng thế. Mày không lo. Cái khoản yêu này thì tao cáo già. Song tao cũng chẳng thiết mất thì giờ tán tỉnh nhũng nhẵng mãi làm quái gì. Tối đi vào xóm xưởng sửa chữa tàu chơi gái thú hơn. Vứt ra ba rúp là có một con nhan sắc làm rỏ dãi ra rồi. Mà nó lại chẳng có đủng đỉnh làm cao gì cả? Tao vẫn đi chơi với lão Van-ca Chi-khô-nốp đấy. Lão ta làm đốc công xe lửa ấy mà, mày có biết không?

Vích-to bĩu môi có vẻ khinh bỉ:

– Mày cũng đi chơi trò nhơ bẩn ấy, hở Sua-ca?

Xu-khác-cô nhằn nhằn mẩu thuốc lá, rồi buông giọng mỉa mai:

– Xin ông đừng làm bộ, làm tịch nữa. Ông tưởng con không biết ông để thời giờ của ông làm gì đấy…

Vích-to ngắt lời hỏi:

– Thôi, thế mày giới thiệu tao với con bé kia nhá?

– Tất nhiên, ta lại nhanh không nó đi mất. Sáng hôm qua nó cũng đi câu ở đây.

Hai thằng lại gần Tô-nhi-a. Xu-khác-cô rút điếu thuốc đang ngậm ra, gập người lại cúi chào:

– Chào cô Tô-nhi-a Tu-ma-nô-va ạ. Cô ra đây câu cá?

Tô-nhi-a đáp lại:

– Không, tôi chỉ xem người ta câu thôi.

– Cô chưa biết anh Vích-to Lê-sinh-ski nhỉ. – Xu- khác-cô vừa hấp tấp nói vừa cầm tay Vích-to. – Xin giới thiệu đây là anh bạn tôi, Vích-to con cụ Lê-sinh-ski.

Vích-to ngượng ngùng chìa tay ra bắt tay Tô-nhi-a.

Xu khác-cô cố bắt chuyện:

– Sao hôm nay cô không đi câu?

Tô-nhi-a trả lời:

– Tôi không mang cần câu đi.

Xu khác-cô vội nói:

– Cô để tôi đi kiếm một cái nữa cô dùng. Giờ mời cô tạm lấy cần câu của tôi, tôi xin đi kiếm cái khác về ngay.

Xu-khác-cô đã giữ được lời hứa giới thiệu Vích-to với Tô-nhi-a và bây giờ định bày mẹo để Vích-to ở lại một mình với Tô-nhi-a. Nhưng Tô-nhi-a trả lời:

– Thôi anh ạ, ta sẽ làm phiền người khác. Ở đây đã có người câu rồi.

Xu khác-cô hỏi ngay:

– Phiền ai cơ? À, thằng nhãi ấy ư? – Mãi bây giờ hắn mới nhìn ra Pa-ven đang ngồi câu ở bụi cây. – Chà ! Thằng ấy để tôi ra đuổi nó cút đi ngay trong nháy mắt.

Tô-nhi-a chưa kịp ngăn lại, thì Xu-khác-cô đã chạy xuống chỗ Pa-ven đang câu. Hắn bảo Pa-ven:

– Thằng kia, cuốn cần câu của mày xéo ngay, đi!

Thấy Pa-ven vẫn cứ ngồi yên tiếp tục câu, nó lại quát thêm:

– Đi, đứng lên ngay, cút mau!

Pa-ven ngẩng đầu lên nhìn Xu-khác-cô, cái nhìn chẳng lành gì.

– Im mồm! Làm gì mà nhắng lên thế?

Thằng kia phát khùng lên:

– Cái gì, mày lại dám lôi thôi với ông à? Đồ ăn mày! Xéo!

Nói rồi nó lấy mũi giày đá hất tung hộp mồi của Pa-ven rơi tõm xuống hồ. Nước bắn tung tóe lên cả mặt Tô-nhi-a. Tô-nhi-a kêu lên:

– Anh Xu-khác-cô ơi! Anh bất lịch sự thế mà không biết thẹn à?

Pa-ven đứng phắt dậy. Cậu biết hắn là con lão quản đốc sở đầu máy xe lửa. A-rơ-chom làm việc dưới quyền bố nó. Nếu bây giờ mình động đến đồ mặt bệu này thì nó sẽ mách bố nó và việc này thế nào cũng sẽ lôi thôi đến anh A-rơ-chom. Đấy là lý do duy nhất làm Pa-ven nén được giận không xô lại ngay.

Xu-khác-cô sợ Pa-ven choảng mình, liền xông lại lấy hai tay túm ngực Pa-ven đẩy xuống hồ. Pa-ven loạng choạng người khoa tay lên trời, bị giúi về phía sau, nhưng lại đứng vững được ngay.

Xu-khác-cô lớn hơn Pa-ven hai tuổi, nổi tiếng là tay ngổ ngáo thích đánh nhau.

Bị huých vào ngực, Pa-ven nổi xung lên:

– À, mày định chơi nhau phải không? Được ông cho mày biết tay ngay!

Pa-ven thoi cho nó một quả đấm tay phải vào giữa mặt và không để nó kịp hoàn hồn đã túm ngay áo nó, lôi đi kéo xệch xuống nước.

Xu-khác-cô bị dìm xuống hồ ngập nước đến đầu gối, đôi giày bóng loáng và cái quần bảnh ướt sũng. Hắn cố hết sức gỡ khỏi hai tay Pa-ven siết chặt. Nhưng Pa-ven đã đẩy nó ngã xuống nước, rồi nhảy tót lên bờ.

Xu-khác-cô tức điên người, hầm hầm xông lên, chực xé Pa-ven ra từng mảnh.

Pa-ven quay lại nhanh như cắt đối phó với kẻ thù.

Anh sực nhớ đến bài quyền của Giu-khơ-rai dạy: “Xuống tấn chân trái, hơi duỗi chân phải, không phải chỉ đấm bằng sức tay, mà lấy cả sức người, nhè quai hàm mà đấm móc lên”.

Ră…ă…ắc..c !…

Tiếng răng rập vào nhau, Xu-khác-cô bị tống vào quai hàm và cắn phải lưỡi đau điếng người, kêu ôi ối, tay chới với và lăn phịch xuống nước.

Trên bờ Tô-nhi-a cười ngặt nghẽo, vỗ tay reo lên:

– Hoan hô ! Hoan hô! Đánh cừ thật!

Pa-ven nắm lấy cần câu, giật mạnh, giằng chiếc lưỡi câu còn mắc, rồi nhảy tót lên đường cái.

Đi khỏi, Pa-ven còn nghe tiếng thằng Vích-to nói với Tô-nhi-a:

– Nó là thằng Pa-ven con nhà Ca-rơ-sa-ghin, đồ du côn có tiếng !

Mối lo ngại bao trùm lấy khu nhà ga. Tin đồn truyền đi rằng: thợ xe lửa trên đường sắt này đã bắt đầu bãi công. Bãi công bắt đầu từ công nhân đoạn đầu máy thuộc ga lớn bên cạnh. Bọn Đức bắt hai người thợ máy bị tình nghi mang truyền đơn kêu gọi đấu tranh. Những anh em công nhân có gia đình ở nông thôn thì căm phẫn sôi sục vì bọn Đức tịch thu lương thực và bọn đại địa chủ đã theo giặc trở về chiếm lại ấp trại cũ của chúng.

Ở nông thôn, bọn cảnh binh thuộc giống Cô-dắc quý phái của bọn đầu lĩnh Nga trắng quất roi ngựa lên lưng nông dân. Trong vùng này đã có đến chục đội du kích nông dân do những đảng viên bôn-sê- vích tổ chức.

Giu-khơ-rai đã không để phí thời giờ. Từ ngày đến ở thành phố này, anh đã làm được một khối công tác lớn. Anh đã quen được với nhiều công nhân xe lửa, thường đến dự các tối vui của những thợ trẻ và đã tổ chức được một nhóm trung kiện gồm những thợ nguội sở đầu máy xe lửa và thợ xẻ máy cưa. Anh đã thử dò cả A-rơ-chom, hỏi đến thái độ anh ta đối với Đảng bôn-sê-vích và hoạt động.của Đảng. Người thợ nguội lực lưỡng ấy đã trả lời anh ấy rằng:

“Anh Giu-khơ-rai ạ, về tất cả mớ đảng phái đó, tôi không hiểu gì lắm. Nhưng nếu cần giúp đỡ một tay, tôi luôn luôn sẵn sàng. Anh có thể tin ở tôi”.

Giu-khơ-rai cho A-rơ-chom trả lời thế cũng được rồi: anh biết A-rơ-chom là người có cảm tình đối với Đảng và nếu đã nói thì làm. Nhưng cũng thấy rõ là anh ta giác ngộ chưa chín đến mức độ có thể kết nạp vào Đảng được. Giu-khơ-rai nghĩ thầm: “Không hề gì, trong lúc phong trào như thế này, cậu ấy rồi sẽ đến với Đảng”.

Giu-khơ-rai thôi việc ở sở máy điện, sang làm ở sở đầu máy xe lửa. Làm ở đây thuận tiện cho hoạt động hơn. Vì ở sở điện thì xa phong trào đường sắt quá.

Xe đi lại trên đường sắt dạo này rất dồn dập. Bọn Đức chở về Đức hàng nghìn toa đủ các thứ chúng cướp bóc được ở U-cơ-ren: lúa mì, lúa mạch, gia súc….

Thật không ai ngờ, bọn vệ binh nguỵ ập đến bắt Pô-nô-ma-rên-cơ, người làm điện báo ngoài ga. Chúng đánh đập dã man bác ta ở bộ chỉ huy Đức. Chắc vì thế mà bác đã khai ra công tác tuyên truyền ở sở đầu máy xe lửa do Rô-man Xi-đô-ren-cô, một người bạn của A-rơ-chom phụ trách.

Hai tên Đức và một thằng ngụy phó tư lệnh quân quản nhà ga, người U-cơ-ren, ập đến bắt Rô-man giữa lúc anh đang làm việc. Một tên lính ngụy sấn đến bàn nguội của Rô-man, chẳng nói chẳng rằng, quất roi vào mặt anh. Nó quát:

– Thằng khốn kia, đi theo chúng ông ngay! Cứ đến đấy rồi sẽ nói chuyện. – Nó nhếch miệng nhăn răng một cách thảm hại, rồi nắm lấy tay áo Rô-man: Cứ đến chỗ chúng ông rồi tha hồ mà “tuyên truyền”!

A-rơ-chom đang làm việc ở bàn bên cạnh, thấy vậy nên bỏ giũa xuống bàn; thân hình cao lớn của anh sấn đến chỗ tên ngụy. Cố nén nỗi tức giận, giọng anh bật ra như gầm lên:

– Sao mày dám đánh người ta, hở đồ chó?

Tên ngụy lùi lại, mở bao da, rút súng ngắn. Tên lính Đức thấp lũn cũn, trật súng khỏi vai, nhằm anh, lên quy-lát lách cách, và sủa lên:

– Đứng lại!

Nó lăm lăm chĩa súng, đợi anh nhúc nhích là bắn liền.

Người thợ cao lớn đứng ngây ra bất lực trước tên lính Đức loắt choắt. Không thể làm gì được nó.

Chúng bắt cả hai đi. Một giờ sau, A-rơ-chom được tha, còn Rô-man thì bị nhốt vào hầm giam.

Chỉ mươi phút sau, cả sở đầu máy bỏ việc, công nhân tập trung ở vườn hoa nhà ga. Thợ bẻ ghi và các thợ khác làm việc ở các kho vật liệu cũng hưởng ứng theo. Phẫn nộ đến cùng cực. Người ta đưa ra yêu sách – do một người nào đó thảo ra – đòi thả ngay Rô-man và Pô-nô-ma-rên-cơ.

Lòng căm phẫn càng tăng khi tên ngụy lúc nãy dẫn một lũ vệ binh phi ngựa đến vườn hoa. Tay nó khoa khẩu súng ngắn dọa dẫm.

– Nếu các ngươi không trở lại làm việc, chúng tao sẽ bắt giam hết ngay lập tức bây giờ. Sẽ cho nhiều đứa úp mặt vào tường ăn đạn.

Nhưng tiếng la hò giận dữ của công nhân làm nó phải đánh bài chuồn ra phía nhà ga. Tên tư lệnh quân quản nhà ga gọi điện báo về. Từ trong thành phố đã có cam-nhông chở đầy lính Đức chạy như bay, lao tới.

Công nhân bắt đầu giải tán, ai về nhà nấy. Tất cả mọi người đều bỏ việc, ngay cả các bạn ký ga cũng bãi công. Công việc của Giu-khơ-rai đã mang lại kết quả: đây là cuộc đấu tranh đầu tiên có tính chất quần chúng ở nhà ga xe lửa.

Bọn Đức đặt trọng liên trên thềm nhà ga. Khẩu súng ghếch nòng chồm chỗm như một con chó săn. Một tên cai Đức quỳ bên cạnh, một tay để sẵn lên quy- lát.

Nhà ga vắng tanh.

Đêm ấy bắt đầu bắt bớ. A-rơ-chom cũng bị bắt. Giu-khơ-rai không ngủ ở nhà, nên chúng không tìm thấy anh.

Bọn chúng dồn người bị bắt vào một nhà kho chứa hàng rộng thênh thang và chúng đặt điều kiện cuối cùng: hoặc là tiếp tục đi làm, hoặc là ra tòa án quân sự.

Suốt dọc con đường sắt này hầu hết công nhân xe lửa đều bãi công. Suốt hăm bốn tiếng đồng hồ, không có chuyến tàu nào chạy. Cách nhà ga một trăm hai mươi cây số có xảy ra đánh nhau với một đội du kích mạnh, đội này đã cắt mất đường và phá các cầu rồi.

Đêm có một đoàn tàu chở lính Đức kéo đến ga. Nhưng tàu vừa đến nơi thì thợ máy, ét và người đốt lò đều bỏ trốn khỏi đầu.máy rồi. Thế mà ngoài chuyến tàu này lại còn hai chuyến tầu nữa cũng chờ đến lượt khởi hành.

Cánh cửa sổ đầu máy xe lửa nặng trịch mở ra, tên quan hai Đức tư lệnh quân quản nhà ga, tên tư lệnh phó và một toán Đức bước vào.

Tên tư lệnh phó gọi: “Những tên sau đây: A rơ- chom Ca-rơ-sa-ghin, Pô-len-tốp-ski, Bơ-ru-giắc có nhiệm vụ lái chuyến xe lửa này đi. Nếu từ chối, bắn ngay tại chỗ. Có đi không?”

Ba người thợ buồn rầu cúi đầu. Một toán lính Đức chĩa lưỡi lê kèm họ đến đầu máy, tên tư lệnh phó đã quay sang chỉ định người lái, ét và đốt lò cho chuyến tàu đi sau.

*

Đầu tàu xe lửa giận dữ phì phì chuyển mình, bắn tung tóe như mưa những tia lửa sáng, vừa thở hồng hộc, vừa lướt trên đường ray, lao nhanh như xoáy vào khoảng đêm dày đặc. A-rơ-chom đổ đầy than vào lò, lấy chân đá cửa lò sập lại, với cái ấm ngắn vòi ở ngăn tủ, tu một ngụm nước, rồi quay ra hỏi người thợ máy già Pô-len-tốp-ski:

– Ta đành chở chúng nó đi sao, bố già?

Người thợ già tức tối chớp chớp đôi mắt dưới nếp lông mày rũ xuống:

– Bị gí lưỡi lê vào lưng, không chở chúng nó đi cũng không được.

Bơ-ru-giắc vừa liếc mắt nhìn về phía tên lính Đức ngồi gác ở toa than, vừa đề nghị:

– Bỏ cả đấy rồi chuồn khỏi xe là hơn cả.

A-rơ-chom lẩm bẩm:

– Tôi cũng nghĩ thế, song kia kìa còn thằng chó Đức đằng sau lưng.

Bơ-ru-giắc ló đầu ra cửa sổ, giọng kéo dài:

– Ừ..

Pô-len-tốp-ski lại gần A-rơ-chom thì thầm:

– Ta không thể nào chở chúng đi được, chú hiểu chứ? Đang đánh nhau ngoài ấy, du kích đã phá đường. Mà ta nỡ nào lại dẫn lũ chó này trong chốc lát đến thịt anh em. Chú phải biết, ngay thời còn Nga hoàng, tôi cũng không bao giờ chịu chở lính đến trong khi anh em ta bãi công. Huống chi là ngày nay, ngần này tuổi đầu, tôi lại đi làm việc ấy. Chở quân chúng nó đi đàn áp anh em mình là một cái nhục mang suốt đời, đến chết chưa hết nhục. Kíp thợ máy trước đã bỏ chạy được. Họ liều mạng thật, nhưng họ vẫn cứ chạy đấy. Chúng ta còn mặt mũi nào mà chở chuyến xe này đi được, chú mày nghĩ sao?

– Đồng ý với bố già lắm, song còn thằng chó chết kia thì bố tính thế nào? – A-rơ-chom đưa mắt chỉ tên lính Đức.

Ông lão thợ máy cau mày lấy khăn thấm mồ hôi trán, cặp mắt nẩy lửa nhìn chằm chặp vào chiếc ma- nô-mét (áp kế, một thứ máy đo sức đẩy của hơi trong đầu máy xe lửa) như hy vọng tìm ra lối thoạt trước cảnh bí đang giày vò mình. Nghĩ mãi không ra, người thợ già thất vọng phát bẳn, văng ra một câu chửi rủa.

A-rơ-chom lại vớ lấy ấm nước tu. Cả hai người cùng nghĩ như nhau, song không ai dám ngỏ ý trước. A- rơ-chom bỗng nhớ đến câu mà Giu-khơ-rai đã có lần hỏi anh: “Anh thấy Đảng bôn-sê-vích và tư tưởng cộng sản thế nào?”

Và A-rơ-chom đã trả lời câu hỏi ấy: “Tôi lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ. Anh có thể tin ở tôi…”.

“Và bây giờ cách ta đang giúp mới quý chứ ! Ta chở bọn Đức đi đàn áp anh em…”.

Pô-len-tốp-ski cúi xuống hòm dụng cụ, ghé sát vào A-rơ-chom dằn từng tiếng:

– Thằng gác kia, phải tiêu nó, chú hiểu không?

A-rơ-chom rùng mình. Pô-len-tốp-ski nghiến răng nói thêm:

– Không có cách nào khác. Đập chết nói đi, vứt máy điều hơi và các dụng cụ vào lò, hãm xe chạy chậm và nhảy xuống chuồn.

Như cất được gánh nặng khỏi vai, A-rơ-chom nói:

– Được.

A-rơ-chom ghé sát vào Bơ-ru-giắc và cho biết quyết định ấy.

Bơ-ru-giắc không trả lời ngay. Người nào cũng đang đứng trước một mối nguy lớn. Cả ba đều có gia đình ở nhà. Gia đình ông già Pô-len-tốp-ski lại đông người: vợ con cả thảy chín nhân mạng. Song cả ba đều hiểu rằng không thể nào chở chúng nó đi được.

Bơ-ru-giắc nói:

– Còn gì nữa! Tôi đồng ý. Nhưng trong ba chúng ta, người nào sẽ…

Bơ-ru-giắc không dám nói hết câu, nhưng A-rơ- chom thoáng nghe đã hiểu ngay.

A-rơ-chom quay lại phía ông già đang loay hoay bên cái máy điều hơi, gật đầu ra hiệu như muốn báo .tin Bơ-ru-giắc cũng cùng ý kiến đó; nhưng, ngay lúc ấy, lòng bứt rứt vì một vấn đề chưa giải quyết, anh nhích lại gần ông già Pô-len-tốp-ski:

– Bây giờ ta làm thế nào hở cụ?

Cụ Pô-len-tốp-ski nhìn A-rơ-chom:

– Chú khởi sự đi, chú khỏe nhất trong bọn. Cầm lấy xà beng gõ vào sọ nó, cắc một cái là xong thôi.

Ông cụ không giấu nổi được hồi hộp.

A- rơ-chom cau mày:

– Cháu không làm được đâu, cụ ạ. Tay cháu nó sẽ không làm sao mà nhấc lên được đâu. Nghĩ cho cùng thì thằng lính này cũng chẳng có tội tình gì. Cả nó nữa cũng chỉ vì lưỡi lê gí vào sau lưng mà phải đi thôi.

Mắt ông già long lên trong bóng tối:

– Chú bảo nó không có tội? Thế thì chúng ta lái chuyến xe này cũng có phải lỗi ở chúng ta đâu. Chúng ta cũng chỉ vì bị nó bức mà phải lái xe ở đây thôi. Chúng ta chở bọn đi đàn áp. Và nói như chú, bọn ấy cũng vô tội tất và bọn vô tội ấy sẽ đi bắn xả vào anh em du kích. Thế ra anh em du kích mình là những kẻ có tội đấy chắc? Chú to xác mà bụng dạ y như bụng dạ chim sẻ. Trông chú ai chả bảo chú khỏe như gấu, thế mà chẳng có gan làm, anh em cậy ở chú…

– Được. – A-rơ-chom nói khàn khàn và tay cầm lấy xà beng. Nhưng Pô-len-tốp-ski đã rỉ tai: “Không, để xà beng cho tôi. Tôi dùng chắc hơn. Chú cầm cái xẻng rồi leo lên xúc than ở toa hắt xuống. Lúc cần đến thì cho tên lính Đức một nhát xẻng. Còn tôi cầm xà beng thì giả tảng như đi đập những cục than to vậy”.

Bơ-ru-giắc gật đầu:

– Cụ nói phải – Rồi bác ta ra đứng trước cái máy điều hơi.

Tên lính Đức đội mũ chào mào dạ chóp đỏ, đang ngồi ở mép toa than phì phèo hút thuốc lá, súng kẹp vào đầu gối, thỉnh thoảng mới đưa mắt nhìn những người thợ đang loay hoay trên đầu tàu.

Khi A-rơ-chom đã trèo lên xúc than, tên lính gác cũng chẳng để ý gì cả. Đến lúc ông già Pô-len-tốp- ski giả đò lấy xà beng hất những tảng than to ở thành toa vào trong, ra hiệu bảo hắn lùi lại, hắn ngoan ngoãn lùi xuống, nép mình vào cửa buồng thợ máy để cho ông già rộng chỗ làm.

Tiếng xà beng choang vào sọ tên Đức đánh cắc một cái, nghe khô và gọn, làm A-rơ-chom và Bơ-ru- giắc giật thót mình như người phải bỏng. Xác tên giặc đổ vật ra lối đi như một bao than.

Chiếc mũ chào mào màu dạ xám chẳng mấy chốc hoen đẫm máu đỏ. Đầu súng đánh vào thành toa kêu đến choang một tiếng.

– Thôi, thế là xong. – ông già Pô-len-tốp-ski ném cái xà beng xuống, miệng lẩm bẩm thế, người rung lên, ông nói thêm: – Bây giờ chúng ta không thể lái lùi lại được nữa.

Giọng ông cụ vỡ ra, nhưng để phá tan cái im lặng quá nặng nề trùm lên mọi người, ông liền kêu to lên:

– Thôi, tháo máy điều hơi đi. Tháo đi! Nhanh tay lên !

Mười phút sau, mọi việc xong xuôi, con tàu không lái chạy chậm dần.

Những bóng đen cây cối bên đường đang hiện lên sừng sững trong khoảng sáng của ánh đèn tàu bỗng nhiên chìm nghỉm trong bóng đêm mù mịt. Đèn pha ở đầu tàu cố rọi vào bóng tối song chỉ còn loe ra được vài thước chung quanh. Con tàu như đã kiệt sức, trút hơi thở tàn, mỗi lúc một chậm lại.

“Nhảy xuống đi chứ!” Tiếng ông già Pô-len-tốp-ski vang lên đằng sau A-rơ-chom. Anh buông tay vịn. Thân hình to lớn của anh văng ra phía trước. Chân chạm đất và mặt đất như chuội bắn đi. Anh theo đà còn loạng choạng chạy thêm hai bước, rồi ngã lăn kềnh ra đất.

Hai bóng người nữa từ hai bậc nhảy xuống, lướt theo sau anh.

*

Cảnh nhà Bơ-ru-giắc không được vui. Bác Bơ-ru- giắc gái, mẹ Xê-ri-ô-gia những lo mà rạc người đi vì bốn hôm nay, không nhận được tin gì của bác trai. Bác chỉ biết chồng mình bị Đức bắt đi làm kíp xe với anh A-rơ-chom và cụ Pô-len-tốp-ski. Hôm qua lại có ba thằng cảnh binh nguy đến sừng sộ nạt hỏi và chửi rủa. Thấy thế, bác lo lắng, mang máng đoán chắc có chuyện gì chẳng lành đây. Sốt ruột quá, bọn vệ binh vừa đi khỏi, bác lấy khăn choàng đầu sang bên nhà bà cụ đẻ ra A-rơ-chom may ra hỏi thăm được tin tức gì về chồng mình.

Va-li-a đang dọn dẹp dưới bếp, thấy mẹ sắp đi, hỏi mẹ:

– U đi đâu có xa không, u?

Mắt bác đỏ hoe, giàn giụa, nhìn con gái lớn, trả lời:

– U sang nhà bà cụ Ca-rơ-sa-ghin. May ra có tin gì của thầy. Hễ thằng Xéc-gây về, bảo nó đảo qua nhà bà cụ Pô-len-tốp-ski hỏi thăm xem.

Va-li-a hai tay trìu mến ôm lấy mẹ, tiễn ra cửa, lựa lời an ủi:

– U đừng lo, u ạ!

Bà cụ Ca-rơ-sa-ghin bao giờ thấy bác Bơ-ru-giắc gái sang chơi cũng tiếp rất mặn mà. Cả hai bà đều tưởng người nọ hỏi thăm người kia được tin tức mới, nhưng qua mấy câu vào chuyện, cả hai cùng thất vọng như nhau.

Đêm qua, nó cũng khám nhà Ca-rơ-sa-ghin.

Chúng sục tìm A-rơ-chom. Khi bỏ đi, chúng còn ra lệnh cho bà cụ Ca-rơ-sa-ghin hễ thấy con về phải lên đồn báo ngay.

Bà cụ lấy làm lo sợ việc bọn lính tuần cảnh nguy đến sục ban đêm như thế. Lúc ấy, chỉ có một mình bà ở nhà. Pa-ven làm ca đêm ở sở điện.

Sáng hôm sau, Pa-ven về nhà rất sớm. Khi nghe mẹ kể chuyện đêm qua cảnh binh đến khám và sục tìm A-rơ-chom, Pa-ven hết sức lo ngại cho số phận anh A-rơ-chom. Tuy tính tình hai người khác nhau, A-rơ-chom bề ngoài lại hay bốp chát, song hai anh em yêu quý nhau lắm. Quý nhau một cách nghiêm khắc, không mơn trớn mà cũng chẳng cắn nói ra lộ liễu và Pa-ven tự mình thấy rõ nếu anh cần đến thì có phải hy sinh thế nào cũng không quản, không do dự.

Không nghỉ một phút, Pa-ven chạy ngay ra sở đầu máy xe lửa, tìm Giu-khơ-rai, song không thấy anh đâu cả. Những anh em thợ Pa-ven quen cũng không biết tin gì về ba người. Nhà Pô-len-tốp-ski cũng tuyệt không biết tin gì về ông cụ. Pa-ven chạy sang nhà ông cụ, đến sân gặp ngay người con trai út là Bô-rít cho biết nhà anh ta cũng bị khám. Nó sục tìm cụ Pô-len-tốp-ski.

Pa-ven trở về nhà với mẹ, không được mảy may tin tức gì cả. Người mệt mỏi, anh uể oải nhoài xuống giường và chốc lát đã ngủ thiếp đi giấc ngủ chập chờn, thấp tha, thấp thỏm.

Có tiếng gõ cửa, Va-li-a quay ra hỏi: “Ai đấy?” và nâng then cài.

Cửa mở, Cơ-lim-ca Mác-chen-cô thò cái đầu bù tóc đỏ hung vào. Mặt đỏ bừng, hơi thở hổn hển, chắc là vừa chạy rất nhanh lại đây.

– Bà cụ có nhà không?

– Không, vừa đi xong.

– Đi đâu có biết không?

– Sang nhà bà cụ Ca-rơ-sa-ghin thì phải.

Cơ-lim-ca chực quay chạy đi, thì Va-li-a níu tay áo giữ lại.

Cơ-lim-ca nhìn Va-li-a, vẻ do dự:

– À, tôi tìm bà cụ có tí việc.

– Việc gì thế, anh? – Va-li-a lắc tay Cơ-lim-ca hỏi gặng. – Nói đi mau lên, con gấu con lông đỏ hung nói đi, không em sốt ruột lắm rồi. – Giọng Va-li-a nói như ra lệnh.

Cơ lim-ca liền quên mất lời dặn đi dặn lại của Giu- khơ-rai đã bảo cậu nhất thiết phải đưa thư này đến tận tay bác Bơ-ru-giắc gái và tuyệt đối giữ bí mật. Cậu ta thò ngay vào túi móc ra một mảnh giấy dầu mỡ lem luốc chìa cho Va-li-a. Đối với cô bé tóc vàng em gái Xéc-gây này, Cơ-lim-ca không thể từ chối một điều gì vì có bao giờ cậu ta hoàn toàn xác định được tình cảm của mình đối với cô bé rất kháu ấy đâu. Nói thật ra thì cậu bé phụ bếp vốn tính khiêm tốn, không rỉ răng nói với ai là mình mến Va-li-a, ngay đối với bản thân, cậu cũng không dám thú thật điều đó.

Va-li-a đưa mắt đọc bức thư ngắn:

“Nhà, nhà đừng lo. Đây bình yên cả. Chúng tôi vẫn còn sống, vẫn yên ổn. Sau sẽ biết rõ đầu đuôi. Nói cho bà con yên tâm. Xem xong hủy ngay. BƠ-RU-GIẮC”

Đọc xong thư, Va-li-a bổ đến bên Cơ-lim-ca:

– Gấu con lông đỏ của em, anh lấy thư này ở đâu ra thế anh, anh bảo cho em biết với? Anh nói đi anh, ai đưa cho anh bức thư này.

Va-li-a lắc người cậu ta rất mạnh. Và cậu bé khốn khổ, đang say như điếu đổ không sao cưỡng được, lại phạm khuyết điểm lần thứ hai:

– Anh Giu-khơ-rai đưa cho tôi ở ngoài ga.

Song lại nhớ ra không được nói, cậu ta nói vớt lại:

– Nhưng anh ấy bảo phải giữ bí mật, không được đưa mảnh giấy cho bất cứ người nào khác.

Va-li-a cười đáp:

– Được được em không nói lộ với ai đâu. Giờ thì anh chạy sang nhà Pa-ven tìm mẹ em bên ấy. – Rồi cô lấy tay khẽ đẩy vào lưng Cơ-lim-ca.

Nháy mắt đã thấy cái đầu tóc hung của Cơ-lim- ca thoáng biến sau cổng hàng rào.

Ba người thợ vẫn chưa ai về cả. Buổi tối Giu-khơ- rai đến chơi nhà Ca-rơ-sa-ghin kể cho bà cụ nghe tất cả câu chuyện xảy ra trên chuyến xe lửa. Bà cụ hoảng sợ, Giu-khơ-rai hết lời khuyên giải, nói rằng ba người giờ tạm lánh ở một vùng quê xa, ở nhờ nhà chú ruột Bơ-ru-giắc, yên ổn lắm. Bây giờ về ngay không lợi, song không lâu lắm đâu, vì quân Đức đang bị nguy khốn to rồi, tình hình sẽ biến chuyển.

Việc xảy ra làm cho ba gia đình đã thân càng thêm thân. Họa hoằn có thư gửi về, cả ba nhà cùng vui mừng đọc. Song nhà nào nhà ấy, vì vắng người lớn, ngày càng thấy tẻ lạnh và im lìm.

Một hôm, ra vẻ như bất chợt rẽ vào thăm nhà bà cụ Pô-len-tốp-ski, Giu-khơ-rai đưa tiền cho bà cụ:

– Bà mẹ ạ, ông cụ gửi về đây, nhưng bà mẹ đừng nói hở với ai nhé!

Bà lão cảm kích nắm lấy tay Giu-khơ-rai:

– Cảm ơn bác lắm! Ông nhà tôi bị nạn, nhà cửa túng quá. Không còn đồng nào đong gạo cho các cháu ăn nữa.

Sự thật, tiền ấy lấy ở số tiền quỹ hoạt động do Bun-ga-cốp để lại.

Trên đường từ nhà bà cụ Pô-len-tốp-ski về sở đầu máy xe lửa, Giu-khơ-rai vừa bước vừa suy nghĩ, lòng những cảm phục:

“Được được. Ta thử xem rồi sẽ ra sao. Bãi công tuy đã thất bại, anh em công nhân bị chúng dọa bắn, tuy đành phải chịu vào làm, song ngọn lửa đấu tranh đã nhóm lên, chúng không thể nào dập tắt được nữa. Còn như cánh ba người kia thì thật là can đảm, thật cừ. Đúng con nhà vô sản”.

*

Ba người thợ lánh nạn ở một khu cách biệt bên ngoài làng Vô-rô-bi-ô-va, trong một lò rèn cũ nhỏ bé, vách ám khói quay lưng ra đường cái. Cụ Pô-len-tốp- ski đang đứng trước cửa lò lửa bốc phần phật. Ánh lửa chói lòa làm mắt cụ nheo lại. Tay cụ cầm cái kìm dài, lật đi lật lại cục sắt đã nung đỏ.

A-rơ-chom đang thụt cái bễ thổi lửa treo vào xà ngang. Pô-len-tốp-ski cười hiền lành, rung rung bộ râu. Người thợ máy già nói:

– Thời buổi này, tay thợ về vùng quê chẳng chết đói đâu. Lúc nào cũng có việc làm, muốn việc là có ngay. Đấy, cứ làm ở đây lấy một hai tuần nữa xem, có gạo thịt gửi về cho trẻ mỏ ở nhà chứ chẳng chơi. Chú thấy đấy, ở nông thôn, họ quý thợ rèn lắm. Cánh ta ở đây ăn thật chẳng khác gì tư sản, chẳng mấy chốc sườn nung núc mỡ cho mà xem. – Cụ cười hì hì, rồi tiếp: – Còn bác Bơ-ru-giắc thì xem chừng lại càng gắn chặt với bà con nông dân lắm. Tay ấy đã cắm chặt vào đất nhà ông chú ruột rồi. Mà thế cũng phải, chỉ có lão đây và chú mày là không có lấy tấc đất cắm dùi, chúng mình chỉ độc có lưng trần với hai bàn tay trắng, thật đúng như người ta nói là vô sản mạt đời, hì hì. Chứ bác Bơ-ru-giắc thì người bác chia làm đôi: một chân đứng trên đầu máy xe lửa, còn chân kia thì lại đứng ở nông thôn. – Lấy kìm đụng vào cục sắt cháy đỏ, giọng trở nên nghiêm nghị; ông cụ trầm ngâm nói thêm: – Nói thật chứ, cảnh chúng ta nguy lắm đấy chú ạ! Bọn Đức không cuốn gói đi sớm thì cánh mình phải lo chuồn trước sang vừng Ê-ca-chi- ri-nô-sláp hay sang Rô-stốp đi thôi, kẻo chúng nó tóm được thì sẽ bị treo cổ, đầu không tới trời, chân không tới đất mất, chắc chắn là như thế.

A-rơ-chom lẩm bẩm:

– Cháu cũng nghĩ thế bố già ạ.

– Không biết nhà chúng mình ra sao? Chắc là người nhà bị bọn ngụy đến làm rầy rà lắm đấy?

– Chứ sao nữa bố già! Ta đã mó tay vào việc thì đành bỏ mặc nhà cửa thôi.

Cụ Pô-len-tốp-ski rút trong lò ra cục sắt nungđã xanh biếc và nhanh tay đặt lên đe.

– Chú mày đập đi.

A-rơ-chom vớ lấy chiếc búa tạ dựng bên đe, vung mạnh quá đầu rồi quai xuống. Tia lửa rào rào bắn tung tóe, làm những xó tối lò rèn bỗng lóe sáng lên trong chốc lát.

Cụ già lật đi lật lại cục sắt cháy đỏ chìa cho A- rơ-chom nện búa. Miếng sắt ngoan ngoãn dẹt mỏng ra như cục sáp ong mềm. Đêm tối đưa hơi gió ấm vào cổng mở toang cửa lò rèn.

*

Mặt hồ bao la thăm thẳm. Rặng thông cuốn lấy quanh hồ, ngọn thông đường bệ lắc lư, gật gù trước gió.

Nhìn thông, Tô-nhi-a nghĩ thầm: “Y như những người thật”. Cô ngả mình trên khoảng cỏ xanh, giữa bờ sỏi đá. Trên cao là rừng thông già trấn ngự, phía dưới, ở chân mỏm đá dốc đâm dọc thẳng xuống nước là mặt hồ. Bóng đá in thêm màu sẫm lên mặt nước ven bờ thăm thẳm.

Đây là nơi Tô-nhi-a ưa đến ngồi chơi. Cách đấy một dặm đường, trong những thung sâu bỏ hoang, giữa những mỏ đá cũ, trước kia có những dòng suối tuôn ra, và ngày nay đã thành ba cái hồ thông nước. Ở phía dưới, gần bờ có tiếng vỗ nước bì bõm đâu đây. Tô-nhi-a ngẩng nhìn, lấy tay vạch cành lá thì thấy một thân hình mềm mại nâu bóng đang bơi rất khỏe từ bờ ra giữa hồ. Cái lưng rám nắng và mớ tóc nâu hì hụp như con rái cá đang rẽ nước bơi lên, lúc ngụp vào nước, lúc nhào lên vùng vẫy, mệt rồi thì nằm ngửa phơi nắng, đôi mắt nhắm nghiền cho khỏi chói, hai tay vòng lại, người hơi khom khom không động đậy.

Tô-nhi-a buông cành lá, mỉm cười, tự nhạo mình:

– Mình khỉ thật, sao lại nhìn người ta tắm.

Và Tô-nhi-a cầm sách đọc.

Mải xem cuốn sách của Vích-to Lê-sinh-ski cho mượn, Tô-nhi-a không để ý có bóng người vừa leo qua bờ sỏi giữa gò đất và rặng thông. Bỗng đâu, một hòn sỏi theo chân người vừa leo rơi vào cuốn sách. Tô- nhi-a giật mình ngẩng đầu lên, Pa-ven đứng ngay trước mặt cô, ngạc nhiên và ngượng ngùng vì cuộc gặp gỡ bất ngờ này.

Nhìn thấy tóc Pa-ven ướt, Tô-nhi-a đoán: “Ra người tắm ấy là anh ta”.

Pa-ven lúc ấy cũng nhận ra người con gái hôm xưa.

– Cô đấy à? Tôi có làm cô hãi không? Tôi không biết cô ngồi đây.

Nói rồi, Pa-ven vịn tay vào bờ sỏi, định bỏ đi.

– Không sao đâu, anh ạ. Nếu anh không bận, mời anh ngồi chơi, ta nói chuyện.

Pa-ven ngạc nhiên nhìn Tô-nhi-a:

– Ta nói chuyện? Chuyện gì mới được?

Tô-nhi-a mỉm cười:

– Sao anh cứ đứng thế ? Ghế đây, mời anh ngồi.

Tô-nhi-a chỉ cho Pa-ven một tảng đá và hỏi Pa-ven:

– Tên anh là gì nhỉ?

– Páp-ca Ca-rơ-sa-ghin. (Páp-ca cũng là Pa-ven, nhưng gọi tục và thân)

– Còn tôi là Tô-nhi-a. Thế là chúng ta quen nhau rồi nhớ.

Pa-ven luống cuống vò mũ cát-két.

Tô-nhi-a phá sự im lặng:

– Tên anh là Páp-ca à? Sao lại gọi là Páp-ca? Gọi thế không đẹp. Gọi là Pa-ven hay hơn. Tôi sẽ gọi anh là Pa-ven đấy. Anh có hay đến đây… – Ý Tô-nhi-a muốn nói “có hay đến đây tắm không?” nhưng ngại không muốn để Pa-ven biết mình đã trông thấy anh ta tắm nên nói trệch đi: – Anh có hay đến đây chơi không?

– Không, cũng tùy, thỉnh thoảng có lúc nào rỗi mới đến.

– Thế anh đi làm à?

– Tôi là thợ đốt lò ở sở điện.

Tô-nhi-a bỗng hỏi bất ngờ:

– Ai dạy anh đánh võ mà anh đánh giỏi thế, hở anh?

Pa-ven phật ý, càu nhàu:

– Tôi đánh nhau thì việc gì đến cô mà cô hỏi?

Tô-nhi-a cảm thấy Pa-ven không bằng lòng câu hỏi của mình, vội nói:

– Đừng giận, anh Pa-ven ạ. Tôi muốn biết lắm chứ. Đánh như anh đánh hôm trước, thật là tay võ. Anh đánh ác lắm.

Và Tô-nhi-a phá lên cười. Pa ven hỏi lại:

– Ra cô thương hại cái thằng nhắng ấy à?

– Có đâu, trái lại thế nữa. Xu-khác-cô ăn đấm thế là đáng đời lắm. Tôi thấy anh đánh hắn, tôi thích lắm. Tôi nghe người ta nói anh hay đánh nhau lắm thì phải.

Pa-ven bị chạm nọc, hỏi lại:

– Ai bảo cô thế ?

– Vích-to con nhà Lê-sinh-ski bảo là anh chuyên môn đi đánh nhau.

Pa-ven sa sầm nét mặt:

– Vích-to là một thằng đểu, một tên công tử bột chỉ được cái õng ẹo. Tôi tha không tát cho nó vỡ mặt là phúc. Hôm nọ tôi nghe rõ nó đặt điều về tôi với cô, song tôi không thèm đánh nó cho bẩn tay.

Tô-nhi-a can:

– Sao anh Pa-ven ăn nói cục thế ? Thế không tốt đâu !

Pa-ven phát cáu: “Mình rõ vớ vẩn, tự nhiên lại đi bắt chuyện với con nhóc con này làm gì? Con bé gớm thật, lại đi bắt bẻ lời ăn tiếng nói của mình. Nó toàn lên mặt dạy mình: lúc thì nó không thích tên là “Páp- ca”, lúc thì bảo là “đừng ăn nói cục”.

Tô-nhi-a hỏi:

– Sao anh lại ghét Vích-to đến thế ?

– Bởi vì nó là một con tiểu thư mặc quần áo đàn ông, nó là con cưng nhà quý tộc, một công tử bột, chứ không phải là thanh niên. Trông cái mặt nó thườn thượt như đứa không hồn. Gặp những đứa như thế, tôi ngứa tay lắm. Nó con nhà giàu, nó chỉ chực trèo lên đầu lên cổ người ta. Nó tưởng nó muốn làm gì người khác cũng được. Tôi đây thì tôi nhổ toẹt vào cái giàu của nó. Nó cứ đụng đến tôi thì nó biết tay tôi. Những quân ấy phải dạy chúng bằng quả đấm này mới được. – Giọng Pa-ven đầy giận dữ.

Tô-nhi-a tiếc là đã nhắc đến tên Vích-to trong câu chuyện. Cậu này chắc có chuyện gì lôi thôi từ cũ với anh chàng Vích-to õng ẹo đây. Tô-nhi-a xoay ra cố lái vào câu chuyện từ tốn hơn, hỏi thăm gia đình, công ăn việc làm của Pa-ven.

Pa-ven không những bớt giận mà còn quên cả muốn đi ngay và cứ thế vui chuyện trả lời Tô-nhi-a rất tỉ mỉ.

Tô-nhi-a nói:

– Sao anh không tiếp tục đi học nữa?

– Tôi bị đuổi học.

– Sao lại bị đuổi thế anh?

Pa-ven đỏ tai:

– Tại tôi nghịch ném thuốc lá vào bột làm bánh của lão cố dạy tôi học, nên lão ấy đuổi không cho học nữa. Lão cố ấy là một tên hiểm ác. Nó làm cho đời tôi khốn khổ.

Và Pa-ven kể tất cả đầu đuôi câu chuyện.

Tô-nhi-a tò mò chăm chú nghe. Pa-ven quên cả nỗi ngượng ngừng ban đầu, kể cho Tô-nhi-a nghe như kể cho một cô bạn quen đã từ lâu. Pa-ven kể đến việc anh A-rơ-chom đi lái chuyến xe không về. Câu chuyện thân mật, sôi nổi. Đôi trẻ không nghĩ gì đến thời gian trôi đi, đã mấy tiếng đồng hồ rồi. Bỗng Pa-ven giật nảy mình, đứng phắt dậy:

– Chết thật! Đến giờ tôi phải đi làm rồi. Tôi mải chuyện quá. Đáng lẽ bây giờ là lúc tôi phải đốt lò. Ông cụ thợ cả chắc giờ đang chửi om sòm. – Rồi lo lắng, Pa-ven nói vội: – Thôi, chào cô, giờ tôi phải chạy như phi thân đến xưởng ngay lập tức mới được.

Tô-nhi-a cũng đứng dậy ngay, khoác áo vào người:

– Tôi cũng đến giờ phải đi đây. Vậy ta cùng đi.

– Không, tôi vội, phải chạy, cô không theo kịp được.

– Anh tưởng thế? Chúng ta cùng chạy, thi xem ai nhanh.

Pa-ven đưa mắt nhìn Tô-nhi-a có vẻ khinh thường :

– Thi à? Cô thi thế nào được với tôi!

– Rồi xem. Giờ ta hãy ra khỏi đây đã.

Pa-ven nhảy qua hòn đá, chìa tay cho Tô-nhi-a, và cả hai cùng chạy ra con đường cái rộng phẳng tới nhà ga.

Tô-nhi-a dừng lại giữa đường:

– Nào, giờ chúng ta chạy nhé! Một, hai, ba. Đố anh bắt được đấy.

Và Tô-nhi-a chạy tít lên như gió lốc. Đôi đế giày xinh nhỏ bay nhanh trông như cánh bướm, gió thổi tung tà áo xanh. Pa-ven vụt đuổi theo. “Mình sẽ đuổi kịp trong nháy mắt” – Pa-ven nghĩ thế, và cắm cổ đuổi theo tà áo dài. Thế mà chạy đến tận đầu đường, gần tới nhà ga mới đuổi kịp. Đang đà chạy, Pa-ven chạm vào người Tô-nhi-a và nắm lấy vai cô. Vừa thở gấp Pa-ven vừa kêu lên mừng rỡ!

– Thế là bắt được con chim nhỏ rồi nhé!

– Bỏ ra, đau anh!

Hai người cùng thở gấp, tim cùng đập mạnh. Cuộc chạy say sưa, Tô-nhi-a mệt quá, như vô tình, trong giây phút, nép mình vào bạn; một giây phút thôi, nhưng cũng đủ làm cho Pa-ven cảm thấy Tô-nhi-a trở nên gần gũi. Chỉ chốc lát thoáng qua nhưng Pa- ven sẽ nhớ mãi.

Tô-nhi-a gỡ tay Pa-ven.

– Xưa nay Tô-nhi-a chạy không ai đuổi kịp cơ, anh ạ.

Hai người chia tay nhau, Pa-ven tay vẫn vẫy mũ cát-két rảo bước chạy đến nhà máy. Người thợ cả Đa-ni-lô đang loay hoay bên lò lửa thấy Pa-ven mở cửa vào liền quay lại đùng đùng gắt:

– Mày không để chậm nữa hãy đến! Định để tao phải đi đốt hầu thay mày đấy hẳn?

Nhưng Pa-ven vui vẻ vỗ vai người thợ cả và nói làm lành:

– Thưa bố, chỉ một thoáng là con làm lò cháy đâu vào đấy thôi.

Rồi Pa-ven cặm cụi khuân củi cho vào lò.

Nửa đêm hôm ấy, vào lúc người thợ cả đất lò Đa- ni-lô đã yên giấc trên chồng củi, tiếng ngáy khò khò như kéo gỗ, sau khi đã cho dầu mỡ vào máy xong, rửa tay đâu đấy, Pa-ven mở ô kẻo lấy tập thứ sáu mươi hai truyện Giu-dép-pe Ga-ri-ban-đi (Một lãnh tụ cách mạng dân chủ nổi tiếng của nhằn dân Ý hồi thế kỷ 19) ra đọc. Pa- ven mê mải đọc cuốn truyện kể những bước mạo hiểm liên miên của Ga-ri-ban-đi, người thủ lĩnh thần kỳ đảng “Áo đỏ” xứ Náp-lơ.

Tập truyện có câu: “Nàng ngước đôi mắt nhung xanh biếc nhìn chàng công tước…” Pa-ven chợt nhớ: “Tô-nhi-a cũng có đôi mắt xanh biếc. Cô bé ngộ thật, không giống bọn con gái nhà giàu khác tí nào. Mà lại chạy nhanh như quỷ sứ nữa”.

Mơ màng nhớ lại buổi gặp gỡ ban trưa, Pa-ven chẳng để ý gì đến tiếng máy lúc ấy rung lên ầm ĩ mỗi lúc một mạnh; hơi nhiều quá làm bánh xe quay tít điên loạn, rung chuyển cả sàn bê-tông bệ máy.

Pa-ven vội nhìn vào ma-nô-mét: Kim đã chỉ quá vạch đỏ bao nhiêu là độ rồi.

– Khỉ thật ! – Pa-ven rời ô kéo chạy bổ đến chỗ cái tay vặn hơi, quay hai vòng. Tiếng xìn xịt phụt ra từ trong ống khói sau thành lò. Pa-ven kéo tay vặn xuống, mắc dây cua-roa vào bánh xe đẩy ống bơm.

Pa-ven ngước nhìn Đa-ni-lô. May quá, ông cụ già ngủ say như chết, mồm há hốc, mũi ngáy rống lên như sấm.

Nửa phút sau, kim đồng hồ ma-nô-mét lại trở lại chỗ bình thường của nó.

*

Sau khi chia tay Pa-ven, Tô-nhi-a đi về nhà. Cô nghĩ mãi đến cuộc gặp gỡ vừa qua với người thiếu niên có đôi mắt đen kia. Tự cô cũng không hiểu sao, cuộc gặp gỡ đã làm cô thích thú.

“Ở con người anh ta có biết bao lửa sống và chí gan góc! Ừ mà anh ấy chẳng thô bạo như mình đã tưởng. Dù sao thì anh ấy hoàn toàn chẳng giống chút nào với bọn học sinh thò lò mũi xanh…”

Anh ta xuất thân từ một loại người khác, từ tầng lớp mà xưa nay Tô-nhi-a chưa có dịp sống gần.

Tô-nhi-a nghĩ thầm: “Mình có thể bảo anh ta được, và sẽ là một tình bạn hay hay”.

Đến gần nhà, Tô-nhi-a đã trông thấy Li-da con nhà Xu-khác-cô, Nen-ly và Vích-to, con nhà Lê-sinh- ski, cả ba đang ngồi trong vườn. Vích-to đang đọc sách. Tô-nhi-a biết là họ đang chờ mình.

Cô đến chào mọi người, rồi ngồi xuống ghế. Đang tán gẫu những chuyện tủn mủn thì Vích-to ngồi lại gần Tô-nhi-a nhỏ nhẹ hỏi:

– Cô đã đọc cuốn tiểu thuyết ấy chưa?

– À, cuốn tiểu thuyết ấy à? – Tô-nhi-a bỗng thốt lên: – À, tôi đã…

Cô suýt nói ra là đã để quên cuốn truyện ở bờ hồ.

Vích-to chăm chú nhìn cô:

– Cô có thích cuốn tiểu thuyết đó không?

Tô-nhi-a khẽ lấy đầu mũi giày chậm chạp vạch đi vạch lại vẽ nhằng nhịt trên mặt đường cát, suy nghĩ một lát, rồi ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào Vích-to:

– Không, tôi đã bắt đầu đọc một cuốn tiểu thuyết khác, hay hơn cuốn tiểu thuyết anh cho mượn.

– À ra thế. – Giọng Vích-to kéo dài, có vẻ bực mình.

Hắn hỏi:

– Thế tác giả là ai?

Mắt Tô-nhi-a bừng sáng lên, nhìn Vích-to có vẻ chế giễu:

– Chẳng là ai cả…

Giữa lúc đó, mẹ Tô-nhi-a đứng ở hiên gọi:

– Tô-nhi-a ơi! Con mời khách vào trong nhà ngồi chơi. Trà đã pha rồi.

Tô-nhi-a khoác tay hai bạn gái vào nhà. Còn Vích- to đi sau, suy nghĩ lung về những lời Tô-nhi-a vừa nói, không hiểu ý ra sao.

*

Tình cảm đầu tiên, chưa kịp nhận ra rõ, nhưng đã từ từ len vào đời người thiếu niên làm nghề đất lò lúc nào không biết, tình cảm ấy sao mà mới mẻ, sao mà bồi hồi, khó hiểu. Tình cảm ấy đến làm xáo động hẳn tâm hồn cậu thiếu niên vốn tính tinh nghịch và bướng bỉnh.

Tô-nhi-a là con gái người chánh sở kiểm lâm, mà chánh sở kiểm lâm đối với Pa-ven cũng cùng một giuộc với lão luật sư Lê-sinh-ski.

Lớn lên trong nghèo khổ và đói rách, Pa-ven có một thái độ thù địch với những kẻ mà mình cho là bọn giàu có. Cho nên anh thận trọng và dè chừng ngẫm về tình cảm mới chớm trong lòng. Anh không xem Tô-nhi-a như Ga-li-na, con gái người thợ đá. Ga- li-na là một người bạn con nhà bình dân, giản dị và dễ thông cảm. Còn Tô-nhi-a thì Pa-ven ngại lắm, anh sẵn sàng đối phó quyết liệt với bất cứ sự chế giễu và khinh bỉ nào của người con gái đẹp và có học thức ấy.

Đến một tuần nay, Pa-ven khống gặp lại cô gái con người chánh kiểm lâm. Cho nên hôm nay anh mới định ra bờ hồ hôm nọ, trên đường đi, anh chủ tâm lượn qua trước nhà cô ta, hy vọng may ra gặp. Đang thủng thẳng bước men hàng rào khu nhà cô, Pa-ven thấy ngay cổ chiếc áo lính thủy quen thuộc thấp thoáng ở tận cuối khu vườn. Pa-ven nhặt một quả thông bên hàng rào, nhằm ném vào chiếc áo trắng.

Tô-nhi-a quay phắt lại. Trông thấy Pa-ven, cô chạy ra hàng rào. Cô tươi cười vui sướng chìa tay ra bắt và reo lên mừng rỡ:

– Anh đến đây rồi! Anh đi đâu từ bấy đến nay ? Em có trở lại chỗ hồ nơi cuốn sách để quên, cứ tưởng là anh sẽ lại đến đấy. Anh vào trong này chơi.

Pa-ven lắc đầu từ chối:

– Pa-ven không vào đâu.

Tô-nhi-a ngạc nhiên cau mày:

– Tại sao vậy?

– Có thể cậu cô sẽ không bằng lòng đâu. Vì tôi cô sẽ lại bị mắng mất. Thế nào cậu cô cũng mắng cô sao lại đưa thằng rách rưới, chân đi đất này vào nhà.

Tô-nhi-a nổi giận:

– Anh rõ vớ vẩn, anh Pa-ven ạ. Anh vào ngay đi xem nào. Cậu em không khi nào nói gì đâu. Anh cứ vào mà xem. Vào đi anh.

Tô-nhi-a chạy ra mở cổng. Pa-ven dáng không tự nhiên ngần ngại bước theo Tô-nhi-a. Hai người ngồi chơi ở chiếc bàn tròn chôn hẳn xuống vườn.

Tô-nhi-a hỏi:

– Anh có thích đọc sách không?

Pa-ven đã bạo lên:

– Có. Thích ghê lắm.

– Thế trong các sách đã đọc, anh thích quyển gì nhất?

Pa-ven nghĩ một lát rồi trả lời.

– Truyện Giu-dép-pa Ga-ri-ban-đi.

– Đọc là Giu-dép-pe G-ri-ban-di chứ! – Tô-nhi-a chữa lại. – Anh thích quyển ấy lắm à?

– Thích chứ. Tôi đọc lẻ từng kỳ. Sáu mươi tám kỳ rồi, không sót kỳ nào, mỗi lần lĩnh lương, tôi mua năm số liền. Như Ga-ri-ban-đi mới thật là một con người! – Giọng Pa-ven đầy vẻ thán phục. – Anh hùng thật ! Tôi hiểu lắm, đấy là một anh hùng chân chính. Ga-ri-ban-đi đã bao lần đánh nhau với quân thù và bao giờ cũng thắng chúng. Lại đi khắp bao nhiêu nước. Chà, giá ông ta còn sống đến bây giờ, tôi sẽ tìm đến xin theo ngay. ông ta mộ toàn công nhân vào đảng và chỉ vì những người nghèo mà chiến đấu thôi.

– Anh có muốn lên xem tủ sách của em không? Lên em mở tủ ra anh xem.

Tô-nhi-a nói, rồi dắt tay Pa-ven đi. Nhưng Pa-ven cương quyết chối từ:

– Không, không, tôi chẳng vào nhà đâu.

– Sao anh khó bảo thế. Hay anh sợ, phải không?

Pa-ven nhìn xuống đôi bàn chân không giày chẳng lấy gì làm sạch lắm, và gãi tai:

– Tô-nhi-a có chắc là cậu mợ Tô-nhi-a không đuổi tôi ra cửa không?

Tô-nhi-a giận dỗi:

– Anh đừng có nói thế nữa, không thì em giận thật đấy.

– Tô-nhi-a cho thế là lạ à? Như nhà Lê-sinh-ski chẳng hạn, họ có để tôi vào nhà đâu. Đối với công nhân, nhà lão chỉ tiếp dưới bếp thôi. Hôm nọ tôi có việc sang bên ấy, con Nen-ly nó cũng chẳng để cho bước vào nhà nữa. Trời biết được nó sợ cái gì, chắc là nó sợ chân tôi lấm, đi vào làm bẩn thảm nhà nó, – Pa-ven mỉm cười.

– Thôi, chúng ta vào đi – Tô-nhi-a nắm vai Pa-ven thân mật đẩy lên hiên nhà.

Tô-nhi-a dẫn Pa-ven đi qua buồng ăn đến một phòng rộng có kê một cái tủ bằng gỗ sến rất lớn. Tô-nhi- a mở toang cửa tủ ra, và Pa-ven trông thấy có đến vài trăm cuốn sách xếp thành hàng đâu ra đấy. Sách nhiều quá làm Pa-ven mê tít.

– Giờ chúng ta chọn quyển nào hay anh mang về xem, nhưng anh phải hứa đến luôn để mượn những quyển khác nữa cơ, anh nhé?

Pa-ven vui thích gật đầu:

– Sách thì tôi thú lắm.

Hai người ở chơi với nhau rất vui, suốt mấy tiếng đồng hồ. Tô-nhi-a đưa Pa-ven ra chào mợ. Gặp mẹ Tô-nhi- a, Pa-ven cũng chẳng thấy ghê gớm như mình tưởng, anh cũng thấy mến bà ta.

Tô-nhi-a đưa Pa-ven lên buồng mình, cho Pa-ven xem sách học của cô. Ở bàn chải đầu có một cái gương. Dẫn Pa-ven ra trước gương, Tô-nhi-a vừa cười vừa nói:

– Sao tóc anh để rối bù thế? Anh không bao giờ cắt tóc và chải đầu có phải không?

Pa-ven ngượng nghịu nói chữa:

– Dài quá tôi mới cạo trọc đi thôi. Chứ còn làm thế nào nữa?

Tô-nhi-a vừa cười vừa lấy lược thưa nhanh tay chải qua mái tóc rối bời của Pa-ven. Cô nhìn Pa-ven và nói:

– Bây giờ có phải khác rồi không nào? Tóc anh phải đi húi cho nó đẹp chứ. Lúc nãy, trông đầu anh y như đầu con sói rừng ấy.

Tô-nhi-a liếc nhìn cái áo sơ-mi bạc phếch, chiếc quần cộc đã mòn dũng của Pa-ven có ý không bằng lòng nhưng không nói gì cả.

Pa-ven bắt gặp cái nhìn đó và cảm thấy ngượng về cách ăn mặc của mình.

Khi chia tay nhau, Tô-nhi-a còn mời Pa-ven lại chơi luôn, và cô đã làm cho Pa-ven phải hứa là.hai ngày nữa sẽ đến rủ Tô-nhi-a đi câu.

Pa-ven nhảy tót qua cửa sổ ra vườn: anh không muốn đi qua nhà ngoài một lần nữa, sợ lại gặp phải mẹ Tô-nhi-a.

*

Vắng A-rơ-chom, nhà Ca-rơ-sa-ghin túng tợn: lương Pa-ven không đủ chi dùng.

Bà mẹ đành bàn với con: có lẽ bà lại nên đi làm chăng? Cũng được dịp là nhà Lê-sinh-ski đang cần người nấu bếp. Nhưng Pa-ven gạt đi ngay:

– Không, mẹ ạ, con sẽ xoay ra việc làm thêm: Ở sở máy cưa đang mượn người xếp gỗ phiến. Con sẽ xin làm nửa buổi, kiếm thêm thì hai mẹ con tiêu cũng vừa. Còn mẹ thì cứ nghỉ ở nhà. Để mẹ đi làm, anh A-rơ-chom về sẽ mắng con. Anh sẽ bảo: “Mày không xoay xở được cho mẹ hay sao mà để mẹ phải đi hầu hạ người ta mãi thế ?”

Bà mẹ thì bảo là bà cần phải đi làm, nhưng Pa- ven khăng khăng không nghe nên bà đành chịu thôi.

Ngay ngày hôm sau. Pa-ven đã đến làm ở sở máy cưa: đem các phiến gỗ mới cưa còn ướt xếp ra phơi cho khô. Ở đây anh gặp nhiều bạn quen như Mi-sơ- ca Lép-súc là bạn học cùng trường trước đây và Va- ni-a Cu-lê-sốp, Pa-ven cùng với Mi-sa đồng ý với nhau hai người làm chung một phần việc. Tiền lương cũng kha khá. Ban ngày Pa-ven làm ở sở máy cưa, chiều đến lại chạy tới nhà máy điện.

Làm được mười hôm, Pa-ven mang về cho mẹ một món tiền. Khi đưa tiền cho mẹ, Pa-ven ngượng ngùng di chân trên đất, trù trừ mãi mới dám nói:

– Mẹ ơi, mẹ có thể may cho con một chiếc áo xa- tanh xanh không mẹ? Như chiếc áo năm ngoái của con ấy mà. May thì tốn mất độ nửa số tiền này, nhưng con còn kiếm được nữa, mẹ đừng lo. – Rồi Pa-ven nói thêm như để xin lỗi vì đã đòi hỏi mẹ nhiều quá: – Mẹ xem đây, cái áo con đang mặc tàng quá rồi.

– Được được, con ạ, mẹ sẽ mua ngay vải hôm nay rồi mai mẹ sẽ cắt áo cho con. Ừ, phải đấy, con chẳng có chiếc áo mới nào.

Mẹ già nhìn con trìu mến.

*

Pa-ven dừng lại bên hiệu cắt tóc, thò tay vào túi, sờ lại đồng tiền rúp trong túi, rồi mới dám bước vào. Thợ cắt tóc là một chàng hóm hỉnh chỉ ghế bành cho khách.

– Mời cậu ngồi.

Ngồi lọt thỏm vào chiếc ghế bành, Pa-ven ngắm vào gương thấy vẻ mặt mình lúng túng ngơ ngơ ngác ngác.

– Húi trọc phải không cậu? – Người thợ cắt tóc hỏi.

– Vâng, à không phải. Bác hớt tóc cho tôi. Hớt thế này là húi kiểu gì bác nhỉ? – Tay Pa-ven luống cuống ra hiệu.

– Được được tôi hiểu rồi. – Người thợ cạo mỉm cười.

Mười lăm phút sau, Pa-ven đi ra, mồ hôi nhễ nhại, nhưng đầu tóc mới húi, chải lược trông chỉnh lắm. Người thợ cắt tóc phải khó nhọc mất nhiều thời giờ với mớ tóc bờm khó bảo đó, nhưng nước lã và răng lược cuối cùng đã thắng.

Ra đường, Pa-ven trút hơi thở dài, đội chụp mũ cát-két xuống tận mắt nghĩ bụng: “Mẹ mình trông thấy đầu mới sẽ nói thế nào nhỉ?”

*

Pa-ven không đến rủ đi câu cá như đã hứa, làm Tô-nhi-a bực mình lắm.

“Cái anh chàng đốt lò này chẳng lịch sự chút nào cả!” – Tô-nhi-a lấy làm bực dọc, song mãi không gặp lại Pa-ven, Tô-nhi-a cảm thấy buồn.

Cô sắp đi dạo chơi thì mẹ mở cửa vào, báo tin: “Tô- nhi-a, có khách tìm con. Mẹ mời vào nhé?”

Pa-ven đứng ở cửa. Thoạt nhìn, Tô-nhi-a cũng không nhận được ra ngay.

Pa-ven diện áo xa-tanh xanh mới tinh, quần đen, đôi giày đánh xi bóng lộn và nhất là tóc mới cắt gọn gàng, không xù lên như hôm nào, làm Tô-nhi-a chú ý ngay. Tóc không rối bù như trước nữa, cậu bé đốt lò mắt đen bây giờ trông khác hẳn.

Tô-nhi-a đã chực thốt ra nỗi sửng sốt của mình. Nhưng không muốn làm cho Pa-ven đã ngượng ra mặt lại phải bối rối thêm, nên cô làm bộ như không để ý đến sự thay đổi rõ rệt đó.

Tô-nhi-a trách ngay Pa-ven:

– Sao anh không đến rủ đi câu? Anh giữ lời hứa thế đấy? Anh không biết xấu hổ à?

Mấy ngày nay Pa-ven làm thêm ở sở máy cưa, nên không đến được.

Pa-ven không dám nói cho Tô-nhi-a biết rằng để sắm áo quần này, mấy ngày nay Pa-ven đã phải cặm cụi làm đến mệt lử. Nhưng Tô-nhi-a nghe qua đã tự đoán ra ngay và mọi nỗi bực dọc với Pa-ven đã biến đi đâu hết cả:

– Ta ra hồ chơi đi.

Hai người đi ra vườn rồi bước ra đường cái. Và Pa- ven kể cho Tô-nhi-a nghe như kể cho người bạn thân nhất câu chuyện bí mật về khẩu súng lấy cắp được của lão quan hai. Rồi anh hứa hôm nào sẽ dẫn Tô- nhi-a vào tận rừng sâu tập bắn. Bất chợt, Pa-ven buột mồm gọi Tô-nhi-a bằng “em”:

– Nhưng em nhớ, chuyện anh kể, em đừng nói lộ với ai, kẻo hại anh đấy.

Tô-nhi-a nghiêm trang hứa:

– Em sẽ không bao giờ lộ với ai để hại anh đâu, anh ạ !

Bình luận
× sticky